Đề số 1
Đề bài: Thời đại ngày nay, khi nhịp sống bị cuốn vào vòng xoáy tốc độ, văn chương có giúp con người sống chậm lại?
Bài làm
Nghệ thuật là cây đàn muôn điệu của tâm hồn. Đến với văn chương, không chỉ là nơi bộc bạch những cảm xúc, tâm tư, tình cảm chân thật của con người, văn chương chứa đựng nhiều hơn chỉ một tiếng nói, một tiếng thét, là chất liệu mượn từ thực tại, từ cuộc sống của hàng vạn con người. Từ xưa đến nay, văn chương vẫn luôn là điểm dừng chân, là nơi chốn lí tưởng cho những mảnh đời hạn hữu trên thế gian, ghi lại cảm xúc, tâm hồn của tác giả lẫn người đọc. Tầm quan trọng của những con chữ càng được nâng cao hơn khi thời đại ngày càng trở nên phát triển và biến hóa không ngừng, nhịp sống bị cuốn vào dòng xoáy tốc độ, những trang sách ấy là niềm an ủi, là một mạch nước ngầm âm ỷ chậm rãi, giúp con người tạm xa lánh những ồn ào, bồi đắp tâm hồn dần trở nên phong phú, đẹp đẽ hơn.
"Nhịp sống" là tốc độ sống của con người; "bị cuốn vào vòng xoáy tốc độ" là không tự chủ mà bị kéo vào trong một nhịp sống quá nhanh, không thể kiểm soát. Từ đó con người ta trở nên sống vội vàng, nhanh chóng lướt qua mà không kịp tận hưởng những vẻ đẹp đáng trân trọng, đáng khắc ghi của cuộc sống. Còn "sống chậm" là cách sống không vội vàng, hấp tấp, lắng nghe để cảm nhận, trân trọng từng khoảnh khắc được sống, từng nơi chốn mình đi qua, từng lời nói mình nghe, hiểu và trân trọng những giá trị sống. Trong một thế gian nơi guồng quay gấp gáp, con người đang dần đánh mất những bản chất đáng quý mà trở nên thụ động, lệ thuộc, có lẽ văn học đã trở thành một bến đỗ quan trọng, những "cây đàn muôn điệu" làm say đắm lòng người ấy chính là "liều thuốc tẩm bổ cho tâm hồn" là một giai điệu vượt ra ngoài quy luật băng hoại của thời gian, đủ sức chữa lành những linh hồn kiệt sức vì vòng xoáy của cuộc đời.
"Văn học là nhân học" như M.Grơki đã khẳng định, văn chương là yếu tố không thể thiếu trong việc giúp con người nhận thức rõ hơn về bản thân, về cuộc sống xung quanh, bồi dưỡng tâm hồn, kết nối những giá trị giữa con người với nhau. Trong một cuộc sống nơi văn chương bị vắng bóng hoặc thiếu hụt, con người sẽ dần trở nên xa cách nhiều hơn, sự cảm thông và thấu hiểu vốn là điều cần thiết nhất để giúp con người có một cuộc sống hạnh phúc sẽ dần bị thay thế bằng những cuộc đua và tranh chấp, với những xung đột và những vết nứt khó có thể hàn gắn lại được. Đọc văn, đọc thơ không chỉ là cuộc gặp mặt với con chữ, bởi vì khi đọc ta sẽ bắt gặp tâm hồn con người, từ đó mới sinh ra sự thấu hiểu, nghiền ngẫm, cảm thông sâu sắc với văn chương và rộng hơn là với cuộc đời. Văn học phản ánh chiều sâu trong cuộc sống, những cảm xúc, phức cảm đan xen tạo nên một thế giới riêng, nơi chúng ta cần phải đọc chậm, hiểu sâu mới có thể hiểu hết được. Điều đó giúp cho cuộc sống của người đọc văn trở nên đa dạng, phong phú, đầy tính nhân văn, không còn để bị cuốn vào những vòng xoáy tranh chấp mà sống chậm trên một mảnh đất trù phú và yên bình, cóp nhặt những giá trị được xây đắp qua muôn đời.
Với tác giả, người đặt tiếng lòng của mình lên con chữ, quá trình sáng tác một tác phẩm là quá trình nhà văn, nhà thơ lắng nghe "tiếng đời lăn náo nức", là sự hiểu đời, hiểu người. Từ đó mới đem mọi tinh túy, xúc cảm bức bí trong tim đem lên trang giấy trắng, để những tiếng lòng được nhảy múa, tạo nên dòng cảm xúc bất tận, trường tồn. Nhà văn, nhà thơ bao giờ cũng là "thư kí trung thành của thời đại", góp nhặt tất cả những gì đời thường, bình dị mà cao quý, thiêng liêng nhất, cúi xuống nhìn đời ở cả mặt khách quan và chủ quan để có thể đem đến tất cả những bài học, tình người bằng dòng chữ, chắt ra từ nội tâm người nghệ sĩ. Người làm văn chương phải thực sự chìm đắm vào trong mọi nghĩa của cuộc đời, từ cái nhỏ bé đến cái lớn lao, từ những hoàn cảnh khốn cùng nhất. Cảm xúc ấy sẽ dẫn dắt người nghệ sĩ đến với mảnh đất của cái đẹp, của Chân - Thiện - Mĩ, hướng tới cội nguồn thiêng liêng của cuộc đời. Nhưng văn chương không phải chỉ là sự ghi chép, lắp ghép câu chữ, dụng công sáng tác. Vậy nên tác giả không phải chỉ cần mỗi những rung chấn của cảm xúc để tạo nên một tác phẩm hay, tác giả còn phải có một tài năng nghệ thuật để đưa sự chín đỏ trong cảm xúc của mình thăng hoa trên từng con chữ, tạo nên tiếng vang với độc giả, với cuộc đời, và với bản thân chính người viết.
Với người đọc, trong quá trình tiếp nhận công sức nhà văn sẽ có thể thấu đạt, ngộ ra được những bài học sâu sắc, những giá trị nhân văn, giúp bản thân tìm được chân lí sống, tìm được cách sống phù hợp với bản thân và cuộc đời. Nhưng để có được điều ấy, người đọc cũng cần có một sự trân trọng và nâng niu đối với tác phẩm, đọc để không chỉ thấy mỗi ý nghĩa trên mặt chữ mà còn cần phải đào sâu, tìm hiểu kĩ lưỡng, không đọc lướt mà đọc nghiền ngẫm, "tiêu thụ" từng chữ một. Người đọc chính là "người viết tiếp tác phẩm", là "người đồng sáng tác" của tác phẩm, văn chương không bao giờ mất đi vẻ đẹp ban đầu cũng là bởi nó luôn được bồi đắp thêm bởi tình yêu, bởi sự tận tụy và ôm ấp của nhân gian, vì thế văn chương luôn đẹp. Chứa đựng những chân lí ngàn đời, đổi thay cách sống, làm giàu đẹp thêm cho cuộc đời.
Quá trình sáng tác và đọc những tác phẩm văn học khiến mỗi người chúng ta tìm được thêm những mảnh ghép riêng để hoàn thiện nhân cách, để có thể "sống chậm" hơn. Dấu chấm hỏi in hằn trên trang giấy tạo cho ta một mạch suy luận ngầm nhưng thật chất lại là một nhận định rất đúng đắn về văn chương và nghệ thuật. Văn học hướng ta xoay vào bên trong, tìm kiếm những mạch nguồn của cảm xúc, tìm ra "con người thật", đứa trẻ cần được chăm chút bên trong chúng ta, để lắng nghe tiếng lòng, tự hỏi đáp, tự chất vấn, tự tìm ra câu trả lời cho điều mình thắc mắc. Để rồi khi con chữ đã thẩm thấu vào sâu bên trong, mỗi người trong số chúng ta đều sẽ tìm ra được một ngã rẽ riêng biệt, tìm được một mục đích để hướng đến mà không bị chi phối bởi dòng xoáy đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đời, để có thể biết được bản thân đang đứng ở đâu, không bị lạc lối và vững bước trên con đường của mình.
Như trong truyện ngắn "Lão Hạc", Nam Cao đã đề cao tinh thần hướng về cái thiện, đề cao phẩm giá con người. Khẳng định nét đẹp của tự trọng và phẩm giá là một điều không dễ bị lay chuyển, cùng với sự cảm thông sâu sắc cho số phận bất hạnh, còn nhiều thiếu thốn của lão Hạc trong một xã hội cũ còn nhiều bất công, nơi còn có sự phân biệt cao thấp, giàu nghèo, nam nữ,... Tác động đến cái lương tri vốn có trong tâm hồn con người, gợi lên những cảm xúc có thể là cảm thông, thấu hiểu hoặc xót thương, phẫn uất,... "Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lãoầng ậng nước" Nam Cao đã áp dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí gián tiếp qua hành động của lão Hạc một cách khéo léo, tự nhiên, giúp cho người đọc hiểu được nỗi đau đớn trong từng lời nói hành động của nhân vật, hiểu được cốt cách tâm hồn, phẩm giá thanh cao của lão Hạc. Đọc "Lão Hạc" của Nam Cao, người đọc phải lặng lại để suy tư về cuộc đời đầy rẫy bi thương của một người nông dân hiền lành, chất phác. Đặt ra những câu hỏi như "Liệu có phải trên thế gian này còn quá nhiều mảnh đời như thế?" Và rồi phải tự tìm câu trả lời, để giải tỏa mọi trăn trở, suy tư của mình.
Cũng là một tác phẩm nổi tiếng, "Không gia đình" - Hector Malot là một tập truyện dài với hành trình của Rémi trên con đường gian nan tìm kiếm và trở về với gia đình của mình. Truyện đưa người đọc đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác với nhiều những diễn biến đặc sắc nhưng cũng đậm chất "đời". Hành trình đi cùng Rémi tìm gia đình cũng là hành trình để người đọc đến với những phương trời mới, những con người khác nhau, trải nghiệm cả những khổ đau, cảm xúc của từng nhân vật. Kết của "Không gia đình" tuy đẹp nhưng khiến chúng ta gấp sách lại trong sự tiếc nuối kì lạ với hàng vạn ý nghĩ, cảm xúc hình thành trong suốt quá trình đọc. Đây cũng chính là sự kì diệu của văn chương, trong những dòng chảy bất tận, con người vẫn có thể tìm ra được những khoảnh khắc lặng lẽ, chậm rãi đón nhận con chữ như vậy bên cạnh văn chương.
Chúng ta cần phải sống hết mình để đón nhận đến tận cùng giá trị sống. Câu hỏi đầu đề giống như một lời khẳng định hơn về ý nghĩa của văn chương trong thời đại số. Nơi con người giao lưu với nhau không nhiều bằng những cái bắt tay, những cái ôm tình cảm mà bằng những thiết bị công nghệ. Nhịp sống nhanh còn được biểu hiện bằng những ứng dụng "thông tin nhanh" tác động trực tiếp đến não bộ, khiến con người ta dần khó có thể kiên nhẫn để tiếp nhận và tập trung. Vì thế, văn chương đang dần khẳng định mình, dẫn lỗi cho nhiều người rời xa và thức tỉnh khỏi nhịp sống nhanh, gấp gáp. Đối với người nghệ sĩ, cần phải hiểu sứ mệnh của mình trong việc đem đến những tác phẩm có chất lượng, chọn lọc kĩ lưỡng và giúp cho bạn đọc "sống chậm lại để chiêm nghiệm con chữ". Còn đối với các độc giả, cần phải đặt mình vào trong tác phẩm, sống cùng tác giả và tác phẩm để hiểu mình, hiểu những giá trị chân thực được tác giả gói ghém trong tác phẩm và tiếp tục đưa những giá trị ấy lan tỏa chúng đến mọi người.
Tựu trung lại, văn chương chính là một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng ta, văn học đem đến trải nghiệm, sự hiểu biết, đặc biệt là nơi chốn an toàn để tất cả mọi người đều có thể tìm đến và dành thời gian để "sống chậm" hơn là "sống nhanh". Hơn nữa là thấu hiểu bản thân và làm chủ được nhịp sống của mình.
21/11/2024 - DM
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com