Mùa Đông Của Tôi Và Thỏi Son Ngày 20/10
Mùa Đông của tôi những tưởng đã qua lâu rồi, vậy mà mỗi khi sương thu hẹp dần trong ngõ, những tàn tích yêu thương lại quẫy đạp trong lòng.
Không thể gọi đó là những tàn tích. Nó chưa bao giờ là tàn tích cả. Phải gọi đó là những trầm tích yêu thương mới đúng.
Tôi đã quen với cảnh sống xa nhà từ nhỏ, bởi vậy những chuyến đi, những lần lăn thêm bánh xe cuộc đời chỉ làm tôi thấy cuộc sống thêm màu xanh quyến rũ. Vậy nhưng tôi cũng chỉ là một con người, làm sao tránh nổi những nhật nguyệt tâm tư.
Năm 18 tuổi, vào một sáng Chủ Nhật phẳng lặng như ánh trăng chiều, bên cửa sổ tầng hai của gác trọ, tôi dõi mắt nhìn theo những làn khói hun lên từ những đống lửa ngoài bãi xa xa của vùng Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Hơi lạnh của những đợt gió mùa Đông đang ùa về, nó chưa chạm tới da thịt tôi nhưng đã luồn lách len lỏi trong ký ức để chạm đến một thứ ấm áp vàng son. Thứ vàng son ấy là tuổi thơ, là chiếc áo len mẹ đan, là những đêm mẹ chong đèn bắt muỗi.
Nhìn những gia đình chung quanh họ tụ tập nấu ăn và nướng thịt trên bãi đất xa xa ấy, tôi mẫn cảm mà chùng lòng một tiếng ho khan để thấy mình đang cứng cỏi chứ không phải thứ tiểu tư sản mít ướt nửa mùa.
Tôi ngồi xuống ôm lấy cây đàn và "Mùa đông của tôi" cứ thế tuôn ra như thể là cứu cánh cho nỗi niềm cô đơn. Bài hát tôi viết về mẹ cũng là bài hát đầu tiên của tôi ra đời trong một ngày chớm Đông quạnh vắng. Con bé Nga chủ nhà bảo với đứa em nó: Loan ơi lên đây mà xem, anh Huy mày lại lên cơn "hâm" rồi. Vậy đấy.
Mùa đông về bên cửa
Bình yên như lời ru
Con buồn vì xa mẹ
Thao thức đêm trở mùa
Tiếng thời gian nức nở
Bỗng nhớ mùa đông xưa
Đêm mẹ ngồi đan áo
Rét mướt về hay chưa
Kỷ niệm như giọt nắng
Đã xa từ mùa thu
Tuổi thơ như nước mắt
Trẻ con khô bao giờ...
Tôi thậm chí còn không viết lời ra giấy, bài hát hoàn thành trong khoảng 15 phút, và cho đến tận bây giờ tôi cũng không phải sửa thêm một từ nào.
Tôi vừa nghĩ và vừa hát, trong khoảng thời gian đó tôi lướt đi cùng cảm xúc, cứ mặc nó xô đến đâu thì xô, cứ mặc nó chảy đến đâu thì chảy, hình ảnh rõ rệt nhất mà tôi thấy căng phồng trong trí não là cái bóng mẹ tôi những tối mùa Đông lạnh lẽo ngồi miệt mài đan áo đổ dài lên vách bên ngọn đèn dầu lai vãng thiêu thân.
Cảnh tượng đó khiến tôi không thể bằng an cõi lòng, leo lét cái mùi dầu hỏa từ cây đèn Hoa Kỳ khét lẹt, nó xông vào khoang mũi tôi, lan tỏa vào hốc mắt, tôi thấy cay xè và vừa hát tôi vừa khóc... Con bé Nga và đứa em nó không làm trò trêu chọc một đứa hâm như tôi nữa, chúng lặng lẽ ngồi xuống bên tôi.
Lúc sau bé Loan bảo: Anh Huy. Ngày mai dạy em hát thánh ca nhé (nhà Loan theo Đạo Thiên Chúa). Tôi buông đàn quệt mắt quệt mũi mỉm cười: ừ...
Lại nhớ tới cuốn lưu bút năm lớp 12, Hương Lan viết cho tôi: Huy ạ, tao vẫn còn nhớ như in hồi cấp 2, hôm cô Lê dẫn mày vào lớp, mày mặc cái áo len Thái Bình cổ lọ màu đỏ...
Vâng. Chỉ có điều tôi không nói cho Hương Lan biết đó là một trong những chiếc áo len thần thánh mẹ đan...
Cũng tại khu Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội mà ngày xưa đêm đêm còn thảng thốt tiếng chão chuộc, tiếng ếch ương và tiếng dế sầu nỉ non thanh vắng tôi quyết định đi làm thêm ngoài những lúc học hành. Năm ấy tôi bắt đầu đọc "Thép đã tôi thế đấy", tôi mơ hồ nhận ra rằng phải trang bị cho mình kỹ năng sống và quy trình tự lập của tôi manh nha.
Nơi tôi làm việc là xưởng đúc nhôm của bác Bảo (sau này tôi gọi bằng thầy). Xưởng nhôm của thầy cạnh nhà thờ Làng Tám khu Giáp Bát, Hà Nội. Có thể nói đó là một công việc vất vả, thử tưởng tượng mà xem ngày Đông cũng như ngày Hè chúng tôi thường phải cởi trần bởi sức nóng của lò nung tỏa ra.
Xưởng của thầy Bảo ngày đó chưa trang bị quần áo bảo hộ cho thợ thuyền. Tôi thường lấy mấy bộ quần áo công an Hùng gửi cho từ C500 để mặc khi làm. Hùng là bạn thân của tôi đã mất dễ đến 10 năm rồi. Tôi nhớ lần cuối Hùng gọi cho tôi khi tôi đang trên đường từ Singapore về Thailand...
Thầy Bảo quý tôi lắm phần vì tôi ham học hỏi phần vì tôi nhanh trí, tôi có thể làm gấp đôi số lượng sản phẩm trong một ngày so với một người đã làm ở chỗ thầy 7-8 năm. Lương của tôi bao giờ cũng cao hơn họ, nhưng thầy phải đưa giấu vì lo tôi bị người ta ghen ghét.
Tôi chỉ làm việc ở chỗ thầy hơn một năm, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn tâm niệm đó là trường Đại học đầu tiên của đời mình. Nhớ một ngày thầy gọi tôi vào phòng riêng bảo: Con nghỉ đi, thử sức như thế đủ rồi, nơi đây không phù hợp với con...
Nhắc lại thầy Bảo bởi chuyện có liên quan đến thỏi son ngày 20 tháng Mười mà tôi đã nói. Đó là tháng lương đầu tiên của tôi trùng vào dịp lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam.
Chiều ấy lĩnh lương xong tôi đạp xe bát ngát trên đường Giải Phóng rồi ngả về Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch. Tôi còn nhớ như in mình đã dừng lại ở số 256, một cửa hàng bán nước hoa và mỹ phẩm tôi mua một thỏi son gửi về tặng mẹ. Mẹ tôi vốn không phải người hay trang điểm và trau chuốt sắc đẹp nhưng mẹ thích sưu tầm nước hoa và son phấn.
Mùa Đông của tôi và thỏi son ngày 20 tháng 10 là vậy đấy. Thực sự tôi vẫn luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé mỗi khi nhớ về những kỷ niệm. Thời gian trôi thật nhanh. Tóc tôi giờ đã lén lút bạc, cái mặt đã bắt đầu nhàu nhĩ chẳng còn vẻ thanh tân ngày nào. Ấy vậy mà tôi đã làm được gì cho mẹ đâu ngoài một khúc cảm thán mùa Đông và một thỏi son Hàn Quốc của hơn hai mươi năm về trước...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com