Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 9: Chữ rèn tâm, gươm luyện chí

Xuân Kiều lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, vẻ mặt như đang lắng sâu vào một ý nghĩ khó nói thành lời.
"Ta lấy làm tò mò... chẳng hay cô sống ở nơi đâu, mà lại dùng loại chữ viết đặc biệt này?"

Liên ngập ngừng, không biết nên trả lời thế nào. Nói rằng cô đến từ tương lai? Rằng đây là chữ Quốc ngữ của thời đại sau? Những lời đó không những không giúp giải thích điều gì mà chỉ khiến anh càng thêm hoài nghi. Nếu cô nói mình đến từ một thành thị miền Nam tên là Thành phố Hồ Chí Minh, dù cái tên có lạ lẫm với anh, cũng không hẳn là lời nói dối.
Liên hít một hơi sâu, cân nhắc đôi chút, rồi ngẩng đầu lên:
"Quê tôi nay mang tên Thành phố Hồ Chí Minh... nhưng có lẽ thời này chưa từng có ai gọi như thế."

Xuân Kiều sững lại, vẻ mặt thoáng đăm chiêu. Địa danh này anh chưa từng nghe đến:
"Thành ấy nằm ở đâu trong cõi Nam Hà? Nếu có địa đồ, cô có thể chỉ giúp ta chăng?"

Liên gật đầu:
"Nếu có bản đồ, tôi nghĩ mình sẽ nhận ra."
Liên không giỏi lịch sử, nhưng về địa lí thì lại nhớ khá tốt, cũng bởi một phần vì đam mê du lịch.

Xuân Kiều không nói gì, trầm mặc bước tới kệ sách. Bàn tay lướt nhẹ qua hàng bìa sách sờn màu thời gian, rút ra một cuộn giấy. Anh trở lại bàn, cẩn thận trải nó ra.
"Đây là bản đồ toàn xứ Nam Hà. Cô xem đi."

Liên cúi xuống, ánh mắt lướt nhanh qua mặt giấy đã ố màu. Những con chữ Hán Nôm như mê cung khiến cô lúng túng, dẫu vậy, hình dáng dòng sông và vùng đất vẫn gợi nên nét quen thuộc."
Sau vài phút dò dẫm, ánh mắt cô dừng lại, ngón tay chỉ vào một vị trí gần vùng hạ lưu của một con sông mà cô nghĩ đó là sông Sài Gòn[70]:
"Chỗ này... đây là nơi tôi sống."

Xuân Kiều nghiêng người nhìn theo. Anh sững lại một thoáng, trầm ngâm nhìn vào bản đồ:
"Cô nói... thành Sài Côn[71] ư?" Giọng anh có phần chậm lại: "Vậy... cô có biết nơi đó cách đây bao xa? Việc một thiếu nữ một thân một mình vượt quãng đường ấy... không phải điều thường thấy."

Sài Côn? Đó hẳn là cách gọi xưa của Sài Gòn. Liên quay sang nhìn Xuân Kiều. Anh không nói gì, nét mặt giữ chút dè dặt, như chưa thật sự tin điều vừa nghe.
"Tôi hiểu... lời tôi nói không dễ tin. Tôi không thể đưa ra lời giải thích hợp lý, chỉ mong... anh lắng nghe bằng cảm nhận của chính mình."

Một khoảng lặng khẽ trôi qua. Xuân Kiều không đáp. Anh rời mắt khỏi tấm bản đồ, hướng về phía cô. Cái nhìn ấy tĩnh lặng như mặt hồ trong đêm, ẩn sâu bên dưới là những xoáy nước âm thầm khó lường.
"Ta chưa từng gặp ai như cô. Lời ấy, thoạt nghe tưởng chừng hoang đường, vậy mà không gợi lên cảm giác dối trá. Mà nếu có, thì cũng là thứ dối vụng về, chẳng mang toan tính."

Xuân Kiều liếc lại tấm bản đồ lần cuối trước khi cuộn nó lại, động tác chậm rãi tựa như đang ngẫm nghĩ điều gì sâu hơn ngoài đường nét trên giấy.
"Thành Sài Côn là nơi giao thương nhộn nhịp, người Tây Dương đặt chân đến đó từ nhiều năm trước. Việc cô học được thứ chữ kì lạ ấy... cũng không hẳn là chuyện vô lí."

Anh thu lại tờ giấy Liên từng viết, cẩn thận đặt vào ngăn kéo như đó là một món đồ quý hiếm.
"Thôi thì... cô đã có lòng học, ta cũng nên giữ lời. Nào, theo ta. Hôm nay là buổi đầu, ta sẽ xem cô tiếp thu được bao nhiêu."

Liên gật đầu bước theo sau anh. Trong lòng cô như có một mảnh trời vừa được hé mở. Cánh cửa gian phòng mở ra, một chương mới vừa khẽ khàng bắt đầu, nơi tri thức xưa và nay, giữa hai thế giới, lặng lẽ giao thoa.

Trong căn phòng tĩnh mịch, thời gian như ngừng trôi. Chỉ còn tiếng gió khe khẽ lùa qua khe cửa. Trên chiếc bàn gỗ cũ là bút lông, nghiên mực, vài mảnh tre, như một bức tranh giản dị mà thanh tao. Liên bước đến gần, cúi chào thật khẽ như một nghi thức quen thuộc. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống, hơi thở chậm rãi hòa vào không gian tĩnh lặng.

Xuân Kiều đứng đối diện, tay chắp sau lưng, đôi mắt an tĩnh mà sâu sắc. Anh mở lời, giọng điềm đạm của một người từng trải qua bao tri thức:
"Chữ Nôm là sự sáng tạo từ chữ Nho. Chúng ta đã khéo léo vận dụng để tạo ra một hệ thống chữ viết ghi lại tiếng nói của mình. Quá trình này không đơn giản, bao hàm nhiều phương pháp[72]: có khi mượn hẳn chữ Nho, có khi kết hợp âm và nghĩa, gọi là hài thanh; hoặc đôi khi kết hợp hai ý nghĩa khác nhau để tạo ra một khái niệm mới, gọi là hội ý. Còn có cách như giả tá... Tất cả đều là những điều phức tạp mà ta cần phải học và hiểu." Anh ngừng lại một chút, như chờ Liên kịp tiếp thu.

Liên ngồi ngay ngắn, mắt chăm chú nhìn anh, lắng nghe một cách chú tâm. Trong lòng cô không chỉ là sự kính trọng đối với người thầy, mà còn là tò mò, và cả hào hứng với thế giới chữ nghĩa đang được mở ra trước mắt.

Xuân Kiều tiếp tục, giọng anh nhẹ nhàng, mỗi câu như một viên đá tảng được đặt vững chắc trong lòng cô.
"Muốn học chữ Nôm, trước tiên phải nắm vững chữ Nho. Ta bắt đầu từ cách viết: từ trên xuống dưới, từ trái qua phải; nét ngang trước, nét dọc sau; nét ngoài trước, nét trong sau; vào trước, đóng sau; nét giữa trước, hai bên sau."

Anh lấy chiếc bút lông, đứng chếch qua một bên bàn.
"Nay ta dạy vài chữ căn bản trước."
Xuân Kiều vừa nói vừa viết lên những nét chữ đầu tiên trên mảnh tre. Ba ngón tay cầm, hai ngón tay đỡ, cổ tay linh hoạt, động tác uyển chuyển như đang nâng nhành trúc non, mềm dẻo mà vững vàng:
"Chữ "Nhất" (一) là một, chỉ sự tương đồng. Chữ "Thập" (十) là mười, biểu tượng cho sự đầy đủ. Chữ "Cửu" (九) là chín, còn có nghĩa khác là muôn vàn, đa số. Chữ "Nhân" (人) người. Chữ "Khẩu" (口) là miệng, hoặc cửa."

Liên lặng im, mắt dõi theo từng nét, cảm nhận như mỗi chữ ấy là một câu chuyện nhỏ được kể lại qua từng đường bút.

Xuân Kiều tiếp tục:
"Trên viết "Thập" (十), dưới viết "Nhất" (一), ta được chữ "Sĩ" (士), chỉ học trò, người học thức. Dưới chữ "Sĩ" (士) thêm chữ "Khẩu" (口), thành chữ "Cát" (吉), nghĩa là tốt lành. Trên "Thập" (十) dưới "Khẩu" (口) là chữ "Cổ" (古), chỉ thời xưa. Ghép ba bộ "Khẩu" (口) ta có chữ "Phẩm" (品). Dùng trong "Bình phẩm" là phê bình, "Thượng phẩm" là phẩm cấp, "Nhân phẩm" là tư cách, "Vật phẩm" là đồ vật."

Liên thoáng kinh ngạc. Những hình ảnh, những ý niệm tưởng chừng quen thuộc nay bỗng mang một dáng vẻ mới, được khắc họa bằng từng nét bút đơn giản mà hàm chứa bao lớp nghĩa.

Xuân Kiều khẽ liếc nhìn cô, ánh mắt như một làn sóng dịu nhẹ thoảng qua. Anh đặt bút xuống, giọng trầm tĩnh:
"Mời cô chép lại những chữ vừa học. Cứ thong thả mà viết, chớ vội."

Liên gật đầu, nhận lấy cây bút. Chiếc bút lông lạ lẫm, mực thấm lên mảnh tre từng nét vụng về khiến cô thấy lúng túng. Nét viết đầu tiên nghiêng lệch, nét sổ vụng về. Cô hít một hơi sâu, cố gắng điều chỉnh tư thế tay và tiếp tục.

Xuân Kiều vẫn đứng cách đó một quãng, ánh mắt dõi theo trong tĩnh lặng, dịu dàng mà kiên nhẫn. Anh nhẹ nhàng lên tiếng:
"Trước hết, hãy để nét chữ đi theo nhịp thở. Khi tâm lặng, tay sẽ vững; khi lòng yên, chữ sẽ tròn."

Câu nói ấy như một lời nhắc nhở cho chính cô. Đây không chỉ là học cách viết chữ, mà là học cách giữ tâm bình lặng, sống chậm lại để cảm và hiểu.
Liên tiếp tục viết. Từng nét, từng chữ dần trở nên ngay ngắn hơn. Tựa như qua từng đường mực ấy, cô đang nối lại sợi dây vô hình với quá khứ, với những giá trị thâm trầm mà bền vững.

Gian phòng còn vài người cùng học. Mỗi người một dáng vẻ, một ánh mắt chăm chú. Có người khoảng ba mươi, tay cầm bút như nâng vật quý; người trẻ hơn, ánh nhìn sáng như trăng soi mặt nước. Tất cả cùng chung một niềm say mê lặng lẽ trên con đường chữ nghĩa tưởng chừng đơn sơ mà lại sâu rộng không đáy.

Đào có vẻ đã quen việc, chữ viết rõ ràng, tay cầm bút chắc, phong thái điềm đạm. Thỉnh thoảng, cô nghiêng mắt sang Liên, kín đáo quan sát, khẽ gật đầu như một lời động viên lặng lẽ.

Mặt trời ngả về tây, ánh nắng nhạt màu len lỏi qua khung cửa gỗ. Xuân Kiều đặt bút xuống, đảo mắt nhìn khắp phòng. Anh chắp tay sau lưng, giọng trầm ấm, nhẹ như làn sương chiều:
"Hôm nay đến đây là đủ. Mọi người có thể nghỉ, ngày mai lại tiếp tục."

Tiếng bút ngừng, vài chiếc ghế khẽ xê dịch. Không ai vội. Dường như ai cũng muốn nán lại, giữ lấy dư âm của buổi học thanh tĩnh, thấm đượm thi vị.
Xuân Kiều bước đến gần bàn của Liên:
"Mỗi ngày học vài chữ. Chữ nghĩa muốn bền, tựa như mưa dầm thấm lâu."

Liên đặt bút xuống, nghiêng mình kính lễ, giọng cô trong trẻo, đầy sự biết ơn:
"Cảm ơn anh đã tận tình chỉ dạy."

Anh im lặng nhìn cô một thoáng, như muốn gửi gắm điều gì sâu xa hơn những lời vừa nói:
"Cô mang về đọc lại. Tối đến nên giở ra, để mặt chữ in dần vào tâm trí."

Liên khẽ nghiêng đầu, vẻ mặt trầm tĩnh mà sáng rõ, cảm giác như đang nghe thấy tiếng thì thầm của thời gian vọng về qua từng con chữ.

"Khi nào có thời gian, ta và cô tiếp tục luận bàn chuyện như đã giao hẹn trước." Giọng anh thấp và chậm, chỉ vừa đủ để hai người nghe.

Liên hướng ánh nhìn về phía anh. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, hai đôi mắt giao nhau. Cô hiểu anh đang nói đến chuyện học chữ Quốc ngữ. Cô gật nhẹ, khóe môi hơi nhếch, không giấu được vẻ trân trọng:
"Vâng. Tôi sẽ thu xếp."

Xuân Kiều không nói thêm. Anh hơi nghiêng người thay lời tiễn biệt, như dấu chấm lặng lẽ khép lại buổi học đầu tiên.

Khi bước ra khỏi ngôi nhà, gió đầu chiều thổi qua lay nhẹ vạt áo. Liên cúi xuống nhìn tờ giấy trên tay, trong lòng bỗng dâng lên một cảm giác thật lạ. Không phải nỗi băn khoăn khi đối mặt với quá khứ, cũng chẳng phải sợ hãi về sự khác biệt... mà là một sự háo hức, tựa như cô vừa chạm được vào một phần chân thật nhất của dòng lịch sử đang lặng lẽ chảy qua tay mình.

---
Sáng sớm. Những tia nắng đầu tiên xuyên qua tán cây, chiếu rọi xuống bãi tập. Tiếng bước chân rộn ràng, ánh thép gươm giáo lấp lánh dưới bình minh. Trống trận vang dội, như tiếng sấm đầu mùa, mở màn buổi luyện binh hùng tráng. Theo nhịp trống, hàng trăm nghĩa quân đồng loạt bước ra, dáng thẳng, mắt sáng, tay cầm binh khí, đội hình chỉnh tề.

Đột nhiên, tiếng trống bỗng chững lại, một khoảng im lặng lan ra giữa sân trại như một làn sóng vô hình. Liên ngẩng đầu, cảm nhận rõ sự thay đổi trong không khí. Tất cả ánh mắt cùng đổ dồn về một phía. Quang Bình xuất hiện sau dàn chiêng trống, bước từng bước vững chãi. Anh mặc trang phục màu xanh đậm thắt đai lưng đỏ, ánh mắt lạnh như thép và nét mặt nghiêm trang. Dưới ánh nắng, trên người anh toát lên khí thế uy dũng, lấn át quần hùng. Lúc này Liên mới hiểu rõ lời Đào nói: Anh không cần quát tháo, chỉ cần sự hiện diện đã đủ để mọi người vào khuôn khổ.

Quân số nghĩa quân giai đoạn hiện tại khoảng hơn một ngàn, được chia thành ba cánh quân: Trung quân[73] do Quang Diệu làm chỉ huy, Tả quân[74] do Văn Dũng chỉ huy và Hữu quân[75] - đội nữ quân - do Dung chỉ huy. Quang Bình với tư cách là tổng chỉ huy, anh đứng trên gò đất cao mắt sắc bén lướt qua từng đội hình. Mọi sự chỉ huy đều thông qua cờ hiệu trên tay anh phát lệnh cho toàn quân. Chiêng trống cũng theo đó mà đánh ra hiệu lệnh.

Mỗi nghĩa quân được trang bị binh khí huấn luyện theo từng nhóm. Thương và giáo dài: bố trí phía trước đội hình, chuyên đâm tầm xa, giữ vững tuyến đầu. Côn gỗ và côn sắt: cơ động, dùng để quét và phá rối đội hình địch. Đao, kiếm các loại: dùng cho quân ở trung tuyến, chủ yếu chém gần, tốc độ cao.

Từ trên gò cao, Quang Bình vẫy cờ đỏ lên, một hồi trống dài vang lên. Lệnh tấn công chính thức bắt đầu. Trung quân đứng vững ở chính diện, thương cầm ngang ngực, côn dựng bên hông, sẵn sàng tấn công. Tiếp theo, cờ đỏ vẫy hai lần, trống vang hai hồi ngắn, báo hiệu bắt đầu tấn công. Trung quân nghiêm cẩn bước lên, thương đồng loạt chĩa về phía trước như một bức tường sắc bén. Tiếng trống hòa với nhịp bước chân, thúc giục từng bước tiến mạnh mẽ về phía địch giả định. Tả quân dưới sự chỉ huy của Văn Dũng, lùi lại, tạo khoảng trống cho quân địch tiến vào thế bẫy. Trong khi Hữu quân của Dung, ẩn mình vào các dãy tre giả định, chờ thời cơ.

Khi cờ vẫy mạnh về bên phải, rồi bên trái, tiếng chiêng vang lên hai hồi ngắn, tiếp đến lại một hồi ngắn, Hữu quân xông lên, đao sáng loáng dưới nắng, đánh úp từ phía sau. Giữa dãy tre ngụy trang, Liên nín thở, tay siết chặt thanh côn. Tim đập gấp gáp nhưng ánh mắt cô vẫn kiên định, chăm chú dõi theo từng chuyển động phía trước. Khi tín hiệu vừa phát ra, cô bật người lao ra như mũi tên, côn vung lên, nhanh và gọn, không hề do dự. Cô bám sát đồng đội, từng bước chân dứt khoát, tiếng thở hòa nhịp với tiếng trống. Trong khoảnh khắc ấy, Liên cảm nhận rõ sức nóng từ mặt đất, sự căng thẳng trong không khí.

Tả quân quay đầu phản công, tấn công từ cạnh sườn. Cờ hiệu xoay vòng, tiếng trống dồn dập, chiêng nổi lên, chỉ thị cho Tả quân và Hữu quân tiếp tục siết chặt vòng vây. Thương đâm thẳng. Côn vung tròn. Đao bổ nghiêng. Các mũi tấn công phối hợp nhịp nhàng, tạo nên thế trận vây ép hình móng ngựa, dồn địch giả định vào giữa.

Sau vài hồi trống ngắn, Quang Bình giơ cờ hiệu cao và giữ yên, trống kéo dài một hồi cuối - hiệu lệnh kết thúc. Toàn quân dừng tay, nhanh chóng quay về đội hình ban đầu, trật tự và kỉ luật. Các chỉ huy kiểm tra lại đội hình, chỉnh đốn hàng ngũ.

Trên đỉnh gò, Quang Bình gật đầu nhẹ, ánh mắt sắc lạnh đảo qua từng hàng quân, giọng rắn rỏi vang lên giữa khoảng im lặng:
"Phối hợp khá tốt, tôi nhận thấy mọi người có tiến bộ. Song Tả quân rút chậm, để lộ sơ hở tai hại. Hữu quân bọc hậu chưa đủ quyết liệt, để kẻ thù có đường thoát. Chiến trường không dung thứ sơ suất. Ai lơ là, tất phải trả giá bằng mạng sống."

"Đã rõ!" Mọi người đồng thanh.

Trong đội hình nam binh, có một người mới gia nhập chỉ vài ngày trước. Anh ta trạc tuổi 30, thân hình vạm vỡ, gương mặt luôn hằn rõ vẻ không hài lòng. Văn Phú thường đứng ngoài đội hình, không chịu tuân theo hiệu lệnh. Điều này khiến Liên không khỏi chú ý, vì những hành động đó khác hẳn với những người khác trong đội.

Quang Bình đã nhận ra sự bất tuân từ Văn Phú suốt quá trình luyện tập. Anh vẫn đứng yên sau hàng quân, mắt dõi theo dáng người to lớn đang tách mình khỏi tập thể. Khi tiếng trống vừa dứt, anh bước chậm về phía người kia. Anh không vội. Đôi chân bước nhưng trong lòng đang cân nhắc từng điều.
Đã từng, một kẻ giống Văn Phú xuất hiện trong trại huấn luyện năm trước, ngang tàng, không phục tùng. Quang Bình khi ấy còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, đã chọn cách mạnh tay ngay từ đầu, trấn áp bằng vũ lực. Gã kia bị thương, bỏ trốn, đi khắp nơi rêu rao không mấy tốt đẹp về nghĩa quân. Đó là một vết cắt sâu khó lành. Từ sau lần đó, Quang Bình tự nói với lòng sẽ không vội vàng dùng vũ lực trước khi dùng lý lẽ. Anh nhủ thầm: "Có những người... không phải không phục lệnh, mà chưa hiểu vì sao nên phục."

Một nhịp thở dài, rất khẽ, thoáng qua trong lòng. Anh không muốn dùng sức mạnh để áp chế, nhưng đôi khi, mệnh lệnh không đủ nếu thiếu hành động. Là tổng chỉ huy, anh hiểu: mỗi quyết định đưa ra trước hàng quân là một lần đứng giữa lằn ranh của lí trí và cảm xúc.
Giọng anh không lớn mà đầy uy lực:
"Vì sao anh không theo hiệu lệnh?"

Không khí trong trại lặng hẳn. Tất cả ánh mắt đổ dồn về hai người.
Văn Phú ngước lên, ánh nhìn mang theo sự thách thức. Anh ta khẽ nhếch môi:
"Cậu là ai mà ra lệnh cho tôi? Cậu còn nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, sao phải nghe lời cậu?"

Liên nghe thấy giọng nói đầy thách thức của Văn Phú, tim cô bất giác đập nhanh hơn. Trong lòng dấy lên một cảm giác phức tạp, vừa lo lắng, vừa tò mò. Cô chưa từng thấy bất kì ai trong quân có thái độ thiếu tôn trọng với người chỉ huy như vậy, và càng không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Quang Bình không đáp lại ngay. Anh tiến lại gần, sắc mặt không hề thay đổi, ánh nhìn thẳng thắn như một tia sét xuyên qua màn đêm. Anh nói với giọng điềm tĩnh và dứt khoát:
"Trại này có quy củ nghiêm minh, không ai được đứng ngoài mệnh lệnh."

Văn Phú bực tức, anh ta bước tới một bước, quát lên:
"Tôi từng dẫn một đám giang hồ ngang tàng, cậu tưởng tôi là lính để nghe lời hay sao?"

Quang Bình không lùi, trong đáy mắt anh có một thoáng thấu hiểu. Anh đã gặp không ít kẻ như vậy: cường tráng, ngạo mạn... Anh không nổi giận, cũng chẳng vội vàng, chỉ chậm rãi mở lời:
"Làm tướng không chỉ cậy sức mà thành, cũng chẳng vì tuổi tác mà hơn người. Một chữ "quân" là đồng lòng; một chữ "pháp" là bất dịch. Quân không pháp, như ngựa không cương - mạnh đến mấy cũng chỉ là giống hoang. Anh có thể chưa phục tôi, song đã tham gia nghĩa quân, thì phải phục lệnh, giữ quân pháp. Còn nếu lòng không thuận, ý chẳng chung thì cứ thẳng bước mà đi. Doanh trại này không dung kẻ cậy mình hơn người mà làm loạn phép."

Ánh mắt Văn Phú không giấu được sự bất mãn, bất ngờ lớn tiếng:
"Được! Tôi không muốn ở lại đây để một thằng ranh con ra lệnh thế này thế nọ!"

Một khoảnh khắc im lặng bao trùm, tất cả mọi người đều ngừng lại, nhìn về phía Văn Phú và Quang Bình. Những tiếng thở hắt ra từ những người xung quanh phản ánh sự căng thẳng đang lan tỏa.

Trong một tích tắc, Quang Bình nhớ lại trận huấn luyện đầu tiên khi anh suýt bị một tân binh gây thương tích. Khoảnh khắc ấy dạy anh rằng: kiểm soát người không phục, không chỉ bằng sức mạnh, mà bằng sự dứt khoát đúng lúc. Quang Bình nhẹ nhàng nhìn anh ta:
"Anh cứ tự nhiên."

Văn Phú không thể chịu đựng thêm được nữa. Cơn giận và sự ngạo mạn dâng trào trong lòng. Anh ta quát lớn, nắm chặt cán côn và vung mạnh về phía Quang Bình. Một chiêu đột ngột, nhắm thẳng vào người anh.

Thanh côn vung tới, như một đường gió xé rách sự tĩnh lặng. Quang Bình đã đoán trước. Anh vẫn đứng yên như một tảng đá, không hề chớp mắt, không hề dao động. Trong thâm tâm, anh vẫn mong mình không phải đi đến bước này. Bàn tay anh vươn ra theo phản xạ - chính xác, mạnh mẽ, dứt khoát. Từng ngón tay như thép quật chặt cán côn. Cú bắt côn chỉ để chặn lại đòn đánh, không nhằm làm tổn thương. Chỉ để cho thấy giới hạn.

Văn Phú cố gắng vận lực, sử dụng tất cả sức mạnh để giật thanh côn khỏi tay Quang Bình nhưng vô ích. Anh ta càng ra sức, Quang Bình lại càng đứng vững, không hề bị lay động. Bất ngờ, Quang Bình xoay tay, côn vung ngược. "Rắc" - thanh côn gãy đôi. Văn Phú mất đà, loạng choạng ngã ngửa ra sau. Cả khu trại im lặng, mọi người đều đứng yên, mắt mở to nhìn cảnh tượng trước mắt.

Văn Phú ngẩng đầu nhìn về phía Quang Bình, như không tin nổi những gì vừa xảy ra. Trong khi đó, Quang Bình vẫn đứng nguyên tại vị trí. Tay anh giữ một nửa thanh côn đã gãy, vẻ mặt không chút biểu cảm, tựa như hành động vừa rồi chỉ là một phần trong công việc thường ngày.

Văn Phú từ từ đứng dậy, không nói gì thêm.
Một vài giây im lặng trôi qua, Văn Phú thở dài, hạ thấp cơn giận. Anh ta nhìn Quang Bình, cảm nhận được uy lực ẩn sau đòn phản công vừa rồi. Một sức mạnh không phải tầm thường, một bản lĩnh mà không phải ai cũng có được. Giờ thì anh ta đã hiểu, vì sao một cậu thiếu niên trẻ tuổi lại được chọn để chỉ huy cả một đội quân.

Văn Phú cúi đầu, không phải vì sự tức giận hay nhục nhã, mà là sự thừa nhận một cách lặng lẽ:
"Tôi sai rồi, chỉ huy."

Quang Bình đứng lặng. Anh không hả hê, không vui mừng. Vì chiến thắng bằng sức mạnh luôn để lại một vết cắt âm thầm mà khắc sâu trong lòng. Thái độ của Văn Phú lúc ấy không mang dáng dấp của kẻ thua trận, mà là ánh nhìn của người đã thấu hiểu điều gì đó. Và thế là đủ.

Quang Bình gật đầu, gương mặt anh vẫn giữ sự kiên định:
"Tất cả chúng ta ở nơi đây, đều mang chung một chí hướng."
Lời anh nhẹ như vạt lụa, bên trong ẩn chứa một lưỡi kiếm mảnh và sắc. Không phải lúc nào lòng bao dung cũng giữ được trật tự. Và không phải lúc nào trừng phạt cũng là tàn nhẫn. Là người đứng đầu, anh buộc phải biết lúc nào nên nhẹ, khi nào cần nặng. Vì cả trăm con người đang nhìn vào mỗi quyết định của anh như la bàn định hướng.
Anh nói tiếp:
"Theo điều một quân quy: bất tuân mệnh lệnh, phạt đứng bất động một canh giờ!"

Văn Phú hô lớn:
"Đã rõ!"

Liên đứng lặng giữa đội hình, từ xa dõi theo từng cử chỉ của Quang Bình. Cảnh tượng vừa xảy ra như khắc sâu vào tâm trí cô. Đó không phải là uy quyền của một người cấp trên, mà là sự tin chắc vào lí lẽ, vào chính nghĩa, vào tầm quan trọng của từng con người trong đội ngũ.

Cô bất giác siết chặt tay, ánh mắt không thể rời khỏi dáng người ấy. Trong mỗi bước đi, trong từng ánh nhìn và hành động, toát lên một khí chất khiến người khác phải nể trọng. Quang Bình không chỉ giỏi, anh sắc sảo, thấu đáo, và hơn hết, có một nội lực khiến người khác muốn tin theo. Một người như thế, không cần phải chứng minh quá nhiều, bởi chính sự hiện diện đã đủ để định hình trật tự.

Quang Bình quay lưng bước đi. Trên đỉnh gò đất, anh một lần nữa gánh lấy vị trí mà chính bản thân đôi khi cũng thấy cô độc. Sự thừa nhận vừa rồi đến từ một kẻ cứng đầu như Văn Phú là câu trả lời rõ ràng nhất cho cách anh chọn để lãnh đạo.
"Tập luyện kết thúc. Tất cả giải tán!"

___
[70]Sông Sài Gòn: dài khoảng 256 km, bắt nguồn từ Bình Phước, chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh và đổ vào sông Đồng Nai.

[71]Thành Sài Côn: cách gọi xưa theo âm Hán (柴棍) của thành Sài Gòn, xuất hiện từ thời chúa Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XVII.
Sau khi chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu mở rộng bờ cõi về phía Nam, vùng Gia Định được thành lập. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, chia đất Đông Nam Bộ thành hai dinh:
- Dinh Trấn Biên (tức vùng Biên Hòa – Đồng Nai ngày nay).
- Dinh Phiên Trấn (tức vùng Sài Gòn – Gia Định).
Thành Sài Côn nằm trong dinh Phiên Trấn, và đây là trung tâm hành chính – quân sự của dinh. Thành Sài Côn thời chúa Nguyễn còn sơ khai, chủ yếu là đồn lũy bằng đất, tre, phục vụ phòng thủ và quản lý hành chính.

[72]Một số cách cấu tạo chữ Nôm:
1. Để nguyên hình của chữ:
- Đọc theo âm Hán Việt, lấy cả âm và nghĩa của chữ Hán đó.
Ví dụ: Chữ "nhân tình" (人情) trong câu:
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le (Lục Vân Tiên)
- Đọc theo âm Hán Việt, chỉ mượn âm nhưng không dùng nghĩa của chữ Hán đó.
Ví dụ: Chữ "ngã" (我) nghĩa là tôi/ta, trong âm Nôm đọc ngã nhưng ý nghĩa là ngã trong ngã ngửa, đổ ngã.
- Loại giả tá: mượn chữ Hán nhưng đọc trại âm của âm Hán Việt.
Ví dụ: Chữ "minh" (明) nghĩa là sáng, khi đọc âm Nôm là minh, mừng, mênh, miêng.
2. Loại hội ý: lấy hai chữ Hán cùng có nghĩa chỉ về một âm nào đó, ghép hai chữ ấy lại thành một chữ Nôm.
Ví dụ: Chữ "thiên" (天) trong tiếng Hán là trời, chữ "thượng" (上) là trên. Ghép lại tạo ra chữ Nôm "trời" (𡗶).
3. Loại hài thanh (hay hình thanh): loại này dùng hai hay nhiều chữ Hán, hoặc hai nửa của chữ Hán ghép lại với nhau, hoặc nửa chữ này ghép với chữ kia ghép lại tạo thành một chữ Nôm. Một phần biểu âm, một phần biểu ý.
Ví dụ: Chữ Quốc ngữ có một chữ "năm" vừa để biểu thị cho số năm (5) và "năm" trong "ngày tháng năm".
Trong chữ Nôm, có hai cách viết chữ "năm".
- Chữ "năm" (𠄼) trong số 5 gồm: chữ "nam" (南)
biểu âm, và chữ "ngũ" (五) nghĩa là số 5.
- Chữ "năm" (𢆥) trong "ngày tháng năm" gồm: chữ "nam" (南) biểu âm và chữ "niên" (年) nghĩa là năm.
*Kết hợp bộ thủ của chữ Hán:
Ví dụ: Chữ "tớ" (伵) gồm "bộ nhân" (亻) biểu ý và chữ "tứ" (四) biểu âm.
Còn một số cách tạo chữ khác nữa, ít phổ biến hơn, và cũng cần chuyên sâu nên sẽ không đề cập ở đây.

[73]Trung quân: quân trung tâm
[74]Tả quân: quân cánh trái
[75]Hữu quân: quân cánh phải

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com