Chương 7: Hổ Phụng hợp quân
Liên theo Đào vào bên trong lán. Không có giường, chỉ là những chiếc võng treo lửng lơ giữa hai cột trại, hoặc vài chỗ trải chiếu trên lớp rơm khô. Đào chỉ vào một góc lán, trên đó là một tấm chiếu cói sờn cũ được trải tạm bợ:
"Tối em nằm góc kia với ta. Giờ theo ta nhận đồ."
Hai người rời lán, đi về khu trại phía tây, nơi phát vật dụng cá nhân. Liên được nhận một bộ đồ vải thô màu nâu, một khay gỗ, cùng một khúc ống tre được dùng làm ly uống nước. Tất cả đều đơn giản, mộc mạc và thiết thực. Kế đó, Đào dẫn cô tới một gian nhà khác - nơi phân phát lương thực. Không khí nơi đây đông đúc, nhộn nhịp. Hàng chục người xếp hàng chờ đến lượt, ai nấy đều kiên nhẫn và trật tự. Gian phòng chất đầy rau củ quả: bắp, khoai lang, rau xanh... Từng người được phát phần lương thực bỏ vào gùi theo danh sách ghi chép cẩn thận. Hôm nay, ngoài gùi rau và gạo, bên cạnh còn có một cái làn tre đựng một khúc thịt trăn. Đào reo lên đầy tò mò:
"Ơ, thịt trăn à? Ở đâu ra thế?"
Một chị ở tổ cấp phát cười, đáp:
"Sáng nay anh Bình mang về đấy. Nói là bắt được trong rừng."
Đào nhìn sang Liên, thích thú:
"Hôm nay chúng ta có lộc ăn rồi!"
Liên chỉ mỉm cười. Cô biết rõ khúc thịt trăn kia là phần còn lại của con vật mà chính cô đã chạm mặt và suýt bị nó nuốt chửng.
Trở về trại, Liên theo lời Đào để đồ dùng cá nhân lên chiếc kệ gỗ nhỏ sát vách, rồi nhanh chóng ra phụ bếp. Bữa sáng hôm nay đơn giản, chỉ có bắp luộc. Đào nhóm bếp bằng củi khô, Liên lo xếp từng trái bắp vào nồi lớn. Trong lúc làm, Liên hỏi:
"Ngày nào chị cũng làm công việc này sao?"
"Không đâu." Đào đáp, tay vẫn thoăn thoắt: "Mọi người chia nhóm, hai người một tổ bếp, mỗi tổ trực năm ngày. Những ngày khác thì luyện võ hoặc lao động. Phân công công bằng, không ai bị thiệt."
"Chị vào nghĩa quân lâu chưa?"
"Hơn nửa năm rồi. Lúc đó chỉ có khoảng hơn trăm người, giờ thì chắc cả ngàn người rồi."
Liên nghe mà lòng bồi hồi. Mọi người cùng nhau sống, luyện tập, chiến đấu vì một lý tưởng chung. Không còn là những dòng chữ trong sách sử, Tây Sơn bây giờ hiện hữu trước mắt cô, sống động, chân thật và đầy khí phách.
Khi nồi bắp vừa chín, mùi thơm ngọt ngào của bắp luộc lan tỏa khắp gian bếp nhỏ. Những trái bắp vàng óng, căng mọng, được vớt ra bằng chiếc vợt tre, đặt lên mâm gỗ cho nguội bớt. Khi tiếng hô luyện tập ngoài sân vừa dứt, từng người trong tổ lục tục trở về, người còn đẫm mồ hôi, áo ướt dính lưng, ai nấy đều vui vẻ. Cúc ra hiệu cho mọi người xếp hàng nhận phần ăn. Liên và Đào đứng chia phần, người để bắp vào khay, người múc một ít nước luộc bắp đổ vào trong khúc ống tre. Những đôi tay chai sần đón lấy từng trái bắp với vẻ hài lòng. Trong khoảnh khắc ấy, bữa sáng đơn sơ giữa núi rừng lại trở nên ấm cúng lạ kỳ, gắn kết những con người xa lạ thành đồng đội, thành gia đình.
Liên bất giác thấy ấm lòng. Ở đây không ai hỏi cô đến từ đâu, cũng không ai tỏ vẻ nghi ngờ. Họ chỉ cần biết cô là người cùng sống, cùng tập luyện, cùng ăn bữa cơm giống họ. Cô không còn thấy mình lạc lõng như lúc mới bước chân vào trại.
Sau bữa sáng đạm bạc với bắp luộc, cả tổ lại tản ra, ai vào việc nấy. Nhiệm vụ đầu tiên trong ngày là gánh nước từ suối về trại. Con suối nằm lưng chừng đồi, không quá xa nhưng đường đi thì chẳng dễ dàng: những lối mòn nhỏ hẹp, lởm chởm đá sỏi, rễ cây chằng chịt. Liên lặng lẽ hòa vào đoàn người đang nối nhau tiến vào rừng. Đến bờ suối, mọi người cúi xuống, động tác nhẹ nhàng như sợ khuấy đục làn nước trong vắt. Họ múc nước, rồi bắt đầu chuyền nhau những thùng nước nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc. Chặng đường gánh nước được chia thành từng đoạn ngắn, người này tiếp tay cho người kia, như một sợi dây liền lạc.
Nước sau khi được đưa về được đổ vào các vại sành đặt dọc bếp trại, dùng cho việc ăn uống, nấu nướng, sinh hoạt hằng ngày. Trong khi những người khác quay lại sân đất luyện võ, Ngồi phịch xuống tảng đá bên lán, vai đau ê ẩm, Liên lại thấy yên lòng. Ở đây, chẳng ai sinh ra đã mạnh cả. Cô múc một gáo nước đổ vào ống tre của mình, uống từng ngụm nhỏ, nước suối trong vắt mát rượi. Liên lau mồ hôi, đứng dậy, lặng lẽ bước về phía bếp, nơi Đào đang chờ cô cùng chuẩn bị bữa trưa cho cả tổ.
Dưới tán tre rợp mát, Đào đứng bên thớt gỗ cũ, thoăn thoắt ướp thịt trăn với muối, tiêu rừng, sả, hành băm và chút mật ong rừng còn sót lại. Mùi thơm đặc trưng của núi rừng lan nhẹ trong làn khói bếp cay xè. Dù còn ám ảnh hình ảnh con trăn trườn qua người ban sáng, Liên vẫn cố trấn tĩnh, rửa rau, chuẩn bị nồi canh. Trong lúc đó, Đào áp chảo thịt trăn, mỡ sôi xèo xèo, mặt thịt cháy cạnh dậy mùi thơm ngậy.
Đến giờ cơm, mọi người từ sân tập trở về, áo còn đẫm mồ hôi, xếp hàng nhận khay gỗ: cơm nóng, thịt trăn cháy cạnh và bát canh rau đơn giản. Liên ngồi bên Đào, vừa ăn vừa cảm nhận vị thịt dai, săn chắc, hoà cùng vị ngọt mát của rau rừng. Liên ngước nhìn những gương mặt xung quanh. Ai cũng ăn ngon lành, có người tấm tắc khen món mặn "lạ mà ngon."
Mỗi miếng cơm, mỗi ngụm canh dường như càng gắn kết cô với nơi này, không chỉ bằng vị giác, mà bằng một cảm giác thuộc về dần hiện rõ trong tim.
Thoắt cái, trời đã ngả về chiều. Những tia nắng cuối cùng rót mật xuống tán lá, nhuộm không gian một màu vàng nhạt dịu dàng. Sau bữa cơm chiều, Liên và Đào cùng nhau dọn dẹp, rửa chén. Cả ngày làm việc khiến đôi tay Liên chai sạn, mồ hôi nhễ nhại, người mệt nhoài, nhếch nhác. Trong lúc mọi người còn đang ngồi tán gẫu, thảo luận về những chuyện luyện tập, Liên tìm một khoảnh khắc tĩnh lặng, tranh thủ đi ra suối để tắm. Cô cầm theo bộ đồ vừa được phát hồi sáng, lặng lẽ đi về phía bờ suối.
Dòng nước trong vắt chảy róc rách, mang theo hơi mát dễ chịu khiến Liên cảm thấy nhẹ nhõm, tưởng như nước suối có thể cuốn trôi mọi mệt mỏi nặng nề trong cô. Cô ngồi xuống bờ, thả đôi chân vào dòng nước, cảm giác mát lạnh lan tỏa lên cơ thể. Cúi xuống nhìn mặt nước, Liên chợt giật mình. Phản chiếu trong nước không phải là hình ảnh quen thuộc mà cô vẫn thấy mỗi ngày. Mái tóc suôn dài, gương mặt xa lạ - đó không phải là cô.
Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Trong dòng nước lấp lánh, hình ảnh phản chiếu dường như đang chuyển động, như có ai đó đang đứng phía sau. Liên quay phắt lại, chỉ có rừng cây im lìm. Không có ai cả. Cô lại cúi xuống, nhìn kỹ hơn vào mặt nước. Đôi mắt ấy, làn da ấy, mái tóc đen dài quá lưng và hàm răng đen nhánh... giống với những người cô từng nhìn thấy ở nơi này. Tim cô đập mạnh, tay run lên bần bật. Sau một lúc trấn tĩnh lại, Liên dần hiểu ra. Chỉ có linh hồn cô xuyên tới thế giới này, trú ngụ trong thân xác của một người khác - một người đã sống ở đây từ trước. Lẽ nào giống như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt[57]".
Liên ngồi lặng bên bờ suối, đôi mắt vẫn dán chặt vào mặt nước đã dần thôi lay động. Cô đưa tay chạm nhẹ lên má mình, sờ lên mắt, môi... mọi thứ đều xa lạ. Trong đầu cô, quá khứ và hiện tại như hai mặt đối lập trên cùng một tờ giấy. Một bên là hình ảnh thành phố quen thuộc, cha mẹ, căn phòng nhỏ với những cuốn sách, những ly trà sữa dang dở. Một bên là mùi đất, mùi khói bếp, tiếng gọi nhau bằng những cái tên lạ lẫm. Cô là ai trong tất cả những thứ đó? Là Liên - cô nhân viên văn phòng của thế kỷ XXI? Hay là một ai đó đã chết, nhưng thân xác thì vẫn đang tồn tại?
Một thân thể không phải của mình, một cuộc đời không phải do mình chọn, và một định mệnh đưa cô đến nơi này không lời báo trước. Liên siết chặt bàn tay, như đang cố nắm lấy chút gì đó thật sự thuộc về mình. Nỗi sợ đã dịu lại, nhường chỗ cho một cảm giác trống rỗng, dần lặng lẽ biến thành sự chấp nhận. Thân thể này không phải của cô, nhưng nó đang sống. Và bằng một cách kì lạ, cô cũng đang sống qua nó. Dù không hiểu vì sao số phận đẩy mình đến đây, cô biết mình không thể cứ mãi chối bỏ. Kí ức, suy nghĩ, cảm xúc - tất cả vẫn là cô, chỉ là trong một hình hài khác.
Liên thả mình trong làn nước mát lạnh của con suối, tận hưởng sự yên bình nơi núi rừng. Bỗng nhiên cô nghe vẳng lại từ xa tiếng nói cười lao xao. Âm thanh mỗi lúc một rõ hơn, kéo theo những bước chân ngày một gần. Không phải chỉ một hai người mà phải đến vài chục, giọng nói toàn đàn ông, rộn ràng và náo nhiệt. Họ đang tiến lại gần bờ suối, đúng hướng mà cô đang tắm. Tim Liên đập mạnh. Cô hoảng hốt quay người, vội vàng tìm cách lên bờ, thế nhưng chưa kịp bước ra khỏi dòng nước thì đã thấy đám người đó tụ lại cách chỗ cô không xa. Trong bộ quần áo ướt sũng, dính sát vào người, Liên thấy mặt mình nóng bừng xen lẫn ngại ngùng. Cô lập tức cúi rạp người, vội vã núp sau một tảng đá lớn giữa lòng suối, thầm mong cho họ đừng nhìn thấy mình.
Đúng lúc đó, một bàn tay bất ngờ vươn tới từ phía sau, một cách nhẹ nhàng và dứt khoát bịt miệng cô lại. Liên hoảng loạn, toan hét lên thì giọng nói quen thuộc cất lên sát bên tai:
"Là tôi. Cô đừng lên tiếng!"
Giọng nói thì thào khiến Liên giật mình quay lại. Hóa ra là Quang Bình. Chưa để cô kịp mở miệng, anh đã nói tiếp, thấp giọng:
"Tôi sẽ đánh lạc hướng bọn họ."
Không chờ phản ứng của cô, Quang Bình lập tức bước ra phía trước, đứng thẳng người che khuất thân hình cô đang ẩn mình sau tảng đá. Anh bất ngờ hô to:
"Bờ bên kia, có con thỏ vừa chạy qua. Mọi người mau tản ra đuổi bắt, đừng để nó lọt mất!"
"Ở đâu? Chỗ nào?" Một giọng khác hô lên.
Quang Bình giơ tay chỉ về phía xa:
"Kia kìa, gần bụi cỏ sát bờ!"
Đám đông lập tức rộn ràng, mắt đổ dồn về hướng tay anh chỉ. Không ai còn để tâm đến phiến đá nơi Liên đang núp. Từng nhóm người lục tục tản ra, rầm rập đổ về phía ngược lại, để lại không gian bên này yên ắng trở lại. Trái tim Liên vẫn chưa thôi đập thình thịch dù đám người kia đã khuất dần về phía bên kia bờ suối. Cô nép mình sau tảng đá, toàn thân run nhẹ, không phải vì nước lạnh mà vì nỗi hoảng sợ vừa trải qua. Cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng trào lên nghẹn ngào nơi cổ họng.
Quang Bình quay mặt lại, nói nhanh:
"Bọn họ đi rồi. Cô mau lên bờ đi."
Anh chỉ về phía một con đường nhỏ lẫn trong đám cỏ rậm bên bờ:
"Cô đi theo lối mòn đó khoảng trăm thước[58], nhìn bên trái sẽ thấy một cái chòi gỗ. Vào đó thay đồ đi."
Liên hơi cúi đầu, nói lí nhí:
"Cảm ơn..."
Quang Bình nhìn cô, ánh mắt pha lẫn sự trách móc và quan tâm:
"Lần sau hãy cẩn trọng. Gặp chuyện chưa rõ thì hỏi tổ trưởng trước."
"Tôi biết rồi."
Liên khoanh tay che phía trước ngực, xoay người bước từng bước đi trở vào bờ. Quang Bình cũng xoay lưng lại, nhìn ra hướng khác.
Vừa thấy Liên trở về, tóc tai còn ướt lòa xòa, quần áo thay vội, Cúc tròn mắt nhìn, ngạc nhiên hỏi:
"Cô mới xuống suối tắm à?" Cúc hơi cau mày, giọng pha chút áy náy: "Hôm nay lu bu nhiều việc quá, ta quên dặn... Ở đây người ta chia ngày tắm riêng, nam một ngày, nữ một ngày, luân phiên nhau. Hôm nay là lượt bên trại Nam đấy. Vừa rồi... cô có chạm mặt họ không?"
Liên giật mình, tim đập nhè nhẹ, gương mặt vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Trong đầu cô lập tức hiện lại cảnh đám đông ồn ào bên bờ suối, hình ảnh Quang Bình lặng lẽ bước ra che chắn cho cô. Cô khẽ lắc đầu, nói nhỏ:
"Dạ không. Em tắm xong rồi họ mới tới."
Cúc thở phào, nửa yên tâm, nửa còn ngờ ngợ. Chị gật đầu, ánh mắt dịu lại:
"Ừm. Vậy tốt rồi. Lần sau để ý hơn nhé." Cúc chỉ tay về phía sau lán: "Cô mang quần áo ra cây sào phía sau mà phơi."
"Dạ!"
Liên ôm mớ áo quần ướt trong tay. Cô bước đi chậm rãi, lòng vẫn còn vương vấn dư âm của buổi chiều hôm nay. Một cảm giác lẫn lộn giữa ngượng ngùng và sự ấm áp, như được che chở giữa cơn mưa bất chợt.
---
Qua mấy ngày phụ giúp trong tổ bếp, Liên đã dần quen với nhịp sống của khu trại. Mỗi sáng tinh mơ thức dậy khi trời còn chưa sáng rõ, nhóm bếp, vo gạo, chuẩn bị cơm nước... Liên học thêm được nhiều kĩ năng: học cách chẻ củi, nhóm lửa, nhặt rau rừng... những việc tưởng nhỏ mà đòi hỏi sự khéo léo và quen tay.
Sáng nay thức dậy, Đào quay qua nói với cô:
"Liên, hôm nay tới lượt chúng ta được ra sân tập rồi đấy. Chuẩn bị đi!"
"Dạ!"
Khi sương còn chưa tan hết trên ngọn cỏ, tiếng tù và vang lên giữa khu rừng như một hiệu lệnh gọi dậy cả núi non. Liên theo chân Đào cùng những người khác tiến về sân tập nơi trung tâm - một bãi đất rộng rãi, được dọn sạch cỏ và san phẳng. Hàng trăm người chia thành nhiều đội, mỗi đội chừng 50-60 người, xếp hàng ngay ngắn dưới sự chỉ huy của cai đội. Phía bên nữ được chia làm ba đội còn bên nam khoảng mười mấy đội.
Tiếng hô "Tập trung!" vang lên dõng dạc từ phía trước. Bên phía đội nữ quân, ba người phụ nữ đồng loạt bước ra từ hàng đầu mỗi đội mang theo khí thế uy nghi, nghiêm nghị. Cả ba đồng loạt quát lớn:
"Khởi động!"
Tiếng hô từ hàng trăm người đồng thanh vang lên như sấm. Tất cả mọi hành động đều theo nhịp hô thống nhất. Ban đầu là những động tác khởi động cơ bản: xoay cổ tay, cổ chân, vươn vai, bật nhảy... lặp đi lặp lại đều đặn khiến cơ bắp nóng dần lên, tim đập nhanh hơn. Rồi đến những thế võ cơ bản: tấn, đấm, gạt, đá... được chia thành từng động tác đơn lẻ, luyện tập thành nhịp. Mỗi lần động tác chưa chuẩn, đội trưởng sẽ đi đến chỉnh sửa ngay.
Liên như thấy lại cảm giác quen thuộc mà lâu rồi tưởng như chỉ còn là kí ức: tuổi thiếu niên nhiệt huyết và tươi trẻ; sự tập trung, sự nghiêm khắc với chính mình, và cả niềm vui khi thân thể hòa vào nhịp điệu luyện tập.
Bài quyền hôm nay Liên được học là Hổ quyền, mô phỏng từng động tác của hổ nơi rừng sâu: khi thì rình mồi lặng lẽ, khi thì vồ mồi chớp nhoáng, khi thì gầm vang như muốn xé toang núi rừng. Các thế đánh trong Hổ Quyền dứt khoát, mãnh liệt, kết hợp giữa trảo pháp (móng vuốt), cầm nã (khống chế), tảo pháp (quét ngã) và các đòn thế liên hoàn mang tính áp đảo. Người luyện bài quyền như hóa thân thành mãnh thú, từng bước di chuyển chắc nịch, từng cú trảo, cú phách, cú quét đều toát lên sức mạnh dũng mãnh và tinh thần quyết liệt. Đây không chỉ là một hình thức luyện tập võ thuật mà còn thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí sinh tồn và sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.
Kết thúc phần luyện quyền, các đội nhanh chóng chuyển sang luyện binh khí. Mỗi đội tách riêng ra theo loại vũ khí, tạo thành ba khu luyện tập đồng bộ. Đội Một do Huỳnh Thị Cúc làm đội trưởng. Gương mặt Cúc thanh tú, ánh mắt nghiêm khắc, đầy uy lực. Trên tay cô là cây trường côn dài gần bằng thân người, vung lên mạnh như sóng trào, giáng xuống chắc như núi đổ. Từng bước chân của cô vững như cọc cắm vào đất, mỗi thế côn đều mang sức nặng của nội lực dồn xuống.
Bên cạnh là đội của Trần Thị Lan - dáng cao dong dỏng, tóc buộc gọn sau gáy. Trên tay Lan là một cây trường thương thép bạc, mũi thương lóe sáng dưới ánh nắng. Động tác của cô nhanh như gió lướt qua đồng cỏ, thân hình uyển chuyển mà không kém phần quyết đoán. Mỗi cú đâm như xé toang không khí, chuẩn xác đến lạnh người.
Người cuối cùng là Nguyễn Thị Dung, nhỏ người hơn hai đội trưởng còn lại, tay cầm đoản đao sắc bén với thế đứng thấp và chắc. Ánh đao vạch lên những đường cong chết chóc, uyển chuyển như rắn lượn, bất chợt như móng vuốt phóng ra. Dung không cần nhiều lời, ánh mắt, từng chuyển động đã toát lên sự điềm tĩnh đáng gờm của một người quen sống trong im lặng và hành động.
Ngoài ba người đội trưởng, đứng bên cạnh là Bùi Thị Xuân - gương mặt cương nghị, ánh mắt sắc như lưỡi đao. Trên lưng Xuân là song kiếm đeo chéo, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mỗi bước đi vững chắc, những đường kiếm xoay chuyển như vũ điệu sắc bén. Dù là người chỉ huy, Xuân vẫn trực tiếp tham gia luyện tập, truyền cảm hứng cho từng người bằng chính khí chất chiến binh của mình.
Dưới bóng nắng buổi sớm, sân tập như sôi lên bởi tiếng hô luyện, tiếng binh khí va chạm, tiếng gió rít theo từng chiêu thức tung ra. Liên đứng trong hàng ngũ, tay nắm chắc cây côn tre, hít sâu một hơi như để trấn tĩnh, trong lòng nửa háo hức, nửa hồi hộp. Cây côn tre trong tay cô như khơi dậy kí ức của chín năm khổ luyện nơi võ đường ngày xưa: những buổi mưa dầm trơn trượt, những vết bầm tím kéo dài theo năm tháng. Tất cả bỗng chốc hiện rõ như mới hôm qua.
"Chuẩn bị thế tấn!" Giọng Cúc vang lên, trong, rõ như chuông đồng:
"Đòn số một, bổ thẳng!"
"Đòn số hai, quét ngang!"
"Ba, xoay trụ - phản đòn!"
"Ra đòn - nhanh!"
Tiếng hô cứ thế dội đều như sóng vỗ, nhịp nhàng mà rắn rỏi. Chỉ sau vài lượt, những dấu hiệu mệt mỏi đã bắt đầu xuất hiện: người thì hụt hơi, người đánh lệch nhịp, tay trượt khỏi côn hoặc trụ chân chệch khỏi vị trí. Liên thì ngược lại. Cô càng đánh càng vững, từng động tác như ăn sâu vào phản xạ. Cây côn múa theo tay, đòn đánh lướt như gió.
Khi phần luyện giao đấu bắt đầu, các tổ viên được chia thành từng cặp đối luyện. Liên chưa kịp bắt cặp, giọng Cúc đã vang lên lần nữa, lần này không phải hiệu lệnh chung mà gọi đích danh:
"Liên... cô bước qua đây."
Liên thoáng khựng lại, bất ngờ.
Cúc nói tiếp:
"Thử sức với ta một trận."
Liên chỉ khẽ cúi đầu, như một lời chào, cũng là chấp nhận. Cô bước lên một nhịp, chuyển thế tấn. Tay côn chếch ra trước, đầu gối hạ thấp, mắt dõi thẳng. Trước mặt cô không còn là đội trưởng mà là một đối thủ. Những tiếng luyện tập xung quanh chợt lắng xuống, từng ánh mắt bắt đầu đổ dồn về phía hai người - nơi mà cuộc thử sức không báo trước vừa bắt đầu.
Cây côn gỗ trong tay Cúc khẽ xoay, nửa như điều chỉnh thế cầm, nửa như thử phản lực gió. Gương mặt cô vẫn lạnh băng, không để lộ chút cảm xúc nào. Liên giữ tấn, mắt không rời đối thủ, mọi giác quan căng ra như sợi dây cung trước giờ bắn.
Cúc ra đòn trước. Không tiếng hô, không cảnh báo, chỉ một cú bổ từ trên xuống, nhanh và gọn đến mức gần như không lấy đà. Liên nghiêng người tránh, tay côn xoay ngang đỡ lấy, lực va chạm dội xuống khiến bàn tay tê rần. Chưa kịp thở, Cúc đã xoay trụ, quét chân từ dưới lên. Liên bật lùi, côn chém chéo phản công, nhưng chỉ chạm vào khoảng không. Cúc đã trượt sang bên, di chuyển như nước lùa qua khe đá.
Họ tiếp tục xoay vòng, côn va côn, đòn gạt nối tiếp đòn gạt, phản công nối tiếp phản công. Liên đánh theo bản năng, tốc độ ngày càng nhanh, từng thế công bật ra như nước lũ. Cúc vẫn giữ nhịp đều, vững như đá tạc, mỗi lần ra đòn đều chắc, không phô trương, không thừa thãi, mà hiểm. Một cú móc côn bất ngờ của Cúc suýt đánh bật cây côn khỏi tay Liên. Cô trượt lùi, mồ hôi rịn trên trán, tim đập gấp. Ánh mắt Cúc không thay đổi, lạnh, tĩnh, như đang nhìn vào bên trong chứ không phải bên ngoài. Và trong khoảnh khắc chạm nhau ấy, Liên chợt hiểu: đây không chỉ là một trận đấu kiểm tra kỹ thuật. Cúc đang dò tìm điều gì đó - một sự chắc chắn, một câu trả lời, một bằng chứng cho điều cô chưa từng nói ra.
Liên siết chặt côn, dồn lực, trụ chân. Khi Cúc lao đến với cú xoay côn gạt ngang, lần này, cô không tránh, mà đối đòn. Côn gỗ va chạm vang lên một tiếng "chát" chát chúa. Cả hai khựng lại nửa giây, Cúc khẽ gật đầu, lùi về một bước:
"Đủ rồi."
Cúc hạ côn xuống ngang chân, ánh mắt quét qua Liên một lần nữa. Không còn cái lạnh nghiêm khắc thường thấy mà là chút tán thưởng rất khẽ, dù vẫn giữ vẻ cứng rắn:
"Khá lắm. Tay côn chắc, phản ứng tốt."
Liên cúi đầu:
"Dạ, cảm ơn chị." Liên đứng thẳng dậy, thở ra một hơi thật dài.
Cúc xoay người bước về vị trí, không hề nói thêm một lời, trận giao đấu vừa rồi chỉ là một phần nhỏ trong buổi luyện thường ngày.
Liên cũng lặng lẽ quay lại hàng ngũ, tay vẫn nắm chặt lấy côn. Cô cảm thấy cơ thể mình như đang được đánh thức, từng thớ cơ bắp, từng nhịp thở đều hướng về một điều duy nhất: trở thành một phần của đội quân này. Không còn là người đứng ngoài quan sát nữa, mà là người đang sống trong lịch sử.
Sự im lặng bao trùm sau trận đấu, những ánh mắt từ xung quanh đổ dồn về phía cô, mỗi người đều mang một suy nghĩ riêng. Một vài ánh nhìn tò mò, một vài ánh nhìn nể phục, cũng có những cái cau mày hoài nghi. Tất cả đều đang dần nhận ra rằng đội ngũ này, từ hôm nay, có thêm một người đáng để chú ý.
Từ xa, Lan thu hết mọi chuyển động của trận đấu vào trong ánh mắt sắc bén của mình, khoé môi hơi nhếch nhẹ. Đó không hẳn là một nụ cười, mà còn là một sự kì vọng âm thầm. Dung giữ im lặng, chỉ liếc một cái rồi lại cúi xuống lau đao. Đằng sau ánh nhìn thoáng qua kia là một chuỗi đánh giá thầm lặng. Cô đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, không phải ai cũng chịu được nhịp độ và kỉ luật ở đây. Cô không dễ bị ấn tượng, tuy nhiên lần này, cô buộc phải ghi nhận một điều: Liên không chỉ đến để thử sức, mà là để ở lại.
Sau buổi tập, mọi người dần tản ra nghỉ ngơi. Tiếng trò chuyện lác đác vang lên, lẫn với âm thanh kim loại của vũ khí được lau chùi, cất giữ. Liên đang ngồi tựa lưng vào một thân cây, bỗng Đào tiến lại gần, không giấu được sự hào hứng:
"Côn pháp của em tốt thật đó. Bên nữ quân không có mấy người trụ được quá ba chiêu của chị Cúc đâu. Em luyện võ được bao lâu rồi?"
Liên hơi giật mình trước lời khen, nhanh chóng mỉm cười đáp:
"Dạ, em học 9 năm rồi chị. Lâu không đánh lại, cảm giác vẫn còn chưa quen tay."
Đào trợn mắt kinh ngạc:
"Chín năm rồi sao? Nhỏ xíu đã học võ, thật là giỏi đấy!"
Liên như đứng hình. Cô nghe thấy chính mình vừa phạm sai lầm. Trong thân xác này, cô chỉ mới 13 hay 14 tuổi, nói học võ 9 năm chẳng khác nào thừa nhận mình tập từ năm 5 tuổi. Cô nuốt nước bọt, cố giữ vẻ tự nhiên, chỉnh lại ngay:
"Không phải... Ý em là em học từ năm 9 tuổi."
Đào gật đầu, không nghi ngờ gì thêm:
"Lúc đầu ta thấy em nhỏ bé, không ngờ lại võ nghệ đầy mình như vậy. Sau này có gì, hai chị em mình cùng luyện tập với nhau."
Liên nhẹ gật đầu, tim vẫn còn đập nhanh vì phút lỡ lời vừa rồi:
"Dạ."
Gió khẽ thổi, cuốn theo tiếng cười của một nhóm nữ quân đang đùa giỡn ở góc sân tập. Trong lòng Liên lại dậy lên một cơn sóng nhẹ. Cô biết, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ ở đây đều là một phần của vỏ bọc mà cô phải giữ thật kĩ.
Trong khi bên đội nữ quân đã tạm nghỉ, tiếng trò chuyện rì rầm vang lên dưới những tán cây lưa thưa bóng mát, thì ở bên phía nam quân, tiếng gió rít qua binh khí và tiếng hô luyện vẫn chưa dứt. Những nhịp trống dồn dập vang lên đều đặn. Liên nhìn qua, ánh mắt thoáng ngạc nhiên:
"Bên nam vẫn chưa nghỉ hả chị?"
Đào gật đầu, đưa tay che bớt nắng:
"Ừ. Do đặc thù thể chất nam nữ, bên mình được nghỉ sớm hơn nửa canh giờ. Để ta nói sơ qua vài cai đội bên đó cho em biết."
Dưới ánh nắng gắt buổi trưa, từng đội hình lớn vẫn kiên cường rèn luyện, như một dòng thác cuộn chảy không ngơi nghỉ. Những vũ khí chuyển động theo nhịp trống, tạo thành một khung cảnh hào hùng, như bước ra từ sử thi. Đào nheo mắt chỉ tay về phía trung tâm:
"Đứng giữa là anh Trần Quang Diệu, chỉ huy trại Nam. Đao pháp của anh ấy xuất quỷ nhập thần, là một trong những người mạnh nhất ở đây."
Liên nhìn theo, không khó để nhận ra anh chính là người đi cùng Xuân khi cô đặt chân đến vùng đất này.
Quang Diệu đang múa đại đao, một thanh đao dài, nặng, nhưng trong tay anh lại linh hoạt đến kinh người. Mỗi đường vung đao như chẻ đôi không khí, sắc bén và dứt khoát. Anh không cần la hét hay thị uy, sự trầm tĩnh và nội lực trong từng chiêu thức khiến cả sân tập như lặng đi. Không ai dám lơ là ánh mắt, bởi mỗi động tác của anh là một bài học sống động, một đòn cảnh tỉnh cho kẻ khinh suất.
"Người đứng bên cánh trái là Võ Văn Dũng." Đào nói tiếp, giọng thấp hơn, như thể đang kể về một bí ẩn: "Em đừng vội đánh giá anh ấy chỉ qua mấy đường cơ bản kia. Anh Dũng giấu mình kỹ lắm, không dễ bộc lộ tài nghệ của mình trước mặt người khác. Chúa công từng có lời tán thưởng: "Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan." (Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng mới khó)
Văn Dũng có dáng người uy nghi, lực lưỡng như hổ dữ giữa rừng sâu. Anh dùng một lưỡi đao bản lớn, động tác gọn gàng, đơn giản nhưng đầy uy lực. Đao pháp của anh thiên về thực chiến: đâm, bổ, chém, gạt - tất cả như những cú tấn công chí mạng, sinh ra để kết thúc nhanh gọn một trận đấu. Anh như hiện thân của thực chiến: ít lời, nhiều hành động, không cần phô trương.
"Rìa phải là Võ Đình Tú. Côn pháp của anh ấy phải nói là tuyệt đỉnh, xứng danh bốn chữ: Thiết côn vô địch."
Đình Tú đang biểu diễn thiết côn, thanh côn sắt nặng nề trong tay anh như biến thành một cơn lốc. Tiếng gió rít lên từng đợt, hòa với tiếng bước chân linh hoạt. Anh xoay người, lướt đi như lướt trên mặt nước, côn vung lên rồi xoáy ngược lại, lắt léo như rắn độc vờn mồi. Mỗi cú đánh là một bất ngờ, không theo quy luật, không thể đoán trước. Đình Tú không chỉ đánh, anh chiến đấu như thể từng nhịp thở đều là vũ khí.
Đào chỉ tay về phía người đàn ông đang vung roi, giọng đầy kính phục:
"Người cầm roi kia là Lê Văn Hưng. Trước khi gia nhập nghĩa quân từng là tay cướp khét tiếng, nhưng chỉ nhắm vào bọn cường hào ác bá, chưa bao giờ làm hại dân lành. Dân trong vùng không những không oán mà còn quý mến."
Trong vóc dáng hiên ngang và ánh mắt cương nghị, người ta thấy cả sự nghĩa khí lẫn hào sảng. Cây roi trong tay Văn Hưng vút lên như một dải lụa thép, xoáy trong không khí đầy uy lực. Mỗi đường roi quét ra in hằn từng vệt dài trên nền đất, bụi bay mịt mù. Đòn roi nhanh, mạnh và dứt khoát, thể hiện rõ bản lĩnh của một võ sĩ từng dày dạn qua cuộc sống nghèo khó.
Những con người với khí chất khác nhau, không ai giống ai, cùng vẽ nên một bức tranh sống động về sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn. Trong khoảnh khắc, cô không chỉ nhìn thấy sức mạnh, mà còn cảm nhận được một phần linh hồn của thời đại - nơi những con người mang trong mình khí phách lẫm liệt, đứng lên giữa loạn lạc để viết tiếp trang sử của đất nước.
Ánh mắt Liên lướt một vòng qua khoảng sân rộng, nơi những người đàn ông đang tập trung luyện tập dưới ánh nắng gắt. Tiếng hô khẩu lệnh vang dội, tiếng bước chân đều đặn vang lên như nhịp trống trận. Cô đưa mắt tìm kiếm, vô thức dõi theo từng nhóm người. Dường như cô đang tìm một khuôn mặt quen thuộc nào đó - Quang Bình. Từ những lần gặp trước, cô biết anh không chỉ là một người nghĩa quân. Anh là người điều hành mọi thứ, sắp xếp đội hình, chỉ đạo công việc. Vậy mà hôm nay, trong suốt buổi luyện tập, không hề thấy bóng dáng anh đâu.
Liên khẽ chau mày, một chút thắc mắc len vào trong ánh nhìn. Cô quay sang Đào đang bên cạnh với vẻ quan sát quen thuộc.
"Chị Đào..." Liên khẽ hỏi, giọng như thì thầm: "Chị có biết anh Bình không?"
"Em hỏi anh Bình tổng chỉ huy ấy hả?" Đào hơi nghiêng đầu, ánh mắt hiện lên chút ngạc nhiên: "Trong trại này, ai mà không biết anh ấy."
Liên liếc nhìn lại sân tập:
"Nhưng em không thấy anh ấy luyện võ cùng mọi người..."
"Anh Bình có việc của anh ấy." Đào cười nhẹ: "Dăm bữa nửa tháng anh ấy mới ra chỉ huy trực tiếp một lần. Anh ấy nghiêm lắm. Ai đi lệch đội hình hay sai lệnh là bị phạt ngay. Trong trại, ai cũng vừa kính vừa sợ."
"Thật sao?" Liên hơi sững người. Sự ngạc nhiên thoáng qua gương mặt.
Hình ảnh trong đầu cô về Quang Bình là một chàng trai có ánh mắt sáng, nụ cười ấm áp, giọng nói thì trầm ấm như gió đầu xuân. Cô không thể hình dung được người đó - người từng kiên nhẫn ngồi nói chuyện với cô bên ánh lửa, cử chỉ tinh tế khi cô trong tình cảnh bối rối - lại có thể là một người chỉ huy nghiêm khắc đến mức khiến cả trại nể sợ.
Đào nhìn cô, như đọc được dòng suy nghĩ ấy, nhẹ nhàng mỉm cười:
"Rồi em sẽ thấy. Anh Bình không hay xuất hiện, nhưng mỗi lần anh ấy ra lệnh, ai cũng phải tập trung tuyệt đối. Không cần quát tháo gì cả, chỉ một ánh nhìn thôi là đủ để cả đội im lặng."
Liên không đáp lại. Cô chỉ khẽ gật đầu, rồi lại hướng ánh mắt về phía sân tập. Một người có thể vừa thân thiện như bạn, lại vừa kỉ luật như một người lãnh đạo, sự kết hợp đó khiến cô không thể không suy nghĩ. Trong lòng cô, một ý nghĩ vụt qua: "Đến khi nào mình sẽ được chứng kiến một dáng vẻ khác của anh ấy - người chỉ huy mà mọi người đều kính phục đó?" Ý nghĩ ấy khiến tim cô đập chậm lại một nhịp. Không hiểu vì tò mò, ngưỡng mộ, hay một điều gì khác nữa.
___
[57]Hồn Trương Ba da hàng thịt: là một câu chuyện dân gian Việt Nam nổi tiếng, và cũng là tên một vở kịch nổi bật của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tóm lược nội dung: Trương Ba là một người làm vườn hiền lành, yêu thích cờ vây và sống đạo đức. Sau khi ông mất, do sự nhầm lẫn của Nam Tào - Bắc Đẩu, hồn ông được trả về dương thế nhưng lại nhập vào thân xác của một anh hàng thịt vừa chết. Từ đó, xảy ra nhiều mâu thuẫn: hồn Trương Ba thanh cao, trong sạch không thể dung hòa với cái xác hàng thịt thô tục, quen sống theo bản năng. Cuối cùng, Trương Ba không chịu nổi sự giằng xé ấy và xin được chết hẳn, chấp nhận cái chết để bảo toàn phần linh hồn trong sạch.
Câu chuyện mang đậm tính triết lý và nhân văn, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, đạo đức và bản năng, sự sống và cái chết.
[58]Thước: đơn vị đo độ dài mà người Việt từ xưa sử dụng, 1 thước (xích - 尺) khoảng 0,47 m (47 cm).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com