Chapter Twenty - Hồi hai mươi: Đêm yên bình
Tại pháo đài Douaumont, thiếu tá Almstedt đang chờ trong phòng liên lạc, đợi chuẩn tướng de Beaudelaire về như thường lệ. Từ xa, có tiếng vó ngựa trên tuyết vọng về, thế là biết ai đã đến rồi đấy. Bác sĩ Watson đứng cạnh thiếu tá, gật đầu.
- Có vẻ như chị ta mang quà về đấy.
Bác sĩ Watson nói, mà cũng đúng thật. Thiếu tá Almstedt trở lại chỗ quen thuộc trên nóc pháo đài, chuẩn tướng de Beaudelaire cũng lên theo, tay ôm một mớ quà.
- Giữa chiến trường mà cậu cũng gom được những thứ ấy à?
- Có sao đâu, thế cho đỡ buồn tẻ. Hồi Giáng sinh 1914 hai phe còn có trò ném sôcôla và chơi bóng cùng nhau nữa kia.
Nói rồi chuẩn tướng rút từ mớ quà trên tay ra chiếc khăn len xanh ngọc mà đại tá Heartfilique tặng.
- Cái này...
- Trung tá, à không, Đại tá gửi cậu đấy, kèm theo lời chúc Giáng sinh an lành. - Chuẩn tướng de Beaudelaire đáp.
- Đại tá à... - Thiếu tá Almstedt cười - ... Không biết đến khi nào tôi mới gọi cậu là Thiếu tướng được nhỉ?
- Cậu có thể gọi tôi là Françoise đệ Thất... - Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười đáp lại - ... nhưng Thiếu tướng thì không đâu. Tôi ưa bộ quân phục màu xanh với cái quân hàm chuẩn tướng này hơn.
- So với một chuẩn tướng như cậu thì trên bộ quân phục đó có vẻ thiếu vài cái huân chương đấy. Chẳng lẽ hai năm qua cậu chỉ đeo mỗi chiếc Thập tự đó?
- Chẳng cần đâu. Tôi chỉ muốn để dành chỗ cho chiếc Bắc đẩu Bội tinh sắp tới. - Chuẩn tướng de Beaudelaire cười, lấy ra một hộp kẹo bạc hà cứng - Cái này của ngài de Castelnau gửi cậu, đơn thuần chỉ là quà Giáng sinh thôi, chẳng vì cái gì cả đâu.
Thiếu tá Almstedt đưa tay nhận hộp kẹo.
- Còn cậu thì có gì?
Chuẩn tướng de Beaudelaire lại lấy ra một hộp sôcôla.
- Sôcôla Bỉ từ ông anh họ đại tá quý hoá của tôi hiện tại đang đóng quân ở Ypres. Chẳng hiểu nổi tại sao đang đánh nhau mà anh ta vẫn tìm được thứ này... Claramenthe cũng được gửi cho một lọ mứt quả. Ngài Nivelle thì gửi cho Trung tá Lumina thân mến của chúng ta cái lệnh thăng hàm...
- Tôi cứ tưởng ngài Nivelle ghét chúng ta chứ, hoá ra lại lệnh thăng hàm cho Trung tá đấy hả?
- Cũng chẳng ghét đến nỗi. Tôi phải đến Paris trước để nhận thư, và suýt nữa bị trung đoàn vệ binh bắn... Gặp anh chàng cận thị nhầm tôi với lính Đức, thiếu chút nữa là tôi hết đường về.
Thiếu tá Almstedt cười, khoát tay đáp:
- Bỏ qua đi. "Bất tử" như cậu chấp gì thứ ấy! Chẳng phải đỡ tận bốn phát đạn mà cậu vẫn còn sống đấy!
- Đúng hơn là cả ổ đạn sáu phát. Hai phát ghim vào phổi, một phát kẹt trong tĩnh mạch chủ, một phát làm nứt xương cánh tay trái, một phát sượt qua đầu tôi và một phát trượt. Kể ra thì tôi vẫn còn may mắn lắm.
- Nghe có vẻ khó tin thật... - Thiếu tá Almstedt vừa ôm hộp kẹo vừa quay đi - ... cái danh "bất tử" của cậu có vẻ như không chỉ đơn thuần là lời đồn đại.
Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười.
- Ai cũng chết một lần, ai rồi cũng phải sang thế giới bên kia. Tôi thì có điều là sang rồi lại về thôi, vì thế nên họ mới bảo rằng tôi "bất tử".
- Hồi pháo đài Vaux thất thủ, tôi cứ tưởng mình sẽ chết lúc trúng đạn bên hông vì máu chảy quá nhiều. Hoá ra còn có cậu à...? - Thiếu tá vừa nói trong khi bước xuống boongke.
- Tôi cũng chẳng tin được, là tôi lại sống sót những thời khắc thập tử nhất sinh mà đáng ra tôi phải chết. Có vẻ như Thần Chết còn chưa muốn để tôi đi...
- Cũng phải thôi, chẳng ai muốn cậu đi. Nếu cậu chết, thì quân Hiệp ước sẽ như thế nào?
- Nếu tôi chết, thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bởi vì, phe Hiệp ước còn có những tư lệnh như cậu, như ngài Émile Driant, như ngài Sylvain Raynal, như Trung tá, à, Đại tá Lumina của chúng ta; có những người tôi tin tưởng...
Thiếu tá Almstedt đột nhiên dừng lại.
- Thế tôi có tin được cậu cho bữa tối Giáng sinh này không? Quân lê dương Hoa Kỳ gửi chúng ta vài con gà tây, mà bếp lại thiếu người.
Chuẩn tướng de Beaudelaire cười nhạt. Có tiếng của bác sĩ Watson từ đâu đó vọng đến:
- Thiếu tá à, Thiếu tá sẽ không muốn có mặt Chuẩn tướng trong bếp đâu. Tin em đi!
- Vì sao? - Thiếu tá Almstedt hỏi.
- Nếu Thiếu tá phải sống cùng nhà với một công tước tiểu thư không biết gì về nữ công suốt mười năm trời thì em dám bảo rằng Thiếu tá sẽ không bao giờ muốn chị ta ở trong bếp đâu!
- Này, chẳng lẽ tôi luôn vô dụng suốt năm mươi năm qua á?
- Chị chỉ vô dụng khi ở trong bếp thôi, Sherly-gì-cũng-biết ạ! Kinh nghiệm lâu năm của em bảo nên để chị tránh xa cái bếp ra, không thì...
Chuẩn tướng de Beaudelaire chỉ cười cười rồi đáp:
- Biết rồi biết rồi. Chỉ cần tôi đứng đây đến tối là được chứ gì?
- Sao chị không về Reims? Hôm nay là Giáng sinh mà.
- Em nghĩ rằng sẽ có một buổi họp mặt gia đình trong lâu đài de Beaudelaire lúc này à? Tôi là công tước cuối cùng và có vẻ cũng là người nhà de Beaudelaire cuối cùng còn ở Pháp.
Nói rồi cả hai vị tư lệnh cùng bước xuống. Thiếu tá Almstedt đang cùng đi với chuẩn tướng trên hành lang thì bất chợt hỏi:
- Cậu không về thật à?
- Chẳng phải tôi đã nói rồi sao? Có còn ai ngoài tôi và những người giúp việc trong toà lâu đài rộng lớn đó! Vậy tôi về làm gì chứ? Tôi chán cứ phải uống rượu một mình lắm rồi!
Thiếu tá Almstedt đành phải dừng lại. Rõ là chuẩn tướng không hề muốn nhắc đến việc "về nhà", dù đời quân nhân chỉ có một ước muốn là được về nhà. Và thật sự lúc này đây, thiếu tá Almstedt đang nhớ lắm ngôi nhà nhỏ bình yên có vườn nho bên cạnh ở Champagne của mình.
- À... Chuẩn tướng này, cái gì đưa cậu đến với quân đoàn kỵ binh thế?
- Thế cái gì đã đưa cậu đến với không quân?
- Tôi... cũng chẳng nhớ. Nhưng ngày xưa tôi có ước được thành thiên thần ban phước lành cho thế gian...
- Tôi hiểu. Giờ thì cả châu Âu đều biết "thiên thần Douaumont" là ai rồi. - Chuẩn tướng de Beaudelaire đùa - Dù trong tình cảnh không mấy tốt lành như bây giờ. Và, Thiếu tá à, có vẻ như tôi thấy một thiên thần sẽ đến và ban phước lành cho xứ Alsace và Lorraine...
- Ba người chứ. Còn cậu, còn Trung tá, à không, Đại tá Lumina... Ba thiên thần xứ Pháp, như họ vẫn gọi chúng ta...
- Tôi không dám. - Chuẩn tướng mỉm cười - Vả lại, tôi chỉ cầm trường kiếm ngồi trên ngựa, làm sao lại gọi là "thiên thần"? Tôi thì vẫn ưa được gọi là "nữ thần công lý".
- Cũng phải, nhỉ? - Thiếu tá Almstedt cười.
- Và tôi cũng thấy ưa cái tên "hoa hồng đen Aryan" rồi. Dù nghe mỉa mai thật đấy, cả tôi lẫn Claramenthe "hoa hồng trắng Aryan" đều chẳng phải thuần chủng Aryan, và cũng chẳng thể nào phủ nhận chúng tôi có huyết thống dòng Germann.
Chuẩn tướng de Beaudelaire sau đó ngồi mãi trong phòng liên lạc, yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ. Đến tận lúc hoàng hôn, đột nhiên có một người nào đó, có vẻ như là người của chính phủ, đến pháo đài Douaumont để hỏi thăm về "nữ công tước Françoise de Beaudelaire". Các anh lính gác hỏi: "Ngài là ai?", thì nhận được câu trả lời:
- Nghị sĩ Montgomery de Beaudelaire, đồng thời là cộng sự của ngài de Castelnau trong Bộ Tổng Tham mưu.
Ngài nghị sĩ cho đòi được gặp tư lệnh cao nhất ở pháo đài, và được đưa đến phòng liên lạc. Họ gặp nhau, trong cái giây phút đó. Chuẩn tướng de Beaudelaire và ngài nghị sĩ đều mỉm cười và gật đầu như thể đã quen nhau từ buổi nào. Còn nghi ngờ gì nữa, họ là người cùng dòng họ. Nghị sĩ Montgomery de Beaudelaire chẳng phải anh họ của chuẩn tướng Annatoire de Beaudelaire đấy sao?
- Monty, có muốn cũng chẳng ngờ được.
- Người chẳng ngờ phải là cô em đệ Thất của ta đây chứ. Ai nghĩ đến chuyện Françoise bé nhỏ ngày nào lại lên hàng tướng?
- Lại nói đến Hortense đệ Tam, đóa hồng cảnh vệ. Thôi nào, có mấy khi ta gặp nhau đâu, Monty, định gom góp mấy cô em họ còn sót lại để cùng nhau về Reims cho buổi tối Giáng sinh đấy hả?
- Có Henrietta, Thimothé, cặp song sinh Catherine và Christine, hai chàng ngự lâm Paul và Henri, chỉ còn thiếu hai, à không, ba người.
- Không ngờ lại đông đủ thế, Monty. Có vẻ như là không từ chối được rồi.
- Ta đã định trước việc cô em đệ Thất đây sẽ từ chối, vì không muốn rời lữ đoàn kỵ binh số 15, mà thế này thì...
Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười.
- Người ta bảo là tướng thì không được bỏ rơi lính, nhưng là quân nhân thì gia đình là tất cả... Đi không được, ở chẳng đành, thôi thì đằng nào cũng phải chào mọi người một tiếng mới đi chứ, Monty.
Bất chợt, các anh kỵ binh dường như đã biết trước, họ kéo đến phòng liên lạc và một anh đứng đầu đại diện tất cả lên tiếng:
- Là quân nhân thì gia đình trên hết, Giáng sinh này... thôi thì đành vắng Chuẩn tướng. Chúng tôi ở lại, bữa tối này có các anh em đã vui, Madame cứ về nhà...
Chuẩn tướng de Beaudelaire khoát tay định từ chối.
- Còn các cậu, đêm nay là Giáng sinh mà lại không thể về nhà...
Các anh ngăn lại mà thuyết phục.
- Các anh em đây đã là gia đình của chúng tôi rồi. Còn ở nhà, dù vắng nhưng họ vẫn thông cảm, vì đằng nào thì một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ về.
Chợt, từ trong đám đông, thiếu tá Almstedt bước ra, trên tay cầm nhành tầm gửi.
- Evalina, không phải cậu đang với Helen... - Chuẩn tướng de Beaudelaire ngạc nhiên.
- Đến chào tạm biệt cậu một tiếng, không được sao? - Thiếu tá Almstedt cười nhẹ - Giáng sinh an lành, Chuẩn tướng.
Thiếu tá Almstedt đưa ra nhành tầm gửi và chuẩn tướng mỉm cười nhận lấy, cắm lên mũ của mình.
- Cám ơn mọi người...
- Cậu đang lo gì đấy Chuẩn tướng. Chẳng phải cậu đi rồi lại về hay sao? Màu đỏ tầm gửi có vẻ hợp với màu mũ xanh của cậu.
Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười.
- Tầm gửi đỏ rất đẹp trên màu mũ xanh kỵ binh, nhưng có vẻ như từ khi lên hàm chuẩn tướng, cái danh tôi đã gắn liền với màu mũ phớt đen trinh sát rồi. Đó là vì sao tôi được Bộ Tổng chỉ huy Đức nhắc đến với cái tên quen thuộc đó, "đoá hồng đen Aryan".
Ngài nghị sĩ đứng bên chứng kiến tất cả cũng gật đầu bảo:
- Có vẻ như ta nên rời khỏi điện Versailles và đi làm Tham mưu. Có một tư lệnh như Frankie bé nhỏ, lữ đoàn kỵ binh số 15 có phúc thật.
- Giờ là sư đoàn 7 kỵ binh. Và làm ơn đừng gọi là "Frankie bé nhỏ" trước mặt họ được chứ, Montgomery? - Chuẩn tướng de Beaudelaire gắt - Vả lại, theo như thế này thì có vẻ ông anh họ nghị sĩ lại "đi nhờ" kỵ binh trinh sát...
- Không đến nỗi. Lần này là đi nhờ xe cứu thương của quân y. Cũng tiện là họ cũng trên đường về Reims, và đang ở ngoài chờ. Có vẻ như phải về trước rồi, dù sao thì... cũng nên gọi Paul và Henri "đệ nhị" về cùng, Catherine và cả Christine đều đang chờ.
- Về trước kẻo đội quân y lại mất bình tĩnh. Kỵ binh thì mấy khi trễ, đảm bảo cả tướng lẫn lính sẽ có mặt tại phòng ăn lớn trước bảy giờ. - Chuẩn tướng de Beaudelaire nói, giọng có vẻ chắc chắn.
Lúc sau, chỉ còn mỗi chuẩn tướng de Beaudelaire và thiếu tá Almstedt cùng hai anh Paul và Henri được thừa lệnh gọi đến ở lại trong căn phòng liên lạc bé nhỏ. Ngọn nến thắp bên tấm bản đồ quân sự nhoà dần trong gió đông. Ngoài cửa sổ kia là cơn mưa tuyết vẫn đang rơi dày. Xa phía chân mây còn chút ánh nắng hoàng hôn hắt lên nền trời xanh thẫm, giống như cành tầm gửi đỏ giắt trên chiếc mũ xanh của vị tư lệnh kỵ binh đang ngước nhìn tuyết rơi bên cửa sổ phòng liên lạc.
- Không biết tại sao, nhưng so với những đêm Giáng sinh trước đây, tôi lại thấy những đêm Giáng sinh giữa chiến trường thật quý hơn...
- Đâu phải chỉ mình cậu cảm thấy thế, Chuẩn tướng, tôi cũng vậy thôi. Ở đây có các anh em, chẳng phải vui hơn sao?
- Đúng vậy... Nếu như tôi có thể ở lại và ăn tối cùng các anh em, nhưng ở Reims họ đang chờ.
Chuẩn tướng nói, vừa quay đi toan rời phòng liên lạc, hai anh Paul và Henri cũng xoay người định đi khỏi, thì chợt thiếu tá Almstedt chặn lại.
- Đi rồi lại về nhé, mọi người luôn chờ cậu.
- Cậu sợ tôi đi luôn chắc? Sáng mai tôi về, vậy nhé! - Chuẩn tướng de Beaudelaire cười, đáp.
- Nghe bác sĩ Helen kể, cậu về đúng lúc đã hứa thì mới là chuyện lạ.
- Nói vậy thì chắc tôi cũng phải đắc tội với họ nhiều lắm rồi... Đến nỗi khi tôi về họ còn bảo tưởng tôi đã chết. Mà tôi cũng nói, là tôi nếu có chết thật thì vẫn còn thanh tra Claramenthe với Harriette, hai nhân vật trọng yếu còn lại của phòng chuyên án mà...
Thiếu tá Almstedt cười, đến đứng bên cửa sổ.
- Ngày đó là thế thôi, còn bây giờ cậu là tư lệnh, như ngài de Castelnau nói, "con bài chủ" của phe Hiệp ước. Tôi với Đại tá thì được xem như "nước cờ bí mật". Và, nếu không có cậu, thì chiến trường chỉ là vô nghĩa. Thử hỏi rằng trên khắp các chiến tuyến, tìm đâu ra một vị chuẩn tướng như cậu, hả "hoa hồng đen Aryan"?
- Với tôi, chiến trường vô nghĩa khi ở đó chỉ có mình tôi. Mất đi đồng đội thì dù chiến tranh vì chính nghĩa đi thì cũng chẳng có nghĩa lý gì nữa cả.
Khi trong phòng liên lạc chỉ còn bóng dáng vị thiếu tá không quân, ngọn đèn bên tấm bản đồ quân sự cũng le lói chỉ chực vụt tắt. Thiếu tá Almstedt đến ngồi xuống chiếc ghế cạnh máy điện tín, yên lặng hồi lâu như muốn chờ đợi điều gì đó. Bất chợt có tiếng tin điện đến. Thiếu tá định gọi Alexandre Métral vào giải mã, nhưng lại chợt nhớ ra anh ta nào có ở Douaumont, nhớ lại thì có lẽ cũng đã bị bắt cùng với ngài Sylvain Raynal mất rồi. Không còn cách nào nữa, thiếu tá đành vội mở cuốn mã trên bàn và vừa dò vừa giải.
- Thôi nào, gõ chậm lại đi chứ...!
Cái máy điện tín vẫn kêu đều đặn từng hồi như bản nhạc:
- Te-te tít tít-te-tít tít-te-tít te-tít-te-te ... Te-tít-te-tít tít-tít-tít-tít tít-te-tít tít-tít tít-tít-tít te te-te tít-te tít-tít-tít ...
Vị thiếu tá không quân chưa một lần dùng máy điện tín nay lại phải thay tình báo giải mã một tay vừa lật giở cuốn mã vừa chép lại tin. Điều này, quả thật, khó có thể tả.
- Lạy Chúa, con chưa từng làm tình báo, tại sao lúc không có ai trừ con trong phòng liên lạc lại có tin gửi đến? - Thiếu tá Almstedt vừa độc thoại trong lúc cố giải mã - Giáng sinh... an lành... Từ... Reims... Cái gì đây? "Giáng sinh an lành, Thiếu tá và các anh em. Từ Reims"?
Vừa giải xong bức điện đầu tiên của cuộc đời, thiếu tá mỉm cười lắc đầu, thầm nghĩ có vẻ mình nên xin đổi sang đội tình báo. Người gửi bức tin đó có ai khác hơn chuẩn tướng de Beaudelaire, như thiếu tá đã đoán? Đúng vậy. Trên góc bàn vẫn còn để lại chiếc đồng hồ bạc của chuẩn tướng de Beaudelaire, lúc đấy kim đã điểm bảy giờ. Bác sĩ Watson đã đứng trước cửa phòng liên lạc từ lúc nào, nhưng vẫn im lặng không nói gì. Thấy thiếu tá quay lại nhìn, bác sĩ Watson bảo:
- Các anh em đang chờ Thiếu tá... À mà Sherly vừa gửi tin đấy à?
- Sao bác sĩ biết?
- Hồi là đại uý tình báo, Sherly thường túc trực bên máy điện tín dưới boongke liên lạc và thi thoảng gửi những tin như vậy kèm theo tin tình báo... và cả những tin có tính quan trọng.
Bác sĩ Watson nói vừa rút trong túi ra một tờ tin mà thiếu tá nhận ra đó là tin báo tử của chuẩn tướng de Beaudelaire. Thiếu tá nhớ lại mình đã không thể đứng vững khi mà tư lệnh Heartfilique vẫn biệt tăm và hay tin chuẩn tướng de Beaudelaire tử trận. Bác sĩ Watson chỉ vào góc dưới bên trái của tờ tin báo tử, có những dấu chấm và dấu gạch liên tiếp nhau. Thiếu tá nhận ra đó là mã Morse dùng trong điện tín. Vừa lật cuốn mã vừa nhìn vào dòng mật mã trên tờ tin báo tử, thiếu tá chợt ngạc nhiên vì đã không để ý. Dòng mật mã đó là của chuẩn tướng viết để ngầm báo cho thiếu tá Almstedt và các anh em ở Verdun rằng: "Tôi còn sống".
- Sherly cũng đã liệu trước mọi người sẽ không để mắt đến dòng tin đó, cho nên Sherly đã xin được ngài de Castelnau cho về Verdun trước Giáng sinh, và... sau đó là như Thiếu tá thấy rồi đấy.
Thiếu tá Almstedt, với vẻ mặt ngạc nhiên, quay sang hỏi bất chợt:
- À mà khoan, Chuẩn tướng khi đó đang là tình báo Anh, thể nào ngài Haig lại không có quyền?
- Ngài Haig đã thỏa thuận đặt Sherline dưới quyền ngài de Castelnau, vì sau cùng thì chị ta cũng là tướng Pháp... - Bác sĩ Watson đáp - Thiếu tá không đến ăn tối cùng các anh em à? Họ đang chờ mỗi Thiếu tá...
Thiếu tá Almstedt gật đầu.
- Rồi, bảo họ tôi đến ngay.
Một chốc sau, tại phòng ăn ở pháo đài, đã có một bữa tối Giáng sinh của lính kỵ binh và không quân Pháp. Nói chung thì... cũng như mọi bữa tối, có điều vui hơn.
- Thiếu tá giờ là tư lệnh cao nhất ở đây, Thiếu tá có gì muốn bảo các anh em không? - Thượng sĩ Moutin nói với thiếu tá Almstedt.
- À... - Thiếu tá ngập ngừng giây lát rồi đứng lên khỏi chỗ ngồi - ... Chuẩn tướng vừa gửi tin điện, bảo tôi gửi lời chúc Giáng sinh an lành cho các anh kỵ binh... rồi còn dặn sáng mai Chuẩn tướng về.
- Ôi nào, là tư lệnh cả mấy trung đoàn đây mà Chuẩn tướng cứ đi biệt thôi, có mấy khi ở cùng đơn vị đâu. Giáng sinh năm trước Chuẩn tướng cũng trốn bữa tối...
Một anh thượng sĩ cũng đứng lên nói. Mà cũng đúng là dù thương lính thật, nhưng chuẩn tướng de Beaudelaire chưa bao giờ có mặt trong những bữa tối Giáng sinh của các anh. Điều này có vẻ như bác sĩ Watson là hiểu hơn cả.
- Ngày xưa cũng vậy, bây giờ vẫn thế. Nhưng mà...
Bác sĩ Watson, ngồi trong góc, lẩm bẩm một mình, nhìn ra ngoài rồi nhìn một lượt các anh.
- Còn các cậu, tôi không biết lúc trước các cậu thế nào, nhưng ở đây lúc này, các cậu như anh em một nhà vậy. Chà... ước gì tôi có anh em... chị em cũng được...
Chợt có giọng thiếu tá Almstedt làm cắt ngang dòng suy nghĩ ngắn ngủi của bác sĩ Watson. Mùi rượu táo trong chiếc cốc làm bác sĩ nhớ những cái Giáng sinh lạnh lẽo mà ấm cúng trong căn nhà nhỏ ở Moskva. Nó làm bác sĩ Watson bất chợt nhớ nhà.
- Uống với tôi một cốc nhé, bác sĩ? Thường thì tôi chẳng dám mời một hoàng hậu uống rượu táo cùng mình...
- Thiếu tá à,... - Bác sĩ Watson vui vẻ đón lấy cốc rượu - cứ gọi em là Helen. Thường thì em cũng chẳng dám uống rượu cùng một thiếu tá... à còn Chuẩn tướng thì là ngoại lệ. Vả lại trước đây chị ta thích mang chai rượu vào phòng mà uống một mình hơn... cho đến khi say không còn biết trời đất gì nữa...
Cũng trong lúc đấy, cách đó khá xa, tại toà lâu đài de Beaudelaire ở Reims, đã có một cuộc họp mặt. Những con người đã từng cách xa những năm mươi năm bây giờ lại tao ngộ cùng nhau chính tại cái nơi năm mươi năm trước họ đã ra đi. Henri Moutin ngồi sau lưng anh họ Paul Vignon trên cùng con ngựa, đằng trước là chiếc khăn màu nguyệt quế bay bay như đang bị cơn gió lạnh cố giật đi cùng chiếc mũ xanh giắt nhánh tầm gửi của chuẩn tướng de Beaudelaire, thượng cấp, mà cũng là người nhà. Họ đang trên đường trở về, sau khi tạt qua trạm điện tín một lúc vì một lý do có vẻ như ai cũng đã biết.
Đằng xa họ đã thấy ánh đèn trong toà lâu đài thấp thoáng sau bóng những cây dẻ, và với lòng nôn nóng của người quân nhân xa nhà, Paul thúc ngựa băng qua vườn cây dẻ thật nhanh; trong khi đó chuẩn tướng de Beaudelaire vẫn bình thản đi trên con đường lát đá dẫn vào sân trước với những cảm xúc và thước phim ký ức chạy qua trong đầu. Chợt chuẩn tướng nhìn lên cửa sổ toà tháp phía tây, cửa sổ căn phòng giữ trẻ nhìn xuống vườn anh túc đỏ thắm, thoáng thấy bóng đứa bé gái tóc kẹp nơ, ôm búp bê nhìn xuống với đôi mắt tò mò. Đứa bé đó có ai khác hơn, là chuẩn tướng đang nhìn vào chính mình của năm mươi năm trước. Tiểu thư bé nhỏ như một con chim vàng anh trong lồng pha lê vẫn luôn muốn tung cánh bay ra ngoài, nhưng giờ đây những dĩ vãng đó lại luôn ám ảnh con chim tự do ấy về một nơi chốn bình yên.
Paul vừa đến sân trước đã vội xuống ngựa, mở tung cửa chạy vào, gọi:
- Bố mẹ, dì Christine, chú Henri, chúng con về rồi!
Henri thì vẫn ra vẻ bình thản đi vào dù có chút bỡ ngỡ và choáng ngợp trước những xa hoa mà ngày xưa bố mẹ anh từng sống. Rồi thì, anh cũng khá tò mò, lượn quanh xem khắp chỉ để tìm căn phòng khách mà trước đó vài phút anh họ Paul của anh đã tìm thấy.
Paul mừng rỡ ôm lấy mẹ anh và tựa vào lòng bà. Mấy ngày phép chẳng đủ để anh về căn nhà nhỏ ở Remoiville, dù sao anh cũng đỡ tủi vì có cậu em họ vẫn ở bên cạnh, tuy nhiên đôi lúc họ cũng cách xa nhau lắm; bởi đâu phải lúc nào kỵ binh và không quân cũng ra trận cùng nhau. Henri vẫn đứng ở cửa như chờ ai đó, nhìn một lượt những người trong phòng: bố mẹ anh, hai bác anh, cùng với ba trong mười hai người thừa kế, cháu của bà công tước đời trước. Ngài nghị sĩ Montgomery de Beaudelaire, thường gọi là công tử Montgomery; phu nhân Henrietta de Saint-Pierre, chị họ ngài nghị sĩ và chuẩn tướng de Beaudelaire, cùng em trai là ngài Thimothé, đều đã có mặt. Giờ chỉ còn đợi một người...
- Xin lỗi vì đã để mọi người chờ...
- Đúng giờ thật, Frankie bé nhỏ.
- Đã bảo đừng gọi là "Frankie bé nhỏ" nữa rồi. Nhìn xem, cả Thimothé cũng chẳng thể gọi là "bé nhỏ"... À mà Didier không về sao?
- Thằng em trai quý hoá đang ở Thuỵ Sỹ với cô em dâu xinh đẹp kia, làm thế nào về được chứ? Gom được bấy nhiêu về cũng là kỳ công rồi.
Chuẩn tướng de Beaudelaire trong bộ quân phục, đến trước cửa phòng khách thì dừng lại và ngả mũ chào mọi người. Bà Catherine ngồi trên ghế bành mỉm cười và giơ tay đón lấy tiểu thư bé nhỏ của bà, người mà năm mươi năm sau đấy không còn "bé nhỏ". Bà Christine đứng sau cũng nhường chị mình trước rồi mới đến lượt bà được vòng tay ôm lấy tiểu thư bé nhỏ ngày trước vẫn luôn ngồi trên lòng bà nghe kể chuyện và học đọc. Ông Paul Vignon cha, năm mươi năm trước là quản gia, kiêm cả gia sư cho tiểu thư Henrietta cũng lấy đó làm đồng cảm. Còn phần ông Henri Moutin cha, ông thầm nghĩ bây giờ công tử Montgomery cũng hết thời ưa thích những chuyện phiêu lưu của ông rồi.
- Henri Moutin con, ngoài chiến tuyến có vui không?
Mà, có vẻ như công tử Montgomery có hứng thú với chuyện chiến trường của Moutin con hơn.
- Với các anh em thì vui, nhưng ra trận thì sợ lắm, thưa ngài. Ở pháo đài Vaux máu đỏ như cánh đồng anh túc... mà bà Chuẩn tướng vẫn bảo hoa anh túc đẹp lắm.
Dường như bà chuẩn tướng nghe được lời anh nói, liền sau đó anh nghe tiếng chuẩn tướng đáp:
- Tôi lớn lên trong phòng trẻ nhìn xuống vườn anh túc, cậu nên biết. Cánh đồng anh túc ở Somme đã thấm đẫm máu tôi và đồng hương tôi... Anh túc đẹp vì nước mắt... - Bà chuẩn tướng nói, vừa nhìn ra cửa sổ - Cậu không đành quên Simon chứ? Cậu trung sĩ trẻ tội nghiệp đã tưới vườn anh túc ở Flanders bằng máu chính mình và đồng đội. Bạn thân của cậu, và cũng là cấp dưới của tôi...
Bên ngoài cánh cửa sổ là vườn anh túc đỏ thắm ngày trước được dành cho công tước phu nhân Claudette de Beaudelaire, nay vẫn còn. Màu anh túc dưới ánh trăng không đau thương như anh túc trên chiến trường, nhưng cũng ít nhiều gợi nên những sâu lắng hoài niệm, khiến hai anh nhớ về những người bạn lính chiến đã nằm xuống ngày trước, và khiến bà chuẩn tướng lặng yên về những phút bình yên tươi đẹp thuở nào.
Đêm đấy Giáng sinh, đêm sum họp, mà đúng thật; bây giờ chuẩn tướng de Beaudelaire đang ở nhà. Gia đình là đây, tuy không mấy đông đủ, nhưng vẫn là người một nhà... ít nhất cũng từng. Ngoài tiền tuyến vang danh là một trong ba "thiên thần chiến tranh", những người có thể đảo ngược cả một trận chiến; nhưng, ở đây, trong mắt chính mình lúc chuẩn tướng chẳng là ai cả. Chỉ là một tiểu thư bé nhỏ như năm mươi năm trước, một đứa bé luôn tò mò mọi thứ và luôn háo hứng chờ đến bữa tối để được thấy đủ đầy mọi người. Chỉ vậy thôi...
- Nào, ở đây chúng ta có d'Artagnan, có Aramis, vậy có ai biết Athos và Porthos về nơi đâu rồi không? - Ngài Montgomery hỏi hai ông Paul và Henri cha.
- Tôi nghe đâu họ về thế giới bên kia rồi. - Ông Paul cha đáp - Đằng nào thì họ cũng biệt tin được mấy mươi năm rồi còn gì!
Bỗng khi ông Paul cha vừa dứt lời, chợt có tiếng ai đó, một người đàn ông khoảng tám mươi hoặc hơn, nghe rất lạ, cùng một người khác nữa có vẻ như cũng tầm đó, đến từ phía cửa. Khi họ bước vào thì trông mặt ai nấy ở phòng cũng đều ngỡ ngàng tột độ.
- Không thể nào... Georges! - Ngài Montgomery kêu lên.
- Đúng, tôi đây, công tử Montgomery. Cũng phải bốn mươi mấy năm là ít nhất, nhỉ?
Người đàn ông đó ăn vận lịch sự, mặc chiếc áo khoác trông đã khá cũ và chiếc áo chẽn đã sờn, trên tay là chiếc mũ chóp màu xám sạch sẽ nhưng có vẻ không còn mới cho lắm. Người kia có dáng người to béo như dáng ông ta hồi còn trẻ, mặc chiếc áo khoác vải tuýt và đội mũ quả dưa, đứng sau bạn mình, người mà ngài Montgomery đã gọi tên Georges trong sự ngạc nhiên khôn cùng.
- Constance và Milady, cặp song sinh xinh đẹp mà giờ tôi vẫn rất tiếc khi bỏ đi mà chưa kịp cầu hôn một trong hai... Và giờ em đã là vợ của Aramis, nàng Christine "Milady" của tôi...
Ông ta mỉm cười thân mật với bà Catherine và bà Christine, như hai người bạn cũ đã lâu không gặp, và đến vòng tay ôm lấy hai ông Paul và Henri cha.
- Các cậu, nhớ tôi chứ?
Ông Paul cha cười mừng rỡ xiết tay ôm chặt bạn mình.
- Georges, mấy chục năm nay cậu đi đâu thế? Tôi cứ tưởng cậu đã chết cơ.
- Tôi đi lính. Cứ tưởng đời này kẹt ở Phổ rồi, vậy mà hôm nay lại về... Còn Paul này, cậu tốt phúc lắm, cưới được Constance. Đến cả ngài Dumas cũng không nghĩ đến việc đấy.
- Và chúng tôi đã có d'Artagnan con, đệ tam, sĩ quan kỵ binh. - Ông Paul cha cười tự hào.
Ông Henri cha cũng xông vào cuộc nói chuyện.
- Cậu quên tôi rồi à Georges?
- Làm sao quên, Henri Moutin "Aramis", ông bạn tôi?
- Thấy cậu về mừng quá.
- Tôi chưa quên cái ngày cậu "cướp" mất nàng Milady của tôi nhé! - Ông Georges đùa.
- Thôi mà, chúng tôi cũng có cậu con rồi.
- Tôi không ngờ cậu lại có Aramis con.
- Thằng bé đó, thượng sĩ không quân nhé! Mà, cậu có quên gì không?
Ông Georges nhìn quanh.
- Có vẻ thiếu vắng... Ở đây là công tử Montgomery, tiểu thư Henrietta, công tử Thimothé,... lẽ thường là phải có tiểu thư Françoise, còn tiểu thư Marie thì có vẻ tôi không cần nói đến...
Đến lúc này thì chuẩn tướng de Beaudelaire, đứng bên cửa sổ, cũng phải lên tiếng.
- Ông đi lâu quá rồi, Georges. Đến nỗi đếm ra cũng phải năm chục năm hơn, đến nỗi ông như quên cả.
Ông Georges hướng mắt về giọng nói đó mà vẫn không thể đoán ra là ai. Paul con phải đến mà giải thích:
- Bà Françoise de Beaudelaire đấy mà. Tư lệnh của cháu, nhưng trong quân đội bà được biết đến với cái tên Annatoire de Beaudelaire. À mà trước kia cháu và Henri từng nhầm bà ấy là "Antoine de Beaudelaire", mà hoá ra không phải... Còn chuyện mẹ cháu là vú nuôi của bà Françoise thì cháu cũng chỉ vừa mới biết.
Ông Georges cười như thể muốn nói "trớ trêu thật".
- Tiểu thư bé nhỏ "ma-sơ dòng Carmelite", năm mươi năm sau lại là tư lệnh, lại là tư lệnh của cậu Paul con? Khó mà tin được đấy! Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái ngày tiểu thư Françoise mặc quân phục!
- Sao ai cũng ngạc nhiên vì lý do đó nhỉ? Tôi chỉ là một trong những người đi trên con đường Thánh Jeanne d'Arc đã đi.
Ông Georges gật đầu vẻ tôn trọng, rồi nói với bạn mình đang đứng sau, giọng nghe tự hào:
- Auguste, cậu có thấy đó không? Công tử Montgomery giờ là một nghị sĩ, tiểu thư Henrietta và công tử Thimothé nay đều là những vị cao quý, còn tiểu thư bé nhỏ Françoise...
- Nói ra chắc ông không tin, nhưng tôi mang hàm chuẩn tướng và ở Anh tôi gọi là thẩm phán. Dù vậy trong mắt mọi người, tôi vẫn là tiểu thư bé nhỏ - Chuẩn tướng mỉm cười, hướng mắt lên chùm đèn pha lê trên trần - ... Và cũng đầy nửa thế kỷ rồi, chúng ta mới lại ngồi cùng quanh một bàn ăn tối...
Ông Georges mỉm cười, nhìn chị em Catherine, nói:
- Christine, chắc em phải thấy vui và tự hào lắm nhỉ?
Bà Christine khẽ lắc đầu.
- Em không dám nhận hết, sau cùng thì cũng đâu phải một mình em, dù sao thì với tư cách là gia sư của tiểu thư Françoise, em thấy vui lắm...
Chợt ông Auguste cắt ngang lời bà Christine.
- Tôi đi nấu bữa tối nhé?
Ông Georges lắc đầu cười cười.
- Được rồi ông bạn của tôi. Trước khi cậu vào được căn bếp quen thuộc của dì Flauntlé thì cô cháu gái Martine đã làm xong món tráng miệng rồi đấy. Đằng nào thì cậu và tôi lẫn mấy người kia cũng có còn là người hầu của nhà de Beaudelaire nữa đâu.
Ông Henri cha chen vào:
- Đừng nói nữa, Georges. Cậu làm tôi nhớ món súp hành đó...!
- Súp hành với bánh mỳ nướng phết bơ... - Ông Paul cha vừa nói vừa gật gù - ... Ôi ngày xưa...! Cái ngày ấy nàng còn chê tôi không biết thắt cà-vạt...!
Cô hầu Martine bước vào đột ngột, vẫn còn mang tạp-dề, khiến mọi người giật mình. Tiếp đó là cô hầu Diane, mở to con mắt ngạc nhiên vì tình cảnh oái oăm và gọi:
- Ơ... messieurs, mesdames... Bữa tối vừa xong...!
Ông Georges quay sang nhìn bạn mình.
- Tôi hả, từ khi rời khỏi nơi này, tôi chưa bao giờ được ai đó gọi và báo rằng bữa tối đã xong.
- Vợ tôi vẫn gọi thế từ mấy chục năm nay. - Ông Henri cha đáp - Tức là cậu vẫn chưa tìm được "nàng" chứ gì?
- Cậu "cướp" Milady của tôi rồi còn gì. Vả lại, cô nàng nào lại lấy anh lính biệt tăm biệt tích chiến trường như tôi?
- Ở pháo đài Douaumont kia có mà đầy... - Chuẩn tướng de Beaudelaire chen vào - Ngoài viện quân y cũng đầy...
- Chỉ là ông xấu số thôi, Georges. Thimothé đây cũng có phu nhân rồi này. - Phu nhân Henrietta cười.
Ông Georges vừa chỉ tay vào chiếc mũ xanh cắm nhánh tầm gửi của chuẩn tướng de Beaudelaire vừa đùa rằng:
- Nhìn lại chính mình đi, Tư lệnh ạ. Tôi không còn trẻ mà Tư lệnh cũng chẳng còn xuân xanh mấy đâu.
Chuẩn tướng de Beaudelaire chỉ mỉm cười.
- Đời này tôi trung thành với nữ thần công lý.
- Còn tôi à, Chuẩn tướng tiểu thư... - Ông Georges đáp rồi quay đi - ... Đến cả bạn mình cũng không bảo vệ được. Cậu ta vẫn luôn muốn có một ngày được về gặp công tử Montgomery trưởng thành...
Ngài Montgomery đột nhiên đứng lại trong một khắc rồi lại bước tiếp.
- Tôi giờ đã là nghị sĩ. Ông vui chứ, ông Antoine? Giá mà ông thấy được lúc này... - Ngài Montgomery lầm bầm - À mà... có lẽ là từ trên đó ông đã thấy rồi...
Trong lúc đó, tại pháo đài Vaux, đêm đã yên, trời vẫn lạnh. Thiếu tá Almstedt lại trở lại đứng bên cửa sổ, phía sau xa xa là màn đêm tĩnh lặng. Máy điện tín vẫn im, chiếc đồng hồ bạc vẫn kêu khe khẽ từng nhịp tích-tắc, và ánh nến lạnh vẫn chập chờn theo từng cơn gió. Trên tay thiếu tá là một tờ tin vừa được gửi đến từ Bộ Tổng chỉ huy.
- Vậy là... cũng... đến lượt tôi.
Trên tay thiếu tá Almstedt là lệnh điều đến Ypres cùng với đại đội không quân thuộc quyền. Và thế là, sau trung tá Heartfilique mà giờ là đại tá, sau chuẩn tướng de Beaudelaire, giờ thì thiếu tá Almstedt cũng đến lúc ra đi khỏi Verdun để tham chiến trận kế tiếp. Nói như thế cũng có nghĩa, cả chuẩn tướng lẫn đại tá cũng sẽ rời đi không lâu sau đó. Tám tháng ở Verdun cũng đủ nên một người bạn và một đồng đội. Có điều, với thiếu tá đó không phải chỉ một mà là hai: một chuẩn tướng tham mưu được mệnh danh là "con bài chủ" của phe Hiệp ước, và một trung tá pháo binh lừng danh được biết đến với cái tên "hồng xanh Lorraine". Giờ rời xa họ, thiếu tá chẳng đành. Chỉ còn vỏn vẹn hai ngày...
- Thiếu tá Evalina.
Một giọng nói cất tiếng gọi, và thiếu tá Almstedt chợt giật mình quay đầu lại.
- Bác sĩ Helen... À, tôi chỉ đang chờ...
- Chuẩn tướng bảo sáng mai về, và có lẽ lần này chị ta sẽ đúng giờ hẹn.
- Không phải chuyện đó...
Bác sĩ Watson thoáng thấy tờ tin nắm chặt trong tay thiếu tá Almstedt, cũng hồ đoán được thiếu tá đang nghĩ gì.
- Sherline sắp đi Artois, còn em thì về với quân y viễn chinh Anh hiện đang đóng tại Aisne.
- Không phải bác sĩ Helen đi theo Chuẩn tướng sao? - Thiếu tá ngạc nhiên hỏi.
- Đó là ngày xưa. Còn bây giờ thì... à thôi... dù em không theo cũng chẳng sao.
- Sao lại chẳng sao được chứ? Đây là chiến trường đấy!
- Nếu Thiếu tá thấy vẻ mặt của chị ta hơn nửa năm trước lúc thấy em đi cùng ngài Pétain đến với đội tiếp viện thì chắc Thiếu tá cũng hiểu. À mà thôi... bảo là "bác sĩ riêng", nhưng mà... đúng hơn là Sherline "riêng" mỗi người một đường.
Thiếu tá Almstedt ngước nhìn qua khung cửa sổ, tuyết vẫn đang rơi dày và lạnh ngắt, khẽ cười.
- Tôi cũng không nghĩ rằng, nếu sau này có tình cờ gặp lại nhau ở đâu đó trên chiến trường, chúng tôi vẫn sẽ gọi nhau là "đồng đội"...
Bác sĩ Watson bước đến cạnh thiếu tá Almstedt và chìa ra cốc rượu táo đầy một nửa, và cũng đưa mắt ra khung trời đêm đen kịt với cơn mưa tuyết lặng lẽ cùng tiếng gió rít ảm đạm.
- Nếu là em à, ừ thì em cũng chẳng biết, với em, ai cũng là bạn cả. Còn Sherline à, một khi chị ta đã gọi là "đồng đội", thì tức là đồng đội muôn kiếp, dù đi đâu, dù là ai đi nữa... Kể cả khi đã chết...
Thiếu tá đưa tay nhận lấy cốc rượu nhưng lại chỉ khẽ đưa cho rượu sóng sánh và nhìn chằm chằm vào cái cốc.
- Thế giới này rộng lớn lắm, bác sĩ à. Thiên nhiên đã khó chống, lòng người càng khó lường... Lấy gì đảm bảo một tư lệnh hàng tướng như Annatoire sẽ còn nhớ một sĩ quan hàng tá như tôi?
Bác sĩ Watson chỉ cười rồi đáp.
- Nếu Sherline là loại người như thế, đã tuyệt đi mà không trở về rồi. Và cũng đã không hứa với Thiếu tá rằng sau khi trận Somme kết thúc sẽ về.
Thiếu tá Almstedt, mắt vẫn chăm chú vào chỗ rượu sóng sánh, im lặng trong một chốc.
- Lúc đó Chuẩn tướng bảo, "tôi không hứa sẽ trở lại"... Lời tạ từ ngày đó có thể coi như lời vĩnh biệt không?
- Thiếu tá có thể hiểu rằng, đó là một lời hứa như chưa từng hứa... - Bác sĩ Watson khẽ cười, đưa mắt nhìn và lặng nghe tiếng kim đồng hồ tích tắc trên bàn liên lạc - Sherline không muốn đánh mất lời hứa đó, nên mới bảo rằng "tôi không hứa sẽ trở lại"...
Cũng tầm lúc đó, thành Reims còn trơ lại vài ánh đèn muộn lẻ loi của những gia đình trông chờ anh con trai về phép, hay chỉ đơn thuần là những cô vợ trẻ nán lại đan vài chiếc khăn làm quà cho người chồng quân nhân. Vườn cây dẻ kia sông Marne lặng thinh trong tiếng gió nửa đêm lạnh căm, và trong toà lâu đài, nơi phòng ăn lớn kia không phải sự xa hoa thượng lưu với buổi khiêu vũ và bàn tiệc Giáng sinh như nó đã từng, mà bây giờ chỉ còn là một bữa tối yên lặng. Ba ngọn đèn chùm pha lê trên trần phủ bụi lạnh tanh, thay vào đó là nến thắp trên bàn ăn và chung quanh phòng. Họ nghĩ rằng ánh nến luôn ấm áp và gần gũi hơn ánh đèn, thế thôi. Căn phòng trước kia luôn là nơi tràn ngập tiếng nhạc và tiếng cười của mọi người cứ mỗi ngày sum họp, mà giờ đây sao lại lặng thinh. Hôm nay vẹn đúng mười hai người, ngồi cạnh nhau mà không nói với nhau câu gì. Hai cô hầu Martine và Diane nép trong một góc, định rằng sau khi dọn dẹp bữa tối sẽ chia nhau bánh thịt và vang đỏ; đó là nếu như các quý ông và quý bà kia không dành bữa tối để kể chuyện năm mươi năm qua cho nhau nghe. Thật lạ là chưa ai động vào đĩa của mình, mà cũng vẫn im lặng nhìn nhau hoặc tránh ánh mắt nhau. Đã biệt năm mươi năm, họ có quá nhiều chuyện đến nỗi trong một bữa tối không thể nào kể nhau nghe hết cho được; có lẽ vì vậy mà mười hai người họ chỉ nói lời muốn tỏ với nhau bằng ánh mắt. Nhưng rồi thì họ cũng lặng yên dùng bữa, và sau đó thì cũng có người phá tan sự im lặng kinh khủng đó, làm hai cô hầu giật mình.
- Có thật nhiều những điều tôi muốn kể, nhưng mà có lẽ giờ này không thích hợp lắm... - Ông Georges lên tiếng - Đã năm mươi năm rồi tôi mới lại được gặp mọi người, thật là không biết nên thế nào đây... Tôi luôn tưởng là nếu có về được chăng nữa thì cũng chỉ mình tôi với tôi... Tôi không tính trước Phu nhân Claudette vẫn để lại gia sản thừa kế, dù Đức Ngài Napoléon đệ Tam đã thoái vị từ lâu.
Chuẩn tướng de Beaudelaire nâng ly rượu lên và mỉm cười.
- Cũng đến hồi kết rồi, ông Georges. Dòng họ de Beaudelaire này rồi cũng chấm hết ở đời đệ Thất, nếu còn những thế hệ sau thì cũng chẳng còn là nhà de Beaudelaire nữa.
Nụ cười nhẹ ấy bỗng dứt, và chuẩn tướng nhìn một lượt những người rồi tiếp:
- Thêm nữa, Bắc Pháp đây là vùng chiến địa, chắc gì sau mấy đợt oanh tạc, nơi chúng ta đang ngồi đây vẫn còn? Và rồi, nếu còn có lần gặp sau, chắc gì vẫn còn mười hai người đang ngồi đây? Chiến trường không phải nơi phân tranh thắng bại hai phe, mà là ván bài của Thần chết. Đây có lẽ sẽ là lần gặp cuối, cho nên... - Tay chuẩn tướng nâng cao ly rượu, giọng có đôi chút ngập ngừng - ... Mọi người, năm mươi năm qua con chưa từng hỏi, nhưng ly rượu này... uống với con một lần nữa thôi.
Ông Georges đột ngột cầm ly rượu của mình đứng lên hướng phía chuẩn tướng mà nói, giọng nghe như nửa đùa:
- Chuẩn tướng tiểu thư này, đừng có nói với tôi như thể vừa mới gặp đã vội chia ly thế. Hơn bốn mươi năm kể từ khi tôi và Auguste nhập ngũ trong cuộc chiến Pháp-Phổ, nay mới về đây, mà lại chia tay như thế sao? Dẫu có là thượng cấp, nhưng Thượng sĩ Georges Montfort này không để người đi dễ dàng thế đâu... Chuẩn tướng Françoise de Beaudelaire.
Chuẩn tướng de Beaudelaire trong một khắc im lặng mà mở to mắt nhìn ông Georges vẻ kinh ngạc. Chỉ là, niềm hạnh phúc hiếm hoi tưởng chừng đã mất từ lâu nay chợt trở về trong giây lát; chuẩn tướng có muốn cũng chẳng thể ra đi như vậy. Năm mươi năm ngót nửa đời người, phút này vừa gặp phút sau tạ từ, ấy có đành không? Phận quân nhân nào dám chối từ hai chữ "về nhà", cái lúc thiếu tá Almstedt hỏi, chuẩn tướng thật lòng rất muốn, tuy nhiên lại e cảnh trống vắng trong toà lâu đài rộng lớn và sự cô độc đáng sợ đêm Giáng sinh. Nhưng mà... bây giờ chẳng còn gì để lo nữa rồi. Phải, người nhà đây,... hoặc chí ít đã từng sống cùng nhau trong toà lâu đài này. Chuẩn tướng lặng quay đi một chốc để giấu vội giọt nước mắt chực rơi xuống, nhưng lại khẽ mỉm cười.
Năm mươi năm, huệ tây chưa từng đổ lệ. Giáng sinh này, huệ tây rơi nước mắt. Tuyết ngoài cửa bỗng thưa dần. Ai bảo, Bà Chúa Tuyết không có trái tim?
- Tôi không đi vội thế đâu, sáng mai lên đường cũng chưa muộn.
Nói là vậy, nhưng Paul và Henri hiểu rằng bà chuẩn tướng sẽ lôi họ về pháo đài Vaux trước bình minh.
- À, thực ra, tôi sẽ đi Somme sớm, các cậu xong bữa sáng với mọi người rồi hẵng về Verdun nhé. Tôi còn mấy việc chưa làm xong hồi trận Somme, để tôi giải quyết nốt. Nhắn giùm Thiếu tá Almstedt, bữa trưa tôi về.
Chẳng ai biết chuẩn tướng đang định gì trong đầu, nhưng ông Georges nghĩ, hễ đêm nay chưa ai ra đi vội đã tốt rồi. Đột ngột, ngài Montgomery góp lời:
- Từ cái ngày Đức Ngài đệ Tam thoái vị, người nhà de Beaudelaire mỗi người một phương; không kể những người hầu trung thành như ông Georges, ông Auguste, ông bà Vignon và Moutin đây. Nay lúc chinh chiến xoay xở về được mười hai người, tính cả Paul con, Henri con và Françoise tướng tham mưu. Như lời đệ Thất, có thể đây là lần cuối cùng chúng ta họp mặt. Nếu thực vậy, thì hãy để chúng ta uống với nhau ly rượu cuối...
- Cả ngài nữa à, công tử Montgomery...? - Ông Georges lắc đầu - Nếu như Antoine thấy ngài Montgomery nên nghị sĩ danh giá và tiểu thư bé nhỏ ngày xưa cậu ấy dạy kiếm nên chuẩn tướng quân đội Đệ tam Cộng hoà thì thế nào đây... Chắc cậu vui lắm hả, Antoine?
- Tất nhiên, ông ấy vui không hết nữa chứ! - Ngài Montgomery bật cười - Nhưng mà, hôm nay có vẻ như là định mệnh sắp đặt... Nếu ngày đó tôi theo mẹ làm thầy giáo, thì chắc không có nghị sĩ Montgomery de Beaudelaire về đây uống rượu cùng mọi người đâu.
- Có thể lắm, ông anh. - Phu nhân Henrietta họa vào.
Không gian đáng sợ của phòng ăn lúc này đã trở nên ngập tiếng cười như ngày dòng họ de Beaudelaire còn thuở hoàng kim. Bà Christine bỗng đứng lên khi vừa xong bữa, đến mở tấm khăn phủ cây dương cầm ở góc phòng, ngồi xuống ghế và tấu một bản thánh ca, và rồi một bản độc tấu. Bà nhớ tiếng dương cầm từ lâu lắm, từ khi rời khỏi nhà de Beaudelaire năm mươi năm trước. Chiến tranh không mang đến tiếng dương cầm, nhưng tiếng dương cầm có thể xua đi cái tàn khốc của chiến tranh; như lúc này đây. Bà Christine không phải nữ anh hùng như Thánh Jeanne d'Arc, cũng chẳng mưu lược bằng chuẩn tướng de Beaudelaire; tuy nhiên, bà là người chăm cho chồi non đó, chồi non mà bây giờ là một đoá hồng đen - tên tuổi của một trong những vị tướng lừng danh chiến trường Bắc Pháp. Trong khi những ngón tay run rẩy lướt trên những phím đàn bụi bặm, bà Christine cảm thấy tiểu thư bé nhỏ như đang hướng đôi mắt tò mò thường thấy nhìn mình. Là chồi non bé con đó, chứ không phải đoá hồng đen Aryan; mặc dù cũng đôi mắt đó, chuẩn tướng nhìn bà Christine với vẻ như muốn cảm ơn và khẽ cười.
- Tiếng hát của cơn gió, linh hồn hoa anh túc, hơi ấm của tuyết... ai đã dạy con? Có thể người ta nói đó là vớ vẩn nhưng con vẫn tin hoa anh túc có linh hồn thật đấy...!
"Thanh cúc cài lên áo, người giã từ ra đi; anh túc giắt trên mũ, người có còn trở về... Đêm cuối cùng, lời tạ từ đành không...?", bà Christine khẽ hát khúc nhạc vừa hiện lên trong đầu. Chuẩn tướng de Beaudelaire biết khúc hát đó dành cho ai. Cho mình và cho Paul con, Henri con; những người lính Pháp. Màu xanh hoa thanh cúc là màu áo lính Pháp, màu đỏ anh túc như lời tiếc thương cho những người tử trận. "Ở Flanders, hoa anh túc nở; giữa những hàng thập giá hàng tiếp nối hàng...", chẳng phải bác sĩ John McCrae có bài thơ như thế? Chuẩn tướng de Beaudelaire chỉ im lặng, cùng mọi người nâng ly chúc Giáng sinh an lành, và rồi lặng lẽ về phòng. Đôi khi có lẽ ra đi mà chẳng để lời tạ từ lại thì tốt hơn...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com