Chương 8
Vì là học sinh mới vào trường nên bọn con gái lớp 10 vẫn chưa phải mặc áo dài, chỉ có mấy chị lớp trên mới phải mặc mà thôi. Dưới sân trường đứa nào đứa nấy cũng chung một màu trắng toát dự lễ khai giảng. Mấy thầy thì mặc chung màu vest đen, còn mấy cô thì xúng xính áo dài màu nào cũng thấy có.
Có lẽ sự khác biệt duy nhất giữa lễ khai giảng cấp hai và cấp ba đó chính là phần văn nghệ có phần trẻ trung hơn, sống động hơn. Còn lại thì năm nào cũng có cùng chung một trình tự nhất định. Năm nay vì chúng tôi là học sinh mới vào trường nên phải làm lễ diễu hành. Trước khi làm lễ thì bắt buộc 100% tất cả bọn học sinh lớp 10 phải có chiếc quốc kỳ nho nhỏ trên tay. Sau khi làm lễ diễu hành xong thì khai giảng mới chính thức bắt đầu.
Tôi nhớ hồi cấp hai, phần văn nghệ chủ yếu là múa hát những bài dân vũ, những bài hát về tình yêu trường, yêu thầy cô và yêu bạn bè (mặc dù sau lưng thì nói xấu hết người này đến người khác) để chào mừng năm học mới. Còn lên cấp ba, trường có hẳn một câu lạc bộ nhảy để biểu diễn văn nghệ. Vì được tự do trình diễn nên đám học sinh chọn nhảy những bài nghe hợp thời hơn, bắt tai hơn với sống động hơn.
Mặc dù chọn nhạc hợp thị hiếu của bọn học sinh nhưng chúng nó vẫn nhảy dở như hạch, phần nhạc cũng không cứu vãn nổi phần nhảy nhót. Thỉnh thoảng có những đoạn nhảy lệch tông, có đoạn thì cả nhóm nhảy cũng chẳng đều. Đến mấy đoạn cao trào thì bọn học sinh la hét ầm ĩ hết cả lên để cổ vũ đám văn nghệ.
Tôi ngồi nhìn văn nghệ mà chẳng thấy hứng thú nổi, thực sự thì nó chẳng gợi cho tôi một tí cảm xúc nào gọi là hào hứng hay thán phục cả, tôi cứ ngồi thẫn thờ ở dưới như sắp chết đến nơi. Anh ngồi ở ngay bên trên tôi, nên tôi thuận miệng than thở với anh:
"Trời đất ơi bao giờ mới được về vậy!"
Nghe thấy vậy anh liền quay xuống cười nói với tôi: "Mới khai giảng được có 20 phút thôi mà đã muốn về rồi à?"
Tôi bĩu môi đáp: "Chả muốn ở trường đâu! Chỉ muốn đi về thôi!". Rồi tôi tò mò hỏi anh: "Tí nữa cậu có về trường cấp 2 không? Tí nữa mình định về nè".
"Có! Tí nữa mình cũng đi về". Anh gật đầu trả lời, rồi nói tiếp: "Dù sao hồi học cấp 2 anh em bọn mình cũng chơi thân với nhau, được dịp khai giảng này thì về tụ họp với nhau một bữa. Tí nữa mình đi một mình, cậu có muốn đi chung không?".
Nghe từ "anh em" là biết trong đám đấy rặt một lũ con trai chơi với nhau rồi. Tôi nhớ có một bạn nam suốt ngày đi về nhà chung với anh, thế là tôi tò mò hỏi: "Ủa thế cái bạn mà suốt ngày về với cậu đâu? Nó không học cùng lớp với cậu hả?"
Anh lắc đầu đáp: "Nó học cùng lớp với mình, nhưng mà hôm nay nó có việc phải về sớm nên không đi với mọi người được"
Thấy vậy tôi liền chốt với anh: "Vậy khai giảng xong mình đi chung với nhau nha!"
"Vậy tí nữa chờ nhau ở nhà để xe rồi đi cùng nhau luôn!". Anh mỉm cười hẹn. Rồi sau đó phần văn nghệ cũng kết thúc, cả trường đứng dậy làm lễ chào cờ.
Hát quốc ca xong là đến phiên thầy hiệu trưởng phát biểu. Thực sự thì thầy phát biểu nhạt nhẽo vô cùng, giọng thầy nói cứ đều đều đều đều như mẹ hát ru cho bé. Cũng may tôi không có thói quen ngủ gật, chứ không khéo lại lăn sõng soài ra sân trường ngủ mất.
Hai đứa chúng tôi cứ tập trung ngồi nghe lễ khai giảng mà chẳng nói với nhau câu nào, vì lúc ấy cả trường đang vô cùng yên tĩnh. Chúng tôi ngồi ở hàng giữa lớp, nếu anh quay xuống nói chuyện với tôi kiểu gì cũng bị thầy cô hoặc bọn sao đỏ mắt quạ để ý.
Vì trường tôi cũng chỉ là một trường bình thường trong thành phố, nên thành tích của trường bảo nổi bật thì cũng chẳng có gì nổi bật, mà bảo nát bét thì cũng chẳng có gì nát bét lắm. Nói chung là cũng bình bình. Dĩ nhiên giải học sinh giỏi cấp tỉnh thì năm nào cũng có, nhưng để mà giải cao thì cùng lắm cũng là giải nhì, mà giải nhì thì thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện. Giải nhì đã hiếm rồi thì giải nhất còn hiếm hơn, lâu lâu mới có một lần. Năm nay đội tuyển học sinh giỏi của trường đạt giải cao nhất là 2 giải nhì môn Lịch sử với Toán, còn lại thì toàn giải ba với giải khuyến khích.
Có điểm khen thì cũng có điểm chê, năm nay trường có tận 5 học sinh thi trượt tốt nghiệp, lại còn có học sinh phải ở lại lớp 10 vì điểm tổng kết không đủ điểm để lên lớp, trường cho thi lại vào hè thì cũng chả thi được qua môn. Kể ra để đến nỗi phải ở lại lớp cũng tài thật, không biết phải bết bát đến mức nào mà trường mới phải cho ở lại lớp.
Nhắc đến bị đúp thì tôi lại nhớ hồi ở trường cấp 2 cũng có một thằng tương tự như vậy. Nhưng bảo thằng thì cũng không được lễ phép lắm, vì hồi tôi bắt đầu học lớp 6 thì nó đang học lớp 7, nhưng đến khi tôi học lớp 9 rồi nó mới học lên lớp 8. Không biết nó phải yêu trường đến mức nào mà giờ chúng tôi ra trường rồi nó vẫn còn ở đấy. Nhưng mà thôi kệ đi, dù sao tôi cũng chẳng có thiện cảm với nó làm gì, vì nó cũng thuộc dạng côn đồ nhưng hung hăng hơn thằng Hùng Gấu.
Hầu như năm nào ở trường cũng sẽ có màn vinh danh thủ khoa đầu vào của trường. Năm nay lớp tôi có con bé Ngân là thủ khoa, điểm đầu vào là 42,8 điểm. Lúc đọc đến tên nó thì cả lớp reo hò lên vì ngạo nghễ. Tranh thủ lúc nó đang lên nhận giải, tôi tò mò hỏi anh:
"Năm nay cậu thi vào trường là được mấy điểm vậy?"
Anh liền quay xuống tôi rồi đáp: "Mình được 41 tính cả giải học sinh giỏi".
Ô! Thế hóa ra ngày trước anh trong đội tuyển môn gì à? Tôi hỏi thêm: "Ủa ngày trước cậu đi đội tuyển sao? Giờ mới biết nha!".
"Ừm, hồi đấy mình đi thi Toán, được giải ba nên đi thi cấp 3 được cộng 1 điểm". Anh nhớ lại rồi kể: "Ban đầu mình không định vào đội tuyển đâu, nhưng hồi biết điểm thi thử kỳ 1 cô Tâm lúc đấy thấy mình học được Toán nên có đề xuất cho mình vào đội tuyển. Mà lúc đấy đội tuyển học từ đầu tháng 9 rồi nên vào đấy phải cố học sao cho theo kịp được chúng nó. Học được đúng 3 tháng rồi đi thi, thế mà vẫn lấy được giải ba".
A! Tôi nhớ ra rồi! Thảo nào lần đầu gặp anh ở trên lớp tôi lại cảm thấy quen quen đến như thế, thì ra là tôi đã từng trông thấy anh lúc lên nhận giải học sinh giỏi của trường. Chỉ có điều lúc ấy tôi còn đang mải buôn chuyện với bọn con Quỳnh ở dưới, nên chỉ nhìn một thoáng cho biết mặt ai với ai rồi thôi.
"Bảo sao lúc mới vào lớp mình đã cảm thấy hình như từng trông thấy cậu ở đâu đấy rồi, hóa ra là từng được lên bục nhận giải học sinh giỏi đợt Tổng kết". Tôi cười nói với anh, rồi bất chợt tôi nhớ ra một chuyện, thế là sẵn tiện hỏi: "Mình nhớ là hồi mới đi nhận lớp cậu hỏi mình có phải từng học chung trường với cậu không, thế ra hồi cấp 2 cậu từng biết mặt mình à?".
Nghe tôi hỏi xong, bất chợt anh liền cười rồi không ngần ngại mà trả lời: "Đúng là có từng biết mặt, vì có một đợt lớp mình học chung tiết thể dục với lớp cậu nên mới vô tình nhìn thấy cậu bên lớp A8. Thế nên hồi đi nhận lớp mình mới hỏi cậu có phải từng chung trường với mình không"
Ôi! Tôi có nhớ mang máng hình như lớp mình từng chung tiết thể dục với lớp A2 một lần hồi lớp 9, nhưng mà đợt đấy tập thể dục xong tôi toàn ngồi một góc gần lớp A4 buôn chuyện với bọn con Quỳnh, con Hương nên thành ra tôi cũng chẳng nhớ nổi mình đã từng chạm mặt anh bao giờ. Nếu có thì có khi cũng chỉ vô tình nhìn thoáng qua mà thôi.
Tôi ngẫm lại một chút để nhớ ra xem mình có từng nhìn thấy mặt anh hồi học thể dục năm ấy bao giờ chưa, có lẽ là rồi. Hình như hồi đấy tôi có vô tình nhìn thấy anh trong cái hội chơi bóng rổ đợt đấy nhưng tôi cũng chẳng ấn tượng với ai trong số đó cả, tôi bảo anh: "À phải rồi, đúng là có một lần lớp mình từng chung tiết thể dục với lớp cậu năm đấy, nhưng mà mình thì lại không để tâm lắm tại mình cũng chẳng quen với ai ở trong lớp cậu cả. Có phải đợt đấy cậu hay chơi bóng rổ ở giữa sân không?"
Anh nhe răng cười rồi đáp: "Đúng rồi đấy, hồi đấy mỗi lần tập xong là mình lại chơi bóng rổ với bọn cùng lớp, đợt đấy lớp mình cũng hay chơi với vài đứa lớp cậu".
"Bảo sao hồi đấy chả có ấn tượng gì với cậu, tại mình không thích chơi bóng rổ lắm". Tôi chậc lưỡi đáp: "Hồi đấy mình hay ngồi ở gần hành lang lớp A4 buôn chuyện với mấy chị em, nên thành ra nếu có nhìn ra sân bóng rổ thì cũng chẳng nhớ mặt".
Anh mỉm cười nói với tôi: "Không có ấn tượng cũng chẳng sao cả, dù sao lớp mình hồi đấy tập trung ở một góc, lớp cậu ở một góc nên cả tiết cũng chưa chắc đã nhìn thấy nhau".
Tôi còn đang định nói thêm vài chuyện nữa, nhưng phần trao giải cho học sinh xuất sắc của trường đã xong, các thầy cô lại quay về với bài phát biểu chán ngắt của mình nên tôi đành im lặng. Anh cũng biết ý nên quay lên rồi không nói thêm gì nữa.
Chán nản không biết làm gì, tôi lại bắt đầu suy nghĩ lung tung, chợt tôi lại nhớ ra chuyện ngày xưa bố với chú Huy cũng từng học ở trường mình. Bố hơn chú Huy 1 tuổi, hai người quen biết nhau cũng từ ngôi trường này mà ra.
Chú Huy kể ngày trước bố học giỏi lắm, lại còn chịu khó giúp ông ra đồng làm nông vì nhà bà hồi ấy rất nghèo. Mấy người họ hàng trong nhà hồi đấy ai cũng quý bố lắm, sau này bố thi đỗ vào công an cả nhà ai ai cũng khen ngợi.
Còn chú Huy ngày ấy thì trái ngược với bố hoàn toàn. Ngày ấy bố chú là kiến trúc sư có tiếng ở tỉnh, sau này thành lập công ty xây dựng thì càng ăn nên làm ra, rất nhiều công trình ở thành phố như bệnh viện tỉnh là do công ty bố chú thiết kế. Ngày ấy nhà chú Huy giàu nứt đổ đố vách, mà bố chú thì hay vắng nhà, mẹ chú thì quá hiền để nuôi dạy con nên ngày ấy chú cũng thuộc dạng công tử chơi bời đàn đúm, học hành bết bát mà cũng chẳng biết sợ ai bao giờ. Thậm chí hồi ấy điểm thi đầu vào của chú cũng chỉ hơn điểm chuẩn có 0,25 điểm.
Ấy vậy mà chẳng hiểu sao từ lúc chú Huy lên lớp 12, chú thay đổi 180 độ sang thành một con người khác vậy. Từ một đứa chơi bời lêu lổng, chú lại thành học sinh ngoan hiền lễ phép. Không một ai hồi đấy từng nghĩ rằng chú có thể thi đỗ vào Đại học Kiến trúc bằng thực lực, thậm chí sau này tài năng của chú cũng chẳng kém cạnh bố chú là bao.
Nếu như chú Huy mãi đến lớp 12 mới bắt đầu chăm chỉ học hành thì hồi lớp 10 chú thi vào trường mình cũng chẳng có gì để nói, nhưng mà bà kể rằng từ hồi cấp 1 bố đã học giỏi rồi. Ngày ấy nghe bà khen ngày xưa bố học giỏi như nào thì tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều lắm, nhưng bây giờ đến mùa khai giảng rồi thì tôi lại tự hỏi tại sao ngày ấy bố không thi vào Hùng Vương nhỉ? Rõ ràng trường đó sẽ tốt hơn trường mình rồi.
Nghĩ đến đây tôi cũng có thắc mắc tương tự với cả anh. Lúc anh thi đầu vào là đã 40 điểm rồi, với điểm đấy thì anh vẫn còn dư ra hơn 2 điểm đỗ trường Hùng Vương, ấy vậy mà anh lại để nguyện vọng 1 là trường mình.
Lý do thì có thể nhiều lắm, có thể là vì không tự tin thi vào trường Hùng Vương, nhưng cũng có thể là vì vào trường mình để vào lớp chọn. Có lẽ lý do đầu tiên nghe vẫn bùi tai hơn là lý do thứ hai, nhưng lý do thứ hai thì cũng không phải là không có khả năng.
Những lúc chán nản không có gì để làm, tôi thường hay ngồi suy nghĩ vẩn vơ để giết thời gian. Ngồi dưới sân trường vừa nắng nóng vừa mệt mỏi, bọn học sinh xung quanh cũng bắt đầu rệu rã hết cả người. Tôi cứ ngồi thả hồn trên mây mãi cho đến khi khai giảng kết thúc.
Vậy là sắp sửa được về lại mái trường xưa tụ họp cùng các chị em rồi.
Chờ anh cất ghế lên lớp xong thì chúng tôi cùng xuống nhà để xe. Lúc xách xe ra cổng trường thì tôi hỏi anh: "Chỗ sách cậu mua hôm trước đã đọc xong quyển nào chưa?"
Anh đáp: "Rồi, mình mới đọc xong quyển "Người đàn bà trong đêm" hôm trước, nếu truyện rải hết các manh mối thì hung thủ sẽ dễ đoán quá".
Tôi nhớ lại cái cảm giác hồi còn đọc quyển ấy, rồi cảm thán: "Công nhận hung thủ bộ này vừa liều vừa khôn. May có ông cảnh sát điều tra lại án chứ không thì ăn án oan".
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện với nhau về cuốn sách mà anh từng đọc. Điều anh ấn tượng nhất ở Cornell Woolrich là giọng văn trữ tình, đọc không bị sến. Với lại anh cũng thích cách tác giả xây dựng bầu không khí hồi hộp, dồn dập ở trong truyện từ đầu đến cuối. Chỉ có điều khiến anh không thích ở quyển này là tác giả đã che đi quá nhiều manh mối quan trọng.
Kể đến đây tôi lại cảm thấy vô cùng đánh giá cao văn phong của Cornell Woolrich, làm sao ông có thể kết hợp giọng văn lãng mạn với bầu không khí căng thẳng của truyện được nhỉ? Tôi nhớ rằng hồi tôi đọc quyển này với quyển "Kết hôn với người chết" tôi không hề thấy buồn ngủ một tí nào, càng đọc càng không dứt ra được.
Nhưng điều khiến tôi thích nhất ở Woolrich không phải là văn phong, mà là tính nhân văn của tác phẩm. Sau khi đọc cả hai quyển của Woolrich thì tôi nhận ra ông rất đề cao tình cảm giữa người với người, đặc biệt là trong quyển "Kết hôn với người chết". Dù rằng quyển này kết thúc có vẻ không có hậu lắm, nhưng cách mọi người ứng xử với nhau lại khiến tôi cảm động. Về điểm này thì tôi lại thấy giống của Agatha Christie. Dù rằng bà không thể hiện rõ thông qua lời văn nhưng thông qua hành động của nhân vật, tôi có thể cảm nhận được bà là người rất coi trọng tình cảm.
Chúng tôi cứ mải nói chuyện với nhau về sách cho đến khi tới cổng trường cũ thì chia tay. Lúc chúng tôi đang dựng xe ở gần cổng thì đã thấy đám bạn của anh đến gặp anh rồi, ai nấy cũng tươi cười rạng rỡ.
Có một số lớp ở lại trường để ăn liên hoan. Không biết con Lan, con Bình đã về nhà chưa nhỉ?
Sân trường vẫn còn rất đông học sinh, học sinh cấp hai có mà học sinh cấp ba về thăm trường cũng có. Đám học sinh cấp hai thì chủ yếu ngồi nói chuyện và đi lại với nhau trong sân trường, còn bọn cấp ba thì đang ríu rít với nhau quanh thầy cô chủ nhiệm.
Lúc đi ngang qua phòng bác bảo vệ tôi vô tình thấy một bé cún đang bị xích ở chân cầu thang, không biết bác nhặt nó về đây từ lúc nào nhỉ? Vì hồi tôi còn đi học thì không thấy một con chó nào.
Tôi dõi mắt đi tìm bóng dáng mấy đứa lớp mình, vừa đảo mắt qua đã thấy chúng nó tụ tập chỗ cô Vân ở gần căng tin. Tôi chạy vừa hướng đó thì bắt gặp hai đứa con Hương, con Quỳnh. Chúng nó vừa nhìn thấy tôi thì đã vội kêu lên: "Bọn em ở đây!"
Tôi hớn hở chạy về phía các em yêu mà tôi đã từng học chung với nhau. Vừa đến chỗ bọn nó thì tôi đã tươi cười bảo với con Quỳnh: "Ôi! Ban nãy đi qua phòng bác bảo vệ chị thấy có một đứa đứng ở chân cầu thang nhìn giông giống mày lắm. Ban đầu chị tưởng đấy là mày cơ nhưng, đến lúc lại gần thì không phải".
Tôi đánh mắt sang nhìn phía con Hương thì nó đã ngay lập tức hiểu ý rồi cười cười, còn con Quỳnh thì vẫn ngơ ngác nhìn về phía phòng bác bảo vệ rồi hỏi tôi: "Đâu, đâu! Đứa nào giống em cơ? Em có thấy ai đứng ở đấy đâu".
Con Hương bật cười nức nở rồi bảo với nó: "Đứng ở dưới chân cầu thang làm gì có con nào, chỉ có con chó bị xích ở dưới đấy thôi".
Vừa nghe xong con Quỳnh đã xụ hết cả mặt, nó bày ra vẻ đáng thương rồi trách móc tôi: "Mẹ! Em đã biết ngay là chị giở trò mà, ban nãy em đi qua có thấy đứa nào đứng ở đấy đâu".
Tôi bật cười khà khà rồi lại bồi thêm: "Xin lỗi em! Tại ban nãy chị tháo kính ra để lau nên nhìn đâu cũng thấy mờ ảo. Nhìn qua còn tưởng là em yêu, đến lúc đeo kính lại mới biết là con chó".
Con Quỳnh đã bị tôi đâm một nhát rồi giờ đâm thêm nhát nữa đã không chịu nổi. Nó chỉ biết hậm hực rồi cũng không biết đáp trả tôi thế nào. Con Hương thì ngoạc mồm ra cười to đến nỗi cô Vân đứng gần đấy còn nghe được.
Cô Vân năm nay cũng hơn 55 rồi, cô dạy ở trường cũng phải ngót nghét được hơn 20 năm. Hầu như năm nào cô cũng được phân đi dạy đội tuyển và lần nào đội tuyển cũng có giải, nên cô thường được chọn để làm chủ nhiệm lớp chọn. Chỉ có điều chẳng hiểu sao đến khóa bọn tôi thì cô lại được phân làm chủ nhiệm lớp thường. Nhưng cô thấy cũng chẳng sao, ngược lại ở lớp tôi cô lại chọn ra được một đứa đi thi giải nhì Văn và được tuyển thẳng vào chuyên Văn.
Tính cô thì hiền như cục đất, đúng kiểu một người bà điển hình trong truyện cổ tích Việt Nam. Hầu như đứa nào cô cũng đối xử nhẹ nhàng chứ không gay gắt như mấy ông thầy bà cô khác, kể cả khi có đứa bị ghi vào sổ đầu bài thì lúc cô phê bình cũng chẳng thấy uy nghiêm gì.
Giờ ngẫm lại có khi cô toàn được phân vào lớp chọn cũng là vì thế, có lẽ vì mấy đứa trong đấy hiền hơn nên dễ bảo. Lớp chúng tôi cũng vậy, cũng không có đứa nào phá làng phá xóm nên năm đó cô làm chủ nhiệm cũng dễ thở.
Cô Vân thấy tôi đến, liền quay sang cười nói với tôi, mấy đứa đang dính lấy cô cũng bám theo: "A! Thanh đây rồi! Ban nãy cô thấy hai đứa con Hương, con Quỳnh đến trước nên tưởng hôm nay Thanh không đến. Thanh năm nay vào lớp nào rồi?"
Tôi mỉm cười nói với cô: "Em vào lớp A6 cô ạ. Lớp em năm nay là lớp khối D".
Cô Vân nghe vậy liền tiếc nuối bảo tôi với con Hương: "Thế là hai đứa thằng Thanh với con Hương không học chung lớp với nhau rồi! Cô vẫn ấn tượng ba cái đứa này đi chung với nhau suốt, lần nào bắt gặp cũng thấy ba đứa này dính nhau như sam".
Con Quỳnh bảo với cô: "Bọn em không chung lớp nhưng mà sau này có dịp thì vẫn đi với nhau mà cô. Ba đứa bọn em chơi chung với nhau từ hồi lớp 6 lận".
"Đấy! Sau này có thể ít gặp nhau nhưng gặp rồi vẫn thân thiết được với nhau như này là tốt". Cô gật gù bảo: "Nhiều người lúc còn đi học thì bạn bè thân thiết với nhau lắm, nhưng lúc ra trường gặp lại cứ như gặp người lạ ý".
Bọn tôi cũng gật đầu đồng tình, không biết sau này cái hội này nó sẽ đi đâu về đâu. Chơi được với nhau lâu dài thì càng tốt, nhưng không thân được như hồi cấp hai nữa thì cũng đành phải chấp nhận. Huống hồ mỗi đứa sau này lại đi một ngả.
Nhưng vì bọn tôi cũng không để tâm nhiều đến chuyện ấy, đến lúc đó thì tự khắc bọn tôi cũng sẽ có câu trả lời, tôi chuyển sang hỏi thăm cô vài câu: "Cô ơi, năm nay cô lại quay lại chủ nhiệm lớp chọn ạ?"
Cô gật đầu đáp: "Ừ, năm nay cô nhận lớp A2 em ạ! Kỳ này cô có được mời về dạy bên Lê Quý Đôn nhưng mà cô vẫn chọn ở lại trường".
Lê Quý Đôn là trường cấp hai mới khai giảng khóa đầu tiên vào năm ngoái. Vì được xác định là trường dành cho mấy đứa học sinh giỏi nên nhiều đứa tinh hoa chuyển khắp từ các trường khác về đây. Ngay cả giáo viên được mời về dạy cũng toàn là giáo viên có thâm niên dạy đội tuyển học sinh giỏi.
Thằng Hiệp ngồi chờ cô nói chuyện với bọn tôi từ nãy đến giờ nghe vậy thì ngạc nhiên hỏi: "Ơ! Nếu mà được mời về Lê Quý Đôn nghĩa là cô dạy giỏi mà cô. Sao cô không sang đấy dạy ạ?"
Cô quay sang thằng Hiệp giải thích: "Tại cô sắp về hưu, sức khỏe cũng kém rồi nên không còn nhiều sức khỏe đi dạy nữa. Ở trường đấy có cô kể là dạy đội tuyển vất vả lắm, suốt ngày đặt nặng chuyện đi thi phải được giải cao, mà cô cũng yếu rồi nên áp lực quá cô không chịu được".
Cũng phải, hồi trước tôi đi học thêm Toán thì cô dạy thêm được chuyển từ bên cấp 2 Ngô Quyền sang Lê Quý Đôn, có một lần cô than với mấy đứa bọn tôi là đi dạy ở trường đó áp lực vô cùng, nhất là dạy đám đội tuyển. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản nó là trường điểm của tỉnh nên vất vả là chuyện bình thường, chứ không nghĩ là nó lại áp lực hơn tôi tưởng như thế.
Bọn học sinh lớp cũ ngày càng đông đủ, nhưng có con Hòa đi học thêm cùng cô Thu là không thấy đâu. Cả đám tụ lại trò chuyện với cô Vân một lúc rồi lại quây sang cô chỗ cô Dương.
Cô Dương năm nay chủ nhiệm lớp 6A7. Hồi mới lên lớp 9 không phải cô Dương chủ nhiệm thì cũng tiếc vô cùng, nhưng cô Vân cũng không tệ nên bọn tôi cũng quý mến cô. Dù lên lớp 9 cô Dương không dạy tiếng Anh lớp tôi nữa nhưng cô vẫn dạy lớp Giáo dục công dân. Đợt đấy trường thiếu giảng viên Giáo dục công dân nên cô mới bị phân đi dạy.
Ba đứa chúng tôi đều là mấy đứa ít nói, nên lẫn trong đám đông cũng không nói với các cô quá nhiều, chỉ khi nào các cô hỏi đến thì mới mở mồm. Chúng tôi cứ chìm nghỉm như vậy kể cả đến lúc mọi người rời đi cũng không để lại dấu ấn gì.
Chúng tôi đến thẳng quán mỳ cay như đã hẹn từ trước mà không đi với lớp. Sau khi chốt món ăn, con Hương bảo với chị nhân viên: "Cho bọn em một mỳ cay thập cẩm cấp 5, một mỳ cay bò cấp 6, một mỳ cay bò cấp 1, 2 trà đào với một 1 nước cam, 1 đĩa kimbap ạ".
Chị nhân viên vừa rời đi, tôi liền quay sang con Quỳnh bảo: "Rủ đi ăn mỳ cay mà gọi cấp 1 thì về nhà úp mỳ ăn đi em".
Con Quỳnh cười nhe răng đáp: "Em biết là em không ăn được cay mà, nhưng mà em bị thèm mỳ cay ấy. Em không biết diễn tả như nào nhưng mà em bị mâu thuẫn kiểu vậy á, chị hiểu không?"
"Mày thèm vị mỳ ở đây chứ gì?". Tôi bĩu môi hỏi lại.
"Đúng rồi đó, hi hi! Đúng là chị của em!". Con Quỳnh cười ngày càng tươi, nó tả cho tôi: "Kiểu cái vị mỳ ở đây nó khác với mỳ ở nhà ăn lắm ý. Đợt trước em thử nấu mỳ như ở quán nhưng mà nó không có vị như thế này".
Con Hương thấy nhỏ Quỳnh ngây thơ quá, bèn giải thích: "Tại vì ở quán người ta cho thêm gia vị vào mà. Kể cả giờ bạn có mua mỳ y chang gói mỳ của quán đi nữa thì ăn độc gói gia vị đấy cũng không có giống mỳ ở đây đâu".
Tôi nhớ cái trào lưu ăn mỳ cay nó mới bắt đầu nổi ở trên mạng từ hồi tháng 3, tháng 4 năm nay nhưng mà lúc đấy tôi không để ý nhiều lắm, thấy người ta đi ăn rồi kêu ăn đến cấp 3 đã thấy cay rồi nên tôi cũng ngại đi thử. Ai ngờ hồi tháng 5 chú Huy rủ hai bố con ra quán ăn đến cấp 3 rồi mà vẫn thấy chẳng khác gì mỳ Hảo Hảo, ăn đến cấp 5 mới bắt đầu có vị cay cay.
"Nếu mà quán chỉ cho mỗi cái gia vị mỳ ở trong đấy vào nấu thì dân đã đóng cửa về nhà tự nấu mỳ ăn cho rẻ rồi em, cần gì phải ra quán nữa". Tôi giải thích thêm cho con Quỳnh: "Với lại công thức của người ta thì làm sao mà để lộ được. Ai mà biết người ta cho cái gì ở trong đấy, chỉ biết là ăn vào thì nó ngon, vậy thôi".
"Biết là vậy nhưng mà em rất là thèm mỳ ở đây nên mới rủ mọi người đi ăn đó". Con Quỳnh tỏ vẻ đáng thương: "Gọi cấp 1 mà mọi người cứ dị nghị em quá à! Tại em thèm nước dùng ở đây chứ bộ!"
Tôi chỉ liếc con Quỳnh vẻ khinh bỉ rồi thôi không muốn dí nó thêm nữa. Tôi quay sang nói về chuyện khác: "Thôi bỏ đi. Để ý là nay lớp mình về trường cũng gần như đông đủ phết! Có con Hòa là chẳng thấy ai nhắc đến cả".
Con Hương thấy vậy mới sực nhớ ra là thế, nó liền bảo với tôi: "Ê, chị nhắc em mới để ý đấy. Bảo sao nãy giờ thấy thiếu thiếu, hóa ra là thiếu con Hòa".
"Ừ ha!". Con Quỳnh chợt giật mình rồi bảo: "Hồi còn ở lớp em thấy nó cũng hay giao du với mấy đứa trong lớp. Tự nhiên hôm nay chị nhắc thì em mới nhớ ra là không thấy nó đi".
Nhìn chung thì lớp cũng có tương đối đầy đủ, chỉ thiếu mỗi con Hòa cùng với hai đứa nữa là không thấy có mặt. Hai đứa kia lúc chúng tôi ngồi nghe kể thì mới biết là chúng nó bận việc không đi được, chứ con Hòa thì tuyệt nhiên không thấy ai đề cập đến, dù rằng hồi trước nó rất hay chơi với mấy đứa trong lớp.
Con Hương nhớ lại lúc ở trường rồi kể: "Nhưng mà em để ý là chả thấy ai nhắc gì đến con Hòa cả. Cả các cô cũng không thấy nhắc".
"Ừ thì các cô không nhắc đến đã đành, lớp mình đi gần như đầy đủ như thế thì các cô quên mất một hai đứa lúc đấy cũng là chuyện bình thường thôi". Tôi lau đũa đưa cho cái Hương rồi cười nói: "Ngay cả mấy đứa trong lớp mình cũng chẳng nhắc tới con Hòa thì cũng phải xem lại xem bản thân nó như thế nào. Sống mà cứ ghen ăn tức ở tới hết người này đến người khác thì làm gì có ai muốn nhắc đến nó đâu".
"Thực sự là em không hay tiếp xúc với nó nhiều nên cũng chẳng rõ lắm". Con Hương lấy đũa rồi bảo: "Chỉ ấn tượng là con Hòa ai cũng xã giao được thôi, em cứ có cảm giác nó có cái gì đấy nó bị giả lả thế nào ấy!"
Con Quỳnh ngạc nhiên thốt ra: "Cậu thấy tính con Hòa như thế thật à? Lúc mình để ý đến nó thì chỉ ấn tượng là con Hòa nóng tính thôi! Thấy hơi tí là nó đã lên giọng rồi".
"Chứ con Hương nó nói có sai đâu em. Bây giờ em mới biết nó sống giả tạo à?". Tôi quay sang cười mỉa với con Quỳnh, rồi tôi kể cho nó nghe: "Hôm cuối tháng 7 vừa rồi chị đi học thêm tiếng Anh, nó ở ngay trong lớp nói xấu mày với con bé ngồi cạnh nó đấy".
Cả 2 đứa kia trợn mắt lên nhìn tôi vẻ hiếu kỳ, con Quỳnh vừa nghe xong liền kích động hỏi: "Eo ơi! Thật á? Nó nói xấu gì về em thế? Em nhớ là em có tiếp xúc gì nhiều với nó đâu!".
"Hồi nó nói xấu mày nó không chỉ đích danh mày đâu, vì tao ngồi ngay bên cạnh nó mà. Nhưng mà nghe nó miêu tả tao cũng đoán ra được 100% đấy là mày. Để chị trích nguyên văn lời nó nói nhé". Tôi cười mỉa nói với nó, rồi bắt đầu diễn lại cái điệu bộ lúc con Hòa nói chuyện với con Thảo sau khi đi học nhà cô Thu được vài tuần: "Mày biết gì không? Lớp tao có một con học hành kém vãi đái, hỏi đến chia thì hiện tại đơn có khi nó còn chả biết. Hồi đăng ký nguyện vọng nó đăng ký vào Hùng Vương ai cũng bảo nó không có cửa để vào, thế mà lúc báo kết quả thì nó lại đỗ. Lúc biết kết quả xong tao cũng chả thích con đấy lắm, đầu óc như nó mà cũng vào được Hùng Vương".
Làm gì còn ai khớp với cái miêu tả của con Hòa ngoài con Quỳnh đâu cơ chứ. Hồi đấy nó bảo đăng ký nguyện vọng 1 là Hùng Vương mà ai cũng cản, không thấy có cơ hội để vào, thế mà đến lúc biết điểm chuẩn thì ngồi chễm chệ ở trường Hùng Vương làm ai cũng lác mắt.
Con Quỳnh nghe xong thì ngu ngơ hỏi: "Ơ, nhưng mà nó đâu có nói đích danh tên em ra đâu mà sao chị biết được là nó nói xấu em được?"
"Trời ơi bạn bị làm sao đấy? Nó có cần chỉ đích danh ai đâu nhưng nghe nó tả thì cũng biết là cậu mà". Con Hương nhăn mặt bảo với con Quỳnh. Thú thật là tôi cũng không hiểu con Quỳnh ăn gì mà ngáo thế! Nghe phát là biết ngay con Quỳnh rồi mà còn phải hỏi lại, con Hương phân tích cho nó hiểu: "Hồi đấy cậu đăng ký vào hùng Vương đến cô Vân còn chẳng có hy vọng gì cơ mà, cô còn nói thẳng với cậu là học như thế rất khó có khả năng vào được Hùng Vương còn gì".
"Nhưng mà hồi đấy là mẹ mình ép mình phải thi vào Hùng Vương nên mình mới phải đăng ký vào mà". Con Quỳnh vẫn chưa chịu tin, vẫn tiếp tục biện hộ: "Với lại trong lớp đâu chỉ có mỗi mình mình bị nói vụ đăng ký vào Hùng Vương đâu, có cả con Nhàn cũng bị nói vụ đấy mà nó vẫn đỗ còn gì. Với cả điểm Văn con Nhàn cũng được tận 9 nên mới kéo được hai môn kia đấy chứ".
"Nhưng mà có ai học đến lớp 9 rồi mà vẫn đéo biết chia thì hiện tại đơn giống như mày không?". Tôi lên tiếng cãi với nó: "Con Nhàn ít ra nó còn nắm vững được ngữ pháp để mà kéo phần từ vựng, còn mày đến cái thì cơ bản còn phải lấy máy tính ra để chia, lên bảng chia động từ còn bị bà Liên chửi thẳng mặt là đi thi khéo còn bị liệt tiếng Anh kia kìa".
Con Quỳnh giơ tay xoa cằm ngẫm lại một lúc rồi mới bừng tỉnh, nó sáng mắt lên bảo với bọn tôi: "Ừ, cũng đúng. Ngẫm lại thì em cũng không được thông minh lắm, chỉ được mỗi cái chăm nên học được mỗi môn Văn. Hồi ôn thi tiếng Anh suốt hai tháng hôm nào em cũng phải sang nhà cô em giải đề nên đi thi mới được tận 6 điểm".
Con Quỳnh vừa nói xong thì con Hương bất lực quay sang tôi cười nói: "Mẹ, đầu óc con Quỳnh nó bị làm sao ý! Em không thể hiểu nổi tại sao Quỳnh lại chậm hiểu như thế được luôn".
Tôi cũng không hiểu được trong bộ óc của con Quỳnh nó hoạt động như thế nào mà có thể để cho con Quỳnh nó tiếp thu chậm như vậy. Con Quỳnh bất mãn nhìn về phía tôi nói: "Nhưng mà chị kể chuyện đấy ra xong tự nhiên em lại không thích con Hòa nữa. Chính ra em với nó còn chả liên quan gì với nhau luôn mà nó phải nói em như thế".
"Giời ơi! Cái loại ghen ghét đố kỵ với người ta thì ai mà nó chả nói được hả em". Tôi bĩu môi chê: "Đến không thân nó còn nói xấu mình như vậy, thì chả biết thân rồi nó đâm mình lúc nào không hay. Cứ suốt ngày đi chê bai người khác mà chẳng nhìn lại mình thì hiểu sao không may thi trượt Nguyễn Trãi rồi đó".
Con Quỳnh nghe tôi nói vậy thì liền sốc lại tinh thần, nó hồ hởi nói với tôi: "Ờ, chị nói cũng phải! Thôi dù sao lên cấp 3 rồi cũng chẳng gặp lại nó nữa làm gì. Cứ coi như là chó sủa bên tai".
Ôi! Mãi mới được nghe em gái mình nói một câu chí lý. Từ đằng sau tôi chị nhân viên bưng ba bát mỳ nóng hổi cùng ba cốc nước cho mỗi người. Mùi mỳ cay thơm lừng xộc vào mũi khiến chúng tôi ai cũng đói bụng.
Dù vẫn còn đĩa kimbap vẫn chưa được bê lên thì hai con bé kia đã cầm máy chụp lia lịa bát mỳ cay rồi.
"Chị chờ bọn em một chút để em chụp bát mỳ cái đã". Con Quỳnh vừa cầm máy chụp vừa bảo với tôi.
Mẹ nó chứ, đồ ăn dâng lên đến tận miệng rồi mà vẫn phải chờ chúng nó cúng Facebook. Tôi thì chả ham chụp chiếc làm gì nên đành ngồi nhăn mặt nhìn chúng nó lia máy. Con Hương chụp được xong vài kiểu thì vừa búi tóc đuôi ngựa vừa hô: "Ok xong rồi! Ăn thôi mọi người ơi!"
Công nhận cái nước mỳ người ta làm không thể lẫn đi đâu được. Ngoài vị cay ra còn lẫn thêm cả vị mặn ăn cùng sợi mỳ dai dai của Hàn khiến người tôi nóng bừng hết cả lên. Lần nào đi ăn mỳ cay kiểu gì tôi cũng phải vét đến gần cạn nước mới chịu dừng.
Lúc chúng tôi vừa ăn không được bao lâu, con Hương liền kể: "Mọi người ạ, hôm trước thằng Thành vừa nhắn tin hỏi vay tiền em đấy".
Chuyện thằng Thành hay vay mượn tiền thì tôi cũng không thấy có gì lạ. Hồi còn nhỏ chơi với nhau thỉnh thoảng nó hỏi vay tôi 10 nghìn đến 20 nghìn tôi cũng đồng ý cho nó vay, chỉ có điều hồi ấy ngây thơ quá, biết nó chẳng trả được mấy đồng mà cũng cho nó mượn tiền.
"Ủa thế á! Nó hỏi cậu vay bao nhiêu vậy?". Con Quỳnh thắc mắc hỏi.
"Nó hỏi vay 50 nghìn, nhưng mà mình có cho nó vay đâu, chỉ bảo là không có tiền". Rồi tự nhiên con Hương bật cười nói: "Mà thực sự là mình đéo có tiền thật. Tại vì mình chỉ hỏi xin mẹ tiền tiêu vặt để đi ăn với mọi người buổi hôm nay thôi chứ bình thường mình có làm gì liên quan đến tiền đâu mà xin".
Không cho vay cũng được, mất công đi đòi rồi chẳng bao giờ thấy nó trả, tôi bảo với con Hương: "Dính đến thằng Thành thì tốt nhất là đừng cho nó vay. Hồi trước chị chơi với nó cũng thỉnh thoảng cho nó vay một chục hai chục để đi chơi, mà đòi mãi có thấy nó trả tiền đâu, toàn bảo để hôm khác trả rồi đến hôm đấy thì lại kêu không có tiền. Mà hồi đấy chị cũng đần, cứ nghĩ là bạn bè hàng xóm chơi với nhau nên mới thoải mái cho nó vay tiền như thế".
"Không chị ạ, có là người khác thì em cũng chả bao giờ cho vay đâu". Con Hương giải thích: "Cơ bản là em với nó cũng chả thân với nhau như là chị em mình, nên em không đủ tin tưởng người khác để mà cho vay ấy. Mà kể cả là người thân thì em cũng phải xem xem người ta có đáng để vay hay không ấy, chứ em không cho vay bừa được".
Con Quỳnh nghe vậy cũng kể với tôi: "Hồi trước nó cũng hỏi vay em một lần, đợt đấy nó hỏi em vay 45 nghìn đi xem phim em cũng đồng ý cho nó vay. Nó hẹn đến cuối tháng 7 trả xong đến đúng tháng 7 nó trả em được 30 nghìn rồi lại hỏi em có 15 nghìn không cho nó vay tiếp. Mà lúc đấy em cũng không có tiền nên em chỉ lấy được đúng 30 rồi giờ có đòi được thêm đâu. Vẫn đang phải nhắc nó trả nốt 15 nghìn".
"Chiêu đấy nó dùng với chị suốt. Thỉnh thoảng đến hẹn nó lại trả gần đủ tiền vay hôm trước rồi hôm sau nó lại hỏi vay thêm tiền". Tôi bảo với con Quỳnh: "Cơ bản là nó làm thế để mình tin tưởng nó rồi cho nó vay thêm chứ có bao giờ nó muốn nhè tiền ra cho mình đâu".
"Cái này chị nói chuẩn nha! Ở nhà em bác em cũng y hệt thế luôn". Con Hương bắt đầu kể: "Lúc nào cũng thấy hỏi vay bố mẹ em tiền. Mà cứ mỗi lần định hỏi vay thêm là kiểu gì cũng trả gần đủ cái tiền vay hôm trước rồi hỏi vay thêm tiền khác. Ban đầu bố mẹ em cũng tin tưởng cho bác đấy vay thêm, xong rốt cuộc bố mẹ để ý cái trò đấy nó cứ lặp đi lặp lại mà tiền nợ thì càng ngày càng nhiều nên bố mẹ em mới quyết định không cho bác đấy vay nữa".
"Thế nên nó mới nợ chị gần 300 mà giờ vẫn còn chưa trả đấy". Tôi quay sang bảo với con Hương: "Cũng may mà có bố chị cản nên giờ mới sáng mắt ra. Hồi mới thi cấp 3 xong chị định sang nhà nó kể hết cho mẹ nó nghe về chỗ tiền mà nó nợ chị chưa trả. Tối ăn cơm hôm đấy chị kể ý định của chị cho bố nghe thì bố bảo là chỗ tiền đấy coi như cho nó cũng được, nhưng lần sau thì tuyệt đối không được cho nó vay thêm".
Hồi mới thi xong tiếng Anh, tôi cũng đi đòi tiền vào đúng ngày nó hẹn nhưng thứ tôi nhận lại vẫn chỉ một câu quen thuộc là không có tiền trả, nên tối hôm đấy tôi mới ấm ức kể hết chuyện nó vay tiền với ý định của tôi ra. Lúc đầu bố cũng ngạc nhiên vì tôi dễ dãi cho nó vay tiền trong một khoảng thời gian dài như thế, nhưng rồi bố cũng bảo chỗ tiền đấy coi như để làm rõ bộ mặt thật của thằng Thành cũng được.
"Ủa, sao bố chị lại bảo là không cần đòi. Rõ ràng đấy là tiền của chị mà". Con Quỳnh thắc mắc hỏi.
"Tại nhà nó làm gì có nhiều tiền để cho nó đi chơi. Bố thì đi làm công nhân, mẹ nó thì làm thợ may ở nhà. Lương tháng cả bố cả mẹ góp lại cũng chỉ đủ cơm canh ngày ba bữa". Rồi tôi bắt đầu kể: "Với lại bố mẹ nó cũng nóng tính, thỉnh thoảng trong ngõ đang yên thì nghe thấy tiếng mẹ nó cầm roi ra vụt. Đợt đấy chị mà kể cho mẹ nó nghe chỗ tiền mà nó nợ chị, thì có khi bây giờ nó không còn mạng để hỏi vay tiền con Hương đâu".
Ngẫm lại thì đợt đấy tôi cũng có hơi ngông. Giả sử tôi mà đến nhà nó báo cho mẹ nó biết, thì đảm bảo chiều hôm đấy nó no đòn với cả bố cả mẹ. Mà tôi cũng hay chạm mặt cô Hằng trong bà, mỗi lần cô Hằng thấy tôi thì cô lại áy náy. Chưa kể tôi với thằng Thành hồi trước cũng thân thiết với nhau, hồi đấy mà báo cho mẹ nó biết rồi thì nó cũng quay ra thù ghét mình. Dù gần 300 cũng là số tiền không nhỏ, nhưng thôi thì coi như bỏ tiền ra học khôn rồi rút kinh nghiệm cũng được.
Nghe tôi kể gia cảnh nhà nó như vậy, con Quỳnh chợt hiểu ra: "Bảo sao cứ mỗi lần nó hỏi vay em là nó lại cầm tiền để đi chơi nhá. Cái lần nó kêu trả trước 30 để vay em thêm 15 nghìn cũng là để tối hôm đấy nó đi chơi với mấy đứa bạn cùng lớp".
"Ê, cái hồi nó nhắn hỏi vay mình cũng là để tối hôm đấy nó đi ăn với bạn của nó nha". Con Hương lại bật cười ha hả: "Nhưng mà xui cái là hỏi trúng ngay cái con cũng đéo có tiền, thế là nó cũng chả vay mình được đồng nào".
Tôi cố gắng nuốt nốt chỗ mỳ rồi bật cười nói với hai đứa nó: "Khổ! Biết là nhà mình đéo có tiền để đi chơi nhưng mà vẫn cứ thích đua đòi cho bằng được. À mà thằng Thành nó không đi làm nữa rồi, giờ nó đang học ở bên Nguyễn Thị Lưu đấy".
"Cái này thì em biết này, hôm em đi nhập học nó cũng có kể cho em nghe". Con Quỳnh xác nhận với tôi: "Bố mẹ nó không muốn nó phải bỏ học đi làm sớm nên mới bắt nó phải đi học, nó cũng bảo với em là cố thử xem có học nổi cấp 3 không rồi mới tính tiếp".
Chính ra từ hồi học tiểu học tôi với thằng Thành đã chẳng học cùng lớp với nhau bao giờ rồi, nên cũng chẳng biết rõ được trong lớp nó học hành đến đâu. Nhưng giờ mà để tôi đoán thì có khi chương trình cấp 3 nó cũng chẳng theo nổi. Sau này nó mà bỏ học thì tôi cũng chẳng thấy ngạc nhiên lắm.
Bất chợt trong lòng tôi lại xuất hiện cảm giác bâng khuâng khó tả, nó vừa đột ngột xuất hiện với tôi được không lâu thì tôi không kiềm nổi mà nói: "Hồi trước bà chị suốt ngày than với chị sao không học giỏi được như nó, bây giờ thì đến cả cấp 3 thằng Thành cũng chả đỗ được".
Hồi còn bé tôi với thằng Thành dính với nhau như hình với bóng. Lần nào đi học cũng đi chung một cung đường cả đi cả về, vừa đi vừa nói chuyện cười đùa với nhau một cách rất là vô tư, thoải mái. Ấy vậy mà sau khi thi chuyển cấp thì tần suất gặp mặt cũng bắt đầu thưa dần, tôi cũng chẳng còn đối xử được với nó hồn nhiên như ngày xưa.
Chị nhân viên bê nốt đĩa kimbap mà chúng tôi gọi ban nãy khi cả bọn đã ăn gần xong hết. Có một điều kỳ lạ khiến tôi để ý mỗi lần ngồi nói chuyện với bọn con Hương, con Quỳnh, đó là thời gian dường như trôi qua rất nhanh, cứ như thể chúng tôi bỏ quên mất sự tồn tại của thời gian vậy. Lúc chúng tôi đến quán thì là 10 giờ 45 phút, vậy mà chúng tôi ở lỳ trong quán đến tận hơn 12 rưỡi mới về.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com