Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

67. Tên sách bây giờ ... đến mức nào?

Tên mấy đầu sách bây giờ làm người ta muốn đào sâu ba thước đất rồi rạp mình quỳ lạy luôn ấy ạ.

Thân là một kẻ đặt biệt hiệu có tiếng khắp làng trên xóm dưới, tôi vẫn luôn cảm thấy mỗi một cái tên hay đều chứa đựng tính hình tượng sâu sắc.

Như tên Giang Sơ Ảnh chẳng hạn, nghe thôi đã thấy đẹp vô ngần (Sơ Ảnh trong câu Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển trong bài thơ Sơn viên tiểu mai - Lâm Bồ, bóng nhành mai lưa thưa nằm lặng trên con nước trong), hay ví như Lục Thần Lỗi Lỗi, nghe thấy như trăm loài sâu kiến chẳng thể xâm phạm, hiên ngang lỗi lạc. Lại ví như "5 năm thi đại học, 3 năm thi thử" (Sách tổng hợp đề thi Đại học trong 5 năm ở mọi miền, đề thi thử trong 3 năm gần đây), nghe thôi là thấy một ngày dài cỡ ba thu, ăn ngủ không yên, không biết nỗi ám ảnh trong lòng này lan bao xa nữa.

Dạo này tôi nhận ra tên những đầu sách mà nhà xuất bản lấy ấy, cái nào cái nấy đều mang đậm (quá trời đậm) tính hình tượng luôn, đọc thôi là thấy ruột gan cồn cào, đầu óc lộn nhào hết cả.

Lấy ví dụ một quyển nhé, tên sách là "Gió gảy khúc tì bà, làm điêu tàn cả nửa toà thành phủ trong khói cát".

Lần đầu đọc được cái tên này là trong đầu tôi đã ảo tưởng ra duyên số dây dưa của bậc đế vương cùng nàng ca kỹ, rồi câu chuyện hồng trần về chàng tướng quân và người thiếu nữ, trải qua bao sóng gió cuộc đời, cảnh còn đây mà người xưa đã chẳng thấy đâu, một chiếc đàn tì bà cũ nát đặt trên tường thành giữa chốn cát bụi mịt mờ.

Nhưng khi vừa mở ra trang thứ nhất, tôi vẫn luôn tự cho mình là kẻ có tâm lý khá cứng ấy vậy mà lúc đó lại thấy nhói ở trong lòng nhiều chút, một ngụm máu nóng ấp ủ 36 năm trong thân xác này đây suýt chút nữa thì phun vào sách luôn rồi, bởi tác giả viết hai chữ to đùng, vô cùng bắt mắt vào đấy:

Lỗ Tấn.

Đúng vậy, đây là một cuốn tuyển tập các tác phẩm xuất sắc của Lỗ Tấn với lời thề thốt nếu là hàng giả thì xin đền 10 cuốn hàng giả này luôn. Tôi cũng chẳng biết trong cuốn "Gió gảy khúc tì bà, điêu tàn cả nửa toà thành phủ trong khói cát" kia liệu có còn sót lại những ký ức chẳng thể lãng quên ở thế kỷ trước của anh Tấn và cậu trai Nhuận Thổ (nhân vật trong tác phẩm Cố hương) dùng xiên giết con tra không nữa.

Không dừng lại ở Lỗ - Âu Hạo Thần -Tấn (Âu Hạo Thần là nhân vật nam chính trong phim Say that you love me, hình như ý ở đây là Lỗ Tấn trong cuốn sách kia đã bị pha tạp quá trời yếu tố ngôn tình), nhiều tuyển tập, tiểu thuyết ngắn của các đại văn hào khác cũng bị đóng gói thành những áng văn bóng bẩy, đậm chất ngôn tình chạy theo trend.
Hồ Khả có "Từ dạo ấy đã trải nhiều năm, trao em một trang sách phồn hoa", Thẩm Tòng Văn thì có "Một nắm cát vàng giữa lòng bàn tay, ai trong chúng ta cũng chẳng níu giữ được tháng ngày ấy cả", Úc Đạt Phu có "Cảnh xuân nghiêng thành ấy, rồi cũng chỉ là quá khứ phồn hoa", Uông Tằng Kỳ thì có "Chắc chắn phải, yêu chút gì đó"...

Nhìn cái tên sách của Uông Tằng Kỳ kìa, cái dấu phẩy này, thêm vào, thấy sinh động, thấy,
duy mỹ, thấy độc đáo, ghê nơi.

Kể cả những tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng cũng chịu ảnh hưởng bởi cái style ngôn lù này, đập ngay vào mắt là phồn hoa, rồi tang thương các thứ.

Shakespeare có cuốn "Nếu như cả thế giới và tình yêu đều vô cùng non dại", hay Kahlil Gibran thì "Trái tim tôi chỉ đớn đau bảy lần", và tác giả người Nga Ivan Alekseyevich Bunin - người từng lấy được giải Nobel thì có cuốn "Thanh xuân của tôi là những lang thang sau đợt pháo hoa tàn".

Có cảm giác như những đại thi hào, đại văn hào này đang mặc lên mình chiếc áo khoác đen, ngửa mặt nhìn trời tạo góc 135 độ, dù cho để tóc mái cũng chẳng giấu được đớn đau nơi đuôi mắt (cụm "để tóc mái" này từng là một trong những bio trên QQ vô cùng hot tầm chục năm về trước, kiểu như cái thời bên mình có batnapquantai_honemlancuoi vậy).

Thực sự là khó mà tưởng tượng được, không biết những đơn vị phát hành này đã search tìm hiểu bao nhiêu quả bio cá tính, rồi đọc biết bao file TXT ngôn lù nữa.

Văn học theo hơi hướng ngôn tình đau đớn này càng ngày càng lan toả, tài hoa của những đơn vị phát hành kia cũng cuồn cuộn không ngớt tựa cống thoát nước vậy.
Đã thế, hôm nay đây, ta cứ nói đôi ba bốn năm lời về nó đi nhỉ, để nó càng lan xa nào.

Đầu tiên, xin nhắc đến đại K của giới văn học, tên của tứ đại danh tác là hàng cổ lỗ sĩ dùng cả mấy trăm năm rồi, nhẽ ra nên đổi từ lâu, với lại hè nào cũng chiếu đi chiếu lại quả tên cũ ấy chán lắm.

Bộ Tây Du Ký là du lịch ở chốn nào, ghi chép ở đâu? Người không biết còn tưởng là đang viết về việc bơi lội giữ dáng, giữ sức khoẻ đấy, thanh niên bây giờ làm sao có thể thích quả tên này được. Phải đổi thành "Dùng năm trăm năm ở chốn nhân gian, đổi lấy một lần bất ngờ gặp người nơi ngã rẽ".

Tam Quốc Diễn Nghĩa nghe quê mùa ghê đó, sặc mùi phong kiến kìa, chẳng phù hợp phong cách của thanh niên tẹo nào, phải đổi thành "Chìm nổi giữa thời loạn lạc, ai cùng ta ngắm hoàng hôn đây?".
Thuỷ Hử cũng quá lạc đề luôn, "Thử giành thiên hạ, mặc cho ngày mai lưu lạc tận chân trời" nghe hay hơn nhiều.
Cả cuốn Hồng Lâu Mộng, màu đỏ, vàng hay xanh đi nữa cũng chẳng quan trọng, quan trọng là một tác phẩm tráng lệ như thế kia mà không chịu đổi thành "Tình cỏ cùng đá từ kiếp trước, cũng không thắng nổi mối lương duyên trời ban" thì kỳ quá.

Tiếp đến, tôi xin giơ hai tay hai chân ủng hộ việc đổi tên mấy bài thơ học từ thời xưa xửa xừa xưa nữa.

Sao "Bạch mao phù lục thủy, hồng chưởng bát thanh ba" (Lông trắng muốt giữa làn trong xanh, chân đỏ hồng khua sóng nước) lại gọi là Vịnh Nga (Bài vịnh về con ngỗng) được, nghe như kiểu mấy quán ăn vặt lề đường vậy, có kiểu đặt tên thế này à? Phải đổi thành "Vũ nhiễm vân yên, xuy trứu nhất trì thanh ba" (Lông nhuộm những khói, những mây, gợn sóng lăn tăn khắp mặt ao) mới hay, nghe thôi là thấy mang tính hình tượng liền.

"Đình xa toạ ái" (Dừng xe lại vì yêu) cũng không thể gọi là Sơn Hành (Đi đường núi - Đỗ Mục) được, nghe tầm thường chẳng độc đáo chi hết, phải gọi "Nhà ẩn giữa mây, gửi trao em nụ hoa xuân tháng Hai" nha nha nha.

Rồi "Tảo phát Bạch Đế thành" (Rời thành Bạch Đế vào sớm tinh mơ) như kiểu trạm dừng xe khách vậy, "Xe qua Bạch Đế rồi", "Đi Bạch Đế không người ơi?", "Còn một ghế trống nữa thôi, đi liền đây", nghe có ồn ào không cơ chứ, trong bài có câu "Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn" (Một ngày vượt ngàn dặm đường về tới Giang Lăng), giống câu chuyện "Năm tháng chuyển xoay, chỉ vì một lần gặp gỡ người" quá ấy chứ.

Còn "Xuân Hiểu (Sớm ngày xuân) nữa, có sớm hay không cũng chẳng quan trọng, nhưng đã đặt tên thì phải nên thơ chút chứ, tác giả viết "Dạ lai phong vũ thanh, hoa lạc tri đa thiểu?" (Gió mưa đêm qua khiến hoa kia rụng mấy nhành?) cơ mà, sao không để "Những phồn hoa kia tan biến, cùng nàng nằm nghe chuyện gió mưa" hả?

Thêm nữa, việc đổi tên Sách giáo khoa cũng là một vấn đề cấp bách.
Tên nghe phải đau đớn mới được, vì đau rồi mới hằn sâu trong trí óc, có thế thì bọn trẻ mới nhớ được.

Vậy nên Ngữ văn phải gọi "Tài khuynh thiên hạ, không phụ sắc xuân, chẳng phụ nàng", Toán thì "Tính toán kỹ càng, câu trả lời của người liệu ai lắng nghe?" Anh văn thì chẳng hiểu mô tê gì, nên thành "Hạ trùng ngữ băng (côn trùng mùa hè sao hiểu về những giá băng), ai cùng ta nghe gió ngâm nga?".

Tư tưởng chính trị thì gọi "Marx không tin những giọt nước mắt", Lịch sử thì "Tôi bước về phía tháng năm xưa cũ, đi qua quá khứ của người", Địa lý thì dễ ợt, chuẩn "Ngang qua thế giới của em" luôn.

Rồi còn mấy quyển sách tham khảo, sách nâng cao nữa, "5 năm thi đại học, 3 năm thi thử" đó, 5 năm với chả 3 năm, nghe như ngầm chỉ việc trượt vỏ chuối phải thi lại vậy.

Học sinh nhìn quả tên này thôi đã thấy sợ rồi, nói gì đến hứng thú tìm hiểu. Nên phải dùng style ngôn lù để đặt lại tên nhé, "Ba năm chuẩn bị sẵn sàng, năm năm chinh chiến sa trường, chỉ vì trao người một đời giàu có, yên vui", kêu ghê chưa, có vậy thì bọn trẻ mới học hành hăng hái được.

Còn cuốn "Từ điển Tân Hoa", sao mà phổ thông quá trời, đâu đâu cũng gặp, phải đổi thành "Tôi biết 11200 từ ngữ, lại chẳng hiểu được suy nghĩ của người" mới được chứ.

Cuối cùng, không dừng lại ở việc đổi tên sách, mấy bạn bên đơn vị phát hành phải làm một vố to vào, hãy tạo ra những huy hoàng mới đê.

Để cho những cuốn sách mang đậm chất ngôn lù này truyền lại đời đời, in sâu trong đầu của thế hệ sau thì phải viết lại các tác phẩm kinh điển với Sách giáo khoa.

Chẳng hạn như "Bóng lưng" của Chu Tự Thanh vậy:
Cha vịn hai tay vào phía trước, hai chân co lại, nhảy bật lên. Thân mình mập mạp của cha nghiêng qua bên trái, nhìn có vẻ đang cố hết sức. Lúc tôi nhìn thấy bóng lưng của cha, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Tôi vội lau nước mắt. Sợ cha thấy, cũng sợ người khác thấy. Tôi lại ngó ra phía ngoài, đã thấy cha ôm một bọc quýt chín ươm về rồi.

Hay là mình sửa "một xí" thế này:
Ánh chiều tà buông xuống, đầu ngón tay lưu lại vết thương, cha sửa sang lại bộ quần áo trên người, nắng tí tách nhảy trên tay áo, cha bước về phía xa xôi ngoài kia. Tôi đưa mắt nhìn theo, dáng cha lung lay như sắp đổ, sao giống bóng hắt trước ngọn đèn khuya, dáng hình ấy nở rộ trong lòng tôi, cơn gió nhẹ đưa, vờn qua ngọn tóc của cha, mang theo chút man mác chốn dạ này. Hạt mưa cô đơn lặng trong khoé mắt, vài quả quýt giữa lòng bàn tay, trộn xen quá khứ, cứ nhẹ phẩy đi thôi, bởi tôi sợ hạt mưa ấy chạm vào nỗi hoảng hốt của cha, cũng sợ hạt mưa ấy khiến nhân gian này chau mày dè bỉu.

Viết thế này có phải là càng thể hiện được tâm tư bi thương ngược thành dòng sông giữa chốn đời, có phải là càng diễn tả được nỗi nhớ thương, hoài niệm mà tác giả dành cho cha, một nỗi nhớ thương dù cho vạn dặm giang sơn đầy phồn hoa cũng chẳng sánh bằng một cân quýt chín?

Cha ông ta có câu nói thế này: Bạn ăn bao nhiêu thịt thì sẽ béo ra bấy nhiêu, bạn đọc kiểu sách gì thì bạn chính là kiểu người ấy.
Như vậy, nếu cứ bị thể loại văn học ngôn lù này tiêm nhiễm, thì tôi tin rằng, chẳng bao lâu sau ở thì tương lai, chắc chắn rằng con cháu chúng ta có thể "Tay trái nâng thành phố bi thương, tay phải nâng đoá bỉ ngạn buồn, đưa mắt ngóng nhìn phồn hoa khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu".

Lấy ví dụ nhé, trẻ con ngày xưa sẽ bảo: "Mẹ ơi con đói", nhưng trẻ con sau này ấy à, khuôn mặt chúng đầy ắp đau thương, khoé mắt gợn chút u buồn, ngẩng đầu nhìn bạn rồi nói: "Con chẳng cầu phồn hoa, chẳng cầu được cùng người nâng ly rượu chuốc say, chỉ cầu nỗi trống vắng nơi khoang bụng này được lấp đầy".

Trẻ con ngày xưa có thể thích đọc câu "Ngưỡng thiên đại tiếu xuất môn khứ, ngã bối khởi thị bồng hao nhân" (Bài Từ biệt các con để vào kinh của Lý Bạch, bản dịch của Nguyễn Minh: Nhìn trời, ngẩng mặt mà cười lớn, há chẳng phiêu bồng trót dấn thân?), còn trẻ con sau này sẽ thích câu "Công thành danh toại, vinh hoa phú quý, cũng chẳng sánh bằng một phút giây ngắn ngủi tuyệt đẹp giấu trọn trong lòng ta" hơn cả.

Cả cái câu đơn giản như "Mẹ ơi mấy giờ rồi?" sau này sẽ thành "Nước mắt rơi, giọt mồ hôi của những mỏi mệt, bao giờ cuốn trôi, hỡi ôi giờ tự khi nào?". Câu "Tạm biệt cô" rồi sẽ thành "Dù cho cuối cùng cũng phải từ biệt, nhưng xin người đừng phụ sự gặp gỡ kia".

Bạn hỏi anh ta sao lại cười, anh ta sẽ trả lời: Cười chỉ là một vẻ mặt thôi, không liên quan gì đến vui vẻ cả.
Bạn hỏi anh ta sao lại khóc, anh ta đáp rằng: Chôn cất nhớ nhung, chỉ trách đôi mắt sáng trong này chẳng thể giấu trọn tâm tư.

Đây là cái quỷ gì vậy? Bạn nghe thử mấy lời này đi, có phải bạn đang muốn trao cho anh ta một nắm đấm hòng chấm dứt những bi thương? Có phải bạn đang muốn gửi cho anh ta một cú đá mang nét bạc bẽo hồng trần cùng chút lâng lâng men say giữa trời mưa bụi?

Thế nên mới nói: Không sợ du côn biết đánh đấm, chỉ sợ kẻ mù chữ có văn hoá.
Không có khiếu thẩm mỹ thì học bao nhiêu văn học đi nữa cũng chẳng lên tầm nổi đâu. Kẻ mù chữ không có khiếu thẩm mỹ cho dù có văn hoá đi nữa thì nên mù chỗ nào vẫn mù chỗ đấy thôi.

Những người có thể đặt tên sách kiểu này, tôn sùng những áng văn ngôn lù bóng bẩy kia nếu không phải kẻ mù chữ, thì cũng là kẻ mù thẩm mỹ.

Nói thật thì cả đời tôi kiên trì theo chủ nghĩa duy vật, nhưng nếu phải đối mặt với những áng văn ngôn lù phá hỏng danh tác thế kia thì tôi thà rằng chết sớm, đầu thai sớm cho rồi.

Thật đó, đừng làm mù mắt chúng tôi thêm nữa.

Nguồn: 王左中右
Dịch: Linh Lung Tháp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com