Chân Dung Người Mẹ
Chỉ còn ít phút nữa thôi là tôi kết thúc bài giảng văn. Hàng trăm con mắt đang dồn vào tôi, duy có một cậu học sinh cao lêu nghêu ngồi ở cuối lớp là đang hý hoáy vẽ.
- Em vẽ cái gì? – Tôi hỏi.
Cậu ta bối rối, nhét tờ giấy vào ngăn bàn. Thuận tay, tôi lôi ra. Bỗng dưng, tôi nóng ran cả mặt. Một bức vẽ mới có những nét phác họa. Thế đấy! Học sinh ngồi vẽ trộm cô giáo trong giờ học. Càng nghĩ, càng bực. Tôi cố nén để giảng cho hết bài, song mất cả nguồn cảm hứng.
Tôi buồn và xấu hổ, nghĩ về những nét vẽ ban nãy. Một cô gái có mái tóc quăn! Tôi thấy như bị xúc phạm. Hình như cậu ta cố nhấn mạnh vào cái đầu mới phi-dê của tôi.
Ngày mới vào trường Sư phạm, các bạn nam gọi cái đầu phi-dê của tôi là cái đầu "điện khí hóa". Lần này, lại một cậu học sinh châm chọc.
"Học yếu, hay bỏ học, ít nói. Hạnh kiểm trung bình. Học sinh cá biệt của lớp". Sau khi hỏi cô Hoa chủ nhiệm của Thanh – tên cậu học sinh, cô cho tôi đọc những dòng chữ trên trong cuốn sổ chủ nhiệm, tôi mới tạm nguôi ngoai. Một học sinh như thế, thảo nào (?).
Hôm sau, trong giờ, cậu ta lại đàng hoàng giở bức vẽ ra, bình tĩnh tô tô, vẽ vẽ trên một cuốn vở. Đối với Thanh, giờ lý thuyết tập làm văn này chẳng có ý nghĩa gì. Công việc cậu ta đang theo đuổi kia mới cuốn hút tâm trí. Thỉnh thoảng, cậu ta lại vươn cái cổ cò lên, rồi lại cúi xuống trang giấy.
- Chú ý vào, Thanh!
Lạ thay, lời nhắc của tôi chẳng hiệu nghiệm một chút nào. Cậu ta vẫn mải mê vẽ.
- Thanh đứng dậy!
Tôi ngừng giảng, ném viên phấn đánh cạch xuống đất. Cậu ta giật mình đứng lên. Hai con mắt đỏ hoe, chớp chớp. Ý chừng hiểu được lý do phải đứng lên, cậu ta luống cuống. Các học sinh khác lặng đi.
Tôi thu bức tranh trong cuốn vở của Thanh: Trời ơi! Vẫn là hình một cô gái có mái tóc phi-dê và một dòng chữ nguệch ngoạc: "Khi nhìn thẳng vào cô giáo thì giống hơn nhìn nghiêng". Lại còn thế nữa, quả thật, không thể nào tưởng tượng được. Quá quắt thế là cùng!
- Nó vẽ cô giáo chúng mày ạ!
Mấy cậu học sinh xì xào khi thấy tôi cầm tờ tranh để dưới quyển giáo án. Tôi nhìn thẳng vào cậu ta, bắt gặp ánh mắt của sự bất bình, đôi mắt đỏ hoe của cậu ta chớp chớp và hai giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi không ghìm được nữa: Một hành động bất nhã, khi cô giáo bắt được lại tỏ ra yếu đuối. Tôi buông mấy lời nặng trịch:
- Em là một học sinh tồi!
Sau tiết học đó, tôi cầm bức vẽ lên gặp Ban giám hiệu nhà trường, với một tâm trạng như người vừa lên cơn sốt.
—
Chương trình thứ Hai của Hội đồng giáo dục đề cập đến vấn đề của tôi. Đồng chí hiệu trưởng nói:
- Tôi gợi ý vấn đề này để các đồng chí bàn bạc, trao đổi thêm. Điều cơ bản của chúng ta là "nắm" cho được học sinh. Học sinh mắc khuyết điểm nhưng thử hỏi chúng ta đã có biện pháp tích cực để giúp các em sửa chữa? Cái gì cũng xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể. Em Hoàng Ngọc Thanh là một học sinh yếu, gần đây lại có thái độ không tốt đối với giáo viên bộ môn văn, ta cần hiểu thêm về em này trước khi đi đến một quyết định.
"Học yếu, hay nghịch, liên tục mắc khuyết điểm, nhắc nhở không tiếp thu, thái độ với thầy cô giáo không đúng mực. Ai đời... học sinh lại đi vẽ cô giáo. Kỷ luật cậu ta là đúng lắm rồi".
Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm một mình suốt cả quãng đường đến nhà Thanh. Cô Hoa còn cho tôi biết thêm nhiều điều về Thanh. Duy có một điều làm tôi phải suy nghĩ và phải xuống tìm hiểu nhà em để đi đến một kết luận xác đáng: Thanh không còn bố mẹ, phải ở với bà!
Qua một bãi rác phế liệu to, tôi mới tìm thấy lối mòn của một khu tập thể nhà Thanh ở. Trong căn nhà tập thể đồ đạc sơ sài, Thanh đang cắm cúi vẽ, dáng vẻ chăm chú lắm. Khi tôi vào, em không phát hiện ra. Bút chì, thước, tẩy và bút vẽ để ngổn ngang.
- Cô giáo!
Chào vậy, rồi Thanh bước nhanh ra ngoài, hai mắt đỏ hoe, mọng nước. Chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Tôi không tin vào mắt mình nữa, khi nhìn vào giá vẽ của em: Kìa! Nó lại vẽ tôi! Trời ơi! Kỳ quặc quá, chẳng hiểu làm sao?
Lúc này, một bà cụ bước vào:
- Cô giáo của cháu Thanh, cô xuống thăm cháu, quý hóa quá! Mời cô vào xơi nước.
Rồi bà quay gọi Thanh:
- Thanh ơi! Cháu lấy nước để bà mời cô giáo.
Tôi vừa ngồi xuống mép giường, mắt vẫn không rời bức vẽ trên giá: Cô gái được tô màu có mái tóc đen, quăn và đôi mắt đen láy nhìn tôi ươn ướt. Bất ngờ, tôi nhìn lên bàn thờ, một tấm ảnh phóng to được lồng trong khung kính treo dưới tấm bằng Tổ quốc ghi công; dưới tấm ảnh có một dòng chữ trang trọng: "Liệt sĩ Nguyễn Thị Thu, hy sinh ngày tháng năm...". Cô gái trong ảnh giống tôi như đúc. Hết bàng hoàng này đến bàng hoàng khác, tim tôi như nghẹt thở. Tôi đưa mắt ra ô cửa, ngoài kia bầu trời một màu trắng đục, những đám mây trắng xốp đang loãng dần trong nắng chiều.
- Gớm, cháu suốt ngày chỉ thấy vẽ! – Giọng bà cụ phàn nàn phá tan bầu yên tĩnh – Tôi thấy cháu khoe: ở trường có một cô giáo giống mẹ cháu lắm! – Tôi mới bảo cháu, hôm nào mời cô giáo về thăm gia đình cho biết cửa biết nhà, thế mà cháu cứ vâng vâng, dạ dạ, tôi cứ mong hoài...
Bà cụ chép miệng:
- Đấy, cô giáo ạ! Nó đang vẽ mẹ nó đấy! Thằng bé đến tội, cả bố mẹ đều là liệt sĩ từ năm 1979!
Tôi nhìn bà cụ, đôi môi bà động đậy như nói với tôi nhiều hơn. Bỗng tôi nghẹn ngào, gục vào vai bà.
Thì ra, điều sâu kín trong lòng Thanh bấy lâu nay tôi mới khám phá ra. Tôi nhìn lại bức vẽ, ngắm khuôn mặt trong tranh. Bây giờ, trước mặt tôi là một bà mẹ thân thương, tôi hiểu, trong đó có cả hình dáng của tôi. Đối với mẹ Thanh, một người tôi chưa một lần gặp kia, trông giống tôi như hai giọt nước. Còn tâm hồn tôi, liệu có chứa đựng những tình cảm sâu xa vốn có trong tâm hồn người mẹ của Thanh không?
Từ ngoài, Thanh vào từ lúc nào, tôi gọi em đến rồi ôm chầm lấy em:
- Thanh! Tha lỗi cho cô! Tha lỗi cho mẹ! Từ nay, cô sẽ là mẹ của con!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com