Chương 32: Hội Khỏe Diễn Ra (2)
Thấy Vi được cô y tế chăm sóc tận tình, bên cạnh còn có Nhật đứng trực như vệ sĩ. Kiều giao cô bạn dấu yêu cho Nhật, nhờ cậu chăm sóc Vi một lúc còn mình thì chạy ù xuống sân cho kịp giờ thi đánh cầu.
Phần sân thi của môn đánh cầu được xếp đối diện chỗ ngồi của phụ huynh. Thầy phụ trách bộ môn cầu lông điểm danh từng vận động viên một, gọi tên Mỹ Kiều đến lần thứ ba thì nhỏ mới xuất hiện. Kiều biết mình đến trễ nên gập người xin lỗi thầy ngay, sau đó chui vào hàng chờ đến lượt mình. Do đến trễ nên Kiều không được phép bốc thăm, vận động viên cuối cùng sẽ được ghép sẵn. Nhỏ đứng ngay ngắn trong hàng, tay siết chặt cán vợt, đầu cúi gầm xuống đất. Đối diện với vị trí Kiều đang đứng, người phụ nữ mặc đồ complete cũng đang liếc mắt nhìn. Tuy cách nhau một khoảng xa nhưng Kiều vẫn cảm nhận được áp lực nặng trịch đè lên vai mình, sự ngột ngạt này quá đỗi quen thuộc. Nó đã xuất hiện kể từ khi Kiều biết học là gì. Nhỏ bắt đầu cảm thấy chán ghét sự bó buộc vô hình này.
Tại sao mình phải cúi đầu? Mình đứng ở đây để khẳng định bản thân cơ mà!
Ý nghĩ lóe lên trong đầu Kiều tựa như tia sét đánh thức can đảm trong nhỏ. Kiều dần nhớ ra vì sao mình đứng ở đây, vì cái gì mà bản thân dốc sức rèn luyện cầu lông. Tất cả chỉ vì nhỏ muốn khẳng định bản thân, muốn cho mẹ biết rằng mình đã lớn, có chính kiến riêng. Kiều ngẩng đầu lên nhìn mẹ, ánh mắt ngập tràn quyết tâm.
Phản ứng của Kiều làm bà Nguyệt bất ngờ, thái độ cứng rắn và ánh mắt kiên định kia khiến bà hoài nghi. Liệu con bé cầm vợt kia có phải là con gái của bà không? Lần đầu tiên bà thấy nó quyết tâm đến mức này.
Vòng loại đầu tiên diễn ra suôn sẻ, Kiều và ba người nữa lọt vào vòng trong. Hai vận động viên khác thi trước. Một lát sau đã đến lượt Kiều cầm vợt ra sân. Đường giao cầu đầu tiên bay lên, quả cầu lông nhẹ tênh bay vun vút qua tấm lưới giăng. Đối phương đánh trả, nhỏ Kiều vung vợt đánh tới. Cứ như thế liên tục mấy nhịp, tốc độ đánh cầu của nhỏ càng lúc càng nhanh, đối phương rơi vào hoảng loạn dẫn đến việc cầu chạm đất ba lần. Đối phương bị loại.
Bà Nguyệt ngồi ở hàng ghế đầu tiên, âm thầm đánh giá biểu hiện của con. Bà không ngờ con gái mình lại đánh cầu lông tốt như vậy. Hiếm khi thấy Kiều chơi môn này vì phần lớn thời gian là ngồi vào bàn học. Nhìn con bé cầm vợt tung cầu trên sân, nụ cười mãn nguyện mỗi khi đối thủ trượt cầu, sự tự tin hiện rõ trên mặt. Quá khác! Con bé này khác hẳn với đứa con gái ù lì cục mịch ở nhà. Mỗi tối nó ngồi vào bàn học với gương mặt vô cảm, lật sách như máy móc. Cùng một đứa trẻ nhưng biểu hiện giữa ban đêm và ban ngày khác biệt vô cùng. Hay nói cách khác, Mỹ Kiều ở nhà và ở trường là hai người khác nhau.
Bất giác bà Nguyệt rơi vào trầm ngâm. Khi bà bước đến trường, ngồi xem Kiều thi đấu, bà mới phát hiện ra con gái mình còn có mặt năng động trẻ trung như vậy. Tại sao khi ở nhà nó không biểu hiện như thế? Vì nó bị áp đặt đến nỗi phần năng động trong người bị đè bẹp. Một câu trả lời lạ lẫm xuất hiện trong đầu khiến bà sửng sốt. Bà bàng hoàng hướng mắt nhìn Mỹ Kiều trên sân. Ông thầy thể dục đang thảo luận riêng với Kiều, thầy khen con bé đánh tốt lắm. Nhận được lời khen như được tiếp thêm sức chiến đấu, miệng con bé cười tươi như hoa, ánh mắt hiện rõ sự quyết tâm tuyệt đối. Lần trước được bà khen ngợi con bé cũng cười như thế nhưng đó là lần nào bà cũng chẳng còn nhớ. Dường như đã rất lâu rồi bà không khen nó như vậy.
Vận động viên được nghỉ ngơi mười phút, sau đó lại tiếp tục hiệp đấu cuối cùng. Lần này đối thủ của Kiều là Thương 12A9, bạn này từng nằm trong đội tuyển của trường, là một tay vợt hạng A. Theo như Kiều đánh giá thì đây là đối thủ khó nhằn, nguy cơ mất huy chương vàng của nhỏ lên tới sáu mươi phần trăm. Kiều xoay xoay vợt trong tay, kiêng dè nhìn Thương. Cô bạn này có sự tự tin nhất định, nhếch miệng cười khiêu khích đối phương. Hành động thăm dò đôi bên khiến trận đấu tăng nhiệt.
Thầy thể dục gọi hai người vào vị trí. Rất nhanh sau đó đối phương giao cầu, tốc độ và lực đánh mở đầu khá nhanh. Kiều tập trung cao độ quan sát đồng thời tay chân phản xạ theo hướng cầu bay, nhỏ vung tay đập cầu. Quả cầu lông bay theo hình đường cung, đối phương bung cầu đáp trả ngay lập tức. Nhịp đánh của Thương quá nhanh, Kiều cũng phải tăng tốc để bắt kịp. Di chuyển nhanh nhẹn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của vận động viên cầu lông. Thương làm quá tốt, Kiều đã để cầu chạm đất một lần. Tâm lý của nhỏ có sự xao động, những cú đập cầu lao tới dồn dập khiến Kiều bắt đầu yếu thế. Quả cầu thứ hai chạm đất.
Lúc này mọi tiếng hò reo cổ vũ đều chĩa hướng về Thương, cô bạn đắc ý cong môi cười tựa như đã nắm rõ thắng thua trong tay. Chẳng mấy chốc sân trường chia ra làm hai thái cực, một bên đứng về Thương, bên còn lại chỉ có mình Kiều. Nhỏ siết chặt cán vợt, cố lấy lại bình tĩnh nhưng tiếng hò reo liên tục chui vào tai nhỏ, ai ai cũng ủng hộ Thương, tung hô ầm ĩ. Phút giây này Kiều cảm thấy mình lạc lõng trong biển người, bản thân như bị tách ra một thế giới riêng, nụ cười tự tin trên môi vụt tắt. Nhỏ bắt đầu mất tập trung. Quả cầu thứ ba chạm đất, Mỹ Kiều rơi vào hoảng loạn.
Thất bại ba lần liên tiếp khiến lớp phòng thủ trong lòng Kiều sụp đổ hoàn toàn, hoảng loạn, bất an, tay cầm vợt trở nên lúng túng.
Bất chợt có giọng nói quen thuộc vang lên: "Đừng bỏ cuộc!"
Chất giọng quen thuộc khiến nhỏ giật mình hoảng hốt. Mẹ đứng trong đám đông, nhìn nhỏ với ánh mắt đầy ắp niềm tin. Sự xuất hiện của mẹ như trồng vào lòng Kiều một cây cổ thụ để nhỏ có thể an tâm dựa vào. Chỉ một ánh mắt, một câu nói cũng đủ khiến nhỏ vớt lại niềm tin và hi vọng. Giữa biển người bao la chỉ có một người vẫn luôn bên đứng về phía mình, đó là mẹ. Mẹ không ủng hộ Kiều chơi cầu lông, nhưng vì muốn khẳng định mình, Kiều vẫn cứng đầu đòi giành huy chương vàng bằng được. Khi nhỏ chênh vênh sắp đối mặt với thất bại, mẹ là người đứng lên cổ vũ.
"Kiều, cố lên con!"
Cảm giác này giống hệt như ngày bé, cái ngày mà Kiều biểu diễn múa tại trường mầm non, nhỏ cũng hoảng loạn như thế này đây. Dưới sân khấu mẹ nhẹ giọng gọi: "Kiều, cố lên con!"
Sóng mũi nhỏ Kiều cay cay, nhỏ tung cầu lên đập một cú về phía đối phương. Sự trở lại của Kiều khiến đối thủ thích thú, bên kia nhanh chóng tung vợt đáp trả. Đối thủ có tốc độ vậy thì Kiều sẽ đầu tư vào lực tay và lựa chọn vị trí đập cầu thật chuẩn. Nhỏ cần có những cú chuẩn xác dứt điểm. Khi đối phương lơ là giao cầu lỗi, Kiều chọn ví trí tạt cầu đáp trả, lấy lại từ đối thủ một điểm. Sau bình tĩnh trở lại, Kiều tập trung mục tiêu hơn, nhỏ liên tục chọn những vị trí giao cầu chuẩn xác, lực tay mạnh lấy lại hai điểm từ tay đối phương. Thế trận lúc này cân bằng tỉ số.
Thầy thể dục thông báo mười phút nữa trận đấu sẽ kết thúc, hai vận động viên trên sân đều có chung một ý nghĩ phải ghi thêm một điểm nữa. Thương thả cầu thì Kiều bung cầu. Quả cầu lông bay qua bay lại liên tục, không ai muốn nhận thua. Thương dùng bài cũ tận dụng tốc độ, nhưng Kiều đã nắm chắc chiến thuật này. Nhỏ cố gắng duy trì đường cầu, đợi chờ lỗi di chuyển của đối phương rồi dứt điểm. Kiều dùng hết lực đập một cú thật mạnh, quả cầu lông bay vút đi. Thương đoán sai đường cầu nên không phản ứng kịp, kết quả để quả cầu thứ tư chạm đất. Thời gian mười phút cuối cùng cũng kết thúc.
"Mỹ Kiều thắng!" Thầy thể dục hô lên.
Nhỏ Kiều vui đến nỗi quăng luôn cây vợt rồi hét toáng lên: "Làm được rồi! Làm được rồi!"
Bà Nguyệt thấy con gái mừng rỡ nhảy cẫng lên, trong lòng cũng thấy vui lây.
Thầy thể dục ghi lại kết quả trận đấu rồi cho người dọn sân, chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. Vận động viên cầu lông giải tán mỗi người một hướng. Mỹ Kiều vẫn đứng ở chỗ cũ, cái nơi đối diện với hàng ghế dành cho phụ huynh. Nhỏ cúi người thu gom vợt bỏ vào túi rồi vác lên vai, chầm chậm bước về phía mẹ.
"Mẹ." Kiều gọi.
Bà Nguyệt trầm ngâm không đáp, chỉ cúi đầu nhìn con.
"Con cảm ơn mẹ vì đã đến xem con đấu."
Gương mặt mẹ dịu xuống, bà nhìn Kiều như muốn nói gì đó với nhỏ nhưng cuối cùng vẫn không mở lời. Hai mẹ con rơi vào im lặng. Một lúc sau bà nghe được tiếng lí nhí: "Con xin lỗi mẹ."
"Tối hôm đó con không nên lớn tiếng. Con không cố ý làm mẹ tổn thương, con chỉ muốn khẳng định mình có quyền lựa chọn..."
"Con xin lỗi mẹ!" Kiều lặp lại lần nữa.
Một lúc lâu Kiều mới nghe được giọng mẹ: "Thích cầu lông thì chơi đi."
Kiều kinh ngạc ngẩng đầu nhìn mẹ, nhỏ có nghe lầm không?
Bà Nguyệt điềm tĩnh nói: "Thích thì chơi đi, nhưng đừng để ảnh hưởng việc học."
"Đánh giỏi lắm!" Bà nói thêm.
Nhỏ nghe xong thì xúc động đến nỗi ôm mẹ khóc òa. Sau bao nhiêu nỗ lực nhỏ cũng được mẹ công nhận. Kiều cảm thấy mình đạt được thành tựu gì đó to lớn lắm, mắt nhỏ khóc mà miệng thì cười.
"Con cảm ơn mẹ."
Bà Nguyệt cúi đầu nhìn Kiều thật lâu, hai tay ôm lấy con. Cái tôi và sự nghiêm khắc được buông xuống, bà khẽ nói: "Xin lỗi con."
Xin lỗi vì đã áp đặt cực đoan, xin lỗi vì không đủ thấu hiểu, xin lỗi vì đã làm tổn thương con. Tất cả gói gọn trong một câu xin lỗi. Đó là cái tôi, là sự nhìn nhận của một người mẹ.
Mắt Kiều ầng ậng nước, tròn mắt nhìn mẹ đầy kinh ngạc tựa như không tin vào tai mình. Mẹ cúi đầu nhìn nhỏ, mỉm cười. Kiều càng khóc lớn hơn, nhỏ cảm thấy những vết thương trong lòng đã lành, đau đớn giận hờn tiêu tan đi hết. Sâu thẳm trong tâm hồn, Kiều vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nhỏ khát khao được công nhận, được thấu hiểu, được mẹ yêu thương.
Thiếu nữ mười bảy như biến thành đứa trẻ bảy tuổi đang làm nũng, nhỏ ôm mẹ thật chặt, nghẹn ngào nói: "Con yêu mẹ."
Ba chữ "con yêu mẹ" được nói bằng tất cả lòng dũng cảm của một đứa trẻ.
Thuở nhỏ chúng ta hồn nhiên vô tư nói yêu mẹ nhưng đứa trẻ nào cũng phải lớn, bước vào tâm lý tuổi dậy thì. Khi mâu thuẫn diễn ra, tuổi trẻ bồng bột xốc nổi đã vô tình làm tổn thương người thân yêu. Thời gian trôi qua, khi trưởng thành rồi mới hiểu được nỗi lòng của mẹ. Để ròi nhận ra tếng yêu thương khó nói biết nhường nào. Vì trong tiếng yêu thương còn có sự ân hận, bất lực trước lỗi lầm của mình, có cả thương xót khi tóc mẹ bạc dần, có cả tình yêu khắc sâu trong tim.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com