TẾ ĐIÊN HÒA THƯỢNG-TẬP1-HỒÍ 8&9&10
TẾ ĐIÊN HÒA THƯỢNG
Người dịch: Đồ Khùng
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Hồi thứ 8
Dạy pháp thuật, Tế Ðiên đùa đạo sĩ
Mất linh phù, Quốc Nguyên vội tìm thầy
Có thơ rằng:
Ðêm thanh gió mát trăng trong
Có người thiếu nữ bên sông mỉm cười
Nắn dây mượn phím gởi người
Ai tri âm đó đã mười năm qua.
Ra khỏi quán rượu, định đi đến Tam Thanh tìm Lưu Thái Chơn, thấy khí ngất trời, Tế Ðiên vội án linh quang xem rồi vỗ tay ba cái, gật gật đầu, nói:
- Hay quá! Hay quá! Ta đâu bỏ đi được!
Vừa đi vừa lẩm bẩm cho tới Tam Thanh quán.
Ðến nơi thấy tấm bảng đề bắt yêu trị bệnh đã bỏ, lạnh tanh lạnh ngắt. Lão đạo sĩ từ khi bắt yêu ở nhà Châu viên ngoại trở về, đem bạc chuộc đồ vật lại, bảo đạo đồng gỡ bỏ bảng bắt yêu xuống và dặn:
- Nếu có ai mời ta đi bắt yêu, ngươi nói là ta vào núi hái thuốc rồi nhé.
Tiểu đồng vâng dạ, lão đạo sĩ ngày ngày xem sách đỡ buồn!
Hôm nay tiểu đồng đang chơi đùa trong viện bỗng nghe có tiếng gõ cửa, tiểu đồng chạy ra xem thì thấy một vị Hòa thượng kiếc đang đứng đó. Tiểu đồng hỏi:
- Ông tìm ai?
Tế Ðiên nói:
- Tìm Lưu đạo gia của nhà ngươi, mời đến nhà ta bắt yêu, lui quỷ trị bệnh.
- Không được đâu. Thầy tôi đã vào núi hái thuốc rồi, không biết ngày nào mới về.
- Ngươi vào nói với lão đạo sĩ đang xem sách ở nhà trong là có ta là lão nhân gia đến, ông ấy sẽ ra gặp ta ngay!
Tiểu đồng nghe nói ngạc nhiên nghĩ thầm: "Chà! Sao ông ấy biết thầy mình đang xem sách kìa?".
Lật đật nói:
- Xin Hòa thượng chờ cho một chút.
Rồi chạy vào trong thưa:
- Bạch sư phụ, bên ngoài có ông Hòa thượng kiếc nói mời sư phụ đi bắt yêu an trạch. Tôi nói sư phụ đi hái thuốc rồi. Ông ấy bảo tôi vào bên trong nói với lão đạo sĩ đang xem sách rằng có ông ấy đến là sư phụ sẽ ra ngay.
Lão đạo sĩ nghe, ngạc nhiên nói:
- Hay là ông ấy, lão nhân gia đến chăng?
Tiểu đồng nói:
- Ðúng rồi, ông Hòa thượng cũng có xưng là lão nhân gia nữa đấy.
Lão đạo sĩ vội chạy ra nhìn xem, quả nhiên là Tế Ðiên, vội nói:
- Bạch Thánh tăng, lão nhân gia từ đâu đến? Ðệ tử ở đây xin kính lễ Ngài.
Tế Ðiên nói:
- Ðược, được, ông hãy đi trước dẫn đường, ta vào miếu ông ngồi đã. Ta hỏi ông chuyện này nhé. Ông bây giờ không bắt yêu trị bệnh nữa rồi thầy trò ông lấy gì để sống chớ?
Lão đạo sĩ nói:
- Bạch sư phụ, chúng tôi ở đây thường chỉ nhờ vào việc bắt quỷ trị bệnh để có chén cơm qua ngày. Từ ngày hôm ở nhà Châu viên ngoại trở về, tôi sợ quá đâu dám bắt yêu nữa. Trong miếu hiện cũng không có chút lợi tức nào. Xin lão nhân gia chỉ điểm cho một phương cách để có thể sống qua ngày.
Tế Ðiên nói:
- Ta sẽ dạy phương pháp chuyển vận. Nếu ngươi học được, khi muốn có vàng bạc niệm câu chú này sẽ có ngay; muốn có quần áo, thức ăn ngon, hễ nghĩ đến là có ngay.
Lão đạo sĩ nói:
- Thế thì tôi xin học phép đó, còn cái khác thì không học đâu. Xin sư phụ lão nhân gia dạy tôi luyện đi.
Tế Ðiên nói:
- Ngươi luyện chưa được đâu. Muốn luyện phép này trước hết phải dập đầu một ngàn cái, dập đủ bốn mươi chín ngày và nhận ta làm thầy mới được. Ngươi quỳ trên đất niệm "Vô lượng Phật", dập đầu một cái rồi đứng dậy niệm "A Di Ðà Phật". Như thế mới kể là một lần.
Lão đạo sĩ nói:
- Tôi chịu luyện. Mỗi ngày dập đầu một ngàn cái, chỉ cần 49 ngày là xong, muốn gì có nấy, tôi quyết ý tập luyện.
Tế Ðiên nói:
- Còn chưa được, Hòa thượng ta uống rượu ai đi mua đây?
- Ðệ tử bảo đạo đồng đi mua.
- Mỗi bửa cơm ta muốn ăn thịt ai đi mua đây?
- Ðệ tử đi mua, sớm tối hai lần điểm tâm, hai bửa cơm toàn do đệ tử lo cả.
- Thế thì sáng sớm ngày mai bắt đầu luyện tập nhé. Ngươi trước hết bảo đạo đồng đi đong rượu mua thức ăn đi, ta uống rượu trước.
Lão đạo sĩ bảo đạo đồng đi mua thức ăn. Ngày kế, Tế Ðiên đề nghị dùng hai cái bình pha lê và mua một ngàn hạt đậu vàng. Hòa thượng ngồi trên bồ đoàn, lão đạo sĩ niệm một tiếng "Vô lượng Phật", rồi dập đầu một cái, niệm "A Di Ðà Phật". Ðoạn lấy một hạt đậu từ bình pha lê vàng bỏ qua bình pha lê đỏ, để đỡ phải ghi nhớ.
Lão đạo sĩ dập đầu được mấy mươi cái cảm thấy lưng ê đùi nhức. Dập được hai trăm cái, thấy Tế Ðiên nhắm mắt lim dim, lão đạo sĩ nghĩ thầm: "Mình hốt đại một nắm bỏ qua sẽ ít dập đầu một số". Thấy Tế Ðiên ngủ say, lão đạo sĩ hốt vội một nắm đậu bỏ qua bình pha lê đỏ. Tế Ðiên mở mắt ra hỏi:
- Cái gì vậy? Luyện phép thuật mà còn gian dối à? Phải luyện lại.
Rồi đem số đậu trút vào bình pha lê kia lại! Thế là toi đi hơn ba trăm lần dập đầu trước. Lão đạo sĩ dập đầu được năm sáu ngày, số bạc còn lại đã tiêu sạch hết. Tế Ðiên bảo đong rượu mua thịt, lão đạo sĩ bảo đạo đồng đem đạo bào đi thế, trâm vàng đem đi cầm, đợi khi luyện pháp chuyển vận xong sẽ chuộc lại. Ðạo đồng đem đồ vật đi cầm, ăn được năm sáu ngày lại hết nhẵn. Lão đạo sĩ đem cầm mấy tấm tiền bàn, lần lượt các bàn ghế ở đại điện cũng bán hết. Cho đến khi luyện được một tháng sáu ngày, lão đạo sĩ chỉ còn lại một chiếc quần đang mặc, bốn tên đạo đồng đều trần truồng như nhộng. Lão đạo sĩ nói:
- Bạch sư phụ, đệ tử thiệt bây giờ hết nhẵn tiền rồi, sư phụ dạy phép chuyển vận, vậy xin chuyển vận vật thực đến để ăn chớ.
- Nếu ta biết phép chuyển vận, tại sao còn bảo ông mua rượu làm chi!
- Ðúng là sư phụ hại đệ tử rồi, bây giờ phải làm sao đây?
- Ông không tiền, Hòa thượng ta đi nhé!
- Thánh tăng mà đi ra rồi, thầy trò đệ tử treo cổ chết cho xong.
- Ta dạy ngươi niệm chú, ngươi có niệm không?
- Thưa chú gì vậy?
- Án ma ni bát mê hồng.
Lão đạo sĩ nghe không rõ, nói: Bát nì (ông) hoáng.
Tế Ðiên nói:
- Ðúng đó.
Dạy liên tiếp ba lần, lão đạo sĩ đã học thuộc. Tế Ðiên bảo ông ta quỳ trong điện niệm chú. Lão đạo sĩ vừa niệm: "Án ma ni bát mê hồng", Tế Ðiên ở phía sau lấy tay chỉ xuống đất, tức thì một cục gạch nhỏ từ dưới đất bay lên trúng đầu lão đạo sĩ một cái "cốc" u lên một cục. Lão đạo sĩ hỏi:
- Thưa sư phụ, sao kỳ vậy?
Tế Ðiên nói:
- Ông niệm chú mà gạch ngói muốn phang ông thì ông niệm làm chi?
- Thế thì đệ tử không niệm nữa.
- Không hề chi, để ta dạy ngươi mấy câu này, ngươi gặp gạch ngói thì nói:
Ông gạch ngói ơi,
Con xin lạy ông,
Con không niệm chú,
Ông đừng phang con.
- Bạch sư phụ, thế thì con phải làm sao đây?
- Ông lấy tăng bào của ta mặc vào, tăng mạo của ta ông đội lên, rồi ta sẽ dạy ông mấy câu, ông đi lên Tô Ðê của Tây Hồ ở cửa Tiền Ðường, gặp Lãnh Tuyền đình sẽ đứng lại và nói lớn:
Lý Quốc Nguyên, Lý Quốc Nguyên!
Khỏi phải lên chùa tìm Tế Ðiên
Mười lạng bạc ròng đưa ta đủ
Trong lưng còn đúng 360 tiền.
Lão đạo sĩ muốn không đi, ngặt nổi trong miếu một đồng cũng không có, còn đi thì thật là khó coi. Mọi khi đạo sĩ đi ra ngoài áo quần chải chuốt lắm, hôm nay không còn cách nào khác hơn được đành phải mặc áo rách nát của Tế Ðiên vào rồi nói:
- Bạch sư phụ, con đến đó nói như vậy ba lần, rồi sẽ có việc gì xảy ra?
- Ông chỉ cần đi đến đó nói ba lần như vậy rồi sẽ có ngưòi đến hỏi. Hòa thượng ta thuyết pháp hóa chút duyên nhỏ sẽ đủ cho thầy trò ông chi dùng.
Lão đạo sĩ không còn cách nào khác để làm, đành phải ra khỏi Tam Thanh quán, mặt cúi gầm xuống sợ gặp phải người quen. Hai bên đường người quen biết với đạo sĩ không phải là ít. Có người nhìn thấy ông, nói:
- Ai như là Lưu đạo gia ở Tam Thanh quán vậy cà? Sao mà ra nông nổi thế? Bình thường ông ta có tiền lắm mà!
Có người nói:
- Chắc là nướng sạch rồi, đạo gia đó chớ ai. Thiệt là người mê bạc!
Lão đạo sĩ nghe thấy hết, nhưng không dám trả lời, cứ cắm đầu đi thẳng về phía Lãnh Tuyền đình ở Tô Ðề nơi Tây Hồ. Khúc này là con đường lớn, người qua lại nhộn nhịp, lão đạo sĩ đứng tại Lãnh Tuyền đình la lớn:
Lý Quốc Nguyên, Lý Quốc Nguyên!
Khỏi phải lên chùa tìm Tế Ðiên
Mười lạng bạc ròng đưa ta đủ
Trong lưng còn đúng 360 tiền.
Lão đạo sĩ hô to ba lần như vậy, người ta bu lại khá đông, ai nấy bàn bạc lăng xăng, có người cho ông ta là thằng điên, có người đoán chắc là muốn tìm Lý Quốc Nguyên. Ðang lúc mọi người bàn tán thì có hai người đi lại. Người kia nói:
- Này hiền đệ, ta nói Tế Công là bậc tiên tri mà.
Hai người đi lại gần, lão đạo sĩ nhìn thấy, người đi trước ăn mặc theo lối phú ông, còn người đi sau phục sức ra dáng nam sinh công tử. Khi hai người đến trước lão đạo sĩ, vị viên ngoại nói:
- Ông đạo sĩ này chắc hại Tế Công rồi mới lấy quần áo của người mặc vào đây chứ gì?
Lão đạo sĩ nói:
- Tôi đâu có hại Tế Công, trái lại Tế Công hại tôi thì có, ông ấy ăn uống sạch hết gia tài tôi, bây giờ tôi chỉ còn mỗi cái quần! Xin hỏi hai vị quý danh là chi?
Nguyên vị nam sinh công tử tên là Lý Quốc Nguyên, nhà ở Thanh Trúc Lâm nơi An Lâm, kế ngã tư Hồ Ðồng. Anh ta vốn là một nhà giàu, mới vừa đậu tú tài, cưới vợ là Lan thị rất là hiền thục. Bỗng nhiên Lan thị mắc bệnh điên, rước nhiều thầy chữa trị vẫn không khỏi. Lý Quốc Nguyên vì thế rất lo rầu, anh ta có một người bạn tên là Lý Xuân Sơn đang dạy học ở nhà quan họ Ðỗ.
Một ngày kia, Lý Quốc Nguyên đi tìm Lý Xuân Sơn than thở việc vợ mình mắc bệnh điên uống thuốc nhiều thầy không hết.
Lý Xuân Sơn nói:
- Trong từ đường của Ðỗ đại nhân của ta có một lá Ngũ lôi bát quái thiên sư phù. Ðó là món báu vật trấn gia. Ta hỏi mượn chắc ông ấy không cho, để ta lén lấy cho hiền đệ mượn treo ở trong nhà, hễ có yêu quái gì cũng bị xua đuổi đi hết.
- Phải đó, thẳng như mượn được trị bệnh cho vợ tiểu đệ xong sẽ hoàn trả lại cho anh ngay.
Lý Xuân Sơn bèn vào từ đường mở rương lấy Thiên sư phù đem ra. Ðó là chiếc hộp chạm trổ rất khéo.
Lý Xuân Sơn nói:
- Ðây là bảo vật truyền gia của Ðỗ đại nhân, ta lén mượn cho hiền đệ, ngàn muôn lần phải nên cẩn thận nhé! Hiền đệ đem về treo khoảng hai tiếng đồng hồ, tà ma đi rồi nên mau mau đem trả lại cho ta.
- Ngày mai tôi sẽ đưa lại.
Lý Quốc Nguyên nói xong, cáo từ đi vừa nghĩ: "A, sáng giờ mình chưa ăn gì hết định đến rủ anh Lý Xuân Sơn đi ăn sáng, nào dè mắc nói chuyện linh phù mà cơm nước gì quên ráo. Bây giờ phải kiếm cái gì ăn đã". Nghĩ rồi ghé quán rượu trước mặt bên đường. Bên trong quả nhiên bạn hữu ngồi đầy. Ai nấy đều đứng dậy mời gọi:
- Lý tiên sanh, xin lại ngồi cùng bàn uống cho vui.
Lý Quốc Nguyên nói:
- Xin cảm ơn hai vị, tôi còn phải nói chuyện riêng với người bạn nữa.
Nói rồi vào bên trong tìm một cái bàn trống ngồi xuống kêu rượu. Uống được vài chén lại nghĩ: "Người ta đã mời mình, mình không mời lại người ta, vậy đâu phải lẽ". Nghĩ thế bèn đứng dậy đi đến các bàn quen mời rượu. Mời xong trở lại bàn thì bỗng nhiên đứng đờ ra đó: Ngũ lôi thiên sư phù không cánh mà bay.
Hồi thứ 9
Triệu Văn Hội Tây Hồ mời Ðạo Tế
Túy Thiền sư khiển tướng trộm linh phù
Có thơ rằng:
Tiêu Tương bến nước đón xuân sang
Băng rã hoa mai se sẽ tàn
Mong chàng giữ mãi màu son trẻ
Mỗi năm một bận ghé huyên hàn.
Khi Lý Quốc Nguyên trở về bàn thấy mất bức họa linh phù, muốn uống cũng uống không vô, muốn nuốt cũng nuốt không trôi. Thầm nghĩ: "Khổ dữ a! Mất cái gì khác mình có thể thường lại cho người ta, còn thứ này dẫu có tiền cũng đành chịu. Ðây là vật báu truyền gia của nhà họ Ðỗ, thảng như việc này bị tiết lộ ra ngoài, há chẳng hại huynh trưởng sao!". Nghĩ thế rồi vội kêu thính tiền. Tài phú nói:
- Ông tại sao không ăn cơm?
Lý Quốc Nguyên nói:
- Ta bận việc gấp.
Cũng không đòi tiền thối, lật đật trở về nhà. Về đến nhà kêu mấy đứa ở tâm phúc lại, nói:
- Ta vừa bị đánh cắp ở tiệm cơm một cuộn Ngũ lôi bát quái thiên sư phù, các ngươi ráng đi dò xét xem nó lọt vào tay tên trộm nào. Nếu gặp thì bỏ tiền ra chuộc về. Nó là báu vật người ta cho mượn đấy.
Bọn gia nhân vâng lời chia đi các ngả, không bao lâu Lý Bệ trở về nói:
- Tôi vừa mới dò nghe rõ là: Hồi nãy chủ gia đang uống rượu trong quán, linh phù bị tên Bạch tiên tặc trộm đi đem bán cho Lưu chưởng quỹ ở tiệm bán đồ cổ. Chưởng quỹ lại là chỗ quen biết với phủ Thừa tướng. Hiện tại Thừa tướng đã mua linh phù với giá 500 lượng đem treo trấn trạch ở Các Thiên lâu rồi. Lý Quốc Nguyên nghe nói, lắc đầu than thở:
- Nếu còn ở tiệm bán đồ cổ, ta còn có thể bỏ tiền ra mua về, chớ còn rơi vào phủ Thừa tướng, luận về nhân tình thế lợi ta đều kém xa ông ấy.
Còn đang than thở, bỗng nghe có tiếng gõ cửa, Quốc Nguyên bảo gia nhân ra xem, thì ra người đến là Lý Thiếu Chưởng, con trai của Lý Xuân Sơn. Lý Thiếu Chưởng nói:
Hồi nảy chú đi rồi, nghe bên nhà của Ðỗ đại nhân nói ngày mai có cúng tế, cha cháu bảo qua lấy Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về, đợi vài ngày sẽ cho chú mượn dùng.
Lý Quốc Nguyên nói:
- Cháu về trước đi, bức linh phù của ta mới vẽ có một quái, hãy còn một ít chưa xong, hiện để đằng tiệm vẽ, lát nữa ta sẽ đem tới, cháu khỏi phải lại lấy.
Lý Thiếu Chưởng đi rồi, Quốc Nguyên càng quýnh hơn nữa. Chính lúc khó khắn đó, người nhà lại báo có Triệu viên ngoại tới. Lý Quốc Nguyên chạy ra xem, quả là Triệu Văn Hội, bạn tri kỷ của mình, vội đến trước chào hỏi:
- Chào huynh trưởng, lâu quá mới ghé tiểu đệ.
Triệu Văn Hội nói:
- Hôm nay ta rủ hiền đệ lên núi Thành Hoàng chơi rồi trở về Vọng giang lâu ở đường Thiên Chu uống rượu nhìn khói sóng trên con sông bậc nhất trong thiên hạ.
Lý Quốc Nguyên nói:
- Xin đại ca thứ lỗi, hôm nay tiểu đệ có một việc bận tâm lắm không thể nào bồi tiếp đại ca được. Xin mời đại ca vào trong này ngồi.
Vào đến thư phòng, Quốc Nguyên mới đem việc bị mất thiên phù kể lại. Triệu Văn Hội nói:
- Không hề gì, việc đó để cho ta lo. Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ là vị Phật sống thời nay đó. Chúng ta sẽ đi đến đó để cầu lão nhân gia giúp đỡ. Ta chắc chắn Thiên sư phù có thể thâu hồi mà bệnh của thím nó cũng lành mạnh được. Ngài thật là bậc thần thông quảng đại, Phật pháp vô biên.
Lý Quốc Nguyên nghĩ: "Ta có nghe danh mà chưa gặp mặt người. Thảng như mời Ngài được, ta phải mang tiền theo để đãi Ngài một bữa". Nghĩ thế bèn đem theo mười lạng bạc và 400 tiền cùng Triệu Văn Hội ra đi. Mua một gói trà hết 40 đồng rồi cùng nhau đi tới trước. Thật là:
Mười dặm đê dài cầu sáu chiếc
Một cây liễu biếc tiếp cây đào.
Tại sao con đê này lấy tên là Tô Ðê Xuân Hiểu? Nguyên Hồi Tô Ðông Pha làm Thái thú đất này đã cho sửa sang con đường đê, tháng ba tiết xuân, đào liễu khoe tươi. Trong hồ có Hồ Tâm Ðình, nhìn về Nam có Lôi phong tháp ở Nam Bình Sơn, sườn núi Bắc có vườn mai của Lâm Hòa Tịnh, ngó sang Tây có mộ Nhạc Vương và mộ Tô Tiểu Tiểu. Thật là cảnh trí nên thơ. Hai người đi đến Lãnh Tuyền đình nghe trong đám người có tiếng hô:
Lý Quốc Nguyên, Lý Quốc Nguyên!
Khỏi phải lên chùa tìm Tế Ðiên
Mười lạng bạc ròng đưa ta đủ
Trong lưng còn đúng 360 tiền.
Triệu Văn Hội nghe hô, nói:
- Này hiền đệ, Thánh tăng Ngài biết trước hết, đang ở đây chờ chúng ta đó.
Ðến chừng vẹt mọi người ra nhìn thì thấy chỉ có y phục của Tế Ðiên mà người chẳng phải là Tế Ðiên, Triệu Văn Hội mới bước tới nắm áo đạo sĩ hỏi:
- Hay cho lão đạo này, ông đã làm hại Tế Công còn toan giở trò gạt gẫm gì nữa đây?
Lão đạo sĩ nói:
- Trái lại, tôi còn bị Tế Công hại nữa là đằng khác. Thầy trò chúng tôi nuôi người đến quần áo bán sạch chẳng còn. Người mới dạy tôi mấy câu này bảo ra đây nói to như vậy.
Triệu Văn Hội hỏi:
- Hiện giờ Tế Công ở đâu? Ông hãy đưa chúng tôi đến gặp mặt.
Lão đạo sĩ bèn đưa hai vị về Tam Thanh quán. Triệu Văn Hội nhìn thấy trong miếu xác xơ không còn thứ chi hết. Bốn tên đạo đồng trần truồng như nhộng. Tế Ðiên cũng đánh trần trên một chiếc ghế. Triệu Văn Hội nói:
- Bạch sư phụ, đệ tử là Triệu Văn Hội xin kính chào sư phụ.
Rồi kêu Lý Quốc Nguyên đến tham kiến Thánh tăng. Lý Quốc Nguyên nhìn thấy Tế Ðiên giống hệt như một tên ăn mày, ngặt nể mặt Triệu Văn Hội, bất đắc dĩ phải tới thi lễ. Tế Ðiên hỏi:
- Hai ông tới đây có việc gì?
Triệu Văn Hội mới đem tình tiết mất Ngũ lôi bát quái thiên sư phù thuật lại.
Tế Ðiên nói:-Không hề chi.
Rồi kêu lão đạo sĩ cởi quần áo ra đoạn mặc vào, lại lấy mười lạng bạc của Quốc Nguyên giao lão đạo sĩ để chuộc đồ về. Tế Ðiên cùng hai người rời khỏi Tam Thanh quán đến nhà Lý Quốc Nguyên. Tế Ðiên nói:
Ðể ta trị bệnh cho vợ ngươi trước rồi sẽ tìm Thiên sư phù sau. Mà điều này nữa là ta trị bệnh cho vợ ngươi, một lát nữa có níu nó lại hay vật nó ngã lăn, ngươi cũng đừng quan tâm đến nhé!
Lý Quốc Nguyên nghe nói lặng thinh giây lát.
Triệu Văn Hội nói:
- Này hiền đệ, chớ có nên nghi ngờ. Tế Ðiên là vị Phật sống đương thời quyết không có điều càn rỡ đâu. Nếu không phải là người có phẩm cách đáng tin cậy, ta cũng không mời đến đâu.
Lý Quốc Nguyên nói:
- Vậy thì được.
Bèn đưa Tế Ðiên thẳng lên phòng. Cửa phòng đã khóa chặt. Lan thị cột bằng sợi lòi tói, a hoàn vú em đều đã lánh xa, sợ con điên nổi lên bị đánh. Khóa vừa mở, Lan thị dòm ra thấy phía ngoài có một vị Hòa thượng kiếc, liền chạy ra rượt. Tế Ðiên chạy đến trong viện thấy có một cái bầu nuôi cá bèn đem trút cá ra, day về phía Lan thị hô:
- Hay dữ a, có mau ra không. Không ra thì mày chết với ta nhé!
Vừa la vừa chạy, Lan thị chạy xà quần ráng sức rượt theo, trong miệng vọt ra một cục đàm lớn, tức thì tâm thần định tỉnh lại, tự hỏi: "Tại sao ta lại ở đây?". Lúc đó có người vú em gan dạ, lật đật lại dìu đỡ. Tế Ðiên móc một cục thuốc bảo người nhà đem nước lại hòa cho uống.
Nguyên bệnh của Lan thị là bởi đàm mê tâm khiếu, do gặp việc rối rắc gây nên. Nhân vì nàng ta vốn có một đứa em tên là Lan Ðình Ngọc, hay giao du với bọn người vô lại, đem một phần gia nghiệp tiêu sạch sanh rồi. Ngày kia y tìm đến Lan thị mượn tiền, bảo rằng để đi buôn bán. Cốt nhục tình thâm, không nỡ để em nghèo khổ, nàng mới lén chồng lấy cho em mượn mấy trăm lượng bạc. Có tiền trong tay, Lan Ðình Ngọc cùng lũ bạn bè du thủ du thực rủ nhau tiêu sạch. Một ngày kia lại tìm đến chị của hắn bảo đem tiền đi mua bán, giữa đường bị bọn cường đạo cướp hết, xin mượn thêm ít trăm lượng để buôn bán lại, tính gộp số tiền mượn trước và sau trả một lần. Lan thị lại lén lấy tiền cho em mượn lần nữa. Một hôm Lan thị đang ngồi trong hoa viên thấy Ðình Ngọc lại đến, trên thân quần áo rách te tua, trong lòng vừa buồn vừa giận, đàm dâng nghẹt làm mê đi, nhân đó phát điên. Hôm nay chạy rượt theo Hòa thượng, cục á đàm trong ngực trơn vọt ra được. Quốc Nguyên rất bội phục bèn mời Tế Ðiên về thư phòng đãi rượu. Ðương lúc uống rượu, bên ngoài có người nhà đi vào thưa có Lý Thiếu Chưởng đến thúc lấy Ngũ lôi bát quái thiên sư phù. Lý Quốc Nguyên bảo người nhà ra nói:-Một lát nữa ta sẽ đích thân đem sang.
Ðoạn thưa với Tế Ðiên:
- Bạch sư phụ, bây giờ phải làm sao?
- Lát nữa, ta trở về chùa mượn ông Vi Ðà đi trộm Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về cho ngươi.
- Bạch sư phụ, ông Vi Ðà trong chùa bằng đất nặn làm sao có thể trộm đồ vật được?
- Ðược chớ, ông Vi Ðà trong chùa ta hay can thiệp đến chuyện tào lao lắm.
- Bạch sư phụ, bây giờ chúng ta đi thỉnh nhé.
- Ðể ta đi gặp ông ấy thương lượng xem, ông ấy muốn lấy công bao nhiêu tiền. Mượn ông ấy đi không chẳng được đâu. Các ngươi ở nhà uống rượu chờ ta, ta đi một lát rồi trở về uống rượu nữa.
Tế Ðiên nói rồi đứng dậy đi ra, hai người đưa ra cửa, trở vào, Quốc Nguyên hỏi:
- Triệu huynh nè, anh nghe lời Hòa thưọng nói có thiệt không?
Triệu Văn Hội nói:
- Ta cũng không biết thiệt hay là giả nữa. Lần trước ở nhà Châu Bán Thành vác tượng Vi Ðà bắt yêu quái, chuyện đó có thiệt rõ ràng.
Hai người bảo dọn dẹp tiệc rượu. Mãi đến khi đỏ đèn, hai người càng lo lắng thêm, sợ e cửa thành đóng lại bỏ Tế Ðiên kẹt lại bên ngoài. Ðang nói chuyện, thấy Tế Ðiên bước vào, hai người mừng quá cùng nói:
- A, có sư phụ về rồi.
Tế Ðiên nói: Thiệt tức chết đi thôi!
-Triệu Văn Hội hỏi: Ai làm sư phụ giận thế?
Tế Ðiên nói:
- Cái ông Vi Ðà Trong chùa ta thiệt đáng giận. Bình thường hễ ta đi đâu ông ấy nói Tế sư phụ, có việc gì sai bảo tôi với. Vậy mà bữa nay ta trở về, ông thấy mặt dương dương không thèm nhìn ta lấy một tí. Ta đấu dịu ông ấy:-Này lão Vi, ta kiếm được cho ông một việc đây. Ông ấy hỏi việc gì, ta mới đem việc nhờ ông ấy đến Các Thiên lâu ở hoa viên phủ Thừa tướng trộm giùm Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về và hỏi ông ấy đòi bao nhiêu. Ông ấy một mực đòi giá cao.
Lý Quốc Nguyên và Triệu Văn Hội đều hỏi:
- Ông ấy đòi bao nhiêu tiền?
Tế Ðiên nói: Ông ấy đòi năm điếu tiền, ta tính công cho ông ấy 500 tiền.
Lý Quốc Nguyên nói: Năm điếu tiền đâu có đắt!
Tế Ðiên nói:
- Ban đầu ông ấy cứ giữ giá nhất định, nói chỉ có hai điếu tiền, ít quá đi không được. Ta mới nói, nếu ông chịu bớt ta thêm cho ông 500 tiền nữa, chớ nhiều quá không được. Ông ấy chê ít quá không đi, cho nên cuộc thương lượng bất thành. Ta ra khỏi chùa, ngang chùa Ðại Phật, gặp ông Vi Ðà ở chùa này. Thấy ta còn đằng xa, ông ấy lên tiếng hỏi ta đi đâu đấy? Ta nói kiếm cho ông một việc mà ông có đi không? Ông ấy hỏi là việc gì. Ta mới bảo ông ấy là đi lấy linh phù. Ông ấy nói:-Sao ông không bảo ông Vi Ðà ở chùa ông trước? Ta nói, đã có nói rồi mà ông ấy đòn tiền chuộc mắc quá. Ông ấy đòi ba điếu tiền mà ta chỉ trả 500 tiền, không thể hơn được. Ông ta nói:-Tôi không thể lấy ít hơn được, lấy ít hơn thì có lỗi với ông Vi Ðà ở chùa ông sao? Ta nói:-Ta cũng không thể chi nhiều hơn được. Cuộc thương lượng lại bất thành.
Lý Quốc Nguyên nghe nói giữ giá không đổi cũng không biết làm sao. Tế Ðiên nói:
- Ta lại đi nữa, đi đến chùa Tử Trúc. Ông Vi Ðà ở chùa này bị đói meo, thấy ta ở đằng xa vội kêu rối rít. Ta mới đem việc lấy linh phù ra nói, ông ấy chịu đi ngay. Ông ấy nói lát nữa sẽ đến, tiền công bao nhiêu cũng được.
Lý Quốc Nguyên hỏi: Chừng nào ông ấy đến?
Tế Ðiên nói: Chúng ta ăn cơm xong, bảo bầy trẻ dọn một cái bàn, ta kêu một tiếng thì ông ấy sẽ đến ngay.
Lý Quốc Nguyên hối dọn cơm xong, và bảo gia nhân chuẩn bị những thứ cần dùng để ở trong nhà.
Tế Ðiên nói: Các ông đừng nóng, chờ một lát sao mọc tỏ rạng đã.
Tế Ðiên bước ra sân, hô:
- Có ta đây, có ta đây! Tây Hồ Linh Ẩn Tế Ðiên tăng! Vi Ðà không đến còn đợi chừng nào?
Tức thì ở nửa tầng không có tiếng đáp lại:
- Ngô thần đã đến.
Hồi thứ 10
Triệu Bân đêm dọ Các Thiên lâu
Anh hùng trượng nghĩa cứu công tử
Thơ rằng:
Bọt nước phù hoa bã lợi danh
Lửa hồng đốt rụi cả mày xanh
Sang hèn giàu có thay phúc chốc
Trí nhân tạng mắt chỉ cười lành.
Tế Ðiên đang ở trong nhà đốt hương thỉnh Vi Ðà, thì nghe trên nhà có tiếng hô to:-Ngô thần đã đến.
Thật ra người đến không phải là Vi Ðà thật mà là người ở huyện Ðơn Dương, phủ Trấn Giang, họ Triệu tên Cửu Châu cưới vợ là Mai thị sinh chỉ được một đứa con trai đặt tên là Triệu Bân, tánh tình lãng mạn, nhưng không kém phần cứng rắn, được cha truyền võ nghệ quyền bổng, kể ra cũng có hạng. Triệu lão anh hùng suốt đời chỉ dạy dỗ có hai đồ đệ. Ðại đồ đệ chính là Oai trấn bát phương Dương Minh ở huyện Ngọc Sơn, Giang Tây. Nhị đồ đệ chính là Y Sĩ Hùng làm cận tướng cho Ðông lộ tiêu đầu. Triệu Cửu Châu mắc bệnh nặng, kêu Mai thị lại bên giường nói:
- Sau khi ta chết rồi, ngàn muôn lần bà đừng cho Triệu Bân đi làm bảo tiêu nhé. Nó hẹp hòi tự đại cuồng ngạo không biết gì chỉ tổ làm mất chút hư danh của ta truyền lại cho đời sau mà thôi.
Nói rồi xuôi tay tắt nghỉ. Mẹ con Mai thị lo việc tang ma đã xong, của cải còn lại cũng đủ sống qua ngày. Triệu Bân nhờ có gia tư của cha để lại đủ sống nên không phải làm việc chi, rảnh tay giao du với mấy người bạn ở xóm, một người tên là Tần Nguyên Lượng, trác hiệu là Phi thiên hỏa tổ, còn một người nữa tên là Mã Dao Hùng, trác hiệu là Lập địa ôn thần. Hai người này trong giới lục lâm, cùng kết bạn với Triệu Bân. Một ngày kia ba người cùng nhau ăn cơm, Tần Nguyên Lượng nói:
- Này Triệu hiền đệ, hiền đệ có biết chúng ta đang làm gì không?
Triệu Bân nói:
- Em thực không biết hai anh đang buôn bán vật chi.
Tần Nguyên Lượng nói:
- Chúng ta đều làm nghề giặc cướp đây, không phải là làm những tên giặc hái hoa gian dâm tầm thường đâu mà là chuyên đi trộm của nhà giàu giúp đỡ nhà nghèo, giết tham quan, chém ác bá, trừ bạo an lương, chuyên can thiệp những chuyện bất bình thường. Nhân vì yêu hiền đệ là người có tài, muốn kéo hiền đệ nhập bọn để hành hiệp tác nghĩa đó thôi. Ta có đem theo một bộ đồ da hành dành cho hiền đệ đây.
Nói rồi, lấy đưa cho Triệu Bân một cái túi vải. Triệu Bân mở ra xem thấy bên trong những thứ đi đêm đều đầy đủ, và cũng từ hôm đó Triệu Bân cùng hai bạn đang đêm thường đi trộm của người giàu giúp kẻ nghèo. Một hôm Triệu Bân bỏ quên bọc đồ ở nhà, Mai thị mở ra xem thấy áo dạ hành. Vợ Triệu Cửu Châu có từng thấy qua đồ dùng luyện võ của chồng nên biết được. Lúc đang xem thì Triệu Bân từ ngoài đi vào. Mai thị thấy mặt con đùng đùng nổi giận mắng:
- Triệu Bân, cha mi thân danh làm bảo tiêu một đời anh hùng, danh tiếng vì mi mà tiêu hết, bây giờ mi lại đi làm giặc cướp hử? Con ơi là con! Ta đập đầu chết phức cho rồi, không sống làm chi nữa!
Triệu Bân vội thưa:
- Xin mẹ đừng giận, mẹ không muốn con làm giặc thì con xin thôi không làm giặc nữa.
Mai thị bảo:
- Mi đem đồ dạ hành đốt đi, ném dao đi nhé!
Rồi lại nghĩ: "Chỗ này ở không khá rồi, bắt nó đoạn tuyệt với đám bạn bè này rồi, tụi khác lại rủ rê nữa!". Lão thái thái muốn bắt chước phương pháp Mạnh mẫu dời nhà để dạy con, bèn vội bán hết đồ đạc trong nhà, chỉ mang theo vàng bạc và đồ tế nhuyễn cùng con đến Lâm An phủ ở Kinh sư, mướn nhà của Vương Hùng bán trái cây ở hẻm Thanh Trúc, ngõ Hồ Ðồng. Ở đây Triệu Bân cũng không làm việc gì. Mẹ của Vương Hùng là Vương lão thái thái thấy vậy mới nói:
- Triệu lão thái nè, tại sao không bảo thằng bé đi buôn bán với người ta? Ở nhà lần khân ăn mãi núi cũng hết nữa là!
Mai thị nói:
- Cháu bé nó từ nhỏ đã chẳng làm việc gì, nên bây giờ chẳng biết việc chi để làm.
Vương lão thái nói:
- Thì bảo nó theo thằng nhỏ nhà tôi lên hàng trái cây mua về bán lại, tập riết rồi quen.
Mai thị nghĩ cũng phải, về bàn với con, Triệu Bân cũng đồng ý. Hôm sau Triệu Bân đem theo hai điếu tiền cùng Vương Hùng lên hàng trái cây tươi ngon. Vương Hùng nói:
- Anh mua chỗ trái cây này rẻ lắm đấy, tính ra lời cũng phải gấp đôi, người ta trả đúng bốn điếu mới bán nhé, anh liệu mà đi bán đi.
Triệu Bân ăn bánh xong, xách giỏ nhỏ ra đi, gặp người ta không dám mời rao, đi qua mấy con đường ở Hồ Ðồng, người ta cho là đưa lễ vật đi tặng vì bộ dáng không giống người đi buôn bán nên chẳng có ai mua hết. Triệu Bân đi đến ngõ Phụng Sơn, thấy mé Bắc có một tòa cổng lớn giống như nhà quan, trong cổng có treo một tấm bảng to, Triệu Bân xách giỏ trái cây để trên đất, rồi ngồi ngay trước cổng ngây người nhìn giỏ trái cây của mình. Một lát bên trong có một vị viên ngoại đi ra tiễn khách, vị viên ngoại đó mình cao tám thước, vai hổ lưng gấu, mặt như giấy ô kim, mày cong mắt lộ, họ Trịnh tên Hùng, người ta thường gọi là Thiết diện thiên vương. Vốn dòng dõi thế gia, lại đỗ Võ tiến sĩ, ông ta ở nhà thường thấy nghĩa quyết làm, ưa thích việc thiện. Hôm nay đưa khách ra cửa, thấy Triệu Bân tướng mạo khác người đang ngồi bơ phờ bèn đem lòng ái mộ, hỏi:
- Này bạn, bạn làm gì ngồi đây?
Triệu Bân đáp: Tôi bán trái cây.
Trịnh Hùng hỏi: Bạn bán bao nhiêu tiền giỏ trái cây này?
Triệu Bân đáp: Giỏ trái cây này tôi mua hai điếu vốn, phải bốn điếu mới bán được.
Trịnh quan nhân bảo người nhà xách giỏ trái cây vào và lấy bốn điếu tiền đem ra trả. Trịnh Hùng lại hỏi:
- Này bạn, chắc bạn chưa từng buôn bán phải không?
Triệu Bân nói:
- Hôm nay tôi mới bán lần đầu.
Nói rồi cầm bốn điếu và xách giỏ về, nói với mẹ là hôm nay lời được hai điếu. Hôm sau lại cùng với Vương Hùng ra chợ đếm hai điếu trái cây, trở về nhà ăn cơm xong, không đi chỗ nào khác lại xách giỏ trái cây đến đường Phụng Sơn nơi nhà Trịnh Hùng, để giỏ trái cây đó ngồi chờ. Chờ mãi đến xế trưa, Trịnh Hùng mới ra cửa. Vừa ra tới cửa, Triệu Bân kêu lại nói:
- Ông đừng đi, tôi đưa trái cây lại cho ông đây.
Trịnh Hùng hỏi: Ai bảo bạn đưa đến vậy?
Triệu Bân nói: Ông lấy đem vào nhà thì tôi khỏi đem chỗ khác bán nữa.
Trịnh Hùng nói: Cái này là bạn muốn chớ tôi đâu muốn. Chi bằng mỗi ngày tôi bỏ ra hai điếu cho không bạn có được không?
Triệu Bân nói: Ðược chớ.
Trịnh Hùng nghe vậy cũng vui, nói:
- Bữa nay để trái lại đây, ngày mai đừng đem tới nữa. Tôi không cần đâu.
Nói rồi kêu gia nhân lấy bốn điếu tiền ra đưa cho. Triệu Bân nghe nói cũng buồn, dễ gì bán được giá như đã liệu, lại mất một mối rồi! Triệu Bân cầm tiền trở về nhà và từ đó tập buôn bán lặt vặt, có khi được lời có khi lỗ vốn. Một hôm, nhân vì Hoa thái tuế Vương Thắng bắt cóc con gái người ta đi dạo Tây Hồ. Triệu Bân giữa đường gặp chuyện bất bình, đánh chết ba mạng người, may nhờ Tế Công cứu khỏi và nhận Tế Công làm sư phụ. Hôm nay Tế Ðiên ra khỏi nhà Lý Quốc Nguyên chính là đi tìm anh chàng bán trái cây Triệu Bân đó. Tế Ðiên nói:
- Này Triệu Bân, đi uống rượu với ta chơi.
Triệu Bân cùng với Tế Ðiên vào tửu quán uống rượu.
Tế Ðiên nói: Bữa nay ngươi giả làm Vi Ðà một lát nhé.
Triệu Bân hỏi: Tại sao phải giả làm Vi Ðà?
Tế Ðiên mới đem việc Lý Quốc Nguyên đánh mất Ngũ lôi bát quái thiên sư phù, nó lại rơi vào Các Thiên lâu nơi hoa viên ở phủ Thừa tướng, và bảo Triệu Bân đi lấy nơi trộm đem về. Ðến nhà họ Lý giả dạng Vi Ðà che mắt chúng nhân.
Triệu Bân nói: Tôi không biết nhà Lý Quốc Nguyên ở đâu.
Tế Ðiên nói: Ðể ta đưa ngươi tới đó.
Uống rượu xong, trả tiền rồi dẫn Triệu Bân đến cổng nhà họ Lý, Tế Ðiên nói:
- Tối nay ngươi đến nhà làm như vậy, như vậy nhé!
Triệu Bân gật đầu trở về nhà, nói với mẹ:
- Sư phụ Tế Công bảo con tối nay giả làm ông Vi Ðà!
Mai thị hỏi: Sao phải giả làm ông Vi Ðà?
Triệu Bân nói: Sư phụ bảo con giả làm ông Vi Ðà đến tướng phủ tìm Ngũ lôi bát quái thiên sư phù.
Mai thị biết Tế Ðiên là ngươi tốt, nếu không phải là việc của Tế Ðiên sai bảo, tối nay cũng không cho con đi. Triệu Bân thay đổi y phục, giắt một con dao thái rau, trời vừa tối, để mẹ khỏi mở cửa, Bân vượt tường đi ra. Ðến nhà họ Lý, nằm mọp trên nóc nhà trong bóng tối chờ sẳn. Nghe Tế Ðiên gọi Vi Ðà sao không đến còn đợi chừng nào, Triệu Bân ứng tiếng đáp lại:-Ngô thần đã đến.
Tế Ðiên nói:
- Này lão Vi, ông hãy đến Các Thiên lâu ở hoa viên Tần tướng phủ lấy Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về cho ta nhé.
Triệu Bân nói:
- Xin tuân pháp chỉ.
Nói rồi vượt nhà nhảy tường đi về phía phườngTần Hợp. Ðến hoa viên tướng phủ thấy hoa viên quá lớn, không biết tòa nào là Các Thiên lâu! Thật là:
Thủy các lương đình,
Lâu đài san sát,
Hoa nở bốn mùa chẳng dứt,
Cỏ xuân tám tiết còn hoài.
Nhảy xuống bờ tường, Triệu Bân đi tìm khắp nơi, tìm đến Ðông bắc, riêng có một cái nhà đó là Bắc phòng, ánh sáng chập chờn, hai bên đều có nhà phụ. Trong Bắc phòng ánh đèn chập chờn, bóng người lay động, Triệu Bân đi đến phòng đó, ở bên ngoài lấy lưỡi thấm nước miếng xoi thủng giấy cửa sổ nhìn vào. Cách chõng tre trước mặt, một cái bàn bát tiên để sát vách với hai cái ghế. Trên tường, thanh đơn đao lấp lánh ánh bạch lạp để trên bàn. Hai người ngồi đối diện ở bàn uống trà. Người ngồi phía Ðông, tuổi độ ngoài 60, da mặt hơi trắng, hai đạo lông mày kiếm trên đôi mắt hình ba góc, với chùm râu ngà bạc, đầu đội khăn màu lam bốn góc, mình mặc áo bào lam hào hoa. Ðối diện là một vị chừng 30 tuổi, đầu đội mũ tráng sĩ màu xanh, mình mặc áo tiễn tụ bào màu xanh, lưng thắt dây tơ, quấn xà cạp rằn. Lúc đó, người già nói:
- Tráng sĩ nè, tôi đưa tráng sĩ về đây phò dưỡng lành mạnh rồi, bây giờ cũng muốn tráng sĩ giúp cho một việc, tôi chỉ mong việc này được kết quả tốt. Tôi xin đưa tặng tráng sĩ 100 lượng bạc, và đây tráng sĩ hãy cầm lấy. Dù ở chân trời góc bể nào, tráng sĩ cũng đừng tiết lộ để dây dưa đến cửa quan.
Nói rồi, ông già bèn rút trong bọc ra hai gói bạc để ở trên bàn, ánh bạc chói lấp lánh.
Vị tráng sĩ đó nói:
- Cảm tạ ơn đức tài bồi của lão trượng, nếu từ chối thì bất kính mà nhận lấy thật hổ thẹn trong lòng. Xin cho được mang tội bất kính.
Ông già nói:
- Tráng sĩ nè, cung kính không bằng nghe lời!
Bèn thấy vị tráng sĩ ấy bạc nhét vào túi rồi đứng dậy với lấy thanh đao trên vách, nói:
- Thưa lão trượng, lát nữa bất luận bên ngoài có động tịnh chi, người đừng quan tâm nhé. Lát sau sẽ có đầu người trình cho người.
Nói rồi mở cửa đi ra ngoài. Triệu Bân lật đật nép vào bóng tối, đợi người ấy đi qua khỏi, theo dõi ở phía sau, bụng nghĩ: "Chắc chắn là hắn ta đi giết người, ta phải nom theo mới được".
Thấy người ấy đi qua nhà hai tầng ở phía Tây. Qua khỏi bốn bức lục bình phong có ba gian phòng, ánh đèn mờ tỏ, hình như có tiếng đọc sách. Triệu Bân thấm nước miếng dùi giấy cửa sổ nhìn vào, thấy bên trong có một cái bàn bát tiên và hai cái ghế. Một vị văn sanh công tử đang ngồi trên ghế đọc sách, kế bên là một lão bộc đang hầu hạ.
Người kia bước vào dằn dao trên bàn nói:
- Hai chủ tớ nhà ngươi hãy cung xưng lai lịch cho rõ ràng, hôm nay ta đến lấy tánh mạng các ngươi đây!
Công tử cùng gia nhân sợ bò lăn dưới đất, nói:
- Xin hảo hán gia tha mạng cho! Người muốn hỏi chúng tôi điều gì, chúng tôi sẽ từng phần từng đoạn giải bày hết cho người.
Triệu Bân nghe nói lửa giận phừng phừng, rút dao thái rau muốn xông vào nhà can thiệp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com