Chương 71: Trận chiến cuối cùng P1
Trận chiến cuối cùng P1
Tại trong triều đình không còn ai dám nhắc tới chuyện dời đô về Nam nữa. Người thanh niên giữ vẻ ngoài ôn hòa đôn hậu hơn hai mươi năm qua, rốt cuộc bộc lộ ý chí kiên cường, tàn khốc lạnh lùng của mình trước mặt thế nhân. Sau đó, đối mặt với tình thế chỉ còn đường chết này, trong khi người nào người nấy đều muốn lui lại phía sau, truyền lệnh cho bộ Lễ gấp gáp chuẩn bị một phen, gần như hoảng hốt mà nhận lấy ngôi cao. Trong thâm cung, Hách Liên Bái thở từng hơi yếu ớt, là dầu sắp cạn đèn sắp tắt, mà giang sơn thiên hạ lúc này, buộc phải nợ cha con trả.
Năm ấy, Hách Liên Dực hai mươi tám tuổi, đổi niên hiệu thành Vinh Gia.
Trong kinh thành bấy giờ, những người đứng ra bày tỏ quan điểm tạm nhẫn nhịn vì lợi ích lâu dài, đề xuất nghị hòa để "xung phong đi đầu" làm quân tốt thí, phần lớn những kẻ còn lại không dưới chính sách chuyên chế của Hách Liên Dực đều im lặng hẳn xuống, nhưng cũng chỉ là sự im lặng bất đắc dĩ mà thôi - từ các quan trong triều cho đến ngự lâm quân sau chót, người người hoảng loạn, vốn dĩ nhân số ngự lâm quân chưa đến sáu vạn người, bộ phận lại bị Hách Liên Chiêu điều động tạm thời đi đánh trận, lực lượng hiện tại chỉ còn ngót nghét ba vạn. Ngày trước ai ai cũng đều không tin cả, có điều vào thời điểm này, sau khi nghe xong tin tức quân đội Đại Khánh cơ hồ bị tiêu diệt toàn bộ xong, lại vì sợ hãi khôn cùng mà thành quân vô dụng. Số binh lính còn lại có thể điều động được từ các vùng lân cận kinh thành như Sơn Đông, Hà Nam già yếu cũng ốm đau tàn tật. Tình hình trước mắt cũng chỉ có cách chữa ngựa chết thành ngựa sống. Hách Liên Dực triệu tập tất cả số ấy lại. Về phần binh lính trấn thủ các nơi khác như Nam Cương, Lưỡng Quảng, tuy biết nước xa không cứu được lửa gần, cũng vẫn gấp rút kéo về kinh thành bất kể ngày đêm.
Lục Thâm nắm toàn quyền cai quản bộ Hộ trong tay, quyết định đầu tiên đưa ra chính là quy định quân đội trở về kinh từ phía Tây nhất định phải qua Miên Châu, từ phía Nam nhất định phải ghé qua Thương Châu, là kho lương lớn gần kinh thành nhất. Hắn lệnh cho quân đội đi ngang qua, sau đó tự động mang lương thảo vào kinh - quân chuẩn bị lúc trước sớm chôn vùi toàn bộ ở chiến trường Tây Bắc, giờ gom góp lần nữa tất nhiên không kịp, các vùng Miên Châu, Thương Châu tuy cách kinh thành xa, cũng vẫn tốn một đoạn đường. Trước mắt thế đạo loạn lạc, chỉ sợ có bất trắc xảy ra, bất đắc dĩ phải để quân đội về kinh cáng đáng thêm trọng trách.
Còn Cảnh Thất và Chu Tử lại làm công việc khác.
Từ lúc Đại Khánh mới bắt đầu kiến thiết, trong kinh thành có cơ cấu chuyên xử lý những việc liên quan đến Xuân thị, tên gọi "Lai Bắc Ti", Ti này vốn do Hồng Tư Lự Khanh quản chế, có điều sau này để tăng hiệu quả công việc, Lai Bắc Ti có thêm ít quan viên tộc Ngõa Cách Lạt, cũng dần dần thoát ly khống chế của Hồng Lư Tự, trở thành bộ phận biệt lập. Toàn bộ giao dịch Xuân thị tiến hành trên Tây Bắc, năm mới tổ chức một lần, bởi vậy thường ngày công việc nhiều, nhưng lại là mảnh đất cực kỳ béo bở. Năm đó số lần qua lại giữa Triệu Chấn Thư cùng thủ lĩnh Cách Tây của tộc Ngõa Cách Lạt nhiều không đếm xuể, đều là giao dịch giữa tiền và quyền. Có thể nói Triệu Chấn Thư một tay nuôi lớn con sói này, mà Lai Bắc Ti cơ hồ trở thành tay trong giúp Triệu Chấn Thư giao dịch với kinh thành.
Những giao dịch ngầm ấy, đến cả Trương Tiến cũng chưa từng có cơ hội chen chân, thêm nữa người ngoại tộc chung quy vẫn là người ngoại tộc, Đại Khánh tranh chấp chính trị nội bộ có đôi khi cũng không tiện dính dáng đến người ngoài. Bởi vậy trong đợt càn quét thanh trừ Tây Bắc lần đó, đám sâu mọt này lại tránh thoát được, hệt như kỳ tích. Sau khi cấp báo từ Tây Bắc truyền về, Hách Liên Dực liền lệnh cho Chu Tử Thư giám sát chặt chẽ đám người này, tại kinh thành giới nghiêm, Chu Tử Thư bèn thẳng thừng trở mặt, trực tiếp giam lỏng bọn họ lại.
Trong lòng Cảnh Thất hiểu rất rõ, đám người béo tròn béo trục, vòng bụng còn to gấp mấy vòng đầu, sớm không còn trông ra được bộ dạng của người xuất thân du mục này kỳ thực chỉ cầm tiền làm việc, không có chút quan hệ nào với trận chiến trước mắt. Hiềm nỗi lúc này y cần thứ gì đó có thể kích thích cảm xúc của dân chúng kinh thành, chặn lại nỗi sợ hãi kiêng dè "Võ sĩ tộc Ngõa Cách Lạt đao kiếm đâm không thủng" lan truyền như mầm bệnh dịch. Cảnh Thất vốn dĩ không phải kẻ có tài làm tướng, không nên công to việc lớn gì. Năng lực y dư dả làm trợ thủ, phụ tá, đề xuất chủ ý, lại đủ dứt khoát, rất khó có được cái quả quyết đủ đảm đương mọi bề. Nhưng y lại hiểu lòng người hơn bất kỳ ai khác - y cũng biết, vào thời điểm này, thứ đáng sợ nhất không phải đại quân Ngõa Cách Lạt hầm hè kéo tới, mà ngược lại chính là lòng người kinh thành bất ổn hoang mang.
Bất luận là thực sự điều ra không được, hay chỉ bắt gió bắt bóng vô cớ đặt điều, Chu Tử Thư nhanh chóng đưa ra được vô số tội trạng của đám người Lai Bắc Ti. Chưa biết giả thật thế nào, lại cực kỳ có sức kích động quần chúng. Từng điều từng điều được đọc ra, khiến cho tất cả những người thật sự từng chỉ hận không thể lột da rút gân đám người "tội ác tày trời" nọ. Thế là hôm đó, Cảnh Thất điều hơn trăm Ngự Lâm Quân, bất ngờ bao vây Lai Bắc Ti.
Đội quân xông vào kéo từng người từng người ra, lột bỏ quan phục ngay giữa phố, sau đó trói gô lại, một mặt sai người phao tin, mặt khác lệnh thuộc hạ tiến hành chuỗi hoạt động tịch biên tài sản một cách nhanh chóng rõ ràng. Y cưỡi trên lưng ngựa, mặt không đổi sắc hạ lệnh trói những kẻ run cầm cập kia lên cọc gỗ, phía sau cọc gỗ có treo tấm vải trắng cực lớn, bên trên ghi kẻ này là ai, là người tộc Ngõa Cách Lạt, còn là tên chó săn cặn bã này nọ trong lòng Đại Khánh, phạm những tội gì, phân tích cặn kẽ từng điều một. Sau đó Cảnh Thất đích thân dẫn đoàn người đi diễu phố.
Lại xét thấy không ít lão bá tánh đọc không được chữ, y liền mượn hai đại cao thủ dưới trướng Chu Tử Thư là Lô Dũ và Đoàn Bằng Cử. Hai người này theo sát đoàn người, vận nội công, vừa đi vừa đọc rành mạch rõ ràng, khiến người đứng xa gần đều nghe rành rọt.
Vạn người đổ xô ra phố khiến kinh thành như mùa trẩy hội, lão bá tánh cùng binh lính duy trì trật tự tụ tập hết hai bên đường, cũng chẳng biết ai là người đầu tiên ném rau thối lên đầu đám người Lai Bắc Ti luôn mồm kêu oan uổng. Đám đông dần dần trở nên kích động, căm phẫn dâng trào, đá cục, rau thối, nước miếng, ai có gì thì quăng cái ấy. Vốn dĩ binh lính được điều tới để "duy trì trật tự", lúc đầu cũng ngăn cản, nhưng binh lính cũng là người, cũng có người thân bạn bè bỏ xác trên chiến trường Tây Bắc, bởi vậy tình thế biến thành quân dân nhà, quăng ném cũng chuyển thành giẫm đạp và quần ẩu.
Người ta nói với bọn họ rằng, những kẻ béo phệ chỉ ngồi mà hưởng này chính là người tộc Ngõa Cách Lạt, bọn chúng không có ba đầu sáu tay, cũng chẳng đao kiếm không chết. Đám người ngoại tộc ấy thổi cơn gió tanh hôi đến mảnh đất phồn hoa vốn hòa bình yên vui của họ, hại chết thân nhân, hại chết huynh đệ họ, khiến họ rơi vào cảnh loạn ly, sống không thấy mặt chết chẳng gần nhau.
Cảnh Thất và Chu Tử Thư thần không biết quỷ không hay tách khỏi đám đông, đứng ngoài quan sát. Trên lầu cao, Cảnh Thất lặng lẽ đưa mắt nhìn, lúc sau mới nói: "Tử Thư, bảo người của ngươi trà trộn vào đám đông cẩn thận một chút, kẻ nào chưa bị đánh chết thì đánh vào đầu, người chết rồi thì đợi bách tính giải tán hết hẵng nhặt thi thể về, chặt đầu treo lên cổng thành".
Chu Tử Thư than, lắc đầu cười bảo: "Vương gia, ngài có biết, giờ đến cả ta cũng có cảm giác trút được gánh nặng trong lòng, như thể tảng đá lớn đè lên lồng ngực bị ai đánh nát".
Cảnh Thất nheo mắt lại, bất chợt nghiêng đầu nhìn : "Nghe nói... ngươi rốt cục 'chịu' cho Tiểu Lương Tử đi rồi?".
Chu Tử Thư lắc đầu cười khổ: "Cửu Tiêu đi thì Tử Thư không còn phải để mắt trông nom. Tình hình trước mắt như vậy, vạn nhất lại gây ra họa gì thì thảo dân lấy sức đâu lo lắng cho hắn. Ta sai người trói lại, cưỡng chế đi rồi".
Cảnh Thất như cười như không: "Cẩn thận hắn lại hận ngươi cả đời".
Chu Tử Thư bỡn cợt: "Vương gia, yêu càng sâu hận mới càng nhiều, Tử Thư đây đâu có được người yêu mến giống vương gia".
Cảnh Thất thoáng ngẩn người, sau mới nhíu mày nhìn : "Ngươi lại dám chế nhạo bản vương?".
Chu Tử Thư cố nhịn cười: "Vương gia nhất định phải giữ gìn sức khỏe, chớ tức giận mà hại đến thân. Thuộc hạ còn chờ ngày sau đến chỗ vương gia xin chén rượu nhấm nháp đây, nghe nói... rượu độc của Nam Cương là thứ đại bổ".
Vẻ mặt vốn có phần nghiêm nghị của Cảnh Thất phút chốc giản ra, thoáng trầm mặc, sau mới giọng đáp: "Nếu nhờ phúc của lão huynh, ta thật sự có thể sống tới ngày ấy, vậy thì đừng nói là rượu, có bảo ta đi tìm cô nương Nam Cương xinh đẹp tươi tắn eo thon thon cho ngươi lập thê cũng không thành vấn đề".
Chu Tử Thư vội nói: "Vương gia, quân tử lời nói ra bốn ngựa khó đuổi. Ngài nhất định phải giữ lời đấy".
Cảnh Thất vung nắm đấm ra, nhướng mày nhìn hắn, Chu Tử Thư nở nụ cười, cũng vươn nắm đấm ra, khẽ cụng tay với y.
" Lời định."
Sau đó, Cảnh Thất bắt tay vào việc chia kinh thành ra làm nhiều khu vực, mỗi khu vực lại điều động người phụ trách riêng, phân công mỗi ngày mỗi hộ phải cung cấp bao nhiêu lương thực, lại hạ lệnh dọn sạch mấy khu phố chợ trên con đường mà đoàn quân phụng chỉ vào kinh thành nhất định đi qua mỗi ngày luyện binh ngay trên phố đó, canh gác nghiêm ngặt. Quy định sẵn sàng, hễ có viện quân tiến vào kinh phải đốt ngay ba cột lửa thông báo toàn thành.
Hách Liên Dực dốc sức trấn an người nhà Hách Liên Chiêu, truy phong Hách Liên Chiêu là Trung Dũng Đại Tướng Quân Vương, con trưởng của Hách Liên Chiêu là Hách Liên Vũ Dương phong tước thân vương. Những chuyện ấy vốn chỉ là hình thức phải làm cho có, ai dè lại thu được hiệu quả bất ngờ. Những thuộc hạ cũ của Hách Liên Chiêu, lấy nhạc phụ năm xưa từng là quan to nhỡ thời - Giản Tự Tông làm đầu, trở thành lực lượng trung kiên đầu tiên đứng ra ủng hộ chủ chiến. Mười năm trước trên điện Kim Loan, Giản Tự Tông ôm lấy Triệu Minh Tích gọi tiếng "bảo bối", mười năm sau, đầu Triệu Minh Tích và đám người xui xẻo Lai Bắc Ti bị Nam Ninh vương treo hết lên tường thành, còn Giản Tự Tông vốn cáo già dưỡng lão, đầu tóc bạc phơ lại dẫn đầu đám binh vốn xuất thân là gia nô xưa trong phủ đại hoàng tử, lẩy bẩy quỳ trước mặt Hách Liên Dực, tung hô vạn tuế.
Hách Liên Dực không bổ nhiệm bất kỳ ai chứ tướng nào, cởi bỏ long bào mới mặc chưa lâu, khoác lên mình chiếc chiến bào, tuyên bố đích thân bảo vệ kinh thành, đến chết mới thôi.
Đứng sau lưng chẳng còn là mớ cát rời rạc khi xưa, giờ có Lục Thâm vạn phần cẩn thận, có Cảnh Bắc Uyên đột nhiên trở nên quỷ quyệt, tàn khốc tột cùng, có Thiên song quý thần khó lường mới thành lập, có lực lượng đông đảo các thư sinh kháng khái hung hồn, sôi trào nhiệt huyết, có đội binh kiên cường ngút trời bi phẫn của đại hoàng tử năm xưa.
Cũng đúng vào lúc ấy, người khác nữa cũng lộ diện trước đám đông - con của Phùng đại tướng quân Phùng Nguyên Cát, người được thái thượng hoàng Hách Liên Bái nhận làm dưỡng nữ - Phùng tiểu thư, cũng là Tĩnh An công chúa.
Cô nương bao năm qua vẫn ủy khuất an phận trong thâm cung nay đột nhiên xuất hiện, thân khoác nhung trang, nàng có đôi mắt quật cường cùng sống lưng thẳng tấp, không khác gì Phùng đại tướng quân năm đó. Nữ nhi nối bước phụ thân, chốn thâm cung không tài nào mài mòn đi khí phách Phùng gia sắc bén trên người nàng. Tĩnh An công chúa tay chống thương trường, tóc buộc cao lên giống như nam giới, quỳ xuống xin Hách liên Dực cho nàng noi gương Mộc Lan "tòng quân thay cha".
Bộ phận binh lính theo Phùng tướng quân năm xưa cùng vây cánh Hách Liên Chiêu để lại vốn dĩ trong nước lúa dung, nhưng thời điểm này rốt cục hai bên hòa làm một. Một tháng sau, số lượng binh lính đóng tại kinh thành lên tới mười tám vạn, lương thảo đủ đầy.
Cảm xúc của tất cả mọi người dù là bá tánh thường dân hay quân binh lính tráng đều đạt tới đỉnh cao - Vinh Gia hoàng đế Hách Liên Dực có lẽ chính là vị hoàng đế có uy danh lừng lẫy nhất kể từ khi Đại Khánh bắt đầu chép sử tới nay. Mồng Tám tháng Mười , Hạ Doãn Hành tập hợp toàn quân còn sót lại trên Tây Bắc, sống sót trở lại kinh thành. Hách Liên Dực nghe tin đích thân ra cổng thành nghênh đón. Hạ Doãn Hành quỳ sụp ngay tại chỗ, bật khóc thê lương trước mặt Hách Liên Dực. Có điều khi xong trận, Hạ Doãn Hành thỉnh tội, Hách Liên Dực cũng không giáng tội, chỉ bố trí vào hàng ngũ các tướng lĩnh bảo vệ kinh thành - thời điểm này, bất kể là sống hay chết, đều cần dung khí cả.
Mặt khác Chu Tử Thư không hay biết rằng, Lương Cửu Tiêu vốn bị cưỡng chế đưa đi giở mánh khóe trên đường, hai người được cử đi hộ tống nhất thời sơ sẩy, để hắn chạy thoát. Lương Cửu Tiêu âm thầm mà đi, trên đường vừa khéo gặp phải đội quân hậu bị từ phía Nam tiến về kinh thành, liền lấy tên giả là Tiểu Tưởng, trà trộn đi theo. Trong lòng khúc mắc vẫn luôn tồn tại, luấn quẩn mãi chuyện sư huynh sát hại toàn bộ Tưởng gia, không thể quên những lời nghe mà rét căm tận xương tủy vương gia từng nói. Lương Tiểu Cửu biết bản thân rất ngốc nghếch, suy xét không thấu đáo, cố đến đâu cũng chẳng hiểu được những kẻ thông minh ấy suy nghĩ gì.
Thế nhưng, không thể bắt bản thân ngừng thổ thẹn.
Hắn vẫn luôn mơ có ngày bản thân biến thành vị đại hiệp bênh vực cho chính nghĩa, nhưng từ sau khi đặt chân đến kinh thành, tới bản thân mình cũng giữ không được. Lương Cửu Tiêu thấy bản thân nên trở về, dù không vì sư huynh tiến thoái chung sinh tử, thì cũng vì tìm lại con đường dẫn đến "đại nghĩa thiên hạ" trong thời đại ngập trong máu và lửa này.
Trong một tháng ngắn ngủi, ai cũng đều tìm được cho mình lý do để nung nấu quyết tâm. Bởi vậy, quân xâm lược kia, cứ việc thúc ngựa tới đây đi.
Ô Khê thấy mình mơ giấc mơ dài đảo điên thế sự, cảnh trong mơ chân thực quá, chân thực đến độ chính hắn cũng không phân biệt được đâu là thực đâu là hư ảo.
Hắn mơ thấy cỗ xe ngựa năm xưa lọc cọc chạy qua núi sông đan cài chằng chịt đất Nam Cương, trải qua quãng đường rất dài, trông thấy rất nhiều người, sau đó tới nơi phồn hoa bậc nhất, tươi đẹp bậc nhất thế gian - nơi ấy có khúc Vọng Nguyệt buông dòng nghỉ suốt ba mươi dặm, bên bờ có mỹ nhân cùng cảnh ca múa tưng bừng. Kế đó, quen biết người - thứ lưu chuyển trong mắt y còn tuyệt diệu hơn cả quang cảnh bên bờ Vọng Nguyệt, trên gương mặt lúc nào cũng có nụ cười. Y luôn tìm ra cách sống vui vẻ thoải mái, tháng tháng ngày ngày. Y thích rượu ngon, người đẹp, nói gì làm gì cũng mang theo vẻ thong dong không chút vội vàng, trước nay chưa từng thấy y cãi vã, tranh chấp với ai. Hiềm nỗi y cũng có vô vàn tật xấu, là công tử quyền quý sống hết mực hoang đường.
Lúc trông thấy y, Ô Khê cảm thấy trái tim mình chợt ấm, cơ hồ có thể tan ra vậy. Hắn mơ thấy rất nhiều ngày trôi qua tột cùng êm đềm, người kia tuỳ tiện ngả mình người trên chiếc ghế nằm kê dưới gốc cây to, thoáng lơ đờ híp mắt, chậm rãi kể cho hắn nghe vài ba câu chuyện được ghi chép lại trong sách vở, như thể những chuyện ấy mới sinh ra y đã biết vậy, chẳng cần vạch sơ bản thảo, lúc mơ màng nửa mơ nửa tỉnh cũng có thể nói đâu ra đấy. Đôi khi y ngẫu nhiên nâng tay nhấp chén trà, ống tay áo rộng thùng thình liền mang tới thứ hương thơm dìu dịu. Hắn còn mơ thấy lòng bàn tay ấm nóng của người kia, mơ thấy y bất đắc dĩ thốt lên "Cái tên tiểu động vật nhà ngươi", mơ thấy y ôm chồn tím tía trong lòng, cổ đeo dây đỏ, nhẫn phỉ thuý như ẩn đâu đó nơi cổ trắng ngần, mơ thấy đêm kia triền miên không dứt, đốc cạn ái ân, nồng nhiệt đến mức máu trong huyết quản như sôi sục.
Nhưng sao những nỗi vui vầy ấy lại khiến lòng bất an như vậy, phảng phất như cảm thấy thứ gì không ổn. Ô Khê mở mắt to nhìn gương mặt cười người nọ, nhìn y mải miết, lại chợt thấy lòng hoang mang. Sau đó gương mặt sáng sủa của người trước mặt càng lúc càng trắng nhợt, trắng đến độ có thể nhìn thấy mạch máu chảy dưới lớp da y. Rồi khoé miệng cong lên của y hạ xuống, ánh mắt càng lúc càng trở nên trống rỗng, máu đỏ hồng trào khỏi khoé môi, từng giọt từng giọt buông mình xuống chiếc áo gấm y mặc. Ô Khê cảm thấy trái tim mình như ngừng đập, vươn tay muốn với, nhưng làm thế nào cũng không chạm được tới y. Sau đó thấy chân mình chợt hẫng, tất cả ý thức trở nên méo mó, chỉ có thứ cảm giác tuyệt vọng đến khắc cốt ghi tâm kia vẫn rành rành, nghẹn cứng trong lòng ngực, như thể muốn phá tung cả trái tim hắn ra vậy.
Ô Khê thình lình mở mắt, đường nhìn rất mơ hồ, bên tai là tiếng xe ngựa lăn bánh. Hắn thoáng ngây người, không tài nào nhớ được bản thân ở đâu, lại vô thức vươn tay lên ôm ngực. Hắn thấy khoé mắt mình lành lạnh, thử sờ lên mới phát ra chẳng biết từ bao giờ mặt mình nhoà nước mắt.
Có người lớn tiếng hét hò: "Vu đồng tỉnh rồi, vu đồng tỉnh rồi."
Vào khoảng khắc ấy, trong lòng Ô Khê nảy ra suy nghĩ hết sức hoang đường - không phải lúc này trên đường tới kinh thành đó chứ? Hiện tại tất cả những chuyện kia vẫn chỉ là suy tưởng, chưa thực sự xảy ra. Gương mặt của A Tâm Lai xuất hiện trong tầm nhìn của hắn, gã vụng về đỡ hắn ngồi dậy: "Vu đồng, ngài uống chút nước đi."
Ánh mắt Ô Khê đảo qua khoé mắt thoáng vết chân chim của gã, lại lướt nhìn đôi tay trưởng thành của mình, chút ảo tưởng trong lòng như khói hoa rơi xuống nước, chậm chạp tiêu tan, cuối cùng chỉ sót lại đống tro tàn, phiêu bạt giữa sóng nước lạnh lẽo đến thấu xương.
Hắn im lặng uống nửa bát nước trên tay A Tâm Lai, sau đó nhắm mắt lại, tựa người lên tấm đệm phía sau. Đầu óc trống rỗng một mảng, tập trung cảm nhận nỗi đau chuyền tới từ lồng ngực - dồn dập từng đợt như sóng vỗ bờ, đớn đau như xé ruột xé gan.
Cảnh Bắc Uyên... Cảnh Bắc Uyên... Cảnh Bắc Uyên... Cảnh Bắc Uyên...
A Tâm Lai cùng Nô A Cáp thấp thỏm không yên, không dám thở mạnh lấy một hơi, chỉ nín thinh ngồi cạnh nhìn hắn. Hai người thấy Ô Khê tựa người ra sau, tay đè trên ngực, sắc mặt tái nhợt. Cứ thế ngồi lâu, lồng ngực cơ hồ phập phồng lên xuống, đầu mày nhíu chặt vào nhau. Ước chừng sau một tuần hương, mới thình lình hỏi: "Đến đâu rồi?"
A Tâm Lai cùng Nô A Cáp thoáng nhìn nhau, Nô A Cáp thấp giọng thưa: " Đã đi qua đất Thục rồi ạ."
Ô Khê khẽ gật dầu, không nói thêm gì nữa. A Tâm Lai đột nhiên kích động, mở miệng định nói gì, lại bị Nô A Cáp ngăn lại. Gã hung tợn trừng mắt nhìn Nô A Cáp, sau đó liều lĩnh thưa: " Vu đồng, mấy ngày trước lúc ở trong quán trọ, thuộc hạ nghe tộc Ngoã Cách Lạt phương Bắc sắp đánh tới kinh thành..." Ô Khê mở mắt, nhìn quét gã một thoáng, đôi đồng tử đen kịt như bị thứ gì phủ lên, không còn trong ngần đến độ hỷ nộ ái ố đều rành rành như xưa nữa. A Tâm Lai đột nhiên phát hiện ra, ánh mắt ấy của Ô Khê không giống vu đồng của ngày thường... mà giống ai vậy nhỉ? Giống Nam Ninh vương gia, thái tử Đại Khánh, bên trong ẩn giấu nhiều, nhiều thứ, khiến người ta không phân rõ được.
Tuy vậy A Tâm Lai vẫn nói, mắt nhìn thẳng vào Ô Khê: "Vu đồng, chỉ cần ngài nói một câu, chúng thuộc hạ ngay lập tức quay xe trở lại!" A Tâm Lai hất văng cánh tay định giữ gã lại của Nô A Cáp, giận giữ quát lên: "Ngươi đừng có ngăn ta, vương gia? Vương gia làm chuyện gì cũng đúng hết sao? Theo ta thấy đầu óc vị vương gia kia cũng chẳng tỉnh táo gì đâu! Vu đồng, chúng ta quay trở lại thôi, trở lại kinh thành cướp người đi, để mấy thứ khác đi đời nhà ma hết, chúng ta không quan tâm nữa! Sau khi về Nam Cương rồi thì đánh cho vương gia một trận nên thân, bắt y, bắt y..."
Ô Khê thờ ơ đưa mắt nhìn gã, những lời phía sau liền nghẹn lại trong lồng ngực A Tâm Lai, không thốt ra được nữa. Sau đó Ô Khê ra lệnh cực kỳ ngắn gọn, cũng rất rõ ràng: "Ra roi thúc ngựa."
A Tâm Lai và Nô A Cáp cùng sửng sốt, chỉ nghe Ô Khê tiếp: "Ra roi thúc ngựa trở lại Nam Cương, đừng tiếc ngựa. Bảo các huynh đệ ráng chịu khổ mấy ngày, nhất định phải trở về Nam Cương nhanh nhất có thể, càng mau càng tốt - đợi ta sắp xếp mọi chuyện xong thì đi tìm cho ta con ngựa tốt, bỏ cỗ xe này đi."
A Tâm Lai há hốc mồm, hồi lâu sau mới lắp bắp: "Vu đồng..."
Ô Khê khép hai mắt lại, như thể tập trung tĩnh tâm, không nói gì thêm nữa - Vương gia làm chuyện gì cũng đúng hết sao? Hiềm nỗi mức độ tự cho mình là đúng của nam nhân kia nghiêm trọng đến mức độ này, lúc nào cũng thấy bản thân tính toán ổn thoả mọi chuyện, làm gì cũng có lý lẽ riêng, chu đáo, cẩn thận mà tính toán đâu ra đấy tất cả mọi đường: tương lai của bản thân, tương lai cho người khác, cả đường sống lẫn đường chết. Chưa bao giờ y thương lượng với bất cứ người nào. Cảnh Bắc Uyên quen thói có lệ cho qua, thuận miệng nhận sai. Y chẳng qua chỉ lười tranh luận cùng người khác, nếu là chuyện y thực sự ra quyết định, người khác đừng là nói xen lời vào, đến thương lượng đôi câu cũng không có cơ hội. Trong lòng y, bản thân hắn rốt cuộc là gì? ... đứa trẻ ư? Là kẻ cần người chăm sóc, cần người dẫn đường chỉ lối, không đáng dựa vào... Giống như bản thân đối với A Tâm Lai ư?
Ba canh giờ sau, Ô Khê đổi sang lưng ngựa tốt, thúc vó như bay.
Hắn cố ép bản thân không nghĩ đến Cảnh Bắc Uyên, nghĩ đến tình hình kinh thành hiện tại, chỉ tập trung vào chuyện trước mắt. Bề ngoài bình tĩnh vô cùng, hệt như ao nước đọng. Hắn rút ngắn thời gian còn lại của chuyến đi, vốn phải mất gần tháng trời, nay giảm xuống còn sáu ngày, suốt quãng đường chỉ tính riêng làm chết tới ba con ngựa. Trong sáu ngày ngắn ngủi ấy, Ô Khê dùng tốc độ khiến người ta khó thể tưởng tượng được để học cách kiềm chế cảm xúc bản thân, kiềm chế biểu cảm của bản thân, kiềm chế tất cả mọi thứ. Hắn học được cách giữ lại tất cả mọi chuyện trong lòng, chỉ để người khác thấy được thứ mà muốn người khác biết. Học được cách cắm sâu cây cột trụ lay đổ trong lòng lúc hoang mang rối loạn, dù Thái Sơn đổ sụp ngay trước mắt cũng có thể ứng phó đâu ra đấy.
Sau khi Nam Cương thua trận, tới kinh thành trong vai trò con tin, bị ép phải trưởng thành lần thứ nhất. Rồi sống tha hương trên đất khách trọn vẹn mười năm, tận mắt chứng kiến và trải qua những lần ám sát, phải cúi đầu khi thế lực thua người, cuộc sống ngợp ánh vàng son, xa hoa muôn vẻ, âm mưu khiến người phẫn nộ sục sôi, cũng nỗi tương tư thấm vào xương tuỷ. Sau tất cả những chuyện ấy, lại bị ép phải trưởng thành - lần thứ hai. Mà lúc này đây, biến cố lớn lao thình lình ập đến, hoàn thành lần lột xác cuối cùng của hắn.
Ô Khê dẫn theo đám võ sĩ Nam Cương hãi hùng hốt hoảng, liều mạng giục ngựa về Nam Cương. Trước đây Ô Khê từng nghĩ lúc trở lại mảnh đất này hẳn lòng ngổn ngang vô vàn cảm xúc, nhưng lúc này đây, không cảm thấy gì cả. Những tình cảm ấy bị dồn ép quá mức, tê dại mất rồi, chỉ dồn cả nơi đó, cung gài lên dây lại không bắn được mà thôi. Hắn lao người xuống ngựa, không kịp phủi đi cát bụi đường dài bám đầy trên áo, thậm chí không kịp uống lấy ngụm nước. Việc đầu tiên hắn làm là túm lấy cổ áo của người bước ra nghênh đón: "Ta muốn gặp đại vũ sư, ngay lập tức!"
Đại vũ sư già lắm rồi, đầu tóc bạc phơ, vô số nếp nhăn hằn lên gương mặt gầy gò, như thể dùng dao khắc mà nên. Vào khoảng khắc thấy ngài, Ô Khê chợt phát hiện ra bộ dạng đại vũ sư không giống hình ảnh bản thân lưu trữ trong tâm trí nữa, bước chân không khỏi dừng ngoài cửa. Đại vũ sư châm tẩu thuốc, khoan thai phả hơi, sau đó vung đôi tay gầy cho tất cả mọi người lui xuống, chỉ còn lại mình ngài và Ô Khê đưa mắt đánh giá lẫn nhau. Chiếc khoá trói chặt trái tim Ô Khê bỗng nhiên buông lỏng, đủ mọi cảm xúc - uất ức, đau đớn, phẫn nộ, nhớ nhung như thể muốn tràn bờ, nhưng chỉ cắn răng chặt, rốt cuộc cũng kìm lại được, vững bước tiến vào, quỳ xuống, dập đầu với đại vũ sư: "Thầy, con trở về rồi."
Đại vũ sư buông tiếng thở dài, chống bàn đứng dậy. Ngài chậm chạp vươn tay, kéo bờ vai của đứa trẻ nay trưởng thành kia vào lòng, ôm chặt. Ngài cảm nhận được thân thể trẻ tuổi, rắn chắc, ngập tràn sức mạnh kia, ánh mắt thoáng qua cánh cửa mở toang, trông về phía những dãy núi liên tiếp nối nhau phía đằng xa.
Ngài rì rầm gọi: "Ô Khê, Ô Khê à..."
Ô Khê nhắm nghiền mắt. Hắn nghĩ, thân thể trở về, nhưng trái tim thì vẫn còn ở ngoài kia. Thế là khẽ giãy khỏi vòng ôm của đại vũ sư, trầm giọng : "Thầy, con muốn khẩn cầu thầy một chuyện."
Đại vũ sư không đáp, chỉ đưa tẩu thuốc đến bên khoé miệng, lẳng lặng hút. Ánh mắt ngài vẫn sáng trong hệt nhiều năm về trước, như có thể nhìn thấu tâm tư của tất cả mọi người. Thưở mỗi lần gây hoạ, Ô Khê sợ lắm cái ánh mắt tường tận mọi điều của đại vũ sư. Có điều giờ này, lại đột nhiên không sợ nữa, bởi vì hắn phát hiện ra trên đời này, những chuyện có thể khiến mình dấy lên nỗi "sợ hãi", thực sự không nhiều.
"Thầy, trên đường trở về, con thấy quân đồn trú tại biên cảnh Nam Cương rút lui. Tộc Ngoã Cách Lạt phương Bắc giao chiến với Đại Khánh, con nghĩ chắc thầy cũng biết."
Đại vũ sư khoanh chân ngồi trở lại, nghe vậy gật đầu, cất tiếng hỏi giữa quầng khói thuốc: "Con trai, con muốn gì vậy?"
Ô Khê đáp: "Con muốn mượn binh lính của người, trở lại kinh thành Đại Khánh."
Đại vũ sư mặt biến sắc, như thể ngài có chút bất ngờ về những điều Ô Khê nói. Ngài thoáng trầm mặc, sau mới bình tĩnh : "Mười năm trôi qua, quan hệ giữa chúng ta và Đại Khánh cũng coi như hoà thuận. Tại biên cương cũng buôn bán qua lại đôi chút, tơ lụa cùng đồ sứ của họ đều rất tốt. Lúc cưới gả, rất nhiều trai tráng chỗ chúng ta thích dùng tơ lụa cũng những món đồ xinh đẹp của Đại Khánh làm sính lễ, khiến đối phương vui lòng. Có điều, con quên Đại Khánh là kẻ thù của chúng ta sao?"
Ô Khê lắc đầu đáp: "Con không quên, con vẫn nhớ trước lúc lên đường, con thề trước mặt các thần linh: Con nhất định trở lại, cả đời này con không quên dân chúng tộc ta. Con dẫn người tộc ta đánh trả, con ghi nhớ tất cả những kẻ ức hiếp chúng ta, khiến bọn chúng không được sống tử tế - nhưng con cũng nhớ, lúc ấy thầy không hề đáp lại câu đó của con, mà chỉ nhắc nhở con phải khắc ghi người tộc ta cùng đất quê nhà."
Đại vũ sư không đáp, chỉ có tiếng hút tẩu "bập bập" vang lên.
Ô Khê nói tiếp: "Con còn nhớ người từng nói, ở chốn cao xa kia đại thần Gia Hy quan sát hết thảy mọi điều, sinh mệnh của chúng ta quá ngắn ngủi, bởi vậy có đôi khi mù quáng tin vào chuyện trước mắt mà không phân rõ được nhiều điều. Lúc ấy con không hiểu, giờ mới biết, thì ra khi ấy bản thân nghĩ sai."
Đại vũ sư bình tĩnh : "Giờ con hiểu ra cái gì?"
Ô Khê đáp: " Mười năm trước, con cảm thấy chúng ta nên tích luỹ lực lượng để đánh trả, để báo thù, để trút hết phẫn nộ cùng oán giận của chúng ta. Thế nhưng, sau đó ra sao? Lại để các huynh đệ trai tráng phải chết đi, khiến vợ hiền cùng mẹ cha họ phải khổ sở, khiến con cái họ phải vĩnh viễn kế thừa thù hận hay sao? Con trông thấy trong tộc chúng ta, có rất nhiều người sử dụng những thứ đến từ Đại Khánh, cũng có thể bọn họ vẫn nhớ chuyện năm xưa, nhưng hiện tại không còn phẫn nộ. Đời người nếu cứ gánh oán thù mà sống, chẳng phải rất đau khổ ư? Tội tình gì phải vì căm phẫn năm xưa mà trói buộc dân chúng của ta?"
Đại vũ sư trầm mặc một thoáng, hỏi ngược rằng: "Ý của con là, chúng ta nên quên đi những chuyện xảy ra trong quá khứ đi sao?"
Ô Khê lắc đầu, đáp: "Chúng ta nên nhớ kỹ. Chúng ta vẫn nên tích luỹ lực lượng, thậm chí là mượn sức Đại Khánh để lớn mạnh hơn, dựa gần mà sống, khiến những kẻ mang dã tâm hung bạo kia không còn dám nhòm ngó đất đai của chúng ta nữa, đó cũng là cách chinh phục."
Đại vũ sư đánh giá Ô Khê trong chốc lát, sau đó bất chợt cười, tiếng cười của ngài càng lúc càng to, đến nỗi sặc cả khói thuốc mà ho khù khụ: "Khụ, khụ... Tốt, tốt... Ô Khê, năm ấy ta nói rồi mà, đến lúc phải để con đi nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Con tuy thông minh, lại quá mức quật cường. Vốn khi ấy ta còn lo lắng lắm, nhưng giờ thấy vậy cũng yên tâm, xem ra ở Đại Khánh con học được rất nhiều thứ."
Ô Khê cười khẽ: "Là có người dạy con."
Đại vũ sư nhìn hắn, có phần kinh ngạc: "Vậy sao, đó là người thế nào?"
Ô Khê chỉ lắc đầu, hiện tại cần phải tập trung tinh thần, không được nhớ tới người kia. Nói lại vào việc chính: "Thầy, thầy còn chưa trả lời con, rốt cuộc có đồng ý để con xuất binh ?"
Đại vũ sư nghiêm mặt lại, đặt tẩu sang bên: "Ta cần phải nghe lý do của con mới được."
Ô Khê đáp: "Lần này Đại Khánh chịu tổn thất nặng nề, ít nhất phải hai chục năm mới mong hồi phục lại, chúng ta có thể nhân cơ hội này khiến bản thân lớn mạnh hơn. Có điều con nghĩ, trước lúc ấy chúng ta phải rủ bỏ thân phận 'thuộc địa của Đại Khánh' mới được. Trước mắt Đại Khánh gặp nguy hiểm, cần viện binh cấp bách, là cơ hội tốt để đàm phán. Con dẫn binh tới đó, nếu có thể tiêu diệt nguy cơ đổ sụp của kinh thành, đến lúc đó kinh thành đầy võ sĩ của ta, con cũng có chút hiểu thái tử Đại Khánh, tuyệt đối không thức thời mà từ chối."
Đại vũ sư nheo mắt lại, dáng ngồi càng nghiêm trang hơn: " Nói tiếp đi."
Ô Khê không hề nóng vội tiếp lời: "Thêm nữa, có thể thầy không biết, hoàng đế Đại Khánh có ba người con trai, lúc con ở Đại Khánh họ tranh nhau hoàng vị. Cuối cùng con chọn thái tử, không thể nói là có giao tình, nhưng ít ra cũng không có thù oán. Bởi vì là người rất thiết thực. Nếu trở thành hoàng đế, nghĩ cách để con dân mình được sống tốt hơn, chứ không chăm chăm việc làm sao lưu lại thanh danh anh minh thần võ của mình trong sử sách. Từ lúc Đại Khánh thiết lập tới nay trải qua ba mấy trăm năm có lẻ, phát triển vững vàng, ấm no phồn thịnh, không hồ đồ như phụ hoàng hắn, thế nên tuyệt không mạo hiểm tiến đánh chiếm chúng ta lần nữa."
Đại vũ sư nghe xong liền gật đầu: "Tộc Ngoã Cách Lạt dã tâm sôi sục, muốn thôn tính toàn bộ Trung Nguyên, mở mang bờ cõi... Con nói rất đúng, hoàng đế thời hưng thịnh cùng đế vương buổi dựng nước không giống nhau, người trước mong nước nhà càng phồn vinh càng ổn định, người sau lại chưa rũ sạch cái khát máu trong người, muốn có thêm nhiều đất đai, gây thêm nhiều bão táp."
Đại vũ sư nhìn Ô Khê cảm khái vô vàn: "Con trưởng thành rồi."
Ô Khê chớp mắt, chăm chăm chờ ngài gật đầu. Đại vũ sư gắng sức đứng lên, quay người vào phòng trong. Chỉ lát sau thấy ngài trở lại, hai tay nâng thanh quyền trượng. Ô Khê trợn tròn hai mắt - đó chính là tượng trưng cho đại vũ. Đại vũ sư bước tới trước mặt Ô Khê: "Ta già rồi, Ô Khê, Nam Cương này trước sau gì cũng phải giao vào tay con."
Ô Khê há hốc mồm, lại không biết phải nói gì. Đại vũ sư cắn vỡ ngón tay mình, run rẩy vẽ bức đồ đằng lên trên quyền trượng, sau đó dùng ngón cái nhuốm máu ấn mạnh lên trán Ô Khê, trầm giọng : "Nhận lấy."
Ô Khê bất giác vươn hai tay ra, Đại vũ sư trao quyền trượng vào tay hắn. Cũng chẳng biết ngài lấy đâu ra sức lực kéo hắn đứng dậy, dẫn ra ngoài cửa. Bên ngoài đông nghịt những người - tất cả nam nhân, nữ nhân, người già, trẻ của Nam Cương cơ hồ đều có mặt. Ô Khê nâng quyền trượng trên tay, có chút ngỡ ngàng.
Đại vũ sư nắm lấy tay hắn, giơ lên đỉnh cao, cất giọng hô vang: " Từ nay về sau, vu đồng kế thừa quyền trượng của Nam Cương đại vu ta. Mọi người hãy nhớ lấy, sứ giả của đại thần Già Hy dẫn dắt con dân tộc ta trở nên lớn mạnh."
Không ai hẹn ai, mọi người đều đặt hai tay lên vai, khom người xuống.
Đại vũ sư bị gió thổi trúng, lại bắt đầu ho khù khụ. Ô Khê vội vàng giúp ngài vỗ lưng: "Thầy..."
Đại vũ sư xua tay, đột nhiên thấp giọng hỏi: "Con nói lý do của Nam Cương rồi, thế lý do của con đâu?"
Ô Khê sững người, lúc lâu sau mới nói: "Là vì... người giữ nhẫn phỉ thuý của con."
Đại vũ sư liền lặng lẽ nở nụ cười: "Ta muốn trông thấy người ấy quá."
Mồng một tháng Mười, Đại Hồng thất thủ.
Hai mươi ba tháng Mười, Tuyên Thành bị phá.
Cuối tháng Mười, Kinh Quan sụp đổ.
Đến thời điểm hiện tại, phía Bắc kinh thành không còn vùng đất trọng yếu nào để bảo vệ, không còn tường thành san sát cao vút cung mây, chỉ sót lại dải đồng bằng phóng tầm mắt nhìn qua là có thể thu hết vào tầm mắt.
Thủ tĩnh Cách Tây của tộc Ngoã Cách Lạt cùng mấy chục vạn quân của Hách Liên Chiêu tranh đấu tại Cam Túc. Mặc dù Hách Liên Chiêu tử trận sa trường, tàn quân còn sót lại của Đại Khánh hoang mang chạy trốn, nhưng bên phe Ngoã Cách Lạt cũng tổn thất. Cách Tây vốn nghĩ Đại Khánh chỉ là bầy ô hợp không chịu nổi kích, chẳng ngờ lúc đối chiến lại quyết liệt đến bất ngờ. Bấy giờ Cách Tây mới nhận ra bản thân đánh giá thấp người Đại Khánh. Trận chiến kia gần như thắng địch vạn tự chết tám nghìn, giả như vào giây phút cuối cùng Hách Liên Chiêu không bị trúng tên ngã ngựa, bị võ sĩ Ngoã Cách Lạt liều mình xông tới, nhân lúc rối ren chém chết thì chỉ sợ Cách Tây phải nghĩ đến chuyện lui binh.
Thế nhưng, ông Trời cuối cùng vẫn đứng về phía hắn.
Sau đại chiến Cam Túc, Cách Tây nghỉ ngơi và chỉnh đốn quân đội tại chỗ thời gian, cẩn trọng vạch ra kế hoạch tiến công mới, bởi vì hắn biết, thứ chờ phía trước, chính là những trạm gác trùng trùng điệp điệp của Đại Khánh. Cách Tây Ô Nhĩ Mộc năm nay ba mươi sáu tuổi, là kiêu hùng hiếm có của thảo nguyên rộng lớn. Hắn giúp Triệu Chấn Thư ngấm ngầm nuôi lính riêng ở Xuân thị, mặc Triệu Chân Thư sai bảo như chó ngựa, ẩn nhẫn mười mấy năm trời. Trong mười mấy năm đó, từ thanh niên lòng đầy hăng hái, khí phách căng tràn, giữa kiên nhẫn và mưu tính, dần dần bồi đắp cho mình sự khôn ngoan đáng sợ, lòng dạ thâm sâu như biển.
Triệu Chấn Thư thấy được việc, trong tay lại có tiền. Thế là lão vui vẻ nuôi con chó săn thảo nguyên, bao nhiêu năm qua vẫn nâng đỡ hắn, cung cấp cho hắn vô số tiền tài. Cách Tây không phung phí ăn tiêu, ngày ngày vẫn ăn bánh bột mỳ thê tử làm cho, cắn thứ thịt khô chế biến sơ sài, khó nuốt giống tất cả mọi người, mặc quần áo của dân chăn thả ngập mùi tanh tưởi. Còn số tiền kia, âm thầm dùng để mở cửa thông đường, dâng nô lệ và mỹ nhân cho kẻ thù của hắn, sau đó dần dần thôn tính trọn. Hắn dùng khoảng thời gian mười năm quét ngang cả thảo nguyên rộng lớn, khiến tộc Ngoã Cách Lạt tan đàn xẻ nghé mấy trăm năm có lẻ lại thống nhất một nhà. Sói xám phương Bắc hú dài, vung vuốt sắt tràn xuống phương Nam.
Mục đích của Cách Tây đơn giản chỉ là của cải Đại Khánh. Hắn dẫn những võ sĩ như hổ như sói kia xuống phương Nam, không phải cứ đoạt được bạc vàng, cướp được mỹ nhân là xong chuyện. Thứ hắn muốn chính là trọn vẹn dải non sông tuyệt đẹp của mảnh đất Trung Nguyên.
Người xưa nói, đâu cứ phải con giống cháu dòng mới làm được vương hầu quan tước(*) - đến cả kẻ làm nông trong núi còn nói được những lời như vậy, thì có gì mảnh đất non xanh nước biếc màu mỡ xinh tươi kia lại để cho lũ người Trung Nguyên phù phiếm yếu mềm chiếm lĩnh cả trăm nghìn năm đằng đẵng? Từ đầu đến cuối, mục tiêu hành quân của Cách Tây chỉ có - kinh thành.
(*)Nguyên văn: "Vương hầu tương tướng ninh hữu chủng hầu". Câu trên là lời tuyên bố hào hùng của người lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân-Trần Thắng, được sử gia Tư Mã Thiên chép vào Sử ký, phần Trần Thiệp thế gia.
Sau kinh thành chính là điện Kim Loan.
Thế nhưng sự kháng cự dự tính nhận được lại không hề xuất hiện, trận Cam Túc dường như doạ cho đám người Đại Khánh sợ mất hồn mất vía, đường nam hạ thuận lợi vô cùng rất nhiều thành trì gần như chưa đánh mà tan, những nơi gắng gượng chống trả cũng chỉ như vậy, lộ sự bạc nhược vô dụng. Hắn nghĩ rồi hiểu ra ngay - dân Đại Khánh sống cảnh thái bình suốt mấy trăm năm qua, dũng khí của bọn họ dù bị miễn cưỡng thổi phồng lên một lần, cũng chỉ là thứ được bao bọc bởi lớp vỏ cực mong manh, gió vừa thổi liền nát ngay. Cách Tây trở nên kích động, nỗi kích động càng ngày càng dữ dội hơn theo đại quân áp sát kinh thành. Hắn như thế nhìn thấy kinh đô được miêu tả như toà thành trên thiên giới phủ trong truyền thuyết phủ phục dưới chân mình, bản thân dẫm bước trong cung điện được phủ vàng ròng khắp mọi ngõ ngách, để người trong thiên hạ đều phải tới bái lạy mình.
Rốt cuộc, vào ngày Hai mươi tháng Mười một , địch dưới chân thành.
Trong thời khắc ấy, giữa kinh thành, điện Kim Loan phủ mờ cát bụi nghênh đón chiều thần lần cuối cùng. Vương Ngũ, Vu Quỳ cùng Hỷ công công và những người khác đều lui vào trong góc. Đứng cạnh Hách Liên Dực là hai người trước nay chưa từng xuất trước thế nhân, người là Công chúa Tĩnh An thân khoác quân trang, người là Chu Tử Thu đeo mặt nạ da người, giả dạng làm văn sĩ trung niên. Bách quan văn võ đứng thẳng hai hàng, Hách Liên Dực kêu người treo cao long bào lên đại điện, như thể nâng bước đồ đằng lấp lánh. Hắn mặc áo giáp dày và nặng, không vì bởi gầy gò mà trở nên sắc bén hơn, xuyên thẳng vào trong tóc, mang theo thứ lực lượng chưa ai từng thấy trước đây.
Chín cửa kinh thành, binh lực tổng cộng mười tám vạn, việc phong vương phong tước cho các tướng lĩnh cũng hoàn thành.
"Huyền Vũ Môn Phùng tiểu thư, Triêu Dương Môn Hạ Doãn Hành..."
Cuối cùng chính là Trình Vũ Môn ở phía Bắc - chín chín tám mươi mốt khối đá xanh dài ba trượng rộng ba trượng trải dài tới tận cửa thành, là chốn âm khí nhất, tanh mùi máu nhất kinh thành, là nơi Ô Khê giết chết hai mươi tư thích khách hắc vũ năm mười lăm tuổi, cũng là nơi đối đầu trực diện với nanh vuốt của bầy sói Ngoã Cách Lạt tràn tới.
Chu Tử Thư nâng thánh chỉ, đọc chậm rãi, rõ ràng: "Trình Vũ Môn, do trẫm đích thân trấn thủ."
Đối với đa số những người đứng trên đại điện này, đây là lần đầu tiên họ tham dự vào hội nghị quân sự trước lúc hành quân giao chiến, chỉ sợ cũng là lần cuối cùng. Hiện giờ nơi đây không còn hoàng thượng, tể tướng, vương gia, công chúa, chỉ có người giữ thành, người nắm đao, cùng người sắp sửa liều mình.
" Hiện nửa giang sơn rơi vào tay giặc, phía Nam kinh thành không còn quan ải nào trấn giữ, mà nay, trẫm bất hiếu, khiến nước non ta long dong, khiến núi sông ta ảm đạm, dưới Cửu Tuyền quả thực không còn mặt mũi nào gặp liệt tổ liệt tông."
"Mấy chục vạn đại quân vùi thân nơi Cam túc, tinh nhuệ truyền đình gần như mất hết, hoàng huynh trẫm hy sinh, cơ hồ mảnh da ngựa bọc thây hào. Binh tướng Man tộc đuổi sát chân thành, nước nhà lâm vào bước đường cùng, đầu quý trên cổ, máu nóng trước ngực, còn gì tiếc rẻ mà vứt bỏ, còn gì lưu luyến mà buông? Việc đến nước này, nếu kinh thành thất thủ, hiên son bệ ngọc còn đó mà người khác(*), cố quốc vẫn như xưa, nhưng non sông thay họ! Trẫm dù phải chết, cũng không lấy đâu mặt mũi tạ tội với trăm họ muôn dân? Các vị đứng đây, cũng lấy mặt mũi đâu mà gặp bà con phụ lão?!"
(*)Lấy ý từ hai câu thơ "Điêu lan ngọc thế ưng do tại, chỉ thị chu nhan cải" trong bài Ngu mỹ nhân kỳ 1 của Lý Dục.
Nguyện noi theo Hạng đại tướng quân(*), đập nồi dìm thuyền, sống mái một phen - nếu thắng được liền tự kết thúc tại đây."
(*)Trong trận Cự Lộc nổi danh cuối đời Tần, Hạng Vũ đích thân dẫn hai vạn tinh binh tấn công Trương Hàm nhằm báo thù cho chú là Hạng Lương. Trước khi vượt sông ông ra lệnh cho binh lính dìm thuyền, đập hết nồi nấu cơm, chỉ mang theo lương thảo đủ dùng ba ngày, quyết tâm đánh một trận sống mái, thắng mới trở về.
"Kể từ khi khai chiến, binh tướng ra trận, chín cửa thành đóng chặt, phải người mặc áo giáp cầm gương mới được vào thành, kẻ nào kháng lệnh, chém! Kẻ tự ý rời cương vị, chém! Lâm trận, người trước rút lui, người sau chém! Kẻ nào liều lĩnh bao che, xử cùng tội đó! Kẻ làm tướng lại dám trốn chạy, binh linh có thể cùng xông lên giết chết, giành vị trí cho mình, nhưng nếu không có chuyện đó, kẻ nào dám vi phạm quân lệnh, không tuân theo điều phối của cấp trên, chém!"
Thanh âm thoáng ngừng lại, sau đó chậm rãi từng tiếng : "Trẫm, cùng các tướng, thề cùng mảnh đất này chung sinh tử!"
Ngày Hai mươi mốt tháng Mười một, tộc Ngoã Cách Lạt chính thức khai chiến cùng những quan binh cuối cùng của Đại Khánh. Toà thành trải qua trăm năm sương gió, dùng phấn son bồi đắp mà nên nay bắt đầu hứng chịu cơn sóng máu hung tàn đầu tiên của dân tộc du mục đến từ nơi rất xa xôi.
Ngày đầu vây thành, Cách Tây thử tấn công Sùng Văn Môn, tướng quân trấn thủ Sùng Văn Môn chính là Thiết Thư của Đông Đại Doanh, trước đó từng bị Hạ Doãn Hành ngầm mỉa mai là tôi tớ của đại hoàng tử. Lúc xuất chinh Hách Liên Chiêu dẫn Thiết Như theo, là vì có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành, cũng là vì để lại cho bản thân lối sau trong ngoài kết hợp nếu sau này có cơ hội dẫn quân trở về. Mà nay Hách Liên Chiêu mất, lối sau không cần nữa, Thiết Như liền buông tay bất chấp.
Không thứ gì có được sức mạnh thần kỳ khiến dê con biến thành lang sói chỉ trong đêm ngắn ngủi lớn hơn thù hận. Sáu nghìn binh lính Ngoã Cách Lạt hăng hái sôi trào được Cách Tây phái đi phá cổng thành, đoàn quân dương dương đắc ý mà đi, lại gặp phải đội quân phòng thủ không khác gì ác quỷ của Đại Khánh. Người Ngoã Cách Lạt cơ hồ choáng váng. Đoạn lịch sử kinh người lại một lần tái hiện, bọn họ hoảng hốt thất kinh, nhanh chóng đổ vỡ, trốn chạy khắp nơi, hệt quân Đại Khánh trong cái đêm doanh trại bị tập kích ngày đó. Điểm khác nhau là, bọn họ không có vị tướng lính nhìn thấu lòng quân bên ta bên địch, dám xung phong đi đầu, vung đao lớn xông lên liều mạng.
Như thể chỉ trong một đêm, thép bị hoà tan thành nước, đổ đầy sông Vọng Nguyệt. Cách
Tây đứng từ xa ngưỡng vọng toà thành đồ sộ mà tráng lệ, cùng cung điện cao vút cung mây có thể trông thấy mờ mờ lúc ngẩng đầu lên, đột nhiên có dự cảm không lành - toà thành ấy, như thể không gì xâm phạm được.
Lúc này ở Trình Vũ Môn, bên cạnh Hách Liên Dực còn hai người ở lại, vây quanh tấm bản đồ phân bố quân phòng thủ, một đứng một ngồi.
Những người có thể dùng đều đi giữ cổng thành cả, Cảnh Thất cùng Chu Tử Thư lưu lại bên cạnh Hách Liên Dực, là vì an toàn của hắn, hai là vì biến Trình Vũ Môn - nơi nguy hiểm bậc nhất thành bộ chỉ huy cuối cùng. Mấy trăm Thiên song xuất quỷ nhập thần dưới trướng Chu Tử Thư trở thành mối nối trung gian liên kết chín cổng thành. Bọn họ đồng loạt thay áo vải, xăm lên cánh tay nhánh mai, trà trộn thành đủ các hạng người, dùng tốc độ nhanh nhất thiết lập nên hệ thống tin tức trải khắp kinh thành. Y phục trên người Cảnh Thất đổi thành bộ áo tối màu cực kỳ đơn giản, trang sức trên người cùng những thứ vặt vãnh có cũng được không cũng chẳng sao cởi bỏ hết từ đêm trước. Cảnh Thất khoanh tay trước ngực, đầu mày hơi nhíu lại.
Hách Liên Dực nhìn bóng lưng y, chợt thấy người kia có gì đó khác với Cảnh Bắc Uyên không chút khí thế, bao năm qua vẫn biếng lười cợt nhả - vai lưng y gầy sọm, lại vô cùng thẳng, ống tay cùng lưng áo trước để rộng thùng thình đều được thắt chặt lại, phong thái quý tộc thấm vào xương tuỷ đột nhiên tiêu tan không gặp, như thể những gì y thể hiện suốt bao năm qua đều là giả vậy. Gò má y hơi hóp lại, đôi mắt hoa đào hơi lõm xuống, lại sắc bén kinh người. Hách Liên Dực thoáng thấy lòng mình đau nhói, có điều nỗi đau ấy lập tức bị nỗi chết lặng to lớn hơn che lấp - ai trong bọn còn đường lui.
Cảnh Thất loanh quanh mấy vòng tại chỗ, trong lúc ấy Thiên song không ngừng báo lại tình hình chiến đấu tại Sùng Văn Môn. Hách Liên Dực sai người giấu thắng lợi nhỏ nhoi ấy đi, chỉ để các tướng lĩnh khác biết rằng, Sùng Văn Môn vẫn chiến đấu, phải đề phòng nghiêm ngặt hơn.
Cảnh Thất chau mày : "Bệ hạ, chín lối kinh thành, nhìn vào có thể là cửa lớn, sừng sững nguy nga, nhưng lại là nơi tấn công dễ mà phòng thủ khó, nếu đợi tên tiểu tử Ô Mộc kia hoàn hồn lại, tập trung tấn công một chỗ, vậy chỉ sợ là... khó đối phó."
Cả Hách Liên Dực lẫn Chu Tử Thư đều hiểu đạo lý này, quân đội phòng thủ kinh thành tổng cộng mười tám vạn, quân số vốn đông, lại phải chia ra trấn thủ chín cửa thành, tương đối eo hẹp. Năm đó khi toà thành này được xây lên, vốn gửi gắm trong mình ý tứ hào sảng cười đón khách phương xa từ tám hướng ghé thăm, tràn ngập cảm giác ưu việt của đô thành đại quốc. Hiềm nỗi nay khách không mời tự đến lại mang ý xấu, kinh thành không muốn cười đón tiếp, đương nhiên liền xuất hiện vấn đề. Cổng thành nhiều như vậy, khác nào cái sàng bị người chọc thủng chín lỗ, chỗ nào chỗ nấy đều là nhược điểm.
Nhất thời Hách Liên Dực và Chu Tử Thư đều im lặng, Cảnh Thất tiếp tục nói: "Quân địch có mấy điểm khó đối phó như sau: Thứ nhất, Cách Tây Ô Nhĩ Mộc nhẫn nhịn được, đồng nghĩa với việc khó bị chọc giận, không dễ nổi nóng, đánh trận điềm tĩnh; Thứ hai, người tộc Ngoã Cách Lạt ai cũng cường tráng vạm vỡ, chuyện này không nói cần làm gì. Trước mặt tinh thần binh tướng trong thành sôi sục nên không có vấn đề gì, chỉ sợ chiến sự kéo dài khiến sức cùng lực kiệt, đến lúc đó e là..."
Y lắc đầu, chân mày càng nhíu chặt hơn.
Hách Liên Dực thong thả tiếp lời: "Nếu trẫm là Cách Tây, sau khi dò xét tất cả các cửa thành hai lần, nhất định hiểu vấn đề. So với việc điều quân tấn công khắp chín cổng thành không mục đích, không bằng chọn lấy một nơi để tấn công kịch liệt, chúng ta nhất định không chống đỡ được."
Chu Tử Thư hỏi: "Theo ý bệ hạ, chọn nơi nào để tập trung tấn công?"
Hách Liên Dực thoáng lưỡng lự, sau đó đáp: "Nếu chỉ muốn đánh vào kinh thành, trẫm chọn Huyền Vũ Môn, Tĩnh An tuy là nữ nhi của Phùng đại tướng quân quá cố, nhưng dù gì cũng chỉ là cô nương. Có lẽ nàng có khả năng, nhưng nếu đọ sức bền, e là không đua nỗi với đám Ngoã Cách Lạt hệt lũ bò hoang kia. Còn nếu... còn nếu muốn làm chủ thiên hạ..."
Hách Liên Dực quay đầu lại, đưa mắt nhìn chân trời mờ mịt, ngợp trong khói lửa phía đằng xa, rì rầm: "Còn nếu muốn làm chủ thiên hạ, nhất định chọn Trình Vũ Môn, tới cùng trẫm phân cao thấp!"
Ô Khê biến "ngày đi ngàn dặm" thành kỳ tích có thể thành thực.
Quân Đại Khánh trú tại Nam Cương mau chóng rút về kinh, lại bị đuổi kịp khi vừa rời đất Thục. Người Nam Cương năm xưa khiến bốn mươi vạn tinh binh của Phùng đại tướng quân vùi xác tại nơi này lại lần nữa khiến quân đồn trú của Đại Khánh phải đổ mồ hôi lạnh sau bao nhiêu năm nhàn nhã. Đó là dân tộc dũng mãnh, lại không dễ dàng an phận trong góc, dám yêu dám hận, mà cả yêu lẫn hận đều thuần tuý như thế, giản đơn như thế.
Tại Nam Cương, Ô Khê tiếp nhận chức vị đại vũ sư có quyền uy tuyệt đối. Mà sau mấy ngày miễn cưỡng đi cùng các võ sỹ Nam Cương, quân đội biên phòng của Đại Khánh - hiểu lý do Ô Khê tới - nghiễm nhiên coi vị đại vu Nam Cương mới nhận chức này là lãnh tụ tinh thần. Chỉ đơn giản là đi theo thôi, có thể kích thích tiềm lực của đội quân biên phòng này. Vài ngày ngắn ngủi trôi qua, bầu không khí lề mề uể oải trong quân mà Ô Khê trông thấy tiêu tan hơn nửa.
Ô Khê chỉ hận không thể biến thành bông tuyết, buông mình theo gió đêm liền có thể tới bên người nọ. Vào lúc đêm khuya thanh vắng, tất cả mọi người sau ngày liều mạng hành quân đều nặng nề chìm vào giấc ngủ, chỉ mình hắn trằn trọc không yên. Hoảng loạn, lo âu, còn có nỗi sợ hãi khó diễn tả bằng lời chẹn cứng nơi lồng ngực, nhưng không thể tỏ cùng ai, ban ngày còn phải dồn ép tất cả sau lớp mặt nạ cảm xúc. Ai cũng bảo sau khi trở thành đại vu, vu đồng còn lãnh đạm hơn khi trước, cả ngày trời từ sáng đến tối chẳng thấy chút dấu vết nào của hỷ nộ ái ố trên gương mặt, cơ hồ là thần quỷ cũng khó lường cho được. Có điều Ô Khê nghĩ, không phải cố ý tỏ ra như vậy, chỉ là lòng khó chịu quá thôi. Ngày ngày bị ác mộng làm cho tỉnh giấc, hễ nhớ lại bộ dạng đẫm máu toàn thân của người kia trong mộng, đều đau đớn như tan ruột nát gan. Ngoài biểu cảm ấy ra, quả thực không biết mình phải lộ vẻ mặt thế nào nữa.
Nếu như từ giờ không còn y nữa, nếu như cuộc đời dài đằng đẵng này từ giờ không còn y nữa...
Mỗi lần nghĩ đến đây, hắn đều ép mình dừng lại, bằng không sợ bản thân phát điên.
Bóng đêm sâu lắng, hạ trại giữa chốn hoang vu, Ô Khê quấy quả nuốt mấy miếng thức ăn, để Nô A Cáp cầm khăn ướt lau mặt cho mình xong liền vung tay bảo ra ngoài. Một mình lặng người trước cửa trướng, nương ánh trăng vụn thò tay vào vạt áo, móc chiếc túi gấm miệng được buộc lại bằng sợi dây từ nơi gần sát lồng ngực. Ô Khê nâng chiếc túi gấm bé xíu trong lòng bàn tay, ngắm nhìn một lúc mới mở ra. Có mấy con thú dáng vẻ cực ấu trĩ đáng yêu được tạc từ ngà voi lăn ra khỏi túi, Ô Khê xoè lòng bàn tay đỡ lấy, soi dưới ánh trăng, ngà voi trắng ngàn kia như có thể lóe sáng.
Hắn nhớ lại cái ngày Cảnh Thất phong trần mệt mỏi từ Lưỡng Quảng về kinh tiện tay giao mấy thứ này cho mình, miệng "Đồ chơi mua cho ngươi đấy." Bộ dạng y thản nhiên như không hề để bụng. Hắn lại nhớ đến câu y từng nói: "Còn có thể cho ai."
Túi gấm được cất sát lồng ngực, mấy thứ đồ chơi ấy đều mang theo nhiệt độ cơ thể hắn, ấm nóng vô cùng. Ô Khê đăm đăm nhìn chúng, ngẩn người lâu, chẳng biết nghĩ đến điều gì mà khoé môi mím chặt thình lình khẽ nhấc lên, nhưng chỉ ngay sau đó ánh mắt lại trở nên ảm đạm. Chỉ trong chớp mắt, chút ánh sáng được nụ cười mơ hồ kia dấy lên liền vụt tắt. Ánh trăng kéo bóng Ô Khê dài ra, thu đôi chân thon dài lại, ngửa đầu nhìn bầu trời đêm trống vắng, càng có vẻ cô quạnh vô cùng.
Nô A Cáp đột nhiên bước vào, khẽ gọi: "Đại vu..."
Ô Khê mặt đối sắc, thờ ơ "ừm" một tiếng.
Nô A Cáp tiến lại gần, nói: "Ngày đó... lúc vương gia tiễn chúng ta rời kinh, có dặn thuộc hạ nói lại một câu với đại vu. Sau khi đại vu tỉnh lại vẫn bộn bề nhiều việc khác, thuộc hạ chưa có cơ hội chuyển lời."
Ô Khê quay đầu lại: "Y nói gì?"
Nô A Cáp giọng thưa: "Vương gia nói 'những gì hôm nay ta nợ hắn, nếu ngày sau còn có dịp tương phùng nhất định đền bù thoả đáng.'"
Ô Khê sửng sốt hồi lâu, sau đó thấp giọng cười rộ lên, cuối cùng có phần kìm nén không được: "Đền bù cho ta... đền bù cho ta? Y lấy gì đền bù cho ta? Ta muốn y bù lại cả đời, nhưng khi nào... khi nào y thật lòng muốn cho ta?". Tiếng cười của hắn đột nhiên ngừng bặt, Ô Khê siết chặt nắm tay, mấy con thú ngà voi xinh kia phát ra những âm thanh răng rắc. Nô A Cáp trừng mắt nhìn ngà voi rắn chắc kia bị nắm chặt, chậm rãi hoá thành bột phấn, theo kẽ tay lả tả rơi xuống. Nô A Cáp kinh hãi : "Đại vu, đó là thứ vương gia tặng người, người, người..."
Ô Khê thờ ơ xèo tay ra, bột phấn nát vụn lập tức tản ra trong cơn gió. Hắn nghiến răng từng tiếng: "Y không cho ta, thì ta đi cướp - thứ này y dùng để dỗ trẻ con, ta không cần chúng". Nói xong bèn đứng dậy, chẳng buồn liếc mắt nhìn Nô A Cáp, mà chui vào trong trướng.
Vào lúc này, trận chiến tại kinh thành kéo dài đến ngày thứ tư.
------
Hơn 10000 chữ @@
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com