Khôi Tẫn - Phần IX ( Hoàn )
Khôi Tẫn - Phần IX (Hoàn)
Hôm ấy là một ngày trời không trong, mây không xanh.
Sáng sớm nay có một bưu kiện chuyển phát nhanh được gửi đến, bên ngoài đề người nhận là tôi, còn người gửi là bố và chú.
Đó là một ngày của tháng tư, năm thứ mười hai kể từ ngày chú Bác trải qua cuộc phẫu thuật cấy ghép thận năm nào, vượt qua lưỡi hái tử thần trong gang tấc, tranh giành mạng sống bằng tất cả mọi giá.
Hôm nay là sinh nhật lần thứ ba mươi mốt của tôi, cũng là năm thứ hai tôi trải qua sinh nhật mà không có bố.
Năm trước như thế, năm nay cũng vậy, sớm tinh mơ tôi đã nhận được một gói quà đến từ bố. Năm ngoái là ba chiếc đồng hồ gia đình, năm nay lại là ba chiếc áo ấm, kèm một lá thư viết tay đến từ người. Bố tôi, người vẫn luôn chu đáo như vậy.
Người đi rồi, vẫn có cách khiến tôi phải bật khóc...
"Vợ ơi, Tiểu Tranh lại khóc nhè đòi bố mẹ đưa đi chơi... Này Tiểu Ngọc, sao em lại khóc rồi?"
Đến lúc anh Nghiêm ôm chầm lấy tôi từ phía sau tôi mới biết, tôi đã ngẩn ngơ mà khóc gần một giờ đồng hồ rồi.
Hiện tại tôi và anh Nghiêm đã kết hôn được bảy năm, Tiểu Tranh là con gái duy nhất của tôi, năm nay cũng đã gần sáu tuổi.
Trưởng thành, lập gia đình sinh con rồi tôi mới hiểu được cái gì gọi là lòng cha mẹ bao la. Chẳng hạn như đứa trẻ nào mà không có chút ương bướng, Tiểu Tranh cũng vậy, cô bé ương ngạnh vô cùng, lại nhanh mồm nhanh miệng, đôi khi tôi phải kìm nén lắm mới không nộ khí xung thiên.
Nhưng bố mẹ tôi thì khác, bản tính tôi là bướng bỉnh từ nhỏ, thế nhưng bố mẹ tôi công bằng mà nói chưa bao giờ nóng giận vì điều đó. Bọn họ biết rõ những đứa trẻ như tôi ăn mềm không ăn cứng, luôn dùng sự kiên nhẫn vô bờ của bọn họ để nuôi dưỡng tôi đến ngày khôn lớn, chú Bác ở bên cạnh lại là một hậu phương vững chãi để tôi dựa vào, đặc biệt là khi cần lời khuyên hữu ích của những người đi trước. Thật lòng mà nói, Tiểu Ngọc tôi có lẽ là đứa nhỏ hạnh phúc nhất trên thế gian.
Có một người mẹ, lại có đến tận hai người bố...
Tôi vẫn nhớ như in chuyện cũ năm xưa trong tâm trí.
Tất cả bắt đầu bằng một chuỗi sự việc tưởng chừng không có hồi kết, từ chuyện bà nội ngã bệnh, chú Bác trở về từ Mỹ, định cư hẳn ở Trung Quốc. Nửa năm sau đó, chú Bác đổ bệnh nặng, chẳng bao lâu sau tôi lại phát hiện đoạn tình cảm giữa bố và chú Bác không hề đơn giản như tình anh em.
Còn cả việc tôi vốn không phải con ruột của bố nữa.
Tôi đã từng nghĩ rằng cuộc sống của tôi chỉ tràn ngập bế tắc, nhưng trong một phút thinh lặng nghĩ lại, tôi chỉ là người chịu ảnh hưởng nỗi đau một cách gián tiếp, còn đối với những người trực tiếp phải trải qua, phải gánh vác đủ loại trách nhiệm là mẹ, là bố, là chú, là bà, bọn họ đã phải cố gắng đến nhường nào mới có thể giấu nhẹm hết thảy đau khổ vào sâu bên trong cơ chứ.
Cuộc phẫu thuật năm ấy của chú Bác chính là một cột mốc đưa những suy nghĩ rối bời trong tôi trở về một hàng thẳng.
Đó là phút giây tôi quyết định, tôi phải sống cho những người thân đã vì tôi mà dẹp bỏ hết thảy ích kỷ của bọn họ.
May mắn rằng tôi của năm ấy đã không đến trễ, may mắn là cuộc phẫu thuật của chú Bác thành công tốt đẹp, mặc dù nó kéo dài hơn dự định hơn một giờ đồng hồ, do căn bệnh thận quái ác của chú Bác gây chứng thiếu máu, khiến tình trạng của chú Bác đã nguy kịch lại còn nguy kịch hơn.
Nhưng đến cuối cùng người không sao là tốt rồi.
Hai ngày sau khi chú Bác ra khỏi hậu phẫu vẫn luôn lâm vào hôn mê. Lúc ấy tôi rất sợ, rất sợ chú Bác không tỉnh lại nữa, mặc cho bác sĩ có giải thích với tôi rằng trạng thái của bệnh nhân sau phẫu thuật như thế là một điều rất bình thường đi chăng nữa.
Sự vắng mặt của bố lại càng khiến tôi sợ hãi.
Cái tên đầu tiên chú gọi khi tỉnh dậy, là "Tiểu Tiêu của anh."
Khi mắt còn chưa thể mở, khi đại não vẫn còn mơ hồ dưới ảnh hưởng của thuốc mê.
Bố vẫn luôn là ánh sáng duy nhất của chú, dù là trong vô thức, có phải không?
Bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật phải uống một lượng lớn thuốc, do cơ thể ở thời gian đầu hậu phẫu theo bản năng sẽ tự đào thải bộ phận không thuộc về chủ nhân, việc uống thuốc sẽ dần dần điều chỉnh cơ chế hoạt động của các chức năng bên trong.
Ngày đầu tiên cho chú Bác uống thuốc đúng là một nỗi khó khăn lớn, khi mà khoảnh khắc chú Bác mở mắt ra lại không nhìn thấy bố.
Ánh sáng nơi đôi mắt kia cú thế mà tắt dần, tắt dần...
Trong mỗi người chúng tôi lúc ấy đã có câu trả lời cho sự biến mất kì lạ của bố, nhưng ai cũng không dám nói ra.
Tôi không dám nói vì đau lòng, chú Bác không nói vì xót xa, vì tự trách.
Khoảng chừng ba ngày sau đó thì bố tôi xuất hiện trong bộ dáng gầy rộc, chiếc áo sơ mi sáng màu bố mặc cơ hồ cũng không thể nào che giấu đi sự tiều tuỵ của bản thân người nữa. Hậu phẫu không có người chăm sóc, có thể ổn sao?
Chỉ trách bệnh viện công tác bảo mật danh tính người hiến thận quá cao, tôi chẳng có cách nào có thể kiểm chứng, cũng không có cách nào có thể ở bên người lúc ấy.
Khoảnh khắc tôi nhìn thấy bố đứng một mình ở cuối hành lang, lén lút vốc một nắm thuốc viên trắng, tôi biết, tôi nghĩ không sai.
Cái giá phải trả cho mười năm cuối cùng bên nhau của chú Bác và bố, là một bên thận của người.
Người ta vẫn có thể sống với chỉ một quả thận, nhưng cuộc sống về sau của bọn họ thực sự không dễ dàng. Với chỉ có một bên thận hoạt động, ngay cả những điều nhỏ nhất từ ăn hay uống cũng trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Thế nhưng ngoài ủng hộ quyết định của bố, tôi chẳng thể làm gì khác.
Tôi cũng biết chú Bác dằn vặt, biết chú tự trách vì không thể ngăn bố tôi lại. Tôi biết, dù chú có phải ra đi, chú cũng không muốn liên luỵ đến bố tôi, cũng là người chú đã nhận định từ khoảnh khắc lần đầu gặp mặt.
Nhưng thời gian là liều thuốc chữa lành tốt nhất. Mỗi một tấc da thịt bố đầy đặn hơn cũng là lúc nếp nhăn trên ấn đường của chú Bác vơi đi một phần. Thời gian chú Bác ở lại bệnh viện theo dõi so với bố tôi thì dài hơn ba tuần. Sau một tháng, cuối cùng bố và chú cũng được trở về nhà, từ nay sẽ không còn phải nghe mùi thuốc sát trùng mỗi ngày nữa, cũng là lúc tạm biệt chiếc máy lọc máu đáng sợ mãi mãi.
Cũng gọi là một loại viên mãn nhỉ?
Có thể nói, mười năm ấy chính là mười năm hạnh phúc nhất của bố và chú. Mười năm nói dài thì không dài, nhưng tuyệt đối không ngắn chút nào. Đó là mười năm của sự thanh thản trong tâm hồn, khi mà lần đầu tiên, bọn họ được toàn tâm toàn ý mà biểu đạt tình yêu đã âm thầm kiềm nén bấy lâu, cũng chẳng còn một ai có thể cản nổi tình cảm vẫn luôn nồng cháy đầy nhiệt huyết của bọn họ nữa.
Điều nặng nề nhất, có lẽ chính là thời khắc mà bà nội tôi qua đời một năm sau đó.
Thời gian vốn dĩ bạc bẽo như thế, cuộc sống vẫn phải xoay vần, không ai có thể nghịch mệnh trời. Vòng tròn của sinh, lão, bệnh, tử, ai có thể tránh được?
Nuối tiếc, đau lòng, đương nhiên là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi ngày nhìn thấy bà sống một cách khổ sở chống chọi với bệnh tình mỗi lúc một nặng thêm, tôi lại càng không nỡ.
Mẹ tôi cũng dần dà lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống, cũng đã tìm được một người tri kỷ, thật lòng yêu thương mẹ. Người ấy tên Tạ Hi, nhỏ tuổi hơn bố tôi một chút. Ông rất tốt, là kiểu người mang trái tim từng trải thấu hiểu, sẽ không bận lòng đến quá khứ của mẹ, công việc lại ổn định, có thể lo lắng cho mẹ từng chút một. Mẹ cuối cùng cũng đã tìm được bến đỗ của cuộc đời, không còn mỗi ngày phải tranh đấu với nỗi khổ trong tâm nữa. Ông ấy cũng rất tốt với tôi, cũng sẽ quan tâm mà hỏi han tôi hằng ngày, thi thoảng sẽ nói những câu đùa bâng quơ để kéo tôi lại gần hơn.
Tôi không đi tìm bố ruột của mình, suy cho cùng, ơn dưỡng dục nặng hơn ơn sinh thành, tôi còn có thêm một người bố thứ ba là dượng Tạ nữa, đối với tôi đó đã là rất đủ rồi.
Ngày tôi lên xe hoa với anh Nghiêm, bố và chú đã từng tranh luận rất lâu xem ai sẽ là người nắm tay tôi đến lễ đường. Bố tranh đến đỏ cả mặt, người đầu hàng trước lại là chú Bác. Chú chỉ nín cười mà nói "Anh chỉ đùa với em thôi, Tiểu Chiến ngốc." Bố nghe thấy thì tức giận đánh vào vai chú một cái nhìn thì rõ đau, nhưng lại chẳng mang bao nhiêu phần lực.
So với đoạn thời gian bọn họ chiến tranh lạnh với nhau khiến tôi sợ đến dựng tóc gáy, khi bọn họ ngọt ngào ở bên nhau lại khiến tôi nổi da gà.
Cả hai đều nặng lên không ít cân, da dẻ hồng hào lắm, bao nhiêu năm trôi qua vẫn chẳng hề già đi chút nào.
Chí ít là không già đi trong lòng tôi.
Hoặc đó là kết quả của tình yêu nuôi dưỡng đi...
Chú Bác khoẻ lại nhưng cũng không đến bệnh viện làm nữa, thay vào đó lại trở thành giáo sư nghiên cứu bán thời gian ở trường đại học Y Thiên Tân, bố lại quay về làm huấn luyện viên cho đội tuyển bóng rổ cấp thành phố, cũng bán thời gian. Chú tan làm sẽ đứng đợi bố ở nhà thi đấu thành phố, bọn họ sẽ cùng đi chợ, cùng nấu cơm, thi thoảng còn gửi đồ ăn tự nấu sang cho mẹ và tôi.
Ban ngày ở bên ngoài rong ruổi, buổi tối bọn họ sẽ nắm tay cùng nhau đi dạo, hai chiếc nhẫn cưới có chút cũ vẫn như xưa lấp lánh trên ngón áp út quấn quít không rời. Bố và chú sẽ nhẹ giọng kể cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra trong ngày, một người nói, một người sẽ say sưa lắng nghe không dám bỏ sót chữ nào.
Tôi cũng từng hỏi ý kiến bố và chú, rằng họ có muốn tổ chức một lễ cưới đúng nghi thức trang hoàng không, có muốn tìm một đôi nhẫn đẹp hơn không.
Bố lừ mắt nhìn tôi đáp "Vớ vẩn", chú Bác lại cười khoái chí chọc ghẹo hỏi "Tiểu Tiêu, gả cho anh một lần nữa có được không?", trông bộ dáng đặc biệt không đứng đắn.
Cuối cùng bọn họ vẫn không tổ chức lại lễ cưới. Lí do bọn họ cũng chưa từng nói cho tôi, nhưng tận sâu trong đáy lòng, tôi hiểu, thời gian của bọn họ quá ít, chắc chắn sẽ không vì những thứ phù phiếm mà phung phí thời gian trân quý ở bên nhau.
Khi đã yêu một người, một ngày hai mươi bốn tiếng, chỉ sợ cũng không đủ đâu.
Lễ tết một nhà sáu người luôn quây quần bên nhau, sau lại có thêm Tiểu Tranh trở thành bảy. Con bé đáng yêu lắm, bập bẹ gọi ông ngoại lớn ông ngoại nhỏ loạn cả lên. Hai ông ngoại lại cười khà khà thoả mãn, đòi bắt về nhà ở cùng, khiến anh Nghiêm ôm con giả vờ sợ hãi trốn biệt tích.
Tôi không biết khái niệm của người khác thế nào là viên mãn, nhưng đối với tôi, đó đã là trọn vẹn.
Chú và bố rất hay sang Mỹ, mỗi năm Giáng sinh sẽ không có ở nhà, chỉ gửi quà về mà thôi. Vài lần tôi chọc "Có phải bố muốn ôn lại kỉ niệm xưa hay không?", người như thế mà lại đỏ mặt ấp úng.
Tôi nghĩ bọn họ cũng nên dành thời gian riêng nhiều một chút, xem như bù đắp cho tuổi trẻ đã lãng phí. Đời người có bao dài chứ, sống thật vui vẻ là được. Bọn họ đã sống vì người khác quá lâu rồi...
Song mười năm ngoảnh lại, dù cho tôi có cố chấp đến mấy, sự thật không thể chối cãi vẫn là... bọn họ mỗi ngày đều đang già đi, thời gian cũng chẳng vì ai mà dừng lại cả.
Vào một ngày đầu tháng hai, khi tiết trời vẫn còn lạnh đến xuyên thấu thịt da, từng bông tuyết nhỏ vẫn lặng lẽ phủ rợp một góc trời trên từng con phố Thiên Tân rộng lớn mông mênh, tôi nhận được cuộc điện thoại của chú.
Đầu dây bên kia chỉ nói một câu, sau đó liền đột ngột cúp máy.
Bố tôi... đi rồi.
Tôi đánh rơi chiếc điện thoại xuống sàn gỗ. Âm thanh của kim loại va đập vang một tiếng vô cùng chát chúa, khiến Tiểu Tranh bốn tuổi đang ngủ bị bừng tỉnh mà khóc lớn, màn hình điện thoại dưới kia cũng vỡ nát thành từng mảnh nhỏ.
Tan vỡ giống như cảm xúc của tôi lúc ấy vậy.
Dù tôi đã chuẩn bị tâm lý, dù hơn ai hết tôi rõ ràng...
Tôi của lúc ấy quá mức đau thương mà chẳng thể làm được điều gì khác, mọi thứ trước mắt cứ như một cơn ác mộng khiến con người ta không dám nhìn thẳng. Tang lễ từ đầu đến cuối đều do một tay anh Nghiêm, mẹ và dượng Tạ Hi lo liệu, chú Bác hoàn toàn rơi vào lặng thinh, chỉ im lặng quỳ bên linh cữu của bố, ngay cả mắt cũng không chớp.
Chú không hề khóc. Ba ngày ba đêm, gương mặt tinh xảo ấy vẫn duy trì một biểu tình.
Tôi nghe người ta nói, khi nước mắt không thể rơi, là trong lòng đã chết.
Lễ tang của bố đông nghịt người, từ đồng nghiệp của mẹ, đồng nghiệp của bố cho đến học trò nhiều năm của bố đều đến đủ. Nhà tang lễ phủ rợp một trời hoa, tiếng nhạc sầu não phát từ loa cứ vang lên trong vô vọng, khiến Tiểu Tranh vẫn chưa hiểu chuyện cũng không nhịn được mà khóc lớn.
Tiểu Tranh cứ luôn miệng nói "Con muốn chơi với ông ngoại lớn và ông ngoại nhỏ". Tiểu Tranh lúc ấy không hề biết, từng lời ngây thơ của con khiến lòng tôi lại vỡ đi thêm một phần.
Chú Bác động cũng không động, ai nói cũng không nghe vào tai, kiên định quỳ ở mệt bên, không một ai có thể lung lay người.
Đến tận khoảnh khắc ấy tôi mới hiểu ra ý nghĩa của cuộc đối thoại tôi đã nghe trộm của bố và chú năm nào, về một người mang cái tên Hạ An, và một người có tên Hạ Mặc.
Ông trời quả thực biết cách dày vò người ta mà.
Ngày chôn cất bố, đoàn người đưa tang mặc đồ đen đi từ nhà tang lễ đến khu nghĩa trang dài bốn góc phố, nhưng trong số người đông nghịt ấy lại không hề có chú Bác. Tôi của lúc ấy cơ bản là cũng chẳng còn tâm trí cho chuyện khác, đến tận khi buổi lễ kết thúc tôi mới nhận ra, chú Bác vẫn không thấy bóng dáng.
Nghĩa trang rộng lớn đến kinh hồn, tôi guồng chân chạy mãi, tìm đến mọi tầng ngóc ngách nhưng vẫn không thể tìm thấy chú.
Lúc ấy tôi đã nghĩ, có lẽ nước mắt chú cuối cùng cũng không thể khống chế nữa rồi. Anh Nghiêm nói với tôi rằng, tôi nên để chú một mình ngay lúc này.
Đây là thời khắc mọi câu an ủi đều sẽ trở thành dao găm, cứa vào nỗi đau đến quặn thắt tim gan. Tôi hiểu điều ấy, vậy nên tôi chỉ lặng lẽ gật đầu với anh, âm thầm đồng tình, cùng anh trở về nhà.
Tận đến sáng sớm hôm sau khi thăm mộ bố, tôi mới tìm thấy chú Bác.
Ngày hôm ấy bầu trời âm u một màu xám ngoét, tuyết trắng rơi vô cùng nặng hạt, phủ kín một tầng dày khắp nghĩa trang, kéo theo một ngọn gió đông vẫn chưa kịp tiêu tán đi...
Chú Bác an tĩnh dựa một bên vai cạnh bia mộ mới đắp của bố, trên tay cầm một nhành hoa anh túc đỏ tươi như màu máu, rơi ở bên chân chú lại là một lọ chất lỏng đã hoàn toàn trống rỗng. Mặc cho tuyết rơi lặng lẽ vô tình phủ trắng xoá thân thể đã sớm đông cứng của chú Bác, tôi vẫn nhìn thấy rõ ràng mười đầu ngón tay còn vương một màu nâu đen đất ướt của người.
Ngôi mộ mới chỉ cất hôm qua, hôm nay đã được điểm tô bằng hàng dài hoa anh túc đỏ đang oằn mình diễm lệ khoe sắc, mặc cho chính bản thân nó cũng rõ ràng, cánh hoa mỏng manh ấy chẳng thể nào sống sót qua nổi đợt tuyết đầu năm mới khắc nghiệt của Thiên Tân phương Bắc.
Tôi nhận ra loài hoa anh túc lạ lùng ấy, chính là vì trên tay bố tôi, từ rất lâu rồi, cũng có hình xăm một đoá hoa anh túc đỏ rực sống động như thế.
Tôi hét gọi đến khản giọng, nhưng chú mãi không trả lời tôi.
Và sẽ chẳng bao giờ có thể trả lời tôi nữa.
Ở thời khắc tìm thấy chú năm ấy, tôi bỗng chợt nhận ra, cái gì gọi là chân tình, là chân tâm.
Nuôi dưỡng một cảm xúc, đi một con đường dài từ những ngày tháng tương tư khổ sở cho đến khi nhận ra nhau, yêu say đắm trong sự đấu tranh, sau lại phải vì trách nhiệm mà đành buông tay nhau, gạt lệ tự mình đi về một con đường ngược hướng.
Trải qua vô vàn thăng trầm, nhiều bận thập tử nhất sinh, họ lại một lần nữa tìm thấy nhau, ở bên nhau thật trân trọng và hạnh phúc cho đến những ngày tháng cuối cùng của sinh mệnh.
Mang trong mình một mối tình ngược chiều gió, hỏi thế gian còn ai có thể kiên định như thế giữa vạn dặm chông gai?
Dùng mười năm của bản thân, đổi lấy mười năm của người thương.
Hoa nở rồi lại tàn, đời người, có phải chăng cũng chỉ ngắn ngủi như thế mà thôi?
Tôi thoáng chợt nhận ra, mẹ hình như vẫn còn một điều giấu tôi.
Tên của tôi, Tiêu Ngọc, không phải được đặt theo ba chữ An Giai Kỳ của mẹ.
Chữ "Ngọc" trong tên tôi, bỏ đi một nét, liền trở thành chữ "Vương" (*), trong Vương Nhất Bác.
"Tiêu Vương", nhận định một lần, mặc định cả đời...
"Mẹ ơi." Tiểu Tranh đã tỉnh dậy từ lúc nào, nhẹ nhàng kéo áo tôi nũng nịu, kéo tôi quay trở về thực tại. Bé con vẫn còn ngái ngủ, hai hàng nước mắt còn đọng trên cánh mi mỏng mềm mại, khuôn miệng nhỏ không ngừng ngáp dài, đáng yêu đến mức tôi quên cả việc bản thân vẫn đang khóc.
"Mẹ, sao mẹ lại khóc?" Bé con vừa dùng đôi tay nhỏ xíu xoa lên mắt tôi, vừa tròn đôi mắt ngây thơ hỏi.
"Mẹ chỉ nhớ ông ngoại lớn, ông ngoại nhỏ của Tiểu Tranh một chút thôi." Vuốt khẽ mái tóc mềm của bé con, tôi nhẹ nhàng đáp lời Tiểu Tranh.
Tiểu Tranh nở một nụ cười sáng trong, khe khẽ kéo tay tôi.
"Mẹ, ông ngoại lớn và ông ngoại nhỏ đang ở với chúng ta mà, mẹ vẫn nhớ sao? Tiểu Tranh nhìn thấy ông ngoại lớn và ông ngoại nhỏ đang vẫy tay với mẹ, mẹ mau vẫy lại đi."
Bé con này, chưa lớn đã biết cách an ủi bố mẹ rồi.
Tôi khẽ hạ người, quỳ trước mặt Tiểu Tranh cho vừa ngang tầm với con "Tiểu Tranh nói thật sao?"
Bé con gật đầu quả quyết "Tiểu Tranh nói thật. Ông ngoại lớn cũng đang xoa tóc ông ngoại nhỏ. Mẹ nhìn xem."
Tôi tò mò nhìn nương theo hướng tay của Tiểu Tranh, ở một nơi nào đó tận sâu trong đáy lòng, tôi cũng ước gì những lời bé con nói là sự thật, nhưng tôi nhìn mãi, trước mắt tôi vẫn chỉ là khoảng không hư vô.
Cuối cùng, tôi vẫn đưa tay vẫy theo hướng Tiểu Tranh đã chỉ. Ừ, cứ cho là tôi không thấy, nhưng tôi tin, tin họ vẫn đang hạnh phúc ở bên nhau, vẫn luôn ở một nơi nào đó dõi theo chúng tôi.
Bất chợt, hình như bầu trời vừa rực sáng.
HOÀN.
(*) Chữ "Ngọc" trong Tiêu Ngọc 玉
Chữ "Vương" trong Vương Nhất Bác 王
————————————————
Mọi người buổi sáng hảo ♥️
Vỡ đã hoàn rồi, không biết mọi người nghĩ như thế nào về cái kết ạ? Đối với T, thực sự, đó là HE có thể nhất mà t có thể đem đến... T thực sự xin lỗi nếu cái kết chưa đủ thoả đáng, làm bạn thất vọng : (
Cảm ơn mọi người đã vẫn còn ở đây, thú thực là khi đặt bút viết cốt truyện này t không hề nghĩ sẽ còn bao nhiêu người ở lại cả, thực cám ơn mọi người đã cùng T đi qua chặng đường dài mà vẫn ở đây, từ Lạc qua đến Vỡ. Rất hy vọng trong tương lai sẽ gặp lại những người bạn cũ ở Tích và Tẩy Tẫn Duyên Hoa. T lấy hết bình sinh tác giả để thề, cả hai bộ này sẽ đều là HE, Tích sẽ thuộc sủng, hơi ngược và Tẩy Tẫn sẽ là ngược á.
Yêu thương mọi người rất nhiều, hãy để lại cmt cho t nhé huhu ♥️
À Thảo quên mất, thảo định viết phiên ngoại của 10 năm đó, ko biết mọi người thấy sao ạ?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com