Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Khôi Tích Dịch x Reader: 🔞NSFW🔞 P1

Thể loại: Minh Hôn AU, Tâm Linh, Drama, NSFW, Spicy 21+ 🔥🔥🔥.

--------

"Người được chọn"

-------

Trăng đêm nay như bị phủ lên một lớp lụa trắng đục, mờ mịt và xa xôi như ánh mắt người đã khuất.

Ánh sáng yếu ớt ấy soi rọi xuống con đường đất gồ ghề, vắng vẻ, kéo dài như một vết nứt vô hình chia đôi giữa dương gian và cõi âm.

Mọi thứ im lìm như bị yểm bùa, chỉ còn tiếng bánh xe gỗ nghiến trên mặt đường và tiếng lục lạc nhỏ kêu leng keng trong gió lạnh. Một cỗ kiệu hoa, màu đỏ thẫm như máu khô, đang được bốn người khiêng lặng lẽ tiến về phía phủ Khôi.

Trên cỗ kiệu ấy, một nàng tân nương đang ngồi, lưng thẳng, tay đặt trên đùi, áo cưới phủ kín từ đầu đến chân như một cái kén đỏ, che lấp cả khuôn mặt lẫn cảm xúc.

Là em.

Không tiếng trống, không tiếng pháo, không người đưa tiễn, không lời chúc phúc, chỉ có một vài ngọn đèn dầu lập lòe trên đường và mùi nhang trầm cay xè len lỏi trong không khí đặc quánh như sương khói. Dưới ánh đèn nhập nhoạng, hoa văn thêu trên áo cưới những đóa mẫu đơn và rồng cuộn xoắn trở nên nhòe nhoẹt và kỳ quái, như đang cử động chậm rãi theo mỗi bước rung của kiệu.

Người trong làng đều đã ngủ.

Hoặc đúng hơn, họ đã được dặn phải ngủ, như một lệnh cấm không thành lời. Nhưng nếu có ai lỡ tỉnh giấc, hé mắt nhìn qua khe cửa, chắc hẳn họ sẽ vội vàng quay đi và lặng lẽ lẩm bẩm một lời cầu an, bởi chẳng ai muốn dây vào chuyện âm hôn - thứ mà từ lâu đã là điều cấm kỵ nơi vùng đất này.

Và ai mà chẳng biết, nàng tân nương đêm nay không phải tiểu thư họ Triệu - người vốn có hôn ước từ thuở nhỏ với công tử phủ Khôi.

Mà là em - một nha hoàn thấp hèn trong phủ, không tên không phận, chẳng có số mệnh gì cao sang, chỉ có cái mạng hợp tuổi, hợp mệnh với vong hồn vị hôn phu đã chết cháy trong căn phòng kín cách đây một tháng.

Cái chết của Khôi Tích Dịch, trưởng tử phủ Khôi, kẻ thừa kế duy nhất của dòng họ lâu đời, từng làm chấn động cả vùng.

Một đêm nọ, thư phòng nơi Khôi Tích Dịch đang nghỉ ngơi bỗng bốc cháy dữ dội.

Người ta nói do một tên gia nhân bất cẩn đặt đèn dầu sát màn lụa, khiến lửa lan nhanh đến không kịp trở tay. Khi lính hầu dập được lửa thì chỉ còn lại một đống tro tàn và thứ còn sót lại bên trong bộ xương cháy đen, co quắp, trên cổ tay vẫn đeo sợi dây bạc hình rết, món mà ai cũng biết chỉ có Trưởng Công Tử nhà họ Khôi mới đeo.

Tên gia nhân gây họa đã bị xử tử ngay sau đó. Nhưng lạ kỳ thay, dù hung thủ đã chết, phủ Khôi vẫn không yên. Cây trong vườn héo rũ không lý do. Gà vịt chết bất thường. Nô bộc nghe thấy tiếng bước chân lúc nửa đêm. Có người còn bảo từng thấy bóng áo đen đi ngang hành lang, hoặc nghe tiếng rên rỉ kéo lê từ nhà chính. Mỗi đêm, gió lạnh như xé da, tiếng đập cửa vang lên ba lần đúng giờ tý.

Một thầy đồng nổi tiếng từ kinh thành được mời đến. Sau ba ngày ba đêm cầu cơ, mắt trợn trắng và rạch máu vẽ bùa khắp nhà, ông ta run rẩy nói.

"Vong linh chưa siêu thoát. Chết không nhắm mắt. Chưa thành thân. Lòng còn oán niệm. Chỉ có cưới thê tử cho Trưởng Công Tử mới có thể giải trừ. Nhưng phải là người có mệnh âm tương hợp, bằng không sẽ tiếp tục có người chết."

Khi lá số được gieo, thầy đồng nhíu mày. Tiểu thư họ Triệu - người đáng lẽ phải lấy Khôi Tích Dịch - lại có mạng khắc vong.

Nhưng một người khác - một nha hoàn mỏng mệnh, mạng âm, sinh giờ trùng tang, bị bỏ rơi từ nhỏ, không người thân thích, lại hoàn toàn phù hợp.

Đó là em.

Không ai hỏi ý kiến em. Em chỉ được gọi lên, nghe đọc lệnh gả thay. Gả làm vợ cho người đã chết. Gả làm ma phối. Gả để đổi lấy bình an cho cả phủ.

Đêm đó, em bị tắm rửa bằng nước lá xua tà, được khoác áo cưới, búi tóc cao, vẽ hoa điểu lên trán, thắp hương quỳ lạy như một tân nương bình thường nhưng tất cả diễn ra trong thinh lặng, dưới ánh nến câm lặng và nhang khói nghi ngút, như một nghi lễ tế lễ chứ không phải hôn lễ.

Và giờ đây, em đang ngồi trong cỗ kiệu gỗ sơn son, tay cầm bó hoa giấy, bên dưới có nhét một tờ giấy hôn thú viết bằng mực đỏ. Kiệu đi chậm rãi, như muốn kéo dài từng phút giây cuối cùng trước khi em bước chân vào phủ Khôi - nơi người ta đồn rằng, linh hồn công tử vẫn còn quanh quẩn trong căn phòng cháy dở, nơi vết khói vẫn chưa kịp phai.

Bên ngoài, gió thổi mạnh hơn, vạt áo cưới bay lên lật phật, như đang bị níu lại bởi những bàn tay vô hình. Em ngồi yên, tim đập mạnh. Mỗi bước chân kiệu rung chuyển như nhấn chìm em sâu hơn vào định mệnh mù mịt.

Và rồi... cánh cổng phủ Khôi hiện ra dưới ánh trăng mờ. Hai con sư tử đá hai bên cổng phủ như đang trừng mắt. Trên đỉnh mái, cờ đỏ thêu chữ "Hỷ" bằng chỉ vàng khẽ lay động trong gió đêm lạnh buốt. Từ trong phủ, một dòng người mặc đồ đen lặng lẽ ra đón, ai nấy đều cầm lồng đèn đỏ, khuôn mặt không một chút biểu cảm. Một người phụ nữ lớn tuổi, có lẽ là quản gia, tiến đến, khom lưng cúi chào, rồi thì thầm.

"Tân nương... đến rồi. Mời vào."

--------

Cỗ kiệu dừng lại với một tiếng "kẽo kẹt" chậm rãi, như thể chính nó cũng biết rằng đã đến nơi không ai muốn tới. Em nghe rõ tiếng lục lạc nhỏ bên trong ngừng lay, tiếng gió đêm đập vào mái ngói mục, xen lẫn tiếng lá khô xào xạc như ai đó đang quét sân âm thầm.

Một bóng người trong y phục đen, đội nón che kín mặt, cúi người trước kiệu, rồi đưa tay vén màn kiệu lên.

"Xin mời tân nương hạ kiệu"

Giọng nói nữ, trầm thấp, không nồng hậu mà cũng chẳng lạnh lùng, chỉ là một âm thanh trung tính, như được học thuộc lòng để đọc đúng lễ nghi mà thôi.

Em run tay, hai chân như nhũn ra. Trong tích tắc, em muốn quay đầu bỏ chạy. Nhưng những đôi mắt vô hình xung quanh như hàng vạn ngọn gió, đè nặng lên vai, níu áo em lại.

Em hiểu, quay đầu cũng chẳng có lối thoát nào nữa.

Có hai phụ nữ, lớn tuổi hơn, mặc y phục lam nhạt và thắt đai đỏ, nhẹ nhàng đỡ lấy em từ hai bên, mỗi bước em bước xuống khỏi kiệu như dẫm lên những chiếc lá khô lạnh lẽo của cõi âm. Đôi chân em như lơ lửng, dường như không chạm đất, hoặc có thể là đất đã lạnh đến mức em chẳng còn cảm giác.

Cánh cổng phủ Khôi mở ra, âm thanh gỗ nặng nghiến vào nền đá vang lên như tiếng ai rên rỉ giữa đêm khuya. Một hành lang dài trải dài trước mắt, được thắp sáng lờ mờ bằng đèn lồng đỏ treo hai bên.

Những dải lụa đỏ dài được treo từ trần xuống đất, lay động nhẹ nhàng trong gió, như những cánh tay mềm mại đang mời gọi em tiến vào một thế giới mà mọi người sống đều né tránh.

Bên trong đại sảnh, không khí ngột ngạt một cách khác thường. Hương trầm không còn là mùi dịu nhẹ của chùa chiền mà đặc quánh như thể được đốt bằng linh hồn, nồng nặc và quấn quanh từng hơi thở em hít vào, để lại dư vị cay xè ở cuống họng. Những chiếc bình sứ cao đến ngang vai, vẽ rồng phượng bằng men lam, đứng dọc hai bên như canh gác cho lễ cưới ma mị này.

Chính giữa là ba người phụ nữ đang đứng đợi sẵn. Mỗi người mang trên mình một loại khí chất riêng biệt, không ai nói với ai một lời nào, nhưng ánh mắt đều lặng lẽ nhìn về phía em, người được chọn thay thế.

Là những thê thiếp của của người đứng đầu phủ Khôi này, lão gia Khôi Tích Minh.

Nhị Phu Nhân - Ngọc Lam

Tam Phu Nhân - Ái Mỹ

Tứ Phu Nhân - Linh Chi

Nhị Phu Nhân đứng gần nhất, mặc áo lụa trắng tinh khôi, tóc vấn cao, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt sâu và ấm áp nhưng cũng ẩn chứa điều gì đó không thể đoán được. Bà gật đầu nhẹ, như thể đã chấp nhận số mệnh của em, hoặc cũng có thể là đang diễn đúng vai một người đàn bà hiền lương trong phủ lớn, không muốn rước thêm thị phi.

Tam Phu Nhân, đứng chéo một bên, dáng người thon, ánh mắt nghiêng nghiêng với đôi lông mày xếch và chiếc quạt giấy gấp gọn trong tay, chỉ hơi nhướng mày khi nhìn thấy em như đang đánh giá, dò xét. Gương mặt bà toát lên nét ương ngạnh và tự tin, không cần mở miệng cũng khiến người khác hiểu bà không dễ bị khuất phục.

Tứ Phu Nhân lại khác. Mặc áo tím nhạt, tóc tết thành hai vòng quấn quanh đầu, môi đỏ như son, mắt hơi xếch. Bà đứng đó như một đóa hoa thược dược ngạo nghễ, ánh mắt mang chút đỏng đảnh, vừa hiếu kỳ vừa hờn dỗi, như thể đang ganh tị với một món đồ chơi mới bị chia mất.

Chỉ có Đại Phu Nhân là không có mặt ở đây. Vì bà ấy... đã chết từ lâu.

Người ta kể lại rằng, Đại Phu Nhân - Ái Liên - là một tuyệt sắc giai nhân, từng khiến bao người mê mẩn vì vẻ đẹp mong manh như hoa lê buổi sớm.

Nhưng mệnh yểu. Bà qua đời khi Khôi Tích Dịch mới bảy tuổi. Người ta đồn rằng cái chết của bà rất lạ, không bệnh, không thương tích, chỉ một sáng thức dậy đã thấy bà nằm bất động, môi tím tái, mi mắt khép lại như chưa từng mở ra lần nào.

Đến giờ vẫn không ai dám nhắc về bà ấy quá nhiều, sợ quấy rầy linh hồn không siêu thoát.

Ba người thê thiếp ấy của Khôi Tích Minh - lão gia nhà này, đều nhìn em.

Không phải bằng lòng thù địch, mà bằng ánh nhìn cảnh giác. Bởi dù em là một nha hoàn, không tên không phận, nhưng giờ đây... em là thê tử của Khôi Tích Dịch. Là tân nương, dù tân lang đã nằm dưới ba tấc đất, nhưng danh nghĩa vẫn là con dâu của phủ Khôi.

Một vị trí mà ngay cả họ - những người đàn bà từng sinh con cho phủ này - cũng chẳng dám động vào tùy tiện.

Em biết rõ điều đó không phải do họ nể em. Mà là vì một lời cảnh báo do chính thầy đồng tuyên bố hôm dựng kiệu.

"Nếu các vị phu nhân hay bất kỳ ai trong phủ dám ngược đãi tân nương, vong linh công tử sẽ giận dữ. Ngài đã chết trong oán khí. Nếu không siêu thoát được, ngài sẽ lấy mạng những người khác trong phủ, đặc biệt là những đứa trẻ của các phu nhân để tìm người bầu bạn thay cho tân nương bị hại."

Chỉ một câu nói thôi mà cả phủ Khôi im lặng suốt ba ngày.

Tứ Phu Nhân toan định chống lại, nhưng hôm sau mèo cưng chết bất thường, mắt mở trừng trừng, móng vuốt vươn dài cào đầy máu ở cánh cửa phòng bà. Chuyện ấy chưa bao giờ được nhắc lại, nhưng từ đó, không ai dám thách thức ý chí của người chết nữa.

Em, một nha hoàn thấp hèn, giờ trở thành người đứng trong vùng cấm. Là dâu của người đã chết, là bầu bạn của vong hồn mang tên Khôi Tích Dịch. Dù chỉ mới bước chân vào phủ, em đã có một vỏ bọc bất khả xâm phạm nhưng đồng thời, em cũng là kẻ duy nhất sống gần với cái chết nhất.

Và rồi, một giọng nói vang lên từ xa, trầm thấp và ngân như gió lạnh thổi qua mái đình.

"Dẫn tân nương về phòng công tử."

Cả đại sảnh chợt lạnh đi một nhịp.

--------

Tiếng bước chân vang khẽ trên nền đá xanh lạnh lẽo, vọng dài theo hành lang ngoằn ngoèo dẫn về phía sau phủ chính - nơi người sống ít khi lui tới, còn người chết... lại như vẫn lẩn khuất quanh đây.

Em đi giữa hai hàng cột gỗ lim đã sẫm màu theo năm tháng, mỗi bước chân như chìm vào tĩnh lặng. Phía trên đầu, mái ngói âm dương phủ đầy rêu xanh, rũ xuống từng chùm dây leo mảnh, rung rinh theo gió. Không gian như bị đông cứng trong một khung cảnh lặng thinh, chỉ có tiếng lá mẫu đơn thỉnh thoảng rơi nhẹ, đáp xuống đất như tiếng thở dài vương vấn từ một thời đã chết.

Người hầu dẫn đường cho em là một bà lão dáng khom, mặc áo nâu sậm, tay cầm đèn lồng giấy. Ánh sáng từ chiếc đèn yếu ớt, chỉ vừa đủ để chiếu sáng con đường nhỏ quanh co, càng khiến bức tranh đêm trở nên kỳ ảo, như một giấc mộng không người tỉnh.

Em bị dẫn qua một chiếc cổng đá thấp, rêu phủ đầy vách, bên trên có khắc bốn chữ đã mờ nét.

"Tĩnh Dạ Hoa Uyển"

Từng lời thầy đồng như vẫn còn văng vẳng trong đầu.

"Nơi công tử yên nghỉ, phải sạch sẽ như lòng người sống, cũng phải yên tĩnh như lòng người chết."

Và thật vậy, khung cảnh hiện ra trước mắt em khiến tim em thắt lại.

Một vườn mẫu đơn trải dài, như biển hoa lặng thinh dưới ánh trăng. Những cánh hoa đẫm sương, rũ rượi trong gió đêm, có đóa đỏ thắm như máu, có đóa trắng muốt như khăn tang, có đóa tím biếc như dấu ấn của tử khí.

Nơi ấy, từng cây từng gốc đều được cắt tỉa chăm chút, nhưng lại không mang vẻ sống động thường thấy mà đẹp một cách ma mị, như những bông hoa chỉ nở cho người đã khuất.

Chính giữa khu vườn là một vọng lâu cổ, mái ngói cong uốn như sóng nước, bốn cột gỗ chạm trổ kỳ công, sơn son đã bong tróc theo năm tháng. Vọng lâu ấy nằm sát bên phủ công tử - một toà nhà nhỏ tách biệt, nép mình sau bóng cây, khuất xa ánh mắt thế gian.

Người ta bảo rằng vọng lâu ấy là nơi mẫu thân của Trưởng Công Tử - Đại Phu Nhân - Ái Liên - từng rất yêu thích.

Bà thường ngồi đó thêu áo, uống trà, và chơi đàn vào những đêm trăng, khi hoa mẫu đơn nở rộ.

Những đêm như thế, người trong phủ chỉ dám lén nghe từ xa, bởi bà Ái Liên đẹp như tiên, ngồi giữa hoa rực rỡ mà trông như mộng ảo.

Nhưng giờ đây, nơi ấy chỉ còn là phế tích của một ký ức đẹp, phủ kín bụi thời gian và thấm đẫm u buồn.

Phủ của công tử - nơi em được dẫn tới - nằm nép bên tay trái vọng lâu. Dù đã từng là một tiểu viện riêng biệt, được xây cẩn thận với sân gạch vuông, bậc thềm đá chạm rồng, và cửa gỗ sơn đỏ, nhưng giờ mọi thứ đều trầm mặc, phủ lên một màu âm u như tro nguội.

Cánh cửa thư phòng vẫn còn dấu vết cháy xém - nơi mà thân thể công tử từng bị thiêu rụi trong đêm định mệnh ấy. Người ta nói rằng, sau vụ cháy, căn phòng này được sửa sang lại, nhưng không ai dám ở, vì mỗi đêm đều nghe thấy tiếng bước chân rất nhẹ, tiếng mở sách loạt xoạt, và mùi hương gỗ đàn hương cháy khét, mùi mà công tử từng dùng khi còn sống.

Bà lão dừng lại trước cửa, đặt chiếc đèn lồng xuống thềm, rồi cúi người thi lễ.

"Thỉnh tân nương nhập thất."

Giọng bà khàn như mùi gỗ mục, từng chữ như vọng ra từ một giấc chiêm bao xa thẳm.

Em chần chừ một chút. Không phải vì sợ mà là vì thứ cảm giác không rõ tên đang đè nặng lên ngực.

Giống như khi đứng trước một cánh cửa có thể mở ra một thế giới khác, nơi mọi quy tắc của người sống không còn áp dụng.

Cửa được đẩy hé.

Một làn hơi lạnh từ trong phòng len ra, luồn vào cổ áo, như một bàn tay vô hình chạm khẽ vào gáy em.

Ánh đèn mờ rọi lên không gian bên trong một căn phòng không rộng, nhưng được bài trí rất chỉnh tề. Giường gỗ tử đàn cao, phủ màn trắng mỏng. Bàn viết đặt bên cửa sổ có bút, nghiên, giấy còn nguyên.

Trên tường treo một bức tranh thủy mặc vẽ núi xa và dòng sông lặng. Dưới bàn có một đôi hài nam thêu chỉ bạc, thứ duy nhất còn sót lại sau vụ cháy.

Và ở góc phòng - một bức ảnh chân dung được thờ cúng đơn sơ. Người trong ảnh là một thiếu niên có gương mặt trắng trẻo, ngũ quan tinh tế đến mức không thật, ánh mắt trầm như hồ thu, khóe môi hơi nhếch như đang cười.

Khôi Tích Dịch.

Phu quân của em. Người đã chết. Và cũng là người đang chờ em, trong một thế giới mà em chưa từng đặt chân.

Em bước qua ngưỡng cửa. Không một lời tiễn, không một tiếng động. Cánh cửa sau lưng đóng lại nhẹ như gió.

Phía sau em, bóng đèn lồng lụi dần. Phía trước, chỉ còn đêm, hoa, và căn phòng chứa đựng một linh hồn chưa từng được siêu thoát.

Đêm phủ Khôi lạnh như lòng đá ngàn năm chưa từng chạm ánh mặt trời.

Sau khi được bà lão đưa đến phòng công tử, em cứ thế ngồi yên trên bậc thềm, lắng nghe tiếng đèn lồng lụi tàn ngoài hành lang, và tiếng gió khe khẽ đùa qua những cánh mẫu đơn còn đẫm sương.

Không ai dặn dò gì thêm ngoài những lời thầy đồng đã căn dặn từ trước.

"Tân nương phải mặc xiêm y đỏ, thắp ba nén nhang cắm lên bàn thờ, đặt áo cưới đã mặc dưới gối, rồi lên giường nằm nghiêng phía trong, không được ngoảnh lại, không được gọi tên, cũng không được khóc."

Em làm đúng như lời chỉ dạy. Bàn tay run run cầm que nhang đã bén lửa, đặt lên bàn thờ nơi có bức di ảnh kia. Mùi trầm hương lan khắp gian phòng, tan vào mùi áo gấm cũ kỹ, mùi giấy ẩm mốc và thứ mùi ngai ngái như mưa dội qua đất cổ lâu năm.

Ánh lửa nhang chập chờn hắt lên gương mặt của người trong ảnh, gương mặt đã từng có thật nơi trần thế, và giờ là gương mặt sẽ gắn với em, như phu thê, cho đến tận cuối đường âm dương.

Em thay áo cưới, mặc bộ lụa nhẹ như khói sương được chuẩn bị sẵn, rồi nhẹ nhàng nằm xuống giường.

Màn buông nhẹ như lụa trời, em khép hờ mắt, không thở mạnh, không nói gì, như thể thân thể cũng trở thành một phần của căn phòng chết chóc này.

Không biết bao lâu sau, có tiếng gió lùa khe khẽ.

Chăn mền bỗng se se lạnh, rồi bất chợt có một làn hơi ấm, không, phải gọi là nhiệt, chạm nhẹ sau lưng.

Cảm giác ấy không rõ rệt, như hơi thở, như lòng bàn tay áp nhẹ vào eo, rồi... là vòng tay.

Một cái ôm.

Rất chậm, rất nhẹ, rất... thật.

Không phải mộng.

Không phải gió, càng không phải ảo giác.

Em cảm nhận được rõ ràng có một người đang nằm phía sau mình, đặt cằm lên gáy em, ngực người ấy kề sát sống lưng em, hơi thở đều đều như gió thoảng qua tai, từng nhịp, từng nhịp một.

Âm thầm, cố chấp, và không chịu rời đi.

Cả đêm đó, em không dám xoay người. Dù lòng có run rẩy, dù toàn thân như hóa đá trong làn sương đêm lạnh buốt, em vẫn không mở mắt. Cũng chẳng dám thốt ra lời nào.

Em chỉ biết nằm im, cho đến khi trời dần sáng, ánh dương đầu tiên của ngày len qua khung cửa sổ đã đóng kín, rọi một vệt sáng yếu ớt xuống nền nhà phủ bụi.

Vòng tay sau lưng đã tan biến.

Giống như chưa từng có gì xảy ra.

---------

Tiếng gõ cửa vang lên ba nhịp đều đặn, rồi một tiểu nha hoàn bước vào, nhẹ nhàng gọi em dậy dùng điểm tâm. Không khí ban ngày của phủ Khôi tuy sáng hơn, nhưng vẫn lặng lẽ và âm trầm như một hồ nước cạn.

Em thay áo, rửa mặt, rồi được đưa đến phòng ăn chung nằm ở dãy nhà chính.

Bước vào gian chính đường, em thấy đã có khá nhiều người ngồi quanh bàn ăn. Đa phần là những nam tử, nữ nhân trẻ tuổi - người nào người nấy đều mang dung mạo xuất chúng, nét quý tộc toát ra trong từng ánh mắt, từng cử chỉ.

Họ chính là các công tử, tiểu thư khác trong phủ - con của những thê thiếp khác của lão gia Khôi Tích Minh.

Nhị Công Tử - Khôi Tích Viễn và Nhị Tiểu Thư - Khôi Tiểu Lam

Tam Công Tử - Khôi Tích Niệm

Tứ Tiểu Thư - Khôi Linh Phi

Không khí trong phòng vừa khách sáo vừa nặng nề. Một tân nương sống bước vào phủ trong tang phục đỏ, sau một lễ minh hôn không ai dám bàn ra tiếng lớn, điều ấy vốn đã khiến lòng người ngờ vực.

Em ngồi xuống vị trí đã được sắp sẵn, ở đầu góc bên phải bàn, lặng lẽ cúi đầu chào từng người, như thể đã quen với phép tắc trong phủ, dù thật ra lòng vẫn còn se sắt những vệt lạnh từ đêm qua.

Nhị Phu Nhân có vẻ ngoài hiền hậu, ánh mắt nhỏ nhắn lúc nào cũng như đang nở nụ cười, cất giọng dịu dàng hỏi.

"Đêm qua con ngủ có ngon giấc không? Có gặp gì lạ không con?"

Câu hỏi tưởng như quan tâm, nhưng chất giọng ấy khiến em thấy rõ là đang thăm dò. Những đôi mắt khác trong phòng cũng đồng loạt nhìn về phía em - soi mói nhưng giấu kín dưới lớp vỏ hòa nhã.

Em mỉm cười, nhẹ nhàng đáp.

"Dạ, con không gặp gì. Chỉ ngủ một giấc rồi dậy thôi."

Bầu không khí trong phòng giãn ra đôi chút. Một vài ánh mắt nhạt dần, vài tiếng xì xào khe khẽ vang lên. Nhưng rồi, như có điều gì thôi thúc, em buột miệng.

"Chỉ là... đêm qua con nghe thấy một bài hát ru."

Chiếc đũa trong tay Tam Phu Nhân bỗng rơi xuống mâm. Một cái chớp mắt. Không khí trong phòng đông cứng lại như ai vừa rút hết không khí.

Tứ Phu Nhân ngồi thẳng dậy, đôi môi mím chặt. Một trong những công tử trẻ tuổi chau mày.

Và quan trọng hơn hết - lão gia Khôi Tích Minh - người đang lặng lẽ ngồi ở đầu bàn, chậm rãi đặt chén trà xuống.

Đôi mắt già nua đục màu khẽ mở lớn, như thể không tin điều mình vừa nghe.

"Bài hát ru... như thế nào?"

Ông hỏi, giọng trầm đục và nặng nề như chuông đồng đánh trong giếng sâu.

Em ngập ngừng, nhưng rồi vẫn khe khẽ cất lời.

"...Mẫu đơn nở dưới trăng, ai chờ ai không biết...

Ngủ đi con ngủ ngoan, gió lay cành mẹ hát...

Sương phủ kín bậc thềm, ai ngồi bên vọng lâu...

Ngủ đi con ngủ đi... mẹ vẫn còn đây thôi..."

Đến câu cuối cùng, căn phòng như chìm vào bóng tối vô hình.

Lão gia ngồi bất động.

Không ai thốt nên lời. Những người từng sống trong phủ lâu năm đều đã nghe qua bài ru ấy ít nhất một lần.

Đó là bài hát mà Đại Phu Nhân - Ái Liên vẫn thường ru con vào những đêm hoa mẫu đơn nở rộ, ngồi nơi vọng lâu giữa vườn mẫu đơn.

Không ai hát nó kể từ ngày bà qua đời.

Không ai dạy lại lời ca ấy.

Và cũng không ai dám nhắc đến nữa, vì nó là bài hát của người đã khuất.

Chỉ có Khôi Tích Dịch là nhớ rõ nhưng giờ cũng đã đi.

Em cúi đầu, lặng lẽ uống chén trà nguội. Trong lòng, một điều gì đó đang lặng lẽ nở ra như cánh mẫu đơn ban đêm - một thứ kết nối mơ hồ giữa người sống và người chết, mà chẳng ai có thể dập tắt được nữa.

Chỉ vừa dứt lời, Nhị Phu Nhân đã khẽ giật mình đánh rơi chiếc nĩa bằng bạc xuống nền đá.

Tiếng kim loại chạm đất vang lên một âm thanh khô khốc, tưởng chừng rất nhỏ nhưng trong bầu không khí đang rạn nứt này lại giống như sấm giữa trời không mây.

Tam Phu Nhân nét môi luôn như giễu cợt, lập tức nâng chén trà lên môi.

Dưới ánh sáng nghiêng của buổi sớm, đôi tay bà run nhẹ, không ai chú ý nếu không nhìn kỹ.

Còn Tứ Phu Nhân - trẻ nhất trong số các phu nhân, kiêu kỳ với làn da trắng mịn và ánh mắt sắc lạnh, thì khẽ ho một tiếng, rồi đưa tay lên ngực áo, như muốn dằn lại cơn bối rối vừa trỗi dậy.

Cả ba người đều không nói gì, nhưng sắc mặt đã không thể giấu.

Em ngồi đó, không gượng gạo cũng chẳng tự nhiên, chỉ lặng lẽ nâng tách trà lên, nhẹ nhàng thổi lớp sương mỏng trên bề mặt nước trước khi nhấp một ngụm.

Chính vào lúc đó, một giọng nói trong trẻo xen vào không lớn, nhưng đủ để đâm xuyên bầu không khí nặng như chì.

Là một gia nhân - cô hầu thân cận của Nhị Phu Nhân - vừa từ phía sau lưng bước lên để đổi ấm trà mới. Vừa cúi người, ánh mắt cô bất ngờ dừng lại ở chiếc trâm cài trên tóc em, đôi mắt mở lớn như vừa thấy ma.

"Chiếc trâm... chiếc trâm ấy..."

Cô lắp bắp.

Tiếng nói không mời gọi sự im lặng, nhưng lập tức khiến cả bàn ăn nín thinh. Mọi ánh mắt lần lượt hướng về phía mái tóc em - nơi cài chiếc trâm được chạm khắc hình hoa mẫu đơn, viền vàng mảnh, có khảm một viên hồng ngọc nhỏ nơi cánh hoa thứ tư.

Một thứ trang sức... tưởng đã mất.

Cô hầu lùi lại, nói tiếp bằng giọng đã có phần hoảng hốt.

"Chiếc trâm đó... là của Đại Phu Nhân mà Trưởng Công Tử giữ rất kỹ trong hộp gỗ! Nhưng... nhưng khi vụ cháy xảy ra, người ta tìm khắp phòng mà không thấy cái hộp gỗ ấy nữa!"

Lần này, không chỉ mấy phu nhân mà ngay cả những công tử và tiểu thư quanh bàn cũng rúng động. Không ai lên tiếng, nhưng sự sững sờ hiện rõ trong từng cử động. Như thể thời gian bị kéo căng đến cực độ, chờ một điều gì đó phá vỡ sự ngột ngạt đến nghẹt thở.

Tứ Phu Nhân là người phá vỡ im lặng trước. Giọng bà không còn đỏng đảnh mà nghiêm lại đầy sắc bén, giống như cây kim xuyên qua từng lớp lụa mềm.

"Chiếc trâm đó... cô lấy ở đâu ra?"

Em vẫn bình thản như khi kể chuyện hát ru, nâng ánh mắt nhìn thẳng vào bà, nhẹ nhàng trả lời, giọng không mang vẻ che giấu cũng không cố tình làm ra vẻ biết nhiều.

"Sáng nay khi tỉnh dậy... con thấy nó được đặt ngay ngắn bên đầu giường. Cùng với bộ lược chải đầu bằng gỗ đàn. Cả hai đều không có khi con vào phòng đêm qua."

"Con tưởng gia nhân đem vào cho con, không phải vậy sao ạ?"

Chỉ một câu ấy thôi, mà trong phòng ăn, như có ai đó vừa rút cạn không khí ra khỏi ngực mọi người.

Giữa bao ánh mắt nhìn nhau ngầm đầy nghi vấn và rúng động, em cúi đầu, nhẹ nhàng dùng khăn lau tay.

Chiếc trâm trên tóc vẫn cài y nguyên, lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời như máu đông khảm giữa cánh mẫu đơn đá.

Các gia nhân liếc nhìn nhau nhưng không ai thừa nhận bản thân đã đặt chúng vào phòng cho em.

Giờ phút ấy, lời thầy đồng từng dặn rằng nếu ai trong phủ khinh nhờn hoặc có ý coi thường em, thì công tử Khôi Tích Dịch sẽ nổi giận, sẽ lấy mạng những kẻ khác để tìm người bầu bạn xứng đáng bỗng trở nên thật hơn bao giờ hết.

Và họ bắt đầu tin.

Không còn ai cười khẩy, không còn ai dám thăm dò quá đà. Mầm nghi hoặc trong lòng từng người đã dần chạm tới ranh giới của nỗi sợ.

Chiếc trâm em cài trên tóc không đơn thuần là món trang sức.

Nó là chứng cứ.

Là sự hiện diện hiển nhiên của một thứ đã mất.

Là lời nhắc nhở rằng có một người đang trở lại.

--------

Sau biến động âm thầm lan dọc bàn tiệc, phần còn lại của bữa ăn trôi qua trong một sự lặng lẽ ngột ngạt. Những tiếng muỗng chạm vào chén, chén chạm vào đĩa, tiếng trà rót chảy thành dòng nhỏ từ ấm sứ.

Tất cả trở nên rõ ràng đến lạ, như thể mỗi âm thanh đều vang vọng giữa hư không của một căn nhà đã bỏ hoang từ lâu.

Chẳng ai nói thêm lời nào, và em cũng không nói.

Cho đến khi bữa ăn kết thúc, em nhẹ nhàng cúi đầu, rời khỏi phòng như một người khách mới đến nơi chốn này.

Không vội vàng, không bị xua đuổi, nhưng cũng chẳng được chào đón.

Phủ Khôi buổi sáng ấy, phủ lên mình một vẻ im lìm khó tả, như thể chính nó cũng đang lắng nghe những thứ không lời từ những bóng ma cũ.

Em bước đi chậm rãi trên hành lang lát gạch đỏ, gót giày nhẹ chạm mặt đất, tiếng động vang vọng giữa hai hàng trụ lớn sơn son thếp vàng đã phai theo năm tháng. Gió từ vườn thổi qua, mang theo hương hoa mẫu đơn nhè nhẹ - thứ hương vừa dịu dàng vừa dai dẳng, như vẫn chưa chịu tan từ cái thời mà Đại Phu Nhân - Ái Liên còn sống.

Cảm thấy trong lòng vẫn còn vương vấn, em đi dạo quanh phủ, vừa như để tiêu hoá bữa sáng, vừa như để quan sát kỹ hơn nơi mà giờ đây, có lẽ em sẽ phải sống lâu dài.

Phủ Khôi không chỉ lớn, mà còn kỳ vĩ và có chiều sâu như một ngôi miếu cổ, nơi mỗi góc tường, mỗi khe cửa đều găm lại tiếng thì thầm của quá khứ. Em rẽ qua một khúc hành lang gấp, nơi ánh sáng dội vào làm lấp loáng nền đá, thì chợt bắt gặp một cánh cửa gỗ lim lớn hơi khép.

Gia nhân đi cùng em lễ phép gật đầu, mở cửa ra cho em bước vào.

Dẫu sao họ cũng chẳng thể từ chối vì nếu làm em phật ý thì họ sợ công tử Khôi Tích Dịch hiện về bóp cổ họ mất.

Em chỉ đảo mắt chán nán, lũ gia nhân này xem ra còn tâm lý yếu hơn cả em.

Em nhanh bước vào bên trong.

Đó là một thư phòng yên tĩnh.

Không gian như thoát ly khỏi cả thời gian lẫn quy luật thông thường.

Những giá sách dựng cao sát tường, gỗ đen bóng như lụa, chứa đầy các loại sách cổ, bản chép tay, và cả những cuốn nhật ký đã ố màu. Trên bàn viết đặt dưới ô cửa sổ là những cây bút lông đã cũ nhưng vẫn được giữ gìn kỹ lưỡng. Tranh thuỷ mặc treo khắp nơi - từng bức đều có đề thơ bằng chữ Hán với nét mực bay lượn, nét bút mềm mại nhưng đầy dứt khoát, như nét chữ của một người đàn bà thanh nhã mà quyết liệt.

Ở một góc phòng, trong chiếc tủ kính được khóa lại bằng ổ khoá đồng nhỏ, là một cây đàn cổ, đàn tranh mười sáu dây, gỗ hồ đào sẫm màu, vân gỗ như sóng nước.

Trên thân đàn có khắc một dòng chữ nhỏ, nét nhoè mờ nhưng vẫn đọc được.

"Ái Liên."

Em đứng lặng người trước cây đàn.

Gia nhân đứng bên cạnh em như cũng cảm thấy điều gì, liền cúi đầu nói nhỏ.

"Là đàn của Đại Phu Nhân đấy ạ. Bà ấy hay ngồi đánh đàn vào những buổi sớm mùa xuân. Khi Trưởng Công Tử còn nhỏ, thường ngồi dưới chân bà, im lặng nghe cho đến khi gục đầu ngủ lúc nào không hay..."

Giọng kể ấy không hề khoa trương, không cố tình làm đẹp quá khứ, mà chỉ đơn thuần như một hồi ức... nhưng lại khiến lòng em xao động.

Em liếc quanh.

Nơi này, từ bức tranh, cái bàn, cây đàn, đến chính ánh sáng mờ mờ đổ nghiêng từ cửa sổ trổ cao kia.

Tất cả như còn lưu lại khí tức của một người đã khuất.

Một người phụ nữ dịu dàng, kín đáo, thanh cao.

Có lẽ, không phải vì địa vị hay vì là mẫu thân của Trưởng Công ty mà bà được người ta nhớ đến nhiều như vậy. Mà bởi vì trong phủ này, chưa ai có thể thay thế được bóng hình của bà.

Không một ai.

Khi em còn đang đứng lặng trước tủ kính, ngắm nhìn cây đàn đã ngủ yên dưới lớp bụi thời gian, thì một tiếng động rất nhỏ vang lên phía sau lưng - nhẹ lắm, như tiếng móng vuốt lướt qua gỗ.

Nhưng giữa căn thư phòng im ắng lạ lùng này, âm thanh ấy lại chấn động như sét xé ngang mặt hồ đang ngủ.

Em khẽ quay đầu.

Dưới chân bàn, trong góc khuất nơi bóng của chiếc kệ cao dội xuống sàn, một đôi mắt tròn xoe ánh sắc hổ phách đang nhìn em chằm chằm.

Không nháy.

Không tránh né.

Mà cũng chẳng tỏ ra e sợ.

Là một con mèo - toàn thân đen tuyền như nhung tối, đuôi cong lên kiêu ngạo như lưỡi liềm nhỏ của trời khuya, bốn chân bước không một tiếng động.

Nó đứng dậy, lững thững bước ra khỏi bóng tối, ánh sáng hắt từ cửa sổ xuyên qua lớp lông mềm mịn khiến nó gần như phát sáng một cách kỳ dị. Con mèo chậm rãi đi đến cạnh em, rồi ngồi thụp xuống, ngước đầu lên nhìn, như thể đang đợi em cúi xuống mà nhận lấy nó.

Gia nhân đứng bên cạnh em khẽ kêu lên một tiếng, rồi lập tức cúi đầu thật thấp, giọng có phần run rẩy.

"Tiểu Hắc... Là Tiểu Hắc đó, tiểu thư à..."

Em nhíu mày.

"Là mèo của ai?"

"Là... là mèo của Trưởng Công Tử."

Nghe đến đó, một cơn ớn lạnh khẽ bò dọc sống lưng em.

Gia nhân kể tiếp, giọng trầm thấp như sợ ai đó nghe được.

"Từ sau khi Trưởng Công Tử... sau khi người mất, Tiểu Hắc không chịu rời khỏi phủ. Ban đầu còn ăn uống bình thường, nhưng rồi dần dần... nó cứ suốt ngày nằm co dưới gầm giường trong phòng người, mắt trân trân nhìn lên trần nhà, hoặc cào cấu vào bức tường phía sau bài vị."

"Đêm nào cũng vậy, tầm canh ba là nó lại bắt đầu... kêu 'meo meo' ngay dưới chân bàn thờ công tử. Không rên rỉ, cũng không gọi bầy mà chỉ đúng một tiếng, từng nhịp, đều đặn như ru người... hay là ru hồn người về..."

Em cúi người, định đưa tay vuốt đầu nó, nhưng Tiểu Hắc lại bước lùi về sau một chút, không rít lên hay nổi cáu, chỉ ngước lên nhìn như một kẻ canh giữ linh hồn, như một kẻ đã chứng kiến nhiều hơn bất kỳ ai trong phủ này.

Gia nhân hạ giọng hơn nữa.

"Người trong phủ sợ lắm, tiểu thư à. Có lần nghe bếp trưởng kể, nửa đêm cô ấy đi ngang phòng Trưởng Công Tử thì thấy Tiểu Hắc ngồi trên bệ thờ, nhìn vào hư không và kêu lên một tiếng thật dài. Lạnh người lắm. Rồi thì... chẳng còn ai dám trực đêm ở bên ấy nữa."

Em đứng dậy, nhìn Tiểu Hắc thêm một lần nữa.

Nó không chạy trốn. Cũng không tiến đến. Mà cứ ngồi yên đấy, đôi mắt như ánh sáng nhỏ trong bóng tối, như thể đang nhìn xuyên qua thời gian, chờ đợi điều gì đó mà em chưa hiểu nổi.

Cây đàn kia im lìm trong tủ kính. Bài vị công tử im lặng trên bàn thờ. Và giờ đây là một con mèo - sống, thở, và tồn tại như thể đang mang trong mình phần linh hồn chưa siêu thoát của chủ nhân cũ.

Dường như... phủ Khôi chưa từng thực sự tiễn đưa người chết ra khỏi ngưỡng cửa.

Nhỉ?

---------

Em bước chậm rãi ra khỏi thư phòng.

Dẫu không ai ngăn cấm hay trách cứ, nhưng chính em lại cảm thấy nơi đó không nên lưu lại quá lâu.

Em không muốn vô tình đánh thức thêm điều gì nữa.

Hành lang gỗ bên ngoài hẹp hắt nhưng sạch sẽ, một vài chậu cây trúc nhật đặt xen kẽ theo thói quen bài trí cổ truyền, khiến không gian vừa u tịch vừa có chút dịu dàng.

Tiếng bước chân em lẫn trong âm thanh gió lùa qua kẽ mái, xào xạc những lá khô chưa kịp quét dọn.

Dự định ban đầu của em là trở về phủ công tử, nơi đã được sắp xếp để em cư ngụ.

Là nơi em vừa trải qua một đêm không trọn giấc nửa mê nửa tỉnh, nửa mơ nửa sợ cùng cái ôm âm ấm ấy từ phía sau lưng.

Nhưng khi chỉ còn vài bước nữa là vào phủ, chân em đột nhiên dừng lại.

Một cảm giác khó gọi thành lời chảy trong huyết quản

Em quay đầu, mắt nhìn về phía khác, hướng về vọng lâu.

Đây là nơi mẫu thân của Trưởng Công Tử từng thường hay đến lúc sinh thời, đặc biệt vào những ngày có nắng nhẹ. Bà thường ngồi bên song cửa mở ra vườn hoa, tay đặt lên cây đàn, ánh mắt xa xăm nhìn về phía hồ sen nhỏ nơi đàn cá chép bơi lội.

Bà đã không còn. Vọng lâu vẫn còn. Và những câu chuyện cũ chưa ai kể hết.

Bàn chân em đổi hướng, bước đi trên hành lang lát đá uốn khúc, qua một khóm hồng cổ đã rụng gần hết hoa, qua cây ngọc lan tỏa ra hương thơm dìu dịu trong nắng mỏng. Tiếng bước chân em lẫn vào tiếng gió và tiếng chim xa xa hót trong vòm cây. Tất cả đều im lặng, như thể vũ trụ đang nín thở chờ em tìm đến một điều gì đó chưa thành hình.

Càng tiến đến gần vọng lâu, không khí càng dịu lạ. Gió dường như thổi mềm hơn. Nắng cũng ngà hơn, trải dài trên bậc thềm đá đã mòn dấu chân.

Em dừng lại trước cánh cửa gỗ được chạm khắc hoa văn cổ, nhẹ nhàng đẩy ra. Bên trong vẫn được dọn dẹp sạch sẽ, không chút bụi bặm, như thể nơi đây chưa từng bị bỏ hoang. Một chiếc ghế tròn đặt giữa hiên, cạnh đó là chiếc bàn gỗ cũ sẫm màu, bên trên vẫn còn một lọ hoa cắm vài cành mẫu đơn đã khô giòn như xác thư hương thời xưa.

Có thứ gì đó trong em khẽ rung lên - là nỗi xúc động? Hay một chút quen thuộc kỳ lạ mà em không sao lý giải?

Nơi đây, vọng lâu ấy, vẫn chờ ai đó quay về. Và em, chẳng rõ vì sao, lại là người đặt chân đến đầu tiên sau ngần ấy năm mùa thay lá.

--------

Chẳng rõ từ lúc nào, vọng lâu ấy dần trở thành nơi em lui tới nhiều nhất, cũng là nơi em yêu thích nhất trong phủ rộng lớn đầy những ánh mắt dò xét và lời nói mềm mà gợn sắc.

Nơi đây không quá rộng, nhưng đủ để gió lùa qua làm nhẹ tà áo, đủ để mùi hương hoa cũ vẫn thoang thoảng từ khóm mẫu đơn bên ngoài ghé vào theo nắng, như hơi thở của một người phụ nữ quá cố vẫn vương lại trong từng viên ngói, từng thớ gỗ.

Dưới mái ngói phủ rêu phong, em thường ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ, tay vuốt nhẹ mép bàn như thể chạm vào được hồi ức. Ánh nắng xiên nhẹ qua song cửa trổ hoa văn uốn lượn, vẽ lên nền gạch những hình thù thay đổi theo giờ khắc.

Đôi khi em mang theo một quyển sách, đôi khi chẳng cần gì cả, chỉ đơn giản là ngồi đó, để yên một mình giữa một không gian dường như không thuộc về hiện tại.

Chẳng mấy chốc, em bắt đầu cảm nhận được từng chi tiết nhỏ nơi này đều mang theo một thứ tình cảm đặc biệt - thứ tình cảm âm thầm mà tha thiết từ người đã xây dựng nó.

Có lẽ chính tại nơi đây, lão gia từng cùng Đại Phu Nhân uống trà mỗi buổi sáng, lặng lẽ nhìn trời thay màu mẫu đơn. Có lẽ ở góc bàn kia, là nơi bà từng đặt chiếc khăn tay tự thêu, có lẽ từng chiếc ghế gỗ này là do đích thân người sai thợ chạm khắc theo dáng lưng người đàn bà ông thương yêu nhất.

Cả cái phủ rộng lớn, tráng lệ và nghiêm ngặt, nhưng chỉ riêng vọng lâu - cái góc nhỏ bé này - mới cho thấy rõ lão gia đã từng sủng ái bà cả đến nhường nào.

Sự yêu thương thật sự, nhiều khi không phô trương bằng lời. Nó âm thầm như hơi gió chạm má, như ánh sáng khẽ rọi qua bức rèm cũ - mà nếu không ngồi lại, không lặng lòng, thì chẳng bao giờ cảm được.

Và cũng bởi vậy, em thấy mình không thể không gắn bó với nơi này.

Dẫu bước chân em đến đây chỉ là một phần trong nghi thức.

Dẫu em chỉ là một kẻ được gả đến trong một đêm huyền dị, bởi những lời răn của thầy đồng và những cái gật đầu lặng lẽ.

Nhưng chính nơi vọng lâu này, chứ không phải phủ chính hay phòng riêng đã cho em cảm giác đang thật sự sống trong câu chuyện ấy, đang hiện diện trong một mạch tình cảm từng có thật, từng được yêu, từng mất mát...

---------

Mỗi ngày, em lại tìm đường đến đó, tay mang theo một ấm trà nhỏ và ít bánh ngọt đơn sơ do phòng bếp để dành. Vừa uống trà, em vừa lặng lẽ đặt chiếc khăn lụa trắng lên lòng, bắt đầu tỉ mỉ thêu từng đường chỉ, từng cánh hoa lặng lẽ nở trên mặt vải như thể thêu lại một quá khứ chưa từng chứng kiến nhưng lại quen thuộc một cách lạ lùng.

Có những khi, thay vì kim chỉ, em mang theo cây sáo trúc cũ mà em tình cờ tìm thấy trong góc tủ thấp của phủ công tử.

Nó đã cũ, một vài chỗ còn vương bụi, vậy mà khi em lau sạch và đưa lên môi, âm thanh lại vang lên dịu dàng đến nao lòng như tiếng gió len qua rặng liễu, như âm thanh ngày xưa từng vang vọng khắp nơi này, vào buổi chiều khi ánh tà dương đổ xuống vườn mẫu đơn nở rộ.

Có lẽ nó từng là vật mà Trưởng Công Tử yêu thích, hoặc là của ai khác, nhưng giờ đây, nó trở thành bạn đồng hành im lặng của em nơi vọng lâu không người.

Các gia nhân trong phủ... càng lúc càng lảng xa nơi em cư ngụ.

Không hẳn vì họ ghét em, mà bởi một nỗi sợ âm thầm lan tỏa trong những ngày gần đây từ lúc em được gả về bằng nghi thức chẳng ai dám bàn sâu, mọi chuyện vốn đã rợn ngợp thì nay càng thêm ly kỳ khó lường.

Người thì đồn trong đêm khuya khi đi ngang qua, họ thấy em đứng bên khung cửa sổ tầng trên, dáng em nghiêng nghiêng dưới ánh trăng, như đang chờ đợi ai.

Nhưng điều khiến họ thất thần chính là cái bóng nam nhân phía sau cao hơn em một đoạn, vòng tay ôm lấy eo em, khuôn mặt gần kề, như thì thầm điều gì bên mái tóc.

Một người đã dụi mắt, tưởng bản thân nhìn lầm.

Nhưng khi mở mắt ra, chỉ còn lại em đứng một mình - yên lặng đến lạnh người, đôi mắt nhìn xa xăm chẳng rõ là đang thức hay đang mơ.

Kể từ hôm ấy, chẳng ai còn dám bén mảng đến gần phủ công tử khi mặt trời đã khuất.

Họ thay phiên để lại cơm bên ngoài cửa, vội vã bỏ đi. Những lời đồn về bóng trắng, tiếng đàn, tiếng sáo, hay đôi lúc là tiếng bước chân lặng lẽ trên sàn gỗ vang lên vào canh ba - tất cả dần trở thành thứ khiến nơi em ở trở nên cấm kỵ.

Nhưng riêng em lại chẳng thấy gì quá đáng sợ.

Bởi giữa bao điều vô hình, thứ em cảm nhận rõ ràng nhất vẫn là một cái nhìn dịu dàng, một hơi thở ấm áp sau lưng mỗi khi đêm xuống, một sự hiện diện thân thuộc như đã gắn với máu thịt từ kiếp nào.

--------

Những chuyện lạ, tựa như làn sương mù mỏng manh nhưng bám riết, cứ thế bao phủ lấy phủ Khôi gia - nhất là kể từ ngày em bước chân qua cổng chính bằng chiếc kiệu đỏ, được thầy đồng hộ tống như thể là nghi lễ thành hôn cho người trần với... kẻ khuất mặt.

Thoạt đầu chỉ là vài điều lạ tai, như một chiếc trâm cài xuất hiện bên gối, hay ánh nhìn kỳ quái từ đám gia nhân, thê thiếp của lão gia, nhưng rồi dần dà, mọi thứ như vượt khỏi ngưỡng chịu đựng của người phàm.

Vào một đêm trời không trăng, chỉ có ánh đèn lồng lơ lửng lay động theo gió mà không rõ có ai đốt, tiếng sáo trúc bất chợt vang lên.

Âm thanh ngân nga, kéo dài, mềm như tơ lụa nhưng lại chạm sâu vào tim người nghe - một khúc nhạc mà xưa kia, chỉ có công tử Khôi Tích Dịch mới biết chơi.

Âm sắc ấy thoạt đầu chỉ thoang thoảng bên vườn mẫu đơn, rồi như tràn ngập cả vọng lâu, lướt nhẹ qua dãy hành lang dài dẫn đến thư phòng.

Khúc nhạc ấy không lẫn đi đâu được. Bao nhiêu người từng nghe công tử diễn tấu trong lễ xuân những năm trước đều nhận ra, chỉ là... năm nay, bàn tay ấy đã không còn nữa.

Gia nhân được cắt cử canh gác đêm hôm ấy hoảng loạn chạy đến, sợ có kẻ lẻn vào thư phòng công tử. Nhưng khi họ đẩy cửa ra, mọi thứ vẫn nguyên vẹn.

Chiếc sáo trúc được đặt ngay ngắn trên giá gỗ khảm trai, phủ lụa xanh, chưa hề di dời. Bụi vẫn chưa kịp tích, nhưng rõ ràng ai đó đã chạm vào.

Điều khiến họ rợn gáy là phòng em nằm đối diện thư phòng. Nếu em là người thổi sáo, hẳn họ đã thấy em đi ngang, ít nhất cũng phải nghe tiếng mở cửa.

Nhưng em thì đang yên ổn nằm trên giường, hơi thở đều đặn, ánh nến trong phòng nhạt nhòa phản chiếu gương mặt như đang say giấc. Không có dấu hiệu của sự tỉnh dậy nào, lại càng không có vết tích cho thấy em rời khỏi chăn đệm.

Ngỡ như mọi chuyện chỉ là ảo giác, nhưng không.

Đó chỉ là khởi đầu.

Vài đêm sau, một chuyện khác lại khiến người trong phủ không thể nào lý giải.

Một gia nhân khi đi ngang qua dãy hành lang về phòng thì tình cờ nghe thấy tiếng em nói chuyện.

Giọng em nhỏ nhẹ, thì thầm như đang thủ thỉ cùng ai đó trong bóng tối. Dưới ánh đèn lờ mờ, giọng của một người nam vang lên đáp lời em.

Giọng nói ấy - trầm, ấm, hơi kéo dài cuối câu - từng là nỗi thương nhớ của biết bao người trong phủ, từng là uy quyền của công tử Khôi Tích Dịch.

Tim đập loạn nhịp, người gia nhân vội vã đến trước phòng em, giơ tay run rẩy gõ cửa.

Ngay khi tiếng gõ đầu tiên vang lên, mọi âm thanh bên trong đột ngột tắt lịm.

Không còn tiếng cười nói, không còn lời thì thầm.

Chỉ còn lại sự im ắng nặng nề như khối đá nghìn cân đè xuống.

Họ gọi em một hồi lâu, và đến khi cánh cửa hé mở, em hiện ra với đôi mắt còn vương sương ngủ, mái tóc xõa nhẹ, bộ y phục ngủ bằng gấm mỏng vẫn nguyên vẹn, chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy vừa trải qua cuộc trò chuyện hay dậy khỏi giường.

Em khẽ cau mày hỏi.

"Có chuyện gì sao?"

Giọng lẫn chút ngái ngủ khiến người đối diện càng thêm bối rối.

Không ai dám hỏi tiếp.

Họ chỉ rối rít xin lỗi, kiếm cớ lui nhanh như thể sợ đứng thêm chút nữa sẽ bị điều gì đó không thể gọi tên cuốn theo.

Sau chuyện ấy, trong phủ càng thêm u ám.

Người thì lén đặt bùa dưới gối, kẻ lại xin chuyển ra ngủ nhà phụ.

Có người âm thầm xin nghỉ không lương để về quê một thời gian.

Và em, vẫn sống giữa phủ công tử - điềm nhiên như thể mọi việc chẳng liên quan đến mình.

Những chuyện xảy ra quanh em không còn đơn thuần là những lời đồn thổi tản mác trong gió nữa.

Chúng đã trở thành tiếng xì xào lan dọc theo hành lang dài gạch hoa cũ kỹ, lượn vòng qua những khung cửa sơn son khép hờ, vọng về tai từng người một trong phủ Khôi gia.

Cũng vì vậy mà số người tình nguyện ở lại hầu hạ em ngày càng vơi dần, như lá mùa thu bị gió thổi lật mặt, rụng rời lặng lẽ.

Có kẻ xin nghỉ lấy cớ đau ốm, người viện cớ cha mẹ già cần chăm sóc, nhưng ai cũng rõ họ rời đi vì trong lòng đã nhuốm nỗi sợ.

Những tiếng sáo lúc canh ba, bóng nam nhân lẩn khuất nơi đầu hồi, hay chỉ đơn giản là ánh mắt em khi dõi nhìn vọng lâu giữa đêm - tất cả làm họ lạnh sống lưng.

Dù vậy, vẫn còn một vài người gan dạ quyết định ở lại, và chính họ, bằng thái độ thản nhiên mà vững chãi, lại càng khiến phủ Khôi gia thêm phần kỳ dị.

Họ nói với nhau rằng.

"Mình không làm điều gì khuất tất, công tử nếu thật còn vương vấn trần gian, có chăng chỉ là luyến tiếc, chứ không phải hại người."

Bọn họ tin rằng nếu công tử có ý sát phạt, thì những chuyện khủng khiếp đã không chỉ dừng lại ở việc tiếng sáo trúc thổi lên trong đêm, hay bóng nam nhân thoáng qua nơi song cửa.

Em cũng không khác biệt.

Từ đêm đầu tiên được gả về - trong chiếc kiệu đỏ ảm đạm mà lễ nghi rườm rà hơn cả hôn lễ người sống, em từng bị doạ.

Bị doạ bởi không khí lạnh buốt xuyên qua từng tấc da thịt, bởi bóng đêm dày đặc như nuốt chửng cả giấc ngủ, bởi tiếng gió gào trên mái ngói cũ kỹ.

Nhưng rồi...

Em vẫn ngủ một giấc thật yên, như thể chưa từng có bàn tay vô hình nào siết chặt tim gan người sống trong phủ này.

Điều đó, theo lời các gia nhân còn lại, mới thực sự là điều đáng sợ.

Bởi người càng bị kinh động thì càng có thể tự trấn an, nhưng người ngủ yên giữa những hiện tượng bất thường, lại như đã được định sẵn là "một phần" với cõi khuất - chẳng còn gì khiến họ phải giật mình.

Tin tức này không lâu sau đã len lỏi đến tai các phu nhân, rồi rơi vào tai lão gia.

Tam Phu Nhân thì chỉ cười khẩy.

"Thứ tiểu yêu ở đâu tới phủ mà ai cũng phải nhún nhường, ghê gớm thật."

Còn Tứ Phu Nhân, xưa nay ưa nũng nịu, giờ lại càng hay kêu đau đầu mất ngủ, cứ đêm là cho người sang thắp nhang khấn trước bàn thờ gia tiên, cầu xin tha thứ nếu có điều gì mạo phạm.

Lão gia thì vẫn im lặng.

Tiểu Hắc - con mèo đen tuyền với ánh mắt như hổ phách trong sương - từ lúc nào chẳng rõ, đã trở thành cái bóng lặng lẽ bên cạnh em.

Không ai rõ nó từ đâu xuất hiện, chỉ biết rằng từ khi em đặt chân vào phủ, nó đã bắt đầu quanh quẩn bên bậu cửa phòng em, khi thì nằm rạp dưới gốc mẫu đơn nơi vọng lâu, khi thì rón rén bước theo em từng nhịp bước dọc hành lang cũ.

Nó không kêu, cũng chẳng làm ồn.
Chỉ mỗi khi em nhẹ tay vuốt ve bộ lông mượt như nhung, đôi mắt nó mới chớp nhẹ, như khẽ thở dài.

Em cưng nựng nó, vuốt ve như thể đã quen từ kiếp trước, như thể... từng thấy công tử cũng đã làm điều tương tự, trong một mảnh ký ức nào đó không rõ hình, không rõ thời gian, nhưng luôn khiến tim nhói một nhịp.

Tiểu Hắc, con vật từng được công tử nâng niu như tri kỷ, giờ lại nép bên em như bóng với hình.

--------

Vào mỗi sáng thứ Hai và tối thứ Sáu, em vẫn đều đặn ngồi vào bàn ăn chung, nơi tất thảy các thành viên trong phủ cùng tề tựu, bất kể địa vị hay mối quan hệ có ràng buộc nhau đến đâu.

Tiếng chén sứ chạm nhẹ, muỗng bạc khua lách cách trên thành bát, nhưng không ai dám nói quá to, cười quá lâu. Không khí lúc nào cũng lơ lửng như mây xám sắp mưa, sẵn sàng đổ xuống bất kỳ lúc nào nếu có người khơi lên điều cấm kỵ.

Tứ Phu Nhân- người vốn nổi tiếng với tính khí đỏng đảnh, yểu điệu mà lại sắc sảo - dạo gần đây sắc diện thay đổi hẳn.

Làn da trắng vốn luôn được bà tự hào là ngọc ngà giờ tái nhợt như giấy, hai mắt quầng sâu như kẻ mất ngủ dài ngày, môi mím chặt hầu như chẳng còn sức để ngắt lời ai như mọi khi.

Bà không còn gọi gia nhân đến chải tóc ba lượt trước gương vào mỗi buổi sáng, cũng chẳng còn sai người nấu riêng loại canh dưỡng nhan vốn luôn dặn "phải hầm đúng đúng đúng ba canh giờ".

Cả khi bữa ăn vừa bắt đầu, bà vẫn cúi mặt, chỉ khẽ khuấy canh mà không động đến.

Lúc ấy, em ngẩng đầu, ánh mắt dừng lại trên làn da gần như trong suốt của bà, rồi chậm rãi buông một câu, giọng không cao không thấp, đủ để từng người quanh bàn đều nghe thấy.

"Sắc mặt của Tứ Phu Nhân nhìn xanh xao quá... dạo này người không ngủ được sao?"

Câu nói như giọt sương đọng trên lá lay động, nhẹ hẫng nhưng lạnh lẽo vô cùng.

Ngay lập tức, bà ta ngẩng lên, ánh mắt đầy hoang mang nhìn về phía em.

Chiếc muỗng bạc trong tay bà run lên khe khẽ, như thể chỉ cần thêm một lời, một ánh nhìn nữa thôi là mọi phòng bị trong lòng bà sẽ vỡ vụn.

"Sao người không thử dùng vỏ gối nhồi hoa oải hương khô?"

Câu nói ấy chẳng phải là lời khuyên đơn thuần, mà như một món quà mềm mỏng được gói bằng vỏ tơ và tẩm trong hương thơm dịu êm, chạm đến không chỉ giác quan mà còn khơi gợi trong tâm người ta chút gì đó gọi là an ủi, là thương xót... hay là ngờ vực.

Phải rồi.

Là oải hương.

Thứ hoa tím biếc vốn chỉ nở rộ ở xứ lạnh, từ lâu đã được các danh y tin dùng để làm dịu thần trí, xoa dịu những cơn mộng mị và đẩy lùi những phiền muộn trong lòng người.

Gia nhân của Tứ Phu Nhân - một người đàn bà đứng tuổi với đôi mắt trũng sâu vì những đêm mất ngủ - lập tức khẽ gật đầu đồng tình, giọng bà lạc hẳn đi vì mệt mỏi.

"Dạ, thứ này tốt lắm... chỉ cần nằm trên gối nhồi oải hương khô là sẽ ngủ một giấc ngon lành... êm lắm..."

Em cười khẽ. Vẫn cái dáng vẻ hiền hòa ấy, em thong thả đưa mắt nhìn sang người đàn bà vốn luôn kiêu kỳ ngồi bên kia bàn.

Người mà sắc mặt giờ đây còn tái hơn ánh trăng non ngoài trời.

"Con vẫn còn dư một cái."

Em nói tiếp.

"Là quà của tiểu thư họ Triệu tặng trong ngày thành hôn. Xem như của hồi môn, nhưng đến nay vẫn chưa dùng tới... nếu không chê, con xin dâng."

Bà hơi sững lại.

Lão gia - người từ đầu buổi chỉ ngồi yên, râu đã bạc gần nửa, khẽ nhướng mày rồi gật đầu một cái rất nhẹ, giọng trầm trầm vang lên.

"Cứ nhận đi. Dù sao cũng là lòng thành của con dâu. Nếu từ chối... chỉ Dịch Nhi khó lòng yên ổn dưới suối vàng."

Câu nói cuối cùng như tiếng gõ khẽ lên mặt trống đồng cổ, chậm rãi mà ngân dài vào khoảng lặng.

Bà lúc này không còn đường lui. Bàn tay bà nhẹ nhàng đặt lên mép khăn trải bàn, gượng cười như thể chưa từng e ngại, nhưng chính khóe môi đang giật khẽ đã phản bội sự hoảng hốt đang len lén cào rách lòng bà.

"Vậy... ta xin nhận..."

Và thế là chiếc gối thêu tay nhồi đầy hoa oải hương khô sau đó được gia nhân mang đến phòng bà tư trong buổi chiều hôm ấy.

Mùi thơm từ gối lan ra, quện trong không khí một thứ dịu dàng đến bất an. Trong thoáng chốc, cả gian phòng như bị phủ lên bằng một lớp sương tím mờ, hư ảo như cõi giao nhau giữa người sống và kẻ đã khuất.

Còn em, sau khi rời bàn ăn, lại tiếp tục tản bộ về hướng vọng lâu, nơi mùi mẫu đơn nhè nhẹ quyện trong gió cùng Tiểu Hắc.

---------

Từ cái ngày chiếc gối nhồi đầy hoa oải hương được trao tay, giấc ngủ của má tư như được thần linh che chở - êm đềm và không còn mộng mị bủa vây. Không còn những tiếng nức nở thầm thì giữa khuya, không còn những giấc mộng bàng hoàng khiến bà giật mình giữa đêm vắng, tay siết chặt lấy mền như người sắp trôi vào cõi âm.

Thần sắc của Tứ Phu Nhân cũng vì thế mà cải thiện rõ rệt. Mái tóc uốn gợn luôn được chải chuốt gọn gàng, son môi được tô đều tay hơn, còn tà áo lụa mềm mại in hoa hồng dại lại một lần nữa khẽ lay trong nắng sớm như thể nhắc nhở rằng: người đàn bà ấy, tuy đã từng hoảng sợ đến xanh xao, nhưng vẫn chưa hề bị đánh gục.

Dù ánh mắt bà nhìn em vẫn còn chút dè chừng và mơ hồ khinh rẻ, nhưng đó đã không còn là cái khinh ghét trần trụi như thuở đầu, mà giống như cách một quý phu nhân xem xét một kẻ mới nhập phủ - chưa đủ tư cách nhưng cũng chẳng thể xem thường.

Có lẽ vì em không van nài, cũng chẳng khép nép sợ hãi. Em chỉ đơn thuần xuất hiện, rồi mang đến một thứ gì đó khiến giấc ngủ bà trở nên dễ chịu hơn.

Phải rồi... có ai biết được.

Cuộc đời vốn chẳng thiếu những liên minh kỳ lạ.

Coi nhau như đồng minh... cũng không hẳn là chuyện bất khả.

Và cũng từ đó, các buổi trà chiều trong hoa viên, nơi mà trước kia chỉ dành riêng cho ba vị phu nhân lớn trong phủ dần có thêm bóng dáng em hiện diện, thanh nhã ngồi bên, tay nâng tách trà thơm, miệng không cười mà ánh mắt vẫn lặng lẽ biết lắng nghe.

Bà ta thường xuyên kể đủ thứ chuyện

Từ thời bà mới được tuyển vào phủ, đến những lần tranh sủng khôn ngoan, rồi chuyển sang khéo léo châm chọc Nhị Phu Nhân quá hiền nên bị lép vế, hay Tam Phu Nhân tuy xinh mà lại quá ương ngạnh nên chẳng được lòng ai.

Giọng bà cứ thế mà ngân dài, như dòng sông êm đềm nhưng không thiếu khúc quanh nguy hiểm.

Em thì chỉ nhẹ nhàng gật đầu, môi cong lên một nét cười vừa đủ - không a dua, cũng không phản bác.

Mỗi lần bà ta nói đến đoạn cao trào, em lại rót thêm trà, rồi thì thầm đôi ba lời.

"Tứ Phu Nhân đúng là hoa hồng có gai... Đẹp, nhưng không ai dám nắm lấy."

Câu nói đó chẳng khác nào một lớp phấn hồng phủ lên cánh.

Mỗi khi nghe xong, bà lại khẽ liếc em - ánh nhìn dường như pha chút hài lòng, như thể em vừa vô tình nhấn một nốt nhạc hợp tai nhất giữa bản dương cầm kéo dài bởi những ngày tẻ nhạt trong phủ.

--------

Mọi chuyện trong phủ họ Khôi vẫn tiếp diễn, bề ngoài tưởng như êm đềm trôi đi từng ngày, nhưng thực chất lại chẳng thiếu những con sóng ngầm nhỏ len lỏi dưới từng tán lá ngọc lan thơm ngát.

Sau chuỗi ngày em đồng hành trong các buổi trà chiều của Tứ Phu Nhân.

Cứ mỗi sáng thứ hai, tối thứ sáu, hay thậm chí những buổi xế có nắng dịu, bóng dáng em lại xuất hiện bên chiếc bàn trà đặt giữa hoa viên, đối diện Tứ Phu Nhân.

Gia nhân trong phủ chẳng ai không biết.
Một kẻ đến từ phương xa, lại có thể hòa nhã với người khó chịu như bà ta, không phải là nhờ khôn ngoan thì là gì?

Lời đồn lan ra, có người nói em lấy lòng để kiếm chỗ dựa, để làm dày thêm vị thế giữa những mối quan hệ vốn luôn giằng co như những đường chỉ đỏ xoắn vào nhau trong phủ.

Và mọi chuyện có lẽ cũng chỉ dừng ở mức độ âm ỉ, nếu như không xảy ra cái buổi chiều định mệnh hôm ấy.

Khi Tứ Phu Nhân lỡ lời nhắc đến Đại Phu Nhân trong lúc đang nhấp trà.

Giọng bà ta vẫn mang chất chua chát thường ngày, nhưng ánh mắt thì lơ đãng nhìn vào khoảng không như thể nhớ lại những tháng ngày cũ.

Những mẩu chuyện rời rạc về nhan sắc Đại Phu Nhân, về cách lão gia từng sủng ái bà đến mức xây riêng một vọng lâu chỉ để bà ngắm hoa mẫu đơn mỗi độ tháng Tư về.

Rồi Tứ Phu Nhân nhếch môi, giọng thì nhỏ nhưng lạnh.

"Đẹp đấy, nhưng đâu có giữ được người đâu... Ai mà biết được, có khi cái chết của bà ta cũng chẳng đơn giản như người ta đồn đại..."

Em chỉ im lặng, giữ thái độ trung dung như thường lệ, nhưng không thể phủ nhận, câu nói đó như một chiếc kim bén ngót vô tình chích vào mạch ngầm vốn đã âm ỉ trong phủ.

--------

Đêm hôm đó, phủ họ Khôi như chìm vào lớp sương âm u dày đặc. Trăng vắng, gió lặng, tiếng côn trùng cũng nhỏ lại như bị đè ép bởi thứ gì đó vô hình.

Cho đến khi.

Tiếng hét vang lên.

Sắc bén, hoảng loạn, rồi vụt tắt.

Như thể bị ai đó bóp nghẹt, ngắt ngang giữa chừng.

Gia nhân túa ra như đàn chim vỡ tổ, đèn lồng chao đảo trong tay người chạy.

Tiếng dép lẹp xẹp, tiếng gọi nhau hốt hoảng, tất cả dẫn về cùng một hướng.

Ao sen gần vọng lâu.

Khi mọi người đến nơi, Tứ Phu Nhân đã chìm trong nước, tà áo còn nổi phất phơ bên những cánh hoa sen rụng tả tơi, mái tóc rối che nửa khuôn mặt trắng bệch không còn sinh khí.

Người ta vội vã vớt bà lên, nhưng đã quá muộn. Đôi mắt bà khép hờ, khoé miệng như còn đọng lại một tia sợ hãi cuối cùng. Cảnh tượng ấy khiến không ít gia nhân gào khóc vì kinh hãi.

Mà thật ra... ai cũng biết.

Dù có ngã... cũng không thể nào rơi đúng cái ao sen - nơi ngày xưa Đại Phu Nhân thường ra ngồi đọc sách mỗi chiều - một cách quá hoàn hảo như vậy.

Đã vậy bà ấy lại không biết bơi nên luôn né nơi có nước. Ấy vậy mà giờ đây...

Ai nấy đều rợn người.

Có người nói, công tử Khôi Tích Dịch đã nổi giận.

Giận vì bà ta dám buông lời xúc phạm mẫu thân.

Chẳng phải trong phủ vẫn luôn có lời đồn rằng.

"Nếu ai dám làm điều trái với người công tử thương thì sẽ lấy mạng đổi lấy yên lòng?"

--------

Chẳng ai nghĩ rằng chưa đầy một tháng kể từ khi em bước chân về làm dâu, trong phủ họ Khôi lại phải mở tang lễ thêm một lần nữa.

Lần trước, là khi người ta đưa công tử Khôi Tích Dịch về trong cỗ quan tài sơn đen phủ lụa trắng, hoa bách hợp tàn úa rơi rụng đầy nền đá.

Còn lần này... người ra đi lại là một người đàn bà sống sót qua cả ba thời đại trong phủ, cuối cùng lại ngã xuống ao sen.

Tiếng kèn ai đưa tang cất lên, u uẩn như vọng từ cõi âm.

Không ai nói gì, bởi lời nói lúc này hóa ra lại quá nông cạn trước mất mát.

Không khí tang lễ lần này nặng nề hơn bao giờ hết, bởi lẽ cái chết của Tứ Phu Nhân không đơn thuần là một tai nạn.

Ai cũng biết, nhưng chẳng ai dám nói.

Giữa hàng người mặc áo tang trắng, gương mặt tiều tụy vì mất ngủ của Tứ Tiểu Thư - Linh Phi hiện lên như một vết máu đỏ giữa nền tuyết trắng.

Đôi mắt nàng đỏ hoe, cạn khô vì đã khóc quá nhiều từ đêm qua đến tận lúc đặt linh cữu Tứ Phu Nhân vào linh đường.

Giọng nghẹn ngào.

"Mẫu thân... người đi rồi, con biết phải sống thế nào trong cái phủ này đây?"

Chữ "mẫu thân" chưa dứt mà đã hóa thành tiếng nấc nghẹn.

Em đứng đó, cách một khoảng lễ nghi vừa đủ, không dám chen vào quá sâu, chỉ lặng lẽ nhìn, rồi tự dưng cảm thấy một điều gì đó nhoi nhói trong lồng ngực.

Phải rồi...

Là nỗi cô độc.

Cảm giác trống hoác, như ai đó đột nhiên giật mất tấm màn che chắn duy nhất giữa mình và thế giới.

Và em chợt nghĩ.

Có lẽ năm xưa, khi Đại Phu Nhân - Ái Liên nhắm mắt lìa đời, công tử Khôi Tích Dịch cũng đã đứng đâu đó, trong một góc tối lạnh lẽo như em lúc này, lặng lẽ nhìn người mình thương yêu nhất rời đi, vĩnh viễn.

Không ai vỗ về.

Không ai thấu được nỗi mất mát đang dâng đầy trong lồng ngực hắn, như những cánh sen dập nát bên ao chiều qua.

--------

Trong gian linh đường nghi ngút khói hương, bài vị Tứ Phu Nhân được đặt bên dưới hàng chư tổ.

Nến cháy lập lòe. Hương thơm từ những nén nhang dài chưa từng dứt, từng vòng khói cuộn lên như những sợi tơ mỏng dẫn dắt linh hồn người đã khuất đi về cõi xa xăm.

Gia nhân đứng thành từng hàng, im lặng cúi đầu, chỉ có tiếng thút thít nhỏ và tiếng gõ mõ đều đặn vang lên giữa không gian u trầm.

Ngay cả Nhị Phu Nhân và Tam Phu Nhân cũng đến, dù nét mặt thì cứng đờ, nhưng cái cúi đầu trước linh cữu kia cũng phải gượng gạo mà làm.

Bởi lẽ cái chết của Tứ Phu Nhân khiến ai cũng giật mình, khiến những gì từng chắc chắn hóa ra lại chẳng còn gì đảm bảo.

Em vẫn giữ thái độ như xưa, khoảng cách vừa phải, lễ nghi đủ đầy, không tham lam chen vào vai trò nào không thuộc về mình. Nhưng tận sâu trong lòng, một điều gì đó khẽ gợn lên, như thể từng lớp sương trong tâm trí đang tan ra, để lộ hình bóng mờ mịt của những chuyện còn chưa rõ trắng đen.

Liệu đây có phải là sự trừng phạt cho kẻ dám buông lời khinh bạc với Đại Phu Nhân?

Hay là lời cảnh tỉnh cho những người còn sống?

Phủ họ Khôi lại một lần nữa khoác lên mình sắc trắng tang thương.

Màn đêm lại một lần nữa từ từ buông xuống, nhẹ nhàng như một tấm màn lụa đen trượt khỏi mái hiên, phủ kín lên cả bầu trời phủ họ Khôi.

Sau một ngày dài bao trùm bởi tang tóc, lời kinh kệ, tiếng than khóc và sự im lặng đầy ngột ngạt, cuối cùng em cũng được trở về tẩm phòng của mình - nơi duy nhất có thể khép lại cánh cửa với những dòm ngó, những lời thì thầm, và cả những ánh mắt dò xét.

Hai nha hoàn canh bên đã lui ra sau khi giúp em thay y phục và trải gối. Không ai trong phủ còn dám nấn ná quá lâu nơi phủ công tử - dù là người sống thì cũng chẳng có gan đủ lớn để đối mặt với những điều chẳng thể lý giải.

Đèn trong phòng chỉ còn lại một ngọn, đặt trên bàn trang điểm, ánh lửa nhỏ run rẩy trong gió thoảng như sắp lụi tắt.

Em nằm xuống, lặng lẽ kéo chăn lên tới ngực, cố ép mình vào giấc ngủ - dù lòng vẫn còn một vệt dư âm nhức nhối vì tang lễ.

Hình ảnh Tứ Tiểu Thư ấy khóc lặng người, ánh mắt trống rỗng của lão gia, và cả không khí đè nặng lên từng phiến gạch hành lang... tất cả như đang chầm chậm đi vào máu em, không thể rũ bỏ.

Và rồi...

Khi kim đồng hồ nơi bàn trà vừa chạm đúng con số mười hai, mọi thứ bỗng chùng lại.

Không gian tự nhiên lạnh đi vài phần.

Tấm rèm lụa lay nhẹ không do gió.

Cảm giác ấy... lần nào cũng đến như vậy.

Không có tiếng chân.

Không có lời gọi.

Chỉ có một hơi thở lạnh vờn nơi gáy, và cái áp lực vô hình dần trĩu nặng bên cạnh, như thể có ai đó đang ngả người xuống, nằm cạnh em - lặng lẽ và kiên định.

Em mở mắt.

Không hoàn toàn tỉnh, nhưng cũng chẳng còn mộng mị. Trong cái mơ hồ của bóng tối và tiềm thức, em chầm chậm xoay người lại, hơi thở dồn nơi lồng ngực.

Và không rõ là từ đâu, can đảm nào khiến em lên tiếng, giọng em mỏng như sợi khói.

"Là chàng làm... phải không?"

Khoảnh khắc đó, không gian như đông lại. Mọi âm thanh rơi rớt biến mất. Chỉ còn một câu trả lời, rất khẽ, như gió lùa qua kẽ cửa sổ.

"Không... ta không làm."

Bốn chữ ấy như nén xuống một điều gì đó rất sâu.

Không giận.

Không buồn.

Không oán.

Chỉ có một nỗi bình thản lạnh lẽo như nước giếng cổ - sâu không thấy đáy, nhưng phản chiếu chân thực đến tận cùng.

Em không dám xoay người lại lần nữa.
Chỉ biết nhắm mắt, giữ hơi thở đều, bàn tay siết chặt lấy mép chăn như tìm chút ấm áp giữa tầng tầng sương mù lạnh giá.

Và như mọi lần, không ai biết hắn rời đi lúc nào.

--------

Sau cái đêm vọng lâu chìm trong tiếng thét ngắt quãng và ao sen hoang lạnh trào lên mùi tanh lạnh của nước phủ xác người, phủ họ Khôi lại một lần nữa rơi vào trạng thái trầm mặc như thể chính thời gian cũng ngừng trôi.

Người vừa khuất đi là một trong những phu nhân sống lâu năm nhất bên cạnh lão gia. Ấy vậy mà lại ra đi trong tình cảnh bất minh đến vậy.

Tang lễ đã qua, nhưng âm khí thì như vẫn còn quẩn quanh.

Tẩm phòng nơi bà ở khi còn sống vẫn được giữ nguyên, không ai dám chạm đến. Ngay cả rèm cửa cũng để y như cũ, một tấm lụa gấm xanh nhạt thêu hình liễu rũ, viền vàng kim đã sờn theo năm tháng.

Hương thơm nhè nhẹ của đàn hương cũ kỹ vẫn vương lại nơi gối nằm. Người ta bảo rằng có đêm còn thấy ánh đèn mờ leo lét bên trong, như thể bà vẫn còn sống, vẫn đang chờ người trải tóc, thoa dầu.

Thế nhưng, đau lòng hơn cả, chính là Tứ Tiểu Thư

Cái chết đột ngột của mẫu thân như lấy đi gần hết ánh sáng nơi đáy mắt nàng.

Cô tiểu thư từng xinh đẹp rạng rỡ, mỗi bước đi mang theo hương hoa, giờ đây dần trở nên tiều tụy, hốc hác, chẳng còn sức sống.

Ngày nào cũng mặc y phục đen tuyền, ngồi bên hiên nhà nhìn ra hồ sen nơi đã cướp mất người thân yêu duy nhất. Mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua, tà áo nàng bay lên rồi rũ xuống như linh hồn lặng thinh của mẫu thân đang ghé về.

Sắc mặt nàng dần trắng bệch, ăn chẳng vô, ngủ chẳng được.

Bệnh cũng theo đó mà kéo tới.

Lúc đầu chỉ là cảm nhẹ, sau thành ho khan, rồi sốt cao không dứt. Bên giường lúc nào cũng có người thay khăn mát, sắc thuốc, cầu trời.

Lão gia - người xưa nay vốn nổi tiếng trầm tĩnh, dường như cũng không còn giữ được bình tâm như trước. Trong mấy hôm liên tục, ông không đến thư phòng, cũng không dự tiệc, chỉ quanh quẩn nơi phòng con gái út của mình. Mỗi lần đặt tay lên trán con, thấy nhiệt độ nóng hầm hập, ông lại cúi đầu khẽ run - cái run rẩy của một người phụ thân đã già, đã mất quá nhiều, và không còn dám mất thêm nữa.

Phải rồi...

Mất công tử Khôi Tích Dịch - người nối dõi kỳ vọng nhất đời ông, lão gia đã đổ tóc bạc.

Nay nếu thêm một tiểu thư nữa... thì làm sao gánh nổi đoạn đời còn lại?

Bên ngoài, bầu trời xám tro như đang chực trút xuống một cơn mưa dài.

Nhưng xem ra, mệnh số của người trần, rốt cuộc vẫn chẳng thể nào cãi nổi ý trời.

Tứ Tiểu Thư - Linh Phi, người con gái duy nhất của Tứ Phu Nhân, người từng một thời kiêu sa lộng lẫy trong phủ với từng bước chân thoảng hương lan.

Sau cùng cũng không thể chống chọi nổi số phận nghiệt ngã.

Mỗi ngày trôi qua chỉ như đếm ngược những hơi thở mong manh cuối cùng.

Sau đúng một tháng vật vờ với tử thần, nằm trên giường như một cành liễu khô gió, tiểu thư cuối cùng cũng tắt thở trong tiếng gió rít ngang qua mái hiên, lạnh lẽo như tiếng thở dài của oan hồn cũ.

Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó.

Cái chết của nàng lại kéo theo một mạng nữa - là gia nhân thân cận nhất, người đã hầu hạ nàng từ thuở còn bú mớm, người duy nhất liều mình cầm áo choàng, vội vã phi ngựa trong đêm đi tìm đại phu khi thấy nàng mê man chẳng tỉnh.

Thế nhưng... số trời vốn không cho kẻ nào cứu được người đã định đoạn mệnh.

Con ngựa, không rõ vì sương đêm, vì âm khí phủ trùm, hay vì điều gì ma mị hơn thế đã hoảng loạn và lồng lên khi vừa ra khỏi cổng phủ. Nó đá bật người gia nhân khỏi yên, giẫm thẳng lên ngực, nghiền nát xương sườn trong tiếng rên nghẹn chưa thành tiếng. Khi người ta tìm thấy, chỉ còn là một thân xác mềm nhũn, máu vắt theo kẽ áo, ánh mắt mở to chưa kịp khép.

Và cùng lúc ấy, ở trong phòng, hơi thở cuối cùng của tiểu thư cũng vừa tan đi, nhẹ như một làn hương đàn hư ảo.

Cả phủ họ Khôi rúng động, rợn ngợp trong cơn ác mộng trùng tang - một cái chết kéo theo một cái chết khác, như dây chuyền không dứt.

Sự chết chóc đến quá nhanh, quá đột ngột, khiến tất thảy mọi người trong phủ dường như không còn nhận ra được ngày tháng nữa.

Lão gia, như một bóng cây cổ thụ bị sét đánh, im lặng suốt mấy ngày liền. Trái tim của ông, vốn đã có quá nhiều vết rạn sau cái chết của Đại Phu Nhân, công tử Khôi Tích Dịch, rồi Tứ Phu Nhân, giờ đây chẳng khác gì một tấm kính mỏng đặt dưới đá nặng.

Vỡ mà không có cách gì ghép lại.

Người ta vội vàng sai người đi mời vị thầy đồng từng lo liệu minh hôn cho em về, cầu xin ông tìm cách trấn yểm. Nhưng kỳ lạ thay, ông ta đã biến mất không một dấu vết. Căn nhà nhỏ cuối làng nơi ông từng ở, giờ chỉ còn là một đống hoang tàn với tro bụi lẫn lộn trong đám cỏ dại ngả màu, như chưa từng tồn tại một ai từng sống nơi đó.

Những người trong phủ đều bắt đầu sống trong sợ hãi tột cùng.

Thế nhưng, sợ hãi là thế, nén nhang chưa kịp tàn thì tai họa lại lần nữa giáng xuống.

Tam Công Tử - người được kỳ vọng kế vị vị trí mà Khôi Tích Dịch để lại, bỗng nhiên phát bệnh.

Bắt đầu là những cơn lạnh sống lưng giữa trưa nắng gắt, rồi kế đến là ho kéo dài, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sắc mặt tái nhợt. Y hệt như những triệu chứng mà Tứ Tiểu Thư đã trải qua trước khi qua đời.

Người trong phủ không còn dám gọi đó là bệnh nữa.

Người ta gọi nó là điềm.

Một lời nguyền.

Một thứ gì đó nằm ngoài sự kiểm soát của người sống.

Là trùng tang!

--------

Rồi như ngọn đèn dầu hao hụt dần trong cơn gió vô hình, không cần ai thổi mà vẫn lịm tắt, Tam Công Tử - Tích Niệm cũng ra đi, lặng lẽ và nhợt nhạt như thể chưa từng thật sự thuộc về thế giới này.

Không tiếng khóc lớn, không đám đông chen chúc đưa tiễn, bởi nỗi tang thương đã tràn ngập phủ họ Khôi đến mức chẳng ai còn đủ sức để nhỏ lệ nữa. Cái chết giờ đây tựa như một vị khách không mời mà đến, cứ cách vài tuần lại ghé thăm, gõ cửa và lấy đi một sinh mạng trong âm thầm lạnh lẽo.

Giờ đây, trong tộc Khôi, chỉ còn lại Nhị Công Tử và Nhị Tiểu Thư - người từ lâu đã được đánh giá là cẩn trọng, biết nhìn xa trông rộng, từng bước đi đều mang sắc lạnh của tính toán.

Dưới bóng tối của tang thương, gã nổi bật lên không phải nhờ ánh sáng của tài năng mà là nhờ sự sống còn - thứ tài sản quý giá nhất còn sót lại.

Trong khi đó, Tam Phu Nhân...

Sau cái chết của con trai, bà không còn là chính mình nữa. Từng là người phụ nữ kiêu kỳ, hay ghen, hay hờn, hay trưng diện mỗi khi xuất hiện nơi tiệc trà, nay lại chỉ còn là cái bóng mỏng manh, thất thần bước qua sân phủ như một hồn ma chưa siêu thoát. Ánh mắt của bà, dẫu được trang điểm cẩn trọng, vẫn không thể giấu đi vẻ mịt mờ tang tóc.

Mỗi ngày, bà lặng lẽ đi ngang qua thư phòng của công tử đã khuất, có khi đứng yên bên cánh cửa đóng kín hàng giờ liền, chỉ để hít lấy chút hương cũ vương lại trong gió. Người ta bảo bà đang bị điên, bị mê lầm bởi âm khí bủa vây nơi đó. Nhưng em biết... đó là ánh nhìn của một người mất con, ánh nhìn không cần lý trí, chỉ cần trái tim tan vỡ.

--------

Và rồi, đêm trăng rằm đến.

Thứ ánh trăng tròn như mắt người chết, chiếu xuống vọng lâu, nhuốm sắc trắng lên mọi thứ một cách lạnh lẽo và thiêng liêng đến rờn gáy.

Em vẫn ngồi ở vọng lâu như thường lệ, tay cầm chén trà sen đã nguội, đầu hơi nghiêng nhìn lên vầng nguyệt treo cao bất động. Trong cái tĩnh lặng của màn đêm, tiếng bước chân khẽ khàng chạm lên nền đá phía sau vang lên như tiếng chày giã trong tim.

Là Tam Phu Nhân.

Bà ta đến, khoác trên mình chiếc áo gấm màu lục bạc, tóc búi cao nhưng hơi rối, hai mắt thâm quầng như người đã không ngủ suốt nhiều đêm.

Không ai mời, không ai gọi, bà cứ thế bước lên vọng lâu, đến cạnh em như thể bị một thế lực vô hình dẫn đường.

Bà ngồi xuống, không chào hỏi, không khách sáo. Ánh trăng đổ nghiêng hằn rõ từng nếp nhăn trên khóe mắt bà, và trong làn gió đêm ấy, bà thốt lên một câu chẳng đầu chẳng cuối.

"Phủ này... không phải là nơi người sống nên ở lại lâu."

Câu nói ấy rơi xuống như một viên đá nhỏ rơi vào lòng nước lặng, tạo ra những vòng xoáy run rẩy kéo dài vô tận trong tâm trí em.

Em ngước nhìn bà, ánh mắt vẫn giữ vẻ bình thản nhưng trong lòng lại bắt đầu trồi lên một nỗi nghi hoặc sâu thẳm.

Bà không nhìn em, chỉ nhìn về hướng ao sen.

Giọng bà vỡ ra trong đêm lạnh như tiếng gió rít qua khe cửa sổ cũ kỹ.

"Ta biết có những điều không nên nói... nhưng nếu ta không nói, thì rồi cũng sẽ có người chết tiếp thôi. Ta không tin vào ma quỷ đâu, nhưng thứ đang ở lại trong cái phủ này... nó không còn là oán khí của một người."

Có lẽ cả hai như ngầm hiểu ý mà đã rời khỏi vọng lâu để vào phủ công tử mà nói.

Tam Phu Nhân vẫn ngồi đó, dưới ánh trăng rằm nghiêng bóng lên vành mắt đã sớm khô cạn nước. Một lúc lâu không ai lên tiếng.

Em nhìn bà, chẳng hỏi, chẳng thúc giục. Bởi trong ánh mắt hoang hoải ấy, em biết... bà đang ở rất xa nơi này.

Xa đến một nơi nào đó trong quá khứ, nơi mọi thứ chưa bị nhuốm màu oan nghiệt.

Rồi như thể bị thôi thúc bởi chính ánh trăng, hay bởi nỗi cô độc chồng chất sau cái chết của con, bà khẽ cất tiếng.

Giọng bà không còn như mọi khi, gay gắt, lạnh lùng hay sắc sảo.

Mà dịu dàng như một khúc ca ru buồn dành cho một linh hồn đã đi xa.

"Con biết không... năm đó, ta và Ái Liên vốn là tỷ muội kết nghĩa từ nhỏ. Hai đứa cùng lớn lên bên nhau, cùng học thêu thùa, học lễ nghi, thậm chí còn ước sau này sẽ cùng gả vào một phủ lớn để còn có tỷ muội bầu bạn..."

Bà ngưng một chút, đôi mắt khẽ nhắm lại như đang mường tượng lại một dĩ vãng đã bị bụi phủ kín. Gió nhẹ đưa mấy sợi tóc rơi khỏi búi, lòa xòa trước trán bà như vết tích của thời gian.

"Rồi định mệnh run rủi thật lạ lùng... Lão gia, khi ấy là một công tử trứ danh, tài mạo song toàn, cưỡi ngựa bắn cung đều hơn người. Ông ấy cùng lúc cưới ba người - ta, Ngọc Lam, và Ái Liên - cùng một đợt. Ta khi ấy còn nghĩ, như vậy thì chẳng phải ba chúng ta sẽ là ba đóa hoa cùng nở trong cùng một khu vườn hay sao?"

Em không dám ngắt lời.

Bà tiếp lời, chậm rãi, như sợ mỗi từ thốt ra sẽ lay động những hồn ma chưa kịp siêu thoát trong tòa phủ này.

"Nhưng rồi ta đã nhầm. Lòng người không bao giờ giống như hoa, mà giống như gương - chỉ cần một vết nứt nhỏ cũng đủ khiến tất cả vỡ tan. Lão gia yêu Ái Liên hơn bất cứ ai. Người ta nói tỷ ấy có sắc có tâm, nhưng không ai hiểu... chính cái sự dịu dàng không tì vết ấy mới là thứ khiến người khác đau đớn."

Gió lại nổi lên. Tấm rèm bay phấp phới, tạo ra thứ âm thanh phập phồng như tiếng nức nở vương trên mái ngói phủ rêu.

"Sau khi Ái Liên sinh Dịch Nhi, tỷ ấy yếu dần. Họ nói là do khí huyết hư suy, nhưng ta biết... không phải. Ta từng thấy ánh mắt Ngọc Lam mỗi lần nhìn Ái Liên. Không phải chỉ là đố kỵ, mà là... hận."

Tam Phu Nhân dừng lại, rút ra từ trong tay áo một chiếc khăn tay cũ, viền thêu hoa bách hợp đã ngả màu. Em nhận ra nét thêu quen thuộc - là lối thêu mà các tiểu thư quý tộc phía Nam thường dùng, mềm mại nhưng sắc sảo, đường kim mũi chỉ như chứa đựng bao nhiêu tâm tư.

"Chiếc khăn này... là của Ái Liên, tỷ ấy từng làm riêng cho Dịch Nhi, lúc ấy mới ba tuổi. Sau khi tỷ ấy mất, ta giữ lại, vì không muốn nó rơi vào tay người khác. Ta từng thấy nó dính vệt thuốc đỏ... không phải máu, nhưng là loại thuốc an thần liều cao, có thể khiến người tỉnh táo trở nên mê man, không còn kiểm soát bản thân."

Em lạnh sống lưng.

Bà nhìn sâu vào mắt em.

"Dịch Nhi khi ấy mới bảy tuổi. Còn nhỏ quá để hiểu mẫu thân mình chết vì bệnh hay vì người khác... Càng nhỏ, càng dễ bị dẫn dắt bằng lời nói và nước mắt."

Bà nắm tay em, lần đầu tiên bàn tay gầy guộc ấy nắm lấy tay em như một người đàn bà đã không còn tự tin vào chính mình.

"Giờ công tử cũng chết rồi. Ta không nói ra thì không yên lòng. Có lẽ ta là người duy nhất còn nhớ rõ, còn giữ chút gì thuộc về Ái Liên... Con hiểu ta không?"

Ánh trăng trên cao vẫn sáng vằng vặc, như chứng nhân lạnh lùng cho những bí mật đang dần hé mở dưới lớp vải tang trắng phủ khắp tòa phủ họ Khôi.

Và em biết... mình không còn đường lui nữa.

Bởi cái tên Ái Liên ấy...

Cái chết của bà, của Khôi Tích Dịch, của Tứ Phu Nhân, Tứ Tiểu Thư, thậm chí của Tam Công Tử

Tất cả đều là những mắt xích không còn rơi rớt rời rạc nữa, mà đang dần được xâu chuỗi lại... bằng chính tay em.

Em cụp mắt, lặng thinh trong một khoảng thời gian đủ dài để gió có thể mang đi hết dư âm những lời bà ừa kể.

Cảm giác trong em không rõ là ngờ vực, là lo lắng hay là sự thôi thúc mơ hồ nào đó đến từ linh hồn người phụ nữ tên Ái Liên mà em chưa từng gặp.

Em nâng mắt lên, nhìn thẳng vào Tam Phu Nhân, không che giấu chút nghi hoặc nào, giọng nhẹ như khói hương đang tan ra giữa những tầng khuya chồng chất.

"Vì sao lại nói cho con nghe? Là bởi vì lòng trắc ẩn muộn màng... hay là đang có mưu tính điều gì ẩn dưới những lời thành khẩn ấy?"

Câu hỏi không mang hàm ý công kích, nhưng lại đâm vào một nơi rất sâu bên trong bà - nơi mà em tin rằng chính bà cũng đã né tránh suốt bao năm.

Khuôn mặt bà thoáng cứng đờ trong tích tắc, rồi dịu lại như một đóa hoa tàn bị mưa làm ướt, mềm yếu và bạc nhược.

Bà không trả lời ngay.

Bàn tay đã hằn vết gân xanh mảnh khảnh siết lấy vạt áo như muốn giấu đi sự hoang mang khó thốt thành lời. Chỉ có đôi mắt, vẫn nhìn em không dứt, như đang cố lột trần một thứ niềm tin mong manh nơi em - một đứa con dâu chẳng thuộc về phe phái nào, chẳng có gốc rễ gì trong cái phủ này, và cũng có lẽ vì thế... mà trở thành nơi cuối cùng bà dám gửi gắm điều không ai được phép biết.

Rồi bà thở dài. Một hơi thở dài đến mức gió cũng phải lùi bước trước nó.

"Ta... không có ý đồ gì cả. Chỉ là... chẳng còn ai để nói nữa. Những người biết chuyện đều đã đi rồi. Mỗi lần nhắm mắt ngủ, ta đều mơ thấy Ái Liên đứng ở đầu giường. Không oán, không hận, không trách... chỉ lặng lẽ nhìn ta."

Bà chậm rãi quay mặt ra ngoài trời, nơi bầu trời rằm đang bàng bạc một vầng trăng tròn đầy, đẹp đến ám ảnh. Em nhận ra trên gò má bà, nơi ánh sáng rọi đến, là một dòng lệ khô. Có lẽ nó đã khô từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ giờ đây mới lộ rõ giữa sự tĩnh mịch của đêm rằm và sự xót xa không tên.

"Ta già rồi, con à. Lúc trẻ có thể dối lòng, dối người. Nhưng khi đã mất hết... kể cả con mình, thì chẳng còn lý do gì để câm lặng nữa. Nếu cứ giữ trong lòng thêm nữa, ta sợ... ta cũng sẽ đi theo bọn họ. Mà đi như thế, là không siêu thoát được."

Lúc ấy, em mới chậm rãi gật đầu. Không phải là đồng tình hoàn toàn, mà là một kiểu lắng nghe chân thành cuối cùng dành cho một người đàn bà đã mất đi tất cả.

Không có ai là vô can trong cái phủ này. Mỗi người đều mang một phần trách nhiệm, một phần nghiệp báo, một phần oan nghiệt... dù ít hay nhiều.

Một là thắp đèn soi lối, lần theo dấu máu mà đi.

Hai là nhắm mắt lại, mặc cho oan hồn dắt tay đi vào cõi tối.

Em lặng người, thu lại đôi tay đang đặt ngay ngắn trong lòng, nhẹ nghiêng đầu nhìn bà, ánh mắt không hẳn là dò xét, mà là sự đan xen giữa tò mò và thứ cảm giác ẩn sâu mang màu xám tro - như thể em đang đứng trước một hố sâu mà chẳng biết phía dưới là đất liền hay vực thẳm.

Giọng em vang lên rất nhẹ, nhưng vẫn mang theo sức nặng như một hồi chuông đánh vào chiếc cổng sắt đã rỉ.

"Vậy... Ý của người là những cái chết gần đây là do có người sắp đặt? Có phải Tứ Phu Nhân?"

Câu hỏi vừa thốt ra như kéo một tấm màn mỏng khỏi quá khứ bị phủ bụi lâu năm.

Rồi bà chậm rãi lắc đầu, giọng nói vỡ ra như gió thổi qua kẽ đá mục nát.

"Linh Chi hả...? Không, bà ta tuy đỏng đảnh, gan nhỏ, dễ bị kích động nhưng chưa bao giờ là người có dã tâm sâu như biển. Bà ấy nóng giận thì thể hiện ngay, ghét là thể hiện ra mặt. Thứ người như vậy... nếu có làm chuyện gì ác, thì chắc chắn sẽ để lộ sơ hở."

Ánh mắt bà chậm rãi trôi về phía xa xăm, như xuyên qua từng lớp tường, từng cột kèo gỗ đen sẫm, từng bức bình phong mạ vàng đã úa màu năm tháng.

"Còn Ngọc Lam... con có biết không? Người đàn bà đó giỏi đến mức, suốt bao nhiêu năm, chẳng ai nói xấu được một lời. Lúc nào cũng nhã nhặn, lúc nào cũng mỉm cười, lúc nào cũng nói lời phải đạo... Thứ người như vậy, đáng sợ hơn bất cứ ai."

Em gật khẽ, trong lòng không khỏi dâng lên một nỗi lạnh lẽo không rõ ràng. Nhị Phu Nhân - Ngọc Lam... người đàn bà hay lui tới nhà Phật, hay cúng dường thầy chùa, hay nói chuyện thiện nhân, nhưng cũng là người đã sống sót lâu nhất trong ba người vợ chính thức.

Những cánh hoa sen trắng bà hay dâng cúng mỗi sáng rằm... liệu có từng vấy máu?

Làn hương trầm bà thường đốt để niệm Phật... có khi nào để át đi mùi oan khí?

"Người nói cũng phải..."

Em ngẩng lên, đôi đồng tử ánh lên vẻ trầm mặc, không giận dữ cũng chẳng phán xét, chỉ đơn thuần là sự nhận thức lặng lẽ - như thể trong thâm tâm, những mảnh ghép đang bắt đầu tự tìm về đúng chỗ của nó.

"Người càng hiền lành, càng khiến người khác không thể nắm bắt, mà bụng dạ lại có thể mang theo ngàn nhát dao găm. Cũng thật lạ... chết chóc cứ thế kéo đến liên tục như một tai kiếp âm thầm, nhưng sao lạ lùng thay... lại chừa ra con cái của Nhị Phu Nhân."

Lời nói rơi xuống như viên sỏi chạm mặt nước, gợn lên từng tầng sóng mảnh, lan ra không gian vốn đã yên lặng đến ghê người.

Tam Phu Nhân trầm ngâm một lúc lâu, rồi khẽ gật đầu. Khuôn mặt bà dưới ánh đèn dần hiện rõ từng đường nét nhọc nhằn do năm tháng gặm nhấm.

Có lẽ chính lúc ấy, trong lòng bà, sự e dè dành cho em đã vơi bớt đi một phần, nhường chỗ cho một dạng liên minh mỏng manh được xây bằng cái tên Ái Liên đã chết từ rất lâu và niềm tin mỏng như chỉ tơ rằng em có thể khơi dậy một phần công lý lặng thinh suốt bao năm trời trong phủ này.

"Con nghĩ... người nên về phòng sớm đi."

Em nói mà mắt vẫn dán vào ngọn lửa lấp lóa, như đang cân nhắc thật lâu trước khi thốt lên những lời sau cùng.

"Kẻo nếu có ai phát hiện ra người đã kể chuyện này cho con nghe... thì con e là..."

Lời chưa dứt, gió ngoài hiên chợt thổi mạnh khiến cánh cửa sổ lay động, phát ra âm thanh ken két như tiếng rên của gỗ già. Em quay đầu nhìn Tam Phu Nhân, đôi mắt chậm rãi nhíu lại, đầy ẩn ý.

"Dù gì... người cũng nên về. Đêm nay trời lạnh. Mà "chàng ấy"... nếu biết chuyện, con sợ rằng chàng sẽ không vui."

Câu nói ấy rơi xuống thật khẽ, như một chiếc lá khô nhẹ đáp xuống mặt nước ao, không đủ tạo thành gợn sóng, nhưng lại khiến người ta bất an.

Phải, vì em không nói rõ là chàng nào, là công tử khi xưa từng được yêu Đại Phu Nhân yêu thương hết lòng... hay là cái bóng mờ vẫn nằm bên em mỗi đêm, khi tiếng đồng hồ vừa điểm canh hai, khi hơi thở không hình thổi qua gáy như sương sớm chạm vào tấm cổ áo mỏng tang?

Tam Phu Nhân lặng lẽ đứng lên, sửa lại nếp áo, ánh mắt mơ hồ trôi về phía hành lang dài hun hút nơi đầu ngọn đèn không đủ soi rõ một bước chân.

Rồi bà rời đi, dáng hình nghiêng nghiêng trong làn gió lạnh như một nhành liễu già giữa mùa gió chướng.

Em ngồi lại, không đốt thêm hương, không dời tay rót thêm trà. Chỉ lặng lẽ nhắm mắt, như để nghe xem, liệu có tiếng bước chân quen thuộc nào đang đến gần không...

Khoé môi em cong lên như tìm thấy gì đó thú vị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com