Chương 3
Buổi sáng đến lớp, tôi vẫn thấy anh đọc quyển sách mà hôm qua anh đã đọc. Thấy anh chăm chú như vậy nên tôi không định quấy rầy anh mà bảo anh cứ đọc tiếp đi.
Sáng thứ ba có tiết Hóa ngay đầu tiết, mà tôi lại không có tí chữ nào về Hóa cả. Nhưng dù sao hôm nay cũng chỉ là buổi đầu học Hóa, nên trong lớp cô cũng chỉ giảng bài mà thôi. Với lại cũng đâu chỉ mình tôi là không có kiến thức Hóa trong đầu.
Nhưng ngờ đâu cô vừa vào lớp, đã kêu cả lớp lấy giấy ra làm bài kiểm tra.
"Các em lấy giấy ra làm bài kiểm tra 15 phút nhé. Kiến thức của bài ngày hôm nay cũng chỉ là kiến thức cũ từ hồi lớp 9 thôi. Với lại bài kiểm tra này làm chủ yếu là để xem trình độ lớp mình đến đâu, nên cô sẽ không lấy điểm. Các em làm được đến đâu thì làm".
Đề bài có ba câu, trong đó câu đầu là sắp xếp dãy hoạt động hóa học của kim loại, câu thứ hai là cân bằng phương trình hóa học và câu thứ ba là câu tính toán.
Chẳng hiểu gì, thực sự là tôi chẳng hiểu cái gì cả. Kể cả câu đầu tiên tôi cũng chỉ nhớ được nửa đầu thành ngữ "Khi nào may áo giáp sắt". Là K, Na, Mg, Al, Zn, với Fe.
Nhưng còn vế sau thì sao. Tôi không nhớ nổi vế sau là cái gì, nhưng nếu chỉ viết được nửa đầu thì cũng đâu có được điểm nào. Tuy rằng cô nói là không lấy điểm nhưng chẳng lẽ cứ thế nộp giấy trắng.
Mười phút trôi qua, tôi ngồi thẫn thờ nhìn đề Hóa mà chẳng làm được cái gì cả. Trong khi người ngồi cạnh đã làm xong hẳn câu ba rồi.
Quả là một chiến thần Hóa học.
Đương lúc tôi đang ngồi thẫn thờ, đột nhiên anh quay sang hỏi: "Chép không?".
Dĩ nhiên là có rồi, nhưng có chép thì cũng không nên chép lộ liễu quá. Tôi bảo anh: "Chép đến nửa câu hai thôi, lấy 5 điểm là được rồi".
Tôi như người chết đuối vô tình bắt được phao cứu sinh, chép hết đáp án của anh rồi nộp bài. Cũng không quên nói một câu cảm ơn với người đã giúp mình.
Buổi học Hóa hôm nay cũng không có gì mới, chỉ là ôn lại kiến thức cũ từ lớp chín. Tuy nói là kiến thức cũ nhưng với tôi nó vẫn rất là mới mẻ. Cũng giống như nhiều tiết Hóa khác trước đây, tôi vẫn chẳng hiểu gì cả.
Ra chơi tiết một, anh hỏi tôi có muốn ăn gì không.
Tôi không có cảm giác gì về cơn đói, nhưng nếu ăn thì vẫn ăn được. Cơ mà vẫn đang ra chơi tiết một, căng tin lại quá đông nên tôi cũng thật thà trả lời: "Tí nữa mình xuống ăn, cậu đi ăn trước đi".
Nhưng mà anh vẫn tốt bụng đưa ra lời đề nghị: "Nếu mà cậu ngại chen nhau trong đấy thì để mình mua hộ cho".
Tôi cũng chỉ cười bất đắc dĩ, bảo là hiện tại vẫn chưa đói lắm.
Có vẻ như anh vẫn chưa từ bỏ lòng tốt của mình, vẫn nài nỉ: "Đằng nào tí nữa cậu cũng xuống đấy mà, để mình mua luôn thì tí nữa cũng đỡ mất công xuống".
Cũng có lý, với lại dù sao cũng là anh chủ động muốn giúp mình, nên tôi cũng không cự tuyệt nữa mà đưa tiền cho anh.
"Như hôm qua nhé". Tôi nhường chỗ cho anh đi.
"Ừ". Anh đáp, sau đó hình bóng anh biến mất khỏi cửa.
Kể từ lần đầu gặp mặt cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn ấn tượng vì tính thân thiện và sự chủ động của anh, cảm thấy anh là một người cởi mở và dễ làm quen với người khác. Dù rằng tôi chưa bao giờ thấy anh trò chuyện với ai khác trong lớp, nhưng có vẻ lần đầu gặp ai anh cũng như vậy.
Chẳng mấy chốc mà anh đã cầm hai túi bánh và hai hộp sữa về, nhưng bánh hôm nay của anh không phải là bánh bơ.
Vẫn như hôm qua, tôi vẫn mất khoảng hai phút để ăn hết một chiếc bánh bơ và một hộp sữa. Anh vẫn từ tốn ăn hết phần của mình.
Nhưng tôi vẫn chưa đi vứt rác ngay, nhìn chiếc bánh khô khốc như vậy, tôi tự hỏi không biết vị của nó như nào.
Tôi hỏi anh: "Bánh này ăn như nào?".
Anh đáp: "Ngọt lắm, ăn thử không?".
Rồi anh xé cho tôi một miếng, tôi thử ăn, khá ngọt, nhưng là vị ngọt của đường.
"Bánh này nhiều đường quá, mình vẫn thích vị sữa của bánh bơ hơn".
"Ừ, ăn thử cho biết thôi, lần sau không mua bánh này nữa".
Trông nó cũng rất là khô nữa, nhưng không hiểu tại sao lại có nhiều người thích ăn bánh này. Chứ tôi thì ăn được nửa cái chắc cũng vứt vào thùng rác rồi.
Hết tiết một, sau đó là hai tiết Văn, nghĩ tới mà thấy mệt mỏi. Hồi cấp hai học trên trường ba giáo viên dạy Văn thì không cô nào khiến tôi thấy thích môn này, kể cả cô chủ nhiệm. Đi học thêm thì cô giáo vừa giảng vừa cho chép như một cái máy, có lẽ do tôi không đủ khả năng để cảm nhận được hết sự tinh túy của văn học. Nên tôi cũng chẳng thích môn này lắm.
Còn yêu cầu phải soạn Văn nữa. Hồi mới lên cấp hai tôi hơi bất ngờ vì cái yêu cầu này, tưởng là chỉ có cô giáo dạy năm đó yêu cầu phải soạn Văn thôi, hóa ra giáo viên Văn nào cũng yêu cầu như vậy. Mà soạn Văn thì không một đứa nào trong lớp làm hẳn hoi tử tế, toàn lên mạng để chép, ngay cả tôi cũng vậy, tại sao phải động não khi có cả một trang đáp án soạn Văn bày ra trước mặt.
Tối hôm qua tôi đã nghĩ đến chuyện soạn Văn, nhưng rồi lại thấy buổi đầu giáo viên nào cũng châm chước cho qua nên tôi cũng chẳng soạn. Đúng thật là buổi học đầu giống hệt như tôi nghĩ, cô cũng hỏi cả lớp có ai soạn Văn chưa rồi nhắc từ lần sau cô sẽ kiểm tra vở soạn.
Tôi nhớ lần trước đi nhận lớp tôi có cảm giác cô chủ nhiệm sẽ là một người khó tính dù cho cách cô thể hiện là một người dễ gần, quả nhiên đúng là thế thật, vì cô yêu cầu mọi người trong lớp đều phải có bút bi đỏ để ghi tiêu đề.
"Đối với lớp mình cô yêu cầu các bạn mỗi người phải có một cái bút đỏ để ghi đề mục của mỗi bài. Nếu viết đề mục bằng bút đỏ thì trông vở của các em sẽ dễ nhìn hơn và dễ tìm được bài hơn. Bạn nào không viết đề mục bằng bút đỏ cô sẽ yêu cầu các em viết lại bài ngày hôm đó và xé trang đó đi. Tuy nhiên vì hôm nay là buổi đầu nên nhiều em không chuẩn bị được bút đỏ trước, nên cô cũng đã mua một hộp bút bi đỏ để các em dùng".
Ừ thì việc viết đề mục bằng bút đỏ đúng là dễ nhìn và dễ tìm hơn đấy, nhưng nó cũng chỉ là hình thức trình bày bài vở. Tôi thấy việc dùng bút đỏ cũng chỉ nên để cho học sinh tự nguyện mà thôi. Chẳng hiểu tại sao cô lại bắt buộc phải làm vậy. Tôi cảm thấy đến cả cách trình bày bài vở cũng phải kiểm soát thì có phần hơi tù túng. Đối với tôi trong vở chỉ cần ghi đủ bài hôm đó là được, cách thức trình bày chỉ cần dễ hiểu là ổn.
Có phải vì đây là lớp cô chủ nhiệm nên cô muốn vở đứa nào trông cũng phải sạch sẽ gọn gàng không? Có lẽ vậy, vì cô đã bảo "đối với lớp mình", nghĩa là với lớp khác có thể cô không quan tâm đến chuyện này lắm. Nếu đúng là như thế thật cùng với việc buổi học hôm trước cô luôn nhấn mạnh đến cái mác lớp chọn thì tôi cảm thấy trong mắt cô, một học sinh lớp chọn đúng nghĩa không chỉ giỏi về mặt học tập lẫn đạo đức tốt, mà là làm bất cứ cái gì cũng phải khiến người ta phải khen ngợi, không thể chê vào đâu được.
Nếu quả thật trong mắt cô một học sinh lớp chọn đúng là phải hoàn hảo như thế thì dám chắc sau này tôi sẽ phải khiến cô thất vọng tràn trề về kết quả học tập. Mà cũng không chỉ mình tôi khiến cô thất vọng, sẽ có một số đứa trong lớp này khiến cô bực tức và không hiểu tại sao bọn nó có thể vào lớp chọn, chắc chắn là có thằng Hùng Gấu. Vì trong lớp này tôi cảm thấy rất có nhiều đứa có phụ huynh xin vào lớp chọn.
Và nếu đúng như vậy thì một năm tới sẽ có rất nhiều sự bực tức tới từ cô chủ nhiệm.
Tiết Văn đầu tiên trong năm học cứ vậy mà trôi qua, cả buổi học cô vẫn luôn thể hiện mình là người vui tính, niềm nở và thân thiện với học sinh. Nhưng tôi thì cảm thấy có vẻ như cô không thực sự là người như vậy lắm, chỉ là trong dạy học làm như vậy để tiết học thú vị hơn mà thôi.
Hết tiết, tôi ngáp ngắn ngáp dài. Còn anh thì vẫn giữ được sự tươi tỉnh như tiết đầu. Thậm chí kể cả khi tan học anh vẫn giữ được nụ cười mỉm trên môi, như thể chuyện đi học chẳng tiêu hao quá nhiều năng lượng lắm.
Nhưng dù sao có người để trò chuyện sau giờ học cũng bớt được chút mệt mỏi, cuộc sống học đường cũng bớt nhàm chán hơn.
Cậu bạn thân của anh vẫn chờ anh về chung như hôm qua. Anh vẫn chào tạm biệt tôi như cũ rồi vui vẻ cười nói cậu bạn đó.
Nụ cười ấy rất tươi, là nét cười của tuổi trẻ trong sáng và nhiệt huyết giữa hai người bạn thân với nhau. Hẳn nhiên người bạn đó và anh đã và sẽ có thêm rất nhiều kỷ niệm đẹp.
"Ê Thanh!".
Tôi vừa dắt xe ra khỏi nhà để xe, đã thấy con bé Mai dắt xe đến gần.
"Ủa chào bạn nha". Tôi cười, dắt xe đến gần chỗ nó hơn
"Hai hôm nay đi học sao rồi bạn?".
Tôi chậc lưỡi, nghĩ lại hai hôm vừa rồi thứ làm cho cuộc sống học đường bớt chán nản cũng chỉ có nói chuyện với anh, còn lại thì cũng không có gì đặc sắc.
"Chán lắm, giáo viên dạy cũng được, nhưng mà trong lớp ngoài đứa cùng bàn bắt chuyện với mình ra thì cũng chẳng quen ai. Nói chung là ngại bắt chuyện đó".
"Mình cũng thế mà, nhưng mà biết gì không? Bọn trong lớp chúng nó hút vape nhả khói kinh đéo chịu được. Mình ngồi trong lớp mà khó chịu cực luôn ý!".
Khổ thân con bé, nhưng mà cũng không làm gì được ngoài phải chịu trận.
"Nghe kinh vậy trời!". Sau đó tôi sực nhớ ra chuyện thằng Hùng Gấu, tôi bảo: "À, nhớ thằng Hùng Gấu không? Nó học lớp mình đấy".
Con Mai ngạc nhiên, trố mắt ra nhìn tôi rồi bảo: "Thật á? Vãi thật, hồi trước nghe bảo nó thi trượt trường mình thì mình cũng biết kiểu gì bố nó cũng xin cho nó vào. Nhưng mà không biết là cho xin vào hẳn lớp chọn luôn".
"Thì lớp chọn toàn đứa con ngoan trò giỏi mà, chắc bố nó cũng nghĩ tống nó vào đấy cho nó bớt nghịch lại".
"Thằng đấy tống nó vào lớp chọn cũng chỉ trầm tính hơn thôi, chứ gặp mấy thằng như thằng Đạt với thằng Hiếu lớp mình thì chả quậy nát bét cả cái lớp. Nó chả sợ ai đâu".
Con Mai trước học cùng lớp với thằng Hùng Gấu nên cũng hiểu được tính thằng đó như nào.
Tôi nhớ lại cái ánh mắt của thằng Hùng khi nhìn về phía anh rồi không khỏi tò mò đã xảy ra chuyện gì. Định thứ sáu đi hỏi cái Mai xem nó có biết gì không, nhưng mà hôm nay vô tình gặp nó luôn ở đây nên hỏi luôn.
"Ủa mà bạn biết thằng Đức hồi trước học A2 không?".
"Đức nào?". Nó hỏi lại tôi ngay lập tức. Có vẻ như nó không biết anh là ai.
"Trần Anh Đức ở bên 9A2 đó".
Nó cố nhớ lại một lúc, sau đó dường như nó đã nhớ ra được một ít thông tin vụn vặt: "À, thằng đấy mình chưa gặp bao giờ, thỉnh thoảng chỉ nghe tên thôi".
Có vẻ như không có thông tin gì hữu ích cả, tôi giải thích: "Thằng đấy hình như trước quen thằng Hùng thì phải, nhưng mà không biết hai đứa nó có thù ghét gì nhau không".
"Cái này thì mình không biết, tại thằng Hùng có nhiều đứa ghét mà. Với lại mình cũng không biết thằng Đức nên cũng không rõ chúng nó có quan hệ gì với nhau không"..
Có thể là mình nhìn nhầm thôi, hoặc nếu đúng thì có vẻ chuyện này là chuyện cá nhân xảy ra ở ngoài trường.
Cũng chẳng có thông tin gì hữu ích cả, nên tôi đành đổi sang chủ đề khác cho đến khi ai về nhà nấy.
Buổi chiều đi học thêm Toán hôm đó, con bé Linh nghỉ học. Thầy giáo nói là không hợp với phong cách giảng dạy của thầy. Vậy là chỉ còn mỗi mình tôi là đứa duy nhất không học ở Hùng Vương.
Nhưng dù sao tôi với con Linh cũng chẳng thân nhau lắm, thỉnh thoảng mới nói chuyện cùng. Học xong rồi đi về thôi. Thỉnh thoảng ngồi nghe bọn ở Hùng Vương kể chuyện cũng không đến nỗi chán.
Chỉ có điều hôm nay hơi đặc biệt một chút, vài đứa trong lớp mua đồ ăn vặt. Ban đầu tôi không định ăn chung, nhưng thằng Bảo cũng muốn tôi nhập cuộc nên tôi cũng vào. Vậy là tôi cũng cởi mở hơn với mọi người trong lớp. Phần nhiều vì cảm thấy ít nhất mình cũng được mọi người chào đón.
Buổi học ngày học ngày hôm đó tôi cảm thấy không tệ, phần lớn là vì cảm thấy mọi người vẫn nhận thức được sự hiện diện của tôi trong lớp. Nếu tính cả tôi thì trong lớp giờ chỉ còn vỏn vẹn sáu người. Đứa tôi cảm thấy ấn tượng nhất là thằng Bảo, vì nó cũng mê trai như tôi. Vừa ăn vừa nghe nó kể về một đứa trai đẹp trong lớp.
"Ê lớp tao có thằng Thành đẹp trai kinh khủng luôn. Tao ra làm quen mới biết thằng đấy hồi trước đi thi được giải ba Toán cấp tỉnh, không được tuyển thẳng vào chuyên Toán, mà điểm thi chuyên nó được hơn 40 nhưng mà điểm chuẩn lấy 41, thi trượt nên mới học trường mình bọn mày ạ".
Nghĩ lại trong lớp mình ngoài anh ra thì tôi chẳng ấn tượng với đứa con trai nào trong lớp. Thằng Phúc xếp xe thì hơi lùn, nhưng nó lại có làn da nâu với khuôn mặt chữ điền mang đậm nét thật thà, chất phác của con người thôn quê. Thằng Hùng "gấu" cũng có khuôn mặt giống thằng Phúc nhưng da trắng hơn, lại mang vẻ kênh kiệu và cao to hơn thằng Phúc. Một thằng xếp xe khác là thằng Đạt thì có thể thấy rõ tàn nhang trên khuôn mặt thon nhọn của nó. Bình thường mặt thằng Đạt lạnh tanh, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó mang dáng dấp của một đứa biết ăn chơi, thường mặc những bộ đồ hàng hiệu trông xa xỉ. Mà đấy mới chỉ là những thằng được coi là có nhan sắc trong lớp.
Có thể nói đối với tôi anh vẫn là người dễ nhìn nhất, tôi vẫn luôn cảm thấy thu hút bởi vẻ ngoài trông thư sinh, điềm đạm nhưng vẫn rất năng động đó. Cánh tay anh tuy gầy nhưng tạo cảm giác cao lớn, có lẽ anh là người chơi bóng rổ nhiều nên để lộ bắp tay nhỏ nhỏ thường thấy của trai bóng rổ. Cặp kính không gọng cùng vầng trán rộng khiến anh trông nho nhã hơn, điềm tĩnh hơn.
Chẳng hiểu sao cặp kính không gọng đó lại hợp với anh một cách kỳ lạ, vì tôi để ý thấy kính không gọng thường hợp với người trưởng thành. Có lẽ vì khí chất của anh phù hợp với cặp kính đó, và có thể nó cũng không rẻ. Có lẽ gia đình anh thuộc loại giàu, vì chưa nói đến cặp kính kia thì chiếc xe đạp thể thao anh đạp đến trường cũng khiến tôi cảm thấy vậy. Tôi để ý thấy thân xe đó vẫn còn trắng tinh, như thể nó mới được mua ít nhất hơn một tháng, có lẽ là quà anh được tặng vì đỗ cấp ba.
Nếu đúng là giàu thật thì có lẽ anh không phải người hay phô trương, khoe mẽ lắm, và thường những người như vậy lại được cha mẹ giáo dục đàng hoàng. Một người vừa có gia thế, vừa giỏi, vừa điềm tĩnh như vậy sau này cũng sẽ rất là thành đạt. Có được một người chồng như vậy thì cuộc sống sẽ trở nên an tâm hơn, vì mình có được một trụ cột vững chắc để dựa vào.
Rồi chẳng mấy chốc cái tên của anh sẽ chình ình ở trên confession mà thôi, hoặc ít nhất kiểu gì cũng có một đứa con gái thích. Những người như vậy thì thường rất thu hút người khác giới.
Đáng lẽ buổi sáng tôi thường sát giờ học mới bắt đầu đến lớp, nhưng hôm nay đến bàn tôi và bàn dưới trực nhật nên phải đến sớm hơn 15 phút. Tôi đi lau bảng, còn anh đi đổ rác, hai con bé bàn dưới thì quét lớp.
Giờ truy bài thường là khoảng thời gian đám học sinh tranh thủ mượn vở nhau chép nốt bài tập về nhà, nhưng hôm nay toàn là môn mới nên bọn học sinh ngồi mất trật tự với nhau. Tôi không thấy anh đọc quyển sách kia nữa, anh bảo rằng anh đã đọc xong quyển sách đó rồi.
"Sao, thấy thế nào?". Tôi cười hỏi.
"Hay lắm, manh mối bà rải hết trong truyện rồi nhưng mà không đoán ra được hung thủ".
Còn gì vui hơn là truyện mình thích cũng có người thích nữa chứ. Có lẽ tôi nên giới thiệu cho anh vài bộ truyện của Agatha để có người cùng thích bà giống mình.
"Nếu mà thích đọc của Agatha thì đọc "Ánh mạng đêm Giáng sinh đi", quyển đấy cũng hay mà thấy ít nổi".
"Chiều nay mình định đi mua thêm sách, đang không biết nên mua gì nên chắc là sẽ mua quyển này".
Tôi nhớ nhà xuất bản vừa phát hành sách mới của Agatha vào tuần trước, nhưng chắc là ở bên mình lúc đó vẫn chưa có luôn được nên đành để dành sang tuần này mua. Cũng may hôm nay anh cũng đi mua sách, nên cũng không phải đi một mình.
"Ế, thế chiều cho mình đi chung được không? Tuần trước mới có sách mới của Agatha nên bây giờ chắc là có rồi".
Ban đầu anh có vẻ hơi bất ngờ một chút, nhưng sau đó anh lại cười bảo: "Cũng được, mà quyển đấy là quyển gì thế?"
""Tội ác dưới ánh mặt trời", nghe bảo quyển đấy đọc cũng hay".
"Khi nào đọc xong cho mình mượn nhé?". Anh cười hỏi.
"Ừ, cũng được". Tôi mỉm cười.
Dưới sân trường bác bảo vệ đánh trống vào tiết một. Hôm nay tiết đầu tiên là tiết thể dục nên chúng tôi lũ lượt kéo nhau xuống sân trường.
Cũng may là học thể dục tiết một nên trời không quá nắng, chứ cái thời tiết oi bức dạo này mà học thể dục tiết 3 hoặc tiết 4 thì không khác gì chui vào lò nướng cả.
Tập thể dục được 20 phút thì thầy giáo cho lớp nghỉ, anh nhận lời chơi bóng rổ với bọn con trai trong lớp ở sân sau, đám còn lại thì tìm chỗ nào mát để ngồi đến hết giờ. Tôi ngồi ở ghế đá dưới bóng cây phượng gần phòng hiệu trưởng.
Tôi để ý thấy thằng Hùng Gấu cũng chơi cùng, có lẽ giữa hai người này không có mâu thuẫn gì cả, hoặc là vì không muốn mọi người biết chuyện nên giả vờ thân với nhau.
Ngồi không cũng chẳng có gì để làm, tôi lại lấy điện thoại ra để chơi game cho qua tiết.
Đang ngồi chơi hăng say thì tự nhiên nghe thấy tiếng người đến gần mình, tôi ngẩng mặt lên nhìn thì là anh. Có một ít mồ hôi ở trên trán, có lẽ anh đã ngồi nghỉ một lát rồi mới đến đây, vì anh không thở mạnh lắm.
"Đi ăn sáng không?". Anh cười hỏi
Tôi nhìn đồng hồ, còn 5 phút nữa thì tan học, nếu vào căng tin luôn bây giờ thì tí nữa sẽ không phải giành ăn với nhau.
"Có". Tôi đáp, rồi thắc mắc: "Nhưng sao không nhắn tin luôn mà phải ra tận đây vậy?".
Từ sân sau sang sân trước phải đi qua lối thông ở khán đài, chỉ có điều tôi ngồi khá xa lối đó nên đi lại sẽ mất rất nhiều thời gian.
"Nãy mình mở Mess thì không thấy cậu on, không biết khi nào cậu mới xem tin nhắn nên ra đây luôn cho đỡ phải chờ". Anh giải thích.
Thì ra là vậy, tôi quên mất ban nãy tôi tắt mạng để tránh quảng cáo trong game, kể cả anh có gửi tin nhắn thì tôi cũng chả nhận được thông báo.
"Ừ nhỉ". Tôi cười trừ, rồi nói tiếp: "Thôi, đi ăn đi".
Tôi cất điện thoại vào túi quần rồi cùng anh vào căng tin. Vì chưa tan học nên căng tin khá vắng, cũng chỉ có vài học sinh học thể dục vào ngồi. Tôi với anh đứng trước quầy rồi mỗi người chọn một bát mỳ và một chai nước, sau đó ra chỗ máy ép bánh mỳ để lấy ớt.
Có hai lọ ớt, một đặc và một loãng. Mặc dù đây là lần đầu ăn ớt ở căng tin nhưng tôi đoán lọ ớt loãng kia là loại ớt hay dùng để ăn bánh mỳ cay. Tôi chọn lọ ớt loãng rồi đổ rất nhiều vào bát mỳ. Mùi hăng của ớt xộc lên mũi giúp tôi biết đấy chính là lọ ớt mình cần.
"Sao cậu ăn cay thế?". Anh nhìn tôi ngạc nhiên, sau đó anh lấy lọ ớt đặc đổ vào bát mỳ.
Tôi chỉ cười rồi nói: "Ăn cay nhiều cho quen dần với mùi đời". Sau đó tôi đưa lọ ớt loãng cho anh, hỏi: "Dùng không?".
"Có". Anh khẽ cười, rồi lấy lọ ớt tôi đang cầm rồi đổ một ít vào đó. Anh không phải người biết ăn cay, vì số ớt loãng anh đổ vào chỉ ít như vài hạt đậu, còn lọ ớt đặc đó thì là loại ớt ngọt.
Chúng tôi ngồi ở một cái bàn trống trong căng tin, đằng trước bàn chúng tôi là bàn của một số đứa con trai trong lớp vừa cùng anh chơi bóng rổ. Vừa nhìn đám con trai tôi đã biết sau này mình chẳng thân được với chúng nó. Hầu như từ hồi học tiểu học tôi luôn có cảm giác gì đó khiến tôi chẳng thể, và cũng chẳng muốn thân thiết với một nhóm toàn con trai. Cũng may anh không chọn ngồi gần đám đó, vì tôi không muốn bữa sáng phải ăn trong sự ngượng ngùng.
Mỳ ngon quá! Dù nó chỉ là gói mỳ đổ nước sôi ăn kèm với xúc xích và trứng nhưng vị cay của tương ớt khiến nó ngon hơn rất nhiều.
Ăn được nửa bát mỳ cũng là ra chơi tiết một, tiếng trống trường vừa dứt được một phút thì đám học sinh đã lũ lượt vây kín cả căng tin của trường.
Tuy vừa ăn hết phần của mình, nhưng cảm giác thèm xúc xích vẫn còn ở đó. Nhìn vào bát mỳ của anh vẫn còn một ít xúc xích mà tự nhiên tôi lại thấy thèm, nhưng cũng không thể mặt dày mà xin cả phần của người ta, nên cũng chỉ ngồi ước mấy cô bán hàng trong căng tin lần sau cho thêm nhiều xúc xích một chút.
Đang ngồi thơ thẩn nhìn dòng người chen nhau mua đồ ăn ở căng tin, bỗng anh bảo anh ăn xong rồi, sau đó chúng tôi ra khỏi căng tin.
Vừa đi, tôi vừa than thở: "Học sinh thì đông mà trường xây cái căng tin bé tí, lớp mình lại ở tít trên tầng ba sân trước, xuống được đấy còn chả đủ chỗ mà ngồi".
Anh chỉ trả lời một cách bình thản: "Mua bánh mỳ, xôi, bánh ngọt thì còn mang lên trên lớp được, chứ muốn ăn mỳ mà không muốn chen nhau thì mình chỉ có đến được trước giờ truy bài thôi".
Cũng phải, tôi nhớ hôm kia anh bảo là không nhịn được đến hết tiết hai, nên ăn trước giờ truy bài cũng được. Chỉ có điều sẽ phải đến sớm trước khi vào lớp chỉ để ăn một bát mỳ. Mà tôi thì không thể dậy sớm được như thế. Tôi cười nói:
"Chỉ sợ không kịp ăn thôi, chứ mình thì chả bao giờ dậy sớm nổi. Sáng 6 giờ 10 dậy đánh răng rửa mặt, thay đồ chán chê xong 6 rưỡi mới ra khỏi nhà, đến trường thì cũng 6 giờ 40 rồi chả kịp ăn cái gì nữa".
Anh cũng mỉm cười rồi đáp: "Mình thì 6 giờ 35 đã có mặt ở trường rồi, vẫn đủ mười phút để ăn".
Hôm nay ăn sáng khá sớm, lên đến lớp cũng vẫn còn hẳn tám phút để ngồi chuyện phiếm. Chủ đề nói chuyện cũng chỉ liên quan đến mấy môn học với giáo viên dạy trên lớp.
Đến đầu tiết hai, cô chủ nhiệm nhắn trên nhóm chủ nhật tuần này họp phụ huynh. Kèm thông báo cuối giờ mọi người ở lại đăng ký mua đồng phục, đồng phục sẽ có trước ngày khai giảng. Ngoài ra thì tiết thể dục sáng thứ 6 mọi người sẽ không cần phải học để chụp ảnh thẻ làm thẻ học sinh.
Vì là học sinh mới vào trường nên chúng tôi chưa có đồng phục cấp ba ngay được, tuy một số đứa trong lớp đã có đồng phục của trường rồi nhưng chủ yếu là loại áo mượn của anh chị hoặc đi mua ở ngoài. Những ai chưa có đồng phục thì có thể mặc tạm áo đồng phục của cấp hai hoặc áo sơ mi trắng có cổ. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết học sinh lớp mười.
Cũng vì chuyện đăng ký áo đồng phục mà trưa nay phải về muộn hơn một chút, lại gặp phải cái nắng oi bức của mùa hè nên về đến nhà bà người tôi đã mệt rã rời.
Ăn cơm xong, tôi nhận được tin nhắn của anh, anh hỏi chiều nay muốn ra nhà sách nào.
Tôi trả lời: "Ra Fahasa đi, hơi xa tí nhưng ở đấy nhiều sách hơn".
Anh nhắn lại: "Vậy 4 giờ chiều đi nhé, tầm đấy trời đỡ nắng".
Tôi chốt: "Ok nha".
Như mọi hôm, tôi vẫn lên phòng hai con Lan, Bình để chơi. Ngồi chán chê đến 1 giờ thì chúng nó buồn ngủ. Tôi cũng về phòng mình ngủ trưa.
2 rưỡi chiều. Tiếng bước chân lên cầu thang của bà làm tôi tỉnh ngủ, thấy đến hai rưỡi chiều rồi mà tôi vẫn chưa về, bà liền mở cửa phòng tôi hỏi: "Chiều nay đi đâu thế?".
"Con đi ra BigC với bạn ạ". Tôi đáp.
Bình thường tôi sẽ ăn cơm và ngủ trưa trong nhà bà đến hai giờ chiều rồi đi về, chỉ khi nào có hẹn đi chơi với ai đó mới ở lại. Nhà bà tôi ở trong một con ngõ nhỏ ngay trung tâm thành phố, nên ở trong nhà bà đi lại sẽ thuận tiện hơn, tôi cũng không quá tốn công để đạp xe đạp.
Bà tôi lại hỏi tiếp: "Mấy giờ thì đi? Nếu mà không vội thì đi phơi quần áo hộ bà với. Hai con kia đang ngủ rồi".
"Dạ vâng ạ". Tôi nằm dậy rồi uể oải lên trên tầng ba đi phơi đồ.
Thời tiết dạo này nóng nực một cách khó chịu, cái nóng oi ả của mùa hè khiến tôi làm gì cũng thấy mất sức. Cũng may là quần áo không có nhiều.
Nhà bà tôi ở hướng bắc, nếu nhìn về phía đông sẽ thấy một khu chung cư đứng sừng sững ngay phía trước chắn hết tầm nhìn. Tòa chung cư đó cách nhà bà tôi khoảng 400m, nhưng đứng từ trên sân thượng nhìn sang thì cảm giác như chỉ cách có 200m vậy. Tôi nhớ tòa chung cư đó được khánh thành khoảng hai năm trước khi tôi còn đang học lớp 8, vậy mà chớp mắt đã qua được hai năm rồi.
Nếu nhìn thẳng về phía bắc thì khung cảnh bị chắn ngang bởi nhà hàng xóm, nhưng nhìn về phía tây sẽ trông thấy một dãy phòng học tầng năm của trường cấp ba Hùng Vương.
Nhà bà tôi cách trường cấp ba Hùng Vương không xa lắm, chỉ khoảng gần 200m đi bộ. Hồi còn bé tôi thường cùng bọn trẻ con trong xóm nhà bà chơi đùa trong sân trường Hùng Vương. Thỉnh thoảng ở trong sân tôi vô tình nhìn thấy các anh chị đang học ở trong phòng mà cảm thấy lo lắng về con người mình sau này. Tôi từng tự hỏi liệu sau này bằng tuổi các anh chị tôi có còn quá ngây thơ và non nớt như hiện tại không, liệu với khả năng tiếp thu chậm chạp thì tôi sẽ học môn Toán cấp ba kiểu gì. So với đám bạn đồng trang lứa lúc ấy, tôi vẫn luôn là đứa tiếp thu chậm chạp và kém lanh lợi nhất đám.
Những hình ảnh hồi còn bé chơi đùa trong sân trường Hùng Vương vẫn còn hiện hữu một cách rõ ràng trong trí nhớ, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là đã qua bảy, tám năm rồi mà những hình ảnh đó vẫn còn rõ nét như vậy. Bảy, tám năm đó trôi qua nhanh như thể tôi chỉ vừa mới ngủ dậy được một giấc, vẫn còn cảm nhận được chính bản thân mình tuổi ấu thơ lờ mờ trong giấc ngủ.
Lúc phơi xong hết chỗ quần áo, tôi chợt nhớ ra quên không dặn anh chờ mình ở cổng trường Hùng Vương, tôi xuống phòng lấy điện thoại rồi chạy xuống tầng một để gửi tin nhắn. Nhà bà tôi không lắp mạng, nên mỗi lần muốn dùng điện thoại thì phải xuống tầng một để bắt wifi nhà hàng xóm.
Ông đang nằm xem ti vi ở ghế trường kỷ, từ ngày xây nhà mới như bây giờ cái ghế đó luôn là chỗ nằm yêu thích của ông, còn bà thì đang ngồi dưới sàn nhà may vá. Cái giường ngay cạnh ghế ông đang nằm không có ai cả nên tôi nằm ở chỗ đó.
Hai con vịt giời kia chắc vẫn đang ngủ trương thây trên giường.
"Ê, chiều nay chờ mình ở cấp ba Hùng Vương nhé. Khi nào đến thì gọi cho mình để mình ra, nhà mình ở ngay đấy.".
Có vẻ như anh cũng đang dùng Facebook, nên tin nhắn vừa gửi anh đã đọc, anh cũng chỉ trả lời ngắn gọn là: "Ok nhé".
Cũng chẳng còn gì để làm nên tôi cũng nằm ườn trên giường chơi điện thoại. Nhà ba người mỗi người làm một việc. Được chừng 15 phút thì tôi nghe thấy tiếng gọi của cô hàng xóm.
"Bà ơi, bà có trứng không? Cho con vay một quả".
"Ừ, Thanh ơi vào lấy hộ bà với". Bà gọi với sang phía tôi.
Tôi "dạ" một tiếng rồi nhanh nhảu vào bếp lấy trứng. Lúc ở trong bếp lấy trứng tôi có nghe thấy tiếng cô than thở: "Chán quá bà ạ, chủ nhật tuần này đi họp phụ huynh cho thằng Thành lại chết cả khối tiền".
Tôi ra khỏi bếp thì thấy bà bảo: "Học phí đầu năm bao giờ cũng đóng nhiều".
"Hết tiền học thằng anh rồi lại đến tiền con em. Nhức hết cả đầu!". Cô cầm lấy quả trứng tôi đưa rồi hỏi xã giao: "Cô xin nhé. Hôm nay Thanh không về à?"
"Tí nữa cháu ra ngoài chơi ạ". Tôi đáp, cô hàng xóm chỉ ừ rồi lại quay về, còn tôi thì lại nằm ườn trên giường.
Cô hàng xóm vừa đi, ông đã thắc mắc: "Tưởng hồi trước thằng Thành đòi đi làm cơ mà, giờ bị mẹ bắt cho đi học à?".
Bà đáp: "Trước nghe cô Hằng bảo là cho nó đi học một năm xem thế nào, học không được thì mới cho nó nghỉ. Chứ chưa gì đã bỏ học thì sau này lại tiếc".
Đúng là hồi nhận số báo danh lúc thi cấp ba thằng Thành cũng bảo với tôi là nó biết nó không đủ đỗ vào Nguyễn Trãi nên nó chỉ thi cho có mặt, đợi khi nào có kết quả thi thì bắt đầu đi làm kiếm tiền. Hồi hè tôi cũng thấy nó đi làm nên tưởng nó bỏ học thật, đến lúc nhập học mới biết nó nộp hồ sơ nhập học bên Nguyễn Thị Lưu.
Trường tư thục đó tồn tại được khá lâu trong thành phố rồi, nhưng tôi không biết là nó có từ bao giờ. Chỉ có điều vì là trường tư nên học phí rất là đắt, mà những đứa không học hành hẳn hoi tử tế trong trường này rất là nhiều khiến cho danh tiếng trường bao năm nay cũng không được tốt đẹp lắm.
Ông lại nói: "Cái lúc ôn thi nó đã không muốn học rồi thì cho nó vào đấy chắc gì nó đã thèm học. Thà cho cho nó đi làm từ bây giờ có phải là đỡ tốn tiền hơn không. Mà tính thằng đấy có khi vào trường còn toàn chơi phải mấy đứa không ra gì".
"Chả biết thế nào! Ngày xưa thằng đấy học cũng được chứ có phải không đâu, chẳng qua không chịu học nên đi thi được có hơn 25 điểm, cố gắng thêm tí nữa thì đã vào Nguyễn Trãi rồi. Thế có tiếc không!". Rồi bà kể: "Ngày xưa học cấp một suốt ngày thấy nó được điểm chín điểm mười còn tưởng sau này nó học hành hẳn hoi tử tế. Thế mà bây giờ thi cấp ba lại trượt".
Ông chê: "Học cấp một thì nói làm gì. Thằng Thanh ngày xưa có hôm xem vở còn toàn không với một điểm, lên lớp năm bố đi họp phụ huynh còn bị cô giáo bắt đi học thêm lớp cá biệt buổi sáng trên trường thây. Được cái thằng Thanh nó còn lành, ít chơi bời chứ thằng Thành ngày xưa lại chả ranh như ma, lên cấp hai còn suốt ngày chơi với mấy đứa vớ vẩn thì còn học hành gì nữa".
Bà cười: "Hồi thằng Thanh thi cấp ba cũng lo sốt vó lên sợ nó thi không đậu, đến lúc có kết quả thừa hẳn mấy điểm thì cũng yên tâm. Giờ đỗ được cấp ba rồi thì cố thi đỗ Đại học thôi".
Hồi đấy đúng là tôi học dốt thật, bây giờ vẫn vậy nhưng đỡ hơn. Tôi nhớ năm lớp năm trường mở lớp dạy thêm một kỳ cho mấy đứa học sinh yếu khối năm, trong đó tôi bị bốc vào học cùng ba đứa nữa trong lớp. Buổi sáng chỉ ngồi học Toán với Tiếng Việt rồi chiều lại về lớp học bình thường. Cuối cùng thì dốt vẫn hoàn dốt, kết quả học tập của tôi cũng chả tiến bộ được bao nhiêu, nhưng tôi nhận ra kết quả học tập hồi cấp một cũng chả quan trọng lắm, bị không với một cũng chả ảnh hưởng gì sau này cả. Biết thế hồi đó chơi bời chán chê rồi lên cấp hai học sau cũng được.
Trong số những đứa chơi với nhau trong xóm hồi bé, có lẽ tôi của ngày đó sẽ không bao giờ ngờ tới chuyện sau này thằng Thành từng có ý định bỏ học. Mặc dù hồi bé đứa nào cũng rất khác so với bây giờ, nhưng sự thay đổi đó diễn ra một cách chậm rãi đến mức khi nhìn lại thì lại không thể tin nổi mình đã thay đổi quá nhiều. Từ lúc lên cấp hai, tôi đã dần được nhìn thấy hình ảnh nó dần dần sa sút. Ban đầu là bắt đầu chơi với những đứa cũng hay ăn chơi như nó, sau đó lại dần học hành chểnh mảng, cho đến tận lúc thi cấp ba thì nó muốn từ bỏ việc học. Tất cả mọi việc cứ từ từ diễn ra, thậm chí ngay cả khi nó nói với tôi nó định bỏ học thì tôi cũng chẳng bất ngờ lắm.
Bản thân tôi cũng thay đổi, nhưng có lẽ là không nhiều lắm, có lẽ tôi chỉ bớt tự ti hơn ngày đó thôi.
Nói vài câu về tôi với thằng Thành được một lúc, ông bà lại chẳng nói gì nữa, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài dán mắt vào cái điện thoại cho tới 4 giờ chiều.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com