Nhanh thật, thấm thoát mà đã ba năm trôi qua. Một cái Tết nữa lại về - một cái Tết thiếu vắng một bóng hình, một mùi hương thân thuộc. Vậy là má đã xa anh chị em tôi được ba năm rồi. Mới cái Tết ngày nào đại gia đình vẫn quây quần bên nhau đón Xuân về, tôi và má còn cùng nhau làm món củ kiệu - món sở trường của má. Vậy mà...
Sinh anh chị em tôi ra ở cái thời mà đất nước còn oằn mình dưới bom đạn của chiến tranh, má đã vất vả biết bao để nuôi sáu người con khôn lớn. Thời son trẻ má tôi đẹp lắm, bằng nụ cười duyên, đôi mắt biết nói đã làm xao xuyến bao trái tim. Mọi người xung quanh cứ nói đùa rằng ba tôi thật có phúc khi lấy được một cô vợ vừa xinh đẹp lại còn đảm đang. Ba tôi là một tài xế xe đò. Má ngoài việc nội trợ còn phải đi xe phụ giúp ba. Má vừa thu vé, vừa khuân đồ đạc lên xe cho khách. Nặng nhọc nào má cũng làm tất.
Mỗi ngày cứ 2-3 chuyến từ Long An lên Sài Gòn - Chợ Lớn hơn bốn mươi cây số, má phải đứng trên xe đưa đón khách suốt chẳng được ngồi tí nào. Nhiều khi về đến nhà tôi thấy hai chân má đỏ rộp hẳn lên. Thương má, anh em tôi lặng lẽ vào bếp nấu một thau nước ấm ngâm chân cho má. Má ít khi chịu nghỉ ngơi, hết việc xe lại đến việc nhà. Dưới bàn tay má nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Má chăm sóc cả nhà từng cái áo, cái quần cho đến từng bữa cơm chiều, từng chiếc gối.
Má sống rất được lòng mọi người. Ai trong bến xe cũng đều biết danh chị Tám Phát với vóc người mảnh khảnh, gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười trên môi luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có lần một bé gái ở bến xe bị lạc mất mẹ, chính má đã dắt cô bé tìm mẹ khắp nơi. Trên đường dẫn cô bé ấy về nhà, một chiếc xe đâm thẳng vào má khiến chân má phải băng bó suốt một tuần lễ. Tôi bảo nếu không giúp em bé kia thì chân má sẽ không bị thế này rồi. Má nở một nụ cười hiền: "Chắc là do nhân quả luân hồi đó con, kiếp trước có thể má nợ cô bé đó nên bây giờ phải trả cho người ta, hoặc là con cứ xem như tích một chút công đức cho mình về sau. Con làm việc thiện thì chắc chắn sau này sẽ gặt được quả lành".
Má là người theo đạo Phật. Má luôn dạy dỗ chúng tôi sống theo triết lý Phật giáo, luôn giúp đỡ mọi người xung quanh sống cho tâm luôn trong sáng, đúng đắn lành mạnh.
Lớn lên, do hoàn cảnh gia đình, má không thể nuôi mấy đứa con học đến nơi đến chốn. Tuy vậy má vẫn gắng sức tìm cho mỗi đứa một cái nghề nuôi thân. Con trai thì má cho theo ba học lái xe, con gái thì má mở một gian hàng tạp hóa dạy cách bán buôn. Lớn lên ai cũng có gia đình riêng, chỉ có tôi là vẫn ở vậy với má. Má dành tất cả tiền dành dụm trong bao năm qua mua một khu đất nhỏ cất nhà cho mấy anh chị em. Má nói: "Má muốn anh chị em bây sống gần nhau, đứa này giúp đứa kia, má không cần tụi bây kiếm nhiều tiền về cho má, chỉ cần tụi con thương yêu đùm bọc nhau là đủ rồi".
Ở chung với má, tài nội trợ của tôi tăng lên đáng kể. Má nấu ăn rất ngon. Những khi gia đình có đám tiệc má như một bếp trưởng chỉ huy mấy đứa con gái, con dâu nấu nướng, bà con họ hàng ai cũng khen má nấu ăn sao mà khéo thế. Một số người còn nhờ má dạy nấu món này, món kia. Nhìn nụ cười hiền trên gương mặt má, tôi biết má rất vui và tự hào.
Tết năm nào cũng vậy, bên cạnh nồi thịt kho hột vịt, má cũng không quên làm một keo củ kiệu thật to. Má dạy tôi cách lựa củ kiệu sao cho thật ngon, phơi củ kiệu sao cho thật ráo và khô, pha nước trộn sao cho vừa miệng. Nghe thì thật đơn giản, nhưng lúc nào món củ kiệu tôi làm cũng bị đắng và chát, còn củ kiệu má làm thì lúc nào cũng ngon, ăn vào như tan ra trong miệng. Ngày nay trên các siêu thị bày bán củ kiệu khắp nơi, nhưng chẳng đâu sánh được bằng củ kiệu của má.
Cả một đời má luôn tận tụy vì chồng, lo cho con, chăm cho cháu. Má chưa bao giờ dành một điều gì về cho riêng mình. Chiếc áo của má dù đã khâu vá nhiều chỗ nhưng má vẫn không nỡ vứt đi. Ngày Tết, má mặc bộ đồ cũ để cho chúng tôi có một bộ quần áo mới. Nhiều lúc tôi thầm trách ông trời sao thật tàn nhẫn, không cho chúng tôi được đáp đền công lao nuôi dưỡng của má, để má mãi rời xa chúng tôi.
Ngày má nhập viện, chúng tôi hoảng hốt khi bác sĩ báo tin má bị bệnh tiểu đường đã ba, bốn năm nay. Nhiều lúc thấy má uống thuốc, tôi gặng hỏi thì má cứ bảo là thuốc chóng mặt, nhức đầu. Má giấu tất cả mọi người trong gia đình, má không muốn anh em tôi phải lo lắng vì má. Những ngày trong viện, tôi cảm nhận má đau đớn biết dường nào. Tay chân má phồng to lên, trên khuôn mặt chỉ còn trông thấy hai con mắt, hơi thở lúc nào cũng nặng nhọc. Nhìn thấy má oằn mình trên giường bệnh, hai con mắt tôi cứ nhoèn mãi ra. Tôi cảm thấy tim mình như có trăm ngàn mũi kim đang xuyên thẳng qua, cào xé thành trăm mảnh, đau lắm!
Nửa tháng sau thì má mất, ở tuổi tứ tuần chúng tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi to xác. Cả đất trời như sụp đổ trước mắt. Má mất đúng ngày Rằm tháng Tám. Ngoài đường trẻ con tung tăng đốt đèn, ca hát. Mọi người quây quần bên tách trà nóng, miếng bánh Trung Thu. Riêng nhà tôi chỉ là một không gian u ám, tối đen như mực, muốn khóc thật to cho vơi đi nỗi đau nhưng giọt nước mắt cứ chảy ngược vào trong, không thể tuôn ra. Ánh trăng năm ấy đã mang má đi xa vĩnh viễn.
Má ơi, nay đã là cái Tết thứ ba không có má. Con nhớ lắm những món ăn má nấu, nhớ nhất hương củ kiệu của má. Những giọt mồ hôi cùng những tình thương má nêm vào đó cứ bám lấy trên đầu môi con. Đốt một nén hương cho má, khói tỏa khắp nơi khiến con cảm thấy như có một vòng tay ấm áp ôm chặt lấy con. Má ơi! Má hãy yên tâm anh em con vẫn sống tốt, mọi người rất yêu thương, đùm bọc nhau. Ai cũng nhớ má hết. Những kỷ niệm về má chưa bao giờ chúng con quên. Nó mãi mãi cất sâu vào một ngăn tủ trong trái tim chúng con. Đâu đó trên cõi đời này, nếu má nghe lời chúng con, xin dành một lời tri ân đến người vì tất cả những gì người mang đến cho chúng con. Mãi yêu má.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com