Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

• 5 •

Trời đã sáng hẳn khi cỗ xe rời khỏi cổng phủ Quốc Sư, bánh xe gỗ lim lăn đều trên nền đá xanh mướt rêu. Cảnh sắc hoàng thành dần trôi qua sau lớp rèm lụa màu khói nhạt: tường son rực rỡ, cột ngọc trắng ngà, từng gốc bách cổ vẫn còn vương tuyết cũ, tất thảy hiện ra như một bức họa thủy mặc đang bị ánh nắng buổi sớm chầm chậm rọi lên từng nét mực phai.

Bên trong xe, ánh sáng dịu qua lớp rèm mỏng, chiếu lên vạt áo xanh thẫm thêu vân hạc của y một tầng sáng nhạt như sương bạc đầu ngọn mai. Lý Tương Hách ngồi ngay ngắn. Tay đặt trên đầu gối, lưng không dựa vào vách xe.

Gió sớm thổi nhẹ qua khe rèm. Tiếng chuông bạc treo nơi đầu xe khẽ ngân, mỏng như tiếng thở dài trong gió. Y khẽ khép mi mắt, hơi nghiêng đầu như đang trầm tư, nhưng thực chất từng ý nghĩ đều đang chuyển động rất rõ trong lòng.

Ngoài xe, gió lướt qua mái ngói lưu ly, tiếng cành khô chạm nhau vang khẽ như tiếng binh khí va chạm từ xa xăm. Còn trong xe là một ý chí đang được mài giũa từng tấc, sắc bén như lưỡi kiếm chưa ra trận nhưng đã sẵn mùi máu lạnh.

Y muốn mình xuất hiện với khí độ không thể xem thường.

Y muốn từng lời giảng của mình sẽ được các hoàng tử ghi nhớ.

Và hơn hết y muốn chứng minh sự trọng dụng của Hoàng thượng là có lý. Rằng Lý Tương Hách của Lý gia, dù chỉ mới mười lăm tuổi, cũng có thể đứng giữa cung cấm mà không cúi đầu trước bất kỳ ai.

Cỗ xe dừng lại trước Tư Học Viện, tòa viện đồ sộ nằm chếch về hướng đông nam trong hoàng cung, nơi dành riêng cho các hoàng tử học tập từ thuở còn thơ.

Mái ngói cong cong phủ tuyết trắng. Tường gạch xanh đượm rêu thời gian. Cổng viện khép hờ như cánh cũ rồng đang ngủ, nhưng bên trong là một sân khấu mà mọi ánh nhìn trong triều đều hướng đến và hôm nay, người bước lên sân khấu ấy, là Lý Tương Hách.

Tiếng rèm xe khẽ lay.

Người thị vệ vén màn, một vầng sáng sớm tràn vào, vàng nhạt, chiếu xiên qua lớp sương mỏng, in bóng y lên nền tuyết chưa tan.

Lý Tương Hách không vội xuống. Y khẽ hít sâu một hơi, mùi gỗ xe, mùi gió sớm, mùi tuyết còn vương trên vạt áo. Tất cả như nhắc y nhớ rõ nơi này không phải lớp học, mà là chiến trường. Bước chân đầu tiên chạm xuống mặt đất, rất nhẹ, nhưng tiếng vang trong lòng y như tiếng trống trận dội vang trong sương.

---

Tư Học Viện, sáng tinh mơ.

Tuyết đọng thành từng lớp mỏng trên nền đá Thanh Vân, phản chiếu ánh sáng mờ của buổi sớm khiến mọi vật phủ một tầng sáng như khảm bạc. Hàng trúc hai bên viện khẽ lay động trong gió lạnh, âm thanh xào xạc như tiếng trang sách cũ được lật bởi bàn tay vô hình.

Trước bậc thềm đá dẫn vào chính đường, sáu vị hoàng tử đã có mặt. Hoặc đứng, hoặc tựa cột, hoặc ung dung ngồi dựa lan can. Không ai cất tiếng.

Chỉ có ánh mắt, lướt qua, soi xét, lạnh như gió phương bắc nhưng lấp lánh như lưỡi đao giấu trong tay áo gấm. Kiêu ngạo, nghi hoặc, chế giễu, thờ ơ… mỗi người một vẻ, như thể y là con mồi vừa bước vào giữa vòng vây.

Lý Tương Hách không né tránh cũng không cúi đầu. Y bước thẳng, thân áo xanh đậm theo gió tung nhẹ, vân hạc thêu bạc như bay qua mặt tuyết. Mỗi bước đi mang một nhịp trầm ổn, từng tiếng đế giày đạp lên đá vang như nhịp lặng trong một bản cầm âm cổ.

Chỉ một thoáng, thế cục liền đảo.

Người như mây trôi, nhưng ánh mắt đã đặt xuống bàn cờ.

Lý Tương Hách dừng lại nơi bậc đá dẫn vào Tư Học Viện. Y đứng đó, không cao lớn, không phô trương. Nhưng lưng thẳng như cung căng, ánh mắt quét qua như dòng nước lặng soi trời, vừa thong thả vừa không để sót bất kỳ ai.

Sáu vị hoàng tử. Sáu gương mặt, sáu kiểu khí chất. Kẻ ngạo mạn, người thờ ơ, người thầm dò xét. Nhưng tất cả đều như bị ánh mắt kia liếc qua một lượt, lặng lẽ đặt từng người vào đúng vị trí trên bàn cờ y đã định.

Không một lời chào. Không một cúi đầu. Chỉ có nụ cười rất nhạt nơi khóe môi. Nhạt đến mức tưởng như không có, nhưng lại đúng mực, đúng lễ, không một kẽ hở để bắt bẻ. Như thể người này từ khi sinh ra đã biết cách đứng cao hơn mà không cần cao giọng.

Y chắp tay, tay áo dài buông xuống theo một nhịp cực nhẹ, rồi trầm giọng nói, từng chữ rõ ràng như văn chương đã chép sẵn vào tấu thư:

“Chư vị điện hạ, an.”

“Từ hôm nay, vi thần phụng thánh chỉ, đảm nhiệm chức vị Thái phó. Có trách nhiệm chủ giảng học sự tại Tư Học Viện. Mong các vị điện hạ nhiều phần chiếu cố.”

Giọng nói không cao, không cứng. Nhưng âm tiết dứt khoát, ngữ điệu thong dong, mang theo khí thế của người từng đứng trong đại điện đối diện thiên tử mà vẫn không mất một phần trầm ổn.

Y nói xong. Toàn viện lặng như tờ. Không một lời hồi đáp. Không một tiếng chào lại. Chỉ có tiếng gió lướt qua hàng trúc, va vào song cửa, xào xạc như tiếng cười mỉa giấu dưới lòng tay áo. Vài vị hoàng tử liếc nhau, nhếch môi không giấu giếm. Có người ngáp dài. Có người khẽ cười. Cũng có người chỉ lặng lẽ nhìn y, không cười, cũng chẳng nói.

Lý Tương Hách không giận. Cũng không thất vọng. Y chỉ khẽ nghiêng đầu, như thể đang mỉm cười lần nữa. Nhưng sâu trong ánh mắt kia, đã có một tia sáng lạnh như gương mài.

Đại hoàng tử ngả người sau lưng ghế, bàn tay nhàn nhã xoay chiếc ngọc bội treo bên hông, giọng lười biếng mà mang rõ ý châm chọc:

“Nghe nói… tân Thái phó của chúng ta năm nay vừa tròn mười lăm?”

“Vậy là còn chưa quá mấy tuổi so với chúng ta.”

“Không biết lần này là đến giảng bài, hay đến nghe giảng?”

Một tiếng cười mơ hồ vang lên từ phía Tam hoàng tử, rồi lan sang vài vị khác như một làn sóng nhỏ. Có kẻ cụp mắt cười, có kẻ nhếch môi lộ ý khinh bạc. Cả đám hoàng tử, dù không ai nói thêm lời nào, nhưng sắc thái đều rõ ràng: Không ai muốn thật lòng nghênh tiếp vị “thầy trẻ” này.

Giữa làn cười, Lý Tương Hách không đổi sắc. Y không giận, cũng không né tránh. Chỉ hơi nghiêng đầu, ánh mắt vẫn tĩnh như mặt nước, thong thả đáp lại:

“Nếu là học, vi thần quả thực vẫn đang học, mỗi ngày đều học.”

“Còn nếu là dạy…”

“Thì mong các vị điện hạ đừng để bản thân thua một kẻ… vẫn còn đang học.”

Câu cuối cùng rơi xuống rất nhẹ, không hề mang ý công kích. Nhưng chính sự ung dung ấy lại khiến không khí trong phòng lặng đi một nhịp. Không phải lời sắc. Nhưng từng chữ đều sắc. Không phải đang đối đầu. Nhưng đã định ranh giới. Tựa như người bước vào từ gió sớm đầu xuân, tay áo vắt qua cửa ngọc, nhẹ nhàng nhưng không ai dám chắn đường.

Đại hoàng tử hơi nhướn mày, nụ cười trên môi tắt đi một phần. Hắn nhìn Lý Tương Hách, chậm rãi nói:

“Khẩu khí cũng không nhỏ.”

Lý Tương Hách vẫn mỉm cười, dáng đứng bất động như tùng xanh giữa tuyết.

“Nếu khẩu khí không đủ e là không đứng được ở đây.”

Ngay khoảnh khắc ấy, ánh mắt Lý Tương Hách khẽ lướt qua một góc phòng, dãy cuối cùng, nơi nắng sớm chưa kịp soi đến.

Một bóng người khoác áo lam, ngồi trầm mặc sau cùng, đầu hơi cúi, tóc đen buông lơi che nửa gương mặt.

Thất hoàng tử.

Tầm mắt y khựng lại. Ánh sáng buổi sớm len qua ô cửa sổ cao, lặng lẽ rọi nghiêng qua vai hắn. Nơi vạt áo lam khẽ nhăn, đúng chỗ hôm qua từng nhuộm máu dưới những roi mây.

Hắn ngồi rất yên. Tựa như đang lắng nghe. Tựa như không. Một vẻ hờ hững kín đáo. Không chống đối, nhưng cũng chẳng quy phục.

Mắt Lý Tương Hách khẽ động. Chỉ một thoáng. Như một làn sóng nhỏ chạm vào mặt hồ tưởng chừng phẳng lặng. Nhưng rất nhanh, y thu lại ánh nhìn. Đôi tay buông xuống bên vạt áo khẽ siết, rồi thả lỏng.

Y quay lại nhìn những ánh mắt trước mặt, ngạo nghễ, lạnh nhạt, chờ xem y trượt chân.

Không sao. Y đã chuẩn bị. Chỉ cần là sân học, y không sợ bất kỳ ai.

Lý Tương Hách bước về phía bàn chính, giọng trầm ổn vang lên giữa khung viện tĩnh mịch:

“Chúng ta bắt đầu buổi học đầu tiên.”

---

Không khí trong Tư học viện tựa mặt hồ phủ sương, phẳng lặng đến mức khiến người ta không dám thở mạnh. Gió đầu ngày lướt qua khe cửa gỗ cổ, khẽ lay ngọn đèn treo bằng giấy dầu, ánh sáng vàng nhạt đổ bóng mờ lên nền đá xanh lạnh giá.

Lý Tương Hách đứng trước án thư tử đàn, màu gỗ đậm như mực đã ngâm qua sầu. Bộ y phục xanh đậm thêu vân hạc bạc càng khiến bóng y hòa vào khoảng tĩnh lặng xung quanh, như một nét mực thanh đạm rơi xuống bức tranh thủy mặc chưa khô.

Tay áo thẳng, tay kia nhẹ chạm mép sách. Trước mặt y, xếp ngay ngắn là bộ Tứ Thư Ngũ Kinh chép tay trên giấy Tuyên Thành, nét bút đen sẫm mượt mà như mực sống. Đây đều là bản quý do nội các cung ban riêng, dành cho học đường hoàng thất.

Nhưng y không mở sách. Không bắt đầu bằng bài giảng. Cũng chẳng dùng lời răn dạy. Chỉ đứng đó, giọng trầm mà không nặng, thanh nhưng không nhọn như tiếng chuông đá rơi vào làn nước tĩnh:

“Trong Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công, có chép rằng — ‘Quân tử bất khí’.”

Một thoáng ngưng. Gió ngoài viện khẽ thổi, cuốn theo tiếng lá mai khô rơi xuống bậc đá. Rồi y hỏi:

“Vậy… các vị điện hạ cho rằng, một người quân tử nên là thế nào?”

Câu hỏi nhẹ như gió. Nhưng lại rơi xuống giữa học viện như đá ném vào mặt hồ. Lời vừa dứt, không ai trả lời.

Dãy bàn gỗ phía trước, từng vị hoàng tử ngồi ngay ngắn trong triều phục, tay đặt trên đầu gối, ánh mắt, hoặc cúi đầu làm ra vẻ đang suy nghĩ, hoặc mỉm cười nhạt mang vẻ chế giễu kín đáo. Một vài người liếc nhìn nhau, rõ ràng đang đợi xem "thầy trẻ" định giở trò gì tiếp theo.

Còn Trịnh Chí Huân, vẫn ngồi nơi cuối lớp, ngẩng đầu nhìn y một thoáng ánh mắt sâu như nước giếng cũ, nhưng khó đoán nổi đang nghĩ gì.

Lý Tương Hách không hối thúc. Cũng không lặp lại. Y chỉ đứng yên, bình thản đối mặt với sự im lặng ấy như thể y đã quen sống giữa những khoảng lặng đầy gai, và đã học được cách biến nó thành thanh thế.

Đại hoàng tử khẽ nhướng mày, khóe môi nhếch lên thành một nét cười không rõ là nhàn nhạt hay khinh thường. Giọng y vang lên chậm rãi, hờ hững như thể đang đáp lại một trò hỏi han trong yến tiệc chứ không phải buổi học triều quy:

“Quân tử nên biết thuận thời, giữ danh, trọng thể diện.”

“Giống như biết khi nào nên tiến, khi nào nên lùi. Khi nào nên thắng, và khi nào.. nên đứng sau người khác.”

Câu nói kết lại bằng một cái liếc nửa ánh mắt, vừa đủ để những người có mặt trong phòng hiểu rằng lời ấy không chỉ là luận đạo mà là một cú quăng đá giấu tay.

Lý Tương Hách không phản bác. Y chỉ khẽ “ừm” một tiếng. Thanh âm ấy nhẹ như gió, mỏng như sương, không khen, cũng không chê. Nhưng lại đủ để người nói cảm thấy như chém vào nước, không thấy phản lực, càng thêm hụt hẫng.

Rồi y quay ánh nhìn về phía vị Nhị hoàng tử, tiếp đến là Tam hoàng tử, rồi Tứ hoàng tử…

Mỗi người đều cất lời, có người làm ra vẻ thâm trầm, có kẻ cố ra vẻ vượt chúng sinh.

Người thì nói: “Quân tử không tranh, thiên hạ tự kính.”

Kẻ khác lại ngả người ra sau, lười nhác nói: “Quân tử là người biết tiến lui có độ, giữ mình giữa dòng thời cuộc.”

Có điện hạ thì ngẩng đầu kiêu căng, ánh mắt mang vẻ “lời ta nói là đạo lý”, nhưng chẳng ai đi thẳng vào cốt lõi. Tất cả chỉ như lượn quanh một câu vỏ ngoài, diễn giải những điều họ cho là đẹp, nhưng lại chẳng hề chạm vào bản tâm.

Không khí học đường dần giống một bức bình phong được trang trí bằng danh từ, danh vọng, danh tiếng. Nhiều hơn là học. Ít hơn là hiểu.

Lý Tương Hách vẫn đứng yên. Ánh mắt y không rời khỏi từng người một. Không phải để dò xét, mà là đang nhìn thẳng vào điều mà ai cũng đang cố tránh né: Chân lý không nằm ở hình thức. Cũng không nằm trong những lời dễ nghe.

Chỉ đến khi ánh mắt Lý Tương Hách chạm đến bàn cuối cùng, nơi Trịnh Chí Huân vẫn ngồi lặng, như một vết mực sót lại sau cùng trong trang sách sạch sẽ  y mới khựng lại.

Y không gọi tên hắn. Chỉ nghiêng đầu, nhẹ nhàng hỏi:

“Vậy… thất điện hạ nghĩ sao?”

Giọng y không lớn. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, cả tư học viện lặng như tờ.

Một vài tiếng hít sâu vang lên như phản xạ. Đại hoàng tử bất giác ngồi thẳng người, ánh mắt sẫm xuống một độ. Nhị hoàng tử quay sang nhìn, nửa nghi hoặc, nửa bất mãn. Tam hoàng tử cắn nhẹ môi dưới, còn Tứ hoàng tử thì ngừng hẳn gõ tay lên mặt bàn.

Kẻ chưa bao giờ được nhắc đến. Kẻ mấy hôm trước còn bị đánh đến suýt không gượng dậy nổi. Kẻ không tên, không thế, không chỗ dựa. Kẻ như cái bóng lạc giữa ánh hào quang vương tộc. Vậy mà hôm nay, tên hắn được đưa ra. Không phải để chế giễu, mà là để hỏi.

Một lời mời ngang hàng.

Trịnh Chí Huân vẫn không ngẩng đầu ngay. Ngón tay hắn khẽ xoay nhẹ cán bút lông, gió sớm ngoài hiên thổi lay vài sợi tóc đen rũ trước trán. Tựa như hắn đã biết trước chỉ cần mình cất lời, sẽ có một điều gì đó rạn vỡ trong lớp vỏ tĩnh lặng này.

Một giây.

Hai giây.

Đến giây thứ ba, hắn mới ngẩng mặt.

Trịnh Chí Huân từ tốn đứng dậy. Chiếc áo lam mỏng buông lơi theo gió sớm, sắc da trắng tái nổi bật dưới ánh sáng lờ nhờ của buổi sớm đầu đông, tưởng như có thể tan ra bất cứ lúc nào trong sương lạnh. Hắn không kiêu ngạo, cũng không bi thương, chỉ bình tĩnh như mặt hồ đóng băng sau một mùa đông dài.

Giọng nói khàn, hơi đứt quãng, nhưng rõ từng chữ như từng mảnh sắt ghép lại từ thương tích:

“Quân tử là người, dẫu không ai nhìn thấy vẫn giữ thẳng lưng mà sống.”

“Không vì bị ghét mà giận. Không vì bị khinh mà gục. Không vì bị lãng quên mà tự lãng quên chính mình.”

Hắn nói xong, không cúi đầu. Cũng không chờ ai phản hồi. Chỉ đứng đó, gầy gò, đơn độc, nhưng vững như đá câm giữa triều gió.

Không một tiếng cười vang lên. Không ai mỉa mai. Bởi lời hắn nói ra không còn là đối đáp.

Mà là một vết dao rạch vào từng mặt nạ đang đeo trong căn học viện lạnh lẽo này.

Chỉ có Lý Tương Hách đứng trước án thư, ánh mắt khẽ thắt lại. Không kinh ngạc. Không cảm khái. Chỉ là một thoáng xao động như một lằn gió nhẹ luồn vào tầng áo y đã giữ phẳng suốt buổi sáng.

“Ngồi đi.”

Y chỉ nói thế. Nhẹ như gió thoảng. Nhưng không phải ra lệnh. Mà là một cái nhìn chấp nhận.

---

Buổi học đầu tiên chỉ kéo dài chưa đầy hai canh giờ.

Thế nhưng, khi tiếng chuông đồng nơi hiên viện ngân lên một hồi trầm nặng báo hiệu kết thúc, trong lòng mỗi vị hoàng tử hiện diện đều âm thầm dâng lên một cảm giác khó tả. Giống như vừa trải qua một cuộc tỉ thí không lời, mà vẫn khiến tâm trí đầm đìa mồ hôi.

Lý Tương Hách đứng suốt buổi không thay đổi vị trí, cũng chưa từng lớn giọng. Y không giảng nhiều. Không trách mắng. Không đem quyền uy ra thị oai.

Chỉ cầm một quyển “Luận Ngữ” mỏng, tay áo gọn ghẽ buông xuống, từng ngón tay thon dài lật trang sách bằng một vẻ ung dung gần như lãnh đạm.

Nhưng chính trong sự ung dung ấy là một loại áp lực vô hình, ép người ta không thể lơ là.

Y không lên lớp như một quan học bình thường. Y cũng không giảng giải như một tiên sinh ôn nhu. Y chỉ chọn đúng những đoạn khó nhất trong kinh sử, hỏi đúng những chỗ người ta dễ bỏ qua. Mỗi một câu, ngắn gọn như lưỡi dao được mài từ trong thư thất đêm trường.

Và khi những câu hỏi ấy được ném ra. Không ai bị ép phải đáp. Nhưng cũng không ai tránh được. Bởi Lý Tương Hách không hỏi để nghe trả lời. Y hỏi để mỗi người tự nhìn vào chính mình.

Nhị hoàng tử, vốn nổi danh văn tài, đôi mắt luôn mang vẻ kiêu ngạo bất phục. Bị y vạch thẳng hai lỗi dùng từ sai nghĩa trong “Thượng thư”, khiến sắc mặt lúc đỏ lúc trắng, tay nắm bút siết chặt.

Tứ hoàng tử, người vốn ẩn mình, giỏi tránh né, tưởng sẽ trốn được dưới cái bóng im lặng. Lại bị Lý Tương Hách chỉ đúng một câu:

“Quân tử giấu mình để giữ đạo, không phải giấu mình để lẩn tránh.”

Chỉ một câu, khiến hắn lần đầu tiên trong suốt buổi học ngẩng đầu nhìn thẳng vào người đang đứng trước án thư.

Ngay cả Đại hoàng tử — kẻ vốn luôn khinh thường cái gọi là “đạo học” — cũng dần thu lại nụ cười nhạo báng, ánh mắt nhìn vị thái phó trẻ. Không còn đơn thuần là đối thủ văn chương, mà bắt đầu mang theo một chút dè chừng thật sự.

Trịnh Chí Huân vẫn không nói một lời. Suốt cả buổi học, hắn chẳng hề cất giọng thêm lần nào. Nhưng mỗi lần Lý Tương Hách đặt ra một câu hỏi dù là kinh thư hay chính luận, dù là ẩn dụ hay trực ngôn hắn đều là người đầu tiên mở sách.

Cuối buổi, Lý Tương Hách khẽ gập sách lại. Âm thanh mảnh như một lời tuyên bố dứt khoát, không bàn cãi. Giọng y vẫn thanh đạm, không cao, không thấp, không mang lấy một chút uy quyền. Nhưng trong từng chữ lại như có một trọng lượng khó lường, khiến cả học đường đồng loạt ngẩng lên:

“Kinh sử, không chỉ là lời dạy. Văn chương, không chỉ là bút mực. Người có thể học ra trí, hiểu ra tâm, nhìn ra người mới là người biết học.”

Y đứng dậy. Vạt áo xanh đậm khẽ lướt qua mép án thư, như một làn gió chạm nhẹ mặt nước, tĩnh đến mức khiến người khác bất giác nín thở.

“Hôm nay đến đây.”

“Ngày mai, mong các vị điện hạ hãy tự chuẩn bị bài Luận Ngữ thiên Tử Lộ.”

Không lớn giọng. Nhưng mỗi một âm tiết rơi xuống như ấn khắc vào nền đá. Y quay người bước ra. Trên hành lang đá xanh phủ sương, từng bước vững như cột trụ.

Không một ai dám cười sau lưng. Không ai dám xì xào bàn tán như khi y mới bước vào. Chỉ có tiếng lá rơi từ cây bạch quả già cuối viện, xào xạc quét qua mái ngói rêu phong. Như vừa đánh dấu một cột mốc.

Một sự hiện diện... không thể xem nhẹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com