Chương 9
Tay tôi run, suýt nữa thì đánh rơi khay trầu. Tôi nghe thấy tiếng ù như cái tiếng vô tuyến lúc nó mất sóng, văng lại những từ vừa rồi của bà. Tôi biết bà thương ông Vũ, nhưng tôi chẳng nghĩ bà sẽ cho phép hai anh ấy yêu nhau.
Mẹ tôi với các thím vẫn hay buôn chuyện, bảo là cả cái họ này trông chờ vào ông Vũ lắm. Ổng là cháu đích tôn, tương lai cho cả dòng họ này tươi sáng là nhờ thằng cháu ở bên trời Tây. Trách nhiệm ông Vũ gánh trên vai, đó là cả một cái dòng họ, là thứ đè nặng lên đôi vai của anh tôi năm anh 19 tuổi. Nên tôi chẳng nghĩ bà sẽ để cho chuyện đó dễ dàng thế. Tôi chỉ dám lặng yên đứng ngoài cửa để tiếng than của bà vãi vang lên. Bà tức tưởi bên di ảnh ông nội, hết gọi tên ông lại gọi đến tên Châu Kha Vũ, rồi lại gọi đến cả cái xã hội này sao lại như thế?
Như thế là như nào? Tôi băn khoăn.
Lát, tôi thấy bà ngừng khóc mà nằm quay vào trong. Chắc bà cũng mệt, thoát vị đĩa đệm làm lưng bà đau suốt mấy ngày trở trời. Đợi cho tiếng nấc ngừng hẳn tôi mới dám đi vào. Tính tôi vốn chẳng hợp bà, nên cũng chẳng biết nói gì, cứ cố quẹt quẹt cái dép cho kêu để bà biết có người vào. Tôi lay nhẹ vai bà, nghe thấy bà rít lên vì đau.
"Đéo mẹ, đau cái thân tao!"
Thế rồi quay ra mới thấy người lay bà là tôi chứ không phải thím Nguyệt, bà mới thôi bớt cộc cằn. Bà vãi khều tay tôi, ý bảo tôi đỡ bà dậy. Định bụng bảo bà cứ nằm đấy cho khỏi đau, nhưng bà cấu lấy cổ tay tôi chắc nịch, bà vòi dậy bằng được. Để bà ngồi tạm lên cái gối, tôi nghe bà kể chuyện.
Tôi thì lớn tướng ra rồi, bà sẽ chẳng kể chuyện cổ tích. Tôi nghe bà kể chuyện ngày xưa ông bà yêu nhau. Chuyện này bà kể nhiều rồi, đến nỗi tôi thuộc đến từng chi tiết của nó. Rằng ngày xưa ông tôi là con nhà gia giáo, còn đi dạy học cho trường làng trước khi vào Nam đánh Mĩ. Bà tôi lại chỉ là con nhà nông, có mỗi củ sắn còn phải nhường cho em thì lấy đâu ra tiền mà đi học. Ngày ấy ông bà đến với nhau, chẳng có ai chấp nhận. Người ta chê bà tôi hám của, người ta chửi ông tôi bằng những từ tôi chẳng dám nhắc. Ông bị ép cưới người khác, bà bị đẩy ra huyện mà đi làm mướn. Khi đó cứ tưởng chỉ cần thế là xong, nào ngờ đâu ngờ đâu đến ngày cưới ông tôi bỏ vào Nam, nhất quyết đòi lấy bà tôi, nếu không thì ông không về. Thấy ông quả quyết, hai bên cũng đành đồng ý để hai người lấy nhau.
Rồi bà chỉ kể mông lung đến đấy, đoạn sau bà chẳng bao giờ nhớ rõ để kể. Chỉ là tôi mỗi lần nghe đều luôn chăm chú, nên nhiều khi tự vẽ ra đủ viễn cảnh thật sến súa cho "cái kết" của câu chuyện. Bởi vì tình yêu của ông bà, sau khi trải qua biết bao khó khăn, hai người đã đến được với nhau. Cho nên đó là một tình yêu đẹp, một tình yêu mà tôi luôn xin cho nó một cái kết viên mãn. Đoạn tôi nghe bà lầm bầm, thêm mấy lần lầm bầm nữa, tiếng bà rõ dần.
"Anh Vũ mày thương thằng kia lắm nhỉ?"
"D-dạ?"
"Châu Kha Vũ ấy, nó thương cái thằng Nguyên gì đấy lắm hả mày?"
À, tôi ngớ người. Hẳn là bà vãi bận tâm lắm, bà mới hỏi tới cả tôi. Thuận mồm, tôi đáp một tiếng "vầng", bà lại tiếp.
"Thế thằng kia có thích anh mày không?"
Chẳng cần suy nghĩ, tôi đáp lại bà thật rõ ràng chữ "có" đến mức nói ra rồi tôi còn hơi ngớ tự hỏi tại sao lại nói thế. Bà trầm ngâm thêm lúc nữa, bà hỏi.
"Nó có thương anh mày không?"
"C-con không biết"
Tôi không biết, thật sự là không biết. Chữ "thương" nó rộng hơn chữ "thích" cả nghìn lần. Làm sao tôi chắc được anh Nguyên có thương anh Vũ không chỉ qua những ánh mắt ngọt ngào của hai anh, hay là những cái ôm mà tôi trông thấy từ xa?
"Ừ. Đến bà già này còn không biết." Được một lúc, bà bốc lấy miếng trầu bỏ vào miệng nhai. Mùi trầu cay phảng phất trong không khí, tôi tự nhủ nó cay lên mắt bà, nên bà mới khóc tiếp.
"Anh mày nó thương thằng kia lắm. Nó quỳ nó xin tao cho cưới thằng kia. Anh mày thương thằng kia như thế, mà chúng nó chửi anh mày." Bà khóc rống lên, vừa than vừa khóc mấy tiếng hu hu như trẻ con. Tay bà đấm thùm thùm vào ngực, bà ho sặc sụa rồi nhả miếng trầu ra. Tay còn lại bà chỉ ra ngoài cửa, ý đuổi tôi ra ngoài. Đến lúc chẳng còn thấy bóng bà nữa, tôi vẫn nghe tiếng khóc của bà.
"Anh mày thương thằng kia như thế, mà chúng nó chửi anh mày."
***
Chiều ấy tôi không về nhà luôn. Chiếc xe đạp cũ lạch cà lạch lạch chạy trên con đường đất, tôi mò đến gốc cây xoan trên bờ đê cuối làng. Buổi chiều chỗ này hút gió, gió thổi thốc vào tóc tôi, làm cho nó rối mù cả lên. Gió thổi lên tán cây, lá xoan rì rào như thì thầm với tôi. Nó giục có gì thì mau nói đi, lúc nào có tâm sự tôi chẳng mò ra đây. Ừ, đúng là tôi có thật. Tôi ôm cả đống suy nghĩ từ lúc ở nhà bà vãi rồi. Từ lúc tôi trộm nghe bà tức tưởi chửi cái đời, cái xã hội này.
Bé đến giờ tôi được ra Hà Nội hai, ba lần. Không nhiều, nhưng tôi đều nhớ rõ mỗi lần được bước chân đến đất tỉnh, nhớ cả cảm giác ngưỡng mộ và thật xao xuyến khi về với Thủ đô, ngắm nhìn những con người sành điệu ở đó. Khác với "xã hội" của tôi, một vùng quê lạc hậu và thậm chí vẫn còn những tư tưởng cổ hủ.
Tôi hiểu ý của bà vãi khi chửi thói đời, nhưng tôi sợ không dám nói vì nó như nhạo báng quê hương mình. Tôi cố tìm lý do thông cảm cho họ, vì họ cả đời chỉ gắn bó với mảnh đất này, chẳng được đi đâu xa để mà hiểu được bên ngoài đã chẳng còn dè bỉu tình yêu đồng giới như họ nữa.
Thế thì ai sẽ là người thông cảm cho anh tôi?
Tôi nhớ cái dáng ngồi bệt trước hiên của ông Vũ, nét mặt rưng rưng như muốn khóc khi ấy. Đó là một Châu Kha Vũ mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy, một người anh đã luôn tỏ vẻ lãnh đạm và vờ như sẽ chẳng có thứ gì làm anh gục ngã. Anh quỳ xuống xin bà tôi cho anh được cưới người anh yêu. Tình yêu làm anh gục ngã, hay cũng có thể nó cho anh sức mạnh để có ngày anh dám hạ cái tôi xuống mà đấu tranh cho tình yêu của mình.
Tình yêu của anh, Trương Gia Nguyên.
Tình yêu của ông Vũ cao cả như thế, thì liệu tôi có xứng để nói rằng mình thật lòng thích anh Nguyên? Ngẫm lại, dù tôi luôn miệng bảo mình thích anh Nguyên nhiều lắm, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể hi sinh bản thân mình cho anh nhiều như ông Vũ làm. Tôi không xứng. Thế tại sao tôi phải ghen, phải ganh với ông Vũ làm gì? Tôi rối mù cả lên.
Tán lá xoan rì rào, tôi chợt nhớ đến Hà Nội. Phải rồi, như Hà Nội. Tôi ngưỡng mộ đất thành thị nơi có những phồn hoa, những tư tưởng thoải mái, những con người sành điệu, ngưỡng mộ Hà Nội từ tận đáy lòng.
Như tôi đang ngưỡng mộ anh Nguyên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com