Những Ngày Giáp Tết Ở Xóm Hố
Sớm nay khí trời se se lạnh, tôi pha một ấm trà Phổ Nhĩ hoa nhài rồi ngồi lặng lẽ ngắm đất trời sang Xuân. Tôi nhìn tờ lịch trên tường khẽ chép miệng lẩm bẩm. Chao ôi, nhanh thật vậy là sắp hết một năm! Bên tách trà ấm của buổi sớm mai ấy bỗng dưng những kí ức về những cái Tết ngày thơ và cái xóm nghèo quê ngoại khi xưa lại ùa về.
Tôi thường gọi xóm Hố nơi có căn nhà gỗ xinh xinh của ngoại tôi là thung lũng sương. Sớm tinh mơ, cuốc bộ lên dốc tới lưng chừng sườn đồi rồi vươn tầm mắt nhìn xuống chòm xóm nhỏ, tôi sẽ thấy những nóc nhà bao phủ bởi một màn sương chập chờn mờ ảo. Đứng ở đây, tôi có thể ngửi được mùi khói và mùi bếp núc thoang thoảng trong gió. Không khí trong lành và tinh khiết làm lòng người cũng trở nên thanh tịnh. Khói và sương quyện vào nhau lơ lửng bay vô định rồi phút chốc tan biến khi mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên.
Vùng đất quê ngoại tôi ngày trước là nơi làm trà có tiếng. Người già ở nơi đây có thói quen dậy từ sớm. Từ tờ mờ, ngoại tôi đã rón rén dậy quấn khăn thắp nhang gian nhà thờ và lục đục nhóm bếp củi đặc biệt là những ngày giáp Tết. Khi những con gà thi nhau gáy tôi tỉnh dậy dự chạy lên dốc ở trên đồi thì đã thấy một bình chè xanh ấm nóng đặt trên cái phản gỗ nhẵn bóng. Tôi áp má vào ly chè xanh còn đang bốc khói. Mùi gừng dập xông lên mũi, hơi cay nóng phả vào mặt vào mắt xua tan cơn ngái ngủ. Có lẽ với tôi không có gì gợi nhớ về quê nhà nhiều như vị chát trong cuống lưỡi và xanh trong của ly nước chè của những buổi sớm mai khi sương còn bao quanh căn nhà gỗ.
Căn nhà ngoại tôi ở tính ra cũng hơn trăm tuổi. Ngày xưa ông cố lên rừng đốn từng cây gỗ khiêng về làm nhà rồi hì hục xẻ ván đóng đẽo thành cây cột chống nhà và từng cánh cửa. Nghe kể lại tôi cứ thắc mắc sức một người làm sao có thể dựng lên một căn nhà. Mỗi lần ngủ ở đây tôi đều co ro vì gió luồn qua khe hở.
Trước Tết độ ba bốn hôm, ông ngoại tôi từ thành phố đem về một xấp báo rồi hì hục cắt giấy báo dán khắp tường che đi những khe hỏng để căn nhà ấm hơn. Tôi mê mẩn với những bức hình diễn viên, ca sĩ Hồng Kông trong tờ báo dán trên bức vách. Khi biết đọc chữ tôi hay đến bức vách đọc những câu chữ. Mấy đứa con nít thích thích lâu lâu cứ vào bức tường xé báo về chơi thành ra vách rách bươm nên lâu lâu ông tôi lại về dán lại. Những tờ báo này chồng lên vết rách của tờ báo kia nên bức vách cứ dầy lên theo năm tháng.
Khi hoa cà phê phủ trắng núi đồi chính là lúc mấy nhà quanh xóm Hố lục tục chuẩn bị Tết. Mùa hoa cà phê nở những con đường rụng đầy hoa trắng trông thi vị lắm. Những đứa con nít thi nhau lượm những bông hoa cà phê rụng xâu thành những chuỗi vòng đeo tay đeo cổ đội đầu. Mấy đứa con nít hay chơi trò cô dâu chú rể. Đứa nào là cô dâu sẽ được một đám nhỏ bao quanh đính hoa lên đầu còn chú rể thì mặt đỏ hây hây đứng lơ ngơ một mình.
Xóm Hố có khoảng hơn chục nóc nhà. Ai cũng cũng biết nhau tường tận từng chân tơ kẽ tóc như nhà nào có cối có chày, nhà nào trồng chanh trồng sả. Cho nên những buổi chuẩn bị Tất Niên lũ con nít đang chơi trong sân nhưng tai cứ hóng lên để nghe mấy tiếng người lớn gọi vọng ra từ trong bếp sai vặt chạy đi qua mượn cái chảo lớn, xin ít rau húng quế hay chạy qua mời cô kia qua giúp gói bánh. Thân tình của xóm nghèo cũng xây nên từ đó. Những ngày giáp Tết tôi cứ đứng trước sân chơi mà chộn rộn không yên mũi cứ hít hà cái mùi chả ram chiên từ trong bếp bay ra.
Mới mơ màng lưu luyến chuyện xưa cũ tí chút mà chén trà trên tay tôi đã nguội, chạnh lòng tiếc nuối một bức vách cũ đầy hình báo dán đã thay bằng bức tường xây tráng gạch. Trò chơi cô dâu chú rể của mấy đứa nhỏ không còn, trên tay chúng chỉ là những chiếc di động thông minh. Những ngôi nhà đầy đủ và hàng rào mọc lên nên ngày lễ Tết cũng vắng đi tiếng í ới gọi nhau của những ngày Tất Niên. Làn khói củi buổi sớm mai quyện với hơi sương chỉ còn là dĩ vãng. Họa chăng là còn mấy gốc chè cũ để sớm mai về ngoại tôi còn chút dư vị của ấm nước chè gừng xanh. Vậy thôi cũng đủ để an ủi một đứa cháu xa xứ còn nhớ ngày quay về xóm Hố thăm lại quê ngoại những ngày giáp Tết, lặng yên bên chén chè xanh trong cái lạnh buổi sớm mai.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com