Chương 8: Nữ trung hào khí, sơn trung ngọc*
Qua giờ trưa, Đào dẫn Liên đến khu nhà phía tây. Những ngôi nhà gỗ được dựng đơn giản mà kiên cố, mái lợp bằng lá cọ hay tranh, vách gỗ chắc chắn. Hai người dừng chân trước một ngôi nhà gỗ năm gian truyền thống, nằm vững chãi trên nền đất nện bằng phẳng. Gian giữa lớn nhất dùng để thờ tổ tiên, hai bên là gian tiếp khách và nghỉ ngơi, hai gian ngoài cùng là nơi ở và làm việc. Cột kèo trong nhà được làm từ gỗ rừng đặc, thô mộc mà rắn chắc. Những đường chạm trổ tuy đơn sơ, không cầu kỳ như trong nhà quyền quý, nhưng vẫn toát lên vẻ khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Đến trước gian ngoài cùng bên phải, Đào dừng lại và đẩy cửa bước vào, cánh cửa gỗ khẽ cọt kẹt mở ra, để lộ một gian nhà rộng rãi. Trong căn phòng thoáng mùi bông vải, vài người phụ nữ đang ngồi bên khung cửi, bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, mỗi người một công đoạn, tiếng khung gõ lách cách đều đặn.
Ở góc trong, một người phụ nữ mặc trang phục dân tộc màu đen ngồi thẳng lưng, dáng điềm tĩnh. Mái tóc đen dài được búi gọn sau gáy, làn da bánh mật rắn rỏi, khuôn mặt toát lên vẻ cương nghị, xen lẫn chút dịu dàng. Đôi mắt đen sâu, ánh nhìn sắc sảo mà kín đáo, như nhìn thấu mà lại không phô bày.
Đào khẽ cúi đầu, cất tiếng:
"Chị Ya Đố, đây là cô Liên, mới vào trại được ít hôm." Rồi Đào quay sang Liên, nói nhỏ:
"Đây là chị Ya Đố - vợ thứ của chúa công. Mọi việc liên quan đến lương thảo, y phục, dụng cụ trong trại Tây Sơn thượng đều do chị ấy điều phối."
Liên ngập ngừng nhìn người phụ nữ trước mặt, chỉ khoảng chừng hai mươi vậy mà đã quán xuyến bao việc lớn nhỏ trong trại. Trong lòng cô không khỏi vừa ngạc nhiên vừa nể phục. Liên cúi đầu, giọng lễ phép:
"Em chào chị."
Ya Đố khẽ gật đầu, đôi mắt ánh lên vẻ hiền hậu khi lướt qua gương mặt còn ngại ngùng của Liên. Giọng chị nhẹ nhàng, tựa như tiếng gió nhẹ đầu buổi sớm:
"Chào em. Trước đây em từng học qua việc dệt chưa?"
Liên vội lắc đầu:
"Dạ chưa ạ."
Liên làm việc trong bộ phận marketing, công việc của cô xoay quanh hình ảnh sản phẩm cuối cùng - những bộ váy áo được cắt may tinh xảo, sản xuất hàng loạt bằng dây chuyền hiện đại. Máy móc mang đến hiệu quả, tốc độ, sự chính xác một cách tuyệt đối. Ngược lại, nghề dệt thủ công - chậm rãi, tỉ mỉ, đầy kiên nhẫn - dường như mang trong nó một điều gì đó sâu sắc hơn. Mỗi sợi vải, mỗi đường dệt là dấu vết của bàn tay người làm, là sự khác biệt không trộn lẫn, là cảm xúc được gửi gắm trong từng tấc vải. Những điều đó, máy móc không sao thay thế được.
Ya Đố mỉm cười nhẹ, ánh mắt dịu dàng như muốn xoa dịu sự lúng túng của cô gái trẻ:
"Vậy thì khởi đầu từ những điều cơ bản. Đào, phiền cô chỉ bảo cho cô ấy."
Đào gật đầu:
"Vâng."
Đào dẫn Liên đến góc phòng, nơi một chiếc thúng lớn đựng đầy bông trắng đã phơi khô. Cô lấy ra một nắm, nói:
"Trước tiên là đánh bông. Bông phải phơi ráo rồi dùng cung đánh cho tơi."
Đào cầm cây cung, gảy nhẹ trên đám bông. Dây rung lên, từng cụm bông nở bung như mây. Liên làm theo, lúng túng ban đầu, nhưng nhờ Đào hướng dẫn tận tình, dần cũng quen tay. Xong phần đánh bông, Đào chuyển sang bàn quay sợi:
"Tiếp theo là kéo sợi. Chân đạp đều, tay rút bông theo nhịp quay."
Liên ngồi đối diện Đào, chăm chú làm theo. Cô tập kéo đều tay, xoắn nhẹ để tạo thành sợi mảnh. Dưới tay cô, từng sợi bông trắng dần thành hình, kết nối quá khứ với hiện tại. Trong tiếng khung cửi đều đặn, cô gái trẻ lặng lẽ kéo sợi, lòng khẽ dâng lên những suy nghĩ vu vơ.
Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi vào trại, cô được đưa đi luyện võ cùng nhóm tân binh, thế mà vẫn không thấy bóng dáng bất kì ai trong Tây Sơn tam kiệt - ba người anh em họ Nguyễn mà cô từng nghe nhắc đến với niềm kính trọng. Không nén được tò mò, Liên quay sang Đào, khẽ hỏi:
"Chị Đào... trại chủ thường không có mặt trong trại sao? Em vào đây đã mấy ngày mà chưa gặp."
Đào vừa định trả lời thì từ cuối phòng, Ya Đố cất giọng. Chị không ngẩng đầu, tay vẫn thoăn thoắt kiểm tra từng nếp vải, nhưng lời nói vọng đến rõ ràng:
"Anh Nhạc đi cùng chú Lữ rồi. Mấy hôm nay vào sâu trong rừng vận động người Thượng tham gia nghĩa quân."
Liên thoáng ngừng tay, đặt nhẹ ống quay xuống:
"Người Thượng cũng tham gia sao, chị?"
Ya Đố gật đầu, quay hẳn lại nhìn Liên. Giọng chị dịu dàng, pha chút tự hào:
"Có chứ. Người Thượng cư ngụ nơi sơn lâm, song giàu lòng nghĩa khí. Họ nghe biết đến Tây Sơn trại chủ là người nhân nghĩa, trong lòng kính mộ từ lâu, vẫn thường hay gọi anh ấy là Tơ Mo Bok - Vua Trời. Anh Nhạc từng giúp họ chống cường hào cướp đất, nên giờ họ sẵn lòng góp sức. Có người cho gạo, cho rau, có người cùng đến để tham gia chiến đấu..."
Liên chưa từng nghĩ đến điều đó, một cuộc khởi nghĩa có thể lan rộng đến vậy, thấm cả vào rừng sâu núi thẳm. Liên lặng đi một lúc, khẽ nói:
"Em cứ nghĩ... nghĩa quân chỉ là người dưới xuôi thôi."
Ya Đố mỉm cười, chậm rãi gấp lại tấm vải:
"Anh Nhạc không chọn người. Chỉ cần người ấy tin vào nghĩa lớn. Vậy là đủ."
Liên cúi đầu, vừa tiếp tục quay sợi vừa trầm ngâm. Người đàn ông ấy - không chỉ là thủ lĩnh, mà còn là người có thể gom góp lòng tin từ khắp các ngả rừng núi, từ người Kinh đến người Thượng, từ kẻ yếu đến kẻ mạnh.
---
Đầu buổi chiều, khi công việc se sợi vải đã tạm xong, Đào dẫn Liên ra khu chuồng gà phía sau trại. Ngoài những con gà được thả rông đi trong sân quây rào, Liên để ý thấy còn có một chuồng riêng biệt, được dựng bằng tre nứa, che kín bởi những tấm lá cọ dày để tránh ánh sáng quá gay gắt. Liên tò mò nhìn vào và thấy bên trong, có một con gà trống đang đứng thẳng, lông đỏ rực rỡ, ánh lên như lửa.
"Con gà này trông có vẻ đặc biệt."
Đào mỉm cười, đáp bằng giọng điệu nhẹ nhàng:
"Tên nó là Hùng Kê, con gà trống thầy Lữ nuôi từ thuở thiếu niên. Thầy Lữ ít nói, chỉ mê đọc sách và chăm con gà này. Thầy dạy nó cách chiến đấu, không phải chỉ bằng sức mạnh mà còn bằng sự hiểu biết và chiến lược."
Liên tiến lại gần chuồng gà, nhìn con vật đang cẩn thận mổ thức ăn. Nó không giống những con gà thường thấy trong trại: mắt sáng như hạt châu, mỏ cong, cựa dài, mỗi bước đi đều khoan thai, đầy khí thế. Nó nhìn người bằng ánh mắt như có ý thức, không hốt hoảng, không hùng hổ, mà bình thản như một bậc quân tử mang lông vũ.
Đào tiếp tục:
"Có một lần, khi trong trại tổ chức một cuộc đấu gà để giải trí, thầy Lữ đã mang con gà Hùng Kê của mình ra tham gia. Ban đầu, không ai để ý đến con gà này vì nó trông khá bình thường, thậm chí có vẻ yếu ớt so với những con gà chiến khác. Tuy nhiên, khi bắt đầu trận đấu, Hùng Kê bất ngờ thể hiện một sức mạnh vượt trội, không chỉ chiến đấu dũng mãnh mà còn có vẻ như hiểu rõ ý chủ. Con gà chiến thắng liên tiếp, dù đối thủ có mạnh mẽ đến đâu."
Liên tò mò:
"Vậy nó có từng thua bao giờ chưa chị?"
Đào mỉm cười:
"Chưa từng. Mọi người đều coi nó là huyền thoại đấy. Nó thắng, không phải chỉ vì sức mạnh, mà vì tinh thần chiến đấu. Thầy Lữ cũng từng nói: Hùng Kê giống như một người lính kiên cường, luôn chiến đấu đến cùng. Người trong trại bảo, con gà này cũng giống tính cách của thầy Lữ: trầm lặng, nhưng khi cần thì quyết đoán và không bao giờ lùi bước."
Liên im lặng, mắt vẫn dõi theo con gà, tưởng như trong lòng mình cũng đang nảy mầm một chút gì đó về tinh thần không chịu khuất phục của những người chiến binh Tây Sơn.
Dưới ánh nắng chiều dần buông, sắc trời chuyển sang một màu cam nhạt, Đào và Liên rảo bước đến một bãi đất trống nằm sau khu lán trại. Nơi ấy, vài người phụ nữ đang tụ tập, tay thoăn thoắt thu gom từng nắm rơm khô, cùng nhau làm hình nộm. Không khí vừa rộn ràng vừa khẩn trương. Người dựng khung bằng tre, người quấn rơm thành thân, tay, chân, đầu. Những chiếc mo cau khô được khéo léo gắn lên làm mặt, vẽ hai chấm đen bằng than thay cho đôi mắt, cùng một nét ngang mỏng tạo thành miệng.
Liên nhìn những hình nộm đang dần hiện hình, tò mò hỏi:
"Chị Đào, mấy cái hình nộm này mình làm để đuổi chim à?"
Cô vẫn quen thấy những con bù nhìn lặng lẽ đứng giữa đồng, bảo vệ những ruộng lúa trĩu bông khỏi lũ chim trời.
Đào mỉm cười, lắc đầu:
"Không phải đâu. Chờ một lát nữa, em sẽ biết."
Khi hình nộm cuối cùng hoàn thành, cả nhóm người nhẹ nhàng đặt những hình nộm lên vai, lặng lẽ tiến về phía bãi cỏ ven sông, nơi gió chiều thổi lộng và mặt nước lấp lánh ánh chiều tà. Không khí lúc này chợt trở nên trang nghiêm, như báo hiệu một điều gì đó sắp sửa diễn ra.
Trăng lên chênh chếch, ánh sáng bạc đổ dài theo những rặng tre lặng lẽ, bãi cỏ ven sông Côn[59] không có tiếng người cười nói, chỉ có ánh lửa lập lòe và tiếng chiêng trống vọng lên từng nhịp, rền vang và lạ lẫm. Những bóng voi lớn lù lù hiện ra trong ánh lửa, thân hình đen sì như núi đá, tai vẫy nhè nhẹ, vòi cử động chậm rãi. Mỗi bước chân của voi làm mặt đất rung lên nhè nhẹ, như tiếng trống thầm vang dưới đất. Trên lưng voi, quản tượng[60] ngồi ngay ngắn, tay nắm dây điều khiển, ánh mắt dõi theo từng hiệu lệnh.
Bên bãi, Liên và mấy chị em được lệnh dựng những hình nộm bằng rơm dàn ra những hàng ngang dọc xen kẽ. Dưới ánh lửa bập bùng, những hình nộm trông như người thật, lắc lư trong gió. Giờ thì Liên đã hiểu, chúng được dùng để huấn luyện tượng binh. Dù vậy, cô vẫn không khỏi thắc mắc:
"Mình luyện voi vào ban đêm hả chị?"
Đào đáp:
"Phải! Voi, cũng như mọi loài thú hoang, đều sợ lửa. Nhưng nghĩa quân mình lại thường dùng hỏa công. Nếu không cho chúng làm quen dần, lúc ra trận chúng có thể hoảng loạn, quay lại gây nguy cho chính quân mình."
Liên như sực nhớ ra một chuyện quan trọng: Nghĩa quân Tây Sơn rất mạnh về hoả khí. Thần công[61], súng hoả mai[62]... đều được cải tiến đạt sức công phá lớn. Tấn công thần tốc, chiến thắng chớp nhoáng, uy danh vang dội. Không chỉ bộ binh hay thủy binh, mà tượng binh của Tây Sơn cũng vô cùng thiện chiến và tinh nhuệ.
"Dạ, em hiểu rồi."
Phía xa, trong ánh lửa, Xuân đang đi dọc bãi tập, dáng vững như núi, gương mặt nghiêm nghị, đôi mắt sắc bén. Xuân tiến lại con voi đầu đàn, thì thầm điều gì đó bên tai nó. Đoạn, cô nhún chân, nhảy hai bước vút lên ngồi trên bành voi[63]. Trong tay Xuân là cờ lệnh, dài như cây thương, mỗi khi giơ lên, trống dội một hồi, voi đồng loạt tiến lên.
"Trống nổi lên - tiến!"
"Chiêng đổi nhịp - lùi lại!"
Tiếng chiêng trống vang vọng vào lòng sông Côn, dội ngược về như tiếng vang của trận mạc. Âm thanh ấy không phải để chỉ huy người, mà để huấn luyện voi làm quen với những tiếng động lớn. Voi không còn cuống cuồng khi nghe tiếng trống giặc, trái lại, nhiều con còn gầm lên phấn khích như vươn vòi nghênh chiến. Những con voi ban đầu còn rụt rè, chập chững, sau vài hồi chiêng trống, chúng bắt đầu rống lên, gầm nhẹ, vươn vòi, dậm chân mạnh mẽ, phá tan dãy hình nộm trong tiếng reo khe khẽ của những cô gái đứng xem xung quanh. Đám lửa bập bùng chiếu bóng những bàn chân khổng lồ đạp rơm bay tơi tả.
Khi bài tập kết thúc, Xuân tiến đến gần voi đầu đàn - một con voi cái to lớn, ánh mắt như có linh hồn. Xuân cầm lấy một khúc thân cây chuối đưa lên, như một phần thưởng cho người bạn đồng hành. Con voi ngoan ngoãn nhận lấy, vòi nhẹ quấn quanh cổ tay cô như một lời cảm ơn thầm lặng.
Liên ngước nhìn lên lưng con voi lớn, ánh mắt dừng lại ở lá cờ đỏ đang phần phật bay trong gió đêm. Trên nền vải thắm, tám chữ thêu chỉ màu vàng lấp lánh dưới ánh lửa trại.
"Mấy chữ trên lá cờ kia nghĩa là gì vậy chị?"
Đào nhìn theo ánh mắt Liên, đôi môi mỉm cười đầy kiêu hãnh:
"Nữ trung hào kiệt chẳng kém trượng phu."
Liên nghe xong, mắt sáng lên. Cô thì thầm, như tự nói với chính mình:
"Nghe thật uy dũng và khí thế..."
Đào gật đầu:
"Chúng ta là con cháu bà Trưng[64], bà Triệu[65]. Dù là phận nữ nhi, vẫn có thể gánh vác non sông. Gặp giặc, thà chết chứ không lùi bước."
Liên lặng im. Ánh lửa bập bùng phản chiếu trong đôi mắt đang mở lớn của cô, như soi thấu tận tâm can. Trong lòng cô lúc này, ngọn lửa không chỉ cháy trên những khúc củi khô, mà đang cháy trong lồng ngực mình.
Đào chậm rãi cúi xuống, nhặt một nhánh cây khô. Cô dùng đầu nhánh viết lên nền đất, giọng rắn rỏi mà đầy cảm xúc:
"Em có nhớ lời thề của Trưng Nữ Vương khi phất cờ khởi nghĩa không?" Từng chữ hiện dần dưới tay cô, cùng với âm vang của giọng đọc:
"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này[66].
Viết xong, Đào ngẩng lên, ánh mắt sáng rực như ánh gươm trong đêm tối:
"Từ ngàn xưa, phụ nữ nước Nam ta đã kiên cường bất khuất. Máu chẳng phân nam hay nữ, chỉ có một dòng chảy chung: dòng chảy của lòng yêu nước."
Liên siết chặt tay, trong tâm trí cô thoáng hiện một câu quen thuộc, sâu lắng như một lời nhắc nhở của chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta[67]." Cô chợt nhận ra, lòng yêu nước không phải là điều cao xa, không phải lúc nào cũng là cầm gươm ra trận hay làm nên những chiến công lừng lẫy. Yêu nước, đôi khi chỉ là giữ vững một tiếng nói, một nét chữ, một truyền thống không để cuốn trôi giữa giông bão thời cuộc.
Liên cúi xuống nhìn những dòng chữ trên mặt đất. Dù không đọc được, cô vẫn cảm nhận được sức nặng của chúng. Những nét chữ mộc mạc mà trang nghiêm. Đây là chữ Nôm**? Là chữ viết của người Việt thuở xưa, là tinh hoa của sự sáng tạo, là máu xương của ông cha quyết không chịu khuất phục dẫu ngàn năm đô hộ, để thế hệ sau vẫn được nói tiếng Việt, được đứng trên đất Việt. Một ý nghĩ bất chợt loé lên trong đầu cô, sáng rõ như ánh lửa trong đêm đen: Cô muốn học. Muốn đọc được những dòng chữ này. Muốn hiểu sâu sắc hơn cội nguồn của mình.
Liên quay sang Đào, ánh mắt ánh lên niềm khao khát:
"Chị Đào... Em không biết chữ. Không thể đọc được những gì chị vừa viết. Chị có thể dạy em không?"
Đào mỉm cười, dịu dàng đầy vẻ khích lệ:
"Ta cũng mới học thôi." Ánh mắt cô dịu lại khi nhớ về những ngày đầu tiên: "Từ lúc vào trại thì được dạy tập đọc, tập viết. Còn nếu em thật sự muốn học, vài hôm nữa ta sẽ dẫn em gặp một người."
Liên gật đầu, ánh mắt sáng lên:
"Dạ được ạ!"
Đào nói tiếp, giọng cô thoảng chút ngưỡng mộ:
"Nói qua cho em biết một chút. Tên anh là La Xuân Kiều, một người không chỉ giỏi văn thơ, ca phú, mà còn có tài hội họa. Tính tình thì cởi mở, phóng khoáng. Thường thì các phu tử chỉ nhận học trò là nam, nhưng riêng anh ấy thì không hề phân biệt. Chỉ cần là người thật lòng muốn học, anh đều sẵn sàng dạy dỗ."
La Xuân Kiều? Liên cố lục lại kí ức. Cô từng đọc lướt đâu đó về những bậc kỳ tài thời Tây Sơn, giữa muôn vàn danh tướng, văn nhân, cái tên ấy để lại trong cô một ấn tượng sâu sắc. Một trong "Tây Sơn lục kỳ sĩ", cái tên La Xuân Kiều nghe vừa hoa mỹ, vừa bí ẩn. Thế nhưng, chẳng có tài liệu nào miêu tả dung mạo của người này, điều đó càng khiến Liên thêm phần tò mò.
Cô quay sang hỏi, giọng không giấu nổi sự háo hức:
"Anh ấy... trông như thế nào hả chị?"
Đào khẽ mỉm cười:
"Ta cũng chẳng biết nói sao cho trọn. Anh có dáng vẻ giản dị, chẳng phô trương, vậy mà thần thái lại khác lạ, như có cái gì đó rất riêng, rất tĩnh." Nhìn qua vẻ mặt trầm ngâm của Liên, Đào trấn an:
"Em cứ yên tâm, anh rất dễ gần. Mỗi khi dạy, anh không tạo khoảng cách, mà khiến người ta thấy như đang trò chuyện, học hỏi cùng một người bạn, chứ không phải đang lắng nghe một bậc thầy."
Liên gật đầu, cảm thấy lòng mình ấm lên một chút. Cô biết rằng đây chính là cơ hội quý giá mà mình không thể bỏ lỡ.
Trống ngưng, chiêng tắt, màn đêm rơi xuống thật chậm. Ánh sáng hắt lên những gương mặt mệt nhoài nhưng vẫn ánh lên nét kiêu hãnh. Gió rừng thổi nhè nhẹ, tiếng côn trùng rì rào trong đêm sâu, các chị em cùng nhau thu dọn rơm rạ, hình nộm trở về.
---
Vài ngày sau...
Trời vừa ngả bóng xế, gió nhẹ lướt qua những tán cây trước cửa ngôi nhà gỗ. Khi bước vào, Liên lập tức cảm nhận được sự khác biệt. Trong không gian này, không chỉ có sự yên tĩnh, mà còn là sự tôn trọng dành cho tri thức. Mỗi bức tranh treo trên tường, mỗi chiếc bàn, mỗi chiếc ghế đều thể hiện sự tinh tế, như được chăm chút từ những đôi tay tài hoa. Cách sắp xếp ấy gợi lên một người chủ nhân vừa yêu cái đẹp, vừa tôn trọng trật tự.
Đào cúi đầu chào người đang ngồi bên bàn thư họa:
"Anh Xuân Kiều, hôm nay tôi dẫn người mới đến xin học chữ. Đây là Liên."
Xuân Kiều ngẩng đầu khi hai người bước vào. Ánh mắt sâu thẳm không mang vẻ dò xét, chỉ lặng lẽ dõi theo. Anh không vội cười, không vội hỏi, chỉ khẽ gật đầu.
Liên đi phía sau, khẽ cúi đầu, hai tay nâng giỏ trà mộc mạc. Giỏ trà này là công sức của hai chị em, tự tay lội đầm hái lá sen, đem về rửa sạch, phơi mấy ngày, rồi mới cẩn thận gói lại. Món quà giản dị, thay lời bày tỏ sự kính trọng của một kẻ cầu học đối với bậc tri thức. Ánh mắt Liên thoáng chút hồi hộp xen lẫn ngại ngùng, hai tay đưa giỏ trà tới trước mặt chàng trai:
"Dạ... chào anh. Đây là chút lòng thành, mong anh nhận cho."
Liên nhìn chàng trai đang ngồi trước mặt, tuổi khoảng độ ngoài 20 một chút. Anh mặc bộ trang phục trắng, tựa như mây sớm, tà áo lượn theo từng cơn gió thoảng. Mái tóc buộc nửa, nửa để xoã buông dài xuống ngang lưng, óng ả như tơ, đen nhánh tựa vạt liễu rũ bên hồ thu. Gương mặt anh mang nét tuấn tú hiếm thấy, lông mày như vẽ, sống mũi cao thẳng, đôi mắt sâu thẳm mà dịu dàng. Dáng ngồi vững chãi mà ung dung, tiêu dao như khách nhàn du giữa chốn cõi tiên. Vẻ đẹp ấy vừa thư sinh, vừa phong nhã, mang khí chất phiêu nhiên. Hai chữ "Xuân Kiều" - tên nghe đã hay, nhưng gặp rồi mới thấy, tên vẫn chưa tả hết người.
Xuân Kiều đứng dậy đưa tay nhận lễ vật, giọng ôn hòa mà điềm đạm:
"Cảm ơn tấm lòng của hai người."
Ánh mắt anh vô tình lướt qua bàn tay Liên. Đôi tay thon nhỏ, trắng ngần nhưng trên đầu ngón lại hằn rõ những vết chai mờ. Anh thoáng liếc nhìn gương mặt Liên. Không nói thêm điều gì, Xuân Kiều chậm rãi quay người, nói ngắn gọn mà dứt khoát:
"Hai người vào đi."
Liên theo chân họ bước vào trong. Ánh mắt cô lướt qua khung cảnh tĩnh mịch rồi dừng lại nơi những bức tranh sơn thủy treo dọc vách. Mỗi bức đều toát lên vẻ thanh nhã, bút pháp tinh tế, nét mực đậm nhạt hài hòa, tự nhiên như mây trôi nước chảy. Bên cạnh tranh là những hàng thơ đề, chữ viết bay lượn, phóng khoáng như ý người phiêu lãng. Dù chẳng đọc hiểu được chữ nào, song từng nét vẽ khiến cô không khỏi trầm trồ.
Thấy ánh mắt Liên lưu lại khá lâu nơi một bức họa, Xuân Kiều nghiêng đầu hỏi:
"Cô hiểu ý thơ trong tranh chăng?"
Liên giật mình, đôi mắt ánh lên chút bối rối:
"Dạ... tôi không biết chữ. Chỉ thấy tranh đẹp nên dừng lại xem một chút."
Một nụ cười thoảng qua nơi khóe môi Xuân Kiều, ánh mắt anh nheo lại đầy ẩn ý:
"Có phải cô muốn thử tài học vấn của ta?" Nói đoạn, anh nghiêng người về phía chiếc bàn bên cạnh: "Sẵn có giấy bút. Cô hãy viết một câu, ta xem thử."
Liên lúng túng, tay siết nhẹ vạt áo:
"Dạ... tôi thật sự không biết đọc, cũng chẳng biết viết."
Xuân Kiều khẽ cau mày, vẻ ngạc nhiên lộ rõ trong ánh mắt:
"Cô chưa từng học qua chút nào ư?"
Liên gật đầu, thẳng thắn thừa nhận:
"Dạ... tôi không biết một chữ nào hết."
Xuân Kiều im lặng trong thoáng chốc, đôi mày khẽ nhíu lại, ánh mắt chợt tối đi như đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Anh cất giọng trầm thấp nhưng dứt khoát:
"Cô theo ta, ta có vài lời muốn nói riêng." Anh quay sang Đào, nhẹ giọng: "Cô Đào cứ về chỗ ngồi trước."
Xuân Kiều dẫn Liên qua gian phòng nhỏ bên cạnh. Khi cánh cửa khép lại, anh khoanh tay đứng dựa bên cửa sổ:
"Ta không phân biệt người sang kẻ hèn, đàn ông hay phụ nữ. Ai muốn học ta đều hoan nghênh. Nhưng điều ta ghét nhất là kẻ không thành thật. Nếu cô đã nói dối, vậy thì nên về đi."
Liên sững sờ, không thể thốt nên lời. Từ lúc bước vào, cô chỉ nói vài câu, thành thật và không hề giấu giếm.
"Nếu anh không muốn dạy thì tôi cũng không ép. Những gì tôi nói đều là thật lòng. Có lẽ... anh đã vội vàng khi nhìn nhận tôi như vậy."
Khi thấy biểu cảm của Liên, Xuân Kiều dịu giọng đôi chút, nhưng vẫn điềm nhiên nói:
"Muốn dạy người, trước hết phải hiểu người mình đang dạy là ai."
Anh nhìn cô, ánh mắt thoáng ánh lên sự lạnh lùng:
"Vết chai trên ngón tay bàn tay phải của cô không phải do lao động, mà là dấu tích của những ngày dài cầm bút luyện chữ. Cô rõ ràng từng học, sao lại nói mình không biết chữ?"
Liên nhìn bàn tay mình, trong lòng rối bời. Quả đúng như lời anh nói, những vết hằn ở ngón tay cho thấy chủ nhân của thân thể này từng viết chữ nhiều năm. Trong khi Liên, một người từ thế giới hiện đại, vốn hoàn toàn mù tịt với chữ Nôm ở nơi này. Cô không thể nói mình là người từ tương lai, mang linh hồn trú ngụ trong thân thể của người khác, nhưng lại càng không muốn bị xem là kẻ dối trá. Trong khoảnh khắc, cô cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Không phải vì bị nghi ngờ, mà vì không thể nói ra sự thật.
Cô đứng đó, giữa căn phòng đầy sách, như một kẻ lạc lõng giữa hai thời đại. Cô khẽ cắn môi, hít một hơi sâu, chậm rãi:
"Tôi... đúng là từng học chữ. Nhưng không phải loại chữ đang dùng ở đây. Ở nơi tôi sống, người ta viết và đọc theo một hệ thống chữ khác."
Xuân Kiều chắp tay sau lưng, bước vài bước thong thả trong phòng, dừng lại bên chiếc kệ sách. Anh quay đầu nhìn Liên, ánh mắt vừa bình thản vừa mang chút tò mò:
"Nếu cô nói thật, rằng đã học một loại chữ khác... vậy hãy viết cho ta xem. Viết bất kì câu nào mà cô từng học."
Liên chần chừ giây lát, khẽ gật đầu. Trên bàn đặt một giá gỗ nhỏ, treo lủng lẳng các loại bút lông, lớn nhỏ đủ cỡ. Nét mặt cô thoáng chút lúng túng khi đưa mắt nhìn qua nghiên mực, thỏi mực... Tất cả đều xa lạ với một người vốn quen dùng bút bi, viết chữ Quốc ngữ.
Liên đang băn khoăn chưa biết nên làm thế nào, Xuân Kiều đã chậm rãi tiến lại gần. Không nói một lời, anh đổ chút nước vào nghiên, cầm lấy thỏi mực đen, nhẹ nhàng xoay đều trong lòng nghiên, động tác thuần thục mà thanh nhã.
Anh đặt thanh mực xuống, nghiêng người mời:
"Mời cô."
Nên viết gì đây? Liên thoáng ngẫm nghĩ. Giữa không gian đầy nét cổ phong, ánh mắt cương nghị của người đối diện, trong khoảnh khắc ấy, cô bất giác nghĩ đến... những lời nghĩa khí từ bài văn cô đã học. Liên vươn tay chọn lấy cây bút nhỏ nhất, chấm nhẹ đầu cọ vào nghiên mực, gạt khéo mép bút để giảm bớt mực. Nét chữ quốc ngữ hiện ra trên nền giấy trắng. Dù đầu bút lông không thuận tay, từng nét vẫn rõ ràng, vững vàng. Viết xong, cô đặt bút xuống. Mực đã thấm đều, giấy đã phẳng lặng, chỉ còn tay cô đang run nhẹ. Đây không chỉ là một hành động viết, mà là lời tự chứng minh cho sự tồn tại của chính mình giữa nơi này.
Liên đẩy nhẹ tờ giấy về phía Xuân Kiều, khẽ đọc hai câu vừa viết:
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."
Xuân Kiều nhướng mày, ánh nhìn sâu thêm vài phần:
"Là Bình Ngô đại cáo[68]?"
Xuân Kiều vươn tay cầm tờ giấy lên. Câu văn quen thuộc được viết bằng ngôn ngữ khác lạ. Từng thanh âm được thể hiện bằng ký hiệu anh chưa từng thấy. Anh không nhận ra mặt chữ, nhưng thấy rõ sự trật tự trong nét bút, như có luật lệ riêng. Ánh mắt chăm chú như muốn giải mã một thứ ngôn ngữ xa lạ.
"Chữ này... không phải chữ Nho, cũng chẳng phải chữ Nôm. Cách viết hàng ngang, nét bút rõ ràng, có phần giống với kiểu chữ của người Tây Dương[69]."
Quả không hổ danh là một trong Tây Sơn lục kỳ sĩ, học rộng hiểu sâu, kiến thức uyên bác. Dẫu chưa từng thấy loại chữ này bao giờ, chỉ thoáng liếc qua mà đã có thể suy luận ra nguồn gốc - đủ khiến người khác phải khâm phục.
"Anh nói không sai. Đây là chữ Quốc ngữ - dựa theo kí tự Latin từ phương Tây, viết từ trái sang phải, theo hàng ngang."
Xuân Kiều vẫn cầm tờ giấy, lòng không khỏi dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Người con gái này, với thân phận mơ hồ, lại viết ra những lời nghĩa khí. Không giống giả dối, cũng không phải kiểu trí thức sáo rỗng.
"Vì sao cô lại viết hai câu này?"
Liên im lặng một thoáng. Ánh mắt cô không nhìn Xuân Kiều, mà lại dừng nơi nét mực chưa khô trên tờ giấy. Một làn gió nhẹ từ cửa sổ thổi vào, lay động vạt áo, khiến không khí như lặng đi.
"Vì tôi tin... lời ấy chưa bao giờ cũ." Cô khẽ đáp, giọng không lớn, trong trẻo và bình tĩnh: "Dù là thời nào, thì "nhân nghĩa" vẫn phải đặt lên đầu, lấy dân làm gốc. Người dân có cuộc sống yên ổn, xã hội sẽ ổn định, đất nước sẽ phát triển thịnh vượng."
Chưa bao giờ Liên cảm thấy những lời dạy, phân tích của giáo viên Ngữ văn lại trở nên thiết thực và sâu sắc như lúc này. Dù là tại thời điểm trước đây khi khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, hay là hiện tại Tây Sơn đang ra sức dẹp nội loạn... Mục đích vẫn luôn là để người dân có một cuộc sống bình yên, không phải chịu áp bức, bất công.
Xuân Kiều hơi nghiêng đầu, ánh nhìn thâm trầm, như vừa bị lay động bởi điều gì đó.
"Cô... từng đọc qua nhiều sách cổ?" Trong giọng nói đã vơi bớt sự hoài nghi ban đầu, thay vào đó là sự tò mò thực sự.
Liên khẽ lắc đầu, nụ cười nhẹ như gió thoảng trên môi:
"Tôi chỉ được học qua trích đoạn trong một số tác phẩm mang tính lịch sử. Đó là những gì tôi được nghe và ghi nhớ từ lời dạy của thầy cô. Với khả năng của tôi, không thể hiểu hết triết lí sâu xa trong từng câu chữ. Đến bây giờ, khi trở thành một phần của quân Tây Sơn, tôi như được cảm nghiệm sâu sắc và chân thật về hai chữ nhân nghĩa này."
Xuân Kiều nhìn cô, hồi lâu không đáp. Trong mắt anh, vẻ thâm trầm như có chút gì đang dần vỡ ra. Người con gái trước mặt, chẳng văn chương xa vời, thẳng thắn thừa nhận năng lực bản thân; không phải sự tự ti của người thiếu hiểu biết, mà ngược lại là sự chân thành và tự tin bày tỏ quan điểm của chính mình.
Một lúc sau, anh đặt tờ giấy xuống, ngón tay khẽ miết nhẹ theo nét chữ lạ.
"Chữ cô viết, ta không đọc được. Nhưng ý trong lời ấy... ta hiểu." Ánh mắt anh nghiêm cẩn hơn trước: "Ta có thể dạy cô chữ nghĩa, để một ngày kia, chính cô có thể viết nên những lời của mình, bằng cả hai thứ chữ."
Liên ngẩng lên, ánh mắt thoáng hiện vẻ kinh ngạc. Cô không ngờ... một người như Xuân Kiều lại nói ra lời ấy, một cách nghiêm túc đến vậy.
"Vậy là... anh sẽ dạy tôi thật sao?" Liên hỏi khẽ, như không dám tin.
Xuân Kiều khẽ gật đầu. Một nụ cười thoáng lướt qua nơi khoé môi:
"Thế gian này, chữ nghĩa không phải để khoe khoang, mà để bày tỏ chính kiến, để ghi điều đúng đắn. Ta hi vọng cô luôn giữ được sự kiên trì và quyết tâm học hỏi của mình."
"Dạ, tôi sẽ chăm chỉ học hành!"
Trong lòng cô dâng trào một niềm vui khó tả. Cô không ngờ rằng mình lại có được cơ hội quý giá đến vậy: được tận mắt thấy, tận tai nghe, được học hỏi, tìm hiểu về những giá trị văn hoá và ngôn ngữ mà tổ tiên đã sáng tạo và lưu truyền từ bao đời. Đó là điều mà trước kia ngay cả trong mơ cũng chưa từng dám nghĩ tới.
"Ta có một đề nghị." Xuân Kiều xoay người nhìn cô, ánh mắt khẽ nheo lại: "Sau mỗi buổi học, nếu cô đồng ý... hãy ở lại, chỉ ta về loại chữ viết của cô. Để đôi bên cùng học."
Liên gật đầu ngay, ánh mắt sáng lên với niềm vui thầm kín:
"Không thành vấn đề. Tôi rất sẵn lòng."
___
* Nữ trung hào khí, sơn trung ngọc:
Nữ trung hào khí: khí phách anh hùng trong người phụ nữ. Dù là phụ nữ, họ vẫn có thể đối mặt với thử thách và vượt qua khó khăn với lòng dũng cảm, mạnh mẽ, thể hiện phẩm chất của một người "hào kiệt" trong xã hội xưa.
Sơn trung ngọc (Ngọc trong núi): có câu "quân tử như ngọc" - vẻ ngoài sáng đẹp, bên trong tinh khiết, cứng cỏi mà khiêm nhường. Sơn trung ngọc ẩn dụ cho người quân tử tài đức ẩn dật, những bậc tài hoa sống giản dị, không bon chen danh lợi ẩn mình nơi rừng núi.
**Chữ Nôm: Xem phần chú thích [55] chương 6.
[59]Sông Côn: còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định. Sông Côn xưa gọi là sông Tuy Viễn, sau đổi thành Côn Giang dưới triều Khải Định. Sông bắt nguồn từ vùng núi An Lão (Bình Định), chảy theo hướng tây bắc - đông nam, qua nhiều ghềnh thác, hợp lưu với các suối như suối Cỏ, suối Ba La, sông Đá Hàng và đổ ra đầm Thị Nại.
[60]Quản tượng: là từ dùng để chỉ người điều khiển voi, đặc biệt là trong bối cảnh voi được sử dụng để phục vụ con người, như trong chiến trận, lễ hội, hoặc công việc lao động.
Quản: nghĩa là cai quản, điều khiển.
Tượng: là từ Hán Việt, nghĩa là voi.
[61]Thần công: cách gọi đại bác (pháo lớn) thời xưa. Loại vũ khí này được đúc bằng đồng hoặc gang, bắn đạn bằng thuốc súng, có sức công phá mạnh.
[62]Súng hoả mai: loại súng trường cổ (súng dài) sử dụng thuốc súng đen và dây cháy chậm để khai hỏa, xuất hiện phổ biến ở châu Á và châu Âu từ khoảng thế kỷ XV - XVIII.
Cơ chế khai hỏa bằng dây cháy (hỏa mai):
Một sợi dây tẩm hóa chất (gọi là dây hỏa) cháy âm ỉ được kẹp vào một cần gạt. Khi bóp cò, cần gạt đưa dây cháy vào chạm thuốc súng trong "chảo lửa", gây cháy, đốt thuốc súng trong nòng, đạn được bắn ra.
Nạp đạn bằng miệng nòng: Người dùng phải đổ thuốc súng, nhét viên đạn (thường bằng chì), rồi dùng que nạp để nén chặt bên trong.
Bắn chậm và mất thời gian nạp lại: Sau mỗi phát bắn, phải thực hiện lại toàn bộ quy trình nạp đạn.
[63]Bành voi: là cái ghế hoặc bộ khung đặt trên lưng voi để người ta ngồi khi cưỡi voi, thường được làm bằng gỗ, mây, hoặc kim loại, có đệm để tạo sự thoải mái và dây buộc chắc chắn vào lưng voi.
[64]Bà Trưng (hay còn gọi là Hai Bà Trưng): là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, những anh hùng dân tộc của Việt Nam. Họ đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán vào năm 40 sau Công nguyên.
[65]Bà Triệu còn gọi là Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh hay Triệu Quốc Trinh (226 - 248): là một trong những nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Đông Ngô vào thế kỷ thứ 3
[66]Đây là lời thề của Trưng Trắc, trong lễ tế trời đất hoặc buổi dấy binh khởi nghĩa tại Mê Linh. Trưng Trắc đứng lên, thay chồng gánh vác đại nghĩa.
Một xin rửa sạch nước thù: Trả mối thù dân tộc, đuổi giặc Hán ra khỏi bờ cõi.
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng: Khôi phục nền độc lập, nối lại cơ đồ của các vua Hùng - tổ tiên dân tộc.
Ba kẻo oan ức lòng chồng: Báo thù cho chồng là Thi Sách, người bị giặc giết hại vì chống lại ách đô hộ.
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này: Mong hoàn thành trọng trách, giữ trọn đạo lý, không phụ lòng người tin cậy và giao phó.
[67]Câu văn được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) họp tại Việt Bắc, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
[68]Bình Ngô đại cáo (chữ Hán: 平吳大誥): là một bài cáo viết bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi soạn thảo vào năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh, khẳng định quyền độc lập và tự chủ của Đại Việt trước triều đình phương Bắc.
Bình Ngô đại cáo được coi là bản "tuyên ngôn độc lập" thứ hai của người Việt sau Nam quốc sơn hà. Tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa chính trị và lịch sử mà còn được đánh giá cao về giá trị văn học, được ca ngợi là "thiên cổ hùng văn". Đây là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước Việt Nam trung đại, mang tính chất vừa là tuyên ngôn chính trị vừa là áng văn chương sâu sắc.
Tên gọi Bình Ngô đại cáo có nghĩa là "tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô", trong đó:
Bình (平) nghĩa là dẹp yên
Ngô (吳) là cách Nguyễn Trãi gọi giặc Minh
Việc gọi nhà Minh là "Ngô" thay vì "Minh" vẫn còn gây tranh cãi trong giới học thuật. Lý do có thể là vì:
- Chu Nguyên Chương: người sáng lập nhà Minh, quê ở vùng đất từng thuộc nước Ngô thời Tam Quốc.
- Trước khi lên ngôi hoàng đế, ông từng được phong tước Ngô Quốc Công, rồi Ngô Vương
- Có thể còn mang một dụng ý chính trị sâu sắc khác, đó là hạ thấp vị thế nhà Minh, xem họ như một chính quyền cục bộ địa phương thay vì một triều đại chính thống. Việc dùng từ "Ngô" cũng nhằm củng cố tính chính thống và vị thế thiên tử của Lê Lợi, khẳng định rằng triều Lê là một "thiên hạ" độc lập, chính danh, ngang hàng với triều đình Trung Hoa, không bị lệ thuộc hoặc phục tùng.
[69]Tây Dương: Đây là cách gọi phổ biến, dùng để chỉ người đến từ phương Tây, bao gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh... trong thời kỳ thế kỷ XVII-XVIII, đặc biệt là dưới thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. "Tây Dương" nghĩa là "biển phía Tây".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com