1| Lương duyên
Kinh thành Thăng Long phồn hoa đô hội đang bước vào độ chớm xuân. Chiến trận vừa kết thúc đôi tháng, chỉ để lại khung cảnh nhà cửa đổ nát, đất vườn tan hoang, nhưng người người thì lại trông có vẻ rạng rỡ đến lạ. Lê dân đất Nam này dù có phải vội vã dắt díu nhau đi dựng xây mọi thứ từ đầu cũng không giấu nổi niềm vui thắng lợi trên khuôn mặt, ai nấy đều đồng lòng khôi phục cảnh thái bình thịnh trị của Đại Việt như thuở trước.
Trong triều, nhà vua cùng quần thần mải mê nâng chén ăn mừng, chẳng ai mảy may để tâm đến sự vắng mặt của một chiến tướng. Trái ngược với không khí ồn ào ở chính cung, trang nam tử đó lại đang bần thần tại một góc tẩm cung dành cho nữ quyến hoàng tộc.
"Cửa ngõ lờ mờ dấu bụi rêu,
Chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu.
Ðầy vườn rực rỡ hồng chen tía,
Hoa khéo vì ai vẫn nở nhiều."
Thượng hoàng Trần Thánh Tông viết đôi câu thơ cảm thán cảnh cũ người xưa, thâm trầm mà ý vị, không ngờ lại khiến gã đàn ông đó đau lòng tột độ.
Cảnh cũ người xưa như nước chảy hoa trôi, ký ức tự thuở trăng tàn ùa về trong tim hắn.
Từ khi Chiêu Thánh Công chúa trao lại ngôi vua cho Trần Cảnh, lịch sử Đại Việt đã được lật sang một trang mới. Đời sống nhân dân ấm no, đất nước vẫn tiếp tục phát triển dưới sự trị vì của các đời vua Trần.
Cho đến đời Trần Nhân Tông, Hoàng đế phương Bắc nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt lại nung nấu ý định xâm phạm nước ta, lăm le muốn chiếm đóng Đại Việt. Khi Hốt Tất Liệt đòi vua Nhân Tông vào chầu, ngài từ chối và cử Trần Di Ái sang thay thế dẫn đến xung đột giữa hai bên, cuộc chiến tranh đầu tiên giữa nước Việt ta và quân Nguyên - Mông đã nổ ra. Giặc Mông Cổ thua trận, từ đó quan hệ hai nước bằng mặt chứ không bằng lòng, vua Trần thì giúp cho kẻ địch của Hốt Tất Liệt, sứ thần nhà Nguyên lại hống hách lộng hành ngay giữa triều đình khiến ai ai cũng căm ghét.
Hắn thân là con trưởng của một người quan cao tước lớn, gánh vác nhiều trọng trách trong triều, nên khi chứng kiến đất nước đang đứng bên bờ hiểm họa, có nguy cơ bị xâm lược thì sao mà sống yên bình cho được! Từ nhỏ hắn đã nuôi ý chí vững vàng, mong muốn được tiêu diệt kẻ thù, dốc sức cho vua, tận trung báo quốc, có chết cũng không từ nan. Hắn quả thực là một thân nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, khiến biết bao cô gái trong cung ngoài triều đem lòng ngưỡng mộ.
Hắn là Chiêu Thành Vương Trần Thông, con trai cả của Thái úy Khâm Thiên Đại Vương Trần Nhật Hiệu với người vợ cả Tuệ Chân Phu Nhân.
Năm đó mới chỉ là một đứa trẻ mười tuổi mồ côi cha và sống trong phủ Thái úy hiu quạnh cùng mẹ mà Trần Thông đã ham rèn luyện võ thuật, tính thích cưỡi ngựa và ưa kiếm cung chứ ít đụng đến văn chương giấy mực. Phu nhân thấy vậy thì cũng chiều cho đứa con đầu lòng, hi vọng sau này nó sẽ trở thành anh hùng nơi sa trường, làm rạng danh tổ tông và giúp quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước. Sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nghiêm khắc của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến con người Trần Thông.
Trong một lần được triệu vào cung tham gia buổi học võ dành cho con cái hoàng thân, Trần Thông đã tự ý trốn khỏi tầm mắt người hầu để tìm chỗ yên tĩnh tập côn quyền. Là một đứa trẻ lần đầu rời phủ Thái úy để đến với thế giới bên trong bốn bức tường xa hoa, hắn đã không khỏi háo hức trước những lầu son gác tía chốn cung nghiêm. Hắn cứ chạy lang thang khắp nơi, băng qua những tẩm điện huy hoàng, những khu vườn rực rỡ từng in dấu chân biết bao người con của vương triều. Bấy giờ tiết trời đang vào độ chớm xuân, trăm hoa khoe sắc tỏa hương, lá xanh rợp trời, ánh trăng soi rọi từng hàng liễu rủ duyên dáng cạnh hồ nước trong văn vắt. Đó có lẽ là một buổi tối định mệnh, một buổi tối khiến Trần Thông vĩnh viễn không thể nào quên.
Vị quý tử phủ Thái úy dừng chân bên một góc vườn rộng rãi thoáng mát, toan vung cây côn lên thì bị một âm thanh cản trở. Tiếng ai đó ném một hòn đá xuống nước khiến Trần Thông để tâm, hắn vội chạy đi tìm xem kẻ nào dám phá phách chuyện luyện tập của mình.
Bên hồ có bóng dáng một người con gái nhỏ đang ngồi, đôi chân buông thả xuống mặt nước, tuổi tác chắc cũng chỉ gần bằng Chiêu Thành vương khi ấy. Nhìn vạt áo lụa óng ánh và cây trâm hoa điểm xuyết trên đầu, ta có thể đoán ra thân phận của nàng không tầm thường.
Trần Thông chạy tới, toan hỏi cho rõ chuyện thì cô bé ấy đã quay đầu lại rồi. Thật là một dung nhan ngây thơ, thuần khiết như cành mai trong nắng sớm, làm hắn ngơ ngác, xao xuyến mãi không thôi.
- Anh là ai vậy? Sao anh đến được đây?
Hắn ngẩn ra một lúc rồi mới lắp bắp đáp lời tiểu mỹ nhân kia, cơn tức giận muốn hỏi tội kẻ phá đám đã sớm tan theo mây khói rồi.
- Ta... ta trốn ra đây học võ.
Gió thổi qua, mặt hồ khẽ xao động. Cô bé đung đưa đôi bàn chân nhỏ, lí nhí:
- Anh có muốn đi chơi cùng ta không?
Thoạt đầu, hắn có chút xấu hổ, đang định từ chối thì tiếng mấy cung nữ thay phiên nhau gọi "Công chúa!" từ xa bỗng vang lên. Cô bé kia thở dài chán nản, không để ý đến Trần Thông đang há hốc mồm vì biết người vừa phá đám buổi luyện tập của mình hóa ra lại là một vị Công chúa.
- Họ cứ nheo nhéo cả ngày, đau đầu quá đi mà!
Đoạn nàng đứng dậy, chạy đến bên tên quý tử phủ Thái úy, giật nhẹ vạt áo của hắn và nài nỉ:
- Anh đi với ta, diễu võ cho ta xem được không? Phụ hoàng nói, đã là con cháu nhà Trần, không tường văn thì phải giỏi võ, sau này mới bảo vệ được Đại Việt.
Trần Thông khẽ gật đầu, trong lòng bỗng chốc trào dâng lên chút hạnh phúc nho nhỏ, những háo hức khi nãy của đứa trẻ lần đầu vào cung có lẽ cũng chẳng sánh bằng niềm vui được gặp một nàng Công chúa xinh đẹp như thế này.
Trong lúc hạ nhân và đám trẻ quý tộc còn lại mải mê đi tìm hai người thì hắn đã chạy theo Công chúa mất rồi. Hắn cùng nàng chạy đithật xa, cùng nàng băng qua ngự hoa viên, in dấu chân trên những viên đá, cây cầu, băng qua cây đại thụ tỏa bóng mát từng chứng kiến muôn cuộc đời lớn lên tại chốn vàng son này. Nước chảy hoa trôi, lá rụng rồi lại đâm chồi, đây chính là vận mệnh của những đứa trẻ được sinh ra nơi cung cấm.
Sau buổi chiều ấy, từ đó về sau góc vườn kia của hoàng thất thi thoảng sẽ có thêm tiếng côn quyền, hòa trong tiếng vỗ tay cười khúc khích của nàng Công chúa nhỏ. Không một ai quấy rầy, không một ai tìm ra chốn bí mật này, chỉ có sự vô tư hồn nhiên của hai tâm hồn trong sáng, dường như đã định sẵn đời này sẽ gắn bó với nhau.
Người con gái ấy chính là Công chúa An Tư, con gái út của Thái Tông Hoàng đế, em của Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Người ta gọi nàng là Hoàng Quý muội vì nàng chính là em gái nhỏ tuổi của Thượng hoàng. Thân mẫu nàng là Tuyên phi Mai thị, một trong những giai nhân cuối cùng đi qua cuộc đời Thái Tông. Mẹ đã chẳng phải là tần phi có danh cao phận lớn, bên trên An Tư còn có một người anh cả hơn những hai mươi tuổi, thế nên một Công chúa nhỏ nhoi sinh sau đẻ muộn như nàng cũng không được quan tâm và chú ý đến quá nhiều.
Thiên hạ chẳng quan tâm, thì để Trần Thông này quan tâm vậy.
Ngay từ những ngày còn ít tuổi, Công chúa đã lộ rõ mình là một người trầm lặng, hòa nhã và trải qua cuộc sống bình yên trong nhung lụa dù thế sự chẳng ngừng xoay vần, gặp gỡ Chiêu Thành Vương có thể coi là bước ngoặt trong đời của nàng. Kể từ sau ngày gặp mặt nàng hôm nào, Trần Thông cũng chỉ mong đến ngày vào cung thật nhanh, còn An Tư thì cứ thế dần nảy nở trong lòng niềm vui mỗi khi người con trai đó ghé qua gặp nàng.
Năm tháng trải dài, hai đứa trẻ ngày càng thân thiết gắn bó, luôn luôn ở bên nhau cùng tận hưởng những thú vui trong cung ngoài nội, thật là một đôi uyên ương ai nhìn vào cũng chẳng nỡ chia cắt. Từ những vị Vương gia Công chúa ngây ngô, thời gian thấm thoắt thoi đưa đã khiến An Tư lẫn Trần Thông đổi thay hoàn toàn, nhưng tình cảm cả hai dành cho nhau thì có lẽ núi mòn sông cạn cũng không thể lay chuyển. Người thì khuynh nước khuynh thành, liễu yếu đào tơ, kẻ thì rung trời chuyển đất, anh hùng dũng mãnh, thật là một đôi trai tài gái sắc đáng ngưỡng mộ. Trên dưới triều đình, dân gian xó chợ dường như cũng đều biết mối nhân duyên tâm đầu ý hợp giữa Công chúa và Chiêu Thành vương, đương kim Thượng hoàng cũng có ý tác hợp cho người em gái trẻ tuổi của mình.
An Tư vốn dịu dàng phúc hậu, thường ngày hay ham mê cầm kỳ thi phú, còn Trần Thông thì được dạy dỗ từ nhỏ nên trở thành một trang nam tử có tinh thần thượng võ rất cao, thông thạo cả thảy mười tám ban võ nghệ mà vẫn ham muốn học hỏi thêm để mai sau ra cứu nạn cho nước. Công chúa một lòng một dạ với vương gia, ngày đêm mong chờ thánh chỉ ban hôn, nàng dường như đã nguyện sẽ gửi gắm cả cuộc đời cho Trần Thông.
Vẫn là ven bờ hồ năm đó nhưng bây giờ đang là vào tối khuya, vầng trăng thanh thoát tỏa thứ ánh sáng mát dịu xuống mặt nước tạo ra những vệt nhỏ lấp lánh sắc vàng. Ánh trăng soi rọi bóng đôi uyên ương đang đứng ngay dưới hàng liễu rủ, chứng giám cho một mối tình đẹp nảy nở giữa chốn thâm cung.
Mới ngày nào còn dắt nhau trốn ra ngoài xem chọi gà, ăn quà bánh, ngắm hoa sen, vậy mà giờ đã thành trai anh hùng, gái thuyền quyên cả rồi. An Tư Công chúa có đôi chút thẹn thùng, nàng kề cạnh người mình yêu mà ngắm nhìn từng đóa hoa sắp tàn khi tiết trời chuẩn bị sang đông, hai gò má cứ đỏ ửng lên vì cái lạnh. Chiêu Thành Vương dĩ nhiên là không muốn người đẹp phải chịu thiệt, hắn cởi ngay tấm áo đối khâm ấm áp trên mình ra khoác lên vai công chúa. An Tư ngước nhìn phu quân tương lai bằng ánh mắt không lời nào có thể diễn tả nổi - đôi mắt như hai hòn ngọc đen của một tuyệt sắc giai nhân thật khiến người ta liêu xiêu. Trần Thông dám đối diện với đôi mắt này, dám nhìn thẳng vào và hứa hẹn những lời làm An Tư thấy ấm lòng.
Hắn bất chợt dang tay ôm chặt lấy nàng, thân hình lực lưỡng cao lớn của một người tinh thông võ nghệ xua tan hết lạnh lẽo từ gió mùa đông. An Tư chỉ muốn vòng tay này bao trọn lấy nàng mãi mãi, khiến nàng trút bỏ hết muộn phiền, đuổi hết tất cả những lo toan u sầu, để nàng được chìm vào giấc ngủ dịu êm.
Một giấc mộng đẹp nhất đời người.
Nàng và hắn dường như đã định trước trọn đời bên nhau, không gì có thể chia cắt.
Thế nhưng mệnh trời lại không chiều theo ý nàng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com