Đệ nhất mỹ nhân Trung Hoa dân quốc- Lâm Huy Nhân
Nhắc về Lâm Huy Nhân, người ta sẽ nhớ đến bà như là nữ kiến trúc sư đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời là nữ tác gia, thi nhân được mến mộ. Các tác phẩm tiêu biểu của bà có thể kể đến: Người Là Tháng Tư Nhân Gian, Sen Đèn, Chín Mươi Chín Độ Trung….
Trên mảnh đất văn hóa Trung Hoa dân quốc, thời đại xuất hiện tầng tầng lớp lớp những tài nữ, Lâm Huy Nhân trở thành dấu ấn ấm áp nhất, ôn nhu nhất trong lòng vô số nam nhân. Bà giống như một tiên nữ không nhiễm chút khói bụi nhân gian, dạo bước trên hồng trần, lạnh nhạt yên tĩnh, không tranh đoạt với đời.
Phần 1: Xuất thân và thời niên thiếu của Lâm Huy Nhân
Tứ đại mỹ nữ của Trung Hoa dân quốc gồm “Hoa hậu vườn trường” Lục Tiểu Mạn; “Giọng oanh vàng” Chu Toàn; “Ngôi sao điện ảnh phim câm” Nguyễn Linh Ngọc và Lâm Huy Nhân.
Trong đó, Lâm Huy Nhân thanh lệ, thoát tục, ôn nhu như nước, là mỹ nữ không nhiễm khói bụi trần gian. Bà giống như một đóa hoa hồng thần bí, tỏa ra ánh hào quang màu tím nhạt.
Lâm Huy Nhân sinh vào tháng 6 năm 1904, ở Hàng Châu, Giang Nam. Ông nội bà là Lâm Hiếu Tuần, xuất thân tiến sĩ, các đời đảm đương nhiều chức vụ lớn ở thành phố Kim Hoa, Chiết Giang. Cha Lâm Trường Dân tốt nghiệp từ đại học Waseda Nhật Bản, chuyên ngành thi văn, thư pháp, từng nhận chức vụ tổng tham mưu tư pháp chính quyền Bắc Dương. Lâm Huy Nhân được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một gia đình như vậy, hiển nhiên không phải là một cô gái bình thường.
Có người nói, chị em họ cùng Lâm Huy Nhân lớn lên, nhiều năm về sau, hầu như đều có thể tỉ mỉ miêu tả quần áo, trang phục của bà khi đó đã làm các cô ái mộ thế nào, làm các cô có cảm giác mới lạ ra sao. Năm 1916, cả nhà Lâm Trường Dân định cư ở Bắc Kinh, Lâm Huy Nhân trở thành là người con gái nổi tiếng nhất trường trung học Bồi Hoa.
Khi mới 12 tuổi, Lâm Huy Nhân đã là một thiếu nữ có phong thái duyên dáng. Bốn chị em bà học ở trường nữ Bồi Hoa, trên đường phố vào ngày lễ, bốn cô gái giống như những đóa mẫu đơn xinh đẹp, đặc biệt thu hút ánh nhìn.
Giai đoạn trưởng thành, về phương diện tình yêu và gia đình, Lâm Huy Nhân khá may mắn và hạnh phúc. Không giống Nguyễn Linh Ngọc luôn sai thời điểm, gặp không đúng người; không giống Trương Ái Linh gặp được Hồ Lan Thành chính là suýt chút sa vào bùn lầy; cũng không giống như Tiêu Hồng lúc sinh mệnh sắp tàn, mới nói ra một tiếng bùi ngùi chua xót: “Cả đời tôi đau khổ và bất hạnh nhất, đều là vì tôi là một người phụ nữ”.
Cuộc đời Lâm Huy Nhân lưu giữ hình bóng ba người đàn ông có phong thái không giống nhau. Nhà thơ Từ Chí Ma, kiến trúc sư Lương Tư Thành, nhà triết học Kim Nhạc Lâm, họ đều có một điểm chung, chính là xem Lâm Huy Nhân như viên ngọc quý trên tay, ánh mắt cả đời đều xoay quanh hình bóng người con gái xuất chúng này. Câu chuyện bà may mắn được những người đàn ông xuất sắc say mê, được lưu truyền nghìn đời, trở thành niềm ngưỡng mộ của vô số cô gái theo đuổi tình yêu.
Phần 2: Tuổi trẻ của Lâm Huy Nhân là mối duyên đẹp với Từ Chí Ma
Lúc Lâm Huy Nhân cùng Từ Chí Ma quen biết, bà vừa mới tròn 16, tuổi hoa đẹp đẽ vừa gặp đã yêu.
Một buổi chiều, Từ Chí Ma được Lâm Trường Dân mời đến Lâm gia, Lâm Trường Dân ngẩng đầu lên, hướng về phía lầu gọi: “Huy Nhân, mau xuống đây, có khách đến! Rất quý!”. Đáp lời ông là một tiếng trả lời lanh lảnh, tiếng giày cao gót trên cầu thang vang lên “cộp, cộp”, giống như một nhạc khúc tươi đẹp, Lâm Huy Nhân từ cầu thang đi xuống.
Hình ảnh đầu tiên về Lâm Huy Nhân mà Từ Chí Ma nhìn thấy là người con gái mặc chiếc váy trắng đang tung bay theo gió. Chàng nghiêng đầu, mở to đôi mắt nhìn chằm chằm không chớp mắt. Lâm Huy Nhân đi đến trước mặt Từ Chí Ma, tự giới thiệu: “Tiên sinh, chào ngài, hoan nghênh đến nhà tôi làm khách.” và đưa tay phải ra. Từ Chí Ma bối rối đưa tay trái ra, không cách nào bắt tay, hai người cười, xem như lời chào hỏi.
Đêm hôm ấy, Lâm Trường Dân thấy con gái mình cởi mở như vậy cảm thấy hài lòng, thấy bản thân dường như là vai phụ, bèn sớm đi ngủ. Chỉ còn Lâm Huy Nhân và Từ Chí Ma ngồi dưới ánh đèn dìu dịu, lấy trà thay rượu cụng ly với nhau. Cho đến lúc gà gáy sáng, Lâm Huy Nhân mới giật mình phát hiện thời gian đã không còn sớm. Bà liền đứng dậy, khua tay tỏ ý bảo đối phương đi nghỉ ngơi. Từ Chí Ma không buồn ngủ, nhiệt huyết sôi trào, đẩy ghế ra bước đến 2 bước, không kìm lòng được ôm Lâm Huy Nhân vào lòng.
Lâm Huy Nhân bị một người có học thức uyên bác, ăn nói nhã nhặn, vẻ ngoài khôi ngô làm cho rung động. Từ Chí Ma cũng bị tài hoa và vẻ đẹp xuất chúng hơn người của Lâm Huy Nhân hấp dẫn. Nhiều năm về sau, Từ Chí Ma cũng chia sẻ trong cuốn “Mãnh Hổ Tập Tự” rằng thuở 24 tuổi ông không hề có niềm đam mê với thơ ca. Chính cuộc gặp gỡ với Lâm Huy Nhân đã kích động ông sáng tác ra những vần thơ rung động lòng người.
Lâm Huy Nhân thật là một cô gái không tầm thường. Hoặc có thể nói một cách cường điệu một chút, không có Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma sẽ không viết ra được những vần thơ được yêu thích nhiều như vậy. Không có Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành cũng sẽ không trở thành nhà kiến trúc sư nổi danh. Không có Lâm Huy Nhân, đời sống tinh thần của Kim Nhạc Lâm sẽ vô cùng nhàm chán, cô quạnh, bơ vơ.
Cứ nghĩ rằng Lâm Trường Dân có cô con gái đang tuổi “như hoa như mộng” (ý nói những cô gái đẹp tựa đóa hoa, là giấc mộng của biết bao chàng trai), ở giai đoạn cơ thể và tình cảm vẫn còn chưa thành thục, cần phải giúp đỡ can thiệp hoặc chỉ bảo đúng đắn. Thế nhưng, Lâm Trường Dân chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, suy nghĩ cởi mở, bất cứ việc gì đều hướng đến ý nghĩ tốt đẹp, cho con gái tự mình chọn lựa vận mệnh.
Lâm Trường Dân không chỉ không gượng ép con gái trong chuyện tình cảm mà còn đồng ý cho Từ Chí Ma theo đuổi con gái mình. Những tháng ngày sau đó, Từ Chí Ma thường hẹn Lâm Huy Nhân ra ngoài chơi. Nơi họ thường đi nhất là đại học Cambridge. Buổi tối hai người đứng trên cầu Cambridge, nhìn lên ánh trăng và ôm nhau như một đôi tình nhân lãng mạn.
Đáng tiếc cuộc tình của họ không hoàn mỹ bởi Từ Chí Ma lúc đó đã có vợ. Lâm Huy Nhân từng nói với Từ Chí Ma:“Nếu như anh thật lòng yêu em, xin anh hãy ly hôn rồi hãy tới tìm em”. Từ Chí Ma thở dài gật đầu. Mặc dù bất đắc dĩ phải cưới Trương Ấu Nghi, nhưng Trương Ấu Nghi vì ông mà sinh con đẻ cái không hề hối hận, đáng tiếc ông lại chẳng có chút tình cảm nào với cô.
Ngay lúc tình yêu của hai người giống như ngọn cỏ xuân, không ngừng nảy mầm, ra lá mạnh mẽ, Lâm Trường Dân lại đến lúc phải về nước, Từ Chí Ma buộc lòng nói lời tạm biệt với Lâm Huy Nhân nơi bến tàu.
Tâm hồn con người là một điều kì quặc, tình yêu cũng như thế. Chúng ta thường hay nói cho nhau nghe lời ngọt ngào, dễ dàng buông ra lời thề cảm động nhất, nhưng lại không chịu nổi khoảng cách, không chịu nổi thời gian đợi chờ.
Trong một bức thư gửi Từ Chí Ma, có đoạn Lâm Huy Nhân viết:
“Em không quên được, cũng không chịu nổi đôi mắt ấy. Lần ấy, anh và Ấu Nghi đi Đức, em, bố, anh Tây Huỳnh đến tiễn hai người. Trong nháy mắt, khi tàu hỏa chuyển động, anh và Ấu Nghi nhìn ra cửa sổ. Bên cạnh gương mặt anh là đôi mắt cô ấy yên tĩnh nhìn em, đôi mắt tuyệt vọng, van xin và đố kị. Em run rẩy. Ánh mắt ấy trực tiếp xuyên đến bên trong cõi lòng em ở nơi cất giấu bí mật không ai biết của em, cô ấy hoàn toàn nhìn thấy hết”.
Sau khi Từ Chí Ma và Trương Ấu Nghi thỏa thuận ly hôn, ông long đong vất vả đến tìm người yêu Lâm Huy Nhân ngày xưa, nghe được một câu nói không muốn nghe nhất: “Anh đến làm chi, chúng ta không thể nào!” Lâm Huy Nhân lúc ấy đã cùng Lương Tư Thành đính ước cả đời. Bà lại một lần nữa dùng lý trí chiến thắng tình cảm của chính mình, kiếp này hai người họ chỉ có nhớ nhung lẫn nhau, không có cách nào trông thấy mặt nhau. Lâm Huy Nhân đã dùng đính ước với Lương Tư Thành cắt đứt đoạn tình cảm sâu đậm với Từ Chí Ma.
Năm 1924, Nhà thơ Ấn Độ Tagore đến Trung Quốc, Từ Chí Ma và Lâm Huy Nhân đều là người trong giới làm thơ, hiển nhiên cùng nhau được tiếp đón thi nhân, cùng ra vào hội trường, còn cùng diễn kịch Anh. Cuộc chạm trán lần này lại nhóm lên đốm lửa tình lúc xưa trong lòng Từ Chí Ma. Mỗi tối trung tuần tháng 5, hai người họ lại gặp mặt, bấy giờ Lâm Huy Nhân đã 19 tuổi, là một người con gái ôn nhu như ngọc, càng làm cho tâm tư Từ Chí Ma quay cuồng.
Từ Chí Ma từng hỏi Lâm Huy Nhân một câu khắc khoải: “Còn có thể không?”,Lâm Huy Nhân lắc đầu nói: “Em sắp cùng Lương Tư Thành đi Mỹ du học rồi”. Từ Chí Ma lúc ấy như cá mắc cạn, vô cùng tuyệt vọng và choáng váng. Nhìn thấy mắt tình cũ đong đầy nước mắt, Lâm Huy Nhân chỉ nhẹ nhàng buông một câu: “Em sẽ luôn luôn nhớ đến anh” rồi rời đi.
Ngày 2 tháng 5, nhóm người trong đó có Tagore và Từ Chí Ma rời Bắc Kinh đi Thái Nguyên. Rất nhiều người đến nhà ga tiễn đưa, Lâm Huy Nhân cũng có trong đó. Nhìn thấy Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma lập tức vội viết một bức thư cho cô, nhưng xe đã chạy. Từ Chí Ma nóng lòng muốn nhảy xuống xe, dự định đem lá thư chưa viết xong đưa cho Lâm Huy Nhân, thư kí của Tagore thương ông quá lụy tình liền đem phong thư giấu đi, không chuyển đến cho Lâm Huy Nhân, mang thẳng về nước Anh.
Trong bức thư có đoạn: “Anh không biết anh phải nói gì, anh đã nhiều lần nhấc bút lên muốn viết nhưng đều không viết được chữ nào. Hai ngày nay, trong đầu chúng ta đều mờ mịt, dù là nhắm mắt hay mở mắt cũng chỉ thấy ánh trăng thê lương mơ hồ buổi tối lúc trước. Xa nhau! Làm sao để người tin tưởng? Anh nghĩ đến phát điên rồi, sợi tơ dài như vậy, ai có thể cắt đi đoạn tuyệt? Trước mắt anh tối đen lại rồi”.
Một năm sau, Từ Chí Ma lại viết một bài tặng Lâm Huy Nhân tên là Tình cờ:
Tôi là đám mây trên bầu trời
Tình cờ chiếu rọi sóng lòng em
Em không cần kinh ngạc
Càng không cần vui mừng
Trong nháy mắt hình bóng dần tan biến
Năm 1927, Lâm Huy Nhân 23 tuổi, tốt nghiệp đại học, lấy được học vị cử nhân
Trên đời này, tình yêu nam nữ nếu không thành kết quả cuối cùng chỉ có 2 khả năng, không phải là quên nhau, thì chính là “ngẫu đoạn ti liên” (dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng).
Lâm Huy Nhân và Từ Chí Ma đương nhiên thuộc về vế sau. Khi Lâm Huy Nhân đến nước Mỹ, buổi tối yên tĩnh, bà nhiều lần suy ngẫm tấm chân tình Từ Chí Ma dành cho mình, vì vậy cảm thấy vô cùng áy náy. Trong thư gửi bạn bè, bà nói: “Xin cậu nói cho Từ Chí Ma, 3 năm qua mình đây cô đơn được rồi, thất vọng cũng trải qua nhiều, bây giờ cũng có thể tự an ủi và thỏa mãn bản thân trong cô quạnh, nói cho anh ấy biết, mình tuyệt đối không trách anh ấy, từ trước đến nay không ngừng mong anh ấy tha thứ”.
Năm 1928, Từ Chí Ma lại nhớ đến Cambridge, nhớ ngày ấy trên cầu cùng người yêu tay trong tay cười nói. Tức cảnh sinh tình, ông đã hạ bút viết nên bài thơ lưu danh thiên cổ gọi là Tái biệt Khang Kiều (Cambridge), trong đó có một câu rung động lòng người: “Lặng lẽ tôi đi rồi, giống như lúc đến lặng lẽ, vung ống tay áo lên, không mang theo một áng mây”.
Ngày 19 tháng 11 năm 1931, Từ Chí Ma lên một chiếc máy bay quân dụng, chuẩn bị đi nghe buổi diễn thuyết của Lâm Huy Nhân. Đang bay đến bầu trời Tế Nam, bỗng nhiên xuất hiện sương mù dày đặc, khó phân biệt phương hướng. Phi công vì muốn tìm kiếm chính xác đường bay, đành phải hạ thấp độ cao máy bay, không ngờ va phải núi Bạch Mã, ngay tức thì bốc cháy hừng hực, nhân viên trên máy bay, hai phi công cùng Từ Chí Ma, tất cả đều tử vong.
Lâm Huy Nhân ở cách xa kinh thành, nghe được tin Từ Chí Ma gặp nạn, cõi lòng đau đớn, nước mắt như mưa, đồng thời nói với chồng nhanh đi Tế Nam nhặt ít mảnh vỡ máy bay.
Lương Tư Thành đi Tế Nam nhặt một mảnh vỡ máy bay, mãi đến tận lúc qua đời, Lâm Huy Nhân đều xem đây là vật quý treo trên tường phòng ngủ, vừa mở mắt là có thể thấy. Có thể thấy rằng bà đối với Từ Chí Ma dù không trở thành vợ chồng nhưng trong lòng vẫn là một mảnh tình sâu đậm. Loại tình cảm canh cánh ấy giống như không bỏ được nỗi bận tâm, lại không thể nói rõ.
Cuối năm 1934, Lâm Huy Nhân cùng Lương Tư Thành đi phương Nam khảo sát, ngang qua quê hương Chiết Giang của Từ Chí Ma. Sau khi xe dừng lại, bà xuống xe, trong bóng đêm trầm lắng, Lâm Huy Nhân 30 tuổi một mình đứng ở bên ngoài cửa xe, mặc cho gió lạnh vù vù thổi qua mặt mình. Bà ngóng nhìn sân ga tối tăm, tựa hồ Từ Chí Ma đang ở trước mắt bà nói lên nỗi khổ nhớ nhung, nói với bà nỗi đau chia ly. Bóng đêm như che giấu tất cả, nước mắt Lâm Huy Nhân âm thầm rơi.
Từ Chí Ma là người có ảnh hưởng rất lớn đến Lâm Huy Nhân. Ông là người dẫn dắt bà đến với văn học. Có điều, về mặt tình cảm Lâm Huy Nhân vô cùng lý trí. Bà ước mơ được cùng Từ Chí Ma ôm ấp tình cảm lãng mạn, nhưng lại tỉnh táo biết rằng, giữa nam và nữ ngoài tình cảm, còn phải giống như Tam Mao từng nói: “Tình yêu nếu như không đầy đủ về ăn, ngủ, kiếm tiền mỗi ngày, rất khó có thể thiên trường địa cửu”.
Nhiều năm sau đó, Lâm Huy Nhân cũng chia sẻ với con gái mình:“Người Từ Chí Ma yêu lúc trước thật ra không phải là mẹ, mà là Lâm Huy Nhân ông ấy dùng tình cảm lãng mạn của nhà thơ tưởng tượng ra, nhưng trên thực tế mẹ không phải là người như thế”.
Phần 3: Người đời đều biết Từ Chí Ma yêu Lâm Huy Nhân trong đau khổ, nhưng không ngờ Kim Nhạc Lâm cũng là một kẻ si tình
Từ Chí Ma là mối tình khắc cốt ghi tâm của Lâm Huy Nhân, tuy nhiên cuối cùng cặp đôi lại lấy ly biệt để đặt dấu chấm hết cho tất cả. Theo tính cách của Lâm Huy Nhân, trong đời sống tình cảm, bà là một người đã làm thì sẽ làm đến nơi đến chốn, đồng thời khá là lý tính.
Thời dân quốc có rất nhiều tài nữ, ở mặt tình cảm, Lâm Huy Nhân không yếu đuối giống như Nguyễn Linh Ngọc, vì tình yêu tìm đến cái chết; cũng không si tình như Trương Ái Linh, yêu đến quên đi chính mình, yêu đến mất đi tôn nghiêm; càng không cố chấp như Thạch Bình Mai, không dám dũng cảm thổ lộ, cứ thế dùng cả quãng đời còn lại để hối hận, tự trách mình.
Người đời đều biết Từ Chí Ma yêu Lâm Huy Nhân sâu đậm, nhưng không biết Kim Nhạc Lâm cũng là gã si tình, phải lòng Lâm Tư Nhân. Hai người có suy nghĩ đối lập nhau tại sao đều tha thiết yêu Lâm Huy Nhân? Hay do tài nữ này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người khác phái, là người con gái giống như “Người Tình Đại Chúng”?
Nan năng khả quý - khó có thể làm được- chính là bà giỏi đặt tình bạn và tình yêu ở cân bằng nhau, duy trì khoảng cách thích hợp, đặt lòng ở vị trí tình bạn nhiều một chút, so với vị trí tình yêu ít một chút.
Theo từ liệu, Kim Nhạc Lâm cũng không phải là một người tầm thường, năm 1914 ông tốt nghiệp đại học Thanh Hoa, rồi đi du học Mỹ, Anh, và các nước Châu Âu. Sau khi về nước, Kim Nhạc Lâm chủ yếu dạy học ở Thanh Hoa và Bắc Đại. Ông được xem là nhà triết học số một trong nước, từ thời niên thiếu đã tiếp thu mọi phong tục tốt đẹp của phương Tây, đời sống sinh hoạt khá là tây hóa.
Năm 1932, Kim Nhạc Lâm đột ngột xông vào cuộc sống tình cảm của Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành. Khi đó Lâm Huy Nhân 28 tuổi, đã là một người phụ nữ trưởng thành.
Một đêm gió lạnh gào thét, trong lòng Kim Nhạc Lâm cô độc buồn khổ, đi tìm vợ chồng Lâm Huy Nhân tâm sự. Ông mặc áo sơ mi, bật đèn pin, hứng khởi đi đến trước nhà Lâm Huy Nhân, gõ cửa. Trong nhà truyền ra tiếng Lâm Huy Nhân dịu dàng hỏi: “Ai đấy ạ?”. “Là tôi, Kim Nhạc Lâm”. Cửa mở, Lâm Huy Nhân bảo người bạn: “Mau vào đi, bên ngoài gió lớn lắm”. Kim Nhạc Lâm liền hỏi: “Tư Thành đâu?”. Lâm Huy Nhân tiện tay đóng cửa, nói, “Buổi chiều anh ấy có việc đi ra ngoài rồi!”.
Ánh mắt Kim Nhạc Lâm dừng trên người bà dò xét, bởi vì Lâm Huy Nhân mặc váy ngắn màu trắng, mới từ phòng tắm đi ra, trên da thịt trắng nõn tỏa ra một mùi hương xà phòng dễ chịu. Lâm Huy Nhân nhìn thấy cơ thể ông có chút run rẩy, chạy vào nhà lấy ra một bộ quần áo nói, “Ngày lạnh như vậy, ngài lại mặc phong phanh thế này, khoác bộ quần áo này đi”. Ngay lúc Lâm Huy Nhân khoác quần áo lên ông, đôi bàn tay của Kim Nhạc Lâm đưa ra, ôm Lâm Huy Nhân vào lòng.
Lâm Huy Nhân cũng không giẫy giụa phản kháng, trong lòng như “nai vàng ngơ ngác”, có điều bà cũng không khống chế tình cảm của chính mình, lẳng lặng nằm trong lòng đối phương, nhấp nháy mắt, nhìn hành động của Kim Nhạc Lâm.
Kim Nhạc Lâm nhìn bà hỏi, “Còn có cơ hội cho tôi không?”. “Cho tôi chút thời gian đi” - Lâm Huy Nhân nói:“Tôi hỏi qua ý kiến của Lương Tư Thành đã”.
Qua mấy ngày, Lương Tư Thành đi khảo sát kiến trúc cổ về Lâm Huy Nhân buồn rười rượi nói: “Tư Thành, em đã yêu hai người cùng một lúc, không biết nên làm sao mới tốt?”.
Có người làm kẻ thứ ba, thậm chí muốn cướp đi vợ của mình, dù ở thời đại nào, bất kể là người đàn ông nào cũng sẽ nổi giận đùng đùng, thậm chí đánh người kia một trận nhừ tử. Nhưng Lương Tư Thành không làm vậy.
Hôm đó ông suy nghĩ suốt đêm, ngày hôm sau ông nắm hai tay Lâm Huy Nhân trong tay mình, nhìn bà, bình tĩnh nói: “Em được tự do, nếu như em chọn cậu Kim, anh sẽ chúc phúc cho hai người mãi mãi hạnh phúc”.
Lương Tư Thành trước tiên nhìn từ góc độ của vợ, đối với hạnh phúc của vợ mà đắn đo suy nghĩ. Đương nhiên trong lòng ông vẫn quan tâm bà, yêu bà. Người đàn ông quan tâm mình nhiều như vậy, làm sao tìm được?
Lâm Huy Nhân đem lời của Lương Tư Thành chuyển cho Kim Nhạc Lâm. Kim nhìn gương mặt bà rồi nhìn lên đám mây trôi nơi chân trời, nhẹ nhàng thở phào một tiếng, giống như độc thoại, nói với Lâm Huy Nhân cũng giống như nói với chính mình: “Xem ra Lương Tư Thành thật sự yêu em, tôi không thể tổn thương một người yêu em như vậy, tôi vẫn là nên rút lui”.
Nếu đặt ở thời nay, một người đàn ông yêu thích một cô gái ưu tú, huống hồ đối phương cũng có một chút tình ý với mình, cho dù đánh vỡ đầu thì cũng phải nhất định giành được đối phương. Có lẽ nhà triết học khác với mọi người ở chỗ, không thích giành lấy tình yêu, mà thích cuộc sống trống vắng, sống cùng mộng tưởng.
Trong suốt mấy thập niên rối ren hỗn loạn sau này, Kim Nhạc Lâm đều nguyện cùng Lâm Huy Nhân làm hàng xóm láng giềng, cùng chung năm tháng hoạn nạn. Điều khiến người ta kinh ngạc là ông lại một đời chung tình không kết hôn.
Có lẽ trong lòng ông, Lâm Huy Nhân vẫn là một nữ thần. Nếu trong xã hội hiện nay, một người đàn ông ưu tú như Kim Nhạc Lâm sao có thể cam tâm cô quạnh, bơ vơ một đời? Mọi người không nói ông ngốc nghếch, chỉ thở dài than ông quá si tình.
Rất lâu sau này, khi Lâm Huy Nhân qua đời, có một năm, Kim Nhạc Lâm ở quán cơm Bắc Kinh mời khách, người bạn cũ nghe được tin đều vô cùng buồn bực: “Không có việc gì, lão Kim tại sao lại mời khách?”. Đến khách sạn, Kim Nhạc Lâm tóc trắng phơ, mặt tươi cười, dồi dào tinh thần, giống như gặp được việc gì vui vẻ, ở trước mặt mọi người kích động đứng dậy nói: “Hôm nay là sinh nhật Huy Nhân”.
Những người khách đến dự tiệc trước tiên kinh ngạc, sau đó vỗ tay kịch liệt. Kim Nhạc Lâm từ đầu đến cuối đều dùng lý trí tài giỏi điều khiển cảm tính của mình, cả đời không lập gia đình, lặng lẽ yêu Lâm Huy Nhân một đời. Chỉ tiếc rằng, Lâm Huy Nhân đã cưới Lương Tư Thành, bà không thể trao cho ông một phần trái tim của mình.
Phần 4: Người bạn đời gắn bó thủy chung Lương Tư Thành
Lương Tư Thành và Lâm Huy Nhân quen biết nhau một cách rất tự nhiên. Năm đó Lương Khải Siêu được chính phủ Trung Hoa dân quốc bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp, Lâm Trưởng Dân là bộ trưởng chính vụ, hai người đều làm lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Con cái hai nhà thường hay cùng nhau chơi đùa, có thể xem là hiểu tận gốc rễ. Lâm Huy Nhân 16 tuổi từ Luân Đôn trở về Bắc Kinh, dáng vẻ yêu kiều xinh đẹp như hoa, dưới sự tác hợp của hai phụ huynh, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành thường dành ngày chủ nhật, đến cây thông ở sườn núi thư viện hẹn hò, tình cảm càng ngày càng sâu đậm.
Mùa hạ năm 1923, Lương Tư Thành tốt nghiệp đại học Thanh Hoa, Lâm Huy Nhân cũng đã 19 tuổi, theo sắp xếp của Lương Khải Siêu, muốn cả hai cùng nhau ra nước ngoài du học, một mặt là tránh khỏi tầm mắt của Từ Chí Ma, mặt khác là tăng thêm tình cảm hai bên.
Đầu tuần tháng năm, Lương Tư Thành lái xe mô tô tham gia “Ngày Quốc Sĩ” diễu hành thị uy, bất hạnh xảy ra tai nạn xe, được đưa vào bệnh viện đa khoa cấp cứu, một tháng làm ba lần phẫu thuật, buộc phải kéo dài ngày xuất ngoại. Lúc này Lâm Huy Nhân đã 19 tuổi, bà đã biết yêu một người, đau lòng vì một người là như thế nào. Mỗi ngày bà đều đến bệnh viện, nói chuyện với bạn trai, trò chuyện an ủi ông, khiến Lương Tư Thành cảm thấy hạnh phúc.
Có một hôm, Lâm Huy Nhân dìu Lương Tư Thành tản bộ trên bãi cỏ bệnh viện, đi tới đi lui, ông đột ngột dừng bước, tay khoác cổ Lâm Huy Nhân, nhìn chằm chằm gương mặt đẹp đẽ của bà hỏi: “Huy Nhân, nếu như tôi gặp chuyện bất trắc, em sẽ gả cho ai đây?”, Lâm Huy Nhân an ủi ông: “Không nói chuyện này được không? Anh sẽ không có chuyện gì đâu, sẽ tốt lên thôi”. Lương Tư Thành lo lắng nói: “Em và Từ Chí Ma rất thân thiết, tình cảm của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đúng không? Không phải vậy chứ?”. Lâm Huy Nhân ngẩng đầu lên, nghiêm túc nói : “Anh yên tâm, em biết chừng mực”. Nói xong, đem viên kẹo cao su bạc hà nhẹ nhàng nhét vào miệng bạn trai.
Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành dần dần tốt lên, chân phải ông bị tàn tật, bà cũng không hề ruồng bỏ ông.
Theo như tư liệu ghi chép, lần đầu tiên Lương Tư Thành đi thăm hỏi Lâm Huy Nhân, bà mới từ nước Anh trở về, trong lúc nói chuyện cùng nhau, bà nói sau này muốn học về kiến trúc. Lúc đó Lương Tư Thành còn không biết kiến trúc là cái gì. Huy Nhân nói cho ông biết, đó là một ngành học bao gồm sự kết hợp của nghệ thuật và kĩ thuật công trình.
Ở thời dân quốc, kiến trúc chắc chắn là một ngành học ít người để tâm, đặc biệt đối với con gái mà nói, có mấy ai tình nguyện tiếp xúc với những lý luận và số liệu khô khan? Lâm Huy Nhân là một cô gái có tầm nhìn xa trông rộng, bà biết trong tương lai không xa, kiến trúc học sẽ phục vụ cho quá tình xây dựng Trung Quốc. Cuối cùng bà cũng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, khiến người ta khâm phục trí óc thông tuệ và năng lực tư duy của bà.
Năm 1925, Lâm Trường Dân chẳng may bỏ mạng, tin dữ truyền đến, Lâm Huy Nhân ở nơi đất khách quê người chỉ biết cay đắng khóc nức nở. Đã không còn cha, cuộc sống về sau làm sao bây giờ? Bà giống như người điên, cứ như vậy lâm bệnh nặng.
Lương Tư Thành ở bên cạnh dành cho bà sự an ủi và chăm sóc. Đồng thời cha Lương Tư Thành - Lương Khải Siêu chủ động gánh vác lo liệu hậu sự cho Lâm Trường Dân. Nhờ đó, Lâm Huy Nhân mới khá lên một chút, ở lại Mỹ tiếp tục sự nghiệp học hành. Mùa xuân năm sau, nhờ sự giúp đỡ của Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân lên làm trợ lý giáo sư thiết kế xây dựng, đến mùa thu lại lên làm chỉ đạo môn thiết kế xây dựng, thực hiện giấc mộng của bà.
Năm 1927, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành cùng nhau đạt được học vị xuất sắc, tốt nghiệp đại học Pennsylvania. Ngày 21 tháng 3 năm 1928, ở nơi đất khách quê người; anh rể và chị gái Lương tư Thành cử hành hôn lễ cho hai người.
Đêm tân hôn, Lương Tư Thành ôm lấy người vợ kiều diễm thì thầm: “Có một câu, anh chỉ hỏi một lần này, sau đó sẽ không bao giờ hỏi nữa, tại sao lại là anh?”, Lâm Huy Nhân hài hước trả lời: “Đáp án rất dài, em phải dùng cả cuộc đời sau này để trả lời anh, chuẩn bị kĩ nghe em trả lời chưa?”.
Ở mặt tình cảm, Lâm Huy Nhân là một người luôn giữ được bình tĩnh, đối với một người tài nữ ưu tú, trước hôn nhân, sau khi cưới, người theo đuổi bà như “cá diếc sang sông”. Trước hôn nhân xuất sắc nhất là Từ Chí Ma, sau khi cưới là Kim Nhạc Lâm. Tuy rằng cũng đã qua lần bao sóng gió, cũng không ít phút giây rung động, cuối cùng bà vẫn lựa chọn cùng Lương Tư Thành trải qua một đời. Điều này cần lý tính, cần trí tuệ, cần tài hoa mà chỉ Lâm Huy Nhân mới có thể làm được.
Trong cuộc đời của Lương Tư Thành, ông cũng rất chung tình với Lâm Huy Nhân, nhiều năm sau, ông từng hài hước đánh giá Lâm Huy Nhân:“Vì vậy là chồng của bà ấy thật không dễ dàng, nhưng mà đối với tôi mà nói vợ của tôi rất tốt, văn chương rất hay. Tôi không phủ nhận, việc chung sống với Lâm Huy Nhân cũng có lúc rất mệt mỏi, bởi vì suy nghĩ của bà ấy rất sinh động, sống cùng bà ấy nhất định phải phản ứng nhanh nhẹn giống bà ấy, nếu không thì đừng lấy bà ấy”.
Phần 5: Người con gái tinh khiết như sen trắng, không nhiễm chút bụi trần
Dương Giáng nói: “Chúng ta từng khát vọng con sóng vận mệnh như thế, đến cuối cùng mới phát hiện phong cảnh dịu dàng nhất đời người, cuối cùng chính là sự bình tĩnh và ung dung tận đáy lòng”.
Cả đời, tình cảm Lâm Huy Nhân xoay quanh ba người đàn ông. Nội tâm bà không hề bình tĩnh, ung dung, tình cảm của bà giống như dòng thủy triều, bà cũng sẽ hoang mang lo sợ, trong lòng rối loạn, không cách nào khống chế chính mình.
Đáng lẽ con gái thường thiên về cảm tính, không thích khoa học tự nhiên, đặc biệt không am hiểu không gian, phương hướng, vật liệu công trình. Lâm Huy Nhân là một ngoại lệ. Bà lý tính nên mới có thể làm nhiều việc liên quan đến phương diện công trình kiến trúc; bà cảm tính nên mới có thể trở thành một tác gia, một nhà thơ nổi tiếng.
Lâm Huy Nhân nổi danh tài nữ, ở những lĩnh vực không chuyên hầu như đều có thể đạt đến trình độ chuyên gia, cho nên gia đình bà mới có khách quý thường xuyên đến thăm, bà trở thành một đóa hoa hồng được mọi người ái mộ.
Lâm Huy Nhân có một nghị lực vô cùng mãnh liệt mà bà dành hết cho con đường học thuật. Theo hồi ức của Tiêu Kiền: “Khi cô ấy nói chuyện, người khác hầu như không thể chen vào. Huy Nhân cũng không phải loại phụ nữ đã có gia đình nhàn rỗi thích đàm tiếu. Kiểu đàm tiếu của cô chính là phong cách đàm tiếu của người có học thức, có trình độ, nhanh nhẹn sắc bén. Cô cũng chưa bao giờ quanh co lòng vòng, hay như loại người ba phải cái nào cũng được. Loại phê bình mang tính học thuật tài giỏi này, từ trước đến nay chưa từng có ai mang thù. Tôi thường khâm phục Lâm Huy Nhân về nhận thức nghệ thuật hơn người”.
Lúc trung niên của Lương Tư Thành và Lâm Huy Nhân
Nhắc đến Lâm Huy Nhân người ta thường biết đến với những danh hiệu: Nữ kiến trúc sư đầu tiên của Trung Quốc, tác gia, thi nhân, ngoài ra còn có nhưng tác phẩm tiêu biểu như Người Là Tháng Tư Nhân Gian, Sen Đèn, Chín Mươi Chín Độ Trung ….
Trên mảnh đất văn hóa Trung Hoa dân quốc, thời đại xuất hiện tầng tầng lớp lớp những người tài nữ, Lâm Huy Nhân lại trở thành dấu ấn ấm áp nhất, ôn nhu nhất trong lòng vô số nam nhân. Bà giống như tiên nữ không nhiễm chút khói bụi nhân gian, dạo bước trên hồng trần, lạnh nhạt yên tĩnh, không tranh đoạt với đời.
Mượn lời của Bạch Lạc Mai làm lời kết cho cuộc đời tài nữ của chúng ta: “Cho dù đời này Lâm Huy Nhân đã từng yêu bao nhiêu người, phạm bao nhiêu sai lầm, đi qua bao chìm nổi nhấp nhô, từng nếm bao nhiêu nhân tình thế thái, bà vẫn vĩnh viễn là một tách trà trong, thanh nhã, hương thơm tinh khiết, mãi quấn quít trong trái tim mỗi người, không thể phai”.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com