Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tam giao dong nguyen

[email protected]

0979842171

Tam giáo đồng nguyên:

Tam giáo đồng nguyên

Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên ở Trung Hoa

Tư tưởng đồng nguyên Tam giáo ở Việt Nam

--------------------------------------------------------------------------------

三敎同原

A: Three religions was originated from the same source.

P: Trois religions sont provenues de même source.

Tam giáo: (đã giải nghĩa ở trên). Đồng: cùng. Nguyên: gốc.

Tam giáo đồng nguyên là ba nền tôn giáo đều do cùng một gốc mà ra.

Tam giáo là: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.

Đồng nguyên là cùng một gốc, gốc đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, mà ngày nay gọi là Đấng Cao Đài.

Do đó trong bài Khai Kinh có câu: "Một cội sanh ba nhánh in nhau." Một cội là Thượng Đế, Ba nhánh là Tam giáo. Tam giáo tuy khác nhau về hình thức, nhưng tôn chỉ và mục đích đều giống nhau.

Tùy theo từng thời kỳ và từng địa phương, Đức Chí Tôn cho các vị Tiên Phật giáng trần mở Đạo dạy dỗ nhơn sanh. Căn cứ theo trình độ tiến hóa của nhơn sanh ở mỗi nơi mà mở Đạo cho phù hợp để nhơn sanh chấp nhận tu hành. Cho nên, các Đạo tuy có trình độ thấp cao, nhưng chung qui đều dạy dỗ con người ăn hiền ở lành, tiến hóa dần dần từ thấp lên cao và cuối cùng tiến hóa đến nấc thang tột đỉnh là ngang bằng Thượng Đế để hiệp nhứt vào Thượng Đế.

I. Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên ở Trung Hoa:

Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên khởi có từ thời nhà Tống bên Tàu, cách nay khoảng 1100 năm.

Các nhà Nho dưới thời nhà Tống có nhiều tư tưởng tương đồng với Phật giáo và Lão giáo, bởi vì cái học uyên nguyên của Nho giáo do nơi Kinh Dịch mà ra. Cái đầu mối của CKVT là Thái Cực, do động tịnh mà hóa ra Âm Dương, rồi sanh thành vạn vật. Vạn vật chung qui cũng trở về Thái Cực. Đó là lý: "Đồng qui nhi thù đồ, nhứt trí nhi bách lự" mà Đức Khổng Tử đã nói trong Hệ Từ truyện.

Lý Thái Cực ở Lão giáo gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Chơn như. Tên gọi tuy khác nhau nhưng vẫn đồng một thể.

Như vậy, học thuyết Tam giáo do cùng một gốc mà ra, nhưng cách lập giáo của mỗi vị Giáo chủ mỗi khác vì hoàn cảnh có khác, nên việc hành đạo cũng có khác.

- Lão giáo thì cho vạn vật đều có nguồn gốc là Đạo, cuộc đời là phù vân, hơi đâu mà lo nghĩ. Người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi cùng Tạo hóa, không cần chi đến Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, không thiết gì đến chế độ và pháp luật, miễn là được thanh tịnh vô vi.

- Phật giáo thì cho vạn vật do Chơn như mà ra, sắc với không là một, sự sanh sanh hóa hóa là do vọng niệm chớ không có thực. Cái thực là Chơn như, khác nào như trăm ngàn lượn sóng nhấp nhô trên mặt nước, nhưng chung qui chỉ có nước là thật. Người ta phải tìm cho thấy cái thật ấy mà quay trở về gốc, thoát khỏi sanh tử luân hồi, tức là đến được Cực Lạc Niết Bàn, an vui hạnh phúc.

- Nho giáo thì cho sự biến hóa trong Vũ Trụ là do nhứt động nhứt tịnh của Thái Cực mà ra. Vạn vật đã phát hiện ra là thực có, thì nên theo cái thực ấy mà hành động sinh tồn. Sự sanh tồn của vạn vật không ra ngoài được những điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của Tạo hóa. Vậy nên người ta, ai cũng phải theo những điều ấy mà an vui trong cuộc sanh tồn.

Thành thử cái gốc của Tam giáo vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư tưởng khác nhau đó mà Lão giáo và Phật giáo bị đời cho là tiêu cực, còn Nho giáo thì tích cực. Sự tương đồng và dị biệt của Tam giáo ấy căn nguyên chỉ có vậy.

Vì đời cho Nho giáo là chủ nghĩa tích cực nên các học giả lần lần chỉ chú trọng phần Hình Nhi Hạ học, nghĩa là chỉ bàn về những điều thực dụng thường hành, chớ không suy xét tìm tòi đến chỗ cao siêu thâm viễn.

Đến đời nhà Tống, các nhà Nho học do ảnh hưởng của tinh thần Lão học và Phật học, đã vượt lên khỏi Hình Nhi Hạ học, đến phần Hình Nhi Thượng học, mới lập ra phái Lý Học để cùng với Lão học và Phật học đứng tương đối sanh tồn.

Phái Lý học thời Tống theo tôn chỉ của Nho giáo, lấy tính bổn nhiên của Trời Đất làm cái thể của vạn vật, tức là theo thuyết "Thiên Địa vạn vật nhứt thể" làm cái đạo nhứt quán.

Phái ấy đem Lý Thái Cực vào lòng người và mở rộng ra để bao quát được cả vũ trụ. Cái lý thuyết, tuy Dương Hùng đã nói trong sách Thái Huyền, nhưng đến thời Tống Nho, các nho gia mới phát minh ra rõ ràng và lại giải được cái nghĩa của câu "Dữ Thiên Địa tham" đã nói trong sách Trung Dung.

Người ta là một giống vật nhỏ mọn, nhưng vì bẩm thọ một Lý Thái Cực của Trời Đất, nên hễ ai biết lấy lòng chí thành mà theo cái đạo Trung hòa của Trời Đất thì có thể sánh ngang với Trời Đất.

Đó là phần trọng yếu trong học thuyết của phái Lý học, không sai với tôn chỉ của Nho giáo.

Đã nói rằng Lý học chịu ảnh hưởng của Lão học, vì người gây thành cái tiếng đầu tiên cho Lý học là nhà Lão học trứ danh về Số học: Hi Di Tiên sinh, tức là ông Trần Đoàn.

Trần Đoàn ở vào đầu nhà Tống, rất tinh thông Dịch lý, thường dùng cái học ấy mà biết mệnh Trời và vận nước, từ đó mới có nhiều người chú ý về Dịch học. Đến thế kỷ thứ 11, đời vua Tống Nhân Tôn, có Thiệu Ung (Thiệu Khương Tiết) và Chu Đôn Di theo cái thuyết trong Kinh Địch mà xướng lên thuyết Lý học. (Xem chi tiết nơi chữ: Lý học, vần L)

Tóm lại, ở Trung hoa, thuyết Tam giáo đồng nguyên phát khởi từ thời nhà Tống. Lúc ấy ba học thuyết của Tam giáo đều được phổ biến sâu rộng, ảnh hưởng lên nhau, để các học giả thấy rõ rằng, Tam giáo vốn đồng nguyên, nhưng vì cách lập giáo và thuyết minh của mỗi giáo có khác, làm cho người ta lầm tưởng Tam giáo khác hẳn nhau.

II. Tư tưởng đồng nguyên Tam giáo ở Việt Nam:

"Qua bốn triều đại tiêu biểu là Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam giáo lớn mạnh trong lòng bao dung của người dân Việt.

Các vua Đinh Tiên Hoàng (968-979), Lê Đại Hành (980-1005), Lý Thái Tổ (1010-1028), v.v... đã chọn các đại sư, đạo sĩ vào triều đình làm cố vấn.

Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng phong Khuông Việt Đại Sư Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống, phong Thiền Sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi, phong Đạo Sĩ Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo Sĩ.

Vua Lý Thái Tổ dựng chùa Vạn Tuế, cất cung Thái Thanh ngay tại kinh thành Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ còn tôn Thiền Sư Vạn Hạnh lên làm Quốc Sư.

Vua Lý Nhân Tôn (1072-1127) đi đâu cũng hay kề cận Thiền Sư Giác Hải và Đạo Sĩ Thông Huyền. Vua có lần thử tài hai vị, rất khâm phục nên làm thơ khen tặng rằng:

Giác Hải tâm như hải,

Thông Huyền đạo hựu huyền.

Thần thông kiêm biến hóa,

Nhất Phật, nhất Thần Tiên.

[Giác Hải lòng như biển,

Thông Huyền đạo pháp lại càng huyền diệu.

Đều giỏi thần thông cùng biến hóa,

Một là Phật, một là Thần Tiên.]

Trong buổi đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc, các vua còn có quyết định tuyển chọn nhân tài giúp nước thông qua hai kỳ thi về Tam giáo: lần thứ nhứt mở năm 1195, triều Lý Cao Tông; lần thứ hai mở năm 1247 triều Trần Thái Tông.

Với tinh thần khoáng đạt, các nhà sư khi cố vấn hoặc gián nghị các vua đều không câu chấp, lúc thì vận dụng Lão, khi trưng dẫn Nho để thuyết phục.

Pháp Sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) đã được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, ngài khuyên vua nên dùng đường lối vô vi của đạo Lão:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

[Đất nước như dây leo rối rắm,

Nay Trời nam đã hưởng thái bình.

Dùng đường lối vô vi nơi triều đình,

Xứ xứ đều dứt cảnh chiến tranh.]

Năm 1130, khi vào điện Sùng Khai, Thiền Sư Viên Thông (1080-1151) đã mượn tư tưởng Kinh Dịch tâu với vua Lý Thần Tông (1128-1138) về cái lẽ hưng vong, đắc thất của một nước, sau khi nhấn mạnh rằng, một nước hưng thịnh hay suy vong không phải tự nhiên một sớm một chiều. Sư kết luận:

"Các bậc Thánh vương đời trước đều biết như thế, nên bắt chước Trời, không ngừng trau đức để sửa mình; bắt chước đất, không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì cẩn thận ở trong lòng, run sợ như đi trên băng mỏng. Yên dân thì yêu mến người dưới, hãi hùng như cỡi ngựa nắm dây cương sờn."

Năm 1202, Thiền Sư Nguyễn Thường là Tăng Phó, khuyên can vua Lý Cao Tông:

"Tôi nghe bài tựa Kinh Thi có nói: Âm nhạc của nước loạn nghe ai oán vì giận chính sự nước ấy sai trái. Âm nhạc của nước mất nghe bi thảm vì xót dân nước ấy khốn cùng. Nay Chúa thượng rong chơi vô độ, chánh giáo sai lìa, dân chúng buồn khổ. Đến nay càng tệ. Thế mà ngày ngày lại nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước mất, nước loạn hay sao? "

Một số sự kiện lịch sử như trên cho thấy trong buổi đầu, Tam giáo được giao hòa trên nước Việt trong lòng bao dung của người Việt. Chính đây là sự manh nha của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. "

"Tóm lại, trải qua các triều đại, trong 19 thế kỷ, tuy sử sách không còn lưu giữ được nhiều, nhưng bằng những tư liệu văn học còn sựu tập được, với các tác giả tiêu biểu, đã thấy rõ rằng ở VN đã được xác lập sớm và rất lâu dài các quan điểm trong sáng về:

Tam giáo đồng nguyên hay Tam giáo nhứt nguyên (cùng một nguồn phát sinh).

Tam giáo đồng tông (cùng một ông Tổ sanh ra).

Tam giáo nhất gia (cùng một nhà).

Tam giáo đồng qui (cùng đi về một đích).

Các dẫn chứng về văn học cũng cho thấy từ xưa dân tộc VN đã biết đối chiếu Tam giáo để tìm đến chỗ đồng nhứt lý.

Nói cách khác, ở VN ngay từ xa xưa đã sẵn có con đường Tam giáo đồng nguyên để rồi sẽ dẫn đến hệ luận là Vạn Giáo Nhứt Lý.

Nghiên cứu con đường Tam giáo VN trong tinh thần đồng nguyên và nhứt lý cũng là để sau nầy góp phần tìm hiểu diễn trình Dịch hóa, chu nhi phục thủy: Từ Đại Đạo phát sanh Tam giáo đạo, từ Tam giáo đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo."

"Trong 19 thế kỷ, Tam giáo du nhập từ phương Bắc đã tồn tại ở phương Nam với sắc thái là Tam giáo Việt Nam. Việt Nam như mảnh đất mà thổ nghi hoàn toàn thích hợp cho cội cây Tam giáo đâm tủa ba nhánh sum sê đều đặng.

Trong một phạm vị lịch sử nhứt định ở chốn triều đình, Tam giáo có tạm thời thay thế nhau giữ vai trò hàng đầu, là hệ tư tưởng Quốc Đạo, nhưng trong đời sống xã hội và sinh hoạt tâm linh, tình cảm, Tam giáo vẫn là ba mà một (Trinity) ảnh hưởng nếp ăn ở tư duy của cộng đồng người Việt, hòa điệu với tập tục, bản sắc riêng của văn hóa bản địa VN.

Cho nên con người VN, từ đời sống nội tâm, cuộc sống cá nhân, ra ngoài xã hội, từ lúc thành niên đến khi bóng xế, mỗi người VN đã từng là một ông Khổng, ông Lão, ông Phật.

Phật phá chấp, viên dung lý sự, giải thoát.

Lão vô vi, bất tranh, xuất thế tiêu dao.

Nho trung dung, nhập thế mà tự tại.

Cái vạc ba chân là cái thế vững chắc cho tâm hồn, đỡ nâng và dẫn dắt cuộc sống trong các mối quan hệ ràng buộc cá nhân - gia đình - xã hội - quốc gia." (Trích: Con đường Tam giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng).

Phương pháp tu tập của Tam giáo mặc dầu có khác, vì Nho giáo chủ trương nhập thế, Phật giáo và Lão giáo chủ trương xuất thế, nhưng tựu chung đều dẫn dắt con người đến Chân, Thiện, Mỹ, từ tự giác đến giác tha và giác hạnh viên mãn, để rồi linh hồn được siêu thoát lên một thế giới tốt đẹp hơn, gọi là Bồng Lai Tiên Cảnh hay Cực Lạc Niết Bàn, hợp nhứt vào ngôi Thái Cực mà Nho giáo gọi là Thượng Đế, Lão giáo gọi là Đạo hay Tiên Thiên Nhứt Khí, Phật giáo gọi là Chơn Như hay Chơn Không Diệu Hữu.

Tục ngữ có câu: "Có bột mới gột nên hồ."

Những tư tưởng dung hòa Tam giáo từ ngàn xưa là nền tảng giống như chất liệu bột để sang đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mới thị hiện làm nên hồ, tức là lập thành một nền Đại Đạo có một hệ thống giáo lý và triết lý đầy đủ, dung hợp được các giáo lý và triết lý của Tam giáo một cách hài hòa, thích hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh trong buổi cuối cùng của Hạ nguơn Tam Chuyển.

Chỉ có Đấng Thượng Đế mới làm được việc kết hợp ba nền tôn giáo cũ, và phổ vào đó một hệ thống giáo lý và triết lý mới mẻ thích hợp trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay, bởi vì Thượng Đế là gốc của Tam giáo mà cũng là gốc của ba vị Giáo chủ Tam giáo. Chẳng những Tam giáo, mà rồi Tứ giáo và cả Vạn giáo nữa, trong kỳ ba phổ độ nầy, Đức Thượng Đế đều gom lại tất cả thành một mối, thực hiện Vạn thù qui nhứt bổn, làm thành một nền Đại Đạo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do Đức Thượng Đế làm Giáo chủ vô hình.

"Trên Trời làm chủ một mình Ta,

Nhánh nhóc chia ba cũng Một Già.

Phải mượn nhiều ngôi mà giáo đạo,

Xét coi cho kỹ có ai mà?" (ĐCT)

Đức Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo, có giáng cơ cho bài thi Tam giáo một nhà:

Tam giáo từ xưa vốn một nhà,

Người sau lầm tưởng vọng chia ba.

Minh tâm may hiểu đường chơn giả,

Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.

Thích, Đạo, ví như hành bộ khách,

Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.

Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,

Tam giáo từ xưa vốn một nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com