Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1 Turin have You


Năm 17 tuổi, trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa còn đang lo sốt vó lên xem năm sau nên thi vào trường điểm nào của Seoul thì tôi đã có suy nghĩ phải làm sao để có thoát khỏi đất nước Hàn Quốc chết tiệt này.

Đừng nhìn vào vẻ hào nhoáng của khách du lịch kể về cái Đại Hàn Dân Quốc này, ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Thời buổi mà học sinh thì điên cuồng học, học đến chết đi sống lại để có thể vào một trường đại học danh tiếng nếu không muốn bị bạn bè, gia đình chế giễu, thời buổi mà người lớn làm việc đến mất ăn mất ngủ chỉ để kiếm vài đồng tiền bạc vì không muốn bị người khác coi thường.

Thời buổi mà con người sống mất đi giá trị nhân tính, như những cỗ máy vô hồn khiến tôi chán ghét.

Vậy nên khi bạn bè xung quanh đâm đầu vào Toán Văn Anh tôi lại nhàn nhã đi làm visa, đi học tiếng Ý, đi tình nguyện đó đây để làm đẹp cho hồ sơ của mình.

Bạn bè tôi khi biết tôi đi du học, đứa tỏ ra ngưỡng mộ ước ao, đứa thì đề cao tinh thần dân tộc mà nói rằng không đâu tốt bằng Đại Hàn Dân Quốc.

Từ bé tôi đã luôn khác biệt với mọi người xung quanh. Khác biệt ở đây chính là về thế giới quan, cách nhìn nhận cuộc sống. Vậy nên thành phố tôi đặt chân đến cũng là một thành phố ít ai ngờ.

Turin.

Nói Turin ít người biết chẳng phải mà nói nhiều người biết cũng không đúng.

Người ta đến Ý thường tìm đến Venice, Rome hay Milan mà quên mất rằng ở đất nước hình đôi ủng này còn có những nét đẹp thuần Ý như Turin hay những thành phố miền Nam Ý với những bãi biển Địa Trung Hải xanh ngát, những làn da rám nắng khỏe mạnh.

Ngày đó tôi chân ướt chân ráo đến Turin, một thân một mình nơi đất khách quê người vừa đi học vừa đi làm thêm.

Sáng 6 giờ tôi sẽ tỉnh dậy làm vệ sinh cá nhân rồi đạp chiếc xe cà tàng mà tôi mua trả góp đến quán cà phê, mở cửa, lau dọn một lượt, đợi một nhân viên khác của quán tới rồi đi học, đến chiều sau khi tan lớp sẽ lại đến quán để làm rồi đến 10 giờ tối mới lóc cóc đạp xe về. Những ngày bị deadline dí tôi sẽ phải thức đến 2 -3 giờ sáng mà làm, thậm chí thâu đêm là chuyện như cơm bữa.

Cuối tuần tôi thường dành thời gian tản bộ bên sông Po hoặc đến quảng trường Piazza Statuto và ngắm nhìn từng tốp người đến rồi đi.

Cứ như vậy tôi trải qua 4 năm đại học rồi nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành.

Tôi quyết định không quay về Hàn Quốc mà định cư tại Ý dù cho mẹ tôi đã khuyên tôi rất nhiều, mãi đến khi tôi hứa rằng một năm sẽ đều đặn về thăm nhà ba lần thì mẹ tôi mới nguôi.

Tôi là một nhà báo, chuyên về mảng thể thao, vì tính chất công việc nên tôi được đi đây đó khá nhiều, khi thì tôi ở Pháp suốt một tháng để viết bài về Euro 2016, khi thì tôi quay lại Hàn Quốc để viết bài về Olympic Pyeongchang, thậm chí tôi còn may mắn được chọn vào đội ngũ đi tới Brazil vào năm 2014 và Nga năm 2018 để viết bài cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Sau này tôi được đưa lên làm biên tập viên, không còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để viết bài nữa, mặc dù nhàn hạ hơn nhưng việc nghĩ ra được đề mục hay để phân cho cấp dưới viết bài cũng không phải một việc dễ dàng gì cho cam.

Năm 30 tuổi tôi quyết định nghỉ việc, ngay tại thời điểm mọi người chắc mẩm tôi sẽ lên làm tổng biên tập.

Tiệc chia tay, mọi người đều hỏi tôi vì sao lại quyết định dừng bước trước cơ hội lớn như vậy, tôi chỉ cười, bởi ngay cả bản thân tôi cũng không có câu trả lời chính xác, tôi là dạng người ngẫu hứng như vậy.

Đừng hiểu lầm, tôi rất thích cũng rất tận hưởng khoảng thời gian làm nhà báo dưới bút danh "Tigre Bianca" (Tiếng Ý: hổ trắng) tôi nghỉ việc cũng không phải vì vấn đề gì to tát, chỉ là tôi cảm giác được đã đến lúc tôi nên dừng và tôi muốn dừng.

Tôi ngẫu hứng vậy đấy, đến cả tên bút danh của tôi cũng là ngẫu hứng mà lấy trong một lần phải viết một mẩu tin nhỏ về loài động vật này cho tờ tuần san của trường đại học mà thôi.

Sau khi nghỉ việc, tôi đã dành đến 1 năm sau đó cho ra đời hai cuốn sách về hành trình đưa tin của tôi tại hai kì World Cup 2014 - 2018.

Cái thời mà giải đấu lớn nhất hành tinh khiến hàng triệu con người trên thế giới ngỡ ngàng bởi trận đấu 7-0 đi vào lịch sử của Đức và Brazil, cái thời mà người ta không khỏi tiếc nuối cho "Cỗ xe tăng" của Đức khi phải dừng chân vì Hàn Quốc với hai lần lọt lưới, cái ngày mà biết bao cổ động viên Argentina cùng rơi nước mắt trước trận thua 4-3 đầy tiếc nuối của những chàng vũ công xứ Tango hay trận đấu hay xuất thần của đội tuyển Nhật Bản đã khiến cho Quỷ đỏ Bỉ suýt thì phải ra về.

Tiền nhuận bút từ hai cuốn sách đó cũng được một khoản kha khá. Và hai cuốn sách đó cũng chính là dấu chấm hết cho sự nghiệp viết lách của tôi.

Tôi dùng tiền nhuận bút cùng một ít từ tiền tiết kiệm để mua lại một cửa hàng trên mặt con phố gần quảng trường Piazza Statuto và kinh doanh ở đó, tôi cũng có một chút tài lẻ nấu ăn, sống một mình bao năm qua cũng không thể nào suốt ngày ăn đồ hộp hay ra tiệm được hơn nữa ngày còn làm thêm cho quán cà phê tôi cũng biết pha chế chút đỉnh.

Turin là thành phố của Bà đầm già Juventus, tinh thần bóng đá có thể hiện hữu ở mọi nơi trên đất Turin này, lợi dụng điểm đó tôi trang trí nhà hàng của mình với những chiếc áo đấu có chữ kí của các cầu thủ như Rakitic, Fellani, Eden Hazard, Pique, Messi, Neuer,.. cùng những chiếc vé vào cổng, các bài báo và một vài hình ảnh độc quyền tôi xin được trước khi rời khỏi tòa soạn.

Tất cả số áo đấu có chữ kí ấy tôi có đều nhờ vào những lần may mắn được phỏng vấn riêng với các cầu thủ trong phòng thay đồ.

Nói không ngoa, hồi đó tôi cũng thuộc dạng máu mặt với các nhà báo ở mảng thể thao, suy cho cùng thì một cậu trai người châu Á được nhận vào một tòa soạn lớn khi đó cũng tạo nên một dư chấn nhỏ.

Tôi đặt tên cho quán ăn của mình là "Ricordi del Football" - Hồi ức về bóng đá.

Sở dĩ tôi đặt cho nó một cái tên như vậy là vì tôi nhớ những ngày huy hoàng ấy, khi mà Messi và Ronaldo còn độc chiếm danh hiệu Quả bóng vàng hàng năm, tôi nhớ khi mà nhắc đến Neuer là người ta nhớ đến chàng thủ môn tóc vàng với những màn bắt bóng xuất thần, tôi nhớ những ngày tuyển quốc gia Tây Ban Nha có một anh trung vệ Pique có thói quen cắt lưới cầu gôn mỗi khi thắng trận chung kết. Tôi nhớ chàng tiền đạo Suarez mang áo số 9 đầy nguy hiểm của Uruguay. Tôi nhớ chàng thủ môn Buffon già, tôi nhớ cậu trai Ronaldo với những quả phạt đền nổi danh.

Tôi nhớ tất cả, sống ở trên đất Ý 15 năm nay khiến tôi phát hiện ra mình là một con người hoài cổ đến nhường nào.

Có lẽ do may mắn, quán ăn của tôi có lượng khách cố định rất ổn, thỉnh thoảng sẽ có một vài công ty du lịch liên hệ với tôi, đặc biệt là vào mùa bóng lăn, lượng khách của tôi sẽ nhỉnh lên ít nhiều.

Tôi dùng tiền lãi để mở rộng mặt bằng nhà hàng, thậm chí tôi còn cho lắp đặt hệ thống máy chiếu để phát trực tiếp các trận đấu mỗi khi đến mùa giải. Sau này tôi quyết định thuê thêm người làm cùng ban nhạc.

Bạn hỏi ban nhạc để làm gì sao? Đương nhiên là để chơi nhạc rồi, nhưng tôi cũng chỉ thuê họ vào các mùa giải, cho họ diễn 15 phút nghỉ giữa hiệp mà thôi, ấy vậy mà cũng có người nhận.

15 năm sống ở thành phố Turin này, tôi vẫn giữ thói quen cuối tuần sẽ ra quảng trường ngồi hoặc đi dạo bên sông Po. Nếu có hứng tôi sẽ mua vé vào sân vận động Juventus và xem "Bà đầm già" thi đấu.

Thậm chí tôi còn thường xuyên bắt chuyến tàu dài hơn 9 tiếng để đi tới Barcelona để xem đội bóng xứ Catalunya này.

Tôi gặp em vào một đêm hè, khi tôi vừa xuống khỏi chuyến tàu hơn 9 tiếng và đi bộ về nhà hàng để kiểm tra sổ sách, em mặc một cái áo phông trắng, quần lửng cùng đôi giày thể thao, mái tóc đen tôn lên làn da trắng của em, đôi mắt cáo sắc sảo, trông em như một người lãng khách đang tìm chỗ nghỉ chân.

Tôi bước đến và chào hỏi em bằng tiếng Anh, đến gần tôi mới biết em còn cao hơn tôi một chút, tôi hỏi em đến từ đâu, em bảo rằng em đến từ Hàn Quốc, tên em là Minhyun, Hwang Minhyun, lúc đó tôi đã rất ngạc nhiên, xác suất để gặp một người đồng hương ở thành phố này thực sự rất nhỏ.

Em có vẻ cũng rất vui khi biết tôi là người Hàn Quốc, bằng chứng là đôi mắt cáo đã cong tít như vầng trăng kia. Em nói rằng em cũng là du học sinh nhưng em không học ở Turin, em học ở Trieste - một thành phố cảng ở Đông Bắc Ý, em làm dịch thuật cho một nhà xuất bản khá lớn.

Năm ấy em 27 tuổi, tôi hỏi em định ở lại Turin bao lâu, em bảo cho đến khi nào trụ sở mới hoạt động ổn định, em sẽ quay về Trieste, em tới Turin theo đợt điều động nhân sự của công ty.

Mắt thấy ngoài trời bắt đầu đổ mưa tôi ngỏ ý mời em vào trong ngồi, có vẻ em đã đứng lâu rồi nên cũng không từ chối.

Tôi hỏi em có muốn uống gì không em trả lời:

"Tùy anh"

Cuối cùng tôi pha cho em một cốc trà mận truyền thống của Hàn Quốc, em có vẻ rất thích nó, em nói với tôi rằng đã lâu lắm rồi kể từ khi em được uống thứ nước này.

Vậy là tôi và em - hai thằng con trai người Hàn cùng uống trà trong cơn mưa đầu hạ của nước Ý.

Em nói chuyện với tôi về rất nhiều thứ, em kể rằng hồi xưa em từng được giải nhất cuộc thi vẽ, em kể về chú cún tên Mel mà một người bạn của em đã tặng, em kể về những thay đổi của Hàn Quốc mà em nhận thấy trong những lần về thăm nhà.

Em kể rằng ngày xưa em từng tham gia đội văn nghệ của trường và biết piano chút ít, sẵn có cây đàn trong quán, tôi bảo em đánh thử một bài, tôi không nghĩ rằng em sẽ đồng ý.

Em bước lên sân khấu, dáng vẻ thật giống như em đang diễn tại một nhà hát lớn chứ không là một nhà hàng về bóng đá.

"All I know is we said hello

And your eyes look like coming home

All I know it's a simple name and

Everything has changed

All I know is we held the door

You'll be mine and I'll be yours

All I know since yesterday is

Everything has changed."

Em làm chủ những phím đàn, tiếng đàn từ tay em phát ra nghe thật nhẹ nhõm, giọng hát của em cũng vậy, nó thật trong trẻo, ngọt ngào khiến cho người ta chỉ muốn nghe mãi.

Tối hôm ấy chúng tôi ngồi nói chuyện đến rất khuya, bỗng em hỏi rằng em có thể đến hát tại nhà hàng của tôi vào mỗi cuối tuần hay không, em không cần thù lao. Cân nhắc thấy có vẻ như không thiệt hại chỗ nào, tôi liền vui vẻ đồng ý.

Sau hôm đó, tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch của riêng em. Tôi dẫn em đi đến những địa điểm nổi tiếng như quảng trường Piaaza Satuto mà tôi vẫn hay lui tới, tôi đưa em đến Nhà thờ Cathedral of Saint John the Baptist.

Tôi đưa em đi các món ăn nổi tiếng của Turin như , , , tôi dẫn em đến sân vận động Juventus để xem các Bà đầm già của tôi, thậm chí tôi còn cùng em đi trên chuyến tàu hơn 9 tiếng để xem một trận El Classico của Barcelona và Real Madrid để mừng sinh nhật em.

Em nói em thích bóng đá vì em tìm thấy được sự lãng mạn trong những đường rê bóng, em tìm thấy sự chân thành nơi cổ động viên, em tìm thấy sự ngọt ngào của chiến thắng, cay đắng, nối tiếc khi thua trận. Em nói rằng:

"Bóng đá đối với em, là một sự cứu rỗi."

Có lẽ vậy, bóng đá là sự cứu rỗi, cứu rỗi cho những xúc cảm dần bị bào mòn bởi guồng quay xã hội hiện đại, ở bóng đá ta tìm thấy được những cảm xúc nguyên thủy nhất của con người, em đã nói như vậy.

Nếu bạn hỏi tôi rằng chúng tôi đã phải lòng nhau như thế nào, tôi sẽ trả lời rằng tôi không biết.

Có lẽ là trước những bức tượng mang đầy hơi thở phục hưng ở quảng trường, có lẽ là dưới ánh chiều tà qua ô cửa sổ của nhà thờ, có lẽ là trên từng con phố chúng tôi đã đi qua, cũng có thể là trên chuyến tàu 9 tiếng chúng tôi đã ngồi.

Tôi thật sự không biết, chọn ra bất kì khoảng khắc nào có em vào mùa hè năm đó, đều có thể là giây phút tôi phải lòng em và ngược lại.

Chúng tôi cứ như vậy mà trải qua một mùa hè đầy nắng tại thành phố Turin này, đêm trước ngày em quay về Trieste, em tặng tôi một bài hát, em nói rằng đó là quà chia tay. Lúc ấy, tôi thấy nơi đáy mắt em hiện lên tia buồn man mác.

"Not sure if you know this

But when we first met

I got so nervous

I couldn't speak

In that very moment I found the one and

My life had found its missing piece

...

You look so beautiful in white

Tonight."

Tôi hỏi em vì sao lại chọn bài hát này, em chỉ mỉm cười chỉ vào chiếc áo tôi đang mặc - một chiếc áo phông trắng in cái đầu hổ trên đó. Tôi phì cười, nhưng tôi biết, em là muốn nhắn nhủ tôi hãy chờ em.

Ngày tôi đưa em ra ga tàu em hỏi tôi rằng liệu chúng tôi có còn gặp lại hay không, tôi nói rằng:

"Nếu còn duyên, sẽ gặp lại."

Em chỉ nhìn tôi không nói gì, ôm cái ôm tạm biệt rồi em lên tàu.

Nhìn đoàn tàu đi về ánh chiều tà, tôi có cảm giác như nó mang theo cả một thứ tình cảm mới chớm nở của chúng tôi.

1 năm sau, lại là một đêm đầu hè của Turin, tôi còn đang cắm đầu kiểm tra đống sổ sách thì tiếng chuông nhà hàng kêu một tiếng báo hiệu có người tới, chưa kịp mở miệng nói rằng nhà hàng đóng cửa rồi đã nghe thấy một chất giọng quen thuộc, giọng nói mà tôi nhớ đến cả trong mơ suốt năm qua:

"Có thể, cho tôi một tách trà mận không?"

Tôi ngẩng đầu lên, là em, trông em không khác gì đêm hè năm trước, vẫn chiếc áo trắng ấy, vẫn cái quần lửng cùng đôi giày thể thao ấy, em vẫn như một người lãng khách phiêu du từ đâu đó đến đây, mang theo hơi thở của biển cả từ Trieste.

Chỉ khác ở chỗ, đáy mắt em nay không còn mang ánh buồn man mác như ngày chúng tôi chia tay mà thay vào đó là sự ấm áp, đầy nhu tình.

Em nói rằng em đã xin cấp trên cho em đến đây công tác, 1 năm vừa qua em vừa làm hoàn thành các dự án còn dang dở và làm giấy tờ để có thể quay lại Turin, nghe em nói, tôi cảm thấy như có cả một hũ mật đang chảy trong tim vậy

Nháy mắt, chúng tôi như lại trở về mùa hè năm đó.

Tôi nắm tay em đi qua từng con phố, tôi hát cùng em vào mỗi cuối tuần tại nhà hàng, tôi cùng em ngồi trên chuyến tàu từ Turin đến Barcelona, tôi cùng em hôn môi trước cửa nhà thờ Turin.

Chúng tôi yêu nhau một cách trầm lắng nhưng cũng mãnh liệt và lãng mạn như cách người Ý yêu nhau. Chúng tôi chưa từng nói ra ba chữ "anh yêu em" hay "em yêu anh" bởi lẽ chúng tôi cảm thấy việc đó là thừa thãi, hành động luôn xác thực hơn lời nói.

Rất lâu về sau này, trong một lần họp mặt bạn bè ở Hàn Quốc, mọi người hỏi tôi rằng vì sao lại không quay về quê hương để làm việc rồi cưới vợ sinh con.

Nếu là ngày trước tôi sẽ chỉ cười cho qua và nói rằng: "Không thích thì không về."

Nhưng bây giờ, câu trả lời của tôi chỉ đơn giản là: "Vì Turin, có em ấy."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com