Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ẩn thế cao nhân


Mấy ngày trước kể chuyện về cao nhân, chủ yếu kể về Đạo giáo.

Rất nhiều độc giả cảm thấy không phục, nói Phật giáo cũng có cao nhân, cũng từng ra tay cứu thế.

Tôi cảm thấy sao cũng được, chỉ cần hết lòng cống hiến cho đời, chúng tôi đều đón chào, ủng hộ hết mình.

Rất nhiều người nói, sự cống hiến của một vài người chỉ vì muốn diễn cho người khác xem, tôi thấy cho dù là diễn cũng được, thành tâm cũng tốt, chỉ cần thật sự ra tay giúp đỡ là tốt rồi.

Cho nên hôm nay chúng ta kể vài câu chuyện về Phật giáo.

Mấy ngày trước tôi vô tình nghe được vài câu chuyện liên quan tới Ngũ Đài Sơn, giờ chúng ta cùng nhau kể nhé.

Ngũ Đài Sơn là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn Trung Quốc.

(*)Ngũ Đài Sơn (còn gọi là núi Thanh Lương) thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây. Núi này là nơi có nhiều chùa chiền, tự viện quan trọng nhất Trung Quốc.

Hôm nay chúng ta kể hai câu chuyện thần bí của Ngũ Đài Sơn.

Hai chuyện này vốn không phải chuyện hư cấu, tương đối chân thật, trong một lần nọ, tôi may mắn được nghe người trong cuộc thuật lại.

Thường có người hỏi tôi: Trên đời này rốt cuộc có tồn tại mấy hiện tượng linh dị không? Có thần, có Phật, có yêu ma quỷ quái không?

Vấn đề này thật lòng rất khó trả lời.

Tôi là đệ tử Nho gia, Nho giáo chú trọng "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", đối với "quái lực loạn thần" phải "tôn kính nhưng không được đến gần", nhưng tôi lại một lòng chung thủy với mấy chuyện tà môn linh dị thế này.

Hơn nữa tôi còn phát hiện, trong lịch sử có rất nhiều Nho gia thánh nhân, thật ra đều là người tu hành một loạt tư tưởng ba giáo phái: Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Ví như hiền triết Vương Dương Minh, lúc đầu tu Đạo, sau đó học Phật giáo, cuối cùng gia nhập Nho gia, sáng lập "tâm học".

(*)Vương Dương Minh: nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà triết học xuất sắc thời nhà Minh.

Còn có cư sĩ Nam Hoài Cẩn, câu chuyện về sư phụ Nam chúng ta cũng từng bàn đến, năm mười mấy tuổi, ông tới Thục Sơn tìm gặp kiếm tiên, trước tu Đạo, sau theo lão hòa thượng tìm hiểu Phật giáo, cuối cùng muôn nẻo đường tìm về Nho giáo. Nam sư phụ nói: "Theo Nho giáo khi lòng hoan hỉ, theo Đạo giáo khi ngã lòng, theo Phật giáo khi lòng tuyệt vọng."

Bạn học Phật pháp cũng được, tu Đạo cũng tốt, đợi khi tu hành xong rồi, vẫn phải lấy thiên hạ chúng sinh làm trọng, góp sức cống hiến cho đất nước, cứu người như cứu hỏa, đây mới là đạo lý đúng đắn.

Được rồi, vẫn nên chuyên tâm kể chuyện chính.

Câu chuyện thứ nhất do một nhà sản xuất phim truyền hình điện ảnh thuật lại.

Chuyện này xảy ra vào năm trước, lúc đó anh đọc mấy câu chuyện tôi đăng trên tài khoản công khai, đặc biệt thích thú, muốn chuyển thể chúng thành phim, sau đó lái xe bốn tiếng đồng hồ tới tân khu Hùng An tìm tôi uống r.ượu.

Mọi người uống từ 9h tối đến 4h sáng, ai nấy đều say mèm, bàn đủ thứ chuyện trên đời, từ văn học tới điện ảnh rồi nữ nhân, cuối cùng bàn đến tín ngưỡng.

Câu chuyện này được được anh kể lại trong lần tụ họp đó.

Anh nói, ban đầu anh không tin Phật pháp, đặc biệt là việc cúng dường cho Lạt ma.

(*) Lạt ma: ở đây không có nghĩa chỉ các cao tăng Tây Tạng, mà chỉ những người giảng giải giáo lí Phật pháp, giáo điều Phật giáo, bên cạnh đó còn thực hiện các nghi lễ cầu siêu, giải hạn...

Người trong giới giải trí vô cùng mê tín, đặt lòng tin nhiều nhất chính là chuyện này, nếu cậu không cúng dường cho một vị lạt ma nào đó, người khác sẽ nghĩ rằng đụng trúng thứ gì đó không tốt, giới giải trí chủ yếu tập trung ở khu Triều Dương, vì vậy nơi tập trung nhiều thượng sư nhất chính là khu Triều Dương, Bắc Kinh.

Nhưng lúc đó, ông chủ anh rất tin mấy loại chuyện này, lần nào trước khi quay phim cũng bỏ một số tiền lớn mời đại sư về xem.

Lúc đó ông chủ anh muốn quay một bộ phim liên quan tới Hắc đạo, có chút không rõ, bèn mạo muội mời thầy phong thủy vang danh một thời Bạch Long Vương đến xem.

Bạch Long Vương hỏi ông: "Bộ phim này có tên là gì?"

Ông chủ anh nói ra một cái tên.

Bạch Long Vương lắc lắc đầu, nói: "Đổi một cái tên khác đi."

Sau đó ông đặt cho chúng tôi một cái tên mới.

Tiếp tục nói: "Bộ phim này, ông có thể đầu tư nhiều bao nhiêu thì dốc sức đầu tư nhiều bấy nhiêu đi."

Ông chủ anh lúc đó mời dàn minh tinh nổi tiếng nhất thời đó, bộ phim do Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa đóng chính.

Sau đó, bộ phim này cũng trở thành một trong số ít bộ phim kinh điển nhất trong lịch sử phim ảnh Trung Quốc.

Đúng vậy, bộ phim này chính là: Vô Gián Đạo.

"Vô Gián Đạo" lấy tên từ quyển thứ mười tám của "Niết Bàn Kinh": "Địa ngục sâu nhất trong bát đại địa ngục, tên là Vô gián địa ngục, nơi đó chúng sinh bị hành hình liên tục đời đời, không gián đoạn, do đó có tên Vô Gián."

Nhưng anh vẫn bán tín bán nghi.

Sau này anh hoàn toàn tin tưởng chúng cũng bởi vì một cuộc gặp gỡ bất ngờ ở Ngũ Đài Sơn.

Chuyện này khá đặc biệt, chúng ta chỉ có thể nói đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ.

Lúc đó, công ty bọn họ tổ chức một chuyến đi tham quan, đi du lịch kết hợp dâng hương bái Phật bên Ngũ Đài Sơn.

Anh vốn dĩ không tin mấy loại chuyện tâm linh này, nhưng công ty đã thống nhất tổ chức, anh không tiện từ chối đành bấm bụng đi theo.

Đến tự viện, anh không bái Phật cũng không vào cửa chùa, tùy tiện mua một ít đặc sản địa phương, một mình tham thú.

Tối đó, bọn họ nghỉ lại trong phòng dành cho khách ở tự viện, anh nằm trên giường trằn trọc mãi, toàn thân đổ đầy mồ hôi, không sao ngủ được, bèn đứng dậy khoác một lớp áo mỏng, ra ngoài đi dạo.

Tự viện nằm trên núi, đường núi gập ghềnh khúc khuỷu, anh đi càn đi quấy, đi chẳng được bao lâu đã bị lạc đường.

Lúc đó đang là mùa hè, ánh trăng sáng trong như nước, trong veo sáng ngời, long lanh lấp lánh, gió thổi rì rào hòa cùng tiếng ve ngân du dương, trầm bổng vui tai vô chừng.

Đi mãi đi mãi, anh tình cờ bắt gặp một dị nhân. Người này là một lão hòa thượng, râu tóc bạc phơ, ngồi thiền trên một phiến đá bên cạnh sườn núi.

Anh có chút hiếu kỳ, cất giọng hỏi lão hòa thượng: "Đêm hôm khuya khoắt, ông còn ngồi đây niệm kinh gì?"

Lão hòa thượng cười, nói: "Ta chẳng niệm kinh gì, chỉ ngồi thiền cáo hoang."

Anh bèn hỏi lão hòa thượng: "Trên Ngũ Đài Sơn rốt cuộc có thần tiên không?"

Lão hòa thượng cười, nói: "Trên núi này kẻ đến người đi nhiều vô số kể, còn náo nhiệt hơn cả thành thị sầm uất, cho dù có thần tiên, e rằng cũng sớm bị con người dọa chạy mất dép!"

Anh cười, cảm thấy lão hòa thượng này có chút thú vị.

Sau đó anh ngồi xuống, cùng lão hòa thượng trò chuyện tán gẫu, thấy lão hòa thượng vô cùng lợi hại, hơn nữa còn tinh thông thiên văn địa lý, lịch sử chính trị, không gì không biết, kiến thức uyên bác vô chừng, lời lẽ khôi hài, ngắn gọn súc tích.

Rất nhiều nghi hoặc trong lòng được lão hòa thượng giải đáp chỉ trong vài lời nói, khiến anh như được khai thông khỏi một mớ hỗn độn.

Anh càng nói càng hăng, tỏ ý muốn trò chuyện xuyên đêm, lão hòa thượng bèn nói: " Trời cũng đã khuya, thí chủ nên quay về rồi, ta cũng phải về đây."

Anh vội hỏi lão hòa thượng sống ở đâu?

Lão hòa thượng chỉ tay lên, nói: "Ta sống trong hang động trên kia."

Anh ngoảnh đầu nhìn, thấy xung quanh hoang vu hẻo lánh, cây cối um tùm, hoàn toàn chẳng thấy đường quay về.

Trong lúc căng thẳng, lão hòa thượng chỉ tay về phía sau, nói: "Không phải chỗ đó sao?"

Anh ngoảnh đầu lại nhìn, phía sau có một con đường mòn nhỏ, lối mòn quả nhiên dẫn về tự viện nơi anh đang sống.

Anh sửng sốt một phen, quay đầu lại nhìn lần nữa, lão hòa thượng ấy mà chẳng thấy đâu.

Anh kinh ngạc hồi lâu, ngó muôn nơi tìm kiếm, phát hiện xung quanh quả thật chẳng có bất kỳ bóng dáng nào.

Vậy lão hòa thượng nọ, không chừng bị trượt chân rơi khỏi vách núi rồi?

Ngày hôm sau, anh đặc biệt qua đó xem thử, thấy con đường mòn trơ trọi không dấu chân, đường trên vách núi hoàn toàn không có rào chắn bảo vệ, cũng không có phiến đá nào cho người khác ngồi nghỉ chân.

Anh có chút sửng sốt, lẽ nào tối hôm qua lão hòa thượng nọ ngồi thiền lơ lửng giữa lưng chừng núi nói chuyện phiếm với mình?

Ngước mắt nhìn lên trên, phía trên vách núi cao có một hang động, anh thầm nghĩ bên trong đó phải chăng có một pho tượng Phật cổ kính, phải chăng bản thân đã vô tình gặp phải kỳ tích?

Anh hỏi thăm người dân địa phương, họ nói trong hang động kia chẳng thờ cúng tượng Phật cổ gì cả, chỉ có một nhà sư c.hết ở đó từ lâu, xương cốt sớm đã mục nát.

Anh cẩn thận dò xét, vách núi đó vô cùng cao, khoảng chừng cao hơn 20m, vách đá tuyệt đối và mặt đá dựng đứng, dài nhẵn như một con dao, trên đó có một hang động, cũng không biết lúc đó nhà sư nọ làm thế nào leo lên được hang động trên kia?

Anh chán nản thất vọng, mặt như mất sổ gạo, vội quay trở về.

Sau khi quay về, anh vẫn cảm thấy có chút gì đó không đúng lắm, bèn tìm gặp một vị Lạt ma bên Thanh Hải, muốn hỏi một chút về chuyện này.

Đại sư cười, nói một câu.

"Muốn mang con trai người ta đi, còn có thể không ra tay giúp đỡ sao!"

Vài ngày sau, anh phát hiện vợ mình mang thai, sau đó thật sự hạ sinh một đứa con trai.

Đứa nhỏ này lúc bé rất thích khóc nhưng chỉ cần đọc kinh niệm Phật sẽ lập tức nín khóc ngay, khá có tuệ căn, anh rất lo lắng, sợ sẽ có một ngày con mình bị lão hòa thượng mang đi mất.

Đây là câu chuyện thứ nhất.

Câu chuyện thứ hai được một độc giả kể lại cho tôi nghe vào tháng trước.

Vị độc giả này, chúng ta gọi là bà F, chồng bà F là một nhân vật nổi tiếng trong giới văn học Trung Quốc, sau này đã ra nước ngoài định cư.

Bà ấy kể, đó là một sự kiện thần bí mà một nhóm nhà văn đã tự mình trải qua ở núi Ngũ Đài hơn 30 năm về trước.

Chuyện này xảy ra vào năm 1988, hơn 30 nhà văn và biên tập viên đã gặp phải một sự cố bí ẩn tại Ngũ Đài Sơn, đây cũng là một sự kiện thần bí nổi tiếng trong giới văn học lúc bấy giờ.

Chuyện này, một trong những người có mặt tại đó- nhà văn nổi tiếng Tưởng Tử Long đã viết một quyển hồi ký, khẳng định đây là một chuyện thần bí không có lời giải thích.

Chồng bà F, năm đó là một trong những người có mặt trên chuyến xe xảy ra tai nạn lần đó, kể cho tôi nghe một số ẩn tình bên trong.

Chuyện bên trong này thậm chí còn bí ẩn hơn những chuyện bí ẩn mà các tác giả trước đó từng viết.

Chúng ta cùng kể xem nào.

Trước tiên chúng ta bàn một chút về lần xảy ra sự việc mà ông Tưởng Tử Long kể lại.

Ông Tưởng Tử Long từng giữ chức phó chủ tịch hiệp hội sáng tác văn học Trung Quốc lần thứ 5-6-7, chủ tịch hiệp hội sáng tác văn học thành phố Thiên Tân, phó chủ tịch liên hiệp văn học Thành phố Thiên Tân, năm 2018 ông được Trung ương Đảng, Quốc hội và Nhà nước trao tặng danh hiệu nhà văn tiên phong cải cách, huân chương tiên phong cải cách và được trao tặng danh hiệu nhà văn tiêu biểu đại diện cho nền "văn học cải cách".

Một nhà văn nghiêm túc với sự nghiệp sáng tác văn học, cho nên những gì ông viết chúng ta có thể đem lòng tin tưởng.

Ông Tưởng Tử Long viết, mùa hè năm 1987 (ông Tưởng Tử Long viết năm 1987, nhưng những người có mặt tại sự kiện hôm đó xác nhận là năm 1988), Hiệp hội sáng tác văn học tỉnh Sơn Tây đã phát động và tổ chức "Câu lạc bộ giao lưu sáng tác văn học Hoàng Hà", quy tụ hơn 30 nhà văn, biên tập viên ngồi xe từ Thái Nguyên đến Ngũ Đài Sơn.

Năm đó một số ít người trong số các nhà văn, biên tập viên tham gia sự kiện không tin Phật, cũng không lễ Phật, trong lúc giảng Phật pháp chẳng chuyên tâm, gây náo ồn ào, còn chỉ trỏ đàm luận không hay về các sư cô, tạo ấn tượng không tốt với tự viện.

Ngày thứ ba ở Động Phật Mẫu, còn có người nói năng xằng bậy, bất kính với Phật tổ.

Sau khi bọn họ trở ra từ động Phật Mẫu, chiếc xe bất ngờ lao xuống vách núi, xảy ra vụ tai nạn xe bí ẩn không có lời giải thích đến hiện giờ.

Vụ tai nạn xe này tương đối thần bí, chủ yếu nằm ở một số điểm sau.

Điểm thứ nhất, toàn bộ chiếc xe va đập mạnh vỡ thành nhiều mảnh, nhưng không có ai thiệt mạng.

Điểm thứ hai, người bị thương đều là những người nói năng lỗ mãng, bàn luận bất kính về Phật giáo, hai nhà văn bình luận không hay về các sư cô trong tự viện, trước trán bị va quẹt mạnh tạo thành một vết thương lớn, đầu loang lỗ máu; nhà phê bình Tạ Vọng Tân đến từ Quảng Đông bị thương trước ngực, nhà phê bình nọ ví "động Phật Mẫu" như "heo" bị dập môi, bầm tím sưng tấy, chu chu giống y như cái mõm lợn.

Còn nhà văn Tưởng Tử Long, sau khi chụp X-quang, kết quả hiển thị: "Xương sườn thứ chín bên phải bị gãy nhẹ."

Nhưng sau khi ông trở về Thiên Tân, đi hết bốn bệnh viện lớn chẩn đoán, có hai bệnh viện nói gãy xương, hai bệnh viện nói bình thường, chuyện này thật sự rất kỳ lạ.

Thế là ông bèn đến cầu cứu một vị cao nhân tên Hồ Khắc Thuyên, người này vốn dĩ là giám đốc sở thủy điện Quý Châu, sau đó sống ẩn dật ở Quý Châu.

Cao nhân nói: "Xương cốt ông không bị gãy đâu cả, không tin thì ông xuống lầu chạy mười vòng sân, không có ai bị gãy xương sườn có thể chạy nhảy vận động được như thế. Đây chẳng qua chỉ là lời nói đùa của núi Ngũ Đài dành cho ông, hoặc họ muốn nhắc nhở ông một tẹo. Ông cậy vị thế cao, tự cao tự đại, muốn nhìn núi thánh nhưng lại tỏ ra bất kính với Thần Phật, thấy độc giả tự hào về tài nghệ của mình mới dương dương tự đắc, nói năng xằng bậy, không biết đâu là điểm dừng. Ngũ Đài Sơn chẳng làm sao, nhưng toàn bộ Ngũ Đài Sơn đầy người hành hương, chỉ có mấy người các ông không biết tốt xấu, tự rước họa vào thân, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, sao có thể bình an vô sự trở về? Phật không trách các ông, chính trong lòng các ông có quỷ, phải cẩn trọng đề phòng chính mình!"

Ông buông điện thoại, chạy một mạch xuống lầu, thật sự một mình chạy hết mười vòng sân, lúc mới đầu xương sườn bên phải có chút đau nhói, sau đó mồ hôi chảy đầy người. Từ đó ông không còn để ý tới "cọng xương sườn số chín" nữa, nó cũng chẳng gây thêm phiền phức gì cho ông.

Ừm, một sự việc bí ẩn từ đầu tới cuối.

Vậy chúng ta bắt đầu kể về một số nội dung bí ẩn chưa được khai phá đi, hoặc nói chính xác hơn chúng là những nội dung mà tác giả (ý chỉ nhà văn Tưởng Tử Long) chưa kịp hoặc không có cơ hội tham dự.

Chồng của vị độc giả này của chúng ta là một trong những người liên quan tới sự việc xảy ra năm đó.

Ngoài những nội dung mà nhà văn Tưởng Tự Long thuật lại, ông bổ sung thêm một vài điểm kỳ lạ.

Điểm thứ nhất, ông nói nguyên nhân xảy ra tai nạn là do xe đột nhiên mất phanh, xe chạy không phanh lại được.

Suýt chút nữa xe đã rơi khỏi vách núi ở khúc cua, rất may tài xế đã kịp thời đánh tay lái sang trái, xe dừng lại nhờ sự giúp đỡ của con mương nhỏ dùng để thoát nước nối giữa xa lộ và mặt vách núi thẳng đứng.

Điểm thứ hai, sau khi bọn họ đến bệnh viện băng bó vết thương, người dân địa phương lại chỉ điểm bọn họ, tìm một lão hòa thượng chữa trị.

Lão hòa thượng nhìn một tẹo, nói: "Tên tiểu tử này (chồng của độc giả) bị thương nặng nhất, những người khác chỉ cần trị một lần là khỏi, tiểu tử này phải cần đến hai lần."

Những người khác vô cùng kinh ngạc, bởi vì ông không có bị thương ngoài da, nhìn cũng chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng ông biết ngực mình đau đến không thở nổi, hơn nữa còn không nói được lời nào, giống như âm thanh bị hạn chế một cách lạ thường.

Phương pháp trị liệu của lão hòa thượng rất đặc biệt, ông dùng tay đặt lên miệng vết thương.

Chồng bà nói, bàn tay lão hòa thượng hoàn toàn không đụng vào cơ thể, nhưng ông lại cảm thấy như có ngàn cân trọng lực đè nén trên người, ông muốn giãy giụa nhưng lại không thể động đậy được.

Sau một lần trị liệu, ông cảm thấy trên người như cắt thành trăm mảnh, sau đó có thể bắt đầu nói chuyện bình thường.

Ông hỏi lão hòa thượng: "Không phải hai lần sao, xin hỏi lần hai là khi nào?"

Lão hòa thượng cười nói: "Lần hai không cần phải đến nữa."

Sau đó bọn họ đổi một chiếc xe mới, ông ngồi trên xe kiểu nào cũng chẳng thấy thoải mái, tiếp đó ông đổi một tư thế mới, ngồi xếp bằng, đột nhiên toàn bộ năng lượng trong người bắt đầu tuôn trào khắp cơ thể, toàn thân thoải mái dễ chịu, giống như vừa mới chơi một trận bóng nhễ nhại mồ hôi.

Từ đó về sau, chỉ cần ông ngồi xuống, đều ngồi xếp bằng, sức khỏe cũng càng ngày càng tốt lên.

Hai mươi năm sau, ông qua Mỹ giảng dạy, lúc nào cũng tình cờ gặp được dị nhân, rất nhiều người thậm chí còn đặc biệt qua Mỹ tìm gặp ông, cùng ông thảo luận một vài chuyện, đàm luận một số chuyện liên quan tới việc tu hành.

Có một lần, ông cùng một dị nhân trò chuyện, lần nữa nhắc đến chuyện tai nạn năm đó.

Dị nhân nói: "Năm đó ông vô tình gặp một vị Phật sống."

Ông bèn hỏi: "Vậy tại sao vị Phật sống đó nói phải cần trị liệu những hai lần?"

Dị nhân nói tiếp: "Lần chữa trị thứ nhất là điểm hóa, lần chữa trị thứ hai chính là tu hành trong một đời người, tu tâm dưỡng tính, tu đức, làm việc thiện, đây mới thật sự là phương thuốc cứu người hữu dụng."

Sau đó, ông cũng vô tình gặp phải mấy câu chuyện kỳ lạ, bởi vì có liên quan tới rất nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là những đại sư đã viên tịch, tôi cần phải có sự đồng ý của ông, sau đó tiến hành xử lí kỹ thuật một tẹo, sau này nếu có cơ hội, chúng ta cùng nhau kể tiếp.

Cuối cùng, tôi cũng hỏi ông tên tự viện nọ, cả tên của lão hòa thượng chữa trị cho ông.

Ông nói nơi đó chẳng qua chỉ là một ngôi chùa nhỏ hết sức bình thường, lão hòa thượng cũng rất bình thường, tự viện chẳng hề có chút hương khói nào nhưng ông ấy quả thật là một cao nhân.

Cao nhân vẫn thế, ẩn dật chốn hoang vu hẻo lánh, âm thầm bảo vệ nhân gian.

Nghĩ đến thật ấm áp làm sao.

----------------------------------------
Phần tiếp theo: Mượn đại vận

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com