Con Sẽ Về Quấy Cu Đơ Cùng Mẹ
Tôi vẫn còn nhớ như in cái năm mẹ không thể thuê kiốt ở chợ huyện. Cả nhà buồn rầu vì chưa biết sẽ buôn bán gì và bán ở đâu. Rồi hôm ấy ba tôi từ quê ra, chở theo một thùng kẹo cu đơ.
Ba bảo đã giấu mẹ về quê học cách nấu kẹo ở Cầu Phủ. Kẹo cu đơ vốn nổi tiếng, nhà mình sẽ tự làm và bán cho khách mua làm quà. Mẹ tôi sững người vì ngạc nhiên còn chị em tôi cười sung sướng. Cả nhà ngồi quây quần cùng thưởng thức mẻ kẹo đầu tiên.
Hè năm ấy tôi đỗ Đại học, tôi không còn được giúp mẹ nấu kẹo thường xuyên nữa. Tất cả tiền mẹ chu cấp cho tôi ăn học ngoài Hà Nội đều dành dụm từ những nồi cu đơ mẹ nấu. Cứ năm hết Tết đến, tôi lại mong trường cho sinh viên nghỉ học thật sớm để tôi có thể bắt ngay xe về giúp mẹ quấy cu đơ.
Cứ 22 Âm lịch là tôi đã có mặt tại nhà. Còn nhớ lần về Tết năm ngoái, khi tôi vừa xuống xe ô tô liền tức tốc giúp mẹ gói kẹo. Nồi cu đơ đầu tiên của buổi chiều mới xong, mẹ tôi múc từng muôi kẹo rót lên từng chiếc kẹo khô một cách khéo léo và cẩn thận.
Không biết bao nhiêu lần vì hậu đậu mà tôi bị bỏng chín tay. Nhìn nồi kẹo vàng ươm, thơm thơm hương vị ngọt dịu của mật quyện với gừng cay mà phát thèm lên được.
Trời lạnh nên kẹo hồi rất nhanh. Các thành phần mạch nha, gừng, lạc đã quyện dính chặt lại. Tôi rọc báo chuẩn bị gói vào hộp và bao bóng. Những bịch kẹo tròn tròn được gói gọn gàng đẹp mắt. Những chiếc kẹo cuối cùng cũng mất hút sau những tờ báo. Mẹ và em cho chúng vào nilông buộc chặt và dán đè lên đấy tờ giấy đỏ có dòng chữ Chúc mừng năm mới.
Và thế là mỗi người một công việc, người này nối người kia hoàn thành nốt các giai đoạn còn lại. Vì chỉ buôn bán nhỏ, nên mọi công đoạn đều làm thủ công. Từ việc nướng kẹo khô trên bếp than, tỉ mỉ làm những củ gừng, nhặt những hạt lạc hư, rọc báo bọc kẹo... tất cả đều do mẹ lo liệu.
Nồi kẹo mới lại được bắc lên bếp. Em tôi cầm chắc chiếc gậy bắt đầu quấy đều mật lên. Mẹ tôi nhìn tôi cười rồi nháy mắt chỉ về hướng nó. Trông cái tư thế quấy cu đơ của nó buồn cười lắm. Cái thân hình tròn tròn lắc đều theo từng vòng quay của gậy. Nó quay sang bảo tôi rằng quấy cu đơ cho mẹ như đi tập thể hình mà chẳng thấy giảm cân hay eo thon gì cả. Mẹ tôi cười vang, tôi đến cũng chịu thua nó. Tôi vừa giúp mẹ băm gừng vừa huyên thuyên với mẹ đủ chuyện dở khóc dở cười của sinh viên.
Thế rồi từng mẻ gừng cũng được chuẩn bị xong, sẵn sàng cho các nồi kẹo sau đó. 20 tuổi rồi nhưng chưa lần nào tôi được gói và nấu bánh chưng, mẹ tôi vẫn thường đặt bánh của bác chứ chưa lần nào tự gói.
Tôi hỏi mẹ: "Sao mình không tự nấu hả mẹ? Con sẽ ngồi canh bánh chưng suốt đêm".
Mẹ bảo: "Mình làm gì có thời gian hả con. Nấu cu đơ như ri cũng giống nấu bánh chưng rồi đó". Tôi nũng nịu: "Làm chi mà giống được". "Ừm, mà cũng có cái gì đó giông giống" - tôi thầm nghĩ. Thay vì đi chọn lá dong, lạt buộc để gói, nhà tôi tìm mua báo, chuẩn bị dây thun, tem dán để bọc. Thay vì ngâm nếp, nhà tôi ngâm gừng tươi. Thay vì ngồi canh nồi nước luộc bánh, nhà tôi trông chừng nồi mật mía đang sôi. Nhìn mấy mẹ con quần áo lấm lem than bụi, tôi mỉm cười hạnh phúc.
Chiều 28 Tết, ba tôi về nhà với một cành đào to rực rỡ, nụ chi chít trên cành. Cả nhà quây quần bên những vụn than còn nóng, sôi nổi lên kế hoạch cho công việc sửa soạn đón Tết ngày mai.
Từ khi là sinh viên, tần suất tôi giúp mẹ nấu cu đơ hiếm dần. Tôi chỉ mong Tết được nghỉ dài hơn để tôi có thể đỡ đần giúp mẹ ít việc như chuẩn bị bữa cơm thay mẹ, nấu bát canh khế chua mà cả nhà vẫn thích. Rồi sau này, giữa bộn bề cuộc sống mới, liệu còn nhiều thời gian tôi dành cho gia đình thân yêu của mình?
Tôi càng cảm thấy trân trọng hơn những giây phút này, trân trọng hơn giá trị truyền thống mà ngày lễ Tết đem lại. Chỉ muốn mau được về nghỉ Tết để có thể hét lên: "Mẹ ơi! Con đã sẵn sàng quấy cu đơ cùng mẹ rồi đây!".
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com