Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chị em Thúy Kiều

Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học trung đại - tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị lớn và giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, truyện Kiều còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nhận vật, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn Chị em Thúy Kiều với trọn vẹn vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều và Thúy Vân.

Đoạn trích "Chị em Thuý Kiều" nằm trong phần "Gặp gỡ và đính ước", sau phần giới thiệu gia cảnh gia đình Thuý Kiều. Với nhiệt tình trân trọng ngợi ca, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ cổ điển, lấy những hình ảnh thiên nhiên để gợi, tả, khắc hoạ vẻ đẹp chị em Thuý Kiều thành những tuyệt sắc giai nhân. Đây là bức chân dung của hai nhân vật chính mà Nguyễn Du đã dành cho tất cả sự ưu ái trân trọng và lòng quý mến của mình.

Với bốn câu thơ mở đầu, Nguyễn Du đã giới thiệu vẻ đẹp chung của hai chị em bằng nét bút cô đọng:

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Cách giới thiệu của nhà thơ thật tài tình, chỉ bằng hai câu lục bát tác giả đã giới thiệu được lai lịch, vai vế của hai chị em. Đó là hai người con gái xinh đẹp, Thúy Kiều là chị còn Thúy Vân là em. Từ Hán Việt "tố nga" chỉ những người con gái đẹp tinh tế để miêu tả chung hai chị em Thuý Vân, Thuý Kiều. Hai chị em được ví von có cốt cách thanh cao như hoa mai, có tâm hồn trong sáng như tuyết trắng. Tuy "mỗi người một vẻ" nhưng từ hình dáng bên ngoài cho đến tâm hồn và tính tình bên trong họ đều "mười phân vẹn mười". Bằng những biện pháp tu từ quen thuộc trong văn thơ cổ điển là bút pháp tượng trưng và ẩn dụ, tác giả đã lấy vẻ đẹp mĩ lệ trong thiên nhiên để so sánh ngầm với vẻ đẹp của hai chị em và miêu tả tâm hồn trong sáng của hai thiếu nữ.

Trong bốn câu thơ tiếp theo tác giả đã giới thiệu sắc đẹp của Thúy Vân, một thiếu nữ rất mực kiều diễm:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Chỉ với vài nét khắc họa, tác giả đã miêu tả được vẻ đẹp của Thuý Vân là vẻ đẹp trang trọng, quý phái, phúc hậu. Chỉ vài nét chấm phá, bức chân dung của Thúy Vân hiện lên thật nghiêm trang , đứng đắn và phúc hậu. Gương mặt của Vân đầy đặn, phúc hậu và sáng như trăng tròn với lông mày sắc nét, đẹp như mày ngài."Người thanh tiếng nói cũng thanh", giọng nói của Vân trong trẻo, thanh thoát, miệng cười tươi như hoa. Bằng biện pháp so sánh Nguyễn Du đã cho thấy mái tóc của nàng mượt mà hơn cả những đám mây trời lơ lửng trên không, tuyết trắng ngần cũng không sánh bằng làn da mịn màng, trắng trẻo của nàng. Đó là những nét miêu tả theo bút pháp ước lệ, thường được dùng để miêu tả những đặc điểm hình thức, tinh thần của con người một cách sinh động trong thơ văn cổ. Từ ngữ "trang trọng", "đoan trang" là hai nét vẽ tinh tế, gợi nên chân dung Thúy Vân với vẻ đẹp quý phái. Bằng một loạt những nét miêu tả có tính chất ước lệ và từ ngữ chọn lọc, tác giả đã đặt Thúy Vân trong gam màu ưa nhìn, dịu dàng, tươi tắn, đường nét hài hòa. Chân dung nàng mang tính cách "thua", "nhường" cho thấy nàng số phận bình lặng , suôn sẻ.

Nếu Thúy Vân có vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang thì trái lại Thúy Kiều có vẻ đẹp sắc sảo:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Cụm từ láy gợi tả "sắc sảo mặn mà" cùng với từ "càng" và "so bề" đã diễn tả sự vượt trội về tài sắc của Kiều so với Vân. Với hình thức tu từ ước lệ và ẩn dụ cho thấy đôi mắt Kiều long lanh, trong sáng như nước hồ mùa thu, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn, đôi mày nàng thanh tú, xinh đẹp như dáng núi mùa xuân nghiêng nghiêng, duyên dáng. Những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng này gây ấn tượng đậm nét về dung nhan tuyệt mĩ của Thúy Kiều. Vẻ đẹp của Thúy Kiều được nhấn mạnh bởi chi tiết ước lệ tượng trưng, nhân hóa "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh". Dung nhan đằm thắm, má thắm môi hồng của nàng khiến cho hoa phải "ghen", nước da trắng của nàng làm cho "liễu phải hờn". Đồng thời từ điển cố "Nhất cố khuynh nhân thành/ Tái cố khuynh nhân quốc" tác giả đã sáng tạo ra câu thơ "một hai nghiêng nước nghiêng thành" để miêu tả vẻ đẹp sắc sảo của Thúy Kiều. Qua đó ta mới thấy được vẻ đẹp của một "tuyệt thế giai nhân" mà đời này khó có ai sánh bằng. Nhưng qua nghệ thuật miêu tả vẻ đẹp lộng lẫy ,đài các, kiêu sa , có sức cuốn hút mãnh liệt của Thúy Kiều, hất là các từ "ghen" , "hờn" , Nguyễn Du đã hé mở cho chúng ta thấy những cơn sóng gió bảo tố của cuộc đời như chờ trực để vùi dập thân phận của nàng, hé lộ số phận éo le, đau khổ của nàng.

Không chỉ đẹp Kiều còn có "tài":

Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

"Sắc đành đòi một tài đành họa hai" cho thấy về sắc Kiều là một "tuyệt thế giai nhân" còn tài thì rất giỏi, họa hoằn lắm mới có người thứ hai. Ngoià tư chất "thông minh" trời phú, tài năng của Kiều còn đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, này biết cầm, kì, thi, họa. Kiều giỏi âm luật đến mức "làu bậc ngũ âm". Đặc biệt tài đánh đàn là sở trường năng khiếu là nghề riệng vượt bậc trên mọi người. Tiếng đàn Hồ cầm của Kiều "ăn đứt" bất cứ nghệ sĩ nào. Kiều không chỉ đa tài mà còn đa cảm. Đỉnh cao của ngón đàn là khúc đàn "Bạc mệnh" do chính Kiều sáng tác như gửi gắm tâm sự của Kiều. Khúc đàn nghe buồn đến "não nhân" đã dự báo được cái "bạc mệnh" không tránh khỏi của nàng sau này. Những cụm từ chỉ mức độ tuyệt đối "đủ mùi", "làu bậc", "ăn đứt" đã gợi nên tài nghệ có một không hai của Kiều.

Bốn câu thơ cuối thể hiện rõ nét cảnh sống phong lưu, êm đềm, khuôn phép , mẫu mực và ngợi ca đức hạnh của chị em Thúy Kiều:

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Nếp sống của hai chị em Kiều rất mẫu mực, tuy đã đến tuổi lấy chồng nhưng họ vẫn hồn nhiên, trong sáng trong cảnh "trướng rủ màn che". Chính sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ ấy đã góp phần hình thành nên nhân cách và ý thức làm người cả cả hai chị em.

Bằng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc có tính truyền thống của văn thơ cổ như các phép miêu tả bằng hình ảnh tượng trưng, ước lệ, kết hợp với các phép nhân hóa, thậm xưng và vận dụng điển cố được tác giả sử dụng điêu luyện chân dung của hai chị em Thúy Kiều hiện lên thật rõ nét và tuyệt mĩ.

Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, hình ảnh người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã được thể hiện một cách tập trung và đặc sắc qua đoạn thơ "Chị em Thúy Kiều". Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh chị em Thúy Kiều với những nét bút tuyệt xảo của mình và tấm lòng ưu ái đặc biệt dành cho hai nhân vật này. Ông đã thấy được ở phụ nữ vẻ đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn. Từ đó thể hiện trái tim nhân đạo và tư tưởng rất mới của Nguyễn Du.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com

Tags: #van