15. Bí mật của tôi (3): Bữa sáng
Căn phòng tối mù chỉ nhận được thứ ánh sáng nhá nhem hắt vào từ sau cánh cửa mở dẫn ra lối cầu thang và những ngọn nến treo trên vách tường. Bên ngoài khung cửa sổ đóng kín, những giọt nước trên mái hiên rơi từng nhịp đều đặn như cái đồng hồ báo thức cứ kêu lắc cắc mỗi khi kim giây nhích thêm một khắc. Tiếng xì xèo sôi sùng sục của một cái ấm nước bỏ quên trên bếp lò ngày càng chói tai, phải hai, ba phút sau mới có người nhấc xuống, ngưng không cho nó hú hét tra tấn màng nhỉ thêm nữa. Hơi nước từ cái ấm đun dường như lan ra, tỏa vào bầu không khí lượng nhiệt đủ lớn xuyên qua vách những căn phòng, nung lớp da bên dưới tấm áo vải lanh, khiến nó tuôn những giọt mồ hôi hầm hập bí bách, thấm đẫm miếng đệm bông màu nâu hạt dẻ lót trên bề mặt cái ghế tựa cũ mèm, để rồi ẩm ương như tấm giẻ lấy ra từ trong máy giặt.
Bầu không khí thật ngột ngạt.
Dạ dày quặn lên những cơn co thắt khiến tôi muốn nôn khan, nhất là khi món súp trứng củ cải vừa được chị hầu mang đến có cái mùi thum thủm của trứng gà vữa. Khi chị ta bắt đầu mở toang nắp đậy chiếc bát, một mùi ngai ngái khó chịu sộc ra hệt như mùi của cái bồn cầu tiêu không dội nước đã đóng nắp suốt mấy ngày. Tôi nhanh chóng đưa tay bịt mũi, tay còn lại đẩy bàn tay đang cầm bát súp kia ra xa khỏi tầm hít thở của mình.
Đột nhiên, bàn tay đó đặt mạnh chiếc bát xuống bàn nghe một tiếng "cạch" rõ to. Người phụ nữ trẻ đỏm dáng tối sầm mặt, liếc nhìn tôi bằng đôi con mắt sắt bén như lưỡi dao cạo. Thì ra là chị hầu gây sự ban nãy. Giờ đây chị ta đã quần áo chỉnh tề, mái tóc bù xù sau cuộc xung đột đã được quấn gọn trong tấm khăn trùm của người giúp việc. Điều duy nhất kỳ lạ là đôi môi đỏ mọng như quả anh đào và chiếc khăn buộc cổ màu đỏ bầm thêu hoa văn chìm chẳng ăn nhập gì với bộ đồ tồi tàn khiến tôi suýt nhầm chị ta là con gái cả của người đàn bà đàn ngồi đối diện.
Vậy mà người đàn bà chẳng có vẻ gì bận tâm. Bà ta sai chị hầu cắt cho tôi mẩu bánh mì và một lát pho mát, khiến chị ta lại được dịp "dằn mâm xắn chén" khứa những nhát dao lộn xộn bầy hầy và kết thúc bằng một cú buông rơi con dao xuống mặt bàn làm nó xóc nảy va vào mấy cái dĩa kêu leng keng trước khi dừng hẳn.
Nếu tôi là một con mèo, hẳn tôi đã rụng mất một trong chín chiếc đuôi.
Lúc này, khuôn mặt nhăn nheo đằng sau chiếc tách sứ nghi ngút khói mới dần lộ ra, khoé môi cong lên, ra lệnh bằng một giọng điềm tĩnh.
"Mau ăn đi."
Những tưởng người đàn bà sẽ giận dữ quát mắng ả vô lại, thế nhưng bà ta chẳng mảy may quan tâm đến sự hiện diện của con sếu đầu đỏ cứ mổ cò vòng quanh.
"V... vâng." Tôi trả lời, hết đưa mắt nhìn thái độ người đàn bà đến vẻ mặt đầy thách thức của chị hầu. Chiếc muỗng bạc tinh xảo đã phai màu chầm chậm được cầm lên, nhưng rồi lại như mắc kẹt trên những ngón tay, mãi chẳng thể nhúc nhích thêm được.
"Con sao thế? Mọi khi đây vẫn là món khoái khẩu của con mà?" Người đàn bà lại lên tiếng.
"Cháu không đói."
"Không ăn sẽ không có sức đi đường đâu. Hôm nay chúng ta sẽ đi Blanchill để đăng ký nhập học cho con."
"Chắc là... để khi khác bà ạ." Tôi mân mê chiếc muỗng trên đầu ngón tay, vô thức vẽ những vòng tròn nhỏ tương ứng với mớ bòng bong đang rối nùi trong dòng suy nghĩ. Mãi sau một hồi đắn đo, tôi mới quyết định trả lời thành thật. "Hình như... đến giờ dắt cừu ra đồng rồi. Xin phép bà..." tôi thỏ thẻ "...xin phép bà cho cháu được ra ngoài trước."
Dường như lấy làm không vừa ý, bà ta rời mắt khỏi chiếc tách, nhíu mày nhìn tôi nghi hoặc.
"Chẳng phải chính con đòi được học dự bị Chánh quan ở Học viện Nội các Blanchill sao? Ta đã viết thư cho ông Ngoại rồi. Trưa ngày mai ông sẽ đón con ở cổng chính và đưa con đi làm thủ tục nhập học."
Ả sếu đầu đỏ phì cười, cũng chẳng thèm giả vờ bày ra dáng vẻ không biết gì đáng ra phải có ở một kẻ hầu khi đang nghe chuyện của chủ. Cái miệng nhếch lên của chị ta trông thật đáng ghét, khiến tôi thầm ước bà phu nhân mau mau thấy gai mắt mà tống cổ chị ta đi.
Nhưng bà phu nhân lại tiếp lời.
"Bọn người hầu báo rằng sáng sớm nay cha con đã theo đoàn thương lái Ratigan lên cao nguyên tìm mua giống bò sữa mới. Vừa hay chuyến đi dự kiến sẽ mất 3, 4 ngày, nếu chúng ta tranh thủ đi trong hôm nay vẫn kịp để con tham gia lễ nhập học dành cho Tân dự bị sinh."
Rồi bà hạ giọng.
"Con trai yêu dấu của ta, ta biết con chẳng muốn, và dù có nài ép thì cái danh xưng người thừa kế điền trang cũng chẳng thể giữ được con khỏi những hoài bão cao xa. Nơi đây không thuộc về con. Không một hạt bụi nào trên đất này xứng với con. Đôi tay con sinh ra là để cầm bút, ngòi bút lông ngỗng đẫm màu mực lướt trên giấy da, chứ không phải để cày bừa, lưỡi bừa nặng trĩu dãi mưa sa đào ngàn tất đất, càng không phải để cầm gươm, ngọn gươm bén ngót tanh mùi máu xuyên vào xác thịt. Tạ ơn Đức Thánh Linh trên cao đã dẫn lối cho con, ban cho con phép màu được lựa chọn, bởi khi lựa chọn của con được thành đạt cũng là lúc nguyện vọng của ta được thành toàn. Cả đời nhẫn nhục đắng cay này ta chỉ sống duy nhất vì một lẽ, đó là được dõi theo con trên Tháp Danh Vọng ở Quảng trường thủ đô [1], và trông thấy con yên bề gia thất bên người vợ quý phái trâm anh, người có thể hậu thuẫn con sau chính trường nghiệt ngã. Vậy nên con phải nhanh đi đi. Đi và thực hiện hoài bão của con đi. Sẽ chẳng còn cơ hội đưa con rời khỏi nếu cứ nấn ná mãi nơi này, bởi cha con sẽ ngăn cấm một khi ông ta về tới. Đến lúc đó sẽ là quá muộn cho cả hai ta."
Chẳng biết từ lúc nào người đàn bà đã rời khỏi chỗ ngồi nắm chặt lấy bả vai tôi, chặt đến nỗi tôi phải nhăn mặt vì đau điếng. Bà ta nhìn tôi nhưng trong đôi mắt sâu hoắm như đang lạc trôi ở một thế giới đâu đâu, đầy viễn cảnh u mê và ảo ảnh.
"Con trai yêu dấu của ta. Ở Blanchill con sẽ được tự do, sẽ không còn ai cấm cản con làm điều con muốn. Chúng ta không cần thiết tha cái điền trang này, vì tất cả ngân khoản thừa kế trị giá năm mươi vạn ben [2] ta đều sẽ chuyển sang tên con. Ngôi nhà trang viên của ông ngoại ở Cathail rồi cũng sẽ thuộc về con. Xưởng dệt, xưởng rượu, xưởng đóng tàu, tất cả mọi thứ đều sẽ là của con một khi con trở thành Chánh quan. Chẳng ai có thể cưỡng lại sức hút của một Chánh quan đặc biệt là tính nữ, và mọi thiếu nữ trong vương quốc này đều sẽ đem lòng xi mê con, kể cả những tiểu thư danh gia vọng tộc. Con ơi, hãy nghe lời khuyên của mẹ con, hãy đi cùng ta khỏi đây càng nhanh càng tốt."
Tôi đưa mắt nhìn chị hầu cầu cứu, nhưng đáp lại sự khẩn khoản của tôi là bộ dạng tự ngắm mình và chỉnh trang đầu tóc bằng chiếc gương lớn kê trên chiếc bàn đặt lọ hoa sát tường, điềm nhiên như một gia chủ.
Còn người đàn bà quẫn trí cứ nắm chặt lấy tôi không buông, lây người tôi như trẻ con đang chơi một con búp bê vải. Bất lực, tôi đẩy bà ta ra bằng sức hèn yếu ớt, nhẹ nhàng dỗ dành.
"Bà buông cháu ra đã rồi cháu sẽ đi với bà."
Đôi mắt bà già bỗng chốc sáng rỡ. Bà ta mỉm cười hài lòng xoa đầu tôi, rồi đứng dậy vuốt thẳng những nếp gấp áo do cúi người gây ra. Đoạn bà ta quay trở lại ngồi vào bàn, lại cầm chiếc tách đưa lên môi trong dáng vẻ cao sang quý tộc. Dường như nước trong tách đã cạn, bà ta nhỏ nhẹ gọi chị hầu.
"Hayer, rót trà."
Chị hầu đang bôi thứ gì đó lên môi trông như quả mọng giật mình đánh rơi thứ quả tròn tròn đỏ au không khác gì một trong những thứ quả bày biện trên dĩa bàn ăn. Chị ta nhìn bà phu nhân như đánh giá xem bà ta vẫn còn điên hay đã tỉnh, rồi ngay khi bà ta gọi cái tên "Hayer" thêm một lần nữa, chị ta mới lật đật đổ bỏ phần còn lại trong tách rồi rót vào đó thứ nước hơi ngà vàng từ chiếc ấm sứ mẻ tay cầm.
"Ngươi nghĩ những thứ này đem cho heo thì chúng có ăn không?" Người đàn bà vừa nhâm nhi thứ nước trà vừa buông một lời bâng quơ.
Nhưng khuôn mặt chị hầu lại đột nhiên trở nên xám ngắt.
"Tôi sẽ bảo nhà bếp mang lên món mới." Chị ta trả lời.
"Thế à? Vậy mà ta đang định phần người đấy."
Chị hầu không đáp lời, nhưng đôi con mắt long lên sòng sọc của chị ta đã nói lên tất cả. Bực dọc dọn đi thứ tạp nham do chính mình bày ra trên bàn ăn, chị ta cứ mấp mấy môi điều gì đó tôi đoán là lời chửi rủa.
Mãi một lúc tận khi chị ta khuất bóng dưới cầu thang, tôi vẫn phải miễn cưỡng ngồi đó không biết phải làm gì. Người đàn bà vẫn uống trà. Nước trên mái hiên vẫn rơi từng nhịp. Xem chừng phải đợi chị hầu thêm ít lâu nữa, tôi đánh bạo hỏi dò.
"Ban nãy bà bảo ông Wilmot đi xa là thật ạ?"
"Ta dối gạt con làm gì?" Bà ta cười.
"Vậy... nếu cháu đi với bà thì khi nào cháu có thể về lại đây?"
"Con không hiểu à. Chúng ta sẽ ra đi vĩnh viễn không bao giờ quay lại nữa. VĨNH VIỄN." Bà ta nhấn mạnh như thể sợ tôi không nghe thấy.
"Nhưng chắc bà nhầm lẫn..." tôi ngập ngừng, "... cháu đâu phải... người thân của bà. Cháu đang ở nhà bác Paul gần chỗ đồi thông nên nếu bà muốn cháu đi cùng thì phải đợi cháu nói với bác ấy..."
Như thể chạm phải gai nọc, người đàn bà ngay lập tức rít lên hung hãng, tức giận đập tay xuống mặt bàn liên hồi khiến nó rung lên bần bật. Bộ tách sứ cũng theo đó mà nhảy dựng lên, những tưởng sẽ vỡ tan ngay lập tức.
"Thằng ngựa già chết tiệt lại khiến con từ chối nhận người mẹ này phải không? Lão khốn nạn! Thứ lăng loàn chó má! Cầu trời đánh thánh vật lão đi! Lẽ ra ta phải giết lão! Lẽ ra ta phải giết lão cả trăm lần! Thằng già đó phải chết! Chỉ khi lão chết lão mới buông tha chúng ta..." và hàng tràn những lời nhục mạ cay độc.
Người đàn bà lại rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Bà ta giật phăng cái khăn trải bàn khiến mọi thứ trên bàn lật nhào xuống sàn vỡ tan tành. Ngay sau đó bà ta chụp lấy lọ hoa héo rũ ném nó vào chiếc gương trên bàn. Tiếng gương vỡ vụn loảng xoảng nghe đinh tai nhức ốc, khiến đám gia nhân trong nhà kéo nhau đến rình trộm từ dưới cầu thang. Tôi sợ đến nhảy cẫng khỏi ghế, chỉ biết len lén nhích từng bước ra góc phòng định chạy vọt ra khỏi cửa. Nhưng những chuyển động của tôi không lọt khỏi mắt người đàn bà. Bà ta dáo dác ngó quanh rồi tức thì chĩa cái nĩa vào mặt tôi, hét lớn.
"CON ĐI ĐÂU?"
Tôi giơ hai bàn tay trước mặt nhằm xoa dịu tình hình, những ngón tay lạnh ngắt không ngừng run rẩy.
"Bà bình tĩnh. Cháu... cháu đi xem chị hầu chuẩn bị đồ ăn đến đâu rồi."
"Con không được đi đâu hết! Về phòng đi! Về phòng ngay cho ta! Khi nào ta bảo con đi con mới được đi, nghe rõ chưa?"
Vừa dứt lời, bà ta nắm lấy cổ tay tôi lôi đi xềnh xệch. Trong khoảnh khắc, tôi tưởng mình đã trông thấy một cảnh tượng deja vu, cũng là lối hành lang dài và hẹp, cũng là đám người đang giương mắt ra đứng nhìn. Tôi chẳng biết phải kêu ai, mà có kêu la cũng chẳng biết phải nói gì. Tôi chỉ có thể câm lặng để mặc bà ta tống tôi vào căn phòng cuối cùng tối tăm bụi bặm. Ngay khi cánh cửa sau lưng đóng sầm, tôi nghe thấy tiếng lịch kịch của thứ gì đó qua tấm ván gỗ. Chẳng ngoài suy đoán, dù có kéo tay nắm cửa bao nhiêu lần, tấm ván chặn lối vào vẫn chẳng hề nhúc nhích. Thật quen thuộc làm sao. Thật... cay đắng làm sao.
Tôi ngồi phịch xuống sàn, cố mò mẫm xem có chỗ nào nằm được. Căn phòng dường như chất đầy đồ đạc, vì mỗi khi giơ tay ra tôi lại chạm phải thứ gì đó nham nhám bám đầy thứ vật chất li ti. Cái nóng hầm hập và màn đen đặc kịt trước mắt dường như đã hấp thụ hết ô-xi khiến đầu tôi váng vất. Càng ngày tôi càng không thể nào thở nổi. Hẳn là bóng tối đang cuộn chặt lấy tôi và nhai nuốt tôi từng chút một. Thế là tôi nằm xuống trong trạng thái co ro như một con cuốn chiếu, một bên mặt áp xuống sàn, đôi cánh tay đan vào nhau rút vào trong thân thể, hai mắt nhắm nghiền, cố tưởng tượng trong đầu đã đến giờ đi ngủ, vì chỉ có chìm vào giấc ngủ mới khiến tôi quên đi thực tại này. Nhưng giấc ngủ chẳng hề đến nhanh như mong muốn.
Dẫu có tự vỗ về rằng sẽ không sao đâu, đã bao đêm dài tôi tự nhốt mình trong cái hộp ngủ trong căn chồi vắng bóng người mà tôi còn chẳng sợ, thì bao nhiêu thử thách này có nhằm nhò gì, nhưng những lo lắng viễn vông cứ bóp nghẹt buồn phổi tôi, khiến tôi khó lòng giữ được bình tĩnh. Trong giấc ngủ của tôi luôn có tiếng thở của Berry, thằng nhóc thường nằm cạnh cái hộp canh giữ tôi và đám động vật của tôi được an toàn. Giờ đây tôi chỉ toàn nghe thấy tiếng ho khan, tiếng bước chân chạy đôn chạy đáo, tiếng người đàn bà la hét và tiếng xì xầm của những kẻ đầy tớ trong nhà, giống hệt ngày xưa ấy.
Nhưng ngày xưa ấy là khi nào tôi cũng không rõ nữa. Tôi nghĩ thế, và tôi khóc.
Tôi chỉ sợ hãi, và sợ hãi. Tôi muốn trốn chạy khỏi đây, tôi muốn rời khỏi nơi này, nhưng tôi chẳng biết phải kêu ai. Liệu người ta sẽ giải thoát tôi khỏi nơi tối tăm cô độc này, hay sẽ lại mắng chửi tôi, hành hạ tôi, rồi lại đuổi tôi đi trong hình hài xác xơ tàn tạ. Và rồi tôi nghĩ giá như thời gian đừng trôi nữa, giá như tôi hoá thành hư không, để chẳng ai có thể trông thấy tôi, tổn thương tôi thì tốt biết mấy. Trong bóng tối, những giọt lệ nóng ấm cứ thế lăn dài, và tôi tự nói với chính mình:
"Thật nhục nhã."
Ngày hôm đó, tôi không rõ mình đã ở đó bao lâu, vì sau mỗi giấc ngủ tự ép mình để tránh né cái hiện thực mù mịt, tôi lại mở mắt ra trong trạng thái chẳng thấy gì. Dần dà tôi chẳng rõ mình đang tỉnh hay đang mơ, bởi cái nóng hầm hập làm cổ họng tôi khát khô vì mất nước, và cơn đói cồn cào cứ kêu gào trong bụng dạ khiến tôi ngày càng kiệt sức.
Bất thình lình giữa một cơn mê man, tôi nghe thấy tiếng người ta la hét, tiếng rầm rập của một đám đông, và không lâu sau là tiếng bước chân ai huỳnh huỵch chạy trên hành lang mỗi lúc một gần. Sau một loạt âm thanh di dời đồ đạc, cánh cửa đột ngột bị hất tung khiến ánh sáng ào vào loá mắt. Tôi không nhìn rõ người đứng ở cửa là ai, và dù giọng nói quen thuộc có vang lên đầy hào hứng, tôi cũng chẳng còn sức đâu để chú tâm nghe người đó đang nói gì. Chỉ đến khi đôi bàn tay nhớp nhúa dựng tôi ngồi dậy, ôm tôi vào lòng khiến cái mùi tanh tưởi sộc vào mũi, tôi mới nghe rõ từng câu từng chữ:
"Lão chết rồi con ơi! Lão chết rồi!"
"Đi khỏi đây thôi, chúng ta tự do rồi!"
------------------
[1] Tháp Danh Vọng: chỗ ngồi cao nhất tại Đại Quảng Trường Hemeti dành cho các quan chức cấp cao trong chính phủ.
[2] Ben: đơn vị tiền tệ Hemeti
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com