4. Sĩ phu
Nguyên Trừng nặn ra một nụ cười, đáp:
- Cũng chỉ là vài đêm mất ngủ, chẳng có gì to tát, đồn ra nghe thật buồn cười. Mấy hôm rồi ta sợ ngươi bận bịu chuyện dạy học cho bọn trẻ, cũng rất muốn nói chuyện mà không dám triệu đến nhàn đàm, thật may là có duyên hội ngộ.
- Phải là vinh hạnh của hạ thần mới đúng.
Hắn cất kiếm, sai người dâng trà, rồi đích thân mời Truy Viễn vào gian nhà chính, chẳng kịp để ý mấy tiếng chí chóe ngoài sân.
- Ta đã nói với anh rồi mà! - Trước khi đi, Hiên dài giọng với Nhật Túc. - Chẳng may ban nãy mà có chuyện gì không hay...
Người kia cũng chẳng chịu thua:
- Thế trăm sự lần sau nhờ cô hết, học nhiều chữ vào để ăn nói văn hoa uyển chuyển hơn ta, may ra sẽ cứu vãn được tình hình đó.
- Còn anh thì nên bớt chữ, mong sao cho đỡ nhiều lời nhỉ?
Qua cửa, vị thầy nho thong thả ngồi xuống, không quên nhìn ngắm cảnh vật từ lúc bước vào phủ, buột miệng khen:
- Cảnh trí giản dị mà không bị sơ sài, chẳng cần cầu kỳ nhưng góc nào trong tư dinh cũng rất dụng tâm.
Nghe thấy lời thốt ra từ kẻ trạng mạo nho nhã kia, Nguyên Trừng vẫn thấy có phần hổ thẹn, ngay cả khi có người thực sự đặt chân đến phủ đệ của hắn mà cảm thấy thư thái đi chăng nữa. Hắn lắc đầu:
- Phải là không có mắt nhìn nên mấy chuyện cây cảnh này ta chỉ biết để qua loa thế thôi.
Sâu trong lòng hắn chỉ là một ý nghĩ, rằng một khi chưa phải ngày dân khang vật thịnh, xa hoa mới thật sự là thứ chướng mắt. Lúc đó, không cần người ta chê cười, tự hắn cũng thấy thừa thãi.
- Tướng quân không cần phải khiêm tốn. - Người đối diện bật cười, phóng tầm mắt ra bên ngoài. - Cứ nhìn mấy cây tùng ngoài kia là rõ, cắt tỉa cẩn thận, thế của từng cành đều hòa hợp, tổng thể trật tự đâu ra đó.
- Chẳng qua là cây tùng dễ chăm, vứt ra chỗ nào cũng sống được mà không phải tưới tắm. - Hắn nói, cố kìm xuống lòng mình một cảm xúc vừa chớm cựa mình.
- Vậy chẳng phải là "trinh tùng kính bách" (14) sao?
- Ta không nghĩ nhiều như thế đâu.
Truy Viễn lắc đầu:
- Mấy chuyện vườn tược thế này, cứ là bản chất thuần phác, nhàn lạc thì không cần màu mè cũng tự có nét đẹp.
Nguyên Trừng mỉm cười, lại tự tay rót thêm trà để mời người đối diện. Tiếng nước chảy vang lên giữa giọng nói của hắn:
- Đúng là càng nghe càng thấy hổ thẹn.
Người đối diện nhìn quanh một lần nữa, càng lúc càng thấy tâm đắc:
- Thần không hề quá lời, phải là nơi như này mới thật sự thích hợp để thanh tâm tĩnh trí.
Nghe đến câu vừa rồi, Nguyên Trừng chợt thấy lạnh lòng, không biết phải đáp sao cho thỏa. Trong lúc hắn rối dạ, Truy Viễn từ tốn cầm lấy tách trà, cảm nhận làn hơi mỏng quanh miệng chén, len cả mùi thơm thanh tao giữa ngày lạnh. Nếu nói là nhã phẩm thì cũng chưa phải, nhưng cả hương lẫn vị đều rất trọn vẹn, không thiếu không thừa. Thầy nho quay qua hỏi hắn:
- Thần mạo muội muốn biết, trà này là do ai pha vậy?
Nguyên Trừng nhìn sang Hiên đang đứng bên cạnh:
- Đây là gia nô chuyên lo chuyện trà nước trong phủ ta. - Nói rồi, hắn ra lệnh cho nàng, bàn tay khoát ra hơi mạnh. - Ngươi mau đi pha thêm một chút nữa, nhớ là không được vội vàng, đừng làm khách của ta mất hứng.
Đợi đến khi Hiên hiểu ý và ra ngoài, hắn mới hít một hơi thật sâu, dường như là để tìm câu chữ thích hợp:
- Về chuyện nghỉ ngơi, thú thật với ngươi là...
Truy Viễn thấy người trước mặt dừng lời, dường như nhận ra hắn có chuyện quan trọng cần nói:
- Ngài còn chuyện gì vướng mắc sao?
Kìa mắt mờ trông ngật ngưỡng thu
Lửa thiêu, cỏ đốt, tiếc người tu
Mưa đày, lũ chạy, trời tăm tối
Rỏ máu vượn kêu khóc kẻ mù.
Nguyên Trừng đọc từng lời thơ lên, một mạch không chần chừ khiến Truy Viễn ngạc nhiên tột độ. Chén trà trên tay hắn tự dưng trở nên nặng nề và có phần bỏng rát.
- Cái này... - Dường như vị thầy nho còn đang tìm cách hiểu chuyện gì vừa diễn ra.
- Cơn ác mộng hằng đêm của ta, mỗi lần đều có mấy lời đó vang lên. - Nguyên Trừng giải thích. - Ngươi là kẻ học rộng, nói về chuyện văn chương thì hẳn cũng là tao nhân mặc khách (15). Nay có dịp may gặp lại, đành phải nhờ bậc túc nho như ngươi giải đáp giúp.
Cơn rùng mình ập đến, Truy Viễn vẫn biết người trước mặt có điều băn khoăn, chẳng ngờ mọi thứ lại đột ngột như vậy. Cảm giác từ thời khắc này của cuộc trò chuyện, y sẽ phải tìm lời lẽ thật thích hợp để đáp. Y mạo muội, con ngươi đen như muốn long ra:
- Khẩn xin tướng quân đọc lại một lần nữa.
Hắn làm theo, từng câu chữ cất lên đều mang một sự quặn thắt, phút chốc giày vò hắn trong thứ xúc cảm dai dẳng khó nói thành lời. Truy Viễn chưa thể thốt ra gì ngay, bốn bề chợt tĩnh lặng, khiến cho khoảng không giữa hai người trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Nguyên Trừng hít một hơi thật sâu, còn chưa kịp định thần để thực sự tỉnh táo lại thì đã thấy người kia quỳ rạp dưới chân:
- Thứ lỗi cho hạ thần ngu dốt, thật sự ý tứ trong bài quá mơ hồ, hẳn là còn nhiều chỗ uẩn ảo. Nhất thời...
Dù hơi thất vọng, nhưng Vệ vương cũng đã lường trước. Hắn đành lắc đầu:
- Không sao, có thể do ta mơ mấy giấc hoang đường. Nếu nó vốn là thứ vô nghĩa thì sao lại phiền đến ngươi giải ra cho bằng được chứ.
Truy Viễn lại cúi đầu sâu hơn, nhưng lời lẽ lúc này đã càng thêm chắc nịch:
- Hạ thần mạo muội xin thêm đúng một tháng nữa để nghiền ngẫm. Nếu không thể cho tướng quân một câu trả lời thỏa đáng thì kẻ ngu tối này nguyện cáo mũ từ quan.
Nghe đến đây, Nguyên Trừng thực sự hoảng hốt:
- Hà tất phải như vậy, vốn dĩ chuyện này...
Lời Truy Viễn càng thêm thống thiết:
- Hạ thần nhờ có hoàng ân mới được trọng dụng, bấy lâu luôn dạy cho lũ trẻ biết dốc hết tài học để phụng sự triều đình, vậy mà người làm thầy nay được tin cẩn lại chưa thể giúp được gì, thật hết sức hổ thẹn. Xin tướng quân cho ta thêm một cơ hội, nhất định...
- Được rồi, được rồi. - Nguyên Trừng thở dài, tiến đến đỡ lấy người trước mặt. - Ta đã hiểu ý ngươi, chuyện này cứ vậy mà làm đi.
Dường như còn cảm thấy hơi ân hận, hắn nói thêm:
- Nhưng ta mong ngươi hiểu là không cần phải tự trách đâu.
Trước khi đứng hẳn dậy, Truy Viễn nói một lời cuối:
- Cho dù có chuyện gì xảy ra, xin tướng quân hãy thật kiên gan. Chí lớn không phải một ngày mà thành, sẽ có những chuyện phải chấp nhận hi sinh.
Càng là những chữ cuối, Truy Viễn càng cố dặn lòng phải nói ra cho thật rành mạch rõ ràng. Nguyên Trừng hiểu ý, chỉ biết gật đầu thay lời muốn giãi tỏ.
Nhìn ra ngoài kia, mới thấy trời đông đã đến độ ngày một rét buốt.
Tối đó, cho dù đầu óc còn chất đầy suy nghĩ sau cuộc nói chuyện với Truy Viễn nhưng hắn vẫn dạy Hiên viết chữ. Người làm thầy mà lại nản trước trò, dù sao cũng là điều không hay lắm. Huống chi việc học càng là chuyện phải đều đặn hơn tất thảy.
Giữa thư phòng, ánh đèn vẫn nhàn nhạt, chỉ khác là trăng hôm nay chẳng tỏ bằng ngày trước. Nhìn qua khung cửa, thấy một khoảng trời hoài viễn, mênh mông. Nguyên Trừng kiểm tra lại những chỗ mình từng dạy Hiên:
- Chỗ này ngươi nhớ được chưa?
- Con... - Hiên đáp một cách ngắc ngứ, cảm thấy có lẽ bản thân còn phải cố gắng gấp nhiều lần nữa thì may ra mới đọc được. - Cái này...
Dường như đã lường trước phần nào, Nguyên Trừng không nói gì, chỉ đi về chỗ mình hay viết chữ, lệnh cho nàng mài mực:
- Mau lại đây đi.
Nàng e dè:
- Dạ..? Con chưa hiểu...
- Dục tốc bất đạt, chưa cần phải vội vã, có ép uổng đọc thì cũng vậy. - Nguyên Trừng vừa nói, vừa trải giấy ra, cố nén một tiếng thở dài. - Đứng nhìn ta viết cũng được, trong lúc đó thì tự ngẫm lại xem, biết đâu lại nhớ ra thì sao.
Hiên nghe theo, nhanh nhảu chạy đến bên nghiên mực, còn không quên chỉnh cho đèn hắt đúng chỗ, bóng đen không rọi vào khoảng cần nhìn. Tưởng đùa mà hắn lại chẳng hỏi nàng nữa thật, tuyệt nhiên không oán trách, tự dưng càng khiến nàng thêm áy náy. Bỗng dưng, nàng nghĩ đến một ý:
- Hay đức ông thấy dù sao con không có hi vọng gì nên chẳng cần phải...
Nguyên Trừng chau mày:
- Toàn nói linh tinh.
Hiên chẳng dám hé ra lời gì nữa. Thực ra lúc trước khi đi hẳn khỏi chỗ hắn và Truy Viễn nói chuyện, nàng đã thoáng nghe thấy bài thơ đó, thứ mà hắn chưa từng kể ra với ai. Vậy nên nàng mới chợt nghĩ, không phải nàng không muốn học, mà là không biết phải học đến bao giờ mới thạo để cầu mong có ngày giúp được chủ nhân vơi bớt sầu muộn. Thử nghĩ mà xem, đến cả thầy nho bao năm cũng chịu chết, đức ông cũng biết là sự học vất vả khó thành, chẳng biết còn có ngày đến lượt nàng hiểu được mấy thứ thâm viễn sâu xa không.
- Lại mải nghĩ gì thế? - Nguyên Trừng hỏi, sau khi thấy tay nàng có phần chậm chạp hơn thường ngày.
Hiên giật băn mình, lắc đầu nguầy nguậy:
- Dạ không ạ...
- Nghĩ xem làm cách nào để bắt ta đi ngủ sao?
- Đâu có... - Hiên bặm môi, rồi lại trình bày. - Mà dù có muốn cũng là mong đức ông bảo trọng thôi mà. Nếu thực sự biết cách làm thế nào, con đã không cam tâm đứng đây làm chuyện mài mực vô tri.
Hắn lắc đầu:
- Đừng nhầm, mài mực đâu phải chuyện vô tri.
- Con thấy nó cũng chỉ là đứng nhấn tay xuống thôi mà.
- Nhìn đi, ngươi lơ đãng nên mực đặc quá rồi kìa, như này khỏi cần chấm bút, hay để lấy tay bôi ra luôn cho tiện.
Hiên lúi húi đổ thêm chút nước, kết quả là vì quá tay nên lại thêm lỏng quẹt. Nàng luống cuống, Nguyên Trừng cười, rồi chỉ tay vào vật trước mặt:
- Không cam tâm thì cũng phải cố thức mà mài mực. Nếu ngươi nhớ bài thì được nghỉ, khi đó ta cũng sẽ không viết nữa.
Hiên nghe lệnh một cách miễn cưỡng. Nàng cúi xuống, điều chỉnh lực tay, tỉ mỉ theo dõi từng giọt mực chảy xuống nghiên dưới ánh nến loang mờ, giọng vẫn hơi ấm ức:
- Vậy từ hôm sau con sẽ cố đọc làu làu, biết đâu thuộc quá rồi sau này đức ông phải gọi người khác đến mài mực.
Hắn lại quay sang cốc đầu nàng:
- Được vậy thì tốt, không mong mỏi gì hơn.
___________________
(14) Tạm hiểu là khảng khái, vững chãi như tùng bách. Trích trong "Bốn câu đề vịnh về nơi ở của lang trung Thạch Dụ Khanh" của Nguyên Hiếu Vấn 元好問 - một nhà thơ Trung Quốc cuối nhà Kim đầu nhà Nguyên, nguyên văn chữ Hán :"贞松劲柏四时春,霁月光风一色新。"
(15) Chỉ người sành văn chương.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com