Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bồi Hồi Tết Quê Xưa

Ngày ấy, cứ hễ qua 23/10 Âm lịch là những cây vạn thọ non đã ươm từ trước, cao cỡ chừng gang tay, được đem ra trồng ven các lối đi vào nhà. Ở quê tôi, nhà nào cũng đi qua một con ngõ dài, nhà thường nằm khuất sau rặng tre, trúc hoặc cây ăn trái. Bởi theo cách tính lịch thời tiết của ông bà xưa thì đó được xem là thời điểm chính thức kết thúc mùa mưa lũ - mùa khó chịu nhất của người miền Trung.

Thế rồi, những khoảnh đất quanh nhà được cuốc lên phơi, chừng mươi hôm sau là đã thấy nhú lên những mầm non của dưa leo, đậu cô ve, các loại rau cải, xà lách... Chừng mươi ngày sau là đã thấy xanh xanh quanh vườn rồi. Rau quả mùa này tốt và ngọt, ngon. Một phần cây mau xanh tốt là nhờ phù sa của những trận lụt ngập vườn trước đó! Và cũng bắt đầu từ thời điểm đó, lũ trẻ con chúng tôi đếm ngược thời gian chờ Tết!

Mùi gừng hòa quyện với mùi đường cát, đi qua đi lại nghe cứ muốn hít lấy hít để. Sau này vì nhớ cái mùi Tết này, tôi đã thử làm nhưng đều không giống với mứt mẹ đã làm trước đây. Coi như thất bại! Đã hơn ba mươi năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in không khí Tết ngày ấy: rộn ràng và bổi hổi, bận rộn từ người lớn đến trẻ con! Hồi ấy, hầu như tất cả những đồ dùng trong ba ngày Tết ở quê đều tự làm. Từ mứt đến bánh ngọt, dưa kiệu...; tất cả đều tự tay các bà, các mẹ làm hết. Bắt đầu từ món mứt gừng, mứt dừa, hầu như nhà nào cũng có. Gừng được trồng từ trước đó cỡ chừng ba tháng, bởi nếu già quá gừng sẽ quá cay và khi làm mứt sẽ đen sạm chứ không trắng, đẹp. Sau các công đoạn khó khăn: gọt, xắt, ngâm xả chanh nhiều lần là đến công đoạn cuối cùng: rim đường. Mứt gừng đòi hỏi công phu ở khâu canh lửa, nhỏ thật nhỏ và đều đều, để gừng đủ thấm đường, nếu già lửa gừng sẽ sậm màu ngay, nhìn là biết người làm vụng về.

Đến khi những hàng bông vạn thọ xanh tốt đã nhú nhú ra những búp non, những hàng dưa leo cũng bắt đầu ra những nụ bằng ngón tay là thời điểm bận rộn nhất để chuẩn bị Tết. Khí trời cuối Đông, chuẩn bị vào Xuân hơi se lạnh, thỉnh thoảng vẫn còn mưa nhỏ như rây bột. Rau quả được dịp phóng lên rất nhanh, xanh mơn mởn. Thích nhất là dưa leo và đậu cô ve, sau một đêm, sáng ra nhìn là thấy khác liền. Đúng là lớn như dưa! Lúc này, trẻ con mỗi nhà chờ đợi nhất vẫn là lúc làm bánh thuẫn. Thật tình mà nói, mùi vị của bánh thuẫn vừa mới ra lò nghe mới quyến rũ làm sao. Nó thơm mùi của trứng nướng, mùi dầu phụng, mùi gừng, mùi chanh... Thực sự là chưa có loại bánh nào mùi vị thơm, hấp dẫn đến thế. Anh chị em tôi, mỗi khi thấy mẹ chuẩn bị làm bánh là mỗi người một việc giúp mẹ. Anh khỏe tay phụ trách khâu đánh bột, em thì giã, rây bột, chuẩn bị khuôn, than...

Hồi đó không có máy, toàn đánh bằng tay, đánh phải mấy tiếng đồng hồ, toát cả mồ hôi hột, đánh để trứng, đường, bột hòa quyện, tan đều, đến khi nổi bong bóng, cầm lên nhỏ xuống thử từng giọt, bằng kinh nghiệm, mẹ bảo ừ, là được. Hồi hộp nhất là khâu đổ bánh. Công thức là thế nhưng không phải cứ đúng công thức, liều lượng là bánh nở đẹp! Cái này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, bọn trẻ con chúng tôi không quan tâm nhiều đến bánh đẹp hay xấu. Mà cái háo hức chờ là xem mẻ nào được mẹ cho thử! Trong số 12 cái bánh đó, sẽ có cái không đẹp. Hoặc trong số các mẻ bánh đó sẽ có những mẻ bánh nở không đều.

Nỗi thất vọng của mẹ lại là niềm vui của chúng tôi! Được ăn những chiếc bánh vừa mới vớt ra từ khuôn, còn nóng nguyên, bẻ ra từng miếng vừa thơm, vừa mềm, bỏ vào miệng tan liền, ăn bao nhiêu vẫn thấy thòm thèm. Sau này, dù đủ các loại bánh ngon nhập ngoại, tôi vẫn thèm mùi bánh ấy.

Hồi ấy không có điện, tất cả đều dùng đèn dầu. Đêm Giao Thừa, nhà nào cũng treo cờ tổ quốc trước cửa, dưới cờ là thắp chiếc đèn dầu, cháy cả đêm. Một không khí trang trọng, thiêng liêng! Trong nhà, trên bàn thờ, mọi thứ đều đã tươm tất từ hoa, quả, nhang, đèn, bánh trái... Những gì ngon nhất, đẹp nhất được chọn chưng lên để cúng ông bà. Đêm Giao Thừa, trời thường rất lạnh. Mà sao tôi cứ thích và nhớ cái lạnh ấy.

Thời đó, không có ti vi nên tất cả sự chờ đợi dồn vào chiếc radio cũ kĩ mà ba tôi giữ lại từ thời trước. Từ chiếc máy đó, những khúc nhạc Xuân rộn ràng, rồi giọng ấm áp của cô Tuyết Mai, đọc những bài phóng sự Tết ở các miền quê, nghe như uống từng tiếng từng tiếng, như uống từng giọt Xuân vào lòng. Trong cái lạnh tăn tăn, chị em tôi nằm cuộn tròn trong cái chăn là tấm vải dù, nghe tiếng chân mẹ nhẹ nhàng thắp thêm cây nhang, rót thêm chén nước trên bàn thờ. Mùi hương khói hòa quyện với mùi trái chín cùng với mùi hoa vạn thọ làm thành một mùi đặc trưng của đêm Giao Thừa trong nhà. Suốt cả năm, không có đêm nào như đêm Giao Thừa cả. Dưới ánh đèn dầu mờ mờ trên bàn thờ, chúng tôi chờ đón Giao Thừa trong mùi thơm hoa trái.

Một mùa Xuân nữa lại đến, người lớn có nhiều điều ước nguyện trong lòng. Những đứa trẻ con nhà nghèo như chúng tôi, đợi Tết hơn một tháng trời cũng chỉ để khoe bộ áo hoa và đôi dép nhựa Hải Phòng chứ không phải mong đợi được tiền lì xì như bây giờ!

Tết quê chỉ có vậy thôi nhưng kí ức của tôi không bao giờ quên.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com

Tags: #tảnmạn