Chương 6
Ăn trưa trong bà xong, tôi vội vàng chạy về nhà để tận hưởng vài tiếng được ở nhà một mình trước khi đi học thêm Toán. Buổi trưa bố tôi thường ở lại cơ quan, mãi đến 5 giờ chiều bố mới tan làm. Kể từ khi tôi lên lớp 8, tần suất tôi ở nhà một mình ngày càng nhiều hơn. Tôi thích cảm giác được ở một mình, vì tôi có thể thoải mái làm bất cứ cái gì mà không bị quản thúc.
Trước khi đi học Toán, tôi ngồi chơi điện thoại rồi nằm ì ở trên giường mãi cho đến tận 3 rưỡi chiều mới chịu dậy làm bài tập. Kể từ khi bắt đầu học kỳ mới thì tôi không dám ngủ trưa nữa, vì tôi sợ đến tối tôi không ngủ được.
Bọn học sinh trong lớp học thêm Toán chiều nay ngày một cởi mở với tôi hơn, tôi vừa đến lớp đã có đứa hỏi tôi cho chép bài tập. Tôi có bảo rằng tôi không biết là có làm đúng không, nhưng nó bảo kệ, có làm là được rồi. Cuối cùng thì sau vài tuần, mãi tôi mới có thể bắt đầu thoải mái nói chuyện với chúng nó.
Đến giờ giải lao, thầy dặn với lớp: "Chủ nhật tuần sau sở tổ chức thi đầu vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, thầy được chọn đi ra đề nên cả tuần sau các em nghỉ nhé".
10 năm đi học thứ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vẫn là được báo tin nghỉ học, đã thế lại còn là nghỉ cả tuần. Cả lớp nghe xong đứa nào đứa nấy cũng sướng như đi trảy hội.
Vừa mới vui được một lúc, thằng Bảo đã thắc mắc hỏi thầy: "Ơ thầy ơi, chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia không phải là chọn sau đợt thi học sinh giỏi tỉnh ạ? Em tưởng đứa nào được giải học sinh giỏi tỉnh thì sẽ được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia".
"Không em ạ". Thầy lắc đầu rồi giải thích: "Nếu muốn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thì em phải qua bài thi đợt đầu vào sắp tới này. Nếu em không qua được bài thi thì dù có được giải nhất tỉnh em cũng không được vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đâu".
Ồ! Thì ra là như vậy, đó giờ tôi cũng tưởng phải được giải tỉnh thì mới được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Thằng Bảo bây giờ cũng mới vỡ lẽ, nó lại thắc mắc: "Cái này hạn đăng ký là từ khi nào vậy thầy?"
"Hết thứ 7 tuần này là hết hạn đăng ký rồi em". Thầy đáp.
Nghe vậy tôi liền cảm thấy có chỗ không đúng lắm, tôi hỏi thầy: "Ơ, nếu như mà hết tuần này là hết hạn đăng ký thì sao trường em chẳng thấy có thông báo gì cả? Với lại cái này là do sở tổ chức thì trường cũng phải đánh tiếng cho học sinh chứ?"
Tôi vừa hỏi xong, con Huyền cũng thắc mắc: "Ừ đấy, nhắc mới nhớ. Trường tao cũng có thấy thông báo gì đâu".
Cả đám đều lấy làm lạ, không hiểu tại sao có một đợt thi như vậy mà không thấy giáo viên nhắc gì. Trường mình thì không nói, nhưng trường Hùng Vương trước giờ thích chạy đua thành tích, mấy kỳ thi như này hẳn cũng từng phải phổ cập cho học sinh chứ nhỉ?
Nhưng mà thầy có vẻ cũng không có gì bất ngờ lắm, chỉ hơi trầm ngâm giải thích: "Các trường trong thành phố thường không trông mong học sinh trường mình được vào đội tuyển quốc gia lắm vì có rất ít học sinh trường thường được chọn vào, hiếm lắm mới có một năm như trường Thanh có một bạn được giải khuyến khích quốc gia Địa lý nên các trường cũng không muốn kêu gọi cho học sinh đi thi. Như mọi năm thầy xem danh sách thi thì đa số học sinh trường thường đều là các bạn ở huyện, có rất ít bạn ở bên Hùng Vương đến thi, bên Nguyễn Trãi thì thỉnh thoảng mới có một bạn".
Sự thật thì bao giờ cũng phũ phàng. Nhưng mà cũng phải thôi, đám trường chuyên toàn bọn điểm đầu vào đứng đầu tỉnh, chất lượng học sinh dĩ nhiên là vượt trội hơn hẳn đám trường thường rồi.
Giọng điệu thằng Bảo như thể cuộc đời này vẫn còn cho nó một ít hy vọng, nó hỏi thầy với một chút niềm tin nhỏ nhoi: "Thế nhưng mà vẫn có khả năng học sinh trường thường được chọn vào đội tuyển đúng không thầy?"
Vậy là thằng Bảo có vẻ như muốn được vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia rồi. Thầy đáp: "Đúng là vẫn có khả năng, vì trong tất cả các đội tuyển năm nào cũng có một đến hai bạn ở huyện được chọn vào. Các bạn ở huyện học chăm lắm, có bạn đi thi còn được giải ba". Dường như thầy cũng nhận ra nguyện vọng của nó, nên hỏi lại: "Em muốn đi thi à?".
Nó liền gật đầu: "Dạ vâng ạ, em cũng muốn đi thi, em muốn thử xem liệu mình có vào được đội tuyển không?"
Thầy nghe vậy thì bèn gật đầu, nhưng thầy lại khuyên: "Nếu em muốn đăng ký thi thì em có thể báo lên ban giám hiệu nhà trường để các thầy lập danh sách gửi lên sở. Thầy thấy Bảo học Toán khá là giỏi, nhưng để thi vào đội tuyển ngay từ năm lớp 10 thì em cũng nên cân nhắc. Bởi vì hiện tại các em mới vào lớp 10 thôi, kiến thức chưa được học nhiều. Nếu muốn đi thi thì em có thể chờ lên lớp 11 rồi hẵng đăng ký, ngay cả các bạn trường chuyên cũng rất ít bạn được chọn vào đội tuyển từ năm lớp 10".
Có một thoáng thất vọng hiện lên trên nét mặt thằng Bảo, nhưng dẫu sao nó cũng là người lạc quan, rất nhanh sau đó nó lại quay về tâm trạng vui vẻ như bình thường. Nó liền phấn khởi nói: "Vậy lên lớp 11 em đăng ký sau cũng được, nghĩ lại thì bây giờ cũng vẫn còn sớm".
Thầy biết thằng Bảo có nguyện vọng được vào đội tuyển, thầy cũng không phản đối mà lại còn ủng hộ, thầy tiếp tục hướng dẫn nó: "Với tình hình các trường như bây giờ thì để em được đưa vào danh sách học sinh thi tuyển thì sẽ hơi khó, bởi vì em phải cực kỳ giỏi để các thầy cô chú ý và giúp em được lập danh sách đi thi. Mà thầy thấy muốn được các thầy cô đề cử thì cách tốt nhất vẫn là em đăng ký vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, nếu em chứng minh được năng lực của em có khả năng được chọn vào đội tuyển thì cơ hội được lập danh sách đi thi sẽ cao hơn".
"Em cũng định học kỳ này em xin vào đội tuyển Toán của trường". Thằng Bảo liền hồ hởi đáp. "Nhưng mà hiện tại em mới kỳ vọng được giải tỉnh thôi, còn đội tuyển quốc gia thì em không dám chắc mình sẽ được vào lắm, nhưng nếu được em vẫn muốn thử xem khả năng của mình đến đâu. Nếu như được vào đội tuyển thì càng tốt mà không được cũng chẳng sao. Ít nhất thì em cũng được thử rồi".
"Kể cả không vào được đội tuyển quốc gia thì Bảo học Toán cũng rất là giỏi rồi". Thầy bật cười. "Thầy cũng thích cái suy nghĩ này của em, nếu có cơ hội thì ngại gì mà không thử chứ".
Quả thật, điều khiến tôi ấn tượng ở thằng Bảo không chỉ là ở cái tính hòa đồng và lạc quan của nó, mà còn vì nó là đứa không ngại thử sức mình.
Còn mình, tôi biết là tôi sẽ không bao giờ tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, chứ đừng nói đến đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Tôi còn chẳng biết động lực gì để khiến tôi đi học nữa, có lẽ đó chỉ đơn giản là nghĩa vụ mà một học sinh phải làm.
Thời tiết thứ sáu khá là mát mẻ. Trời trong xanh và không có nắng, có cả những cơn gió mát thổi tung cả vạt áo sơ mi của tôi. Thời tiết quả là thích hợp để ngồi chây lười trong tiết thể dục.
Thầy giáo dạy thể dục lớp tôi chính là thầy phải chụp ảnh thẻ cho cả trường, nên từ đầu tiết đến cuối tiết thầy chỉ có ôm cái máy ảnh gọi từng đứa ra sân. Đứa nào chưa chụp sẽ phải đứng chờ ở cửa phòng phô tô, đứa nào chụp rồi có thể làm gì tùy thích.
Đám con trai thì chẳng có gì để sửa soạn lắm, nhưng bọn con gái thì cứ soi gương điểm phấn để lên ảnh mình được xinh nhất. Tuy vậy vẫn có đứa thì chẳng quan tâm đến son phấn, có lẽ là vì nó không biết cách trang điểm. Dẫu sao con bé đó nhìn cũng giản dị, làn da nâu mang đậm nét thôn quê.
Số thứ tự của anh là số 10, còn của tôi là số 35. Vần "Đ" với vần "T" cách nhau khá là xa, nên anh được chụp khá sớm. Lúc chụp xong thì anh ra phía chỗ tôi ngồi.
"Thế nào rồi, chụp có ổn không?". Tôi cười hỏi.
Anh lắc đầu cười ngán ngẩm: "Nhìn chỉ tạm ổn thôi, làm sao trông chờ được vào tay nghề của thầy".
Đến thợ ảnh còn chưa chắc đã chụp đẹp, chứ đừng nói đến thầy giáo dạy thể dục. Tôi thở dài: "Cũng phải, ra tiệm chụp vẫn còn xấu ma chê quỷ hờn chứ đừng nói đến thầy". Rồi tôi bảo với anh: "Thợ chụp mà xấu thì chắc mình chỉ còn trông chờ vào mỗi cái mặt thôi. Ảnh cậu chắc cũng không đến nỗi nào đâu".
Nghe vậy anh liền bật cười hỏi: "Cậu đang khen mình đẹp đấy à?"
Tôi cũng chẳng giấu gì suy nghĩ của mình, tôi cười đáp: "Không phải là như vậy sao?"
Tôi nói vậy thì trông anh càng rạng rỡ hơn, không biết là vì anh nhận được lời khen từ một đứa con trai khác, hay là vì anh ít khi được người ta khen. Vành tai anh hơi đỏ, có vẻ như anh có một chút ngại ngùng
Sau đó tôi tò mò hỏi anh: "Cậu thấy ngại lúc mình khen à?"
Anh thản nhiên thừa nhận: "Ừ, có một chút. Trước giờ chưa có đứa con trai nào khen mình đẹp cả".
"Thường thì bọn con trai thường ngại khi mà có đứa con trai khác khen mình đẹp". Tôi giải thích: "Có đứa còn cảm thấy ghê nữa".
"Cái này thì mình hiểu". Anh thẳng thắn nói với tôi: "Đúng là bọn con trai thường ngại vì được đứa con trai khác khen, nhưng để đến mức cảm thấy ghê tởm thì nó chỉ đang sợ thằng con trai kia thích mình thôi".
Tôi cười đùa: "Cũng phải, trai thẳng nào mà chẳng sợ bị gay thích. Có khác gì bê đê thấy bánh bèo thì chạy".
Anh cũng bật cười, rồi chúng tôi cũng không nói nhiều về chuyện đó nữa, mãi đến 10 phút sau thì đến lượt tôi lên hình. Tôi cũng chẳng hy vọng gì ảnh thẻ của tôi phải lung linh lộng lẫy cho lắm, chỉ cần nhìn không xấu quá là được. Lúc tôi đeo kính lên nhìn thử, tôi chỉ ước lúc chụp ảnh thẻ sẽ được đeo kính vào.
Anh ngồi ở ghế đá dưới tán cây gần phòng hiệu trưởng, thấy tôi chạy đến thì bèn hỏi tôi y chang như vừa nãy: "Sao thế, ảnh chụp sao rồi?"
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh rồi chậc lưỡi lắc đầu: "Chán lắm, đeo kính vào nhìn còn đỡ, chứ bỏ kính ra trông có khác gì ma chê quỷ hờn đâu".
Anh nghe vậy thì an ủi: "Dù sao thầy cũng không phải thợ chụp, nên hầu hết ảnh thẻ học sinh thì sẽ không được như kỳ vọng đâu. Mình nhìn một lần xong cũng không dám nhìn lại".
Nhưng mà chẳng biết là do tôi xấu thật, hay là do thầy không biết chụp nữa. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy bản thân mình trong gương rồi tự hỏi tại sao lại mọc nhiều mụn thế.
Tôi phụng phịu đáp: "Cũng chẳng biết nữa, nhiều lúc đánh răng cũng chẳng dám nhìn thẳng vào gương. Càng nhìn càng cảm thấy mình xấu, mà từ hồi lên lớp 9 chẳng hiểu sao lại lên nhiều mụn".
"Mụn dậy thì đấy, cậu để ý mà xem, mặt đứa nào đứa nấy cũng lên đầy mụn". Tôi nhìn thử sang anh, đúng là trên gương mặt anh cũng không tránh khỏi lên mụn. Anh từ tốn giải thích: "Lên đến tuổi dậy thì thì có mụn là chuyện không tránh khỏi, nên khi nhìn vào gương đứa nào cũng cảm thấy bản thân mình xấu rồi tự ti. Qua được đến tuổi 19, 20 thì mụn sẽ bớt đi thôi".
Vậy là tuổi dậy thì là độ tuổi xấu nhất của cuộc đời mình sao? Nghe thấy vậy thì tinh thần tôi cũng cảm thấy giải tỏa hơn được một chút, tôi bảo anh: "Có lẽ tại lên mụn nên mình mới cảm thấy thế thật, cũng mong là mai mốt nhìn mặt sẽ đỡ hơn".
Anh mỉm cười nói với tôi: "Chỉ cần không đến mức tự ghét bản thân mình là được rồi, nếu muốn đẹp lên thì cũng chẳng thiếu gì cách đâu".
Có lẽ vậy, hồi còn nhỏ tôi thường không hay chú ý đến ngoại hình của mình lắm. Nhưng mãi đến năm lớp 9 chẳng hiểu sao tôi ngày càng chú ý đến cơ thể mình hơn. Mà khổ nỗi càng nhìn càng cảm thấy bản thân mình xấu xí.
Nhưng muốn làm đẹp thì tôi cũng chẳng biết mình nên làm đẹp kiểu gì. Tôi cảm thấy bản thân mình tóc tai là thứ quyết định nhiều nhất đến ngoại hình bản thân, nhưng ngặt một nỗi là tôi không tìm được kiểu tóc nào phù hợp với cá tính của mình. Nhiều lúc tôi cũng thầm cảm thấy ghen tị với nhiều đứa, tại sao chúng nó sinh ra lại có thể đẹp được đến thế? Tôi cũng đành chỉ biết tự trả lời bản thân mình là vì trời thưa ai nấy dạ.
Tôi thầm tính nếu như thứ năm là khai giảng, vậy thì thứ hai được nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2 tháng 9 rồi. Lúc tôi có hỏi anh nghỉ lễ này có đi đâu chơi không, thì anh bảo thứ 7 học xong anh sẽ lên Hà Nội thăm ông bà. Còn tôi thì chẳng phải đi đâu hết, nên tôi chỉ ở nhà nằm chơi mà thôi.
Tối thứ 7 hôm ấy tôi với bố ở nhà chú Huy ăn cơm, rồi tôi cày game đến tít tận 11 giờ mới về nhà, sau đó tôi nằm lướt Facebook đến 2 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Đến lúc mở mắt ra thì đã 11 giờ rưỡi rồi.
Tầm này bố tôi cũng vừa mới họp phụ huynh về, đợi tôi đánh răng rửa mặt xong thì nói vọng ra từ trong bếp: "Kinh nhỉ! Người ta đi họp phụ huynh về được cả tiếng đồng hồ rồi mà bây giờ cậu ấm nhà này mới dậy đón bình minh".
Nghe thấy vậy, tôi liền sà vào ôm tay bố làm nũng: "Thui! Dù sao giờ cũng đang là ngày nghỉ, bố cho con dậy muộn tí cũng có làm sao đâu".
"Thôi, tùy mày!". Bố thở dài rồi cảnh cáo: "Đến sáng thứ 3 mày mà đi học muộn vì không mở nổi mắt thì liệu hồn!".
"Dạ!". Tôi cười đáp, rồi sau đó giúp bố mang thức ăn ra bàn ăn. Lúc xới cơm tôi có hỏi: "Nay đi họp phụ huynh có gì không hả bố?"
"Làm gì có gì ngoài chuyện tiền nong!". Bố thở dài ngao ngán, rồi bắt đầu cằn nhằn: "Đóng hết gần 2 triệu tính cả tiền học phí, tiền quỹ lớp với mấy cái tiền lặt vặt như tiền vệ sinh, tiền nước uống rồi tiền đồng phục các thứ cho chúng mày. Được cái ở trường này tiền đóng học cũng rẻ, chứ bên mấy trường khác chúng nó đóng 3 triệu là ít".
Ừ thì thân mình cho con cái đi học ở trường thì mình cũng đành phải chấp nhận vậy thôi. Cầm cả triệu bạc ra đóng tôi cũng thấy xót lắm chứ bộ.
Tôi cũng không biết nói gì nhiều về chuyện tiền nong, nên chuyển sang hỏi bố: "Bố thấy cô giáo chủ nhiệm như thế nào?"
"Khó tính lắm!". Bố tôi trả lời, rồi nói thêm: "Năm nay lớp chọn vào cô này thì ngoan thôi vẫn chưa đủ ý cô đâu, còn phải học giỏi nữa. Vào năm học mà không học hành hẳn hoi tử tế thì cô mày cũng tế sống mày thôi".
Tôi cũng cảm thấy vậy, xem ra học ngu như mình cũng khó sống nổi trong lớp, tôi kể với bố: "Hồi thứ hai sinh hoạt lớp lúc nào cô cũng nhắc mình là lớp chọn này lớp chọn nọ nên nếu có lỗi thì phải phạt thật nặng thế này thế kia. Cứ năm câu là lại có một câu nhắc lại vì lớp mình là lớp chọn nên cô mới phải ra quy định như thế. Lúc mới vào học còn tưởng chỉ mấy chuyện phạt phiếc trong lớp là làm căng thôi, ai ngờ đến cả vở viết cô cũng bắt phải dùng bút đỏ để trình bày bài".
Bố tôi nghe vậy thì nhắc nhở: "Cô mày cũng còn trẻ, hình như năm nay mới bắt đầu chủ nhiệm lớp chọn thôi nên khó tính thế cũng phải. Nhưng đến vở ghi còn kiểm soát như vậy thì có khi cô mày cũng là người xem trọng danh tiếng. Mày thì chắc chắn là ăn điểm ở chỗ ngoan ngoãn rồi, nhưng kết quả học tập thì đừng để thấp quá, đứng ở giữa lớp thôi đã tốt lắm rồi".
"Vâng ạ!". Tôi vâng lời đáp. Bố nói vậy cũng phải thôi, ngày xưa đi học trừ năm lớp 3 ra thì cô nào cô nấy cũng gật gù khen tôi ngoan ngoãn, hiền lành. Lần nào bà đi họp phụ huynh cho cũng nở mày nở mặt vì cháu mình được khen ngoan.
Thậm chí cô Dương còn bảo với bà: "Nếu mà trong lớp đứa nào cũng giống tính Thanh thì bọn cháu đi dạy cũng nhàn".
Nhưng mà về chuyện học tập thì tôi không chắc lắm. Lớp chọn thì toàn đám đứng đầu khối chen chân vào lớp, có khi đứng giữa lớp đã là giỏi lắm rồi.
Sau đó bố tôi chợt nhớ ra có chuyện gì đấy, bèn kể với tôi: "À, sáng nay bố vừa nói chuyện với bố cái thằng mà mày kể hôm trước đấy".
"Thế á?". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Bố với bố nó nói chuyện gì với nhau thế?"
"Cũng không có gì nhiều, chỉ hỏi han xã giao nhau thôi". Bố gắp miếng thịt lên ăn rồi kể: "Ban đầu bố không nhận ra bố nó đâu. Xong đến lúc bố nó lại gần kể lại ngày xưa bố nhận tìm phụ huynh cho nó thì mới nhớ ra".
"Thế kể ra trí nhớ của bố nó cũng tốt phết!". Tôi bảo bố: "Mới gặp mặt nhau một lần mà mấy chục năm sau vẫn nhận ra bố. Hôm nay bố có mặc cảnh phục không mà bố nó vẫn nhớ mặt?".
"Không, bố không thích mặc cảnh phục đi họp phụ huynh". Bố tôi lắc đầu rồi khen ngợi: "Bố nó giờ nhìn nghiêm nghị lắm. Nói chuyện vẫn lịch sự, khiêm tốn ra phết! Mà bố thằng này giờ làm cũng to".
Ghê vậy sao! Tôi tò mò hỏi: "Ủa, bố nó giờ làm gì thế hả bố?"
"Giờ lên làm Chủ tịch thành phố rồi. Cái ông Trần Anh Quân ấy!". Bố đáp.
Eo ơi, con ông cháu cha có khác! Tôi vẫn không thể ngờ người ngồi cạnh mình lại có ô dù to đến như vậy.
"Nhưng mà ngày xưa bố nó làm ở công ty hóa học mà. Sao giờ đã lên làm chủ tịch thành phố rồi?". Tôi tò mò hỏi, chứng tỏ bố anh phải giỏi lắm mới leo lên được cái chức đấy chứ.
"Cái công ty hóa học đấy là công ty nhà nước. Bố nó hồi trước khi vào làm ở đấy đã là đảng viên rồi, sau được bổ nhiệm vào làm ở Sở Khoa học và Công nghệ, rồi giờ lên chủ tịch thành phố cũng được 2 năm". Bố tôi giải thích, rồi cảm thán: "Kể ra ông này cũng tài thật! Không ai thân thích ở đây mà trẻ thế vẫn leo lên được cái chức đấy".
Nếu mà giỏi như vậy, lại có bố mẹ hộ khẩu Hà Nội thì sao không lập nghiệp ở đấy luôn nhỉ? Tôi thắc mắc: "Bố có hỏi tại sao bố nó lại chuyển về đây sống không?"
Bố lắc đầu đáp: "Không, dù sao cũng là chuyện riêng tư của người ta. Lỡ chẳng may người ta gặp chuyện nhạy cảm mà không muốn nói thì có kể ra cũng chưa chắc là nói thật. Nhưng lúc bố nó kể lại chuyện nhận nuôi thì bố mới nhớ ra bố với bố nó bằng tuổi nhau. Trước khi lấy bằng thạc sĩ thì đã được công ty tỉnh mình nhận vào làm. Vừa tốt nghiệp xong phát thì chuyển về đây luôn".
Vậy nghĩa là năm đấy bố anh vừa tốt nghiệp cử nhân xong thì đi học lên thạc sĩ luôn. Tôi vừa trộn sốt cà chua vào cơm vừa bảo: "Nếu thế thì có khi người ta đã chắc suất được ở đây rồi thì chẳng cần phải tốn công đi xin việc làm gì ở Hà Nội nữa, về luôn đây đã có sẵn việc cho mình làm rồi".
Bố tôi liền bảo: "Bố cũng nghĩ vậy, sinh viên mới ra trường có được việc làm còn quý hơn cả vàng. Chưa kể từ đây về Hà Nội chỉ mất hơn 1 tiếng. Với lương công ty hồi đấy mà về đây thì cũng coi như là dư dả, cuộc sống cũng ít bon chen hơn".
"Thế bố có kể chuyện bố nhận nuôi con với bố nó không?". Tôi đoán: "Chắc là có chứ, đi loanh cả thành phố hiếm lắm mới gặp được đứa nữa cũng con nuôi như mình, lại còn cùng là bố đơn thân. Kiểu gì tối đấy nó chẳng kể cho bố nó nghe".
"Ừ! Bố nó có nghe qua rồi. Lúc đấy bố có bảo là bố cũng nhận nuôi con, bố nó cũng không bất ngờ lắm, bảo là có từng nghe con mình nhắc qua rồi". Sau đó bố cười đùa: "Sống mấy chục năm nay mới gặp được bố đơn thân khác, mới gặp nhau được vài phút mà nói chuyện cũng đồng cảm hơn hẳn. Nghe bố nó kể về con cái thì bố đoán ông này cũng sống tình cảm ra phết, có khi cũng khéo nuôi con".
Nghe bố nói vậy, tôi giải thích: "Hồi trước nó cũng bảo với con là bố nó không muốn để nó ở lại trại trẻ mồ côi nên mới nhận nuôi nó. Nghe sơ qua con cũng cảm thấy vậy".
"Ừ, bố nó cũng bảo với bố thế". Bố giải thích thêm: "Hồi đấy trại trẻ mồ côi tồi tàn lắm, mà nhân viên chăm sóc ở đấy người có tâm, người vô tâm đều có đủ cả. Mà kể cả người chăm sóc trong đấy có tốt đến đâu thì trẻ con cũng chả phát triển được bằng bọn có đầy đủ cha mẹ được, nên bố nó cũng muốn nhận nuôi nó cho nó sống trong môi trường hẳn hoi tử tế. Trước khi nhận nuôi bố nó cũng cân nhắc phải một tháng xem có cảm thấy nuôi được không rồi mới dám nhận".
Mỗi lần nhắc đến trại trẻ mồ côi, trong lòng tôi lại cảm thấy có cái cảm giác gì đấy rất là khó tả. Cái cảm giác vừa biết ơn vì được nhận nuôi, vừa cảm thấy khó chịu về một tưởng tượng không có thật. Dù hiện thực là tôi vẫn đang ngồi đây, nhưng cái cảm giác sợ hãi kia vẫn luôn khiến tôi khó chịu.
Dù rằng ngày xưa không ít lần tôi hỏi đi hỏi lại bố về chuyện bản thân mình được nhận nuôi, nhưng lần này tôi vẫn không kìm được mà hỏi: "Ngày xưa lúc bố nhận nuôi con bố cũng cảm thấy như vậy ạ?"
"Ừ, lúc bố đem con đưa vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì có cảm thấy vậy, nhưng đấy không phải lý do chính bố muốn nhận nuôi con. Trước đấy bố cũng đã muốn có một đứa rồi". Rồi bố nói một cách rất là chắc chắn: "Có là ai nhặt được con thì bố cũng xin nhận nuôi thôi".
Trước đây tôi chưa từng được nghe bố nói như vậy. Chẳng biết là do ngày xưa tôi còn bé, hay là bố đã hiểu được tôi đang nghĩ gì. Nhưng từ giọng điệu của bố, vậy thì hẳn là cuộc đời đã chắc chắn cho mình một chỗ ở trong căn nhà này rồi.
Có vẻ như bố biết tâm trạng tôi đang phức tạp, nên bố rướn người sang phía tôi nói: "Ngày xưa trước lúc nhặt được con ở nghĩa trang, bố đã biết trước là đời mình sẽ có một đứa con nuôi rồi. Chẳng qua là con đến sớm hơn dự định thôi".
Dường như đây là lần đầu tiên bố thẳng thắn thổ lộ với tôi chuyện này, những sự khó chịu trong tâm trí tôi được bố xoa dịu đi. Ngày trước khi còn bé, mỗi lần tôi nhắc lại chuyện này thì bố chỉ bảo với tôi có thêm một đứa con thì cuộc sống sẽ đỡ cô đơn hơn. Đây là lời bố nói thật lòng, nhưng càng lớn tôi càng nhận ra có lẽ bố vẫn còn nhiều lý do phức tạp hơn mà chưa muốn nói. Đến hôm nay tôi mới biết thì ra bố đã chuẩn bị trước cho cuộc đời mình.
Nếu trước đây bố đã định sẵn mình sẽ có con nuôi, vậy thì hẳn có lẽ bố đã biết trước được sau này mình sẽ không bao giờ kết hôn rồi. Chỉ có điều tôi không biết chính xác lý do bố không muốn kết hôn là gì, tôi đánh bạo hỏi bố: "Có phải ngày xưa bố biết chắc là mình sẽ không kết hôn, nên mới dự định đi nhận con nuôi không?"
Trông bố chẳng có vẻ gì là giật mình lắm, cũng chẳng có cảm giác bất ngờ gì cả. Bố vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh mà dịu dàng ấy nhìn tôi, rồi ngay lập tức bố xác nhận với vẻ kiên định như thể bố biết trước sẽ có lúc tôi hỏi bố như vậy: "Ừ, bố chưa bao giờ có ý định kết hôn cả, nên giờ mới chỉ có hai bố con mình trong nhà thôi".
Bố chỉ xác nhận, nhưng không nói rõ lý do tại sao bố không kết hôn. Tôi bèn được nước hỏi tới: "Nhưng sao bố lại chắc chắn được sau này mình sẽ không bao giờ kết hôn. Rõ ràng hồi đấy bố còn trẻ, làm sao có thể đoán trước được tương lai mình sau này như nào?"
Bố vẫn giữ sự điềm tĩnh như vừa rồi. Bố không đánh trống lảng với tôi, mà nói với tôi một cách thẳng thắn: "Thanh, đây là chuyện cá nhân của bố. Bố cũng không muốn nói dối con làm gì, nhưng hiện tại thì bố chưa thể thẳng thắn nói với con lý do tại sao được. Nhưng chắc chắn sau này con trưởng thành thì con sẽ biết thôi".
Dường như bố đang muốn nhắc nhở tôi đang đi quá giới hạn, tôi cũng không dám hỏi nữa. Nếu bố đã nói rằng sau này trưởng thành tôi sẽ biết, vậy thì chắc chắn sẽ có một lúc nào đấy bố nói với tôi sự thật.
"Con chỉ tò mò thôi". Tôi lí nhí giải thích.
Bố cũng không trách cứ tôi làm gì, mà chỉ từ tốn đáp: "Bố không giải thích thì con cũng không tránh khỏi tò mò. Chuyện này bố không muốn nói thẳng cho ông bà biết, vì dù sao ông bà cũng lớn tuổi cả rồi. Trong nhà mình chỉ có con làm chỗ dựa cho bố thôi. Nếu bố không tin con thì làm sao bố nói thẳng chuyện này cho con được chứ".
"Dạ vâng ạ". Tôi hiểu rồi, có lẽ đây là chuyện nhạy cảm nên bố mới muốn chờ tôi đủ khôn lớn để có thể nói cho tôi biết. Vốn dĩ bố là người cẩn thận, hẳn bố phải tin tưởng tôi lắm nên mới muốn chia sẻ cho tôi chuyện này.
Tôi cũng không muốn tìm hiểu quá sâu vào chuyện của bố nữa, mà chuyển sang hỏi bố chuyện sáng nay: "Sáng nay bố với bố đứa kia có nói gì thêm với nhau nữa không? Chắc là bố nó cũng có hỏi sao bố lại nhận nuôi con đúng không?"
Bố tôi cười đáp: "Chắc chắn là có hỏi rồi. Bố bảo là cũng giống như ông đấy thôi, thấy con bị bỏ lại cũng không nỡ đem vào trại trẻ mồ côi nên nhận về. Với lại bố cũng kể thêm là lúc đấy bố đang sống một mình, nhà có thêm con cái thì đi làm về tâm trạng cũng vui vẻ hơn. Chính ra bố với bố nó cũng có nhiều điểm chung, tính tình cũng hợp với nhau nên dễ nói chuyện. Sau này nếu có nhiều cơ hội gặp lại hơn thì chắc cũng sẽ thân thiết".
Nếu có cơ hội thân thiết với nhau hơn thì tốt quá rồi còn gì. Dù sao đi làm mà có nhiều mối quan hệ tốt với người khác thì cũng đỡ gặp nhiều phiền phức.
"Ở trên lớp con với đứa kia cũng thân với nhau". Tôi bảo với bố: "Thấy đứa đấy cũng tử tế, tốt tính lắm".
Quả thực là anh rất tốt tính, tôi vẫn nhớ nếu như không có anh nhắc bài tôi vào giờ Hóa, có khi tôi đã ăn 0 điểm kiểm tra 15 phút rồi. Chưa kể cũng nhờ có anh mà tôi cũng bắt đầu quen với chuyện ăn sáng, đây cũng là một thói quen tích cực. Ngẫm lại nếu không có anh ở trong lớp, có khi bây giờ tôi vẫn còn lủi thủi một mình.
Bố tôi nghe vậy cũng cảm thấy hài lòng, liền bảo với tôi: "Quen được đứa tử tế như thế là được rồi, mấy đứa như vậy quan trọng nhất vẫn là thật lòng. Chỉ cần mình đối tốt với nó thì có khó khăn gì nó cũng không ngại giúp đâu".
"Vâng ạ". Tôi vâng lời. Thực tình thì tôi không có nhiều kinh nghiệm chơi với con trai lắm, chỉ đơn giản là cảm thấy không hợp, cũng chẳng có đứa con trai nào tôi chơi được lâu. Nhiều lúc tôi còn tưởng là cả đời mình chỉ hợp cạ được với con gái.
Rửa bát xong tôi dành cả một buổi chiều để đọc "Tội ác dưới ánh mặt trời". Ban đầu tôi định đọc một nửa để dành đến ngày mai đọc, nhưng nào ngờ đọc cuốn quá nên tôi ôm sách trong phòng thẳng một mạch 5 tiếng đồng hồ đến gần 7 giờ là đọc xong cả truyện.
Mỗi lần đọc hết một quyển sách hay nào đấy thì tôi phải mất một khoảng thời gian khá lâu để chìm đắm trong nội dung của quyển sách. Tuy rằng cổ tôi mệt rã rời nhưng cũng không thể khiến tôi bớt hưng phấn về những gì tôi vừa mới đọc được.
Thậm chí lúc tối đi ăn đồ nướng với chú Huy, chú còn cười hỏi tôi: "Sao hôm nay nhìn Thanh trông mơ màng thế? Vừa xem được cái gì hay à?"
Sau đó bố tôi liền bảo: "Cả chiều nay cứ ru rú ở trong phòng đọc truyện. Cắm mặt vào trong đấy suốt từ lúc rửa bát xong đến tận gần lúc đi nên giờ trông như người trên mây ấy".
Sau đó chú bảo với bố tôi: "À, cũng dễ hiểu mà. Tầm tuổi thanh thiếu niên đứa nào đọc truyện xong mà chả như vậy. Đến ngày mai là lại bình thường được thôi".
Thực sự là tác giả dắt mũi độc giả hay quá, nên tôi vẫn chưa thể bớt hứng khởi đi được. Thậm chí lúc vừa về đến nhà tôi liền nhắn tin cho anh để hàn huyên về quyển sách tôi mới đọc chiều nay.
Những lúc tâm trạng phấn khởi như này, tôi không ngại sử dụng những từ nói bậy để diễn tả cảm xúc của mình, nhưng anh không quá là để tâm tới những lời nói ấy. Anh thực sự để tâm tới tâm trạng của tôi, và kiên nhẫn lắng nghe mọi thứ mà tôi nói.
Thậm chí, tôi còn cảm nhận được ý cười của anh khi chúng tôi trò chuyện.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com