Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Viếng lăng Bác

Bác Hồ- Người cha già của dân tộc- đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Năm 1969, Bác đã ra đi để lại bao nỗi xót xa, mong nhớ trong lòng con dân đất Việt. Để tưởng vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, lăng Bác đã được xây dựng ở thủ đô Hà Nội. Tháng 4 năm 1976, nhà thơ Viễn Phương từ miền Nam đã hành hương về miền Bắc thăm lăng Bác. Bài thơ đã "Viếng lăng Bác" được ra đời, thể hiện cảm xúc thiêng liêng, thành kính và xót xa của Viễn Phương khi vào thăm lămg Bác.

Chỉ với 4 khổ thơ, bài thơ đã ghi lại thật xúc động nỗi niềm của tác giả đối với vị cha già kính yêu theo mạch cảm xúc và trình tự cuộc viếng lăng Bác: ngoài lăng, đứng trước lăng, khi ở trong lăng và khi rời lăng. Bàng bạc suốt bài thơ là tâm tạng thành kính, tiếc thương của người miền Nam lần đầu tiên đặt chân đến viếng lăng Bác.

Với niềm xúc động chân thành, nhà thơ đã bày tỏ lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc, niềm thương nhớ Bác khôn nguôi:

"Con ở miền Nam về thăm lăng Bác"

Câu thơ gợi mở gọn như một lời thông báo nhưng đã thể hiện được niềm xúc động của tác giả. Câu thơ bao hàm niềm tự hào của tác giả khi đứa con miền Nam có cơ hội đến "thăm" người cha già của dân tộc, tự hào vì miền Nam vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo trở về trong đại gia đình Việt Nam, hoàn thành ý nguyện của Bác. Nhà thơ cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam mong nhìn thấy Bác một lần sau khi đất nước đã giải phóng nhưng thật đau xót, Bác đã không còn. Vì vậy, từ "viếng" đã được nhà thơ thay bằng từ "thăm" để giảm nhẹ nỗi đau cũng như bày tỏ niềm tin rằng Bác vẫn sống mãi. Thái độ thành kính, tình cảm thân thương của tác giả đối với Bác đã thể hiện rõ nét qua cách xưng hô thân mật, gần gũi "Con-Bác" như một đứa con xa về thăm cha. Câu thơ ấy gợi lên hoàn cảnh từ "miền Nam" hành hương ra thăm lăng Bác của tác giả. Hai tiếng "miền Nam" gợi sự xa xôi, cách trở, gợi lên tình cảm, niềm khao khát, mong ngóng được gặp Bác của nhân dân miền Nam. Bằng những hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi, ngôn ngữ bình dị mà hàm súc, tinh tế, đoạn thơ đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc vô cùng sâu sắc.

Hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên mà tác giả thấy là hàng tre, một hàng tre quen thuộc của quê hương Việt Nam đã thành một biểu tượng của dân tộc ta. Hàng tre ẩn hiện trong sương, gợi lên không khí thiêng liêng, huyền ảo:

"Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng"

Trong tâm hồn nhà thơ thì hình ảnh hàng tre đứng quanh lăng Bác biểu tượng cho toàn thể dân tộc Việt Nam đã hợp thành đội ngũ trang nghiêm, chỉnh tề, vững vàng bên lăng Bác như những con người Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ trọn tấm lòng thành kính hướng về Bác. "Hàng tre xanh xanh" thân thuộc còn được nhân hóa vẫn "đứng thẳng hàng" dù phải trải qua bao nhiêu "bão táp mưa sa" mang tính tượng trưng giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Những "hàng tre" như dáng đứng của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất suốt bốn nghìn năm lịch sử. Tre gắn bó đời đời với dân tộc ta, từ khi cậu bé làng Gióng đánh đuổi giặc Ân cho đến khi nhân dân ta đánh đuổi Pháp và Mỹ, tre là bạn đồng hành với nhân dân ta, gắn bó với chúng ta trong lao động. Từ cảm thán "Ôi!" là từ ngữ biểu thị niềm tự hào, ngôn ngữ thơ đậm màu sắc Nam Bộ, âm điệu thơ trữ tình.

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

Khổ thơ thứ hai bắt đầu bằng hai câu thơ sóng đôi hô ứng nhau với hình ảnh "mặt trời" vừa là hình ảnh thực vừa là nét ẩn dụ độc đáo. Một mặt trời đi qua trên lăng, là mặt trời của tự nhiên, của muôn loài, soi sáng cho muôn loài, đem lại sức sống cho thế giới. Từ mặt trời thật ấy, một mặt trời ẩn dụ khác tinh tế và độc đáo hiện ra trong lăng, rất đỏ như muốn cho thấy Bác tồn tại vĩnh cửu trong lòng mỗi người dân Việt Nam như sự tồn tại của một mặt trời thật. Qua đó tác giả đã ca ngợi Bác là vầng dương soi đường dẫn lối, đưa dân tộc Việt Nam, cách mạng Việt Nam đến độc lập, tự do, cho dân tộc được ấm no, hạnh phúc. Từ "rất đỏ" cho thấy "mặt trời" Bác Hồ thì mãi mãi đỏ thắm, mãi mãi là nguồn sưởi ấm, nguồn sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường vươn tới một tương lai tốt đẹp – một đất nước Việt Nam giàu mạnh, Bác thuộc về vĩnh cửu. Bác sẽ sống mãi trong lòng mỗi con người Việt Nam. Với niềm xúc động chân thành, Viễn Phương đã bày tỏ lòng yêu kính, biết ơn sâu sắc đối với Bác:

"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dân bảy mươi chín mùa xuân.."

Điệp từ "ngày ngày" như là vòng tuần hoàn của đất trời vô tận, vĩnh viễn như tấm lòng kính yêu của nhân dân dành cho Người. Đồng thời cho thấy dù thời gian có trôi đi nhưng tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác là không bao giờ phai nhạt. Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người đi trong thương nhớ, hình ảnh ấy được tác giả ví như một tràng hoa. Bằng sự liên tưởng độc đáo, cách dùng từ tinh tế, chứa đựng tình cảm quý trọng, mỗi người như là một bông hoa kết thành một "tràng hoa" và nhà thơ cũng như đang nhập vào "tràng hoa" để dâng lên "bảy mươi chín mùa xuân". Từ "dâng" chứa đựng bao tình cảm, niềm tiếc thương, qúy trọng của mọi người với Bác. Nghệ thuật ẩn dụ sử dụng khéo léo, "bảy mươi chín mùa xuân" hay là bảy mươi chín tuổi, từ "mùa xuân" đã nói lên được rằng Bác đã làm nên những mùa xuân thật tươi đẹp cho con người Việt Nam. Biện pháp ẩn dụ ấy đã diễn tả được tình cảm yêu thương, thái độ biết ơn và tự hào về vị cha già kính yêu của dân tộc. Đồng thời hình ảnh còn mang ý nghĩa hoán dụ rằng Bác sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân. Theo dòng người, nhà thơ đã vào trong lăng, bên trong như ngưng tĩnh cả không gian và thời gian:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Từ tấm lòng yêu thương và kính trọng Bác, tác giả ngỡ như Bác đang nằm ngủ, một giấc ngủ bình yên dưới ánh đèn dìu dịu như vầng trăng xanh trong, êm đềm và dịu hiền. Giờ đây ước nguyện thống nhất đất nước đã đã thành hiện thực hiện nên giấc ngủ của Người đã trọn vẹn và bình an giữa lòng quê hương, đất nước thân yêu. Tác giả đã chọn lọc một hình ành đặc sắc, sinh động, giàu sức gợi cảm "vầng trăng sáng dịu hiền" để ca ngợi tâm hồn trong sáng cao đẹp tuyệt vời của Bác. Trong cảm nhận của nhà thơ, Bác mãi mãi là một vầng trăng ngời ngời tỏa sáng tình yêu thương cho con người và cuộc đời và thể hiện tình yêu trăng của Bác như khi còn sinh thời.

Trong tình cảm của dân tộc thì Bác vẫn còn sống mãi nhưng trong thực tế, Bác đã vĩnh biệt chúng ta. Vì vậy, nhà thơ vô cùng đau đớn thương tiếc Bác:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!"

Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh" rất tinh tế biểu trưng cho cuộc đời vĩ đại của Bác cho thấy Bác như trời xanh bao la, Bác là mãi mãi, Bác luôn sống trong tâm trí mỗi chúng ta. Với những hình ảnh kì vĩ rộng lớn nối tiếp nhau "mặt trời , vầng trăng, bầu trời xanh" dường như nhà thơ muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để biểu hiện cái vĩ đại rực rỡ của con người và sự nghiệp của Bác. Biết rằng Bác sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí của nhân dân như bầu trời vẫn tồn tại nhưng lí trí lại nhắc đến sự thật của cảnh âm dương cách trở nên khi nhìn thấy Bác nhà thơ không khỏi đau nhói lòng. Từ "nhói" thể hiện sự xót xa, xúc động mạnh không dồn nén được chính tác giả, nói lên những nỗi đau đớn vượt mọi lí lẽ, mọi lập luận lí trí và nỗi đau xót không gì bù đắp được của mỗi con dân Việt Nam.

Dù tiếc thương Bác đến mấy thì cuối cùng tác giả cũng phải rời lăng, ra về. Khổ thơ cuối như là một lời từ biệt đầy xúc động:

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"

Dòng cảm xúc giờ đây đã đạt đến đỉnh điểm, tuôn trào mạnh mẽ nhất. Chỉ như một lời tác giả đang nói với lòng "mai về miền Nam thương trào nước mắt" nhưng câu thơ đã bộc lộ những cảm dồn nén nhất của tác giả. Tiếng "thương" và "trào" vang lên, như từ miền đất xa xôi của Tổ quốc, một nơi từng có vị trí sâu sắc trong trái tim người. Một tiếng "thương" ấy là tình yêu, là lòng biết ơn, là sự kính trọng cuộc đời vì dân, vì nước của Người. Đó là tiếng "trào" của nỗi đau xót không gì bù đắp được khi Bác ra đi. Thương Bác, thương đến trào nước mắt, một tình cảm yêu quý mãnh liệt, trọn vẹn như tình cảm của người con đối với người cha ruột thịt. Những giọt nước mắt "trào" ra ấy như chứa đựng tất cả những nỗi niềm bùi ngùi, thái độ thành kính, tiếc thương của tác giả.

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."

Điệp ngữ "muốn làm" được đặt ở đầu 3 câu thơ liên tiếp nhau gắn liền với hình ảnh "con chim hót", "đóa hoa tỏa hương" và "cây tre trung hiếu" thể hiện ước nguyện giản dị, chân thành và sâu sắc của nhà thơ. Đó là hóa thân thành "con chim" hót, thành "đóa hoa" làm đẹp lăng Bác và hơn hết là muốn làm cây tre để canh gác cho lăng Bác. Hình ảnh nhân hóa sinh động giàu sức biểu cảm "cây tre trung hiếu" gợi lên hình ảnh những người con trung với nước, hiếu với dân. Tác giả nguyện sống xứng đáng là người con trung hiếu của dân tộc. Lời hứa đó thể hiện tình cảm thành kính, thiêng liêng của người con miền Nam và của nhân dân cả nước thành tâm hướng về Bác.Bằng kết cấu đầu- cuối tương ứng, nhịp thơ dồn dập, tác giả đã kín đáo bộc lộ cảm xúc bịn rịn đồng thời thể hiện ước nguyện được sống mãi bên Bác của mình cũng như đồng bào miền Nam.

Bài thơ ngắn, thể thơ 8 chữ, kết cấu hài hòa, thành công khi sử dụng hàng loạt hình ảnh ẩn dụ đẹp, mang tính tượng trưng sâu sắc. Nhịp thơ của bài linh hoạt, lúc nhanh là biểu hiện cho ước nguyện đền đáp công ơn Bác, lúc chậm là lúc thể hiện lòng thành kính với Bác. Giọng điệu thơ trang trọng, tha thiết với ngôn ngữ bình dị và cô đúc đã thể hiện niềm xúc động sâu lắng và lòng thành kính của tác giả và mọi người đối với Bác Hồ khi vào viếng lăng Bác.

Bác Hồ đã về nơi yên nghỉ cuối cùng, thế nhưng hình ảnh Bác thì mãi mãi bất diệt với thời gian. Những phẩm chất cao đẹp, sự cống hiến to lớn, cao cả và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác sẽ luôn sống trong hàng triệu trái tim của những người con đất Việt.Trước tình yêu thương và sự hi sinh của Người, là con dân đất Việt, là thế hệ tiếp cha ông, chúng ta cần phải xác định cho mình một con đường đúng đắn để sống xứng đáng với sự hi sinh ấy. Mỗi chúng ta cần phải cố gắng rèn luyện bản thân và học tập thật tốt để mai này góp phần xây dựng đất nước ta trở nên văn minh hơn và giàu đẹp hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com

Tags: #van