SÓNG - XUÂN QUỲNH
I. Tìm hiểu chung:
1. Tác giả: Xuân Quỳnh (1942 – 1988)
- Mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với bà nội, khao khát tình yêu thương.
- Một trong số ít gương mặt thơ trẻ thời chống Mĩ.
- Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
2. Bài thơ:
a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). In trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
b. Giá trị nội dung và nghệ thuật: Sóng là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
c. Hình tượng ″sóng″: Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hoá thân, phân thân của nhân vật trữ tình.
II. Đọc- hiểu văn bản:
1.Những biểu hiện cụ thể của tình yêu:
a. Hai khổ đầu: Tình yêu là qui luật của muôn đời.
- dữ dội >< dịu êm
ồn ào >< lặng lẽ
⇒ hai trạng thái đối nghịch của sóng cũng là những biến động khác thường về trạng thái tâm lí tình yêu của người phụ nữ đang yêu: tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, đắm say nhưng cũng dịu dàng, e ấp, đầy nữ tính.
- Trước những trạng thái đối nghịch của lòng mình, sóng không thể nào tự lí giải được nên đã làm hành trình từ sông ra bể để thể hiện khát vọng tự nhận thức, cắt nghĩa hạnh phúc của mình. Đó là hành trình thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp để tìm đến chân trời mới.
- Ra đến bể, con sóng thấy những dao động trái ngược kia là vĩnh hằng, muôn thuở với thời gian. Cũng như khao khát tình yêu của con người là khát vọng vĩnh hằng, muôn thuở. Nó luôn làm bồi hồi trái tim con người mà nhất là tuổi trẻ.
b. Khổ 3,4: Nhu cầu tự nhận thức.
- Tình yêu còn mang đến nhiều suy tư, trăn trở: nghĩa về người mình yêu, nghĩa về mình và về cuộc đời.
- Truy nguyên đến tận cội nguồn của sóng - tận nơi xuất phát của tình yêu, nhà thơ đành chịu ″em cũng không biết nữa″.
⇒ Triết lí: ″chỉ có thể cảm nhận chứ không thể cắt nghĩa được tình yêu″
* Cách nói hồn nhiên, chân thành, là tiếng nói của chính tâm trạng thực của người con gái vừa bước vào tình yêu.
c. Khổ 5,6: Các sắc độ của tình yêu, tình yêu sắc son.
- Tình yêu đi liền với nỗi nhớ, nỗi nhớ là thước đo nồng độ của tình yêu: Sóng nhớ bờ - ngày đêm không ngủ, em nhớ anh: khi thức lẫn khi vô thức (mơ) ⇒ nỗi nhớ thật sâu đậm, chiếm cả tầng sâu, bề rộng (lòng sâu, mặt nước); khắc khoải trong mọi thời gian (ngày - đêm, mơ - thức), bao trùm không gian bao la (phương Bắc, phương Nam), choáng ngợp cả lòng người.
- Tâm hồn khao khát tình yêu ấy luôn hướng về sự thủy chung ( Hướng về anh một phương) như định hướng của sóng biển là bờ. Trong tình yêu chỉ có một hướng duy nhất là hướng về phía người mình yêu - ″Chiếc kim la bàn trong tình yêu″.
⇒ Người phụ nữ khi yêu thật mạnh bạo, chân thành khi bày tỏ lòng mình.
d. Khổ 7: Tình yêu bền vững.
- Sóng vượt qua muôn trùng xa cách cuối cùng cũng đến bờ ⇒ dùng qui luật của thiên nhiên để khẳng định niềm tin mãnh liệt vào tình yêu và cũng là niềm an ủi cho bản thân mình và cho cả người mình yêu: ″tình yêu đẹp là tình yêu biết vượt ua thử thách″.
2. Niềm khát vọng trong tình yêu:
- Sử dụng nghệ thuật đối lập giữa cái vô hạn với cái hữu hạn vì thế mà Xuân Quỳnh hết mình trong tình yêu.
- Ở khổ cuối nhà thơ tự phân thân. Mong muốn tình yêu chung thủy nhưng không ích kỉ không chỉ có anh và em mà chan hòa vào tình yêu của mọi người có như vậy tình yêu mới vĩnh hằng ″nghìn năm còn vỗ″. Đây là khát vọng đẹp đẽ và đầy cảm động.
⇒ Tình yêu của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh nồng nhiệt thiết tha, chủ động trong tình yêu, yêu hết mình, quên mình nhưng cũng đòi hỏi sự duy nhất, tuyệt đối luôn hướng về sự gắn bó thủy chung.
3. Nghệ thuật: Sóng là sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh.
- Âm hưởng nhịp nhàng dào dạt, gợi ra những nhịp sóng dồn dập và liên tiếp. Lúc sôi nổi, lúc sâu lắng.
- Thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt tạo nên nhịp điệu của sóng biển dào dạt, sôi nổi, lúc sâu lắng, dịu êm chạy suốt bài thơ.
- Tâm trạng: hồn nhiên, chân thành
- Hình tượng sóng được miêu tả trở đi trở lại mà không lặp, diễn tả được tâm hồn người phụ nữ.
III. Tổng kết:
- Qua hình tượng ″Sóng″ nhà thơ nêu lên khát vọng về một tình yêu sâu sắc, nồng nàn, thủy chung và bất diệt, gắn với hạnh phúc đời thường. Qua đó, chúng ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com