Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

một

Gió đêm quét dọc dãy trọ như một con chó điên đói lả, rúc rích liếm vào từng vết nứt của tường vôi, tru tréo bên những cánh cửa gỗ bị mọt xơi gần hết. Cái ngõ số 108 này từng là bãi rác công nghiệp, nay hóa thành dãy nhà trọ, hay đúng hơn là một dãy ổ chuột được dựng bằng xi măng trét vội và những tấm tôn rách nát. Ai đó còn treo lên tấm biển méo mó với dòng chữ: "Phòng trọ giá rẻ, điện nước tính riêng". Như một trò đùa cay nghiệt, bởi nơi này gọi là "phòng"cũng đã là một sự dối trá đầy tử tế.

Nhưng kẻ nghèo thì có quyền gì để kén chọn.

Người cuối cùng dọn tới đây là cậu. Một thân hình khẳng khiu như bị lột hết gân thịt, chỉ còn xương móc lại chút linh hồn chưa kịp tháo chạy. Không ai biết cậu từ đâu đến, đi bằng gì, có hộ khẩu, thẻ căn cước, giấy tờ gì không. Tóc dài rối như tổ quạ, mắt thâm, còn tay thì lúc nào cũng nhét sâu vào túi áo, như thể nếu lỡ có ai chạm trúng thì cả cơ thể đó sẽ rã ra thành nhầy nhụa.

Cậu không có phòng trong dãy trọ. Mấy căn dưới đất đã chật cả. Chủ nhà, lão Ba, vốn không cho ai ở trên tầng áp mái. Chỗ đó từng được dùng để chứa củi, sau dột quá thì bỏ không. Mái tôn mỏng như giấy thiếc, vách tường gạch rỗng có chỗ lở ra, cửa sổ bị đập bể phải dán tạm bằng miếng ni-lông bị cháy xém một góc. Vậy mà khi cậu dúi vào tay lão Ba ba tháng tiền mặt, nói chứ toàn tiền lẻ nhàu nát, có tờ còn lem máu và dấu răng cắn, lão chỉ nhổ một bãi nước bọt và gắt "Tự lo mà sống, ngã chết cũng đừng kiện tao."

Cậu không buồn trả lời chỉ khẽ gật. Vác chiếc ba lô nát buộc bằng dây giày lặng lẽ leo lên thang gỗ. Dáng đi không phải là đi mà là lết, như một thân thể cố giữ thăng bằng trên đống bùn sống.

Ngay ngày hôm sau, cả dãy đã biết đến sự tồn tại của cậu.

Người gọi cậu là "thằng ma xó". Người khác thì bảo "mặt nó trông như cái xác quấn chiếu rút chưa kịp thiêu". Có đứa ác mồm hơn gọi "thằng chột hồn" vì mắt cậu không có tiêu điểm, cứ nhìn đăm đăm vào hư vô như thể đang dõi theo một bàn tay vô hình nào đó. Không ai biết tên thật của cậu, nói trắng ra chẳng ai quan tâm. Ở đây, cái tên chả có gì quan trọng. Mỗi thân xác tồn tại như một bao da chứa tạm xương cốt và vi khuẩn. Không ai nhớ ai là ai, mỗi người chỉ là một ký sinh trùng sống bám vào cái nền nhà ẩm mốc đang rỉ nước phân mèo và nước mắm thiu.

Người ta gán cho cậu đủ mọi cái tên chỉ vì họ cần thứ gì đó thấp hèn hơn chính mình để còn cảm thấy mình chưa mục ruỗng đến đáy. Gọi như thế, để tự trấn rằng 'tôi còn khinh được người khác nghĩa là tôi chưa chết'. Dù cho chính họ, cũng chỉ là một đám rác rưởi: kẻ thất nghiệp, người trốn nợ, có đứa từng đi tù, có đứa không còn nhà để về. Ai cũng bốc mùi của bệnh, của thất vọng, của đời sống bị nghiền nát. Trong xó xỉnh này, tốt là thứ xa xỉ, còn sống được là thành tựu.

Đêm thứ mười kể từ ngày cậu đến.

Mười hai giờ đêm. Kim đồng hồ gõ từng tiếng khô khốc như rút ra từ ngực người bệnh. Tiếng gió rít qua khe tôn như ai đó đang cào lên sọ người chết. Rồi ba tiếng gõ: cốc...cốc...cốc.

Phòng số ba, là cụ già nhất khu trọ. Tóc dựng lên từng mảng như rễ cây khô lật ngược, một bên mắt trắng dã, lưng còng xuống như gù tử thi. Mỗi đêm đúng giờ ấy là bà lại gõ. Người ta bảo chồng bà từng đi lính, rồi mất xác ở biên giới. Bà chờ đến hoá điên hoá dại, bà cứ gõ để đếm thời gian, gõ để chờ, gõ như thể nếu dừng lại, linh hồn ông sẽ tan đi vĩnh viễn.

Còn y là người ở phòng số năm. Luôn là người đi ngủ muộn nhất và dậy sớm nhất. Căn phòng ẩm đến nỗi muỗi không buồn đậu. Y xếp từng cái áo còn ướt vào túi nilông, kê gối sát vách, lưng dán lên từng mảng tường ẩm nhớp. Tiếng gõ nhà của bà cụ không làm phiền y mà ngược lại, nếu thiếu nó, y có lẽ sẽ mất ngủ mất. Bởi sống ở đây quá lâu khiến y đã quen với những âm thanh ấy.

Nhưng đêm nay, có thứ đã phá vỡ mọi khuôn mẫu. Một tiếng 'rầm', như cái gì đó bị sập, cả trần gác trên rung lên như bụng con ễnh ương bị dí lửa.

Rồi một tiếng hét cất lên "Nó chết rồi! Tao bảo rồi! Không ai sống nổi trên đó mà!"

Lão Ba vác cái chổi cán gãy lao ra, mồm nhai tục "Địt mẹ mày, đừng có để tao dính án mạng nghe chưa!"

Nhưng ngay sau đó, cánh cửa áp mái bật mở. Cậu bước xuống.

Áo rách dính máu loang lổ, tóc ướt như vừa bị dìm nước, đôi mắt ráo hoảnh, môi trắng bệch, nứt từng rãnh nhỏ. Máu dính từ vai xuống ngực, loang ra cả vạt áo. Bàn tay bám vào lan can gỗ mối ăn đến mục, mỗi bước như kẻ vừa từ nấm mồ chui lên.

"Trượt tay làm đổ ghế." cậu nói, giọng nhỏ đến mức gió thổi mạnh thêm chút nữa là cuốn mất. Cậu quay lưng, từng bước leo trở lại tầng áp mái. Cầu thang rung bần bật như chuẩn bị vỡ vụn. Mỗi bước chân cậu đặt xuống như một đòn đóng đinh vào chính xác thịt mình.

Y đứng tựa khung cửa phòng năm nhìn theo. Gió từ hành lang hắt lên làm lay nhẹ tà áo sơ mi dính bụi của cậu. Lưng cậu gầy đến mức những đốt sống lồi lên như chuỗi hạt.

Sau đó y quay trở lại vào phòng, ngồi xuống cạnh chậu xương rồng nhỏ đặt bên bệ cửa sổ, bỏ lại cái thế giới chỉ toàn rác, tiếng người ta rên rỉ, đang phân hủy, đang dần dần ăn thịt nhau.

Sáng hôm sau, trời mưa.

Loại mưa dai như nước mắt trẻ con, chẳng dữ dội đâu, nhưng cứ rơi mãi, rơi mãi. Mái tôn nơi tầng áp mái rỉ nước từng giọt đều đều, chính xác như kim đếm giờ trong phòng phẫu thuật. Tiếng nước chảy xuống những chậu nhựa vỡ như mưa gõ lên sọ người bệnh lâu ngày chưa chôn.

Y đi ngang qua, nhìn cánh cửa trên tầng áp mái. Cánh cửa tuy không khóa, nhưng y cũng không mở. Y chỉ đứng đó một lát rồi bước đi. Trong bụng có thhứ gì đó cứ nhói lên, không rõ là thương, là sợ, hay là nỗi bất lực của một kẻ cũng đang dần thối rữa.

Buổi chiều, y tan làm về, tay cầm theo một bát cháo nóng. Là cháo trắng, loãng, nấu bằng nước vo gạo và vài cọng hành khô. Không ai bắt y mang nó lên, chỉ là, có lẽ, y không chịu nổi thêm một đêm nghe tiếng ai đó chết dần ở phía trên đầu nữa.

Y goc nhẹ ngón tay vào ván gỗ: cụp...cụp...cụp .

Một lúc sau cửa mở. Cậu đứng đó, mắt trũng sâu, xương gò má nhô ra rõ rệt, môi nứt, tay run.

Y giơ bát cháo ra: "Cho cậu." Rồi hỏi "Cậu tên gì?c giọng vừa đủ để nghe, như sợ nếu nói to quá sẽ vỡ tan cái khoảng lặng đang vắt ngang hành lang chật hẹp giữa hai tầng đời không mấy khác biệt.

Một lát cậu mới khẽ đáp "Choi Beomgyu."

Y gật đầu không hỏi gì thêm. Cậu nhận lấy bát cháo bằng cả hai tay, lạnh, khô, rớm máu ở móng. Y quay lưng vừa dợm bước đi thì sau lưng vọng khẽ tiếng.

"Cảm ơn."

Dễ đến cả tuần, đây là câu nói tử tế đầu tiên bật ra từ căn áp mái.

;

Vài hôm sau, giữa trưa nắng rọi vào dãy trọ như dội lửa vào những lớp tôn gỉ sét, khiến không khí bên trong nồng lên mùi mồ hôi người trộn với sơn tường mục và nước tiểu mèo khô két trên nền gạch. Y đang ngủ gà ngủ gật thì có tiếng gõ cửa. Lúc ra mở thì thấy cậu đứng đó, đôi mắt hõm sâu hơn mấy hôm trước, bóng đổ dài ra hành lang, lẫn với bóng của dây điện chằng chịt và vết loang từ trần dột nước mưa, tay ôm một bọc gì đó đen sì như thứ rác bị chó tha về. Một thứ hỗn tạp giữa rác bị quẳng ra từ nhà thờ họ và bao tử động vật bị quên trong sọt rác cả tuần. Mùi tỏa ra từng đợt, thứ mùi của sữa chua lên men, bã thức ăn thiu vón cục, mắm cá trích bốc hơi giữa trời oi xộc thẳng vào mũi như một cú đấm thối hoắc. Cậu cúi đầu, cánh tay run rẩy ôm chặt lấy bọc đó như ôm một đứa trẻ chết lưu. Móng tay bám vào vải rách, để lộ những vết xước đỏ viền đen đã chuyển mủ. Da cậu tróc vảy thành từng lớp, những vết đỏ li ti kéo dài từ cổ tay lên tới vai, có thể là do dị ứng, hoặc là vết giòi đẻ từ vết thương chưa lành. Có chỗ sưng mủ, có chỗ lõm xuống như bị rút thịt. Cái quần thể thao rách đến bẹn, lòi ra một mảng đùi xanh tím vì dập, chân không mang dép, đế chân dính đất, dính cả máu.

"Cái này là tôi nhặt được." cậu nói, đưa bọc vải về phía y.

Y nhận lấy. Là một túi nilông nhàu nhĩ, thứ nhựa rẻ tiền đã ngả màu vàng úa, nhớp nháp như thứ người ta thường dùng để bọc xác mèo chết đem vứt ra sau lò gạch. Bên trong là mớ gì đó không rõ hình thù: có vẻ là gạo, bị ẩm, mốc xanh xen lẫn những vệt trắng như bọt rữa. Mùi khú, ngai ngái, nồng nặc mùi xác chết mục dưới mưa. Trộn cùng là vài mẩu bánh mì đã khô cứng, xám ngoét như mẩu xương thừa của kẻ ăn mày lượm được. Nằm lọt thỏm trong đống ấy là một củ hành tím, nhăn nheo như trái óc chó, vỏ đã bong, lõi thối từ trong ra, hệt như những linh hồn trong khu nhà trọ này.

Mùi hôi thì khỏi phải bàn, ở cái dãy trọ này, mùi ấy đã thành một phần không khí, nhưng điều khiến y khựng lại không phải túi đồ mà là cái cách cậu đưa nó.

Cả hai tay nâng lên, run rẩy, yếu như một nhành cỏ úa. Cậu không nhìn y mà đôi mắt lại cụp xuống, dán vào nơi có vết máu từ chính chân cậu. Ngón chân lòi ra khỏi chiếc dép nhựa rách, sưng đỏ, mưng mủ ở mép vết nứt, thứ máu không còn tươi, chỉ là bợt bạt như thể chảy ra từ thân thể đã cạn kiệt hết ấm nóng.

Y chợt thấy tay mình nặng trĩu vì cái cách con người đưa đi chút lương thực rác rưởi mà vẫn phải cúi đầu, vẫn phải sợ hãi, như thể mình là thứ đáng xấu hổ nhất ở đây chứ không phải cái túi đang bốc mùi kia.

Y đứng lặng một lúc, tay vẫn giữ lấy chiếc túi nilông mốc meo sũng nước rã. Trong cái hơi nóng đặc quánh của trưa hè, giữa hành lang ám mùi ẩm mốc và uế khí tích tụ từ hàng tháng chưa cọ rửa, thứ duy nhất còn rõ ràng trong đầu y lúc này là ánh mắt của cậu, một ánh mắt vừa biết ơn, vừa nhục nhã đến độ không còn chỗ nào để mà rơi nước mắt.

"Cho tôi nửa bát nước nóng được không" cậu nói, khẽ, như đang xin thêm một miếng chỗ đứng cuối cùng trong cái thế giới mà chính cậu cũng chẳng biết có còn được quyền tồn tại không.

Y không đáp. Quay vào lấy cho cậu. Chỉ là nửa bát nước nóng, nhưng cái tay y múc nó ra lại run lên liên tục. Nào phải vì nước nóng quá, mà vì cảm giác vừa chạm vào một mảnh người đã rã rời đến tận gốc rễ mà vẫn cố níu mình đứng dậy để 'cảm ơn' bằng tất cả những gì lượm được từ rìa rác.

Lúc y mang ra cậu vẫn đứng đó, tay vẫn vòng lấy bọc đồ như ôm một linh hồn tội lỗi vừa đào lên từ đáy cống. Cậu đón lấy tô nướcrồi xoay người.

Nhưng bước chưa được hai nhịp, cậu khựng lại.

"Bữa cháo hôm trước" cậu dừng một nhịp như thể phải vét sạch can đảm mới dám nói tiếp "Tôi ăn ba ngày mới hết. Cám ơn nhé"

Giọng cậu khô như giấy ráp, méo xệch vì cổ họng đã mưng mủ. Nhưng từng âm một, y đều nghe rõ. Không phải vì âm lượng mà vì chính cái sự gắng gượng để thốt lên ba chữ đơn giản đó, trong một không gian nơi lòng biết ơn là thứ bị chà đạp cho đến hôi thối.

Y nhìn theo bóng cậu khuất dần lên cầu thang áp mái. Mỗi bậc cầu thang là một cái xương mục rung lên cọt kẹt. Cái bóng ấy nhỏ, méo mó, lết dần vào cái chuồng gỗ tôn nóng như lò thiêu.

Đột nhiên, mùi từ chiếc túi nilông được đặt bên cửa không còn khiến y thấy buồn nôn nữa. Nó vẫn thối, vẫn khú, vẫn là một thứ hôi hám đến rã ruột nhưng y thấy mình không đủ tư cách để bịt mũi.

Vì đôi khi, cái khốn nạn nhất không nằm ở mùi. Nó nằm ở cách một con người vẫn gắng làm điều tử tế, trong lúc bản thân đã bốc mùi như xác chết ba ngày chưa chôn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com